Lâu nay, tôi tự hứa với mình là sẽ không nói ra những điều không vui đã xảy ra trong đời mình. Tôi giữ im lặng vì nghĩ rằng, khi nói ra những điều liên quan đến tư cách của một người đang sinh hoạt trong cộng đồng rất dễ gây ngộ nhận, đặc biệt là đối với anh em đồng môn Trường Võ Bị Đà Lạt. Tuy nhiên, trong đời sống có những chuyện không muốn, nhưng người ta vẫn phải làm, phải nói vì lợi ích chung. Trong khi trò chuyện với người bạn cùng khóa qua điện thoại, tôi có hỏi về việc Lê Đình Thọ (Khóa 28) lấy tư cách gì mà chen vào vấn đề nội bộ Khoá 22 trên internet của vài chiến hữu bên Florida . Luôn miệng tôi cũng kể cho anh bạn nghe về những năm tôi và nhân vật này ở chung một trại tù. Vì với tôi, tên Lê đìnhThọ đã in sâu vào tiềm thức dù chỉ có 3 năm ở tù chung với anh ta. Câu chuyện xảy ra bắt đầu vào khoảng cuối năm 1976. Tôi đi tù 9 năm ở trại Gia Trung nằm trên Quốc lộ số 19 Pleiku. Ở đội 3 trong trại K1, tên cán bộ quản giáo thấy tôi có học, viết chữ dễ đọc nên đã chọn tôi làm Thư ký cho đội. Một hôm đội chúng tôi nhận thêm 10 tù nhân mới từ Sài Gòn chuyển đến với tội danh "Vượt biên". Trong số tù này có hai thanh niên tuổi cở 25-27.Số còn lại thì trung niên trở lên. Khi làm danh sách tôi mới biết hai thanh niên kia một người tên là Phùng công Phước (K.26) và người kia tên Lê đình Thọ (K.28 Võ Bị Đà Lạt). Tôi rất vui mừng khi biết như vậy và đã giới thiệu với họ tôi Khóa 22. Chúng tôi cảm thấy gần gũi, tự nhiên và thân nhau ngay trong câu chuyện trao đổi những ngày sau đó. Là người đến trại trước, tôi đã chỉ vẽ họ tất cả những kinh nghiệm mà mình đã sống tại Gia Trung. Tôi nói cho họ biết ai xấu, ai tốt trong cái xã hội thu gọn mấy chục người này, để họ biết mà đề phòng khi giao dịch. Thấy hai thằng đàn em mới đến xanh xao, thiếu dinh dưỡng nên tôi động lòng. Nhân dịp mới được bà chị lên thăm nuôi, có đồ ăn ngon, tôi kêu hai thằng lại ăn chung để chia sẽ ngọt bùi với nhau. Hành động này đã trái với nguyên tắc tôi tự đặt ra là: “Không ăn chung với bất kỳ ai”. Nguyên tắc này là kinh nghiệm tôi học được khi chứng kiến cảnh tố khổ nhau chỉ vì miếng ăn. Hơn nữa , tôi cũng biết cái miệng mình không được kín đáo như thiên hạ, từ khi bị bắt tại cư xá Thanh đa hồi tháng 8/75, tôi đã không khai thật những gì mà tôi đã làm trước ngày 30/4/75. Nên tránh không trình diện Học Tập Cải Tạo, nhưng rốt cuộc rồi cũng bị bắt… Một hôm, thằng cán bộ quản giáo kêu tôi ra “làm việc”. Nó nói với tôi: “Anh làm đội trưởng nhé?”. Tôi hỏi: “Tại sao cán bộ lại muốn thay đội trưởng?”. Nó nói: “Cái anh L. này lười lắm! Không chịu đôn đốc các anh trong đội làm việc.” Tôi hoãng kinh, vì thằng này khoái mình cho nên mới nói như vậy. Tôi không thích làm đội trưởng, nên từ chối bằng cách nói với nó là bị bệnh sốt rét cứ lên cơn hoài, sức khỏe rất yếu, không thể làm được. Tên cán bộ hỏi: “Thế thì anh biết trong đội có ai “tốt” và “siêng năng” có thể làm đội trưởng được?". Tôi không ngần ngại trả lời ngay: “Có anh Lê đình Thọ và anh Phùng công Phước là khỏe và tốt. Cán bộ chọn ai cũng được!” Trong thâm tâm tôi, vì muốn cho anh em trong đội sống yên ổn và thoải mái, nên đưa “gà nhà” của mình lên thì còn gì hay bằng? Như vậy hay hơn là để cho nó chọn phải cái thằng “ác ôn” nào đó, thì còn gì đau khổ hơn trong cuộc đời “cải tạo” không ấn định ngày về này? Cũng nên biết là đội 3 chúng tôi có nhiều người thuộc thành phần trí thức, khoa bảng thuộc loại “chân yếu, tay mềm”. Trong đội có 2 Linh mục,1 Tuyên úy Phật giáo, 2 Giáo sư đại học,1 Bác sỹ,1 Kỷ sư,1 Tỷ phú,1 Chủ tịch hội ký giả miền Nam, các Văn nghệ sĩ, Ký giả nổi danh và một số vượt biên, phản động, sĩ quan không trình diện cải tạo. Đa số họ đã lớn tuổi và không quen lao động chân tay. Mấy thằng cán bộ quản giáo cũng hiểu hoàn cảnh đó, nên đội 3 của chúng tôi gần như được châm chước chút đỉnh nên anh em tù kháo nhau là đội… “Hoàng gia”. Nhưng tất cả đã biến cái vốn là địa ngục thành một thứ “địa ngục nâng cấp” ” chỉ trong vòng vài tuần, sau khi hai thằng đàn em mà tôi đề nghị lên làm đội trưởng và đội phó. Trong dịp này nại cớ vì đang bị bệnh sốt rét hành,tôi xin nghỉ làm Thư ký luôn. Khi Lê đình Thọ lên làm đội trưởng thì tuần lễ đầu tiên đêm nào đội cũng họp, phê bình kiểm điểm, lập kế hoạch, phương án, chỉ tiêu… toàn những danh từ xa lạ. Điều mà trước đó chưa xảy ra. Rồi những tuần lễ kế tiếp là “lao động mệt nghĩ”. Hai người đàn em của tôi luôn luôn “đi sâu, đi sát” mấy ông già kiểm soát từng nhát cuốc để bắt họ lui về cuốc lại nếu thấy còn quá cạn. Và từ “chỉ tiêu” từ 150 mét vuông được ông đội trưởng tăng dần lên 200 mét vuông một ngày. Trên đất đồi núi Cao nguyên, với sức khỏe của tuổi 30 như tôi mà đã lè lưỡi ra, muốn hộc máu tươi. Thì thử hỏi những ông Cha, Giáo sư, Nhà văn, Bác sĩ làm sao mà theo kịp? Vì vậy họ phải cuốc dối dối để còn theo kịp hàng ngang khỏi bị bõ rơi phía sau. Nhưng những tiểu xảo này đâu có qua mắt được hai tên xuất thân từ một quân trường danh tiếng, nên họ bị bắt phải bắt đầu cuốc lại. Hãy tưởng tượng cái hoạt cảnh này hằng ngày lập đi, lập lại hoài có ai mà chịu cho thấu!? Những lúc chúng tôi cuốc đất như vậy, thì mấy tên cán bộ quản giáo ngồi trong chòi xa xa, chớ chúng có bao giờ ra ngoài nắng để hối thúc tù “lao động tốt” đâu? Nhưng tôi thật không hiểu động cơ nào đã thúc đẩy hai anh chàng đội trưởng và đội phó quá hăng say trong nhiệm vụ cứ thúc bách bắt những người bạn tù của mình phải đi đầu “tiên tiến” như vậy? Mâu thuẫn hơn nữa là tên cán bộ gốc Hà Tỉnh"xuề xòa" này, trước đây coi chúng tôi cuốc đất, phá rừng, ít khi nó soi mói chúng tôi cuốc sâu hay cuốc cạn, lâu lâu nó chỉ nhìn chúng tôi nói: “Các anh lao động như thế là không đủ ăn đâu nhé!”, rồi bỏ vào trong chòi ngồi đấu láo với mấy thằng khác. Nó chẳng hề la mắng chúng tôi một tiếng nặng. Cho nên theo tôi biết, chuyện phê bình kiểm điểm hàng đêm không phải do thằng cán bộ này vẽ ra. Và chuyện thúc giục cuốc đất cho đạt chỉ tiêu, cuốc đất “có chất lượng” chắc chắn cũng không phải của nó. Nếu có thì từ lâu nó đã chỉ thị cho chúng tôi làm rồi, đâu đợi cho đến lúc Lê đình Thọ lên làm đội trưởng? Chúng tôi đã quá mệt mõi, cơ thể rã rời sau mỗi ngày cuốc đất cực khổ. Riêng cá nhân tôi vì đôi lúc phải cuốc rộng ra hai bên cho hai người bạn tù già yếu nên tinh thần lẫn thể xác quá rũ rượi. Từ đó, tôi cũng không còn giao dịch hay nói chuyện với hai tên "khoá đàn em" nữa. Với cuộc sống ban ngày thì cuốc đất trối chết, đêm về lại phải ngồi nghe hai tên Thọ và Phước luân phiên nhau “tập ăn nói trước công chúng”. Hai người họ phê bình hết người này đến người khác, mà chẳng một ai buồn mở miệng để tự bào chữa cho mình. Không khí trong đội càng ngày càng ngột ngạt, nặng nề thêm. Chúng tôi trở thành một lũ người lầm lì,chẳng ai còn dám than van với ai bất cứ điều gì.Thật kinh khiếp! Tôi thấy xấu hổ và nhục nhã, hối hận với mấy anh em bạn tù trong đội vì lỡ giới thiệu hai thằng đàn em cho thằng cán bộ quản giáo. Tôi nhìn họ ngượng ngùng lẫn xấu hổ vì mấy chữ Võ Bị Đà Lạt bị hoen ố. Và họ nhìn tôi thông cảm, vì hiểu tôi trong suốt thời gian sống chung, nên chỉ biết lắc đầu. Có vài người thân kêu tôi ra nói nhỏ: “Nhờ chú khuyên chú Thọ nhẹ nhẹ tay cho anh em một tí. Chúng tôi lớn tuổi cả, làm như thế này chắc không sống để về với gia đình được đâu!”.Tôi biết mọi người đều trông đợi nơi tôi, vì ai cũng biết hai tên này là Đà Lạt đàn em và cũng thân thiết với tôi trong thời gian qua. Nhưng họ có biết đâu trong lòng hai thằng đàn em này, tôi đã là kẻ xa lạ với chúng. Và rồi vào một bửa tối thứ Bảy nọ! Sau khi điểm danh vào phòng, tôi mở miệng đề nghị với Lê đình Thọ sau hơn một tháng không nói chuyện với hắn: “Sáng mai chủ nhật không lao động, tối nay cho anh em nghĩ ngơi một bữa đi anh Thọ”. Hắn trở mặt với tôi ngay lập tức: “Anh nói gì? Anh muốn cản trở không cho tôi sinh hoạt đội hả?” Tôi nổi nóng vì cái lối nói “chụp mũ” mất dạy hơn bọn công an phường khóm này của hắn. Lúc đó, tôi chỉ muốn cho hắn một cú đấm vào mặt, nhưng giằn được kịp thời và chỉ chưởi vào mặt hắn cho hả cơn tức giận: “Mày là cái thằng phản phúc!”. Thế là hắn lấy giấy bút ra lập biên bản và kêu thằng Phước đội phó làm nhân chứng ký tên vào. Ngay đêm đó, trong biên bản Lê đình Thọ buộc tôi đủ thứ tội với những động từ như: xúi dục, kích động, chống phá, mà tôi không biết hắn học từ cái trường nào kể từ ngày mất nước để chụp lên đầu thằng khóa đàn anh, người đã vô tình giới thiệu hắn lên làm đội trưởng chưa đầy 2 tháng. Sáng thứ hai, Lê đình Thọ lên trình với thằng quản giáo và tôi được kêu lên. Tôi phủ nhận những lời cáo buộc độc ác muốn hãm hại tôi của Lê đình Thọ. Tôi nói với tên cán bộ, tôi chỉ chưởi Lê đình Thọ vì chuyện ăn uống trước đây chứ đâu liên quan đến chuyện họp hành.Thằng quản giáo biết tôi từ lâu nên cũng tin là như vậy.Câu chuyện chìm xuồng. Tôi nghĩ, ngày nào thằng quản giáo này còn coi đội 3, tôi hy vọng tên Thọ chưa làm gì được tôi. Với bản chất hẹp hòi,nham hiểm, muốn lập công của Lê đình Thọ mà đã bao nhiêu người vì hắn mà khốn đốn. Hắn đã thi hành triệt để lệnh đã có từ lâu, là "bình bầu mức ăn", mà trước đây chúng tôi tránh né tối đa, để tất cả đội đều được hưởng đồng đều 15 ký. Nay thì ai "tốt" ăn 18ký, ai "xấu" ăn 13.5ký! Một thời gian sau đó, thằng quản giáo đội chúng tôi được lên chức về làm cán bộ giáo dục ở Trại K.3 cũng thuộc trại Gia Trung. Lê đình Thọ mừng lắm,vì với tên quản giáo mới hắn nghĩ có thể ra tay trừng phạt đối với những ai tỏ ý chống hắn. Trước tiên, tháng sau đó, mức ăn của tôi xuống còn 13.5 ký với lý do là lao đông không đạt năng suất. Kế tiếp trong những cuộc họp hằng đêm tên tôi bao giờ cũng có trong biên bản, nên tôi bị kêu lên“làm việc” ít ra mỗi tuần một lần. Riết rồi tôi bất cần, gần như không còn kiểm soát được mình nên cứ hể giáp mặt hắn là chưởi:“ Đồ khốn nạn, ăn cháo đá bát, tránh mặt tao ra!” Với những lời chưởi bới khinh bỉ vu vơ, Lê đình Thọ chẳng buộc được tội tôi để đi “mét” với tụi cán bộ, và dĩ nhiên tôi cũng chẳng làm cho thằng vô lương tâm này đau đớn chút nào. Nhưng có một điều là ai ai trong đội cũng hả dạ và vui vui. Những chuyện vui vui này được lan truyền khắp cả trại. Tôi cảm thấy như gỡ lại được phần nào danh dự cho trường Võ Bị Đà Lạt mà tôi đã từng theo học. Cuộc sống trong tù có vài xáo trộn sau đó. Đội chúng tôi được chuyển về K.3 và vẫn giữ nguyên những “nhà lãnh đạo”cũ. Chúng tôi thay đổi việc làm từ cuốc đất sang đào ao nuôi cá “bác Hồ”. Công việc này rất nặng nhọc, dơ dáy, vất vả. Trong khi mọi người còm lưng, ná thở để đào và khiêng đất, thì Thọ và Phước chắp tay sau đít, dòm ngó, đi tới đi lui hối thúc chúng tôi làm chết bỏ, nhưng cũng chỉ với tiêu chuẩn 13.5 ký hay 15ký, trong khi chúng nó vẫn ăn tiêu chuẩn 18 ký (1 thằng ăn 18 ký thì phải có 2 người bớt phần còn 13.5ký). Cho đến năm 1979, vào một buổi sáng sớm khi nghe radio phóng thanh loan tin Trung Cộng tấn công Bắc Việt, chúng tôi mừng lắm. Tôi cười hà hà khá lớn. Chỉ cười thôi! Trong lúc ấy, có một anh chàng vì quá khích động nói “đánh chết cha nó đi”. Thế là LDThọ nghe được, hắn liền ghi vào sổ và ngay sau khi đến chỗ lao động, LĐT gặp tên quản giáo báo cáo liền. Tôi bị kêu lên “làm việc”trước, LĐT nhìn tôi mặt đầy vẻ đắc chí. Khi gặp thằng cán bộ tôi nói với nó, tôi cười “Tại vì có anh bạn nằm kế bên thường hay đùa giởn với nhau. Sáng nay ảnh “cù lét” vào người khi tôi đứng xếp mùng, chứ tôi đâu có nghe biết gì tin tức từ loa phóng thanh đâu? Chắc anh Thọ có thành kiến với tôi mà báo cáo sai đó thôi”. Ai buộc tội vì những tiếng cười phải không? Thế là tôi thoát nạn .Còn anh bạn nói “đánh chết cha nó đi” thì“làm việc” rất lâu, rồi được dẫn về trại để gặp cán bộ giáo duc. Đến trưa về, chúng tôi không thấy anh bạn đó ở phòng, mà đã vào nằm nhà kỷ luật rồi! Đây là thành tích của Lê đình Thọ đã đưa được người bạn tù vào nhà kỷ luật vì một câu nói lững lơ... Sau khi anh bạn kia vào “nghĩ mát” trong nhà kỷ luật, tôi để ý thấy Thọ ngồi chăm chú viết mấy đêm liền. Đến ba bửa sau, trực trại đọc tên tôi nói khỏi đi lao động, ở nhà để gặp cán bộ giáo dục “làm việc”. Nghe như vậy, tôi biết chắc đây là sản phẩm của Thọ sau mấy đêm cặm cụi viết báo cáo. Khi tôi lên gặp cán bộ giáo dục, thì đúng ngay cái thằng quản giáo cũ của tôi. Tôi mừng thầm trong bụng, vì thằng này hình như có cảm tình đối với tôi trước đây. Nhưng tôi vẫn chuẩn bị tinh thần để đối đáp. Sau khi đọc xong tờ báo cáo dài, tên cán bộ mới nói với tôi rằng: “Tôi biết anh Thọ có vấn đề với anh từ trước bên K1,nhưng anh hãy nói rõ cho tôi biết chuyện này. Đây là sự việc rất nghiêm trọng hiện nay giữa ta và Trung quốc. Nếu anh thấy vui thích khi nghe tin Trung quốc đánh chiếm mấy tỉnh miền Bắc nước ta mà anh cười to vui sướng, thì tội anh rất nặng. Tội này, dù tôi có cảm tình với anh cũng không giúp gì cho anh được. Anh nghe rõ chưa?". Một dấu hiệu rất tốt cho tôi. Thế là tôi giải thích cho nó cái “thời điểm” của tiếng cười hà hà của tôi nó xảy ra trước và cách nhau với bản tin từ loa phóng thanh nửa tiếng, tôi nhắc lại Lê đình Thọ là người tôi giới thiệu để cho anh ta được làm đội trưởng, nhưng vì “tính tham ăn, tham uống”đã bị tôi phê bình nặng nề nhiều lần, nên đâm ra căm ghét, báo cáo láo để hãm hại tôi. Nên tôi xin tên cán bộ cứu xét kỷ dùm và nếu được đổi tôi đi đội khác để tôi có điều kiện “cải tạo tốt hơn". Nghe vậy, tên cán bộ nói: “Để tôi xem!”. Sau đó nó không vặn vẹo gì thêm và cho tôi về. Thế là thoát nạn! (Tôi cũng xin giải thích thêm ở đây là tại sao tôi hay"cáo buộc"LĐT về chuyện"ăn uống",bởi vì đối với bọn cán bộ chính trị cai tù, tù nhân tranh chấp nhau về vấn đề "tư tưởng" mới quan trọng và cần quan tâm, chứ chuyện "ăn uống"chỉ là chuyện bình thường). Hai hôm sau, tôi được chuyển qua đội “nhà máy cưa”. Đây là đội được mệnh danh là nơi “tập trung những thành phần nguy hiểm” nằm trong hai lớp rào, có 4 vọng gác chung quanh. Nhưng đâu có ai biết đây chính là “thiên đường” của trại tù K.3 lúc đó. Chúng tôi thường được lệnh “cưa lén” gỗ quý riêng cho bọn cán bộ có chức tước để chúng đóng rương, hòm gởi về Bắc. Nhờ vậy chúng tôi được hối lộ chút ít gạo, đường để "bồi dưỡng"lai rai. Quản giáo là thằng tham ăn uống, lè phè, chẳng để ý đến ai. Còn đội trưởng là chủ một xưỡng cưa ở Biên hòa bị bắt về tội “phản động” rất dễ chịu. Đa số tù nhân trong đội cưa này có nhiều thành tích “phản động”, nhưng không thiếu một vài thằng hủi. Đội trưởng thấy tôi tự nhiên có cảm tình, nên xếp cho tôi làm một công việc tương đối nhẹ nhàng, đó là "thợ đóng đĩa”. Về đội cưa tôi vui sướng nhứt là xa được hai tên khóa đàn em quá tệ mạt. Thoát khỏi tay hai đứa này, tôi cảm giác chẳng thua gì như khi vượt biển rời khỏi VN được an toàn sau này của tôi. Tôi ở đội cưa xẻ khoảng hai năm, thì chuyển trại về lại K.1 ở đội cuốc đất, HVH,Th/tá BĐQ là đội trưởng. Tay này cũng nổi tiếng từ ngoài Bắc ở trại Nam Hà về nghề “antène” chụp mũ anh em. Nhưng theo tôi so sánh, thì HVH chỉ là hậu duệ của Lê đình Thọ về mọi phương diện. Cuối cùng giữa năm 1984, tôi được cho về trong khi hai tên tù “tiên tiến”,“tư tưởng tốt” vẫn còn được dùng ở lại để tiếp tục gieo khổ đau cho nhiều người. Sau 1990, Lê đình Thọ được qua Mỹ theo diện HO. Lúc đầu Thọ sống tại phiá Bắc San Fransico, làm nghề nails. Sau đó làm bưu điện part time, cắt cỏ...tại San Jose. Và hiện nay Lê đình Thọ đang giữ một vai trò quan trọng trong Liên Hội Cựu Quân Nhân Bắc Cali đó là Tổng Thơ Ký của tổ chức này. Những điều cần nói, cần kể tôi đã nói hết. Phần còn lại là sự phán xét của đồng hương, của các anh em cùng xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia về tư cách khả tín của Lê đình Thọ trong sinh hoạt chính trị của Cộng Đồng Người Việt Bắc Cali hiện nay. Tôi như trút được gánh nặng đã đeo đuổi nhiều năm sau khi nói ra được nỗi lòng của mình. Tâm trạng của người lính đã đỗ máu xương cho đất nước trong cuộc chiến Quốc- Cộng bị đàn em phản bội. Cuối cùng tôi nghĩ, nếu cứ mãi câm nín sẽ vô tình có lỗi với mọi tổ chức, đoàn thể quốc gia chống cộng tại hải ngoại. Nguyễn Tấn Hòe Khóa 22A Võ Bị Đà lạt Cựu Đại Uý Sư Đoàn Nhảy Dù Cựu CHT Cảnh Sát Quận Hàm Long và Quận Hương Mỹ, tỉnh Kiến Hòa.
Phụ chú: Thưa quý Niên Trưởng và các Bạn. Câu chuyện về Niên Trưởng Nguyễn Tấn Hoè Khoá 22A và Lê Đình Thọ cùng khoá với tôi là một sự kiện thật đau lòng cho những người từng quan tâm đến tình tự Võ Bị trên diễn đàn này nói riêng và tình nhân loại nói chung. Thưa quý vị, chốn lao tù khổ ải là nơi thử thách lòng can trường của những con người bất khuất và cũng là nơi bán buôn sự hèn hạ của lòng người. Qua cửa ải thần phù này, được hãnh diện nhìn thẳng vào mắt những bạn đồng tù, được ôm nhau trong vòng tay ấm áp bên ly rượu canh tàn, để rồi rướm nước mắt ôn lại những kỷ niệm đớn đau của những ngày tháng tuổi trẻ bị tàn phai trong uất hờn tủi nhục, thật là những giây phút hiếm hoi của đời người từng nếm đủ vị đắng cay như đa số anh em chúng ta. Thật đáng tiếc thay, có những người đã không giữ được lòng mình trong cơn hoạn nạn, để phải mang những tiếng thị phi đeo đẳng suốt cuộc đời. Thưa quý Niên Trưởng và các Bạn, sau khi câu chuyện của Thọ/28 được Niên Trưởng Hoè/22 đưa lên trên diễn đàn Khoá 22, tôi có lẽ là người “được” quan tâm đến nhiều nhất, vì tôi cùng ở gần San Jose, cùng khoá với Thọ và số phone của đã được phổ biến trên Đa Hiệu đi khắp các nơi. Vì “được” quan tâm đến nhiều nên tôi cũng phải bỏ công ra tìm hìểu sự việc qua những Niên Trưởng hay những người cùng ở trại tù Gia Trung cùng thời gian câu chuyện xảy ra. Qua những email qua lại của những người trong cuộc tôi xin được trích dẫn ra sau đây để quý vị có những thẩm định riêng cho mình: - Niên Trưỏng Vũ Văn Lâm, Khoá 23: ..... ...theo nhận xét của tôi Thọ là một người tù rất tiến bộ cả về tư tưởng lẫn lao động. Đó là những gì tôi biết về Lê đ Thọ. - Văn sĩ Thanh Thương Hoàng (Cưụ chủ tịch nghiệp đoàn ký giả Việt Nam ) ..... ...Ve bai biet ve LDT toi thay khong co gi sai ca ..... ...Hoi o trai GT toi cung bi LDT tru len tru xuong bi an 13.5 ky nhung toi nghi nhung nguoi quoc gia chung ta nhan tu do luong hon bon CS nhieu vi chung ta co tinh nguoi va de khoan hong tha thu . - Niên Trưởng Phan Nghè, Khoá 19: trong lúc làm cổng Nam Quan tại nhà Niên Trưởng Nghè để chuẩn bị cho Đại Hội XVI, khi nói về Lê Đình Thọ, Niên Trưởng Nghè đã tâm sự: ... Thằng nớ trong tù hắn gian ác lắm, ai cũng biết, tui ở tù chung với nó mà... Thưa quý Niên Trưởng và các Bạn, trên đây là những trích dẫn thật tế qua những email và những lời tâm sự, tôi xin trung thực đưa ra đây để quý vị cân nhắc thật hư. Dầu sao thì câu chuyện cũng đã trôi vào quá khứ, nhưng đã khơi dậy thì phải được nói lên cho rõ ràng, không nên để mập mờ hay dùng những ngôn từ không đứng đắn để che đậy hay khoả lấp sự thật. ... Và sự thật thì quá đau lòng, nhưng xin quý vị hãy bình tâm, đừng vì mẫu chuyện của những người không giữ được bền chặc của lòng mình trong chốn tù đày đói khổ của quá khứ mà quên đi những tấm lòng sắc son tỏ rạng khác của anh em Võ Bị mình Thân Kính. Minh/28
|