Bài 7: Cuộc đảo chính ngày 1.11.1963
| Sự thay đổi của tướng Đính là một trong những nhân tố then chốt của cuộc đảo chính - Ảnh: Tư liệu |
Chỉ thị ngày 24.8.1963 của Washington bật đèn xanh cho các tướng lĩnh Sài Gòn lật đổ ông Diệm không mất hiệu lực. Nó “nằm chờ thời”...
Vai trò tướng Đính
Ngày 4.9, Conein được tướng Tôn Thất Đính triệu mời. Ông Đính là nhân vật rất quan trọng trong trường hợp nổ ra một cuộc đảo chính, vì ông là nhân vật tin cẩn của hai anh em ông Diệm, và lúc đó với vai trò Quân trấn trưởng Sài Gòn - Gia Định trong thời gian thiết quân luật, tướng Đính nắm quyền điều binh khiển tướng trong tay.
Tại buổi ăn trưa mà những binh lính thuộc quyền của tướng Đính luôn chĩa mũi súng về phía Conein, thái độ của ông Đính có vẻ thất thường. Trước hết, tướng Đínhyêu cầu Conein cho biết là có chăng một âm mưu chống lại ông, rồi sau đó, lại trách Conein sao không liên hệ với ông kể từ khi ông được ông Diệm giao trọng trách giữ an ninh cho Sài Gòn. Conein nói là đã có thử vài lần đến thăm, nhưng phụ tá của tướng Đính đều nói là chỉ huy của họ rất bận. Tướng Đính cho gọi ngay viên phụ tá và sạc cho một trận. Conein đã biết tướng Đính từ nhiều năm nay, nay nhận xét là nhân vật này đã hoàn toàn thay đổi và sau 4 giờ nói chuyện, Conein nhận định là chỉ cần khích tướng chút đỉnh là tướng Đính có thể tham gia trò chơi quyền lực.
Điều lo lắng để đối phó với 5.500 tay súng thuộc lực lượng trung thành với chế độ đã được giải tỏa, khi tướng Đính đồng ý tham gia cuộc đảo chính, và là đòn “hiểm” đánh vào ông Nhu khi ông cố vấn vào giờ chót đã sử dụng tướng Đính như là người lãnh đạo lực lượng chống đảo chính.
Vào hạ tuần tháng 10, tướng Khiêm lại báo cáo về những âu lo liên quan đến tin tức là cố vấn Ngô Đình Nhu có thể thương lượng với Bắc Việt Nam. Washington bật tín hiệu không còn chần chờ nữa và tướng Khiêm nói là cuộc đảo chính sẽ diễn ra chậm nhất là ngày 2.11. Ông cũng khẳng định một điều là “toàn bộ gia đình họ Ngô phải bị loại bỏ khỏi chính trường Việt Nam”.
Ngày định mệnh
Ngày 1.11.1963 cũng yên tĩnh như mọi ngày bình thường khác. Nhưng đến 13 giờ 30, tại nhánh CIA Sài Gòn bỗng có công điện ưu tiên, nội dung “đoàn quân quấn khăn quàng cổ màu đỏ từ hướng Biên Hòa đổ vào Sài Gòn, có lẽ là thủy quân lục chiến”. Tướng Đôn bảo viên sĩ quan phụ tá thông báo cho Conein là cuộc đảo chính khởi sự và yêu cầu ông ta tới ngay Bộ Tổng tham mưu, nơi đóng bộ chỉ huy cuộc đảo chính. Conein ở lại nơi đó cho đến ngày hôm sau, báo cáo tin tức liên tục cho Washington, trong khi các nhân viên CIA khác đổ xuống đường phố, quan sát cuộc biến. Thông tin đầu tiên mà Conein chuyển đi là việc bắt giữ những nhân vật trung thành với ông Diệm trong quân đội, bao gồm đại tá Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt, cùng tư lệnh thủy quân lục chiến, không quân, và nhân dân tự vệ. Conein cũng báo cáo là vị tư lệnh hải quân đã bị giết ngay phút đầu cuộc đảo chính.
Tin tức liên tục của nhân viên báo về cho thấy chạm súng tại Dinh Gia Long của khoảng 200 binh lính đảo chính với các tay súng thuộc liên binh phòng vệ phủ tổng thống. Một nhân viên CIA khác báo là có 35 xe tăng tiến về Dinh Gia Long. Conein thúc giục các tướng gọi điện liên lạc, kêu gọi ông Diệm đầu hàng để được an toàn tính mạng. Để tránh tình trạng dây dưa, câu giờ chờ viện binh như lần đảo chính 11.11.1960, các tướng thỏa thuận nếu liên lạc được với ông Diệm thì chỉ yêu cầu ông trả lời là “có” hay “không” cho đề nghị đầu hàng. Phe đảo chính cũng đã chuẩn bị không kích nếu cần thiết.
Trong khi đó, tòa đại sứ đang bối rối trước tin tức là các tướng lĩnh không chịu thương lượng trực tiếp với ông Diệm, và họ muốn ông đại sứ chuyển giao tối hậu thư cho anh em họ Ngô.
Tướng Dương Văn Minh nói với ông Nhu là ông ta có 5 phút để đầu hàng, nếu không thì tòa nhà sẽ bị máy bay oanh kích. Để làm nhụt nhuệ khí anh em ông Diệm, tướng Minh buộc đại tá Tung cùng những nhân vật trung thành với nhà Ngô nói cho ông Nhu biết là họ đang nằm trong tay của quân đảo chính. Đặc biệt, Conein muốn tướng Đính nói lâu hơn để cho anh em ông Diệm không còn gì hy vọng ở vị tướng “Tổng trấn” Sài Gòn-Gia Định mà nhất là ông Nhu, trước đó đã giao cho tướng Đính lãnh đạo một cuộc đảo chính “giả” để “gài” các tướng lĩnh (nhưng ông Đính đã tương kế tựu kế, nên đến giờ chót, ông Nhu không còn gì).
Lúc 16 giờ 30, ông Diệm gọi điện cho Đại sứ Cabot Lodge báo cho biết là có vài đơn vị quân đội tạo phản và hỏi ông Lodge về thái độ của Mỹ. Lodge trả lời là ông không đủ thông tin cũng như không nhận được hướng dẫn gì từ Washington nên chưa thể đưa ra quan điểm của mình. Thời khắc đó, mối ưu tư nhất của Lodge là sự an nguy của anh em họ Ngô, nên ông Lodge đã nói với ông Diệm rằng, nếu ông đồng ý xuất ngoại, thì lãnh đạo cuộc đảo chính sẽ để cho anh em của ông an toàn ra đi. Ông Diệm nói: “Không”.
Tới 17 giờ, tướng Minh gọi điện đến Dinh Gia Long, nhưng ông Diệm không thèm bắt máy. Ông Minh nói với Conein là đã ra lệnh oanh kích vào tòa nhà. Hai giờ sau, tướng Minh lại ra một tối hậu thư khác: Nếu ông Diệm không đầu hàng, ông sẽ cho lệnh san bằng Dinh Gia Long.
Lúc 20 giờ 20, một tiểu đoàn có thiết giáp yểm trợ tấn công Dinh Gia Long. Phe phòng vệ có 17 xe tăng và khoảng 400 tay súng thiện chiến chống đỡ. Tuy nhiên, hội đồng các tướng lĩnh đảo chính không muốn đổ máu.
Đến 3 giờ sáng ngày 2.11, một chính phủ “hỗn hợp” đã được thăm dò, với ông Nguyễn Ngọc Thơ, phó tổng thống của ông Diệm - nắm ghế thủ tướng. Tân nội các sẽ có mặt nhiều tướng lĩnh... (Còn tiếp)
|