Trở lại chuyện ông Thiệu |
Thứ Sáu, 06 Tháng 11 Năm 2009 19:35 | |||||
Ôn cố tri tân
Gần như đa số đều đồng ý rằng miền Nam Việt Nam đã bị mất một cách quá nhanh chóng, trước tiên là do trách nhiệm của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, một người đã lãnh đạo quốc gia theo cảm tính, không cần biết Đồng Minh và địch đang làm gì. Cho đến khi đã tháo chạy qua Anh quốc rồi Hoa Kỳ, Tướng Thiệu vẫn chưa nhận ra được những sai lầm của mình và tưởng rằng ông sẽ còn được Mỹ đưa ra đóng một vài trò nào đó trong việc hình thành một chế độ chuyển tiếp tại Việt Nam! Các tài liệu của CIA và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ được giải mã cho thấy tiến trình làm mất miền Nam của Tướng Thiệu được khỏi sự từ năm 1963, khi ông được CIA dùng để đánh lừa và lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sự nghiệp của ông đã đi lên từ đó, nhưng cũng từ đó, miền Nam bị đưa vào một con đường định mệnh khắc nghiệt. Những tài liệu được tiết lộ này sẽ làm bà Nguyễn Thị Mai Anh, vợ của Tướng Thiệu, và các tay chân thân cận của Tướng Thiệu buồn, những sự thật lịch sử không thể che giấu được. BỌN CÓC NHÁI CỦA CIA Trong một báo cáo mật gởi đi lúc 2 giờ chiều ngày 7.9.1963, Đại Sứ Cabot Lodge đã tường trình vối Bộ Ngoại Giao về cuộc họp giữa các viên chức Hoa Kỳ với ông Ngô Đình Nhu từ 6 đến 8 giờ 15 chiều thứ sáu 6.9.1963, trong cuộc họp này, ông Nhu có nói một câu như sau: “Nếu tôi đi, Quân Lực sẽ nắm chính phủ. Bọn cóc nhái của CIA và USIS sẽ phá hoại nỗ lực chiến tranh”. Nguyên văn câu đó như sau: “If I leave, the Armed Forces will take over the government. Ce grenouillards (which I translate as “these shemers” or “these contriver”) of the CIA and USIS will sabotage the war effort.” (FRUSS 1961 – 1963, Volume IV, tr. 131). Trong một báo cáo mật khác gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lúc 6 giờ 39 phút chiều 29.10.1963 (3 ngày trước cuộc đảo chánh) Đại Sứ Lodge có báo cáo rằng hôm 25.10.1963, ông Trần Trung Dung, cựu Phụ Tá Bộ Quốc Phòng đã nói với các viên chức CIA về khả năng và ý đồ của các Tướng Lãnh. Ông ta coi đa số các Tướng Lãnh không gì khác hơn là “các trung sĩ mang quân phục Tướng Lãnh” (He considers majority of General no more than sergeants in General uniforms). Theo ông, mặc dầu chế độ cần được thay thế, nhưng các Tướng Lãnh thiếu kinh nghiệm chính trị cần thiết để diều hành chính phủ. (FRUSS, 1961 – 1963, Volume IV, tr. 357 – 358). Những nhận định của ông Ngô Đình Nhu và ông Trần Trung Dung đã trở thành hiện thực và miền Nam đã mất. Người Mỹ cũng thừa biết các tướng Việt Nam như Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Nguyễn Khánh, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đình, Trần Thiện Khiêm, Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, v.v., chỉ là “bọn cóc nhái” của CIA hay là “những trung sĩ mang quân phục Tướng Lãnh”, nhưng họ quyết định xài, vì chỉ có những người như thế mới để Mỹ điều khiẻn và quyết định hoàn toàn số phận của miền Nam Việt Nam. Trong tác phẩm “President Kennedy, Profile of Power”, sử gia Richard Reeves đã ghi lại như sau: “Người Mỹ, vì các mục tiêu thực tế, đã cai quản đất nước. Các tướng lãnh Việt Nam cười trước các máy quay phim, nhưng lo lắng và chờ đợi tiền và chỉ thị từ Washington, thủ đô mới của miền Nam Việt Nam.” (trang 651) GIA NHẬP ĐÁM CÓC NHÁI Trong đám “cóc nhái” của CIA, có hai tướng được CIA tín nhiệm nhất, được xử dụng cho đền ngày miền Nam sụp đổ và được đưa lên máy bay đặc biệt tháo chạy với vô số vàng bạc đem theo để sống vinh thân phì da ở hải ngoại, đó là Tướng Trần Thiện Khiêm và Tướng Nguyễn Văn Thiệu. 1.- Trần Thiện Khiêm: Tốt nghiệp Chuẩn Úy Hạ Sĩ Quan cao cấp trường Viễn Đông khóa 1946 – 1947 và được đi tu nghiệp khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas, tại Hoa Kỳ khóa 1957 – 1958. Nhiều người tin rằng Đại Tá Khiêm đã được tuyển dụng và huấn luyện làm nhân viên CIA trong thời gian học ở trường này. Khi cuộc đảo chánh ngày 11.11.1060 xảy ra, Đại Tá Khiêm là Tư Lệnh Sư Đoàn 21 kiêm Quyền Tư Lệnh Quân Khu 5, đã đưa quân về dẹp cuộc đảo chánh này. Tướng Trần Văn Đôn tiết lộ rằng khi đem quân về Sài Gòn, Đại Tá Khiêm có tiếp xúc với Đại Sứ Mỹ Durbrow và Tướng McGarr, người cầm đầu cơ quan MACV. Hai viên chức này không hoàn toàn ủng hộ ông Diệm, nhưng đã khuyên không nên lật đổ ông Diệm, chỉ cho ông ấy một bài học như vậy là đủ rồi. Cả ông Diệm lẫn ông Nhu không hay biết Đại Tá Khiêm đã làm việc cho CIA, nên với “công trạng” nói trên, ngày 6.12.1962, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã ký Sắc Lệnh thăng Đại Tá Khiêm lên Thiếu Tướng và giao cho giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Liên Quân thay thế Tướng Nguyễn Khánh vừa được cử đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn II. Tướng Khiêm lại là một đảng viên Đảng Cần Lao nên rất được ông Nhu và ông Diệm tin tưởng. Nhưng bản phúc trình mang số OCI No. 2703/63 ngày 28.8.1963 của CIA cho biết Tướng Khiêm bất mãn kể từ khi có sự bổ nhiệm mới này, vì cũng như Khánh, Khiêm muốn đi làm Tư Lệnh Quân Đoàn để có nhiều quyền hành và quyền lợi hơn. Ông Diệm không biết chuyện đó, cứ tưởng đã làm thỏa mãn Tướng Khiêm và tin tưởng Tướng Khiêm, do đó khi muốn đảo chánh lật đổ ông Diệm, CIA đã dùng Khiêm đứng ra tổ chức và điều hành cuộc đảo chánh mà cả ông Diệm lẫn ông Nhu không có chút nghi ngờ nào. 2.- Nguyễn Văn Thiệu: Sinh ngày 5.4.1923 tại Ninh Thuận. Tốt nghiệp Khóa Bảo Đại (Khóa I) 1948 – 1949, Trường Sĩ Quan Đập Đá ở Huế (sau này chuyển thành trường Võ Bị Đà Lạt), với cấp bậc Thiếu Úy. Năm 1951, qua sự mai mối của thân phụ của Chuẩn Tướng Lê Văn Tư, Nguyễn Văn Thiệu theo đạo Công Giáo để lấy cô Nguyễn Thị Mai Anh ở Mỹ Tho, con một gia đình công giáo danh giá. Khi theo đạo, Nguyễn Văn Thiệu lấy tên thành là Martino. Cô Mai Anh sinh năm 1930, học trường bà phước ở Mỹ Tho. Hai ông bà có 4 người con. Đại Tá Thiệu cũng đã được cho đi học Khóa Chỉ Huy và Tham Mưu tại Command and General Staff College ở Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ, khóa 1957 – 1958 với Trần Thiện Khiêm. Nhiều người cũng tin rằng Đại Tá Thiệu đã được tuyển mộ làm nhân viên CIA và đã được huấn luyện tại đây như Đại Tá Khiêm. Năm 1959 Đại Tá Thiệu lại được đi tu nghiệp tại Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Hoa Kỳ học về võ khí mới ở Fort Bliss. HÀNH TRÌNH CỦA KẺ PHẢN BỘI Năm 1962, có lẽ do sự sắp xếp của CIA, Đại Tá Thiệu đã xin gia nhập Đảng Cần Lao để được ông Nhu tin tưởng hơn. Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và là Quân Ủy Trưởng của Đảng Cần Lao, nhưng lại không có một ý niệm căn bản về an ninh và tình báo, nên đã đón nhận Đại Tá Thiệu một cách hoan hỷ. Như vậy, cả hai tên “cóc nhái” lớn nhất của CIA đều đã trở thành đảng viên Đảng Cần Lao. Trong kế hoạch xây dựng Ấp Chiến Lược, Đại Tá Thiệu đã có nhiều ý kiến rất xuất sắc nên được ông Nhu khen ngợi. Sau đó, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được cử đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Đầu năm 1963, khi thấy tình hình lộn xộn, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa Đại Tá Thiệu về làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 đóng ở Biên Hòa thay thế Đại Tá Nguyễn Đức Thắng, mặc dầu về quân sự Đại Tá Thắng có nhiều kinh nghiệm hơn Đại Tá Thiệu nhiều. Đây cũng là lý do đã khiến Đại Tá Thắng bắt mản. Do đó, khi được phe đảo chánh móc nối, Đại Tá Thắng nhận lời ngay. Đại Tá Thiệu được ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chánh. Ông Nhu không hề hay biết Đại Tá Thiệu là người của CIA. Bản báo cáo ngày 29.10.1963 của Hilsman, Phụ Tá Bộ Ngoại Giao về Viễn Đông Vụ, cho biết lực lượng đứng về phe đảo chánh lúc đó gồm có: (1) Hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. (2) Không Quân, (3) Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung của Tướng Mai Hữu Xuân. (4) Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa, cách Sài Gòn khoảng 20 dặm. Vì biết rõ hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến không thể khống chế Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống, Tướng Trần Văn Đôn đã liên lạc với Thiếu Tá Vĩnh Lộc chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp ở Vũng Tàu, yêu cầu đưa Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đang được thụ huấn tại đây và một đơn vị thiết giáp do Thiếu Tá Nguyễn Văn Toàn và Đại Tá Phan Hòa Hiệp chỉ huy, về Sài Gòn tiếp ứng khi cuộc đảo chánh bắt đầu. Lúc đó ở Sài Gòn, ngoài Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống gồm khoảng 2.500 quân với võ khí tối tân, còn có khoảng 1.840 quân thuộc Lực Lượng Đặc Biệt rất thiện chiến, khó đánh thắng được. Vậy vấn đề là làm sao di chuyển được Lực Lượng Đặc Biệt ra khỏi Sài Gòn và đưa Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu và thay. Một tuần trước ngày đảo chánh xẩy ra, Tướng Trần Văn Đôn đã vào trình Tổng Thống Diệm rằng các tin tình báo cho biết một số đơn vị Việt Cộng đã xâm nhập vào vùng ven đô. Đặc biệt tại khu Hố Bò ở Củ Chi, Gia Định, phía Tây và Tây Bắc Sài Gòn. Tướng Đôn xin Tổng Thống Điệm cho xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt và Sư Đoàn 5 để mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng. Ngày 31.10.1963, Tổng Thống Diệm đã ký Sự Vụ Lệnh cho phép mở cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng ở khu Hố Bò. Việc thực hiện kế hoạch đánh lừa ông Diệm này khá tinh vi. Chúng tôi chỉ tóm lược các nèt chính: Có Sự Vụ Lệnh nói trên, Đại Tá Lê Quang Tung được lệnh xử dụng Lực Lượng Đặc Biệt mở cuộc hành quân giải tỏa khu Hố Bò, tức đem Lực Lượng Đặc Biệt ra khỏi Thủ Đô. Trong khi đó Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được chỉ thị đưa Sư Đoàn 5 về Sài Gòn mở “mở cuộc hành quân ven đô” với cái tên là “Cuộc Hành Quân Rừng Sát”. Theo kế hoạch, Trung Đoàn 7 sẽ về đóng tại Hàng Xanh, Trung Đoàn 8 đóng tại cầu Bình Lợi và Trung Đoàn 9 đóng ở cầu Bến Lức. Đây là lực lượng chính của quân đảo chánh. Sáng ngày 1.11.1963, khi Đại Sứ Lodge đưa Đô Đốc Felt, Tư Lệnh Thái Bình Dương, vào Dinh Gia Long thăm ông Diệm để cầm chân ông Diệm cho các tướng họp làm đảo chánh, Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu được CIA giao cho vào gặp ông Nhu để cầm chân ông Nhu. Đại Tá Thiệu đã trình bày cho ông Nhu biết Sư Đoàn 5 đang mở cuộc hành quân ven đô để tảo thanh Việt Cộng. Ông Nhu thấy yên tâm khi để cho Lực Lượng Đặc Biệt rời khỏi Sài Gòn, vì đã có Sư Đoàn 5 của Đại Tá Thiệu “bảo vệ” thủ đô! Khi cuộc đảo chánh xẩy ra, Trung Tá Lê Như Hùng, Tham Mưu Trưởng Biệt Bộ tại Phủ Tổng Thống, gọi cho Đại Tá Thiệu ở Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Nơi đây cho biết Đại Tá Thiệu đang đi hành quân. Trong khi đó, Tướng Trần Văn Đôn ra lệnh cho Đại Tá Thiệu tấn công vào Thành Cộng Hòa, nhưng Đại Tá Thiệu trả lời chưa chuyển quân tới Sài Gòn được, mặc dầu lúc đó Trung Đoàn 7 đang có mặt trên xa lộ Biên Hòa. Đại Tá Thiệu muốn xem tình hình như thế nào rồi mới quyết định hành động. Nếu quân đảo chánh thua, ông sẽ biến Sư Đoàn 5 thành lực lượng giải cứu chính phủ. Nếu quân đảo chánh thắng, ông sẽ nhảy vào ăn có để lập công. Đàng nào ông cũng được lợi. Cho đến đêm mồng 1 rạng ngày 2.2.1963, Tiểu Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến của Đại Úy Trần Văn Nhựt và Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù từ Trung Tâm Vạn Kiếp đến, vẫn không phá vỡ được Thành Cộng Hòa, Tướng Đôn đã ra lệnh cho Đại Tá Thiệu phải cho Sư Đoàn 5 yểm trợ ngay. Đại Tá Thiệu đã ra lệnh cho Trung Đoàn 7 do Thiếu Tá Vũ Ngọc Tuấn chỉ huy, Đại Đội 5 Thám Báo và một pháo đội hổm hợp mở cuộc tấn công yểm trợ. Chiếu 2.2.1963, khi ông Diệm và ông Nhu đã bị giết, Thiếu Tướng Trần Thiện Khiêm đã đích thân lên Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 ở Biên Hòa gắn lon Thiếu Tướng ngay cho Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu. ĐƯA CÓC NHÁI ĐI LÊN Sau cuộc đảo chánh ngày 1.1.1963, CIA để cho nhóm được coi là thân Pháp như Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Mai Hũu Xuân... điều hành chính phủ lâm thời. Tướng Mai Hữu Xuân được Tướng Dương Văn Minh giao cho giữ cùng một lúc ba chức vụ quan trọng nhất là Đô Trưởng Sài Gòn, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia và Giám Đốc Trung Ương Tình Báo. Với quyền lực rộng rải này, Mai Hữu Xuân đã cho đàn em đi lùng bắt những viên chức cao cấp của chế độ cũ và những thành phần bị coi là kinh tài cho Đảng Cần Lao để khảo của. Mai Hữu Xuân còn thương lượng với Việt Cộng để lấy tiền và phóng thích các cán bộ cao cấp của họ. Trường hợp của Mười Hương, trùm điệp báo tại miền Nam của Hà Nội là một thí dụ điển hình. Mỹ để cho tình hình Miền Nam suy sụp rồi ngày 30.1.1964, sai bọn cóc nhái của mình là Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Khánh, lật đổ nhóm Dương Văn Minh và lên nắm chính quyền. Theo kế hoạch của CIA, Tướng Khánh sẽ làm Quốc Trưởng bù nhìn, còn Tướng Trần Thiện Khiêm làm Thủ Tướng nắm thực quyền. Nhưng Tướng Khánh không muốn làm Quốc Trưởng bù nhìn, nên đã kiêm luôn Thủ Tướng và đẩy Tướng Khiêm đi ra ngoại quốc. Sự lộng hành của Tướng Khánh đã gây ra những cuộc rối loạn tại miền Nam, khiến phong trào Phật Giáo nổi lên cướp chính quyền và đòi chấm dứt chiến tranh. Hôm 20.12.1964, Đại Sứ Hoa Kỳ tại miền Nam là Tướng Maxwell Taylor đã gọi Tướng Khánh và một số tướng trẻ vào ăn cơm tại nhà Tướng Westmoreland. Trong buổi ăn, ông đã “xát xà phòng” như sau: “Đêm nay tại nhà Tướng Westmoreland, tôi nói rõ cho các anh rằng Hoa Kỳ không còn muốn dung thứ cho những âm mưu gây ra bất ổn nữa.” Sáng hôm sau, Tướng Khánh nói với báo chí: “Thà thanh bạch trong độc lập còn hơn tủi nhục trong nô lệ ngoại bang.”! Nhưng rồi Tướng Khánh cũng phải bị thay thế. Ngày 20.2.1965 Hội Đồng Quân Lực họp và quyết định cử Tướng Trần Văn Minh làm Tư Lệnh Quân Lực VNCH thay thề Tướng Khánh. Ngày 11.2.1965 Tướng Khánh bị đưa đi làm Đại Sứ Lưu Động. Nhưng lúc này, CIA cũng chưa muốn đưa gà Mỹ ra nắm các chức vụ then chốt, vì tình hình còn quá lộn xộn. CIA quyết định dùng một con bài thí để dọn đường, đó là Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ngày 14.6.1965, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia được thành lập do Tướng Thiệu làm Chủ Tịch, nhưng mọi quyền hành lại nằm trong tay Tướng Nguyễn Cao Kỳ, phụ trách về Hành Pháp. Ngày 19,6,1965, ban hành Ước Pháp mới. Các tướng Nguyễn Văn Thiệu, Phạm Xuân Chiểu và Nguyễn Cao Kỳ họp thành Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia. Riêng Tướng Nguyễn Cao Kỳ phụ trách Ủy Ban Hành Pháp Trung Ướng, tức chính phủ. Nhiệm vụ chính của Tướng Kỳ là ổn định tình hình, trong đó việc dẹp loạn quân Phật Giáo là chính. Ngày 3.9.1967 bầu cử Tổng Thống VNCH, Tướng Thiệu và Tướng Kỳ bị ép đứng chung cùng một liên danh. Ngày 5.9.1967, Liên Danh Thiệu – Kỳ được tuyên bố đắc cử, Tướng Thiệu làm Tổng Thống, còn Tướng Kỳ làm Phó Tổng Thống. Nhưng sau đó, vai trò của Tướng Kỳ bị làm cho yếu dần. Tháng 5 năm năm 1968, Tướng Khiêm được đưa về làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Tháng 6 năm 1968, báo Mỹ cho Tướng Kỳ “đi buôn thuộc phiện lậu”. Thế là đời Tướng Kỳ bắt đầu đi đong. Tháng 9 năm 1969, Tướng Khiêm trở thành Thủ Tướng. Thế là hai con gà Mỹ Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm trở thành Tổng Thống và Thủ Tướng “muôn năm”, nếu miền Nam không mất. Thành ra “Mưu sự tại Phật Giáo, thạnh sự tại CIA”! KHÔNG HIỂU ĐỒNG MINH Mậc dầu được chọn làm gà Mỹ, Tổng Tống Thiệu gần như không biết chút gì về Đồng Minh. Khi biến cố Tết Mậu Thân xẩy ra, ông đang ở nhà vợ tại Mỹ Tho. Tướng Kỳ phải lên đài phát thanh báo động cuộc tấn công của Việt Cộng đang diễn ra và ra lệnh cho quân đội chiến đấu chống lại Cộng Sản. Các nhà bình luận theo cảm tính thường cho rằng tình báo VNCH và Hoa Kỳ không hay biết gì kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân của Việt Cộng nên để xẩy ra những thiệt hại đáng kể. Hoa Kỳ cũng không ước lượng chính xác các thiệt hại nặng của Việt Cộng trong Tết Mậu Thân để có biện pháp thanh toán. Nhưng nói như vậy là lầm. Các tài liệu cho thấy các cấp chỉ huy của Hoa Kỳ đã được thông báo khá nhiều tin tức về Việt Cộng sẽ tấn công, như cứ phớt lờ đi vì hai mục tiêu: 1.- Mục tiêu thứ nhất: Để cho Việt Cộng xuất đầu lộ diện rồi diệt, làm tiêu hao lực lượng của địch, đẩy Hà Hội đến chỗ phải chấp nhận một giải pháp chính trị. Người ta nhớ lại, hôm trước Tết, Sư Đoàn 1 Không Vận của Hoa Kỳ đã được chuyển từ An Khê ra Huế. Chính sư đoàn này đã giúp Quân Lực VNCH giải tỏa thành phố Huế. Theo tài liệu thống kê của Quân Lực VNCH, trong cuộc tấn công đợt 1, Việt Cộng đã bị tử thương 58.373 tên, và bị bắt 9761 tên. Đây là một con số thiệt hại quá lớn. Cái tai hại lớn nhất của VNCH là không khai thác được các vụ thảm sát ở Huế để đánh động lương tâm nhân loại. Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị đã giao cho sử gia Phạm Văn Sơn biên soạn một cuốn sách dày với đầu đề “Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968”, trong đó chỉ mô tả các trận đánh với các thắng lợi của quân ta, còn phần nói về thảm sát rất ít, thành ra không có tác dụng tâm lý như cuốn “The Killing Fields” của Cam-bốt. 2.- Mục tiêu thứ hai: Nói với dư luận Mỹ rằng không thể thắng được cuộc chiến Việt Nam và người Mỹ phải rút ra. Trong cuốn “The Tet Offensive: Intelligence Failure in War”, James J. Wirtz đã viết: “Cuộc tấn công Tết là một trận đánh quyết định của chiến tranh Việt Nam, bởi vì ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với các thái độ của người Mỹ trong việc dính líu đến Đông Nam Á. Sau Tết, nhiều người Mỹ trở nên bị vỡ mộng... Đối với công chúng Mỹ và ngay cả các thành phần của chính quyền, cuộc tấn công Tết chứng minh rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ... đã gây ảnh hưởng không đáng kể trên ý muốn và khả năng của Việt Cộng và Bắc Việt.” Năm 1968 tôi đang ở Mỹ. Sau khi đọc báo Mỹ và đi nói chuyện với nhiều nhóm, tôi thấy rằng có dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị dư luận để rút quân khỏi Việt Nam. Khi trở lại Việt Nam, trong một cuộc họp báo tại Dinh Độc Lập, tôi có báo cho Tổng Thống Thiệu biết tôi ở Mỹ mới về và được biết Mỹ đang chuẩn bị rút khỏi Việt Nam. Xin Tổng Thống cho biết chúng ta sẽ phải làm gì. Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên, còn ông Thiệu nói chính phủ sẽ xem xét vấn đề này. Ngày 18.7.1968 Tổng Thống Thiệu lên đường qua Honolulu hội kiến với Tổng Thống Johnson, Khi rới phi trường Tân Sơn Nhứt, ông nói với các ký giả: “Tôi không đi Hạ Uy Di để bán đứng đất nước, để nhượng thêm đất đai, hoặc để chọn một giải pháp liên hiệp với Cộng Sản.” Hôi 19.7.1968, khi hội kiến với Tổng Thống Johnson, ông Johnson cũng chỉ hứa một cách lấy lệ rằng Hoa Kỳ vẫn ủng hộ VNCH chống xâm lăng và bảo vệ tự do, Ông Búi Diễm đã được Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm làm Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền tại Hoa Kỳ để tìm hiểu chính sách của Hoa Kỳ và vận động hậu trường cho Việt Nam. Nhưng qua cuốn hồi ký của ông, chúng ta thấy ông chẳng biết gì hết. Vì không nhận ra được chính sách và đường lối của Hoa Kỳ, nên chính phủ VNCH không nghĩ đến việc tìm một giải pháp thích hợp với tình thế để cứu miền Nam Việt Nam. KHÔNG BIẾT ĐỊCH LÀM GÌ Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, sau khi ký Hiệp Định Paris năm 1973 và quân Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, Hà Nội đã thiết lập một kế hoạch đánh chiếm miền Nam như sau: Tái lập lại quốc lộ 14 do Pháp thiết lập, thường được gọi là đường Đông Trường Sơn, để chuyển quân, võ khí và tiếp liệu vào mật khu Bình Long và Phước Long rồi từ đó đánh thẳng vào Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Để thức hiện kế hoạch này, Hà Nội phải chiếm ba nơi bằng mọi giá: (1) Phước Long làm nơi đổ quân, vũ khí và tiếp liệu từ Bắc đưa vào. (2) Cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng. Không phá được cái chốt này, không thể đưa quân, võ khí và tiếp liệu xuống mật khu Hiệp Đức ở phía tây Quảng Nam và Quảng Ngãi rồi chuyển lên Kontum. (3) Cái chốt Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuộc để mở đường từ Kontum xuống Phước Long. Thời Pháp, thời Đệ Nhất Cộng Hòa và thời Mỹ các nhà lãnh đạo quân sự đã quyết định bảo vệ ba yếu điểm này bằng mọi giá để chận đường xâm nhập của Cộng quân. Nhưng “các trung sĩ trong quân phục Tướng Lãnh” do Mỹ đưa lên không hề biết được tầm quan trọng của ba yếu điểm nói trên và kế hoạch của Hà Nội, nên chẳng những không tìm cách bảo vệ mà còn để cho mất vì coi ba yếu điểm đó chẳng có gì quan trọng! 1.- Dứt điểm Thường Đức. Tôi nhớ vào khoảng tháng 4 năm 1974, tôi đang ngồi uống cà phê ở đường Tự Do, Sài Gòn, một người bạn đền hỏi tôi có muốn đi Đà Nẵng không, có chuyện quan trọng lắm. Tôi đồng ý. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã có mặt tại Đà Nẵng, từ đó chúng tôi được đưa bằng trực thăng lên Thướng Đức. Thuyết trình về tình hình Thường Đức, thuyết trình viên cho biết bây giờ Cộng quân đã đặt ống dẫn dầu đến A Sao, A Lưới, ở bên kia đèo Hải Vân. Họ sắp chọc thủng Thường Đức để đưa dầu xuống mật khu Hiệp Đức ở Quảng Nam và Quảng Ngãi. Sau đó, chúng tôi được trực thăng chở đi xem các đường mới Cộng quân đang làm chằng chịt để tiến quân vào Thường Đức. Chúng tôi hỏi Quân Đoàn tính sao. Thuyết trình viên cho biết đang đợi quyết định của Tướng Ngô Quang Trưởng. Muốn giữ Thường Đức phải có ít nhất một liên đoàn Biệt Động Quân. Nhưng sau đó tôi nghe nói Tưởng Trưởng chỉ cho Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân thủ ở đó. Vì nhu cầu chiến lược, Hà Nội đã huy đợng 3 Sư Đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của Tướng Hoàng Đan để chiếm Thường Đức. Lúc 8 giờ 30 sáng 7.8.1974, Thượng Đức hoàn toàn bị thất thủ. Tướng Trưởng ra lệnh cho Sư Đoàn Dù chiếm lại, nhưng mặc dầu đã có gắng và tổn thất nặng, Sư Đoàn Dù chỉ chiếm lại được một số đồi xung quanh. 2.- Đánh chiếm Phước Long Sư Đoàn 5 biết Cộng quân đang chuẩn bị đánh chiếm Phước Long từ ba tháng trước. Sư Đoàn đề nghị đưa hai trung đoàn đến bảo vệ Phước Long. Vì Tổng Thống Thiệu đã ra lệnh rằng các cuộc hành quân từ cấp trung đoàn trở lên phải có lệnh của Tổng Thống (vì sợ đảo chánh), Bộ Tổng Tham Mưu đã chuyển đề nghị bảo vệ Phước Long đến Phủ Tổng Thống, nhưng ông Thiệu cho ngâm ở đó. Khi địch bắt đầu mở cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Phước Long, Quân Đoàn III lại xin Tổng Thống Thiệu cho biết quyết định về kế hoạch phòng thủ Phước Long. Tổng Thống Thiệu chỉ ra lệnh vắn tắt: “Cho thả hai đại đội Biệt Kích Dù xuống Phước Long.” Ngày 6.1.1975, Phước Long hoàn toàn bị thất thủ. Tướng Dư Quốc Đống có xin Tổng Thống Thiệu cho mượn Sư Đoàn Dù để phối hợp chiếm lại, nhưng ông Thiệu trả lời: “Để xem Mỹ nó làm gì?”(!) 3.- Đánh chiếm Đức Lập Ngày 2.3.1975, cơ quan tình báo Hoa Kỳ tại Nha Trang báo cho Tướng Phú biết Cộng Quân sắp đánh Ban Mê Thuột, nhưng Tướng Phú không tin. Ngày 9.3.1975 khi Cộng Quân đã tấn công Quận Đức Lập ở phí tây nam Ban Mê Thuột và các toán thám báo cho biết Cộng quân với xe tăng đang vây kín Ban Mê Thuột. Tướng Phú họp Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II và nhận định rằng sau Đức Lập, địch sẽ tấn công Buôn Hô, cách Ban Mê Thuật khoảng 30 cây số về phía Bắc. Tướng Phú ra lệnh cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đổ xuống Buôn Hô. Tối 10.3.1975, được tin Việt Cộng đánh vào Ban Mê Thuột, Tướng Phú vẫn vẫn nghĩ rằng Cộng quân chỉ giả vờ đánh Ban Mê Thuột và bất thần quay về đánh Pleiku! Với kế hoạch nói trên, Cộng quân hy vọng trong năm 1976 sẽ đưa óng dầu từ Kontum xuống Phước Long và năm 1977 có thể tấn công thẳng vào Sài Gòn. Nhưng nhờ “trung sĩ mặc quân phục Tướng Lãnh” Nguyễn Văn Thiệu không biết gì về quân sự, Cộng quân chiếm miền Nam nhanh hơn. KẾ HOẠCH TỰ SÁT Tổng Thống Thiệu có hai đặc tính chính: Thứ nhất là đa nghi. Mắt ông luôn nhìn láo liên. Vì ông đã được CIA dùng để đánh lừa và lật đổ ông Diệm nên ông rất sợ bị đảo chánh. Ông ra lệnh khi mở cuộc hành quân từ cấp trung đoàn trở lên đều phải xin phép Tổng Thống, thành ra Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH đi chơi và đi học luật! Đặc tính thứ hai của ông Thiệu là độc đoán và hành động theo cảm tính, nhưng khả năng về quân sự và chính trị quá yếu kém nên đã gây tai họa. Mọi vấn đề đều có giao cho cấp dưới nghiên cứu và trình bày ý kiến, nhưng rồi ông vứt đó và hành động theo cảm tính của mình. Ông tuyên bố Mỹ không viện trợ nữa thì ta “đánh giặc theo kiểu nhà nghèo”. “Kiểu nhà nghèo” mà ông nói ở đây là thu nhỏ lãnh thổ lại. Ông đã mời Chuẩn Tướng Ted Sarong, một chuyên viên du kích chiến của Úc, hợp tác với Tướng Đặng Văn Quang lập kế hoạch bỏ Vùng I và Vùng II và thiết lập một phòng tuyến mới từ Tây Ninh đến Nha Trang. Kế hoạch này được gọi là kế hoạch “Đầu Bé Đít To” Tôi nhớ năm 1974, khi kế hoạch này được tiết lộ ở Sài Gòn, các giới đều cho rằng kế hoạch đó không thể thực hiện vì các lý do sau đây: (1) Nếu phải rút quân ra khỏi Vùng I và Vùng II, sẽ rút cách nào? Nếu rút theo kiểu “tái phối trí” về quân sự, chắc chắn rối loạn sẽ xẩy ra. Cộng quân sẽ lợi dụng và tiến chiếm toàn miền Nam. (2) Sau khi rút, khó có thể lập một phòng tuyến mới từ Nha Trang đến Tây Ninh vì thiếu những địa thế phòng ngự tự nhiên. Bất cứ chỗ nào trên phòng tuyến này cũng đều có thể bị địch chọc thủng một cách dễ dàng. Mọi người tin rằng ông Thiệu sẽ bỏ kế hoạch đó. Nhưng vốn là một người độc đoán và hành động theo cảm tính, nên sau khi Ban Mê Thuột bị mất, ông Thiệu đã tự ý “tái phối trí” theo kế hoạch Ted Sarong – Đặng Văn Quang, rút quân khỏi Vùng II và Vùng I, đưa về lập tiền đồn tại Tuy Hòa, làm sụp đổ cả miền Nam trong vòng chỉ có 40 ngày! Kế hoạch “Đầu Bé Đít To” trở thành kế hoạch tự sát! Chuyện của anh chàng “trung sĩ trong quân phụ Tướng Lãnh” Nguyễn Văn Thiệu còn dài. Trên đây chỉ là vài nét đại cương.
|