Cây kim trong bọc PDF Print E-mail
Tác Giả: Bạch Diện Thư Sinh   
Thứ Sáu, 12 Tháng 2 Năm 2010 22:47

Khi ông bạn đồng minh giao du với Việt Cộng chúa Trần Bạch Đằng

Trần Bạch Đằng là một Đảng viên Cộng Sản cao cấp, giữ vai trò lãnh đạo mặt trận đô thị thời chiến tranh Việt Nam.  Quyền hạn và trách nhiệm của ông ta bao trùm nhiều lãnh vực:  Tuyên huấn, Mặt trận, Hoa vận, Trí vận,Thanh niên- Sinh viên- Học sinh và Ban Cán sự nội thành.   Trong đó mặt trận trí vận là một trọng điểm, còn mũi xung kích là phong trào sinh viên học sinh với những cuộc tranh đấu sôi nổi nổ ra thường xuyên ngay tại Thủ đô Sài Gòn vào khoàng từ 1966 tới 1972.  Vị trí của Trần Bạch Đằng quan trọng như thế, và để tiến hành công tác, ông ta đã từng cư ngụ ngay giữa Thủ đô hoặc là di chuyển giữa Sài Gòn và mật khu nhiều lần, thế nhưng rất ít người nghe biết danh tính ông ta.  Chỉ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, không riêng gì dân Sài Gòn mà cả dân chúng miền Nam và miền Bắc mới biết nhiều tới tên tuổi Trần Bạch Đằng.  Nhưng có lẽ quần chúng vẫn không biết nhiều đến vai trò quan trọng trong thời chiến của ông ta cho bằng biết tới ông ta qua những bài báo và bộ phim 8 tập Ván Bài Lật Ngửa mà ông là tác giả chuyện phim, bút hiệu Nguyễn Trương Thiên Lý (1).

Dân chúng ít biết đến Trần Bạch Đằng, nhưng người Mĩ biết rất rõ về ông ta và họ đã từng giao tiếp qua lại với ông ta trước thời gian xẩy ra trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Cũng chính nhân vật Trần Bạch Đằng này là một trong những cấp chỉ huy cao cấp nhất trong trận ‘Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa’ Tết Mậu Thân (1968) đánh vào Thủ đô Sài Gòn.  Ông ta đã cùng với Võ Văn Kiệt phụ trách Bộ tư lệnh tiền phương Nam (Trần Văn Trà và Mai Chí Thọ phụ trách Bộ tư lệnh tiền phương Bắc).  Vào thời điểm đó, Trần Bạch Đằng đang là thường vụ khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Vì vị thế đặc biệt này, ông được giao nhiệm vụ soạn thảo phương án tấn công Sài Gòn- Chợ Lớn.

Sau trận Tết Mậu Thân, Trần Bạch Đằng nắm chức vụ bí thư Thành ủy, rồi bí thư đặc khu Sài Gòn – Gia Định (2). Đó là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp chính trị của ông ta.

Kể từ 1972, Trần Bạch Đằng bị hất ra khỏi những vị trí quyền lực. Và sau 30 tháng 4 năm 1975, có thể nói ông không còn hiện diện trên chính trường, nhưng lại khá nổi tiếng trong lãnh vực viết lách.

Những người am hiểu đều cho rằng Trần Bạch Đằng là ‘một người Cộng sản đa tài nhưng bất đắc chí cho đến khi nhắm mắt lìa đời’!

Cây kim trong bọc, có lúc sẽ lòi ra.

Sau hơn 30 năm chiến tranh VN chấm dứt, nhiều chuyện không thân thiện chút nào của ông bạn đồng minh Hoa Kì diễn ra trong bóng tối thời chiến nay dần dần được đưa ra ánh sáng. Chẳng hạn như vào khoảng thời gian từ năm 1966 tới 1968, đã diễn ra nhiều cuộc tiếp xúc bí mật giữa người Mỹ và Việt Cộng, cụ thể là những cú bắt tay giữa CIA và Trần Bạch Đằng.  Dù người Mĩ rêu rao là họ muốn tiếp xúc với một số lãnh tụ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN) có khuynh hướng ‘cấp tiến’ để gây mầm mống độc lập với CS Bắc Việt, kì thực cũng chỉ là nhằm trao đổi tù binh, và chính yếu là nhằm kết thúc cuộc chiến bằng giải pháp chính trị, nói trắng ra là tìm cách ‘tháo chạy trong danh dự’.

Tháng 4.1965, theo chỉ thị của Trung ương Cục (Cục R), Hội nghị Đặc Khu Ủy Sài Gòn – Gia Định họp bầu Ban lãnh đạo mới, gồm có Bí thư: Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư: Võ Văn Kiệt, các ủy viên thường vụ: Trần Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Trần Đình Xu… Sau đó ít lâu, Nguyễn Văn Linh được điều về Trung ương Cục, Võ Văn Kiệt lên làm Bí thư và Trần Bạch Đằng được giao phụ trách nhiều nhiệm vụ: Tuyên huấn, Mặt trận, Trí vận, Hoa vận, Thanh niên – Sinh viên - Học sinh, và Ban cán sự nội thành.

Nhận trọng trách nội thành, Trần Bạch Đằng thường phải lưu ngụ tại Sài Gòn; có thời gian ông ta đã từng là hàng xóm của viên phó Đại sứ Mĩ (3).

Trần Bạch Đằng về  Sài Gòn hoạt động được một thời gian ngắn thì Trung ương Cục điều động thêm Lê Thị Riêng, Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Thị Chơn là vợ của Trần Bạch Đằng vào nội thành để đảm trách Ban Phụ vận: Lê Thị Riêng làm bí thư, Nguyễn Thị Chơn làm Phó bí thư.  Ban Phụ Vận cho ra đời một tổ chức công khai mang tên Hội Phụ Nữ Bảo Vệ Nhân Phẩm, do bà Phan Văn Của, cựu giáo sư trường nữ Trung học Gia Long làm Chủ tịch, nhưng quyền hành đều nằm trong tay Nguyễn Thị Chơn là Bí thư Đảng Đoàn của tổ chức này (4).

Mùa Hè 1965, Hoa Kì đổ quân vào Việt Nam, cũng là thời điểm phe chủ bại thắng thế trong chính gíới Hoa Kì. Phe này nghĩ là không thể thắng cuộc chiến bằng quân sự cho nên họ bắt đầu tìm một giải pháp chính trị.  Khởi đầu, họ cho mở một chi nhánh chuyên lo việc tìm đường giây tiếp xúc với MTGP (Viet Cong Branch) một cách riêng rẽ, không cho VNCH biết.

Mặc dù vậy, người Mĩ không thể dấu Tướng Nguyễn Ngọc Loan (chỉ huy ngành An ninh quân đội, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo và Cảnh sát Quốc gia) và chính quyền VNCH lâu được. Theo tác giả kí tên KT.: ‘Đầu năm 1967, khi biết được Hoa Kỳ đang đi sau lưng chánh phủ VNCH, liên lạc với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ông Loan nói với CIA là người Mỹ từ đây sẽ đi sau lưng người quốc gia và sau cùng người Mỹ sẽ bỏ đi, chỉ còn VNCH một mình đơn thân chống lại Bắc Việt. Một lời phát biểu mà tình báo Hoa Kỳ cho là tiên tri’ (5).

Đối tượng đầu tiên được CIA tìm cách tiếp cận là Trần Bửu Kiếm, ủy viên ngoại giao của Mặt Trận Giải Phóng.  Trần Bửu Kiếm cũng là Trưởng đoàn đại diện đầu tiên của MTDTGPMN dự Hòa đàm Paris.  Lí do CIA chấm định Trần Bửu Kiếm là vì họ cho rằng ông ta có tư tưởng phóng khoáng và có vợ là Ds. Phạm Thị Yến đang bị VNCH giam giữ (6). CIA và đại sứ Lodge đề nghị Việt Nam trả tự do cho bà ta để lấy lòng Trần Bửu Kiếm.

Trong bài đúc kết tài liệu của CIA, Thomas L. Ahern viết về sự việc này như sau: ‘Ngày 28/1 thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cho đại sứ Lodge biết Việt Nam đồng ý kế hoạch tiếp xúc (mặc dù Kỳ biết khởi đầu Hoa Kỳ thực hiện việc tiếp xúc này sau lưng Kỳ). Russ Miller, phụ tá của John Hart sắp xếp vụ trao đổi tù nhân với Kỳ và Loan. Ngày 16/2 Loan giao bà Phạm thị Yến (vợ của Trần Bửu Kiếm ) cho CIA. Sau vài ngày tẩm bổ cho lại sức CIA làm việc với bà Yến và bà tiết lộ bà đồng ý một giải pháp chính trị hơn là giải pháp quân sự của Hà Nội. Bà Yến nói bà không tin có sự bất hòa nào giữa MTGP và Hà Nội. Bà từ chối đề nghị của CIA lén mang radio để liên lạc, nhưng hứa sẽ chuyển thư hay lời nhắn gì của CIA đến chồng bà. Russ Miller đích thân hộ tống bà Yến đến biên giới Miên-Việt trong tỉnh Tây Ninh ngày 28/2 và giao cho MT tại đó. Trong hai tháng CIA không được hồi âm’ (7).

Ngoài vụ này ra, CIA còn tiếp xúc với Tướng Dương Văn Minh đang lưu vong ở Bangkok.  Họ đề nghị ông bắt liên lạc với người em ruột là Dương Văn Nhựt,  một sĩ quan trong quân đội Bắc Việt, nhưng Tướng Minh từ chối cộng tác.

Tướng Minh không chấp nhận liên lạc với Dương Văn Nhựt theo yêu cầu của người Mĩ, nhưng ông ta đã từng liên lạc chứa chấp và nhất là đã bị người em Cộng Sản này đánh gục bằng miếng đòn ‘địch vận’(8).

CIA cũng tìm tới con gái Nguyễn Hữu Thọ đang sống tại Sài Gòn để nhờ cô ta bắt liên lạc với ông Thọ, nhưng cô ta viện cớ cha con cô bất hòa để từ chối khéo.

Tháng 4.1967, Trần Bạch Đằng được lệnh vào mật khu để họp bàn về trận đánh lớn (Tết Mậu Thân 1968).  Do tin tức chính xác của một cán binh VC mới bị bắt, sáng ngày 30.4, Trần Bạch Đằng vừa ra đi để vào mật khu thì nhân viên công lực ập vào nơi ông ta trú ngụ.  Vì Trần Bạch Đằng vừa ra đi cho nên may mắn thoát nạn, nhưng vợ ông ta là Nguyễn Thị Chơn cùng với Lê Thị Riêng bị bắt ngay ngày hôm sau tại một địa điểm khác.

Theo lời kể của Trần Bạch Đằng, vào tháng 7. 1967, qua hệ thống giao liên, ông ta nhận được bức thư đầu tiên của vợ viết từ trong trại giam của Cảnh sát. Thư viết bằng ‘giấy pelure’, nội dung ‘báo cáo với cấp ủy về tình hình bị bắt, tự phê bình sự sơ hở của mình và thông tin về những người khác cùng bị bắt…’.

Đến tháng 10.1967, một cán binh VC được thả về mật khu gặp Võ Văn Kiệt, Bảy Bình và Trần Bạch Đằng, mang theo đề nghị của đại sứ Mỹ là Bunker muốn đặt liên hệ với Trần Bạch Đằng, mục đích là bàn việc trao đổi tù binh ‘và bàn thêm một số việc khác’, điều kiện là phải tuyệt đối giữ bí mật, không để cho VNCH biết chuyện này. Lúc ấy Trần Bạch Đằng đang là ủy viên Đoàn Chủ tịch MTDTGPMN, đồng thời phụ trách đảng bộ Sài Gòn. Phía Hoa Kì còn trao cả mật mã, quy ước giao dịch bằng điện đài, số điện thoại của một nhân viên Hoa Kì mang bí danh Louis và cấp riêng một chiếc xe hơi đậu sẵn ở đường Nguyễn Huệ để đưa người của phía VC đi gặp người của Mĩ.  Sau này, trong hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức, trang 271, Trần Bạch Đằng khẳng định: ‘Trong quan hệ với Mỹ, tôi chưa hề để bút tích, cũng chưa hề dùng điện đài hay chiếc ô tô mà Mỹ chờ sẵn.  Mọi ý kiến của tôi đều qua truyền miệng với người liên lạc và qua đường giây điện thoại ở nội thành do anh Tạ Bá Tòng bố trí, chị bác sĩ Ủ Thị Anh lo việc này, luân phiên nhau gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ, cụ thể là gọi tay Louis’ (9).

Về việc này, tác giả Lê Quế Lâm đã viết: ‘Trần Bạch Đằng khi trả lời phỏng vấn của kí giả người Úc tên là Clayton Jones đã tiết lộ: Mỗi lần muốn gặp Đại sứ Bunker, ông ta nhắn mật hiệu trên báo ‘Sao và Sọc’ của quân đội Mĩ ở Việt Nam, sau đó, tòa đại sứ cho xe đến đón trước Tòa Đô chính Sài Gòn’(10). Như  thế , nếu Trần Bạch Đằng ‘chưa hề dùng điện đài hay chiếc ô tô mà Mỹ chờ sẵn’, thì chắc là người của ông ta đã từng dùng xe hơi của Mĩ để tới điểm hẹn gặp người Mĩ.

Người Cộng sản thường đa nghi và cảnh giác cao độ trong các vấn đề an ninh chính trị, cho nên khi đụng vào chuyện thuộc loại này, các đương sự biết ngay là hết sức nguy hiểm, cần phải sáng suốt để đối phó, nếu không những kẻ dính líu rất dễ bị kỉ luật.  Đối phó với sự việc đang xẩy ra, cách an toàn nhất là họ báo cáo ngay lên thượng cấp là Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục, để xin chỉ thị.

Và Phạm Hùng đã đưa ra 2 chỉ thị: Một là tiếp tục giữ đường dây liên lạc với phía Mĩ; hai là ra lệnh báo trước cho Mĩ biết ngày giờ và địa điểm trên quốc lộ 20 họ sẽ thả một tù binh người Mĩ da đen để tỏ thiện chí và yêu cầu phía Mĩ trả cho họ 3 cán bộ hoạt động nội thành là Lê Thị Riêng, Đỗ Duy Liên và Trương Như Tảng (11).

Trong bài đúc kết tài liệu của CIA,  Thomas L. Ahern cũng nói tới sự việc này như sau:  Vào khoảng đầu tháng 7 năm 1967, lực lượng Cảnh sát của Tướng Loan bắt được cán bộ VC tên Trương Đình Tòng.  (Tài liệu viết sai tên, đúng ra  là Trương Bỉnh Tòng. Sau này, Tòng sẽ làm liên lạc con thoi giữa CIA tại Sài Gòn và Trần Bạch Đằng ngoài mật khu).  Ngày 9.7.67, Tướng Loan giao Trương Bỉnh Tòng cho CIA để trả về Cục R theo ngả Củ Chi.

Hơn 10 ngày sau, Tòng vào thành mang theo thư của Trần Bạch Đằng nói chấp nhận nói chuyện trao đổi tù binh với phía Mĩ.

Ngày 28 tháng 9, CIA đưa Tòng về mật khu qua ngả biên giới Cao Miên và đề nghị cung cấp phương tiên thông tin liên lạc, nhưng MTGP không dùng phương tiện của Mĩ.

Ngày 25 tháng 10, Tòng lại vào thành mang thư  chấp nhận trao đổi tù binh và sẵn sàng trao dổi’các vấn đề khác’ nữa, nhưng dứt khoát không nói chuyện với chính quyền của TT Nguyễn Văn Thiệu.

Để đáp ứng yêu cầu của VC, phía Mỹ thả ra mật khu 3 cán bộ VC là Đỗ Duy Liên, Trương Như Tảng, chỉ không đúng yêu cầu một điểm là thay vì thả Lê Thị Riêng thì Mĩ lấy Trương Bỉnh Tòng thế vào.

Ngày 4/11 đại sứ Bunker đích thân thông báo cho TT Nguyễn Văn Thiệu về việc người Mĩ đang  tiếp xúc với MTGP. TT Nguyễn Văn Thiệu lo lắng nếu việc này lọt ra ngoài, dù có chính phủ VNCH tham dự hay không, cũng đều làm mất tư thế chính trị của chính phủ. Nhưng vì bị Mĩ áp lực riết cho nên đành phải nhắm mắt làm ngơ.

Về số phận của Nguyễn Thị Chơn là vợ của Trần Bạch Đằng, cũng theo bài đúc kết tài liệu CIA của Thomas L. Ahern đã dẫn thì: ‘Đầu tháng 12/67 Bunker đích thân gặp Thiệu và thuyết phục Thiệu đồng ý trả tự do cho 3 người gồm bà Mai Thị Vàng, vợ của Trần Bạch Đằng, Tòng và người mang thư đầu tiên của Kiếm. Tòng và người mang thư của Kiếm được trả tự do tại phía Tây Sài gòn trong vùng cộng sản kiểm soát. Riêng bà Vàng sau thời gian dưỡng sức, CIA đưa bà đến căn cứ Củ chi, từ đó bà theo một đoàn xe của quân đội Mỹ đi Tây ninh và được thả dọc đường, nơi có hẹn trước vào ngày 5/1/68. Ngày 18/1 Tòng trở lại cho biết MTGP sẽ trả tự do cho 2 tù nhân Mỹ và 14 tù nhân Việt Nam’.

Tài liệu đúc kết này có 2 điểm cần coi lại: Một là tài liệu không nói rõ việc các cán bộ Cộng Sản hoạt động nội thành thường có nhiều căn cước giả. Vợ Trần Bạch Đằng tên là Nguyễn Thị Chơn (Nguyễn Thị Chơn là tên từ khi tham gia hoạt động cho Cộng sản, tên đầu tiên trong giấy khai sinh là Tôn Thị Hưởng); khi bị bắt, bà ta đã khai tên là Mai Thị Vàng là tên ghi trên căn cước giả . Hai là tài liệu này nói CIA giải giao Nguyễn Thị Chơn bằng đường bộ chứ không phải là bằng trực thăng như lời tường thuật của chính Trần Bạch Đằng.

Theo Trần Bạch Đằng kể lại trong hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức, trang 269, thì đại sứ Mỹ gửi thư cho ông ta nói rằng mặc dù trong danh sách những người phía VC đòi thả không có tên vợ ông ta là Nguyễn Thị Chơn, nhưng để tỏ thiện chí, phía Mĩ sẵn sàng thả bà Chơn.  Người liên lạc từ ngoài mật khu phái vào để gặp phía Mĩ đã báo cho vợ Trần Bạch Đằng về tin bà sẽ được thả.  Không rõ vì sự hi sinh cho đồng chí hay vì sợ cho số phận an nguy cho cả vợ lẫn chồng sau này mà bà Chơn nhứt quyết từ chối việc thả bà ta ra, lấy cớ người mà chồng bà yêu cầu thả là Lê Thị Riêng chứ không phải là đương sự.  Hết người của Mĩ bí danh là Louis rồi tới Trương Bỉnh Tòng và người cán bộ giao liên được đưa vào thuyết phục Nguyễn Thị Chơn , nhưng bà ta vẫn không thay đổi ý định. CIA lại đưa 2 người này ra khu thông báo diễn tiến.

Cuối cùng Võ Văn Kiệt phải báo cáo sự việc lên Phạm Hùng và ông này đã gửi thư bảo Trần Bạch Đằng khuyên vợ nên nghe theo đề nghị của Mĩ: ‘Mình gỡ được người nào hay người nấy’.  Võ Văn Kiệt cũng nói thêm vào ‘Ông nên theo ý kiến anh Hai Hùng’ (12).  Nhận được ý kiến rõ rệt của cấp trên làm bảo chứng, Trần Bạch Đằng mới yên tâm về mặt an ninh chính trị, ông đã viết  mấy dòng chữ cho vợ, khuyên nên đồng ý ra khu.  Thơ không kí tên, bởi theo lời bàn của Võ Văn Kiệt thì Trần Bạch Đằng không cần kí tên Nguyễn Thị Chơn cũng biết chính xác đây là những dòng chữ của Trần Bạch Đằng. Thư của Trần Bạch Đằng lại do Trương Bỉnh Tòng mang vào thành. Riêng người cán bộ giao liên trước đây được lệnh ở lại mật khu.

Đúng như đôi bên đã thỏa thuận, người Mĩ dùng trực thăng chở Nguyễn Thị Chơn lên Dầu Tiếng để trao cho phía Việt Cộng.  Chuyến đi lần đầu này không trót lọt vì nhằm vào đúng lúc xẩy ra đợt tấn công của Không quân VNCH dọc theo vùng biên giới.  Nguyễn Thị Chơn ‘rét’quá, đòi Mĩ phải đưa bà ta trở lại Sài Gòn và can thiệp thế nào để việc trao trả được an toàn.  Hôm sau, người Mĩ lại dùng trực thăng chở bà ta lên Bố Bà Tây trao cho phía Việt Cộng.
02 giờ đêm 30 rạng 31 tháng 01 năm 1968 (tức đêm Mồng Một Tết Mậu Thân 1968), Cộng quân mở cuộc tấn công vào Thủ đô Sài Gòn. Trước đó 24 giờ, họ đã tấn công các thị xã trên Cao nguyên và miền Trung.

Mặc dù thế, người Mĩ vẫn theo dõi và tiến hành việc trao trả tù nhân.

Tài liệu đúc kết của Thomas L. Ahern viết tiếp:  Vì tin PTT. Nguyễn Cao Kỳ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ hơn TT. Nguyễn Văn Thiệu cho nên ngày 08 tháng 02 Russ Miller đã thuyết phục PTT. Kỳ rằng cán bộ Việt Cộng Trương Bỉnh Tòng cho biết Cộng sản ‘đánh trận Mậu Thân là để tạo điều kiện cho cuộc thương thuyết’, vì thế VNCH nên thả thêm tù nhân. PTT. Nguyễn Cao Kỳ hứa sẽ thảo luận thêm với TT. Nguyễn Văn Thiệu.

Sau đó, ngày 22/2/68 , Trương Bỉnh Tòng và 4 tù nhân khác được trao trả cho Cộng sản. Tòng không bao giờ trở lại Sài gòn nữa và cuộc trao đổi tù nhân với MTGP chấm dứt.

Tháng 5 năm 1968, cuộc Hòa đàm chấm dứt chiến tranh VN mở ra tại Paris.

Vài nhận xét:

Ý đồ của người Mĩ muốn tiếp xúc với một số thành phần Cộng sản miền Nam, cao cấp, ‘cấp tiến’ để gây chia rẽ hoặc là để đánh giá mức độ ‘độc lập’ của họ đối với Cộng sản Hà Nội đã không đạt kết quả mong đợi. Lí do là CS Hà Nội nắm rất chặt MTGPMN.  Những cán bộ CS thuộc MTGPMN như Trần Bạch Đằng, Trần Bửu Kiếm, Trần Văn Trà, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát…nhất nhất phải tuân thủ chỉ đạo của CS Hà Nội; họ không có khả năng để đưa ra một sáng kiến, đừng nói chi tớí một hành động nào đi trật khỏi sự lãnh đạo của CS Hà Nội.

Chắc chắn không phải là do những cuộc tiếp xúc để trao đổi tù binh ‘và bàn thêm một số việc khác’ giữa người Mĩ tại Sài Gòn và phía những người Cộng sản, cụ thể là nhân vật Trần Bạch Đằng, đã dẫn đưa các bên tới bàn hội nghị tại Paris. Quá trình và diễn tiến cuộc hòa đàm Paris có tầm mức rộng lớn và phức tạp hơn nhiều.  Nhưng qua những cuộc tiếp xúc này người Mĩ đã để lộ cho đối phương biết rõ tinh thần chủ bại, cầu hòa của người Mĩ.  Và trong câu nói úp mở của Trần Bạch Đằng ‘và bàn thêm một số việc khác’ (13) chắc đã có sự thương lượng, thăm dò về khả năng tìm ra một giải pháp cho cuộc chiến để người Mĩ có thể rút chân ra trong danh dự? Vì thế phía Việt Cộng đưa ra điều kiện cho việc tiếp xúc là ‘phải giữ bí mật tuyệt đối sự quan hệ này đối với chính quyền Sài Gòn’ (14).

Có thể vì sự trả giá dai dẳng, không ổn thoả cho nên phía Cộng sản đe dọa sẽ ‘tổng công kích’.  Trong bài Chiến Tranh Việt Nam: Ván Bài Đã Lật Ngửa, tác giả Lê Quế Lâm cho biết: ‘Hai mươi năm sau, ông đã dành cho ký giả Úc Clayton Jones một cuộc phỏng vấn về biến cố này. Ông nói: ‘Chúng tôi bị dồn vào thế phải tổng công kích, dù chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp chính trị khác. Tôi đã thông báo điều này với chính Đại sứ Bunker vào năm 1967 khi chiến tranh sẽ là một điều tất yếu…’ (15). Tác giả Lê Quế Lâm căn cứ vào câu trả lời phóng vấn của Trần Bạch Đằng mà cho rằng: ‘Tiết lộ của TBĐ về việc ông tiếp xúc với Đại sứ Bunker trước khi xẩy ra biến cố Tết Mậu Thân đã giải tỏa một bí ẩn lớn mà từ trước nay những người nghiên cứu chiến tranh VN luôn thắc mắc. Họ tin rằng đã có một thỏa thuận ngầm nào đó giữa HK và CSVN về biến cố này…’(16).

Thiển nghĩ, tiết lộ này của Trần Bạch Đằng vẫn còn chung chung, chưa đủ để giải tỏa hoàn toàn cái bí mật: liệu có sự thỏa thuận ngầm giữa HK và CSVN về trận Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968 hay không. Ngay cả việc Trần Bạch Đằng có mặt giáp mặt gặp gỡ Đại sứ Bunker hay không, cũng không chắc 100%; hay là Trần Bạch Đằng chỉ gửi phái viên thay mặt để tiếp xúc mà thôi. Muốn khẳng định vấn nạn này, người ta còn phải chờ tới khi tất cả các tài liệu bí mật liên quan tới cuộc chiến VN được khui ra hết. Câu nói của Trần Bạch Đằng chỉ khẳng định một việc là ông ta đã cho người Mĩ biết Cộng quân sắp sửa mở một trận đánh lớn, nhưng không cho biết thời điểm cũng như cấp độ của trận đánh.

Có một điều rất đáng ngờ vực là tại sao người Mĩ biết Cộng quân đang dự tính tổng tấn công mà không tiết lộ cho ‘đồng minh’ VNCH cùng biết để đề phòng.  Hay là người Mĩ muốn đứng ngoài coi VNCH và Việt Cộng thử lửa ít ngày, rồi mới nhảy vào ăn có để lấy đó mà làm ‘vốn’ hầu thúc đẩy đối phương phải mau mắn cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Cộng sản Hà Nội phát động cuộc Tổng Khởi Nghĩa - Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968, mặc dù họ biết thực lực của họ chưa đủ để thắng trận đánh này bằng quân sự, nhưng họ vẫn đánh.  Mục đích chính của họ là thắng lợi về chính trị.  Họ muốn chứng minh cho dư luận thế giới, đặc biệt là dư luận Hoa Kì, rằng họ đủ mạnh để đồng loạt tấn công vào Thủ đô Sài Gòn và hầu hết các thị xã của VNCH; và họ đã có mặt khắp nơi. Mặc dù tình hình mấy năm sau trận Tổng công kích Tết Mậu Thân hoàn toàn bất lợi cho Cộng quân (lực lượng quân ‘Giải phóng miền Nam bị tiêu diệt, từ đây, bộ độ chính quy từ Bắc xâm nhập vào Nam sẽ đóng vai chủ chốt; các thành phần nằm vùng bị triệt tiêu; các căn cứ thuộc Trung ương Cục (Cục R) phải di tản sang lãnh thổ Kampuchia; VNCH thâu hồi hầu như toàn bộ nông thôn…). Thế  nhưng đối với sự thiếu hiểu biết về chiến trường và chính trường Việt Nam của dư luận thế giới và dư luận Hoa Kì, thực sự, trận Tổng Tấn Công - Tổng Khởi Nghĩa Tết Mậu Thân 1968 này đã  đánh gục hoàn toàn ý chí muốn tiếp tục cuộc chiến của người Mĩ và đưa phong trào phản chiến lên cao chưa từng thấy.

*Bạch Diện Thư Sinh

CHÚ THÍCH:

1. Ván Bài Lật Ngửa là bộ phim trắng đen, 8 tập, sản xuất từ 1982 tới 1987 do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố HCM (nay là hãng phim Giải Phóng). Đạo diễn Khôi Nguyên tức Lê Hoàng Hoa đã ‘sửa đổi khá nhiều chi tiết so với tiểu thuyết và đã đặt tên chính thức cho bộ phim là ‘Ván Bài Lật Ngửa’’ (Wikipedia). Kịch Bản lấy từ tiểu thuyết tình báo Giữa Biển Giáo Rừng Gươm của Nguyễn Trương Thiên Lý, tức Trần Bạch Đằng.  Nội dung kể lại đời hoạt động tình báo của điệp viên Nguyễn Thành Luân, trong đời thật là Đại tá VNCH Phạm Ngọc Thảo, do Tài tử chính Nguyễn Chánh Tín thủ vai.

2. Thời chiến tranh Việt Nam, tổ chức cao nhất của Cộng Sản ở miền Nam là Trung ương Cục miền Nam (Cục R) do Phạm Hùng làm bí thư.  Dưới Trung ương Cục là các khu:  khu 7, khu 8, khu 9, và đặc khu Sài Gòn – Gia Định do Nguyễn Văn Linh làm bí thư, kế nhiệm là Võ Văn Kiệt.  Dưới đặc khu Sài Gòn – Gia Định là Thành ủy Sài Gòn đặc trách công tác nội thành. 
                Trần Bạch Đằng xác nhận ông ta là Bí thư khu Sài Gòn – Gia Định:  ‘Rồi đợt 2.  Sau đợt 2…Riêng anh Phạm Hùng phát biểu một cách sòng phẳng:  Các quân khu khác sẽ tiến hành công việc theo chỉ đạo của Trung Ương Cục, riêng khu Sài Gòn – Gia Định thì giao cho đồng chí bí thư chịu trách nhiệm, tùy tình hình mà hành động.  Lúc đó tôi là bí thư’.  Trần Bạch Đằng. Tuyển Tập.  Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.  Trang 221, 222.                                                                                                                    

Và trong hồi kí Cuộc Đời Và Ký Ức, trang197, Trần Bạch Đằng viết: ‘Đầu tháng 11.1969 (âm lịch là năm Kỷ Dậu), tôi được điện của Trung ương Cục  gọi lên Nam Vang.  Điện không nêu lý do.  Bấy giờ Khu ủy Sài Gòn đang thực hiện một phân công mới do Trung ương Cục quyết định: đồng chí Võ Văn Kiệt được chỉ định làm Bí thư Khu 9 và tôi thay đồng chí ở khu Sài Gòn…’

3. *Lê  Quế  Lâm. Chiến Tranh Việt Nam: Ván Bài Lật Ngửa (vnmoi.net).    

*Trong bài Lột Mặt Nạ Tổ Chức Bịp Bợm MTGPMNVN, tác giả Hứa Hoành viết: ‘Trần Bạch Đằng có nhà trọ ở đường Phan Kế Bính, và mua một chiếc xe du lịch Simca 1000, do người nhà là Nguyễn Hải Thọ đứng tên và làm tài xế. Nguyễn Hải Thọ là em vợ của người anh ruột bà Nguyễn Văn Thiệu (bà Mai Anh), giáo sư Pháp Văn ở trường trung học Tân Hiệp (Bến Tranh) tỉnh Định Tường. Hiện nay Thọ làm giám đốc công ty cung ứng xuất khẩu ở Sàigòn (1990)’.    motgoctroi.com

4. Nguyễn Thị Chơn là vợ của Trần Bạch Đàng; tên thật là Tôn Thị Hưởng, khi hoạt động nội thành còn có tên trong căn cước giả là Mai Thị Vàng.  Nguyễn Thị Chơn đậu bằng Thành chung, làm cô giáo. Gia đình có nhiều người là Việt Cộng. Một người chị từng là bí thư thành ủy Mĩ Tho, sau bị đi tù Côn Đảo. Nguyễn Thị Chơn hoạt động trong Hội Phụ nữ xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, Mĩ Tho. Năm 1947, thoát li vào khu và đổi tên là Nguyễn Thị Chơn.  Trong Đồng Tháp Mười, Nguyễn Thị Chơn công tác tại Phòng chính trị Bộ tư lệnh Nam bộ.  Được kết nạp vào Đảng.  Năm 1949, công tác ở Hội Phụ nữ Cứu quốc Nam Bộ.  Năm 1950, kiêm đại diện Nữ thanh trong Ban chấp hành Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ. Nguyễn Thị Chơn kết hôn với Trần Bạch Đằng tại Rạch Giá ngày 15.3.1951, lúc đó Trần Bạch Đằng đang công tác tại Xứ đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ. Năm 1956,Trần Bạch Đằng về hoạt động nội thành, vợ chồng ngụ dưới dạ cầu Chữ Y. Năm 1957, tình hình rất bất lợi cho phía VC, vợ chồng Trần Bạch Đằng phải chuyển lên Nam Vang. Năm 1960, đã nố ra tại miền Nam cuộc ‘đồng khởi’, Trần Bạch Đằng bỏ Nam Vang trở lại chiến khu. Ít lâu sau bà Chơn cũng vào chiến khu sau khi được lệnh gửi 2 đứa con nhỏ, gái lên 8, trai lên 4, ra Hà Nội. Năm 1965, Nguyễn Thị Chơn về hoạt động nội thành, làm Phó bí thư Ban Phụ vận thành phố (Bí thư là Lê Thị Riêng) kiêm bí thư Đảng Đoàn cho tổ chức công khai có tên là Hội Phụ Nữ Bảo Vệ Nhân Phẩm. Đầu tháng 5.1967 Nguyễn Thị Chơn bị bắt cùng với Lê Thị Riêng.  Gần cuối năm ấy, Mĩ gây áp lực với chính quyền VNCH để thả Nguyễn Thị Chơn trong kế hoạch trao đổi tù binh. Thời điểm cuối năm 1967 sắp nổ ra cuộc ‘Tổng tấn công, Tổng nổi dậy’ Tết Mậu Thân 1968, Trung ương Cục chuyển bà Chơn lên Nam Vang ngay. Sau đợt 1 trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân, lại đưa Nguyễn Thị Chơn ra Hà Nội để chuẩn bị cho bà ta đi Paris làm phó cho Nguyễn Thị Bình trong đoàn đại biểu của MTDTGPMNVN và chính phủ CMLT. Năm 1977, Nguyễn Thị Chơn làm chánh án tòa phúc thẩm ở Sài Gòn, rồi thăng chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho tới khi nghỉ hưu. Đã chết vì ung thư ở Sài Gòn.

5. Canh-en.de/tintuc/642-gii-thiu-hai-tac-phm.ktml. Người giới thiệu KT.

6. Ds. Phạm Thị Yến là vợ của Trần Bửu Kiếm. Trần Bửu Kiếm là Trưởng phái đoàn đầu tiên của MTGPMN tại Hòa đàm Paris. Bà Phạm Thị Yến là Trưởng Ban Trí vận thành phố Sài Gòn. Bị bắt khoảng 1961, giam ở Côn đảo. Năm 1967 Mỹ đưa tới một hòn đảo xa và biệt đãi bà ta, mong bà hợp tác, nhưng bà ta không đáp ứng. Cuối cùng Mỹ đưa bà ta về Sài Gòn dưỡng sức tại bệng viên của Bs Nguyễn Duy Tài đường Duy Tân cho gia đình thăm viếng. Vài tuần tuần sau Mỹ đưa bà Yến lên biên giới Tây Ninh, cho một số tiên Ria, bảo bà ta nếu muốn đi Nam Vang thì đi thẳng, trên đó có tòa đại sứ VC, nếu muốn vào chiến khu VC thì rẽ tay mặt. Bà Yến chọn đi Nam Vang. Năm 1968, bà Yến xin về chiến khu để làm việc cho Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ Và Hoà Bình. Bà chết năm 1971 vì sốt ác tính.

7. Thomas L. Ahern Jr. CIA . CIA And The Generalas: Covert Support To Military Government In South Vietnam. Tài liệu 243 trang do Thomas L. Ahern Jr đúc kết từ tài liệu của CIA. Trần Bình Nam dịch thuật ngày 03.9.2009.  Theo dịch giả Trần Bình Nam:  Hôm 19/2/2009 cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (Central Intelligence Agency – CIA) đã cho giải mật tài liệu mang tên: “CIA and the Generals: Covert Support to military government in South Vietnam”. Tài liệu này do ông  Thomas L. Ahern, Jr., một nhân viên CIA từng làm việc tại Sài gòn từ năm 1963 đến đầu năm 1965 đúc kết từ những tài liệu mật của CIA. Tài liệu được giải mật sau khi cơ quan CIA đã đọc lại và gạch bỏ những tên tuổi và địa danh không lợi cho hoạt động  tính báo…. http://www.tranbinh nam.com .

8. *Tác giả Lữ Giang viết: ‘Sau này, báo Tuổi Trẻ Chúa Nhật của Việt Cộng trong số ra ngày 1.9.1996, dưới đầu đề “Tướng Dương Văn Minh dưới mắt các nhà binh địch vận”, đã tường thuật lại mối quan hệ giữa Tướng Dương Văn Minh và người em là Dương Văn Nhựt như sau:

“Năm 1960, Mười Tỵ, thiếu tá thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - được lệnh về Nam nhận công tác đặc biệt. Nhiệm vụ của ông là quan hệ, tranh thủ người anh ở bên kia chiến tuyến, đại Tướng Dương Văn Minh.

Sau khi vượt Trường Sơn vào Nam, Thiếu Tá Dương Văn Nhựt, tức Mười Tỵ, đã được Ban Binh Vận Trung Ương Cục tìm mọi cách đưa vào Sài Gòn. Thông qua một người em gái, ông Mười Tỵ đã đến được và ở lại nhà của Dương Văn Minh suốt một tuần lễ.

Hai anh em ở hai phía chiến trận gặp gỡ hàn huyên. Bằng tình cảm gia đình, ông Mười Tỵ thuyết phục Tướng Minh. Từ đó, ông Mười Tỵ cứ phải đi về trong “vùng địch” hoặc ra nước ngoài để tiếp xúc và gặp gỡ anh mình. Khi Dương Văn Minh lưu vong ở Thái Lan, ông Mười Tỵ cũng được bố trí sang Thái Lan qua ngã Campuchia.
Ông đến Nam Vang, sống trong nhà một Hoa kiều. Tại đó, trong vòng một tháng, ông vừa học bằng sách vở, vừa thực tập giao tiếp để nói tiếng Hoa hồng để nhập vai người đi buôn. Có khi từ Nam Vang ông phải bay lòng vòng sang Ý, rồi từ Ý được cơ sở Việt kiều đón về Pháp để móc nối chị dâu (vợ của Tướng Minh) từ Thái Lan qua liên lạc”.

Bài báo viết thêm:

“Kể từ 1972, bộ đội bắt đầu mở nhiều trận đánh lớn, nên Mười Tỵ được lệnh không ra vùng địch và ra nước ngoài nữa vì “sợ rủi ro làm hỏng ý đồ chiến lược”, nên việc móc nối với Dương Văn Minh được giao cho Nguyễn Hữu Hạnh.”  Lữ Giang. Hàng Tướng Dương Văn Minh  (Motgoctroi.com).

**Hồi Ký Võ Long Triều viết: ‘Báo Tuổi Trẻ phát hành tại Sài Gòn ngày chủ nhật 1 tháng 9 năm 1996 viết rằng sau khi vượt Trường Sơn Thiếu Tá Việt Công Dương Văn Nhựt, tức mười Ty, được lệnh của ban binh vận Trung Ương Cục phải quan hệ và tranh thủ người anh là Dương Văn Minh, đã bị thất sủng thời chính phủ Ngô Ðình Diệm. Theo báo Tuổi Trẻ thì Dương Văn Nhựt có tiếp xúc với Dương Văn Minh và ở trong nhà ông Minh một tuần lễ, có đi ra nước ngoài để tiếp xúc với anh mình. Theo lời tâm tình của Ð.T. Minh nói với tôi “Nó có về thăm bà già một lần mà nó có dám gặp tôi đâu! Thời kỳ thương thuyết hiệp định Paris nó có qua Paris gặp thằng Ðức một lần, chỉ có vậy thôi’  V õ Long Triều. Tại Sao Cưụ Đại tướng Dương Văn Minh không về nước?  (x-cafevn.org)

9.  Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. Trang 268, 269, 271.
10.  Lê Quế Lâm. Chiến Tranh Việt Nam: Ván Bài Đã Lật Ngửa. (vnmoi.net)
11.  Trần Bạch Đằng. Cuộc Đới Và Ký Ức. Trang 269.
12.  Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. Trang 271.
13.  Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. Trang 269.
14.  Trần Bạch Đằng. Cuộc Đời Và Ký Ức. Trang 269.
15.  Lê Quế Lâm. Chiến Tranh Việt Nam: Ván Bài Đã Lật Ngửa. (vnmoi.net)
16.  Lê Quế Lâm. Chiến Tranh Việt Nam: Ván Bài Đã Lật Ngửa.  (vnmoi.net)