Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Tướng quân Cao Thắng và những khẩu súng trường

Tướng quân Cao Thắng và những khẩu súng trường PDF Print E-mail
Tác Giả: Đôn Mai   
Chúa Nhật, 28 Tháng 2 Năm 2010 21:43

Cao Thắng là người nổi tiếng vì đã nghiên cứu và chế tạo được những khẩu súng giống súng trường của Pháp,

góp phần tạo nên sức mạnh của nghĩa quân Phan Đình Phùng trong những ngày đầu chống thực dân Pháp.
 
Cao Thắng (1864 - 1893), người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ ông thông minh, nhanh nhẹn, đặc biệt thích học võ nghệ và binh thư, ham tập võ và săn bắn. Năm 1885, cụ Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần vương, nổi lên khởi nghĩa, Cao Thắng đem theo 60 thủ hạ, gia nhập nghĩa quân và được phong chức quản cơ.
 Lúc đầu nghĩa quân cụ Phan rất thiếu súng đạn, quân ta chỉ có súng kíp, nạp đạn ở đằng nòng, bắn xong một phát lại phải nạp đạn lại, rất nhiêu khê và mất thì giờ. Cao Thắng chỉ mong có một khẩu súng của thực dân Pháp để học kiểu. Thế rồi dịp may đã đến.

 Cao Thắng chỉ huy tốp thợ rèn đúc được 350 khẩu súng, giống y như súng trường Pháp kiểu 1874.

 Bấy giờ trên trục đường từ Vinh đi Hương Sơn có nhiều đoạn phải xuyên qua núi rừng hiểm trở, hai bên lau sậy bạt ngàn, ở giữa là một con đường độc đạo. Một buổi chiều, có một toán lính gồm hai viên quan Pháp và 15 lính mang súng áp tải một hòm bạc để phát lương cho lính đóng ở đồn Phố Châu.

 Tại vùng lau sậy rậm rạp, Cao Thắng đã bố trí mấy chục tráng sĩ, tay cầm đoản đao mai phục. Khi toán lính đi vào trận địa phục kích của ta, Cao Thắng nổi pháo hiệu, quân ta nhất tề xông ra.
 Bị bất ngờ, hai tên sĩ quan và 15 lính bị tiêu diệt gọn tại chỗ. Ta thu được 17 khẩu súng trường, hơn 600 viên đạn và mấy ngàn đồng bạc.

 Cao Thắng cho tập trung những thợ rèn giỏi ở trong vùng lại. Ông tự tay tháo một khẩu súng ra thành từng mảnh, xem xét kích thước, công dụng của từng bộ phận, rồi đốc thúc thợ rèn cứ theo đúng kích thước mà làm, nếu hỏng lại rèn lại... cho đến kỳ được mới thôi.

 Trong mấy tháng ròng rã, Cao Thắng chỉ huy tốp thợ rèn đúc được 350 khẩu súng, giống y như súng trường Pháp kiểu 1874.

 Súng của Cao Thắng giống của Pháp đến mức, sau này khi dẹp được cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, một số khẩu súng của nghĩa quân được đưa về Pháp, hai loại súng đó để gần nhau không thể phân biệt được.
 Đại uý Pháp Gosselin lúc bấy giờ viết: "Tôi có đem nhiều khẩu súng đó về bên Pháp, xem nó giống đủ mọi vẻ như súng của các xưởng binh khí nước ta (tức Pháp) chế tạo. Đến nỗi tôi đưa cho các quan binh pháo thủ của ta xem, họ cũng không phân biệt được, chỉ hiềm nó khác súng của ta có hai chỗ này thôi: ruột gà không đủ sức mạnh và trong lòng súng không có rãnh xoáy".

 Ta biết rằng, trong rừng sâu, thiếu thốn đủ thứ, lại bị phong tỏa bốn bề, nghĩa quân phải dùng gọng ô uốn lại mà làm ruột gà nên độ đàn hồi của lò xo không đủ mạnh. Sắt thì cho người bí mật đi các chợ quê mua gom sắt vụn, cày hư, cuốc hỏng về rèn lại.
 Còn vỏ đạn thì góp nhặt những mâm đồng, nồi đồng, đập dẹp, dát mỏng mà cuốn lại. Thật là một sự sáng tạo tuyệt vời. Số súng này cộng thêm 150 khẩu súng kíp của nghĩa quân có từ trước thành 500 khẩu, quả là một hỏa lực mạnh trong buổi đầu của nghĩa quân lúc bấy giờ.

 Cao Thắng mất năm 1893 trong một trận tấn công xuống huyện Thanh Chương. Năm ấy ông mới 29 tuổi. Sự hy sinh của ông là một tổn thất lớn của nghĩa quân Phan Đình Phùng.