Thế thiên hành phá |
Tác Giả: Bs Trần Văn Tích | |||
Thứ Tư, 14 Tháng 4 Năm 2010 07:35 | |||
Ngày xửa ngày xưa, ở phương đông, Trời sinh ra ông Trời với rất nhiều chức năng công dụng.
Khi nhà Thương bên Tàu diệt nhà Hạ thì đó là vì nhà Hạ nhiều tội nên Thiên đế ra lệnh diệt nó, theo sách Thượng Thư. Khi đất nước loạn lạc, dân gian lầm than thì vua Tự Đức nước ta ban chiếu chỉ thú nhận rằng Trẫm sợ hãi mệnh Trời nên…v.v.. Trời can thiệp bằng cách răn đe hoặc trừng phạt những tên hôn quân bạo chúa khi chính sự của chúng gây chết chóc thương vong cho bá tánh. Ngày nay, vào thời hiện đại hay hậu hiện đại, ông Trời chắc đã nghỉ hưu nên những tội đồ lịch sử với các chủ trương tận diệt tàn sát cả triệu nhân mạng như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh khi sinh tiền không thấy bị công lý chế tài. Tuy nhiên nhân loại thiên kỷ mới đã và đang có những thiết chế pháp lý nhằm truy tố tội ác diệt chủng và/hoặc vi phạm nhân quyền của những kẻ từng hay đang tham chính hầu bảo vệ công dân và thực thi công lý. Nạn nhân của những chế độ toàn trị, độc tài, quân phiệt v.v..có thể truy tố những tân hôn quân bạo chúa trước những cơ quan tư pháp cấp quốc gia, liên quốc, quốc tế. Ông Trời đã có truyền nhân và ngày nay không còn cảnh con ong cái kiến kêu gì được oan (Kiều). Ngày 22.01.2010 Toà án Nürnberg ra án lệnh truy tố tội phạm Jorge Rafael Videla, nguyên là kẻ cầm đầu hội đồng quân lực kiêm nhiệm quốc trưởng Argentine từ 1976 đến 1981. Nền công lý Cộng hoà Liên bang Đức hành xử quyền tố tụng của mình dựa vào đơn khởi tố của các công dân Đức thuộc gia đình bà Elisabeth Käsemann, bị chế độ quân phiệt Videla bắt cóc và thủ tiêu năm 1977 và ông Rolf Stawowiok, bị thanh toán đầu thập niên 1980 và thi hài chỉ mới được tìm ra đầu năm nay. Qua án lệnh của toà Nürnberg, Videla sẽ bị bắt giữ tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới khi y xuất hiện. Những người Trung Hoa tu tập theo Pháp Luân Công ở nhiều nước trên thế giới đã gửi đơn đến những pháp quan cao cấp nhiều quốc gia và/hoặc các cơ cấu bảo vệ nhân quyền ngoại chính phủ nhằm tố cáo tội ác của bè lũ cầm đầu Trung cộng. Tháng mười một năm ngoái, nguyên Chủ tịch Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Giang Trạch Dân, cùng bốn ủy viên trung ương đảng thuộc Bộ Chính Trị cộng đảng Trung Hoa đã bị ông Ismael Moreno, Thẩm phán Toà án Quốc gia Tây Ban Nha truy tố về tội ác diệt chủng và tra tấn mà đối tượng là các học viên tu tập theo Pháp Luân Công ở Bắc Kinh, Liêu Ninh, Sơn Đông. Tháng chạp năm ngoái, Thẩm phán Liên bang xứ Argentine, Octavio Aaroz de Lamadrid, sau bốn năm điều tra tội phạm, đã công bố một hồ sơ tổng kết dày một trăm bốn mươi hai trang nhằm kết án nguyên Chủ tịch Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân và nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính Trị La Can vì hai trọng tội diệt chủng và tra tấn. Phong trào Pháp Luân Công đang thực hiện những bước nhằm đạt được các phán lệ tương tự ở nhiều quốc gia khác kể cả Pháp. Từ một góc nhìn khác bên cạnh chủ trương vận dụng công pháp quốc tế để mang kẻ phạm tội ra trước toà án còn có khía cạnh tự giác tự động đưa công lý đến cho nạn nhân oan khuất. Gần đây nhất là buổi lễ tưởng niệm hai vạn sĩ quan, trí thức, nghệ sĩ Ba Lan bị Nga Xô giết hại vào đầu năm 1940 theo lệnh Stalin tại Katyn với sự hiện diện của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Nga Vladimir Putin bên cạnh nhau. Cũng gần đây nhất là tuyên cáo của Quốc hội Serbien về vụ thảm sát tám ngàn dân theo Hồi giáo do quân Bosnien-Serbien tháng Bảy năm 1995 dưới quyền chỉ huy của Ratko Mladic. Liên hệ vào trọng tội diệt chủng này, năm 2004, Radislav Krstic đã bị Toà án Quốc tế La Haye kết án ba mươi lăm năm cấm cố. Nỗi nhục nhìn thấy đất nước càng ngày càng lệ thuộc kẻ thù phương bắc, nỗi khổ của dân tộc phải tìm mọi cách bán mình cho người ngoài và sang nước ngoài để tha phương cầu thực, bao nhiêu oan trái đọa đày đang diễn ra trong xã hội quốc nội; tất cả những tình huống đó và rất nhiều tình huống khác nữa từng giờ từng phút thôi thúc những người Việt còn có chút lòng nghĩ đến quê hương phải làm một cái gì cho tự do, dân chủ. Nhiều hình thức đấu tranh rất đa dạng đang được áp dụng bởi đồng bào trong nước cũng như tại nước ngoài. Tuy nhiên nhìn chung có thể phân chia rất tổng quát thành hai kiểu cách đấu tranh : thụ động và chủ động. Năm ngoái một nhóm thanh niên giàu thiện chí ở Hoa Kỳ kêu gọi đồng bào ngưng du lịch, ngưng gửi tiền về Việt Nam trong một tháng, tháng tư. Lập luận của nhóm rất ngoạn mục : biện pháp này sẽ khiến Việt cộng nhận thức rõ tầm ảnh hưởng kinh tế tài chánh của hải ngoại, sẽ khiến phi trường Tân Sơn Nhứt thiệt hại nặng nề về thu nhập ngoại tệ, sẽ tạo tiếng vang mạnh mẽ lên dư luận quốc tế. Rồi tháng tư cũng qua đi, không thấy nhóm những người trẻ chủ trương “tháng tư tẩy chay“ thông tri cho đồng bào biết giặc đã thấm đòn như thế nào. Tất nhiên chẳng thể viện bất cứ lý do gì để không tán thành hoặc không tán thưởng biện pháp được đề nghị nhưng rõ ràng thành quả tương đối hạn chế của kế hoạch đã có nguyên nhân ở tính thụ động, tính bị động của phương sách được đề ra. Khi chúng ta kêu gọi người khác làm nhưng nếu người khác vì lý do này hay lý do khác không làm được thì chúng ta cũng đành thúc thủ. Người thanh niên Trần Văn Bá và bằng hữu không kêu gọi suông mà dấn thân chủ động, tích cực nhập cuộc. Giá trị của một phong cách hành động như vậy trước hết vẫn là giá trị của nhiệt tình và động cơ. Nhưng ngày nay tình hình thế giới không cho phép đi theo con đường của anh hùng Trần Văn Bá nữa. Phải năng động chuyển qua những hình thức đấu tranh mà vũ khí do chính những người áp dụng nắm trong tay. Một trong những hình thức đó là tố cáo tội ác của kẻ thù. Khi viết tài liệu sử học Án tích cộng sản Việt Nam, nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng ở Canada đã chủ động làm công việc tố cáo bằng văn học, sử học. Khi phát hành DVD Sự thật về Hồ Chí Minh, Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã chủ động tiến hành buộc tội lãnh tụ Việt cộng qua nghệ thuật điện ảnh. Ủy ban Truy tố tội ác đảng cộng sản Việt Nam với cựu Thiếu tá Liên Thành làm phát ngôn viên, khi chủ trương đưa Việt cộng ra các toà án hình sự quốc tế hoặc các tổ chức bảo vệ nhân quyền, cũng đang chủ động viết bản cáo trạng về những tội ác không thể kể xiết của tập đoàn tay sai Hồ Chí Minh đối với đồng bào Việt Nam trong các vụ án vô tiền khoáng hậu : tàn sát tập thể Tết Mậu Thân, giam cầm tù đày quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hoà, đàn áp ngược đãi các tín hữu Công giáo, Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo v.v.. Vụ Srebrenica là một vụ diệt chủng đã bị nền công lý nhân loại kết án và những kẻ tội phạm thuộc nội vụ hoặc đã đền tội trong lao xá (Slobodan Milosevic), hoặc đang bị câu thúc thân thể (Radislav Krstic), hoặc đang tại đào trốn chui trốn nhủi (Ratko Mladic). Tại nước láng giềng của Việt Nam là Cao Mên cũng đang có toà án quốc tế xét xử tội diệt chủng của bè lũ Khmer đỏ. Nếu Srebrenica có tám ngàn nạn nhân thuộc “chủng“ muslim thì Huế cũng có hơn năm ngàn nạn nhân thuộc “chủng“ ngụy. Tất nhiên đây không phải là hành động mù quáng mang tính biểu diễn, nặng chất hiếu danh. Bước đầu tiên đương nhiên là điều tra nghiên cứu cung cách xúc tiến thủ tục pháp lý, minh định tính hợp pháp và tư cách pháp nhân của nguyên đơn, khởi thảo cáo trạng căn cứ vào chứng tích buộc tội, cân nhắc phân tích những bộ luật khoản luật có thể vận dụng, tìm kiếm lựa chọn các cơ cấu pháp đình có thẩm quyền cấp quốc gia, cấp liên quốc, cấp quốc tế. Bước nghiên cứu tiến trình thực hiện tố quyền này nên được tiến hành song song với việc mời gọi sự cộng tác của các tổ chức đồng hương đồng tâm nguyện như Tổng hội Cựu Tù nhân Chính trị và/hoặc đồng hoàn cảnh thuộc các nước khác, chẳng hạn Pháp Luân Công. Đương nhiên ngay cả trong trường hợp tiến trình khởi tố đi đến những kết quả cụ thể như Pháp Luân Công đã đạt được thì điều đó cũng chẳng có nghĩa là trên cái kiến trúc quái gỡ ở Ba Đình sẽ có xích xiềng bằng sắt quàng vào như thời phong kiến hoặc phe nhóm Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng khi ra khỏi nước là bị Interpol xích tay với còng số tám. Không ai ngây thơ, ngờ nghệch nghĩ như vậy. Nhưng một án lệnh bắt giam, dầu có thể chỉ có tính cách tượng trưng, vẫn là một biện pháp chế tài có tác dụng bôi tro trét trấu lên mặt những tên tội đồ lịch sử, dù chúng đã chết hay còn sống. Sau hai mươi năm thống nhất, nước Đức vẫn còn tình trạng các nạn nhân của chế độ độc tài toàn trị Walter Ulbricht-Erich Honecker chưa được giải oan thích đáng, báo phục tương ứng. Giới nghiên cứu sử học cho rằng sở dĩ có tình trạng đáng tiếc này là vì tập thể nạn nhân không biết vận động chính trường, không có tổ chức chặt chẽ, không hoá giải được những bất đồng nội bộ và không gây được sự chú ý ủng hộ của công luận. Bài học này rất đáng cho chúng ta cùng học. Huống chi công pháp quốc tế sẵn sàng tạo cơ hội cho nạn nhân các chế độ tàn bạo sát nhân giữ một vai trò tích cực, chủ động, trung tâm, trọng yếu trong tiến trình truy tố tội ác của những chế độ liên hệ. Nạn nhân không phải chỉ giữ vai trò nhân chứng mà còn có quyền yêu cầu tiến hành điều tra tội ác để rồi cùng tham gia tiến trình truy tố và đòi hỏi bồi thường. Một số quốc gia văn minh dân chủ châu Âu – Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ý, Hoà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh – cùng ban bố thủ tục cụ thể nhằm tiến hành truy tố và kết tội những tên sát thủ đồng thời bồi hoàn thiệt hại tinh thần và vật chất cho nạn nhân oan ức. Chẳng hạn tại Pháp và trong vụ tố tụng in absentia mà thủ phạm là viên sĩ quan Astiz người Argentina, mỗi nạn nhân được bồi thường một quan Pháp về thiệt hại tinh thần, à titre du préjudice moral đồng thời cơ cấu công quyền đứng ra cáng đáng án phí. Ngay tại quốc gia của nữ hoàng Elisabeth, tuy rằng hệ thống pháp lý partie civile không có hiệu lực nhưng các pháp viện hình sự vẫn có đặc quyền ban hành án lệnh bồi thường cho nạn nhân các vụ thảm sát thuộc những vụ án đại hình trong khuôn mẫu Criminal Injuries Compensation Scheme. Chuyện đưa những tội đồ cộng sản Việt Nam ra toà không phải là chuyện riêng tư của vị cựu Thiếu tá, cựu Trưởng ty Cảnh sát Quốc gia Thừa Thiên - Huế. Chuyện là chuyện đấu tranh tố cộng nhưng trước hết vẫn là chuyện đất nước, con người; trước hết vẫn là những cố gắng, những tâm huyết, những tự nguyện tích cực, những dấn thân đáng quí.
|