Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Tâm bịnh của vua Tự Đức và thảm kịch vua ba ngày Dục Đức

Tâm bịnh của vua Tự Đức và thảm kịch vua ba ngày Dục Đức PDF Print E-mail
Tác Giả: BS Trần Tiễn Sum   
Thứ Ba, 21 Tháng 12 Năm 2010 09:54

 

 Lên ngôi lúc 19 tuổi với quyền hành tuyệt đối, vua Tự Đức có mặc cảm không thể có con thừa tự vì bị bệnh đậu mùa lúc còn tráng niên, và việc bức tử người anh ruột (Hồng Bào) cùng cha khác mẹ vì tranh chấp ngai vàng.

          Vua Tự Đức gởi gấm nỗi niềm tâm sự của cuộc đời làm vua thời loạn ly mong ước có được các quần thần tài giỏi giúp vua trị nước yên dân, nhân lúc cảm hứng trong dịp dạo thuyền trên Sông Hương qua bài thơ chữ Hán được Cụ Ưng Trình dịch lại như sau (BAVH-1916 tập 8, Bản dịch Việt 1997, Thuận Hoá):

                                                          
Đêm đông trên Sông Hương
                                                        
Dạo cảnh đêm đông gió rét vừa

Sông Hương làn sóng gợn lưa thưa

Thuyền êm, gió thoảng, sao vừa sáng

Ai thấu tâm can của vị vua?

Xã tắc lòng ta đau khổ mãi

Ví chăng tìm được kẻ tài ba

Tay chèo lái giỏi con thuyền vững

Thanh thản qua sông ắt dễ mà .

Nhưng chính do việc vô tự (không có con) và nội dung di chiếu của vua Tự Đức, giai đoạn lịch sử 1883-1885 từ khi nhà vua băng hà trở nên nhiễu nhương do các phụ chánh đại thần lộng quyền trong lúc thực dân Pháp muốn áp đặt nền đô hộ trên toàn cõi Đông Dương và quân Trung hoa âm mưu chiếm đất Bắc kỳ.Từ năm 1862 Nam kỳ đã trở thành thuộc địa Pháp và Bắc kỳ chinh chiến liên miên từ 1872 bị chiếm đóng “da beo” bởi quân Pháp, Thanh, Cờ Đen và Việt. Việc nội trị bị đình trệ vì thiên tai , loạn lạc, lương giáo tương tàn, các sĩ phu có tiết tháo xa lánh triều đình, dân chúng nghèo đói đến bần cùng do kinh tế lụn bại. Chương trình canh tân tự cường chỉ được thực thi nửa vời vì nhà vua không chịu nghe theo đề nghị của các đại thần Phan thanh Giản, Phạm phú Thứ sau khi đi sứ về, hay như điều trần của Nguyễn trường Tộ hơn 15 năm trước: “nếu vấn đề canh tân không được giải quyết thì đất nước không tránh khỏi họa vong quốc”. Trong tình thế đó, triều đình Huế chia rẽ với hai xu hướng đối nghịch rõ rệt (chống Pháp cầu viện Trung Hoa hay cọng tác với Pháp) gây bạo hành do các quan phụ chánh đạo diễn phế lập trong 4 tháng.

Ba vị vua liên tiếp (Dục Đức-Hiệp Hòa-Kiến Phúc) đều chết thảm trong sự kiện lịch sử “tứ nguyệt tam vương”.Hai câu thơ sau đây nêu rõ trách nhiệm của hai vị phụ chính đại thần Tôn thất Thuyết và Nguyễn văn Tường:

Nhất giang lưỡng quốc, ngôn nan Thuyết,

Tứ nguyệt tam vương, triệu bất Tường .

(Một sông hai nước, nói sao được,

Bốn tháng ba vua, biết điềm gì)

Tự quân thứ nhất Hoàng trưởng tử Dực Đức, 31 tuổi lớn tuổi nhất trong 3 vị hoàng tử con nuôi, cháu ruột của vua Tự Đức được truyền ngôi vua mới được ba ngày thì bị triều thần phế đi. Sự kiện lich sử này đến nay cũng chưa được biết tường tận vì các bộ sử của triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lực hay Liệt Truyện đề cập đến theo kiểu biên niên thiếu nhiều dữ kiện. Trước đây, các sử gia Trần trọng Kim và Phạm văn Sơn cũng nhắc sơ qua. Các sử gia miền Bắc đánh giá nhà Nguyễn theo chủ trương chính trị hoá lịch sử hợp “đạo đức cách mạng”. Gần đây các bộ sử xuất bản tại hải ngoại và nhiều bài khảo cứu đăng trên các báo mạng điện tử trình bày thêm nhiều chi tiết hơn dựa vào nhiều tài liệu đã được giải mã.Chúng ta hãy tổng hợp những tài liệu trên kèm thêm những tư liệu để tìm hiểu sâu xa hơn diễn tiến thảm kịch việc làm vua ba ngày của vua Dục Đức.

Tâm bịnh và di chiếu của vua Tự Đức

Lên ngôi lúc 19 tuổi với quyền hành tuyệt đối, vua Tự Đức có mặc cảm không thể có con thừa tự vì bị bệnh đậu mùa lúc còn tráng niên, và việc bức tử người anh ruột (Hồng Bào) cùng cha khác mẹ vì tranh chấp ngai vàng.Thể chất nhà vua lại yếu đuối, luôn bịnh hoạn. Bản tính lại cả thẹn, ít nói, hay tự xét mình, thường do dự, thiếu quyết đoán.Ngay từ khi còn nhỏ, vua cha Thiệu Trị đã nhìn thấy được những triệu chứng tâm thần của Tự Đức nên đã ban cho tập sách “Tâm pháp trị pháp” và “Chỉ thiện đường” để học tập. Tư chất thông minh, uyên bác về Khổng-Nho, giỏi văn thơ và rất có hiếu với mẹ nên nhà vua hay vâng theo lời khuyên “nên hòa hoãn với Pháp” của Hoàng thái hậu Từ Dũ.

Sau khi chiến thuyền Pháp uy hiếp Đà Nẵng 1858, đánh chiếm Gia định và ba tỉnh miền Đông, ép buộc Khâm sai đại thần Phan thanh Giản phải ký tạm ước 1862, nhượng đất cầu hòa và chấp nhận tự do truyền đạo, vua Tự Đức có vẻ tự tin vào tinh thần chiến đấu quân dân nước Việt ra chỉ thị không được nhượng bộ mà phải cứng rắn với người Pháp trong việc thương thuyết; nhưng khi thất bại lại đổ lỗi, khiển trách với những hình phạt nặng nề các đại thần của mình. Tình hình chính sự và chiến sự càng ngày càng đen tối, đất nước càng ngày bị chiếm đóng bởi quân Pháp, tinh thần vua Tự Đức luôn luôn hoang man hoảng sợ đưa đến tâm bịnh không thuốc chữa.

Khi ba tỉnh miền Tây còn lại của Nam kỳ bị chiếm đóng tháng 7-1867 và Phan thanh Giản tuẫn tiết, vua Tự Đức hạ chiếu “sám hối” 9-10-1867 có đoạn “Trẫm…đau ốm về thể xác, ngu tối về tinh thần…Ngồi nằm đều chua chát lo buồn…mặt Trẫm xanh xao gầy ốm, Trẫm chưa đến 40 tuồi mà tóc đã bạc như một lão già” (HCT, t6, tr.1171) cũng như cho khắc vào tấm bia đá “Khiêm cung ký” (1875):

“Phàm mọi việc làm không nên, đều là tội ở Trẫm, bất đắc dĩ nhún nhường để làm tạm, mong ước nghỉ một chút, mà trong nước từ đấy mới nhiều việc, nghĩ lại ngay lúc bấy giờ, giấy khẩn cấp đưa luôn, công việc bỏ ùn, ngày đêm mất ăn mất ngủ như dại như ngây, đến nay hồn sợ hãi vẫn chưa được yên định, mà gầy ốm ngày lại tăng thêm, lại không may bỗng gặp bệnh nguy cấp, chết mà lại sống, cho nên đầu choáng váng, mắt hoa mờ, chân yếu bụng trệ, các chứng hư hiện ra cả, tế tự không thân hành được, hỏi việc không chăm chỉ được mà chê trách lại thêm nhiều… Nay Ta bên trong không có sự vui về con nối ngôi, bên ngoài nhiều việc khó yên, tấm thân nhỏ mọn, lo trách xúm đến, trong lòng người thường còn chẳng chịu nổi, huống chi là Ta, chỉ lấy lòng thành để trị trăm sự lo hão, người trông cậy được có bao nhiêu thì cũng tự tin ở có trời mà thôi. Nếu không phải từng trải lo âu, còn ai biết cho Ta, mà cùng nói với Ta, cũng không được kết cục, thì sau này người xem đến lại phiền đến thế nào? Cho nên đau lòng khổ chí, thâu đêm suốt ngày có lúc như người điên cuồng, không có thánh nhân thì ai mở bảo cho Ta, Ta cũng sẽ đợi chỉ trời và thánh, để toàn vẹn chí ta, chẳng dám cho là không thể làm được mà không làm, không thể cảm hoá được mà không cảm hoá, còn một ngày cũng lo hết trách nhiệm một ngày đó thôi”.

Lúc kén chọn hoàng thái tử và hoàng tử, nhà vua cũng tự vấn về tinh thần và thể chất của chính mình.Sử sách triều Nguyễn trong các quyển Đại Nam thực lực chính biên (DNTL) đã ghi lại như sau:

- (DNTL, t7, tr. 1200) tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1869) : “Trẫm đức bạc, tuổi trẻ, sớm nối nghiệp lớn, khốn nỗi tư bẩm bạc nhược, vận mệnh kiển bĩ, việc nhiều, lỗi nặng, bệnh tật liên miên, lại không biết cách tu luyện của Hoàng đế, Lão tử, Kỳ Bá, Biển Thước, nên con nối muộn hiếm, không được yên lòng về việc lập Thái tử và sự vui về bà chơi với cháu, tội ấy không còn tội gì to hơn ! Rất tự lấy làm sợ hãi, hổ thẹn” .

- (DNTL,t7, tr. 1291) tháng 7 năm Tân Mùi (1871): “Trẫm vốn nhiều lỗi, việc nước mỗi ngày một nhiều, rất muốn có người con hiền che được lỗi cho cha mẹ, ngõ hầu mới không còn ân hận, trừ phi được người tài đức thuần tuý hơn người, thì sao thoả được lòng mong muốn ấy. Nay còn đương lúc công việc bận nhiều, thực nghĩ việc phó thác là rất quan trọng, hết lòng hết sức, còn sợ không nổi, huống chi lại có thì giờ nghĩ đến việc khác, thận trọng tự bảo dưỡng lấy mình. Hơn nữa ngày thường khí lực yếu lắm, khó lòng đã có con, may mà có con, thực là nhờ ơn của trời đất tổ tiên ban cho và nhờ phúc thừa tích thiện của Hoàng thái hậu để lại. Các thân huân và thần dân, vốn biết rõ sự khó nhọc của Trẫm, rửa sạch cái phiền cái hỗ cho Trẫm, để cho nguyên khí của Trẫm được mạnh khoẻ, việc ấy thực trẫm không dám chắc. Trẫm chỉ kính sợ mệnh trời không thường, chọn sẵn người lớn tuổi làm con nối, nếu chọn được người tài giỏi, may ra được khỏi tội”.

Sau khi chiếm xong miền Nam, người Pháp bắt đầu chú ý đến Bắc kỳ với những cuộc thám hiểm sông Hồng để tìm đường thông thương với Vân Nam, Trung Hoa. Do những trở ngại trong các hoạt động thám hiểm và buôn bán trái phép của Jean Dupuis với Vân Nam (1872) cùng sự hiện diện liên quân Việt-Trung, quân Pháp đánh chiếm tạm thời Hà nội lần thứ nhất 1873 để có hòa ước 1874 mở cửa sông Hồng. Từ đây bắt đầu cuộc tranh chấp Pháp-Trung về vấn đề Bắc kỳ mà 15.000 quân Trung hoa do yêu cầu của vua Tự Đức đã hiện diện từ 1869 giúp dẹp loạn Ngô Côn (Thái Bình Thiên Quốc). Cái chết bi hùng của Nguyễn tri Phương cùng tình hình chiến sự tại đây làm nhà vua bi quan trong thế thụ động. Nhà vua cảm thấy cô đơn với nỗi lo sợ không nguôi về tham vọng của Pháp qua những chính sách ngày càng cứng rắn, đầy khiêu khích của chính phủ Pháp ở Paris và chính quyền thuộc địa tại Saigon cũng như sự cổ động thúc dục của các giáo sĩ người Pháp vì tình trạng truyền giáo khó khăn và bạc đãi giáo dân.

Vua Tự Đức đau lòng nhìn cảnh dần dần mất chủ quyền đất nước, uy quyền ngày càng bị hạn chế, xã hội phân hóa vì nạn lương-giáo tương tàn, giới văn thân xa lánh, để phải mang bịnh thêm vì “đánh không được, hòa chẳng yên, mà giữ cũng chẳng xong” (VNC, t.1, tr.249-252).Hầu hết các cận thần của nhà vua đều khuất bóng như Trương đăng Quế, Phan thanh Giản, Nguyễn tri Phương, Đoàn Thọ, Hoàng Diệu…sau 36 năm dưới triều Tự Đức, nay chỉ còn Trần tiễn Thành thuộc lớp cũ, triều thần là thế hệ mới vào 2 năm cuối triều Tự Đức. Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết nắm hết mọi quyền hành tại triều, ngoài Bắc kỳ thì có Hoàng kế Viêm, Nguyễn Hữu Độ và Phan đình Bình trong lúc bịnh tình của vua Tự Đức càng ngày càng trầm trọng, đồng thời ảnh hưởng của Trần Tiễn Thành cũng giảm vì tuổi già sức yếu đầy bịnh tật.

Dựa vào lý do hòa ước 1874 không được thi hành từ phía triều đình Huế cọng thêm những hoạt động của quân Cờ Đen gây trở ngại cho các chuyến buôn bán của người Pháp, cùng lúc phong trào “Bình Tây sát tả” gây ra những cảnh tương tàn đẫm máu, Pháp tiến đánh Hà Nội lần thứ hai 1882 hầu bảo vệ Pháp kiều, giáo dân và tranh giành tài nguyên (các loại mỏ) với Trung hoa. Với tình thế biến chuyển nhanh, nhiều việc cấp bách đòi hỏi sức lực làm việc nhiều, Trần tiễn Thành được phép vua cho tạm nghĩ dưỡng bịnh và chỉ quản lý công việc để Lê hữu Tá rồi Tôn thất Thuyết nắm quyền Bộ Binh (Xem Niên biểu Văn nghị công NBVNC, quyển 6). Cuối năm 1881, Tôn thất Thuyết đang có mặt tại Huế sau thời gian dài dưỡng bịnh tâm thần được cử nắm quyền Bộ Binh vào tháng 2-1882 để ứng phó với chiến trường miền Bắc và tháng 6 thì bắt đầu tham gia Cơ mật viện với chủ trương chống Pháp bằng giải pháp quân sự và bảo vệ kinh đô. Phản ứng với những thất bại bất lợi của chiến sự và hòa đàm trong cái thế của đất nước hiện giờ, triều thần phải đành chọn lựa một trong hai xu hướng rỏ rệt chống hay theo giặc mà thôi: phe chủ chiến chủ trương trực diện đối đầu bằng vũ lực với Pháp, giết giáo dân đồng thời cầu viện Trung hoa, trái với phái chủ hòa gồm hầu hết hoàng gia muốn hợp tác hay điều đình với quân Pháp.

Tháng 4-1882 Hà nội thất thủ sau 6 giờ chống trả và Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn tại Võ miếu.Việc thương thuyết diễn ra tại Huế và Hà nội để hoàn trả Hà nội.Nhưng Pháp muốn trì hoãn để điều đình với Trung hoa tại Paris và Bắc kinh và có đủ thời gian gởi thêm viện binh từ Pháp.Trong tình thế nghiêm trọng đó, bịnh tình của nhà vua ngày càng thêm trầm trọng, thuốc men bắt đầu hết công hiệu, triều đình phải cử người đi tìm thầy thuốc bắc bên Trung hoa. Tháng 8-1882 (NBVNC, q6) các quan đại thần Cơ mật viện Trần tiễn Thành, Nguyễn văn Tường, Phạm thận Duật, Đoàn văn Bình, Tôn thất Thuyết dâng phiến tâu:

“Trộm thấy trị bệnh nên dựa vào thuốc men mà công sức điều trị cũng chiếm phân nửa.Từ khi lên ngôi đến nay, phải lo lắng bên trong, lo bên ngoài, thời sự có nhiều khó khăn, Hoàng thượng lòng dạ ngỗn ngang khó nghĩ, tích chứa mối lo thành bệnh đã không phải một ngày vậy.Nay khánh tiết đã quá ngũ tuần, tuy bẩm thọ như người xưa cũng gọi là đã suy phân nửa.Huống chi sau khi nhọc lâu ngày gần đây còn nhiều việc Cơ mật nữa, bọn thần cùng bàn nhau, từng lấy làm lo. Từ 2-3 tháng nay, vẻ tươi tắn yên ổn của bệ hạ chưa được như trước, phương thuốc của quan Thái y còn chậm thấy công hiệu.Bọn thần đã hỏi Viện ấy cùng kê cứu các phương thức nghĩ cũng chỉ bổ hư chứ không có phép nào chữa nhanh được. Vả khí vận, sự thế ngày nay như vậy các nước cùng như thế cả, tựa như không phải đem sức riêng của nước mình mà sớm giải quyết được vận lớn ấy, cúi xin Hoàng thượng thư thái nỗi niềm, tĩnh tâm điều trị, hoặc 5-3 ngày hãy chầu một lần, hoặc nhân lúc tạnh trời mà tuần du để tiêu u uất. Nỗi lo của Hoàng thượng mà thư được thì thuốc quí mới tiến theo,tinh thần khoẻ lên ngày càng tăng hơn trước thì lời tung hô chúc mừng mới làm hân hoan bọn thần vậy.Đó là phúc của xã tắc, phúc của sinh linh, bọn thần rất trông mong vậy”.

Tháng 9-1882, các quan đại thần Cơ mật viện lại dâng phiến tâu: “Gần đây vâng thấy Hoàng thượng chứa chất lo âu nên sinh bệnh hoạn. Thái y điều trị chưa thấy công hiệu, bọn thần lo lắng sâu sắc, không biết làm gì. Nghĩ rằng những năm gần đây việc nhiều, cửu trùng nhọc nhằn dồn nén đã lâu, nếu không mở rộng nỗi lòng cho tinh thần cùng tình cảm được thoải mái như sách thuốc đã nói, chữa thuốc e chậm trễ. Lại đọc Hán thư, thấy vua Quang Vũ có hôm ăn cơm ở tị điện, bị ngất ở mái hiên, các quan khuyên vua đi chơi đến Chương Lăng ở  lại đấy rồi bình phục, bởi vì bệnh ưu uất gặp gió thì thoải mái vậy. Vâng thấy Hoàng thượng hôm trước bị ngất, nay lại nhọc mệt, nghĩ cũng do ưu uất mà đến nỗi ấy cho nên bàn nhau xin nhân lúc rỗi đi dạo chơi.Chỉ vì muốn cho bệnh ngài ngự sớm đỡ mà không dè lời lẽ có hơi viển vông mà lại mạo muội lo lắng việc đại nghĩa”.

Lao tâm lao lực làm vua Tự Đức lâm bịnh phổi ngày càng nặng. Nhà vua nghe theo đề nghị của Tôn thất Thuyết cầu viện Trung hoa trong khi Trần tiễn Thành lại cố gắng ngăn cản làm Thuyết nổi giận nói càng tại triều. Tiếp nhận công hàm chính thức cầu cứu của vua Tự Đức ngày 29-7-1882 (NXT, tr.272), quân Thanh từ Lưỡng-Quảng  bắt đầu vượt biên từ tháng 8 đến tháng 10-1882 để tranh chấp với Pháp, với tham vọng chiếm đóng Bắc kỳ. Đàm phán giữa Paris và Bắc kinh đưa lại tạm ước Thiên Tân 20-12-1882 chia đôi Bắc kỳ thành hai vùng: thượng du thuộc Trung hoa, vùng châu thổ thuộc Pháp. Lúc tin đồn về việc chia đôi này lan truyền trong nhân gian, vua Tự Đức sắc rằng: “Người Tàu đâu có làm việc bất nghiã như thế” (HCT, t6, tr1243). Không tin hay không biết âm mưu Pháp-Trung này cũng như thiếu tin tức tình hình thế giới, vào đầu năm 1883, nhà vua cử sứ bộ Phạm thận Duật ra đi cầu viện Trung hoa đang khốn đốn bị các cường quốc Tây phương và Nhật cấu xé.

Trong bức mật thư gởi riêng cho Lý hồng Chương, Tể tướng nhà Thanh ngày 26-1-1883 (NXT, tr.280) vua Tự Đức ca ngợi chính sách duy tân của Trung hoa trong việc mở cửa buôn bán với nước ngoài, khuyến khích nghiên cứu học tập những kỹ thuật mới của nền kỹ nghệ phương tây, đồng thời kêu gọi Trung hoa giúp Việt nam đánh thắng Pháp với một danh sách xin viện trợ. Vua Tự Đức  yêu cầu Trung hoa tuyển dụng giùm các chuyên viên ngoại quốc, huấn luyện viên quân sự, cung cấp những thiết bị và vật liệu cần thiết chế tạo vũ khí hay chiến thuyền cũng như thu nhận du học sinh Việt nam. Những điều bàn luận trong mật thư này dường như vua Tự Đức học được một bài học sau Hòa Ước 1874 về việc Pháp cung cấp 5 tàu chạy hơi nước, 100 súng đại bác và 1000 súng trường cùng đạn dược cũng như cung cấp chuyên viên quân sự giúp tổ chức thủy lục quân, chuyên viên về tài chánh và kỹ sư. Nhưng những chiến cụ nhận được của Pháp đều để phế đến hư hại và các chuyên viên kỹ thuật người Pháp bị làm khó dễ nên bỏ ra đi về nước.Trong thư ngày 7-11-1878 gởi cho thống đốc Nam Kỳ Philastre, đại diện Pháp tại Huế viết: “Chính phủ An nam đã nhận được 2000 khẩu súng, đó là thứ khí giới tạm dùng được, nếu ngưới ta chịu chăm sóc. Ngay bây giờ hoặc một năm sau nữa là cùng, có lẽ không một khẩu súng nào còn dùng được bình thường. Các tàu thủy cũng thế, cái gì cũng vậy cả.”.

Đây là bài học canh tân vào giây phút cuối đời mà trong bao nhiêu năm vua Tự Đức đã tìm cách từ chối hay không nhất quyết thi hành những kế sách đề nghị của phái canh tân.Khi nhà vua nhận ra nước nhà cần thiết phải thay đổi thật sự và nhìn thấy rõ thực tâm của Pháp thì đã muộn, chỉ còn trông cậy vào thiên triều Trung Hoa mà thôi. Trước đó tháng 8-1882 Tự Đức đã đặt bút phê “ngôn hà quá cao” vào lá thư Nguyễn lộ Trạch gởi Trần tiễn Thành bàn về du học kỹ thuật Tây phương và nới rộng ngoại giao với các nước Đức và Anh hầu tự cường tự trị cho đủ mạnh chống Pháp.Nguyễn lộ Trạch sau đó cũng không được nhà vua cho xuất ngoại và ông Thành tìm cớ xin về hưu trí.

Tháng 3-1883 Pháp quyết định đơn phương bãi bỏ Tạm ước Thiên Tân, xúc tiến đánh chiếm Hòn gay và Nam định. Quân nhà Thanh dưới quyền chỉ huy bởi Lý hồng Chương tăng viện vượt biên giới với danh nghĩa giúp quân ta chống Pháp. Bang giao Việt-Pháp trở nên căng thẳng tột độ.Đầu tháng 4-1883 phái bộ ngoại giao Pháp Rheinart di tản khỏi Huế vào Saigon. Tháng 5, đại tá Henri Rivière, chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Bắc kỳ bị tử trận vì bị phục kích.Chính phủ Pháp Ferry liền quyết định điều động thêm một sư đoàn thủy quân lục chiến, một hạm đội hải quân dưới quyền thiếu tướng Courbet và thiết lập chính phủ bảo hộ tại Bắc kỳ do tổng ủy viên dân sự Harmand cầm đầu.Cuối tháng 6 Lãnh sự Việt Nguyễn thành Ý tại Saigon bị trục xuất về Huế. Tại đây, không khí chiến tranh bao trùm, phía Việt nam chuẩn bị 20.000 quân bảo vệ kinh thành Huế, quân Pháp chỉ có khoảng 500 lính đang chờ viện quân từ miền Bắc đang tiến về vùng biển Thuận an. Giữa lúc đó, ngày 19-7-1883 (tức là ngày 16-6 Quý mùi) vua Tự Đức mất, thọ 54 tuổi.

Vua Tự Đức đã bị ốm từ mấy tháng trước, đã làm tờ di chiếu trong tinh thần thiếu sáng suốt và hoang mang phải quyết định chọn lựa giữa hoàng trưởng tử Ưng Chân (Dục Đức) 31 tuổi hay hoàng tử Ưng Đăng (vua Kiến Phúc sau này) 14 tuổi nối ngôi.Ưng Đăng và bà Học Phi hàng ngày hầu cận vua lúc ốm đau nên được lòng vua, còn bà quý phi mẹ nuôi Ưng Chân thì bị khiển trách. Qua kinh nghiệm của chính mình về việc bỏ trưởng lập thứ nên vua đành bất đắc dĩ lập trưởng nhưng để lại những điều răn bất lợi cho tự quân khi nhắc đến các khuyết tật.

- (DNTL, t8, tr.575) tháng 6 năm Quý mùi 1883, “Chiếu rằng : Trẫm là con thứ 2 của bà cả của Đức Tiên đế, nhờ trời đất ông cha cho nối nghiệp lớn, làm vua nước Nam 36 năm nay, lo sợ hằng ngày, thường sợ không làm nổi, khốn nỗi người yếu, đức mỏng, tài kém, lỗi nhiều, đang mong đổi lỗi chưa xong, đâu dám quá nghĩ thành ốm. Duy lo lắng đã lâu, lại thêm khó nhọc, năm trước đã phát bệnh ho, hạ tuần tháng 4 năm nay, bệnh bỗng phát to, trăm chứng hư tổn, đều phát ra cả, đã uống thuốc để chữa, càng ngày càng tăng, lòng thành đến nay mới được hơi có cơ hội, không may mà vội chết, để thương đến muôn đời. Trời khó tin, mạnh không thường, phàm việc phải dự bị trước”.

DNTL cho biết: Trước vua từ hạ tuần tháng 4 hơi yếu, vài ngày dần khỏi, cố sức làm việc, những chương sớ các nơi, đều cho theo như thường dâng tâu, tuỳ việc phê phó. Rồi nhân khó nhọc, thành ra ốm nặng, quan viện Thái y hầu thuốc không có hiệu quả. Đến ngày 14 tháng 6 ấy là ngày Nhâm Tuất, tuyên triệu Cơ mật viện đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết vào hầu, vua ở trong cung, chính tay phê vào tờ di chiếu cho Hoàng trưởng tử Thuỵ quốc công nối ngôi vua.

Thời niên thiếu của Dục Đức

Vua Tự Đức lúc sơ sinh đã khó nuôi nên gầy ốm, dù có vợ sớm lúc 15 tuổi đã khó có con và 17 tuổi bị bịnh đậu mùa với biến chứng nên không thể có con.Lên ngôi vua lúc 19 tuổi, có nhiều vợ và cung phi mỹ nữ (trên 100) nên sai tôn nhân và đình thần bàn định về việc thiết lập hoàng tử ngay từ năm 1865. Nhà vua xin 3 người cháu ruột làm con nuôi theo thứ tự thời gian như sau:

- 1866 Ưng Thị (vua Đồng Khánh sau này) sinh 1864

- 1868 Ưng Ái, sau đổi là Ưng Chân (vua Dục Dức) sinh 1853

- 1871 Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) sinh 1869.

Ưng Thị và Ưng Đăng là con của Kiên thái vương Hồng Cai, em thứ 26 của Tự Đức. Vương chết trẻ lúc 31 tuổi nhưng lại có nhiều con cháu làm vua sau này : Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và hàng cháu Khải Định và chắc Bảo Đại. Có câu ca: Một nhà sinh đặng ba vua, vua còn, vua mất, vua thua chạy dài!

Ưng Chân, con thứ hai của Hồng Y, một bậc thức giả nổi tiếng đương thời và là em thứ tư của Tự Đức. Hai anh em này rất thân thiết với nhau và Hồng Y chết năm 45 tuổi, có con làm vua ba ngày Dục Đức và cháu là Thành Thái và chắc Duy Tân, cả ba đều bị truất phế.

Việc chọn các cháu làm con nuôi được ghi lại như sau:

- (DNTL, t8, tr.79) tháng 11 năm Giáp Tuất (1874): “Dụ rằng: Lễ không gì trọng bằng đạo làm người, chính sự không gì trước hơn gốc của nước, lời nói định trước thì nói không vấp váp, việc làm định trước thì làm không khó khăn. Trẫm tư chất yếu hiếm con nối, rất nghĩ đến kế hay của Xã tắc phải giữ lòng rất công, trước đã chọn nuôi 2 con, đã từng giáng Dụ bá cáo rõ, sau lại nuôi thêm con thứ 2 của Kiên Quốc công là Ưng Đăng, khi ấy mới 2 tuổi, các hoàng thân Tôn nhân phủ và các quan đều biết cả ; vì nghĩ em ta tâm tật khó khỏi rất thương các cháu nghèo thiếu, cho nên đặc biệt gia hậu, không phải là thiên ái. Nay Ưng Thị đã 11 tuổi, Ưng Đăng đã 6 tuổi, Hoàng thái hậu vui chơi với cháu quanh dưới gối, và cùng với Ưng Chân thương yêu như một, người lớn thì chọn quan sư phó, sớm hôm giảng dạy, người bé thì cũng dạy đọc sách đều mong cho đức tiến nết tốt’’.

Vua Dục Ðức vốn tên là Ưng Ái và là con thứ hai của Thụy Thái Vương Hồng Y, mẹ là Ðệ nhất phủ thiếp Trần Thị Nga, sinh ngày 4 tháng 1 năm Quí Sửu (11/2/1853), thuở còn công tử 16 tuổi được vua Tự Đức xin về làm con nuôi, đưa vào viện Tập Hiền để các quan trong nội các dạy học.Về tuổi tác và vai vế Ưng Chân là anh trưởng của ba vị hoàng tử.Đến năm 1869, Ưng Ái được 17 tuổi, vua Tự Đức đổi tên thành Ưng Chân. Tháng 10-1869 vua Tự Đức ban dụ để minh thị về việc chọn Ưng Chân làm Hoàng trưởng tử do vận động của bà Hoàng thái hậu Từ Dũ rồi giao cho bà quý phi Trang Ý Vũ thị Duyên (Khiêm Hoàng hậu lúc còn sống hay Lệ Thiên Anh Hoàng hậu sau khi chết) trông coi việc dạy bảo. Qua năm Canh ngọ (1870) vua cho xây Dục Ðức đường ở ngoài cửa Hiển Nhơn của hoàng thành để Ưng Chân ở với vợ con và học hành.

- (DNTL, t7, tr.1200) tháng 9 năm Kỷ Tỵ (1869) cho biết: Vua kén người sung làm hoàng tử, giáng Dụ rằng : Ngày tháng trôi qua, tuổi già sắp đến, rất lo về kế lớn xã tắc, không dám trù trừ chút nào, lòng công như Nghiêu, Thuấn, đức tốt như Tống Nhân tôn, thực đáng bắt chước, bèn đến năm thứ 18, đầu tiên xin chọn lấy người con trưởng Kiên Quốc công Hồng Cai, em thứ 26 của trẫm là Ưng Thị, nuôi ở trong cung, khi đó mới 2 tuổi, nay đã 6 tuổi, từ trước đến nay, hầu hạ dưới gối, dạy cho học tập, rất được vui vẻ. Đến nay tuổi ngựa ngày một thêm, khí huyết ngày một suy, chỉ nghĩ nước có vua lớn tuổi là phúc của xã tắc, nên năm ngoái lại xin chọn lấy người con thứ 2 của Kiến Thuỵ công Hồng Y, em thứ tư của trẫm là Ưng Ái, cho ở viện Tập hiền cũ ở phía tả cung thành, nuôi nấng dạy dỗ, năm nay đã 18 tuổi, học hành dần tiến, nhiều lần đã vào chầu hầu, được ban thưởng luôn, bèn làm Dục Đức đường ở cạnh cửa Hiển Nhân để cho ở, đặt quan, thuộc để giảng dạy và hộ vệ, mong cho được nên đức ở yên, để khỏi phụ lòng tốt chọn cất dạy nuôi, trẫm lại chọn con nhà tử tế lấy làm thiếp, để cho sớm có con nối, chỉ nghĩ đến lẽ phải, mệnh trời và đạo lý, không có lòng nào khác, đã có địa vị, không nên để hư danh mãi, trẫm lại đem việc tâu lên Hoàng thái hậu, được ngài y cho, kính theo bộ chữ trong bài thơ về dòng dõi nhà vua của tổ tiên làm ra, tên Ưng Ái cho đổi là Ưng Chân, bỏ tên cũ đi, sung làm Hoàng tử, cho chính danh phận, yên lòng mọi người.  Dụ rằng : "Hoàng tử Ưng Chân đã ban cho tên mới ấy sung làm Hoàng tử. Kìa như trời đất sinh nuôi, lẽ đó không thể thiếu được, vậy Ưng Chân cho sung làm con nuôi Trung phi họ Vũ cho tiện trông nom dạy dỗ, xây dựng gia thất cho.

Cũng vì ở Dục Ðức đường nên sau này người ta thường gọi Ưng Chân là vua Dục Ðức.Vua Tự Đức còn chỉ định các đại thần tiến sĩ đến Dục Ðức Ðường để làm giáo đạo.Phạm phú Thứ từ 1871,Lê bá Thận từ 1877 và Phạm thận Duật từ 1878 đều là thầy dạy Ưng Chân.Dù đã có ba cháu nuôi sung làm hoàng tử nhà vua vẫn nhờ triều thần tim kiếm thêm cháu chắc đưa về huấn luyện trong cung để dễ chọn thái tử sau này, vì Ưng Chân có tật cận thị ở mắt và đức hạnh chưa được tốt, tánh tình lại phóng khoáng cởi mở không vào khuôn phép nho giáo.

- (DNTL, t7, tr.1272) tháng 4 năm Tân Mùi (1871): Khi ấy kính gặp ngày kỵ lăng Trường Thanh, hoàng trưởng tử vào chầu, mặc quần đỏ, phải phạt bổng 6 tháng, tháng trước chuẩn cho tấn phong làm Xuân Trường công, cũng sai hoãn lại; từ chức giáo đạo trở xuống đều phải giáng chức lưu nhiệm, hay giáng chức đổi đi có thứ bậc. Dụ rằng: Trẫm từ khi nuôi Ưng Chân làm hoàng tử, về việc nuôi dạy khuyên bảo, không cái gì là không đầy đủ, lại kén chọn quan đại thần đi lại dạy bảo, đặt ra các chức giảng tập, trưởng sử, tư vụ, để cho giảng tập dùi mài mà cho được thành tài, thế mà áo mặc vào chầu, gián hoặc có khi không được cẩn thận, thì ngày thường dẫn bảo điều hay, ngăn cấm điều trái ra sao? Giao cho văn ban đình thần hội đồng công cử, cốt sao cho xứng lòng ân cần về việc thận trọng chọn người làm phụ đạo của trẫm (sau cử Nguyễn tri Phương, lại cử Nguyễn văn Phong sung làm Sư bảo, đều lấy cớ là già ốm từ chối, vua đặc cách cử Thượng thư Phạm phú Thứ, Trực học sĩ Nguyễn Chính sung làm giáo đạo).

- (DNTL, t7, tr.1291) tháng 7 năm Tân mùi (1871) cho biết: Sai phủ Tôn nhân và đình thần xét cử con của thân công lấy mấy người để sung nuôi làm thái tử. Dụ rằng: biết người là khó, vì cả nước chọn người giỏi lại càng khó, từ xưa đã thế, mà nay càng không thể coi thường được. Trẫm rất nghĩ đến kế lớn của xã tắc, tuy tuổi còn mạnh khoẻ mà đã dự định từ trước, trong lòng coi như không, rất công không có tư vị, cả nước đều đã nghe biết cả.

Trước đây nuôi Ưng Chân, cố nhiên đã bàn với các thân phiên, đại thần nhưng vẫn do Trẫm tự chọn lấy. Hắn tuổi đã gần trưởng thành, nhưng không từng cùng ở, đâu có thể biết rõ, xét kỹ được, vì thế đã chọn người, đặt ra thầy dạy cùng thuộc viên, muốn cho cùng tiêm nhiễm hun đúc, để cho đức nghĩa ngày được đổi mới, mong cho không phụ lòng kén yêu. Khốn nỗi chọn được người dạy bảo rất khó, lời nói trung thực ít có, để cho tính trẻ dễ thay đổi, đức hạnh hình như chưa được thuần phác, lại có tật ở mắt, sợ khi lớn, bệnh lại thêm lên. Trẫm chỉ kính sợ mệnh trời không thường, chọn sẵn người lớn tuổi làm con nối, nếu chọn được người tài giỏi, may ra được khỏi tội. Vậy cho 4 thân công ở phủ Tôn nhân cùng với đình thần các ấn quan văn võ, hết lòng giữ công bằng, xét kỹ trong bọn các cháu gọi bằng chú bằng bác của trẫm, tuổi từ 12 - 13 trở lên, do người nào đẻ ra, tư chất không đến nỗi bỉ ổi ngu hèn lắm, nói năng và dáng điệu có vẻ trang nghiêm đứng đắn, sức vóc mạnh khoẻ, không có tật bệnh vết tích, tính hạnh trung hiếu, thuần phác, học vấn cần mẫn hơi thông, hạn trong 3 tháng, phải tìm được mấy người, cùng chung ký tên làm bản tâu nói rõ sự thực dâng lên, phải rõ ràng xác thực mười phần, trẫm lại chọn xét lần nữa, rồi cho cùng với Ưng Chân, làm nhà nuôi dạy, cho việc chọn thái tử được nhiều người.

Sau vài năm học tập của Dục Đức, vua Tự Đức không hài lòng lắm nên những nhận xét về Ưng Chân lại càng gay gắt, đành lòng điều chỉnh cách dạy và cho phép dùng roi mây:

- (DNTL, t7, tr.1333) tháng 4 năm Nhâm Thân (1872): Định cách thức giảng dạy ở nhà học Dục Đức. Dụ rằng: Hoàng tử Ưng Chân từ khi ra nhà học đến nay, đã nhiều lần giao cho đình thần chọn kỹ các viên giáo đạo đều là bậc chính nhân lúc bấy giờ, lại đặt các viên giảng tập, là để cho sớm tối giảng tập giúp đỡ sửa chữa không phải là không đến nơi đến chốn. Thế mà 3 - 4 năm nay, học và hạnh đều chưa thấy tiến ích, sao cho xứng với lòng mong mỏi của trẫm. Vả lại, tư chất của người bậc trung trở xuống, không dạy không nên người, không nghiêm cũng không được. Bèn sai chọn lấy 1 cái roi mây nguyên trước ban cho nhà học Chấn Hanh, giao cho 2 viên giáo đạo, để làm hình phạt trong khi dạy. Phàm hoàng tử ấy ngày thường học tập cho đến đi đứng, cử chỉ, phải dạy lấy nghĩa lý chính đáng tất cả, chớ có dạy mà không học, chớ có ham vui chơi, chớ có khéo nói dối, chớ có quá khinh nhờn, nếu còn có lầm lỗi, viên giáo đạo phải tuỳ việc mà răn trách, chớ có khoan tha chút nào, để cho biết kính sợ, cố gắng, học ngày một tiến, đức ngày một sửa, kỳ cho được thành tài mới nghe. Nếu hoàng tử ấy còn không có đức, mất nết, mà các giáo đạo giảng tập đã không biết khuyên răn, lại che giấu cho, thế là không hết chức vụ nhất định không thể chối được lỗi. Còn như hoàng tử cùng với giảng quan gặp nhau, càng phải có lễ, phép dạy của điện Thanh Hoá năm trước, chương trình nghiêm chỉnh biết là nhường nào? Tuy rằng người sang không định kiêu mà hoá ra kiêu, cái thói quen lúc còn ít tuổi thường có lỗi ấy, mà coi thường tự lấy làm thích, không biết lấy lễ tự trọng, tất không thể lấy lễ mà trị người được.Lệ ngày giảng sách : ngày lẻ giảng Ngũ kinh và giảng các sử ; ngày chẵn giảng Tứ thư và giảng sách Tính lý đại toàn, để cho hiểu biết được rộng. Về Ngũ kinh, Tứ thư thường đến ngày hôm sau phải đọc thuộc lòng, chính văn phải thuộc kỹ, các sử và Tính lý cốt phải thông suốt đại ý, không phải đọc thuộc lòng.

- (DNTL, t8, tr.230) tháng 3 năm Đinh Sửu (1877): Cho Hiệp biện Đại học sĩ, lĩnh Lễ bộ Thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần Lê bá Thận kiêm sung chức thầy dạy học ở Dục Đức đường. Dụ rằng : Đời xưa có chức sư bảo là để dạy cho làm việc dẫn dụ cho các đức, điển lệ cũ của bản triều, phần nhiều chọn bậc lão thần thuần chính, siêng năng, cẩn thận sung vào, cho nên các vương công bậc tiền bối, nhờ có thầy bạn giúp ích, đều được thành tựu đức nghiệp, nay hoàng tử Ưng Chân tuổi còn trẻ, hiểu biết chưa rộng, càng lớn sợ càng tự chấp, trách nhiệm, giúp sửa chưa được người, ngươi là người chính đính cẩn thận có kiến thức, chuẩn cho vào chức sư bảo, nên thời thường thân đến nhà ấy dạy bảo, dẫn bảo điều phải, ngăn ngừa điều trái, khiến cho hoàng tử ngày thêm tiến tu, để đền đáp lòng tốt trách thành của Trẫm.

Vua Tự Đức muốn chọn được người nối ngôi tài giỏi, nên thường để ý xem xét những hành vi của Ưng Chân. Tính Ưng Chân ít ham nho học, thích tây học (do ảnh hưởng của sư bảo Phạm phú Thứ) không chịu gò mình trong khuôn phép vì thế nên thường bị vua quở trách và trì hoãn việc phong chức tước. Năm Bính Tí (1876) vì việc con bị ốm chưa khỏi nên nhờ Thái Y viện sứ Nguyễn Tán ở lại qua đêm trái phép, Ưng Chân bị phạt bổng trong 1 năm. Rồi năm Nhâm ngọ (1882) viên thị vệ hiệp lĩnh Nguyễn văn Thành giả lệnh Thái hậu đưa con gái đến Dục Ðức đường dâng làm thứ thiếp cho Ưng Chân, việc phát giác bị phạt mất bổng trong hai năm. Sau vua lấy việc tăng lương bổng phụ cấp để khuyến khích chuyện học.

- (DNTL, t8, tr. 273) tháng giêng năm Mậu Dần (1878): Lại giáng Dụ dạy rằng : Hoàng tử Ưng Chân, tuổi đã trưởng thành, học cũng hơi tiến, chỉ có tính nết chưa được thuần hậu, sửa mình sửa nhà chưa được hợp đạo, huống chi còn ứng tiếp sự vật ư ? Cho nên trước đã tấn phong, rồi lại đình chỉ, vì muốn cho tiến đức tu nghiệp, mấy năm nay chọn kỹ các bậc sư nho giao cho chức trách phụ đạo, nhưng xét ra, cũng chưa được hả lòng. Chỉ mong cho ngươi ngay lòng sửa mình, hiếu thuận hiền lành cẩn thận, nhớ 3 điều răn, bỏ 3 điều chẳng ngờ, trong bụng ngoài mặt như một, lời nói việc làm không sai, để thành đức của ngươi, không phụ lòng trẫm mà thôi, đâu có mong ngươi phải cảm ơn phải báo đáp, ngươi nên nghĩ và cố gắng lên.

Từ năm 1879 Ưng Chân hay lui tới và học tiếng Pháp cũng như tham cứu văn minh văn học Tây phương với Linh mục Nguyễn hữu Thơ. Lm Thơ từng du học tại Penang, Mã lai 6 năm (1847-1853), đi Pháp trong 3 năm (1864-1867), rất gần gũi với các giám mục người Pháp, từng làm thông ngôn (tùy biện) cho các phái đoàn sứ bộ ngoai giao của triều đình đi ngoại quốc nhiều lần và được vua  Tự Đức cử làm tham biện thương chánh, và giúp phiên dịch thư từ giao dịch với nước ngoài (TGP, t3,tr. 384).Thời gian này Ưng Chân thích giao du với giáo dân có tây học và nhất là kiều dân Pháp tại Huế, đặc biệt là với lãnh sự Rheinart tại Huế (1879-1880 và 1881-1883). Sách Vọng Sơn niên phả ghi lại một chi tiết năm 1882 trong thời gian Phạm thận Duật làm giáo đạo cho Dục Dức (và Đồng Khánh sau này): “Ông Hoàng Cả (Dục Đức) học rộng văn hay, có làm bài Hàn dạ ngâm đưa cho ông chấm, có ý uất ức không vui.” (Trích Phạm thận Duật, Sự nghiệp văn hóa, Sứ mệnh Cần vương, Hội KHLSVN, Hà nội 1997).Năm Quí mùi (1883) tháng giêng, Ưng Chân được phong là Thụy Quốc Công, sửa soạn việc nối ngôi.

- (DNTL, t8, tr. 555) ghi: “Sách văn rằng : Trẫm nghĩ nhà Chu ban cho núi, sông, ruộng đất, cốt để vững chắc giậu phên, nhà Hán lời thề sông cạn đá mòn, là để lâu dài con cháu, chính tự thân người thân trước, đạo ở khen người tốt nhiều, huống chi được giáo dục đã lâu như Ưng Chân, hiện nay qua sân, đã được nghe Kinh Thi, Kinh Lễ, mấy năm ra Các, lại thường gần chính đạo chính ngôn. Vun trồng cốt cho gốc tốt tươi, dạy bảo mong cho làm điều phải, cũng đã có con cái, há còn chưa biết đâu, cần phải phong hầu, quẻ xem không trái vì không những thân yêu, muốn cho phú quý tỏ ra trẫm có lòng hiền từ ; thực muốn cho học hạnh cần phải siêng năng, mở cho ngươi con đường tu tiến, vì thế nên tấn phong ngươi làm Thuỵ quốc công, ban cho sách mệnh, mong rằng kính theo lòng trẫm ; chớ bỏ chức mình, nghĩ ở nhà làm gì cho vui, cùng với nước cùng được hưởng phúc, là đạo thần tử, thế giữ chữ “trung hiếu làm phên che, hoà với anh em, nghĩ đến kế nhà vua chứa phúc đức, như cây cùng chống giữ, như thành càng vững bền”, đó là lòng mong của trẫm, phải kính cẩn tuân theo”.

Đọc qua DNTL chúng ta biết được sự tuyển chọn khắc khe trong hàng công tử con cháu vua , cách giáo dục cẩn thận và huấn luyện chặt chẻ các hoàng tử, nhất là Ưng Chân từ lúc niên thiếu 16 tuổi. Phạm phú Thứ có tư tưởng canh tân mạnh mẻ được đặc cách chỉ giáo cho Ưng Chân nên những điều tai nghe mắt thấy lúc đi sứ qua Pháp với nền văn minh tây phương được Ưng Chân đón nhận thích thú mà tìm tòi học hỏi thêm vói Linh mục Thơ. Dù đã được chọn hoàng trưởng tử nhưng Ưng Chân vẫn bị phạt bổng hay phạt lưu vì bản tính phóng khoáng không thích gò bó vào nho học.Vua Tự Đức lại cố ý trì hoãn việc phong chức tước Ưng Chân qua các dụ cho triều thần và hoàng gia đồng thời lại tỏ ý cưng chìu Ưng Đăng dù đang còn nhỏ tuổi vì có tư chất hơn hẳn Ưng Chân.

Lý do Ưng Chân được chọn

Qua di chiếu, vì xã tắc vua Tự Đức cho biết phải chọn một hoàng tử lớn tuổi đã trưởng thành để lãnh đạo quốc gia trong thời buổi khó khăn này.Ưng Chân đã được chính danh từ lâu cũng như học việc làm vua trong các buổi chầu hay thay mặt vua trong các lễ tế tự quan trọng. Vua Tự Đức viết trong di chiếu những nhận xét về ba hoàng tử như sau:

(DNTL, t8, tr. 574) tháng sáu năm Quý Mùi (1883) ghi: Trong di chúc có nói: Trẫm nuôi sẵn 3 con, Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mắt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, đương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai ? Sau khi Trẫm muôn tuổi, nên cho Hoàng tử Thuỵ quốc công Ưng Chân nối nghiệp lớn, lên ngôi Hoàng đế. Ngươi nên nghĩ kỹ sáng nghiệp thủ thành đều khó khăn, nối theo không dễ, không dám bừa bãi chút nào, chỉ mong cho được việc, không thẹn với mệnh trời.

Ưng Kỹ người yếu hay ốm, có tâm tật, học chưa thông mà kiêu ngạo, hay bới việc riêng của người cho lạm thẳng, đều không phải là tư chất thuần lương theo lời phải, sợ bọn ngươi khó lấy lời nói can được.

Duy con út là Ưng Đăng hầu hạ cẩn thận biết sợ, dạy được chưa thấy có vết gì, nhưng tuổi còn ít, đang học chưa thông, đương lúc khó khăn này chưa chắc đã am hiểu. Cho nên, Trẫm cắt bỏ lòng riêng, theo lẽ công, quyết thi hành mưu kế lớn là vì Xã tắc. Nghĩ ơn nuôi nấng đã hết lòng, không nên để cho phân biệt, nhưng chưa kịp làm, nay cho sung làm Hoàng tử cho đổi tên là Ưng Hỗ.

Ngươi là Ưng Chân phong cho tước công, xây dựng cửa nhà vườn ruộng, phái người cẩn thận sung làm giúp việc, chọn con gái lương gia làm thiếp hầu, khiến cho học hành thông thuần, giữ phú quý mãi, anh em các ngươi, biết hoà thuận yêu mến nhau, trước sau như một, cũng có thể yên lòng ta ở dưới chín suối.

Hẳn nhà vua biết Ưng Chân được đại thần Phạm phú Thứ chỉ dạy, không thích nho học lắm nhưng lại có tinh thần tiến bộ và tính tình phóng khoáng, giao du thân mật với người ngoại đạo và Pháp kiều, và từ khi 25 tuổi đã cố tình học thêm Pháp ngữ và văn hóa tây phương với linh mục Nguyễn hữu Thơ. Việc này không lọt khỏi sự theo dõi quan sát của Nguyễn văn Tường  và Tôn thất Thuyết nhưng hai ông đang bận lo chuẩn bị cho các “con bài” của mình (Ưng Đăng và Hồng Dật, tức là vua Kiến Phúc và Hiệp Hòa sau này). Cho nên lúc vua Tự Đức chọn Ưng Chân làm tự quân, hai ông Tường-Thuyết lại càng để ý đến những hành vi, tỳ vết trong qúa khứ để lập mưu truất ngôi vua mới. Chắc hẵn việc học Pháp ngữ và có tư tưởng tiến bộ, phóng khoáng của Ưng Chân ngoài chương trình của các phụ đạo nho sĩ hay các đại thần được tấu trình lên vua Tự Đức. Có lẽ không có sự rầy la hay khuyến khích của vua Tự Đức vì trong bộ sử DNTL không đề cập đến việc này. Huống hồ từ lâu triều đình cũng đã mở lớp dạy tiếng Pháp cho một số người và cử người đi du học ở Pháp, Hongkong, Singapore… Hơn nữa Lm Thơ sau khi công tác tại triều đình trong chức vụ thông ngôn (được Pháp trao Bắc đẩu bội tinh) và tham biện rồi từ chức về Huế phục vụ giáo xứ Huế (do giám mục Caspar cầm đầu) từ năm 1879 đến 1887 (Lm Thơ là chú của Nguyễn hữu Bài và thầy của Ngô đình Khả đều qua lớp đào tạo tại Penang và rất thân cận với các giám mục người Pháp).Chính trong thời gian này Lm Thơ là thầy dạy tây học cho Ưng Chân đến lúc trở thành tự quân.Phe chủ chiến cho rằng đây là một âm mưu của các giáo sĩ Pháp-Việt nhằm gây ảnh hưởng trực tiếp lên vị vua tương lai.

Với quyết định chọn Ưng Chân lên nối ngôi và chỉ định Trần tiễn Thành làm đệ nhất phụ chánh 2 ngày trước khi băng hà có thể nhà vua muốn triều đình Dục Đức đi theo chủ trương ôn hòa, cởi mở, không khơi dậy lương giáo tương tàn và tiếp tục dùng “chiến-thủ-đàm” giữ được chủ quyền đề có đủ thời gian canh tân quân sự kinh tế, noi theo con đường canh tân như Nhật Bản, Thái lan và Trung hoa lúc bấy giờ vẫn giữ đươc nền độc lập dù phải nhường đất cầu hòa. Trong di chiếu có đoạn dặn dò 3 vị phụ chính “giữ mình đứng đắn, đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thỏa đáng” :

- (DNTL, t8, tr.575) tháng 6 năm Quý Mùi (1883): “Chiếu rằng: Bọn Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cùng ta gặp biết, tuy có sớm muộn hơi khác, mà lòng trung thành yêu mến chăm lo như một, từng làm việc nơi cơ yếu đã lâu, thân được chỉ bảo, nếu có gặp việc khó khăn, cũng giải quyết được. Vậy cho Trần Tiễn Thành sung làm Phụ chính đại thần, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết sung cùng là Phụ chính đại thần. Bọn ngươi nên nghiêm sắc mặt đứng ở triều đình, giữ mình đứng đắn, đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thoả đáng, trên giúp vua nối ngôi điều không biết đến, dưới chữa chỗ lệch lạc cho các quan, để Nhà nước yên như núi Thái Sơn, thế là không phụ sự uỷ thác”.

Thời gian viết di chiếu, vua Tự Đức đã biết Trần tiễn Thành đang dưỡng bịnh vì già yếu muốn hưu trí và “buồn lòng” (tk10, Lời chúc thọ) nản chí không muốn dính đến thị phi phe phái tại triều khi kế sách đổi mới của phái canh tân và việc can gián vua và triều thần cầu viện Trung Hoa thất bại. Do tình hình chiến sự thất bại và quyết tâm đô hộ của Pháp, triều thần phân chia rõ rệt thành hai phe đối nghịch chủ chiến và chủ hòa. Việc chọn Nguyễn văn Tường (Thượng thư bộ Lại) và Tôn thất Thuyết (Thượng thư bộ Binh) làm đệ nhị và đệ tam phụ chính có ý nghĩa đặt giải pháp quân sự đứng vào hàng thứ yếu. Ngoài ra sự phân chia quyền lực này chỉ dựa trên tình cảm của nhà vua đối với 3 quan phụ chính và sự kính trọng phụ chính Thành đã tiến cử và nâng đở trên bước đường quan lộ của hai phụ chính đàn em. Tuy nhiên, cái nhìn thiển cận, tham vọng quyền bính của hai phụ chính đàn em đã đưa đến việc lộng quyền tạo chia rẽ bất ổn chính trị và phiêu lưu quân sự vì bản tánh bạo hành của phụ chính Thuyết và thủ đọan của phụ chính Tường, theo đúng như đánh giá quần chúng qua câu ca dao:

Nước Nam có bốn anh hùng,

Tường gian, Viêm dối, Khiêm khùng, Thuyết ngu .

Đảo chánh cung đình

Việc tranh giành ngôi báu và quyền lực xảy ra rất thường xuyên ở mọi thời đại và việc đảo chánh cung đình sau khi vua Tự Đức chết không thoát ra thông lệ đó, tạo nên một chuỗi dài hai năm biến loạn làm cho nước ta mất tự chủ và độc lập.Mực vua phê trong di chúc chưa khô, hai phụ chính Tường-Thuyết đã dàn cảnh, lật lọng để phế tự quân Dục Đức trái với di chúc cũng như không đếm xỉa đến sự can gián can đảm của quan ngự sử Phan đình Phùng.Ngoài ra nếu có sự hiện diện của đại thần Phạm thận Duật, thầy dạy Ưng Chân vào lúc này có lẽ cục diện cung đình sẽ thay đổi cách khác (còn Phạm phú Thứ đã mất). Hai quan phụ chính đang có thực quyền đều có những “con bài” trong việc chọn vua tương lai: Thuyết nhắm đến Hồng Dật (Hiệp Hòa) còn Tường nhắm đến Ưng Đăng (Kiến Phúc). Sách sử Đại Nam thực lục (DNTL) chép việc lộng hành của hai quan phu chính bằng bạo hành độc tài và thủ đoạn như sau:

(DNTL, t8, tr.578) tháng 6 năm Quý Mùi (1883) ghi lại:  Ngày Mậu Thìn, Nguyễn văn Tường, Tôn thất Thuyết bỏ vua nối ngôi, lập em út vua là Lãng quốc công Hồng Dật. Trước đây, vua mới mất đi, chọn nuôi Hoàng trưởng tử, cùng trước sau nuôi ở trong cung 2 công tử nữa là hoàng tử thứ 2, hoàng tử thứ 3. Vua cho là hoàng tử thứ 3 tuổi còn bé, hầu hạ cẩn thận, biết sợ, rất yêu. Mà về Hoàng trưởng tử thì dạy bảo càng nghiêm, thường vì lầm lỗi bị quở. Văn Tường nghĩ là Hoàng trưởng tử tất không được lập lên làm vua, mới khinh thường Hoàng trưởng tử mà chỉ để tâm đến hoàng tử thứ 3 Đến nay, tờ chiếu để lại cho nối ngôi lại là Hoàng trưởng tử, Văn Tường trong lòng không được yên, Thuyết cũng không bằng lòng với tự quân. Văn Tường bảo kín Thuyết rằng: Tiên đế đã bảo vua nối ngôi chưa chắc đương nổi việc lớn, lại giao cho ngôi lớn. Nay bắt đầu, cử động đã như thế, huống chi là ngày sau ư ?Đó là việc lo riêng cho chúng ta. Thuyết vốn tính cương trực, lại cậy quyền cầm quân liền mật đáp rằng : Cứ như lời chiếu thì mưu tính là vì Xã tắc, bất đắc dĩ mà làm việc nhỏ như Y Doãn, Hoắc Quang, cũng là chí của Tiên đế, nhân thế cũng có ý mưu bỏ đi.

Sau rồi vua nối ngôi lại nghĩ trong tờ di chiếu răn bảo có những câu không tốt, không thể truyền bá cho mọi người nghe. Triệu các Phụ chính đại thần, cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần tiễn Thành bảo thế cũng ổn, 2 người đều thưa rằng: Xin nhà vua quyết định, vua nối ngôi tin là cùng bằng lòng, bèn sai sao tờ di chiếu, tự tay xoá bỏ đoạn ấy đi.Dặn Trần tiễn Thành nhớ mà làm.Hai người ra bàn kín với nhau rằng được rồi mưu ấy bèn nhất định. Đến lúc tuyên đọc tờ chiếu, Văn Tường cáo ốm không đứng vào ban chầu, Thuyết đứng vào bên Trần tiễn Thành, Tiễn Thành đọc đến đoạn ấy đọc nhỏ hàm hồ không rõ, Văn Tường ở trái bên đông, làm ra vẻ quái lạ, nói rằng vua nối ngôi sao được giấu bớt di chiếu của Tiên đế, bậy bạ không gì to hơn nữa, còn có thể nối theo tôn miếu Xã tắc được ư ? Tuyên đọc xong, hai người hỏi vặn Tiễn Thành, Tiễn Thành biết là bị chúng đánh lừa, nói chữa rằng, có phải là không đọc đâu, nhưng lão phu có bệnh ho, đọc đến đây hết hơi, tiếng nhỏ mà thôi. Thuyết chứng tỏ là không phải, cho là càn bậy, cũng như lời Văn Tường nói rồi nhân phái quân túc vệ canh gác trong ngoài cung thành rất nghiêm (bắt hết cả người riêng của vua nối ngôi là bọn Nguyễn Như Khuê hơn 10 người giao cho đem gông cùm lại).

Họp hoàng thân và các quan ở Tả vu, 2 người tuyên bố về việc tội lỗi của vua nối ngôi xin bỏ đi, lập vua khác. Tiễn Thành muốn can ngăn, Thuyết trừng mắt nhìn, nói rằng ông cũng có tội to, còn nói gì. Trong khoa đạo có Chưởng ấn là Phan đình Phùng tiến lên nói rằng : Vua nối ngôi nếu có lỗi, chưa thấy can ngăn đã vội bàn như thế, việc bỏ vua dựng vua là việc to, lại dễ dàng quá thế.Thuyết quát lên sai tả hữu đem Đình Phùng trói để ở trại quân Cẩm y bảo đợi để nghiêm trị. (Lúc bấy giờ, 4 - 5 người theo sau Đình Phùng nghe Thuyết thét trói Đình Phùng tức đều lui tan) cho nên Tiễn Thành và hoàng thân, các quan không ai dám trái, rồi cùng ký tên tâu xin ý Chỉ của Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu truất bỏ đi. Sai đưa vua nối ngôi lại về chỗ ở cũ là Dục Đức đường, canh phòng rất kỹ, khi mật bàn người được lập.

1/ Vua Dục Đức bị phế

Thảm kịch bắt đầu từ mấy câu trong di chiếu của vua Tự Ðức viết về đạo đức và trách nhiệm của Ưng Chân: “Ưng Chân, cố nhiên là học lâu trưởng thành, chính danh đã lâu, nhưng mắt hơi có tật, giấu kín không rõ ràng, sợ sau không sáng, tính lại hiếu dâm, cũng rất là không tốt, chưa chắc đương nổi việc lớn. Nhưng nước cần có vua nhiều tuổi, dương lúc khó khăn này, không dùng hắn thì dùng ai?” . Ngày 14 tháng 6 năm Quý Mùi (17 - 7 - 1883) sau khi được đọc di chiếu, do đề nghị của phụ chính Tường, các đại thần Trần tiễn Thành, Nguyễn văn Tường và Tôn thất Thuyết đồng dâng sớ xin vua bỏ bớt đoạn trên liên quan đến tính nết xấu và việc Dục Đức không đảm đương được việc lớn, vì những ý kiến ấy chỉ làm tổn hại đến danh dự và uy tín của người sắp phải nắm lấy vận mệnh của quốc gia. Nhưng vua Tự Đức không đồng ý bỏ mấy câu ấy, mà theo nhà vua, nhằm mục đích "nhắc nhở" người kế vị phải tự răn mình. Nhà vua bảo: “Phải giữ lại câu đó để nhắc người kế vị phải tự răn mình, tu tỉnh”.

Vua Tự Đức băng hà vào ngày 16 tháng ấy.Hoàng trưởng tử Ưng Chân vào điện Hoàng Phúc chịu tang. Ngày 18, Ưng Chân triệu tập các phụ chính ở Quang Minh Điện, nói rằng: “Vua là bậc đứng đầu trăm họ, phải là người có đạo đức đứng đầu, di chiếu của tiên đế, vì lo cho trăm họ, nên có lời răn bảo nghiêm khắc như trên. Ngày nay việc nước khó khăn, quan hệ ngoại giao căng thẳng, nếu để lời di chiếu lan truyền thì quân Pháp sẽ tìm cớ gây rắc rối, mà các lân bang cũng xem thường, với tình hình như vậy, đình thần giải quyết ra sao?”. Rồi đề nghị gạch bỏ đoạn di chiếu trên, song các phụ chính tâu rằng: “Hội đồng phụ chính đã tâu xin bỏ nhưng Tiên đế không chịu”.Ưng Chân lại yêu cầu các quan suy nghĩ thêm để tìm cách “tránh hại cho việc nước” (Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 371). Ưng Chân không thích câu “sắc cho răn bảo điều hay” tức là cho phép các phụ chính kiềm chế vua, nhưng tự xét mình cũng đã 31 tuổi rồi, không như Tự Đức lên ngôi lúc 19 tuổi cần có 4 vị phụ chính.

Lúc biết được Ưng Chân là tự quân, hai ông Tường-Thuyết dù bị bất ngờ cũng đã xin vua Tự Đức bỏ đọan di chiếu trên để bảo vệ cho tự quân nhưng rồi thay đổi ý kiến trong vòng năm ngày để cùng nhau lập kế lật đổ tự quân vì nắm binh quyền trong tay.Trong buổi thiết triều tuyên đọc di chiếu ngày 19 tháng 6 Quý Mùi (23-7-1883), phụ chính Tường tạm vắng mặt lúc đầu lấy lý do bị bệnh, phụ chính Thuyết nhường phụ chính Thành tuyên đọc di chiếu, nhưng sau đó mới biết bị mắc mưu khi phải đọc giữa triều đình. Khi hai phụ chính Tường và Thuyết trình bày cho hoàng gia và quan lại biết lý do phế Thụy Quốc Công Ưng Chân, phụ chính Thành định can thiệp, nhưng Thuyết giận dữ thét: “Ông cũng có tội nặng, còn định nói gì?”(Xin đọc thêm Bài học lịch sử: tk 11). Cả triều đình cúi đầu khuất phục, chỉ trừ quan ngự sử Phan Đình Phùng can rằng : “Tự quân chưa có tội gì mà phế bỏ như thế, thì sao phải lẻ “ và than phiền: “Căn bản mà lung lay thì tương lai quốc sự chưa biết ra thế nào”, liền bị bắt ngay lập tức và tước phẩm hàm đuổi về quê .(Sau này Phan đình Phùng là một trong những lãnh tụ Cần vương tích cực gây nhiều hao tổn cho chính quyền bảo hộ Pháp, đến năm 1895 thì bị bịnh chết). Cùng ngày 2 phụ chính dâng lên Hoàng Thái Hậu tờ hạch tội người được kế vị theo di chiếu và xin cử người khác thay. Bản hạch tội kể bốn tội lớn của hoàng tử tự quân là: Muốn sửa di chiếu của vua cha, có đại tang mà mặc áo màu, tự tiện đưa một giáo sĩ vào Hoàng thành (Lm Thơ) và thông dâm với nhiều cung nữ của vua cha. Hoàng Thái Hậu Từ Dũ chấp thuận và truyền vâng theo ý chỉ của vua Tự Đức muốn một vua trưởng thành để lo việc nước.Dục Đức bị giam cấm cố tại một phòng kín vừa được cấp tốc xây lên ngay trong phủ mình rồi chuyển qua quản thúc tại Thái y viện, cuối cùng ở nhà ngục Thừa thiên.

Để chuẩn bị việc lên ngôi, vua Dục Đức ngay từ lúc vào cung đã đem theo một số thân tín, tự quy định sinh hoạt taị triều, nhưng việc phúc đáp các tấu thư lại chậm trể cũng như vi phạm nghi lễ. DNTL cho biết như sau: “Gặp khi tự quân ở điện Hoàng Phúc đem nhiều người riêng vào hầu hộ vệ ở điện Hoàng Phúc và các sở Quang Minh. (Đều sai chế bài cấp cho để đeo), bọn ấy nhân đó ra vào tự do, các tờ tâu khẩn cấp của các quân thứ các tỉnh tâu lên, có khi để ở trong điện một đêm, vẫn chưa giao ra. Lại trong khi làm lễ điện (cúng vua mới chết) vẫn mặc áo sắc lục cũ, hoặc sai chế ngay các đồ dùng riêng (các thứ quần áo đồ dùng)”. Tất cả người thân tín của Dục Đức bị bắt ngay tại triều; DNTL, tập 8, trang 581 cho biết: “Giam bọn Nguyễn Như Khuê 14 người vào ngục....Rồi án xử Như Khuê phải xử tội chém, nhưng giao cho phủ Thừa Thiên nghiêm giam đợi năm sau sẽ thi hành (Nhân gặp ngày khánh điển tấn tôn), Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Thiêm phải xử tội lưu, Nguyễn Thuý, Ngô Oánh, Nguyễn Trực phái đi khổ sai ở đồn Trấn Lao ; Nguyễn Văn Kham phải tội đồ ; Bùi Duy Giản, Nguyễn Chính Hùng, Nguyễn Hữu Đôn, Hoàng Đình Lệ, Hồ Văn Thiệu, Lê Văn Bảng, Vũ Văn Tha đều được rộng tha, giao cho dân xã quản thúc rất ngặt”. Theo Phạm văn Sơn, Việt Sử tân biên, quyển 5, tr 385: Dục Đức đưa vào cung cấm những bọn người đã từng giao du với ông trước đây mà phần nhiều đều vô tư cách và không tôn trọng luật lệ cung đình, tự do ăn nói buông thả và có hành động vô lễ với các quan phụ chính.Hai quan phụ chính Tường-Thuyết vào thăm tự quân ở trong cung, nhưng tự quân mãi vui chơi, không ra tiếp. Theo Nguyễn xuân Thọ, trong số người bị bắt có hai người theo Ki Tô giáo (tr. 299).Nguyễn như Khuê làm quan khoa đạo dưới triều Thiệu Trị.

Vua Tư Đức lo ngại Ung Chân không lo tròn nhiệm vụ hoàng đế chỉ vì mắt bị cận thị không thấy rõ và tính hiếu dâm ưa nhiều phi, thì thật là đáng trách cho một vị vua thông minh có tài khởi đầu thời mạt vận của triều đại nhà Nguyễn.Dục Đức có đủ khôn ngoan và lý khi đưa ra đề nghị xóa bỏ đoạn nầy vì việc nước, nhưng âm mưu đen tối của Tường-Thuyết chỉ vì lộng quyền muốn khống chế vua mới.Tường-Thuyết quan niệm người theo đạo Thiên Chúa là kẻ phản quốc, nghi ngờ sự giao du của Ưng Chân với khâm sứ Pháp. Nguyên nhân chính là đưa linh mục Thơ làm thư ký hay cố vấn riêng làm Tường-Thuyết e ngại Dực Đức thân Pháp. Các thư từ mật trao đổi  giữa Paris-Saigon được giải mã sau này cho biết Ưng Chân đã thông báo nhiều tin tức quan trọng về việc nước, như việc cầu viện Trung hoa một cách công khai. Theo BAVH,12-1943, tr.106, lãnh sự Pháp Rheinart đã nhờ Ưng Chân cung cấp bức thư cầu viện Trung hoa của vua Tự Đức vào tháng 10-1882 để làm bằng cớ báo cáo Paris. Ngoài ra do tình thân với Rheinart mà sau này vua Thành Thái, con vua Dục Đức được lên ngôi vua sau này (TGP, t3, tr.372).Dư luận sau này cho là hai phụ chánh Tường-Thuyết biết việc chuyển giao tài liệu cho trú sứ Rheinart nên tìm cách phế bỏ Ung Chân. Thử nghĩ tại sao hai ông phụ chính không đề ra bản án chính thức buộc tội Dục Đức phản quốc để thi hành “tam ban triều điển” khi có bằng cớ rõ ràng (giống như vua Hiệp Hòa sau này). Đương nhiên lý do phản quốc mạnh hơn cả 4 lý do nêu trên để phế vua làm hai ông phải mang tiếng xấu quyền thần, gây biến loạn trong cấp lãnh đạo trong khi thù trong giặc ngoài để đất nước mất nền tự chủ một cách nhanh chóng.

2/ Vua Hiệp Hòa lên ngôi

Hai phụ chính Thuyết-Tường đã không bằng lòng khi vua Tự Đức viết tên Ưng Chân vào di chiếu trước mặt ba quan phụ chính, vì Thuyết muốn chọn Hồng Dật (vua Hiệp Hòa sau này, nhưng rồi cũng bị giết) còn Tường thì chọn Ưng Đăng (rồi cũng bị chết mờ ám và bất ngờ).Việc tranh giành tiến cử vua nối ngôi giữa hai ông Tường và Thuyết được DNTL, t8. tr.578, tháng 6 năm Quý Mùi 1883 ghi như sau:

Văn Tường để ý đến hoàng tử thứ 3 trong khi Thuyết cho là hoàng đệ Lãng quốc công có tư chất thông minh, vốn quen biết sẵn, để ý đến Lãng quốc công. Văn Tường tính là không tranh nổi, cũng theo lời ấy, rồi đem ý xin lập vua nhiều tuổi tâu trước với cung Gia Thọ (tức Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu) để lĩnh Chỉ. Được ý Chỉ truyền rằng : Hiện nay trong thì lo về vua mới mất, ngoài thì lo có giặc ngoại xâm, người ít tuổi thực không đương nổi, nhưng thân này già cả, sao biết được, phần nhiều nhờ Tôn nhân, Phụ chính, đình thần, cùng nhau chọn các hoàng đệ ai nên lập thì lập lên làm vua. Thuyết bèn đến phòng Cơ mật bảo bọn Thượng thư Nguyễn trọng Hợp, Thị lang Lâm Hoành, Trần thúc Nhẫn, Hoàng hữu Thường, Thị vệ đại thần Tôn thất Thái rằng : Ngày nay phi tìm vua nhiều tuổi cho Xã tắc, không ai hơn Lãng quốc công, các ông nên phải nói.

Lúc bấy giờ, bên ngoài nghe tin cấp báo đương gấp, chợt có việc biến bên trong, đều không ai biết làm thế nào, đến khi hội bàn ở Tả vu, Văn Tường và Thuyết hỏi trước các thân phiên, hoàng thân thì đều nói rằng : Tuy cũng ở trong tôn thống, nhưng ngày thường mỗi người ở riêng một nhà, không biết rõ được, xin 3 đại thần cùng đình thần liệu bàn. Tường, Thuyết lại hỏi đình thần nói ngày nay việc không thể hoãn được. Trọng Hợp bèn nói trong các hoàng đệ có Lãng quốc công vốn khen là có học, được Tiên đế cho sung chức Tôn đài, nay hiện việc như thế, chưa biết Lãng quốc công có đương được không ? Lãng quốc công đứng dậy khóc nói rằng: Tôi là con út của Tiên đế, tư chất tầm thường, thực vạn vạn phần, không dám nhận. Văn Tường và Thuyết đều nói rằng đấy thực là phúc của Xã tắc, xin đừng chối. Bèn cùng các quan ký tên tâu xin ý Chỉ của Thái hoàng Thái hậu lập Quốc công làm vua.

Lãng Quốc Công Hồng Dật, 36 tuổi, em vua Tự Đức được đưa lên ngôi khi được tin khẩn báo quân Pháp đem quân từ Hà Nội vào Huế. Lúc phái đoàn của Tôn thất Thuyết lên tư dinh của Hồng Dật ở Kim Long đón ông vào cung để đưa lên làm vua, Hồng Dật từ chối: “Tôi là con út của Tiên hoàng, tư chất tầm thường, vạn lần chẳng dám nhận”. Phái đoàn năn nỉ: “Vì phúc của xã tắc, nên ngài chớ từ chối”.Hồng Dật vẫn không ưng thuận vì bấy giờ ngai vàng đã trở thành một nơi rất nguy hiểm nên không ai muốn ngồi lên đó.Vì thế phái đoàn phải dùng uy lực mới đưa được ông vào Đại Nội Huế. Sau lễ tấn phong Lãng Quốc Công, lấy hiệu là Hiệp Hòa, Trần tiễn Thành được thăng lên Thái Bảo Cần Chánh điện Đại học sĩ (nhưng ông cố ý từ chối, xem NBVNC, q6 ) để đề cao vai trò quan đầu triều và giảm bớt quyền lực của hai đồng phụ chánh đàn em Tường-Thuyết.

3/ Cái chết của vua Dục Đức

Mực phê “trong mọi việc các ngươi phải đồng lòng” trong di chiếu chưa khô thì hai phụ chính Tường-Thuyết đã lộ ra bản chất tham quyền, đi đến lộng quyền làm hại đất nước trong khi thù trong giặc ngoài nhiễu nhương. Phụ chính Thành đã bị phản bội trong việc đọc di chiếu, bất đồng ý kiến trong việc phế vua Dục Đức. Thật ra hai ông Tường-Thuyêt không thích Ưng Chân thường hay giao du với Khâm sứ, ham mê đọc sách Tây phương, học tiếng Pháp và chọn một linh mục làm thư ký riêng. Cũng vì lý do tư tưởng tiến bộ thức thời của Dục Đức mà Tự Đức ép Trần tiễn Thành đang dưỡng bịnh muốn nghỉ hưu làm phụ chính đệ nhất, dùng đạo nghĩa của đàn anh tiến cử và ý niệm kính trọng tuổi già của thuần phong mỹ tục để dung hòa quyền lực giữa hai đàn em Nguyễn Văn Tường (đầy mưu lược kết hợp quân sự và ngoại giao) và Tôn Thất Thuyết (chủ chiến cực đoan, quân phiệt) với những ưu tư khi viết di chiếu. Mọi việc xảy ra đúng như vua Tự Đức dự đoán : quyền lực đã làm lu mờ đạo nghĩa và thuần phong mỹ tục trong thời nhiễu nhương.

Do áp lực của hai phụ chính Tường-Thuyết các khoa đạo Hoàng Côn và Đặng trần Huân dâng tấu thư xét tội việc Trần tiễn Thành cố ý bỏ qua mấy đoạn trong tờ di chiếu mà ông được giao đọc ở nhà Tả Vu. Hiệp Hòa đưa sự việc ra đình nghị lần đầu vào tháng 8-1883, phụ chính Thành đang nghỉ bịnh phải trả lời về lời buộc tội ấy và dâng tờ sớ như sau: (trích Niên biểu Văn nghị công, q6):

“Ngày 14 tháng trước, tiên đế triệu chúng thần vào điện, thần Trần tiễn Thành cùng chúng thần Nguyễn văn Tường và Tôn Thất Thuyết, để trao cho chúng thần tờ di chiếu để trong hộp. Chúng thần sang phòng thái giám để kính đọc. Di chiếu có đoạn như sau: “Tính hiếu dâm, ngoài ra tâm tính rất xấu, không đương nổi việc lớn ". Thần Nguyễn văn Tường nói:  Di chiếu là để lập người nối ngôi trời. Sợ đoạn này không hợp lắm, nên xin bỏ đi.Thần Tôn thất Thuyết và tiện thần Trần tiễn Thành cũng cùng một ý và chúng thần đã cũng dâng sớ tâu xin như thế.Nhưng tiên đế bác đi.

Ngày 18, Thụy Quốc Công triệu chúng thần đến điện Quang Minh và bảo: “Nhà vua đứng đầu trăm họ cũng phải là người đứng đầu về đạo đức. Trong di chiếu của tiên đế, vì lo cho tương lai nên có lời răn bảo nghiêm khắc, chẳng hạn như đoạn nói về sự bê tha”  Hoàng tử nói không dám trái ý tiên đế , nhưng bảo thêm: " Tuy nhiên, đúng vào lúc trong nước rối loạn, quan hệ ngoại giao thì căng thẳng, nếu tin đồn về di chiếu loan ra, chẳng những bọn gây rối lấy đó làm cớ, mà các lân bang cũng vì vậy mà coi khinh Làm thế nào cứu gỡ tình hình này? " . Hoàng tử hỏi có thể bỏ đoạn ấy không, nhưng tự mình không dám .Chúng thần đáp là Hội đồng Phụ Chính đã xin bỏ đoạn ấy nhưng tiên đế không cho và nay thì không còn có thể thay đổi gì được nữa Hoàng tử yêu cầu mọi người suy nghĩ thêm, sao cho khỏi tổn hại đến việc quốc gia.

Ngày 19 (ngày tuyên đọc di chiếu) thần Nguyễn văn Tường cáo bệnh  xin nghỉ. Tiện thần nhiều lần xin cáo vì tuổi già.Thần Tôn thất Thuyết cho rằng thần là bậc trưởng lão, không chịu vượt qua để đọc di chiếu. Thế là lễ tuyên chiếu đã sẵn sàng. Không thể từ nan, Thần phải đọc di chiếu. Song thần quá đỗi đau thương nên mắt mờ, tai điếc, tâm trí bất định do gần đây có bệnh.Thần cũng không nhớ rõ mình có sai sót gì không khi đọc.Nay quan Khoa Đạo hạch tội, thần xin chịu mọi hậu quả.

Sau đó, Trần tiễn Thành bị giáng hai cấp nhưng được giữ các hàm phẫm. Ông bèn xin miễn việc quan, về quê tỉnh dưỡng”.

Chắc hẳn khi chọn Dực Đức làm tự quân, vua Tự Đức biết rõ tính tình, óc học hỏi văn hóa tây phương của Dục Dức với một thâm ý muốn thực thi canh tân đoàn kết dân tộc, nhưng đa số triều thần lại có tư tưởng thủ cựu thân Trung hoa. Ước vọng của vua Tự Đức chỉ dựa trên một uy tín mong manh, không thực quyền không bè phái của phụ chính Thành lúc bấy giờ. Do vậy vua Dục Đức chỉ làm vua được ba ngày.Vài tuần sau đó Tường-Thuyết ra lịnh bỏ thuốc độc cho Dục Đức uống nhưng không thành.Có thể Thuyết muốn thủ tiêu Ưng Chân sớm trước khi ông Duật đi sứ về đến Huế. Tuy có lịnh bỏ đói nhưng một người lính gác thương tình chủ cũ cải lịnh để hàng ngày âm thầm đưa cho một nắm cơm và một chiếc áo cũ thấm nước, vắt ra uống Dục Đức sống thoi thóp một thời gian thì bị lộ chuyện, tên lính không tiếp tế cơm nước nữa nên chết ở nhà lao Thừa phủ 6-10-1883 (theo gia phả hoàng tộc).Thi hài ông vua xấu số này được gói vào một chiếc chiếu giao cho hai tên lính và một quyền suất đội gánh đi. Đám tang lạnh lùng này định đưa về An Cựu để mai táng trong địa phận của chùa Tường Quang, nơi có người cô ruột đang tu nhưng mới đi được nửa đường thì chiếc quan tài bằng chiếu bị đứt dây và thi hài rớt xuống đất. Đó là mảnh đất "thiên táng" tại khe cồn Phước Quả, An lăng , gần chùa Kim Quang ngày nay. (Tương truyền rằng, về sau có một lão ăn mày kiệt sức, nằm chết còng queo trên nấm mồ của ông vua Dục Đức, dân địa phương bèn đem chôn ông ta ngay trên nấm mồ nhà vua mà không hay biết. Nay nấm mồ có cả thi hài của ông vua xấu số và lão ăn mày tốt số).

Mấy hôm sau triều đình mới cho người vợ chính là bà Từ Minh Phan thị Điểu được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang. Dực Đức để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái đều bị an trí ở nhà Trấn vũ (Trấn phủ) trong Thành nội.Đến năm 1885 vua Đồng Khánh cấp cho gia đình một phủ ở làng quê ngoại Phú lương. Do tranh chấp quyền hành với Nguyễn hữu Độ (cha vợ Đồng Khánh), Phan đình Bình (cha của bà Từ Minh) bị bức tử nên gia đình con cháu Dục Đức lại bị đưa trở về quản thúc tại Trấn vũ. Sau này, con trai của vua Dục Đức là Bửu Lân, 10 tuổi đang bi quản thúc được đưa lên ngôi vua vào năm 1889, với niên hiệu Thành Thái do cảm tình của khâm sứ Rheinart và bằng mưu mẹo của Diệp văn Cương, chồng của cô ruột Bửu Lân. Sau khi lên ngôi vua, Thành Thái liền cho xây lăng mộ của vua cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng.

           Bi đình và lăng tẩm vua Dục Đức

Bạo hành và thủ đoạn: Tương quan giữa 3 vị phụ chính

Những biến cố xảy ra sau khi vua Tự Đức băng hà trong 4 tháng 3 vua (Tứ nguyệt tam vương) hay hai năm bốn vua đều do Tường hoạch định bày mưu vẽ kế và Thuyết hỗ trợ thực thi đã đưa đến hậu quả cuối cùng là thực dân Pháp đô hộ toàn nước ta. Sự bạo hành tại triều, tính hiếu sát và chủ trương giết giáo dân của phụ chính Thuyết cũng như những mưu mô, thủ đoạn chính trị của phụ chính Tường sau khi vua Tự Đức băng hà là nguyên do đưa đến sự mất nước, gây ra biết bao nhiêu hận thù hàm oan trong nhiều tầng lớp dân tộc. Trong di chiếu,  Hội đồng phụ chính gồm ba vị phụ chính và hai đại diện của hoàng tộc là Thọ Xuân vương Miên Định và Tuy Lý vương Miên Trinh được vua Tự Đức tín nhiệm và ủy thác trách nhiệm giữ gìn việc nước cho được yên bình như núi Thái sơn không có xáo trộn.

(DNTL, t8, tr. 575) Chiếu rằng: Bọn Trần tiễn Thành, Nguyễn văn Tường, Tôn thất Thuyết cùng ta gặp biết, tuy có sớm muộn hơi khác, mà lòng trung thành yêu mến chăm lo như một, từng làm việc nơi cơ yếu đã lâu, thân được chỉ bảo, nếu có gặp việc khó khăn, cũng giải quyết được. Vậy cho Trần tiễn Thành sung làm Phụ chính đại thần, Nguyễn văn Tường, Tôn thất Thuyết sung cùng là Phụ chính đại thần. Bọn ngươi nên nghiêm sắc mặt đứng ở triều đình, giữ mình đứng đắn, đốc suất quan thuộc, mọi việc cùng lòng làm cho thoả đáng, trên giúp vua nối ngôi điều không biết đến, dưới chữa chỗ lệch lạc cho các quan, để Nhà nước yên như núi Thái Sơn, thế là không phụ sự uỷ thác.

     Tôn thất Thuyết

 

Những năm cuối tại ngôi, vua Tự Đức đặc biệt chú ý đến Tôn thất Thuyết, một võ tướng trận tiền có họ hàng tôn thất (hệ 5, chi 4) nhưng ít khi gặp mặt, chỉ qua những bản tấu trình chiến sự miền Bắc. Nhà vua biết Thuyết có kinh nghiệm về quân sự nhưng lạị có mặc cảm tự ty, hay cải lịnh cấp trên, ngay cả lịnh vua. Nhà vua nhận xét Thuyết ít học, hay nói càng, bản tánh nông nổi, cộc cằng nóng nảy thất thường, thiếu thuần cẩn, hiếu sát, hay tránh việc quân, thường nghi kỵ người và dễ gây thù oán.Do đó nhà vua hay ban chỉ dụ dạy bảo Thuyết về tâm tính, cốt cách và phong thái đối xữ.Nhà vua đã xuống giáo dụ la rầy Thuyết nhiều lần, như năm 1872 vì nóng nảy nhẫn tâm giết một người lính chăn voi, cũng như hay lấy cớ bịnh hoạn xin nghỉ việc quân (3 lần). Sau thời gian điều tâm dưỡng tánh từ 1878 đến 1881, Thuyết về Huế xin tạ tội với vua về việc tự ý đi tu dù không được phép của vua và tự tiện bỏ trọng trách của một vị tướng tại chiến trường miền Bắc (Hiệp đốc quân thứ Thái Nguyên-hàm Tuần vũ).

Được nhà vua tha tội với lời huấn dụ :”ngươi phải điều dưỡng và học hỏi thêm mới có thể nên người được” và Trần tiễn Thành tiến cử vì không còn ai hơn được một vị tướng tôn thất họ nhà vua trong lúc này (cả vua Tự Đức và đại thần Thành đang dưỡng bịnh), Thuyết, 43 tuổi, lên nắm quyền thượng thư bộ binh từ tháng 2-1882 (thay Lê hữu Tá) do tình hình biến chuyển nhanh ở miền bắc và kinh đô Huế cần được bảo vệ. Trích Niên biểu Văn nghị công, q6: “Kính vâng Dụ Nguyên Tổng đốc sung Hiệp đốc là Tôn thất Thuyết nay bệnh đã đỡ, được điều làm Thượng thư bộ Binh, trên thì có quản lý Trần Khanh, lão thành luyện đạt, lấy vốn liếng mà làm cho có chất tốt đẹp, dưới thì có người tham tá để bàn bạc cho khỏi lệch lạc.Còn Thự Binh bộ Thượng thư Lê Hữu Tá điều làm Thự Công bộ Thượng thư để mọi người đều được xứng đáng thích hợp”.

Sách sử Đại Nam thực lực (DNTL) ghi rõ thủ đoạn của Nguyễn văn Tường khi đi thi năm 1842 cố tình mang họ Nguyễn Phúc của nhà Nguyễn nên đã bị phạt sung quân 1 năm. Sau đó ông Tường được Trần tiễn Thành tiến cử để cùng đi vào Saigon thương thuyết với giới chức Pháp năm 1867 nên rất được vua tin dùng,  nhất là sau khi điều đình để Pháp trả lại thành Hà nội 1874. Ngoài ra cũng được tiếng thao lược khi chỉ huy quân triều đình dẹp loạn văn thân Nghệ An Đặng Như Mai 1874 với sự hỗ trợ của chiến hạm Pháp.Tường rất thông minh, sâu sắc nhiều thủ đọan, có tài xoay sở ứng biến trong các cuộc thương thuyết ngoại giao và ngoại thương. Tất cả việc đàm phán các hòa ước Việt – Pháp hay Việt-Trung sau này đều do Tường vạch định nhưng lại chủ trương không thi hành để làm khó dễ và gây hao tổn cho đòan viễn chinh Pháp phải kéo dài cuộc xâm lăng của thực dân.Vua Tự Đức đã dàn xếp cho chị của Ưng Đăng về làm dâu ông Tường để tạo thêm uy tín cho Tường cũng như thi hành ý muốn của nhà vua đưa Ưng Đăng lên ngôi. Trong lúc thương lượng với các phái đòan Trung hoa từ 1880 về các khoản viện trợ, Tường nhân cơ hội chấp thuận việc buôn lậu trái phép như độc quyền chuyên chở gạo hay nhập cảng tiền giả ‘sềnh” để hưởng tư lợi (NXT, tr. 283). Ngoài ra sau này phải chia đều phần tư lợi với Thuyết sau khi cho phép công ty Pháp độc quyền khai thác mỏ than Kế bào và Hòn gai làm ngân sách triều đình thất thu.                                                             

   Nguyễn văn Tường

Do sự tiến cử của Trần tiễn Thành nên Tường và Thuyết thăng tiến nhanh trên đường hoạn lộ. Tháng 3 năm 1874, Thành được vua khen thưởng vì đã tiến cử Tường .Trích Văn nghị công niên biểu, q4:

- “Kính vâng Dụ trong có khoản : Quyền giả Tham tri bộ Lễ sung làm Phó sứ đi Tây là Nguyễn văn Tường mùa Đông năm trước đã giảng giải thu hồi 4 tỉnh, được thưởng chức Thượng thư bộ Hình sung Cơ mật viện đại thần, tấn phong Kỳ vĩ bá. Vả Nguyễn văn Tường với Trẫm, tri ngộ tuy do từ huyện Thành hoá mới bắt đầu nghe tiếng nhưng phần nhiều là do Thự Hiệp biện Trần tiễn Thành đề cử mới biết, nhân đó mà tiến dần. Nếu không biết cái lệ nghìn thu, suy ra tận gốc để thưởng mà thôi được ư ? Trần tiễn Thành được chuẩn cho thực thụ lại tái thăng Thự Văn minh điện đại học sĩ mọi hàm như cũ, gọi là tiến cử người hiền thì nhận thưởng trên vậy, xưa nay cùng nề nếp đó, quyết không được khước từ, huống chi năm gần đây Cơ mật việc nhiều, vài ba đại thần ngày đêm tựa sức nhau thật nhọc đuối. Ấy là Trẫm không có đức khiến cho quần thần không được nghỉ ngơi, ngày ngày trông mong lúc nào được thấy cảnh thái bình, lúc nào thấy được kẻ nhọc nhằn phải nghỉ ngơi, phải nới sức để tiến bộ”.

- Tháng 3 năm 1882, ông Thành còn bị vua Tự Đức trách cứ sao không tiếp tục đề cử những công thần khác:  (trích Văn nghị công niên biểu, q6)  “Lại vâng Châu phê: Kiếm người thờ vua là chức năng của đại thần vậy. Khanh trước đây chỉ đề cử hỏng một Trần Văn Tuy, sao quá lâu mới thấy có đề cử, cũng thật quá thận trọng, nhưng phải có tài lớn mới dùng nổi vào việc lớn xứng đáng, há như chỉ coi mặt, nhặt nhạnh thứ tầm thường hay sao ? Nguyễn văn Tường, Nguyễn Chánh, Tôn thất Thuyết, những người khanh đã cử lâu nay đấy, ý lại còn thận trọng việc đề cử hay sao ? Trẫm bảo cả cho biết đấy ! ”

- Tháng 6 năm 1882, vua Tự Đức lại hỏi ý kiến của hai đại thần Thành và Tường về việc Phạm thận Duật đề nghị nên đưa Thuyết tham gia Cơ mật viện như sau (trích VNCNB, q6):     Cùng Nguyễn văn Tường dâng phiến phúc trình: Mồng 2 tháng này, Phạm thận Duật dâng phiến xin cho Tôn thất Thuyết sung chức ở Viện. Vâng chỉ phê cho thần, Trần tiễn Thành, Nguyễn văn Tường xem việc đó thế nào. Bọn thần cũng bàn kỹ, trộm thấy vừa qua việc của Cơ mật viện quá nhiều, Tôn thất Thuyết là người Tôn phả, ưu ái càng mật thiết, hiện nắm bộ Binh lại kiêm Phòng luyện, vốn rành việc Cơ mật nếu được chuẩn cho viên ấy kiêm sung chức Viện, nhiều người cùng bàn với nhau may cũng giúp được nhau, còn như Phạm thận Duật là người trầm mặc mà có lòng sâu kín, lại am tường tình thế Bắc kỳ hơn, lại nữa sung giữ chức Viện lâu ngày, nhiều lần cùng bàn bạc với bọn thần nhiều điều bổ ích về Cơ vụ, nên lưu viên ấy lại Viện để bàn bạc. Kính vâng Châu phê riêng.

Tường cùng Thành làm việc cận kề vua Tự Đức nơi Cơ mật viện gần 16 năm nên biết rõ chánh kiến trung quân ái quốc, nhân cách ôn hoà mực thước của Thành.Thành được vua yêu mến và quý trọng trong nghĩa vua tôi qua 30 năm làm quan đầu triều được xem như là người thân tín của vua. Đời làm quan của Thành rất thanh cần công bằng liêm chính không bè phái nên được vua tương đắc và triều thần nể trọng (Đại Nam liệt truyện, q32). Từ khi nhậm chức Thượng thư bộ Binh thay lão thần Trương đăng Quế được về hưu trí tháng 9-1862, mỗi lần đại thần Nguyễn tri Phương trở lại Huế, quan đầu triều Trần tiễn Thành đều nhường chức và vui vẻ trở lại chức vụ Thương thư bộ Công. Từ năm 1881 lúc 69 tuổi Thành nhiều lần xin về hưu trí nhưng nhà vua vẫn không đồng ý, chỉ được cho bớt việc để thay vua quản lý bộ Binh. Sau khi chúc thọ ông Thành được 70 tuổi vua Tự Đức đầu năm 1883 đã ban châu phê bảo rằng :”Bệnh của khanh là bệnh già, đã hỏi thầy thuốc nói rằng cũng không ngại, cứ yên tâm lưu chức thự, đợi lành sẽ vào hầu nghe cơ vụ, không cần thiết phải thử hạn trị ở ngoài, xa cách lâu, bất tiện” (DNLT,q32).Thời gian Thành già yếu bịnh tật, Tường thường đến thăm và bốc thuốc chửa trị ngoài ngự y.

Thuyết là tướng tại chiến trường về triều gặp dịp được giao nắm binh quyền từ tháng 2-1882 và học việc Cơ mật viện dưới sự hướng dẫn của Thành.Tuy nhiên Thuyết ngày càng lộ rõ bản tính quân phiệt và tham vọng quyền bính vượt ngoài tầm tay của triều đình khi thành lập một đội quân cận vệ hổn tạp riêng của mình (Phấn Nghĩa quân) để thi hành chỉ thị khủng bố bạo hành, củng cố quyền uy và chủ trương diệt giáo dân phá tan tình tự dân tộc, đoàn kết dân tộc lương giáo. Đó cũng là sai lầm lớn khi viết di chiếu của vua Tự Đức đang đau nặng nên thiếu sáng suốt trong những quyết định liên quan đến sự tồn vong của quốc gia. Nếu như nhà vua không cho Tôn thất Thuyết làm đồng phụ chính hay bỏ đi đoạn nói về Dục Đức thì tình hình chắc hẵn đã biến chuyển khác đi, sẽ không có thảm kịch Tứ nguyệt tam vương hay biến cố 23/5 ất dậu làm vài ngàn người vô tôị chết oan mà hàng năm dân Huế phải cúng tế cho oan hồn vong nạn hay chết trận.Không có Thuyết, hai phụ chính Thành và Tường đã có thể giúp các vua nối ngôi chèo lái vận mệnh quốc gia qua cơn bão táp nô lệ thực dân.

Chỉ mấy tháng sau, Thuyết chỉ thị hành xử “tội nặng” của Thành vì trước đây Thành ngang nhiên chống chủ trương cầu viện Trung Hoa của Thuyết 1882, đưa giáo dân Nguyễn trường Tộ với các giáo sĩ người Pháp vào giúp việc liên lạc ngoại giao Saigon-Hue cũng như cồ động kế sách cầu hòa để canh tân đổi mới cho đủ sức mạnh quân sự, kinh tế mà chống Pháp từ 1862. Thuyết-Tường chù trương chống Pháp đến cùng và giết hết (?) giáo dân dù vũ khí yếu kém, ngân quỹ eo hẹp đồng thời nhờ quân viện của Trung Hoa. Vì bất đồng chính kiến và nhân cơ hội Thành dù đang nghỉ hưu không đồng ý việc phế truất Hiệp Hòa, Thuyết ra lịnh cho Kỳ ngoại hầu Hồng Chuyên dẫn một toán Phấn nghiã quân ám sát Thành tại nhà, lúc đêm tối, không một án lịnh 4 tháng sau khi vua Tự Đức chết. Việc chỉ định Thành đọc di chiếu của vua Tự Đức là một mưu đồ chính trị thiếu luân thường đạo lý của Tường -Thuyết mà Thành bị lừa, lại được triều đình chủ chiến đem ra giữa triều đình nghị kết án thêm lần nữa vào tháng 12-1883 sau khi Thành chết một cách ám muội để bị giáng xuống làm binh bộ thượng thư và mất tất cả các phẩm hàm (xin xem thêm Hàm oan= tk11). Việc thảm sát ông Thành này được Thượng thư bộ hình Phạm thận Duật của “triều đình chủ chiến” vừa đi sứ về đầu năm 1884 đưa ra truy cứu và kết án Hồng Chuyên (DNTL, tập 9, tr. 66).

Hai ông Tường-Thuyết đồng tâm đồng lực trong việc chuyên quyền nhưng không đủ khôn khéo lúc muốn đánh tập kích bất ngờ quân Pháp tại Huế 1885 để phải thất bại hoàn toàn. Người thì bỏ mạng vì chứng nan y khi bị đi đày nơi Tahiti, người thì cuối đời bị giam lỏng nên điên loạn chết dần chết mòn nơi mình đến cầu viện. Rõ ràng tham vọng quyền bính đã thay đổi lòng người, những chữ trung nghĩa và trung quân khó giữ lắm thay.Luật nhân quả áp dụng không trừ một ai.Lưới trời lồng lộng khó ai tránh khỏi. Lịch sử thế giới cho biết rất nhiều tướng tài lập nên binh nghiệp lớn, nhưng khi bước sang địa hạt chính trị, tham vọng quyền bính trỗi dậy mạnh mẽ, nếu không có tấm lòng trong sáng, biết giữ đạo lý cương thường thỉ dễ trở thành quân phiệt, độc đoán, gây ra nhiều tội ác, làm người đời chê cười, như trường hợp Đổng Trác thời Tam quốc.

Việt nam mất tự chủ và độc lập

1/ Hiệp ước Harmand 1883: Vua Hiệp Hòa bị bức tử

Cùng ngày vua Tự Đức băng hà 19-7-1883, bộ Hải quân và thuộc địa Pháp tại Paris chấp thuận kế hoạch chuyển mục tiêu từ Hà nội ra Huế để hoàn tất kế hoạch xăm lăng Việt nam theo những đề nghị của Khâm sứ Rheinart tại Huế và Thống đốc Nam kỳ Thomson. Ngày 30-7-1883 tại Hải phòng kế hoạch hành quân được quyết định giữa thiếu tướng Bouet chỉ huy lực lượng quân sự Pháp hành quân tại Bắc kỳ và phó đề đốc Courbet chỉ huy hải quân với nhiều pháo hạm và thủy quân lục chiến tiến đánh Thuận An Huế. Harmand và Champeaux cùng đi Huế trên tàu hải quân mang theo một bản dự thảo hòa ước bảo hộ đã soạn sẵn để ép buộc triều đình Huế ký nhận. Nội các Pháp Jules Ferry trong bức điện tín 11-8-1883 chỉ cho phép “biểu dương lực lượng ở cửa bể Thuận an chứ không được tiến quân lên Huế”.

Khởi đầu bằng chiến thư, Pháp bắt quan trấn thủ Thuận An phải đầu hàng vô điều kiện. Sau ba ngày tiền pháo hậu xung của quân Pháp với vũ khí tối tân, thành Trấn Hải cửa Thuận An thất thủ ngày 21-8-1883 dù quan quân Việt chống trả oanh liệt với vũ khí cổ lổ (còn mồi lửa để đốt thuốc nổ) và gươm giáo, nhiều quan quân ta đã hy sinh cao cả: các quan Lê Chuẫn, Lê Sĩ, Nguyễn Trung, Lâm Hoằng chết trận, còn Trần thúc Nhẫn tự vẫn. Tối hôm đó triều đình “chủ chiến” phải nhờ Trần tiễn Thành đang nghỉ dưỡng bịnh từ đầu năm tiếp xúc với giám mục Caspar đề nhờ làm trung gian đưa Nguyễn trọng Hợp đại diện chính thức triều đình xuống Thuận An lên chiến thuyền xin đình chiến và chấp nhận điều kiện của Pháp. Ông Thành nhất quyết không tham gia vào việc điều đình Hòa ước mà phải nhờ đến đại thần đang hưu trí Trần đình Túc và thượng thư Nguyễn trọng Hợp qua Tòa Khâm để thương thuyết dưới họng súng của Pháp.Ngày 25-8-1883 Hiệp ước bảo hộ Qúy mùi được ký với Harmand và Champeaux.

Hai ông Tường-Thuyết liền có chủ trương gây nhiều trở ngại trong việc giao tiếp Pháp-Việt tại Huế để không thi hành các điều khoản của hòa ước này.Đây là bước đầu đưa đến những rối loạn trong và ngoài triều đình Huế: sự chia rẽ trầm trọng đánh mất đoàn kết dân tộc trong hàng ngũ lãnh đạo với việc bạo hành phế lập liên tiếp 4 vua trong hai năm, giết ba vua, giết đại thần và 40 hoàng gia quốc thích, giết giáo dân khắp nơi, tạo khủng bố hầu biện minh cho chính sách độc quyền yêu nước của phái chủ chiến quân phiệt.Đại đa số quần chúng thờ ơ với vận nước và giới sĩ phu chán ngán biến loạn cung đình nên xa lánh triều đình, bỏ ấn từ quan rất nhiều.Vua Hiệp Hoà sau khi tại ngôi cùng vài hoàng thân muốn chấp nhận thi hành hòa ước 1883.Nhiều quan quân miền Bắc vẫn tiếp tục chống Pháp và gây nhiều tổn thương cho quân Pháp với sự trợ giúp của quân Trung hoa.

Vua Hiệp Hòa bị ức hiếp nhiều lần công khai tại triều nên lập mưu trừ khử hai ông Tường –Thuyết với lời yêu cầu quân Pháp hổ trợ.Với chứng cớ rõ ràng của mật thư gởi Champeaux và chiếu nhường ngôi, vua Hiệp Hòa bị kết án tư thông với Pháp và bị bắt buộc uống thuốc độc ngày 29-11-1883. Ngày hôm đó, phụ chính Thành, đang nghỉ hưu, công khai phản kháng việc phế lập lần thứ hai gây thêm xáo trộn nên bị ám sát đêm đó bởi nhóm Hồng Chuyên trong đoàn Phấn nghĩa quân của Thuyết mà không án lịnh (tk 11). Đồng thời  Hồng Chuyên được lịnh đi giết giáo dân tại các làng phía nam Thừa thiên (Truồi, Cầu Hai, Nước Ngọt) làm 300 người vô tội chết (HCT, t. 6, tr.1262) (TGP,t.3, tr. 403) để cho các làng giáo dân phải có phản ứng tự vệ bằng vũ khí hay nhờ quân Pháp bảo vệ.

      Mộ vua Hiệp Hòa

 

2/Hiệp ước Patenôtre 1884 Giáp thân: Vua Kiến Phúc chết

Sau khi “con bài” Hiệp Hòa của Thuyết bị giết thì “con bài” của Tường, Ưng Đăng được đưa lên ngôi lúc 14 tuổi, lấy tên Kiến Phúc nên mọi việc triều chính đều do hai phụ chính Tường-Thuyết quyết định. Tình hình chiến sự miền Bắc lại xáo động do liên quân Việt-Trung kết hợp khiến chính phủ Pháp tại Paris phải thương lượng với chính quyền Trung Hoa tại Bắc kinh.Nhờ có viện binh, Pháp đánh đuổi quân Thanh và Cờ Đen lên biên giới.Với hiệp ước Thiên tân mới ngày 11-5-1884, Trung hoa cam kết rút quân khỏi Bắc kỳ và tôn trọng các hiệp ước Việt-Pháp.

Dưới triều Kiến Phúc hòa ước bảo hộ Harmand 25-8-1883 Qúy mùi được thương lượng trở lại vì hai bên Việt-Pháp cần điều chỉnh vài điều khoản thiếu minh bạch nên Hòa ước Patenôtre 6-6-1884 Giáp thân ra đờì: Việt nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp, bị phân chia làm 3 phần với tổ chức hành chánh khác nhau, mất quyền ngoại giao nhưng triều đình Huế còn có ngân sách, quân đội riêng. (Phụ chú: vua Thành Thái đòi hỏi Pháp thực thi hai điều khỏan nầy nên bị truất ngôi vì “bịnh điên”. Ngoài ra hiệp ước có hai điều khoản quan trọng: điều 1-bảo trợ-  và điều 15-cam kết dẹp yên nội loạn- là một trong những căn nguyên ép buộc Pháp trả lại độc lập cho Việt nam với bản tuyên ngôn độc lập 11-3-1945 của Vua Bảo Đại sau khi Nhật đảo chánh Pháp 9-3-1945).

Hiệp ước Patenôtre với chữ ký
của Nguyễn văn Tường, Phạm
thận Duật và Tôn thất Phan

Trước khi ký kết, chiếc ấn “Việt nam quốc vương chi ấn” của Trung Hoa bị nấu chảy để chứng tỏ từ nay Việt nam không còn lệ thuộc vào Trung hoa.Binh lính nhà Thanh bắt đầu rút khỏi đất Việt và quân đội theo triều đình tại miền Bắc yếu dần vì nhiều quan quân Việt ra cọng tác với chính quyền bảo hộ, không tuân lịnh Huế càng ngày càng nhiều. Hơn một tháng sau khi ký hòa ước công nhận bảo hộ, vua Kiến Phúc chết đột ngột ngày 31-7-1884 vì bịnh đậu mùa đang được chửa trị bởi ông Tường với nhiều nghi vấn của lịch sử.Hai phụ chính Tường-Thuyết chọn em vua cùng cha khác mẹ Ưng Lịch 14 tuổi lên ngôi, lấy hiệu Hàm Nghi.Việc này tạo nên khủng khoảng chính trị giữa triều đình Huế và tòa Khâm sứ Pháp.

3/ Vua Hàm Nghi xuất bôn

Tình hình chiến sự Bắc kỳ sôi động trở lại vì Trung hoa không chịu thi hành hiệp ước Thiên tân bằng cách gởi thêm quân lên đến 20.000.Chính phủ Paris liền cử Đô đốc Courbet kiêm nhiệm chỉ huy hạm đội Pháp  tại hải phận Trung hoa, mở rộng chiến trường mặt biển dọc theo duyên hải Phúc Kiến và Đài Loan, trong  khi giao tranh tại Lạng sơn, Tuyên quang vẫn tiếp diễn giữa quân Pháp và Thanh. Do tình hình chính trị bất ổn tại Paris và Bắc kinh, cuộc đàm phán chỉ được bắt đầu từ tháng 5-1885, đưa đến kết quả ký kết hòa ước mới Thiên tân 9-6-1885.Theo hòa ước này Trung hoa chịu rút quân và nhìn nhận Pháp đô hộ Việt nam.Hôm ký hòa ước, Courbet bị bịnh chết tại Makung, đảo Bành Hồ, Đài Loan.

Sau khi dàn xếp xong với Trung Hoa, Pháp gây áp lực Việt nam thi hành hiệp ước Giáp thân-Patenôtre, bắt đầu bình định, khai thác và khai hóa thuộc địa Việt nam, biến từ tư thế bảo hộ thành cai trị trực tiếp. Tại Huế, hai phụ chính Tường-Thuyết cương quyết chống Pháp bằng cách tạo nhiều rắc rối cho Pháp nhưng lại không đồng tâm hiệp lực để khơi dậy phong trào yêu nước rộng rãi, chỉ tạo ra một cuộc phiêu lưu quân sự thiếu thống nhất, kém kỹ thuật, nghèo phương tiện tại kinh đô Huế của một đoàn quân ô hợp do một vị tướng lãnh quân phiệt thiếu tài, thiếu đức, chủ quan, liều lĩnh.

Ngày 12-4-1885 thống tướng De Courcy được bổ nhậm Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Tổng trú sứ tại Trung-Bắc kỳ với một ngân khoản chiến tranh rất lớn được chấp thuận vào tháng 3-1883 và một đội quân hùng hậu gồm 9 tướng với 30.000 lính có thêm 5000 lính khố đỏ người Việt (theo Pháp đánh người Việt). Đoàn quân Courcy từ Pháp đến vịnh Hạ long ngày 31-5-1885.Sau khi được báo cáo tình hình tại Huế, Courcy xin và được lịnh của bộ ngoại giao Paris bắt giam Tôn thất Thuyết để dứt điểm kế hoạch xâm chiếm Việt nam.Courcy được phép của bộ chiến tranh Paris đem 1000 quân với 19 sĩ quan đến Huế ngày 2-7-1885, khiêu khích đòi đi cửa giữa Ngọ Môn khi trình ủy nhiệm thư lên vua Hàm Nghi, trao bản hòa ước Patenôtre đã được phê chuẩn. Sau khi biết âm mưu của Pháp muốn bắt giử Thuyết cầm đầu phe chủ chiến chống Pháp, Tường cố gắng kéo dài thời gian qua đàm phán để Thuyết chuẩn bị cơ sở kháng chiến tại Tân sở (trên thực tế đó là một địa bàn không thề dùng để kháng chiến lâu dài, chỉ hao công tốn của), vạch định kế hoạch đánh úp quân Pháp hay tìm giải pháp thỏa đáng để Thuyết tự ý sang gặp De Courcy.

Thuyết cương quyết từ chối lời mời của các khâm sứ cho đến chiều ngày 22-5 Ất dậu (4 -7-1885) Thuyết chịu viết đơn từ chức Thượng thư bộ binh với Courcy nhưng Courcy từ chối nhận lá thư nầy và quà tặng của bà Từ Dũ. Cuối cùng, sau không đầy nửa ngày vạch kế họach hành quân, Thuyết ra lịnh đánh úp Tòa Khâm và Mang Cá trong một trận chiến cuối cùng vô vọng ngày hôm sau 5-7-1885 mà vua, thái hậu và triều đình không được tham khảo và thông báo.Đây là một quyết định cá nhân thiếu thuần cẩn đã mang lại hậu quả vô cùng thảm khốc cho triều đình và đất nước. Thuyết đơn phương quyết định đánh tập kích bất ngờ nhân dạ tiệc của quân Pháp tại Huế: Thuyết bị mắc mưu khích tướng của Courcy và kinh đô thất thủ chỉ sau 6 giờ giao tranh giữa 1500 quân Pháp với 20.000 quân Việt.

Một người lãnh đạo chỉ huy binh quyền như ông Thuyết kém tài, chủ quan, thiếu sách lược tinh tế, thiếu tâm lý chiến, thiếu tin tức tình hình địch quân với viện binh có nhiều vũ khí tối tân hơn: Vũ khí ta chỉ gồm gươm giáo, súng trường đại bác kiểu cổ 1730 dùng trong thời kỳ chống Tây Sơn còn vũ khí Pháp chế tạo kiểu mới 1880 có sức tàn phá mạnh mà tầm bắn lại xa hơn. Nếu Thuyết có lương tri biết liêm sĩ, tự trọng và tôn trọng truyền thống của một tướng can đảm “chết theo thành” cùng thời như gương Phan thanh Giản 1867, Nguyễn tri Phương 1874, Hoàng Diệu 1882, Trần thúc Nhẫn 1883 thì Thuyết đã phải tự nhận lấy trách nhiệm cá nhân và tìm sự hy sinh cao cả trong danh dự khi kinh thành Huế thất thủ, lưu lại tiếng thơm trong sử sách và dân chúng.

     Lễ cúng Âm hồn 23/5 AL hàng năm tại Huế

Khi Thuyết cầm gươm vào ép buộc vua và tam cung đi trốn (PVS, q6, tr.38) vua Hàm Nghi nói: “Ta có đánh nhau với ai đâu mà chạy”, Hoàng thái hậu Từ Dũ thì bất bình nói: “Nước yếu thua nước mạnh, có gì lạ, đời đức Tiên đế còn phải thi hành hòa ước, huống hồ ngày nay”. Thuyết ở lại cản đường tiến quân của Pháp và Tường đón vua và tam cung tại cửa Hữu ngoài hoàng thành.Trong Dụ 14-7-1885 của Hàm Nghi (thật sự là của Thuyết) có lời khuyên thương dân yêu nước cho Tường: “Nay đại thần Tôn thất Thuyết cùng ta quanh quẩn, còn ngươi là phụ chánh đại thần thì ở lại mà thường đàm, kẻ ở người đi đều lấy lòng yêu nước lo dân làm căn bản”. Tiếp liền chiếu Cấn vương ngày 20-9-1885 có đoạn nói về ông Tường trong ngày thất thủ kinh đô như sau: “Ngay lúc ấy Nguyễn văn Tường theo Trẫm ra khỏi hoàng thành, không ngờ y đồi lòng trốn vào nhà thờ Kim long…Từ nay Tường đã theo giặc, dối dân, tính bắt Trẫm nộp cho Pháp để mưu đồ phú quý….Tường còn mạo chữ Thái hậu dụ Trẫm về…” (PVS, q6, tr.70)

Theo Lô Giang tiểu sử (Tiểu Cao Nguyễn văn Mại) và Tiếng Sông Hương (Nguyên Hương, 1994), bức thư của Tường gởi cho thống đốc Tahiti vài tuần trước khi chết trình bày diễn tiến sau ngày thất thủ kinh đô làm nổi bậc thủ đọan của Tường trong sự kiện đầu thú với Pháp qua giám mục mục Caspar và khuyến dụ vua và thái hậu hồi cung, lại quy tội cho Thuyết. Trong bức thư gởi cho thống đốc Tahiti này, Tường xác quyết: “việc ấy do Tôn thất Thuyết làm quấy chớ thiểm và đình thần bổn quốc không có ý chi khác, xin quan Toàn quyền và quan Khâm sứ châm chước cho thế nào để bảo tồn sự hòa hảo trước...Ngày nay Tôn thất Thuyết làm quấy mà thiểm cũng bị coi như đồng lõa, đồng mưu là chia tội với va, phi duy tội của va không vạch rõ, mà lòng thiễm đối với qúy quốc không biện bạch được…Đến khi định giao thành định việc nước thì bỗng nhiên đem thiểm ra Côn Lôn giam như tù tội, thế mà kẻ bội nghịch thì ung dung ngoài pháp luật, còn người quy thuận lại mắc tai ương”. Theo tác giả Phan Khoang trong Việt nam Pháp thuộc sử (trang 353), trước mặt vua Hàm Nghi lúc cùng lẫn trốn, Tôn thất Thuyết sai một gia nhân về Huế đốt nhà riêng của Tường trong Thành nội gần cửa Đông Ba ngày 24-7-1885. Theo J. Morineau, “Bao Vinh, port commercial de Hué”, BAVH, T.II, 4 -5/1916, (Bao Vinh-thương cảng Huế), Bản dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 210, ngay sau biến cố năm 1885, chợ Bao Vinh rực lửa, nhiều cửa hàng và nhà kho lớn bị cháy mất, ngôi nhà của Phụ chính Đại thần Nguyễn văn Tường chỉ còn lại các bức tường đổ nát, một mảnh vườn hoang vắng. Giám mục Puginier trong thư ngày 17-7-1885 gởi cho Courcy trước đó đã kết tội Tường “kẻ điêu ngoa nhất nước” và “là kẻ thù lớn nhất của Pháp và Thiên Chúa giáo”. Cùng ý đó, Rheinart trong báo cáo lên thương cấp ngày 25-8-1885 viết về Tường: “Là một kẻ thù không đội trời chung của Pháp”.

Trong câu ca dao về bốn vị “anh hùng nước Nam” thì Tường mang tiếng “gian”, người đời khó phân định  giữa quy hàng tự ý hay vì khẩu lịnh, giữa biết hay không biết cuộc binh biến 5-7-1885, giữa chống Pháp bằng lời nói hay vũ khí, giữa kẻ thù của Pháp hay đầu thú quy hang, và giữa tư lợi hay công ích vì không ai (Courcy, Champeaux và Thuyết với phong trào Cần vương ) có thể tin vào lời nói và việc làm của Tường. Sau khi quy hàng, ông Tường được giao phó trách nhiệm ổn định tình hình trong vòng hai tháng, cùng với Nguyễn hữu Độ, Phan đình Bình và Champeaux coi viện Cơ  mật. Nhưng rồi có sự tranh chấp quyền lực giữa Tường và Độ nên Độ bỏ Huế về lại Hà nội làm Courcy phải đày Tường đi Tahiti lấy cớ không hoàn thành được nhiệm vụ trong vòng hai tháng. Sau năm tháng quản thúc trên đảo Tahiti, Tường chết lúc 64 tuổi vì bịnh ung thư cổ họng. Nhờ sự can thiệp của Thân thần Tôn thất Hân (người cùng hệ 5) quan tài được đưa về Huế với Tôn thất Đính (cha Tôn thất Thuyết) theo cùng, nhưng trước khi thân nhân nhận về mai táng thì quan tài bị quật roi, một hình phạt tượng trưng vì tội giết vua, gây loạn trong triều. Cho hay một con người dù tài giỏi đến đâu nhưng tâm địa không trong sáng, rốt cuộc sẽ phải mang quả báo đau đớn cuối đời.

Cuộc đời binh nghiệp của Tôn Thất Thuyết một lòng vì nước quên mình, hy sinh tất cả kể cả gia đình để chống lại thực dân Pháp là điều không thể chối cãi, nhưng vì bản tính nóng nảy, thiếu chính chắn, nông nỗi, độc đoán mà tài trí lại thấp kém cọng thêm bản tính bạo hành đã làm hư nhiều việc trong vai trò lãnh đạo, đế lại tiếng xấu muôn đời: trực tiếp làm mất nước và thất thủ kinh đô Huế. Khi Thuyết nắm binh quyền đã gây chia rẽ trong triều đình và dân chúng vì chủ trương khủng bố bạo hành, giết không thương tiếc những ai không đồng chính kiến, giết hai vua Dục Đức, Hiệp Hòa, giết 40 hoàng thân, giết phụ chính Thành, giết ngay cả những người đi theo vua xuất bôn kháng chiến và nhiều giáo dân. Trong tình trạng như vậy việc Pháp dứt điểm kế hoạch xăm lăng đặc ách đô hộ Việt nam một cách nhanh chóng là điều khó tránh khỏi.

Trách nhiệm thuộc về ai ? Thuyết bày binh bố trận để tự vệ chống giữ kinh đô nhưng quyết định hấp tấp chuyển sang tấn công bất ngờ trong một trận chiến hạn hẹp, yếu thế, duy nhất nhưng đầy may rủi và một mất một còn tại Huế làm cho quân Pháp nhanh chóng đặt đô hộ cai trị cả nước ta. Thuyết đã quên đi lời khuyến dụ của vua Tự Đức: “không tự làm ra tội đề không phụ nước” (DNTL-1864). Trong sáng sớm ngày kinh đô thất thủ, khi quân Pháp phản công tiến chiếm Đại nội, Thuyết đã bắt vua Hàm Nghi đi theo để làm “con tin”, vua luôn kêu khóc, than phiền và van nài đòi về lại Huế với tam cung để Thuyết phải dọa ”Nếu bệ hạ mưốn trở về Huế thì phải để lại đầu ở lại đây đã”. Ngày qua tháng lại vua Hàm Nghi trưởng thành lần lần ý thức được công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập.Nhưng khi Thuyết bỏ lại vị vua vừa trưởng thành với hai con cùng lứa tuổi để trốn qua Trung hoa, hành động như vậy không thể được đánh giá là yêu nước, mến vua được mà là thiếu trách nhiệm, do bản tánh của Thuyết theo nhận xét của vua Tự Đức.

Việc vũ trang kháng chiến sau lời kêu gọi Cần vương được hưởng ứng bởi dân chúng và sĩ phu dù chỉ có vũ khí thô sơ, gươm giáo đơn thuần, thiếu sách lược lâu dài và liên hợp. Thân binh theo Thuyết dần dần đào      ngũ, từ một ngàn người lúc đầu xuống còn vài chục.Một số chiến hữu đồng đội bị chém giết bởi chính Thuyết nên ngay cả các cận thần Phạm thận Duật, Hồ văn Hiển, Trương quang Để tách riêng, lià bỏ Thuyết. Chỉ còn lại hai con (Đạm 17 tuổi và Thiệp 15 tuổi) bảo vệ Hàm Nghi.Mặc khác Thuyết đã có ảo tưởng về sức mạnh quân sự và không nhìn thấy âm mưu đen tối của nhà Thanh khi đề cử Phạm thận Duật 1882 đi sứ nên vẫn gởi Nguyễn quang Bích 1885 đi cầu viện. Khi đích thân trốn qua Trung hoa 1887, Thuyết không biết được tình hình chủ nhà tồi tệ vì bị các cường quốc tây phương cấu xé và còn không hiểu hòa ước Thiên Tân 9-6-1885 buộc nhà Thanh phải cam kết không dính líu gì với An nam nữa. Do vậy Thuyết bị quản thúc 12 năm từ 1891 tại Thiên Quan rồi Long Châu để vỡ mộng trở thành “Ông già chém đá” (Đả thạch lão) phải bỏ tấm thân bên Trung hoa năm 1913 lúc 74 tuổi.

Lúc phụ chính Thuyết rời Việt nam qua biên giới Trung hoa năm 1887 đi cầu viện và vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888 lúc mới lên 17 tuổi (hai con của ông Thuyết còn có nghiã cử anh hùng hơn cha: Thiệp 18 tuổi liều chết bào vệ vua nên tuẫn nạn, còn Đạm 20 tuổi nhận trách nhiệm nên tự vẫn), phong trào Cần vương có tính cách địa phương vốn thiếu kết hợp mất hẳn sự lãnh đạo tinh thần nên dễ bị quân Pháp đánh bại. Thuyết chỉ biểu lộ được một lòng áí quốc cực đoan, kiên trì chống Pháp của một tướng thiếu tác phong, thiếu tài thiếu đức và thiếu trách nhiệm làm thất thủ kinh đô, thiếu ý thức chính trị đoàn kết dân tộc của một người lãnh đạo trong việc chủ trương cầu viện ngoại bang, chia rẽ lương giáo, giết người không tiếc thương làm mất lòng dân và không được người yêu nước cùng thời ủng hộ.

Kết Luận

Trước sự xâm lăng của Pháp, vương triều Nguyễn đáp ứng bằng bế môn tỏa cảng và cấm đạo trong khi Việt nam không phải là đối thủ của Pháp về quân sự. Giới sĩ phu có nhiều chủ trương khác nhau: Phái thủ cựu theo Nho học thân Trung hoa, không chấp nhận văn hóa Tây phương và lần lần trở thành phe chủ chiến quân phiệt phải dùng bạo hành khủng bố những phe đối nghịch. Phái chủ hòa vì thế yếu của nước phải hợp tác với Pháp gồm nhiều Hoàng gia chiụ ảnh hưởng của giới giáo sĩ (giống kế sách vua Gia Long khi sáng lập cơ nghiệp với Giám Mục Pigneau de Béhaine). Do vậy hai năm biến loạn sau khi vua Tự Đức băng hà, tinh thần đoàn kết dân tộc “Diên Hồng” không còn nữa. Hậu quả của các việc phế lập tại triều đình Huế do hai Phụ chính Tường-Thuyết chủ mưu và lãnh đạo, nhưng vì thiếu tài, kém đức đã mau chóng đưa đến biến cố Thất thủ kinh đô và nền đô hộ của thực dân Pháp trên toàn cõi nước ta. Hai ông Tường-Thuyết phải trực tiếp chịu trách nhiệm đưa đất nước vào vòng nô lệ ngoại bang.Nhìn qua các nước phong kiến đồng thời như Nhật, Thái và Trung hoa đã khôn ngoan mở rộng giao tiếp, du nhập văn hóa kỹ thuật Tây phương, canh tân đất nước dù phải nhượng đất cầu hoà để giữ được chủ quyền mà vượt qua cơn bão táp thực dân, trong lúc nước ta bị mất độc lập gần 100 năm đầy câm hờn tủi nhục của một nước thuộc địa.

Câu ca dao thời bấy gìờ nhắc đến bốn vị “yên hùng” thời vua Tự Đức đánh giá chính xác Thuyết được tiếng là “ngu” và Tường là “gian”. Đó là hậu quả của những hành động tày trời của hai ông trong tình thế nguy khốn, tạo bao nhiêu xáo trộn chính trị đưa đến quyết định sai lầm phiêu lưu quân sự chỉ có lợi cho quân xâm lăng Pháp.Hai ông đã phụ lòng ủy thác của vua Tự Đức hãy cố sức để “Nhà nước yên như núi Thái Sơn”. Và đúng như Ngự sử Phan đình Phùng cảnh báo “Căn bản mà lung lay thì tương lai quốc sự chưa biết ra thế nào”.Việc lộng quyền của hai phụ chính Tường-Thuyết đã đào sâu mầm mống chia rẽ lương-giáo, đánh mất tình tự dân tộc và đoàn kết quốc gia, khiến những người thiết tha yêu nước xa rời. Thiếu sự hợp nhất và chỉ đạo đúng đắn, các phong trào yêu nước Văn thân, Duy tân, Cần vương lần lược thất bại và đất nước hao mòn đi bao nhiêu anh tài, bao nhiêu anh linh vô tội.Ý thức trách nhiệm chiến đấu chống Pháp giành độc lập nay phải thuộc về toàn dân trước một đoàn quân tinh nhuệ với hỏa lực mạnh.Đó là một kỷ nguyên cứu nước chống ngoại xâm hoàn toàn mới lạ cho toàn dân Việt. Việt nam mất chủ quyền từ đây nhưng người dân Việt không chấp nhận sự đô hộ cuả ngoại bang dù kháng chiến bằng vũ khí đã thất bại (1896).Dựa vào đức hy sinh cao cả và tinh thần truyền thống bất khuất, nhiều sĩ phu bắt đầu từ bỏ ý niệm trung quân đi tìm những kế sách cùng tư tưỏng khác mong giải phóng dân tộc, giành lại độc lập thống nhất cho tổ quốc.

 

BS Trần tiễn Sum

(California 12-2010)

Lời cảm tạ: Tác giả xin chân thành cám ơn nhà sử học Võ văn Dật, Gs Nguyễn lý Tưởng và Bs Nguyễn Lộc đã đóng góp nhiều ý kiến cho bài viết nầy.

 

Trích dẫn và tham khảo:

1/(DNTL): Đại Nam Thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Tập 7,8,9. Bản dịch Viện Sử học, 2007

2/(VNC): Vũ ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, Tập 1-1999

3/(HCT): Hoàng cơ Thụy , Việt sử khảo luận, Tập 6-1990

4/(NXT): Nguyễn xuân Thọ, Bước mở đầu cuả sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Vietnam, 1995

5/(BAVH): Tạp chí Huế thành hiếu cổ, số 12-1943

6/ Nguyễn đắc Xuân.  Phụ chánh đại thần Trần tiễn Thành, Tái bản 2010.

7/(NBVNC): Trần tiễn Hối,  Niên biểu Văn Nghị Công, Quyển 5-6, link:

8/(TGP): Trần gia Phụng,  Việt sử đại cương, Quyển 3-2007

9/(PVS): Phạm văn Sơn,  Viêt sử tân biên, Quyển 5-6.1962.

10/ Nguyễn lý Tưởng. Từ ngôi mộ lưỡng hổ chầu đến chiến khu Tân Sở đời vua Hàm Nghi.

11 /Trần tiễn Sum: Bài học lịch sử 

12/ Trần tiễn Sum: Hàm oan

13/ Tôn thất Hứa: Vài dữ kiện về Nguyễn văn Tường, Nhớ Huế 1994

14/ Tôn thất Hứa : Quanh sự kiện Tôn thất Thuyết, Nhớ Huế 1993

15/ Trân Huyền : Tứ nguyệt tam vương    

16/Khiêm cung ký, vua Tự Đức:

17/ Liễu Quán Huế : Kỷ niệm 124 năm Thất thủ kinh đô                 

18/ Hoàng trọng Thược : Bốn anh hùng:

19/ Ngô Tuệ: Kinh Đô thất thủ và kết cục buồn của vua Hàm Nghi

20/ Phạm thận Duật, Sự nghiệp văn hóa, Sứ mệnh Cần vương.HKHLSVN, Hà nội 1997.