Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Các Nhân Vật Có hay không lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng?

Có hay không lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Thái Dũng   
Thứ Bảy, 25 Tháng 12 Năm 2010 11:58

Ở ngôi trong khoảng thời gian ngắn, vai trò và tầm ảnh hưởng không lớn nên những gì mà người đời biết về bà chỉ như gió thoảng mây bay mà ai ít ngờ rằng còn rất nhiều điều kỳ thú về Lý Chiêu Hoàng.

                        Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng ở  đền Rồng –Bắc Ninh

Lý do Lý Chiêu Hoàng được nhường ngôi

Vua Lý Huệ Tông chỉ có hai người con gái, con cả là Thuận Thiên công chúa Lý Ngọc Oanh, người con thứ là Chiêu Thánh công chúa Lý Phật Kim.

Tháng 10 năm Giáp Thân (1224) Lý Huệ Tông xuống chiếu lập con gái thứ làm Hoàng thái tử rồi truyền ngôi, lý do là lúc đó Thuận Thiên công chúa đã được gả chồng, theo quan niệm “xuất giá tòng phu” thì Thuận Thiên công chúa không còn là người thuộc hoàng tộc họ Lý nữa. Mặt khác, Chiêu Thánh công chúa là con thứ lại còn nhỏ nhưng được Lý Huệ Tông rất yêu quý nên mới cho làm người kế thừa ngôi báu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết:

“Bấy giờ hoàng hậu Trần Thị sinh được hai công chúa. Công chúa thứ hai là Phật Kim, nhà vua yêu lắm, định lập làm con kế tự, bèn ban cho nàng 24 lộ trong nước để làm ấp thang mộc.

Tháng 10, mùa đông, lập con gái là Phật Kim làm Thái tử. Nhà vua không khỏi bệnh, lại chưa có con trai thừa tự, trong cung duy có hai nàng công chúa, con lớn là Thuận Thiên, con bé là Chiêu Thánh, đều do Trần Thị sinh ra. Hiện nay, Thuận Thiên đã lấy Trần Liễu, nên nhà vua lập Chiêu Thánh làm Thái tử. Truyền ngôi cho con gái là Phật Kim, nhà vua ra ở chùa Chân Giáo”.

Có hay không lễ cưới của Lý Chiêu Hoàng?

Chúng ta thường nghĩ rằng Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh (sau là Trần Thái Tông) là đôi vợ chồng nhưng thực ra hoàn toàn không có lễ cưới của họ xét về mặt nghi thức, lễ tục hôn nhân. Hai người trở thành “vợ chồng” hoàn toàn chỉ qua lời nói của Trần Thủ Độ mà thôi.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy cái khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh lạy, nhận lấy, rồi mách với Thủ Độ. Thủ Độ liền đem gia thuộc và họ hàng vào trong cung cấm, sai đóng các cửa thành lại. Trăm quan tiến triều không vào được. Thủ Độ nhân thế, loan báo cho mọi người: "Bệ hạ đã có chồng rồi!". Các quan đều vâng lời và xin chọn ngày vào hầu để làm lễ yết kiến”.

Các thư tịch cổ khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án… đều có ghi chép tương tự. Riêng có sách An Nam chí lược của Lê Tắc thì cho hay vua Lý Huệ Tông đồng ý cho hai người thành hôn, có điều nghi thức lễ cưới có diễn ra hay chưa thì chưa xác định: “(Trần) Thừa có công đánh giặc, xin cho con kết hôn với công chúa Chiêu Thánh. Vương (Lý Huệ Tông) bằng lòng”.

Ai là người soạn chiếu nhường ngôi cho Lý Chiêu Hoàng?

Dưới sự “đạo diễn” của Trần Thủ Độ, vở kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần hạ màn vào ngày 11 tháng Chạp năm Ất Dậu (1225), tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu “nhường ngôi cho chồng”. Nội dung bài chiếu được ghi lại rõ ràng trong các sách sử nhưng người chủ trương viết tờ chiếu này thì ít ai rõ, nhưng có thể suy đoán đó là Thái hậu Trần Thị Dung, người đóng vai trò quan trọng trong sự kiện “chuyển giao ngôi vua” này. 

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Thái hậu là con gái Trần Lý, khi Lý Huệ Tông làm Thái tử vì tránh quốc nạn phải chạy ra miền Hải Ấp, Thái tử trông thấy Trần thị tỏ ý hài lòng, rồi lấy làm vợ, sau sách phong làm Hoàng hậu. Gặp lúc ấy trong nước loạn lạc, Hoàng hậu mới cùng với Thủ Độ tư thông, rồi bàn mưu ở trong cung làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần, vì thế mà nhà Lý mất ngôi vua”.

 Vợ nhường ngôi cho chồng là sự kiện chưa từng có

Sự kiện Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh được nhiều sách sử ghi chép lại, nhưng chỉ có duy nhất bộ sử được viết vào thời nhà Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục có lời bình cụ thể về việc này và cho đó là chuyện cổ kim chưa chưa từng có trong lịch sử khi so sánh với một số trường hợp được ngôi vua ở các triều đại phương Bắc. Lời bình đó như sau:

“Thực là việc lạ, suốt nghìn xưa chưa hề có. Các triều đại Bắc phương chưa từng có chuyện được nước như vậy bao giờ. Kìa như họ Sài nối nhà Chu đã là chuyện lạ, nhưng cũng chưa lạ đến như thế. Xem ra cũng chẳng qua như bọn Vương Mãng và Dương Kiên đó thôi. Dầu chẳng mượn danh nghĩa là "bệ hạ có chồng", thiên hạ thế nào chắc cũng về tay họ Trần. Họ Trần lấy được nước, đều là nhờ công sức Thủ Độ, cũng như vua Thuận Trị nhà Thanh với Đa Nhĩ Cổn, chứ Trần Thái Tông có gì đáng khen đâu?”.

Lý Chiêu Hoàng có bao nhiêu người con?

Qua hai đời chồng là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) và Lê Tần (Lê Phụ Trần), Lý Chiêu Hoàng đã sinh hạ tất cả 3 người con là:

 - Trần Trịnh là người con đầu tiên của Lý Chiêu Hoàng và cũng là kết quả của mối tình với vua Trần Thái Tông, sinh ra năm Quý Tị (1233) nhưng người con này đã chết sau khi sinh không lâu. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đặt nghi vấn: “Hoàng thái tử sinh, tất phải chép rõ ngày, tháng, năm sinh; khi mất cũng thế. Đây chỉ chép khi mất, có lẽ là vừa mới sinh đã chết ngay, nên không chép ngày tháng sinh”.

- Trần Bình Trọng là con trai của Lý Chiêu Hoàng với tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần) có tên là Lê Tông, khi trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, ông còn có tên khác là Lê Phụ Hiền sau này được ban quốc tính (họ vua) và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Vua Trần Thái Tông đã gả công chúa Thụy Bảo cho Trần Bình Trọng, họ sinh được một người con gái tuyệt sau trở thành hoàng hậu của vua Trần Anh Tông.

 - Lê Thị Ngọc Khuê: Con gái của Lý Chiêu Hoàng với tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần), sinh năm Tân Dậu (1261), còn được gọi là Minh Khuê, có tài liệu như sách Việt Nam đại hồng sử thì viết bà hiệu là Kiều Thụy tên Minh Khuê. Sử sách và dã sử không cho biết rõ về cuộc đời của bà, chỉ biết rằng bà được phong làm Ứng Thụy quận chúa (có thuyết nói là Ứng Thụy công chúa) sau được gả cho Trần Cố, người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng, lộ Hải Đông (nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, Hải Dương) đỗ Kinh trạng nguyên khoa Bính Dần (1266) đời Trần Thái Tông, làm quan đến chức Hiến sát sứ, Thiên chương các đại học sĩ.

Lý Chiêu Hoàng đã từng xuất gia đi tu

Chính sử không có ghi chép về việc Lý Chiêu Hoàng xuất gia tu Phật sau khi bị truất ngôi Hoàng hậu nhà Trần, nhưng từ bao đời này người dân làng Giao Tự (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn truyền tụng rằng ngôi chùa Linh Tiên của làng mình, xưa kia chính là nơi Lý Chiêu Hoàng về tu hành một thời gian. Bà trở về đây nương nhờ cửa Phật sau khi bị chồng là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) giáng xuống làm công chúa.

Theo cuốn “Lý Thái Hậu thực lục”, sống với vua Trần nhiều năm mà đường con cái muộn mằn, Chiêu Hoàng luôn có nỗi buồn, bà bèn dâng biểu và được nhà vua ưng thuận. Từ đó, và rời cung cấm đi ngao du, thăm phong cảnh và giảng kinh thuyết pháp ở nhiều nơi, sau đó đến tu tại chùa Trấn Quốc bên Hồ Tây (theo sách Việt Nam đại hồng sử). Có thuyết khác nói Lý Chiêu Hoàng tu tại chùa Vân Tiêu nằm trên sườn núi phía tây Yên Tử lấy pháp danh là Vô Huyền, cho đến khi triều đình gả bà cho tướng Lê Tần (Lê Phụ Trần).

Những giả thuyết về cái chết của Lý Chiêu Hoàng

Chính sử không ghi rõ nguyên nhân cái chết của Lý  Chiêu Hoàng mà chỉ cho biết bà mất vào đầu năm Mậu Dần (1278): “Tháng 3, phu nhân Lê Phụ Trần là công chúa Chiêu Thánh Lý thị mất. Công chúa lấy Phụ Trần hơn 20 năm, sinh con trai là thượng vị hầu Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Đến nay 61 tuổi thì mất” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trái với ghi chép của chính sử, có một số thuyết khác nhau về cái chết của bà. Dã sử truyền rằng vào tháng 3 năm Mậu Dần (1278), bà phu nhân đại thần Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) về thăm cố hương Cổ Pháp nhân chuẩn bị cho ngày giỗ tổ và bà đã qua đời tại đây, thọ 60 tuổi (tính tuổi mụ là 61).

Có thuyết cho hay bà đã tự vẫn, hiện nay một số nơi như ở Đình Bảng (Bắc Ninh) vẫn truyền miệng về việc Lý Chiêu Hoàng sau khi được gả cho Lê Phụ Trần, bà theo chồng về sống Ái châu (Thanh Hóa), đến tuổi xế chiều bà đã trẫm mình tự vẫn, trong người bà có lá thư với nội dung viết rằng muốn thân xác mình sẽ trôi ngược trở về dòng sông Thiên Đức nơi đất Cổ Pháp quê hương. Khi thi thể Chiêu Thánh trôi qua nhiều vùng dân đã vớt được xác nhưng đọc thấy bức thư trong người bà họ lại thả xuống. Những nơi vớt được xác bà, người dân quanh vùng đều lập miếu thờ. Chỉ đến khi về đến quê, thi thể bà mới dừng lại, người dân đã táng bà bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng.

Sách Việt Nam đại hồng sử cũng viết tương tự như vậy và cho biết thêm rằng bà Chiêu Thánh đã trầm mình tự vẫn vào ngày 23 tháng 9 năm Mậu Dần (1278) tại bến Tắm.

Một nhà sử học thời Hậu Lê là Ngô Thì  Sĩ trong sách Việt sử tiêu án cũng ghi lại một thuyết nói đến chuyện bà Chiêu Thánh tự vẫn nhưng địa danh lại ở vùng đất thuộc Bắc Giang: “Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng. Đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Hoàng mà đặt ra thuyết ấy”.

Đó chỉ là một số giả thuyết khác nhau về cái chết của bà Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) được đặt ra và lưu truyền từ nhiều đời nay, khó có thể biết chính xác chuyện đúng sai của nó vì không có tài liệu chính thống nào ghi chép một cách rõ ràng, cụ thể.

 

                                Bia mộ Lý Chiêu Hoàng ở lăng Cửa Mả

Lăng mộ Lý Chiêu Hoàng được đặt ở đâu?

Khi Lý Chiêu Hoàng mất, người dân thương tiếc an táng và đắp mộ bà ở bìa rừng Báng, phía Tây Thọ lăng Thiên Đức, hương Cổ Pháp quê nhà. Khu vực này thuộc hàng “sơn lăng cấm địa” được vua Lý Thái Tổ lựa chọn vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010) làm nơi yên nghỉ của các nhà vua Lý. Khu vực Thọ Lăng Thiên Đức nay thuộc thôn Cao Lâm, xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.

Tuy nhiên trong bài viết “Rủ nhau chơi khắp Long Thành” của nhà văn, nhà nghiên cứu Lý Khắc Cung ông cho biết lăng Lý Chiêu Hoàng ở gần Hồ Tây: “Đến quãng cách chợ Bưởi chừng 200m, có một bãi rộng thuộc xóm Vạc, làng Yên Thái. Nơi đây, có một ngôi mộ khá lớn. Năm 1936 được dân làng xây lên bằng gạch, quét vôi trắng, được mọi người tới thắp hương. Các cụ già bảo đó là mộ Lý Chiêu Hoàng. Bên cạnh mộ là những hàng cây cao vút xếp thành hàng. Vị nữ vương này còn để lại dấu vết trong lòng dân”.

 Trong cuốn sách “Hà Nội - Văn hóa và Phong Tục”, một lần nữa ông lại nhắc đến ngôi mộ Lý Chiêu Hoàng, trong chương II của cuốn sách có đoạn viết rằng: “… Một bên là Hồ Tây thơ mộng, một bên là thành Đại La có ngôi mộ Lý Chiêu Hoàng rậm rạp cây cối…”.

                                         Lăng mộ Lý Chiêu Hoàng

Tại Bắc Ninh, lăng mộ Lý Chiêu Hoàng được gọi là Lăng Cửa Mả. Cũng như lăng mộ các vua Lý khác, lăng mộ của bà đơn sơ, nhỏ bé vì tương truyền trước khi băng hà, Lý Thái Tổ đã dặn không xây lăng to đẹp mà chỉ đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân, do đó tuy gọi là lăng vua nhưng tất cả chỉ là những ngôi mộ đắp đất giản dị như của dân thường, điều đó thể hiện đức tính kiệm ước của các vua và hoàng tộc nhà Lý.

Trải bao biến thiên của lịch sử nhưng nơi yên nghỉ  các vua nhà Lý nói chung và Lý Chiêu Hoàng vẫn được giữ gìn cẩn thận. Thời gian gần đây chính quyền và nhân dân địa phương có xây dựng thêm trước mỗi mộ vua một gian thờ nhỏ và xây gạch quanh, trên mộ có dựng tấm bia hai mặt chữ Quốc ngữ và chữ Nho khắc chữ ghi miếu hiệu, tên húy, thời gian ở ngôi báu, tuổi thọ và ngày giỗ của các vua nhà Lý.