Phương Nam, ánh sao nơi cuối Trời, tháng 4-1975 (Phần cuối) |
Tác Giả: Cựu MX Lâm Tài Thạnh TĐ 9 TQLC | ||||
Thứ Sáu, 30 Tháng 3 Năm 2012 05:17 | ||||
Luồng gió mát lạnh, mang mùi hăng hắc của muối, cùng nổi mừng vui của vượt thoát thành công và trở về từ cỏi chết, làm tan biến ngay các cơn say sóng mới cách đây không lâu
- Phan Rang thất thủ, tạo cơ hội cho “ vượt thoát ” bằng đường biển: N+13, 16/4 /1975 . Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi đang ngồi trao đổi với nhau về chiến trận ở Phan Rang, đột nhiên có tiếng xe Honda thắng gấp, ngừng trước nhà, một thanh niên trẻ hấp tấp, chạy vào nhà kêu lớn: Anh Bình, Phan Rang đã mất rồi (lúc nầy chúng tôi mới biết tên thật của chủ nhà). Mọi người trong nhà, cùng kéo nhau chạy ra gặp một thanh niên trẻ, với các câu hỏi dồn dập: “Phan Rang mất thiệt không, ai nói”. Cậu thanh niên sau khi hết thở dốc chậm rãi kể lại: Khoảng 10 giờ sáng, tại các phố chợ Cam Ranh, Việt cộng cho rất nhiều người, chạy xe gắn máy với các loa cầm tay, thông báo là họ đã chiếm được Phan Rang. Nghe xong tin tức, Tôi không biết nên vui hay buồn. Cảm nhận và phán đoán của Tôi hoàn toàn sai, sự sụp đổ từng mãng các tuyến kháng cự của quân lực VNCH, đặc biệt là phòng tuyến Phan Rang, nơi có mối liên hệ sâu đậm với TT Thiệu còn không giữ được thì rõ ràng đó là những chỉ dấu cuộc chiến đang đi vào thế “bất lợi” nếu người Mỹ và Quốc tế không can thiệp như thỏa thuận đã ký kết trong Hiệp định ngưng bắn 27/1/1973. Trong khi Tôi còn đang suy nghĩ vẫn vơ, Ông Bình la lối, thúc hối vợ con mau chóng lên xe để chạy về Phan Rang nhằm biết tin tức Cha, Mẹ ông còn kẹt lại. Lẽ dĩ nhiên Tôi và Quan cũng tháp tùng, khi xe đến Miếu thờ, chạy qua cây cầu, hôm qua đã bị Không quân ta oanh kích, cầu vẫn còn nguyên vẹn, ngoại trừ các hố bom chung quanh cách cầu 50 – 100 mét. Tôi suy đoán cuộc oanh kích chỉ nhằm giải tỏa bom để trở lại căn cứ cho nhanh. Khoảng 1130 trưa, xe tới Quận Du Long thì phải chạy chậm lại, vì trên đường ngoài các đoàn xe, chở quân tăng viện của Bắc Việt từ hướng QL 20, QL 21 đổ xuống, còn có rất nhiều xe dân sự hồi cư. Cuối cùng anh Bình ngừng xe ở ngoại ô TP Phan rang, chỉ đường cho chúng tôi, trước khi xe chạy Anh chỉ nói võn vẹn 5 chữ “phe ta, chúc may mắn” . *** Bến cá Phường Tấn thành, Phan Rang. Lần may mắn sau cùng .- N+14, 17/4/1975. Chúng tôi đi bộ, từ từ vào thành phố Phan Rang, mọi ngã đường đều có quân Bắc Việt hiện diện mà không kiểm soát dân chúng đi qua lại, riêng các công sở cũ đều có lính BV canh gác với cờ ngụy trang là MTGPMN. Đang đi gần đến một toà nhà lớn, chúng tôi thấy một đám đông dân chúng, đổ xô chen lấn chạy vào trong, với những tiếng la hét, kêu réo: “Vào lấy gạo, vào lấy gạo, nhiếu lắm v…v…” Tôi và Quan nhìn nhau, rồi không ai bảo ai tự động chạy theo sau đám đông, vào trong chúng tôi thấy có rât nhiều bao gạo loại 50 kg, chất chồng cao đến gần đụng trần nhà. Tôi và Quan mỗi người kê vai, vác ngay 1 bao gạo (lúc nầy chưa tới 30 tuổi nên vác bao gạo 50 kg là chuyện nhỏ) và chạy trở ra lối cũ, băng qua đường, xong bỏ 2 bao gạo xuống. Quan nói nhanh “Anh Tư coi chừng, Em chạy đi lấy một bao nữa.” Khoảng 10 phút Quan trở lại với một bao gạo khác trên vai, phía sau lại có thêm 4 người cũng đang vác gạo. Khi đến chổ Tôi đang đứng, lúc Tôi còn chưa biết những người theo sau Quan là ai thì đã nghe : ”Thiếu tá, tụi em ở Tiểu đoàn 9”. Cả người Tôi run lên, một luồng điện chạy dài từ đỉnh đầu xuống tận chân, trong một cảm giác khó diển tả; lần đầu tiên sau 18 ngày sa cơ thất thế, giấu diếm thân phận, mang một tên giả hoàn toàn xa lạ, nay bổng có người “gợi lại giấc mơ xưa” bảo sao Tôi không bồi hồi, sung sướng trong ngạc nhiên. Thầy, trò, kéo nhau núp sau các hàng cây to trao đổi tin tức. Trong số 4 người có Th/Úy Trung là Trung đội Trưởng Trung đội 3 ĐĐ 1 của Tr /Úy Quan. Ba người còn lại thì có Hội là người quê quán tại Phan Rang còn 2 quân nhân kia (không còn nhớ tên) quê quán ở Bình Tuy chung với T/ Úy Trung, cả bốn người cũng mới vừa nhập vào Phan Rang, trước chúng tôi khoảng 1 giờ. Phần Hội khi nghe chúng tôi nói ý định, tìm phương tiện ghe đi biển để vượt thoát về phía Nam thì Hội đã sốt sắng mời Tôi và Quan theo Hội về nhà; cùng lúc ấy có vài ba thương buôn đến hỏi mua gạo, họ ra giá khá cao là 10.000 đồng cho mỗi bao gạo 50 kg, thế là chúng tôi có được 30.000 khi nhận tiền xong, Quan đưa thêm cho Tôi 5000 bảo để dành, phòng khi Anh Tư cần đến. Việc buôn bán gạo vừa xong, chúng tôi chia tay với T/Úy Trung và 2 quân nhân kia. Phần chúng tôi đi theo Hội, đi được khoảng 100m, chúng tôi nghe có nhiều tiếng xe gắn máy, chạy đến chổ mấy người vừa mua gạo, nhìn lại thấy họ có mang vũ khí, thế là chúng tôi đi thật nhanh và quẹo qua đường khác theo hướng dẩn của Hội. Sau khi đi bộ khoảng 15 phút, qua rất nhiều đường phố, chúng tôi tới một căn nhà trệt nhỏ nằm trong một hẽm lớn, đây là nhà Cha, Mẹ của Hội. Sau phần giới thiệu của Hội chúng tôi được Cha, Mẹ và cả gia đình giành cho sự tiếp đãi nồng nhiệt, ân cần, thân mật sau đó việc ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi đều chu đáo, đầy đủ. Buổi chiều tối, chúng tôi có dịp ngồi nói chuyện riêng với ba của Hội khi biết chúng tôi có ý định tìm phương tiện vượt biển để về Nam, Ông đã sốt sắng tán thành và hứa ngày mai ông sẽ đi tìm các người bạn quen, có ghe đi biển, để lo cho chuyến đi của chúng tôi. Theo ông, thì TP Phan Rang mới bị tiếp thu (ông tránh dùng chữ giải phóng vì sợ làm phiền lòng chúng tôi) việc kiểm soát còn lỏng lẻo, nên việc vượt thoát bằng đường biển có mức độ thành công rất lớn. Ông khuyên chúng tôi yên lòng đi ngủ, các chuyện khác để ông lo. Thời điểm nầy Ba của Hội vào khoảng 45 – 50 tuổi cho nên Tôi gọi bằng anh. Tôi và Quan ngủ trong một chiếc mùng lớn, trắng tinh, còn thơm mùi xà bông giặt, bên ngoài tiếng muỗi bay vo ve Tôi khẽ bảo với Quan “hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai”. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ với mộng đẹp hội ngộ và đoàn tụ . Khi chúng tôi thức dậy thấy Hội đã ngồi chờ sẳn, hường dẩn chúng tôi đi rửa mặt, xong xuống bếp nơi đã có 2 tô hủ tiếu và 2 ly cà phê đen. Chúng tôi ngỏ lời cám ơn Hội, trong khi chúng tôi đang ăn, Hội báo cho biết, Ba của Hội đã ra đi từ sáng, để lo việc kiếm ghe đi biển cho chúng tôi, Ba của Hội cũng căn dặn chúng tôi phải ở trong nhà, chờ kết quả không nên đi ra đường. Khoảng giữa trưa trong dáng điệu hấp tấp nhưng nét mặt thì vui vẻ, rạng rở, Ông ra dấu cho Tôi, Quan theo Ông vào buồng ngủ, nói nhỏ bên tai chúng tôi, báo cho biết là đã tìm được một chủ ghe chịu chở về Vũng Tàu với giá là 10.000 đồng một người. Ông hỏi chúng tôi có tiền hay không, nếu không có thì Ông sẽ tính cho. Chúng tôi cám ơn lòng tốt của Ông, cho Ông biết chúng tôi có đủ tiền (do bán gạo đã lấy được) để trả cho chuyến đi. Thế là chúng tôi giao cho Ông 20000 để Ông đi thanh toán cho chủ ghe là người quen biết với Ông, nên chúng tôi không phải lo bị lường gạt. Ông lại ra đi và trở về khoảng 1 giờ sau. Ông cho biết chuyến đi sẽ bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Ông khuyên chúng tôi ăn cơm sớm và đi nghĩ dưởng sức cho chuyến đi. Chúng tôi làm sao có thể an tâm nghỉ ngơi được, trước canh bạc sau cùng nầy, một canh bạc “ được ăn cả, ngã về không ”, bao nhiên công sức, mồ hôi với những ân tình không còn cơ hội đền đáp, trên suốt chặng đường “ vượt thoát ” đã qua. Cả hai chúng tôi không thể nào ăn hết chén cơm với những món ăn đặc sản do các chị của Hội, trong đó Tôi còn nhớ có cô Loan với đôi mắt to, đen láy, trên khuôn mặt lúc nào cũng đượm một nét buồn (qua lời kể của Hội, cô Loan có người yêu là một Th/Úy Biệt động Quân, khi Phan Rang thất thủ, cho tới khi chúng tôi tới nhà, cô chưa có được tin tức về T/úy BĐQ đó). Khoảng 2 giờ 30, chúng tôi rời nhà, sau khi cám ơn, chào từ biệt Mẹ và các chị của Hội. Theo sự dẩn đường của ba Hội và Hội, đi khoảng 30 phút, chúng tôi tới một khu vực có một tấm bảng ghi Bến cá Phường Tấn Thành, Ba của Hội bảo chúng tôi vào trong quán cà phê, kêu nước uống và chờ ông trở lại, trong khi Hội thì đi vòng vòng bên ngoài quan sát động tỉnh, vào trong quán Tôi nói ngay với Quan: Anh thấy chuyến đi nầy sẽ thành công vì đã có điềm báo trước của 2 chử Tấn Thành .Tôi giải nghĩa nhanh cho Quan: tấn là tới, thành là đạt được có nghĩa là đi tới sẽ thành công. Quan trả lời: hy vọng giống như anh Tư nói. Uống chưa hết ly cà phê thì đã thấy Ba của Hội và Hội đã xuất hiện trước cửa quán, ra dấu hiệu cho chúng tôi rời quán, Quan nhanh chóng trả tiền, Tôi và Quan lẻo đẻo theo sau, chúng tôi tới một bến đậu của một con thuyền có chiều dài từ 10 mét – 15 mét, hiện đang có vài phụ nữ đang đi xuống thuyền bằng tấm ván bắt ngang. Ba của Hội ngừng lại, nắm tay Tôi và nói nhỏ: Th/Tá xuống thuyền đi và chúc Th/Tá đi bình an. Tôi cám ơn và khi Hội đến bắt tay Tôi từ giả .Tôi rút vội số tiền còn lại trong túi (5000$) nhét vào tay Hội, đi xuống thuyền phía sau là Quan với nét mặt buồn buồn . Khi vào trong thuyền, chúng tôi được ông chủ thuyền hướng dẩn đi thẳng về phía sau gần buồng lái, ông ta nói cho phụ nữ và trẻ con ngồi phía trước để dể qua mặt bọn canh gác ở đầu vàm (nơi sông đổ ra biển). Khoảng gần 4 giờ chiều, thuyền bắt đầu rời bến với tổng số trên 20 người cùng đi. Thuyền chạy chầm chậm trên sông, hướng ra biển khoảng 15 phút, thuyền phải chạy chậm lại, chủ thuyền phải trả lời các câu hỏi của các “lính Bắc Việt” đang đóng chốt tại đầu vàm. Sau khi lên tiếng hăm doạ sẽ bắn theo nếu thấy thuyền chạy về hướng Nam, chúng để thuyền tiếp tục chạy, từ từ tăng tốc độ, đến khi ra dến biển, sóng đánh nhấp nhô đưa con thuyền lên xuống, Ông chủ tàu hỏi trống không: bấy giờ đổi hướng được chưa. Tôi và Quan cùng cười nói “đổi đi, bây giờ nó có bắn thì trúng hà bá, chứ làm sao trúng tụi mình được”. Quan xoay người lại nắm lấy tay Tôi lắc lắc và nói: mình, mình thoát rồi Anh Tư ơi, trong nghẹn ngào của mừng vui. Thuyền chỉ chạy cách bờ khoảng 3 -5 cây số, cho nên chúng tôi có thể quan sát thấy rõ cảnh vật xa xa trong bờ. Khi thuyền vừa đi ngang Mũi Né (chủ thuyền cho biết) lúc khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi chứng kiến màn “đấu súng” giữa các chiến hạm của Hải quân cùng với quân chánh quy Bắc Việt từ trong bờ bắn ra, nơi đây thuộc tỉnh Bình Thuận, thuyền chúng tôi đang chạy ở giữa 2 làn đạn nếu xui xẻo có quả đạn nào ngắn tầm thì thiệt là số con rệp, chúng tôi nghe trong khoan phía trước mũi thuyền,đủ các loại kinh cầu nguyện của mấy chị phụ nữ đọc to, át cả tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Khoảng giữa khuya, thuyền chạy tới đảo Phú Quýnơi đây thuyền phải ngừng lại, cặp vào các thuyền xi măng của Hải quân để cho Hải quân kiểm soát an ninh. Chúng tôi thực sự an tâm thở phào nhẹ nhõm, vì biết chắc chắn chúng tôi đã ở trong hải phận an toàn của VNCH. Tôi tạm ngã lưng vào vách thuyền, ngước mắt nhìn bầu trời cao mênh mông với muôn vàn ánh sao chiếu lấp lánh, trong đó ánh sao nơi phương Nam bây giờ hào quang sáng chói, trông thật gần gũi, đáng yêu của niềm hân hoan sum hợp và đoàn tụ. - Long Hải Vũng Tàu Ánh sao Phương Nam đường đi phải tới: N+15. 18/4 /1975. Mặt trời chưa ló dạng nơi phương Đông cũng là lúc Tôi bị say sóng, nằm vật vã phía sau gần đuôi thuyền để tránh làm dơ thuyền.Thuyền chạy gần 24 giờ thì vào hải phận Vũng Tàu, tuy nhiên vì lý do an ninh, nên tất cả các thuyền từ phía Bắc về, đều phải ghé bến vào Long Hải.Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đặt chân lên mảnh đất tự do Long Hải.Luồng gió mát lạnh, mang mùi hăng hắc của muối, cùng nổi mừng vui của vượt thoát thành công và trở về từ cỏi chết, làm tan biến ngay các cơn say sóng mới cách đây không lâu .“ Ôi tự do ta chào mi ”,Tôi thầm nói với chính mình: Ba đã về với các con. Bước lên bờ, vừa đi được một khoảng đường ngắn thì đã bị hỏi thăm sức khoẻ, bởi 2 quân cảnh Bộ binh, sau khi cho biết lai lịch và ý định của chúng tôi là muốn về Hậu cứ TĐ 4 TQLC ở Vũng Tàu, họ cho đi và vẫy tay chào tạm biệt. Khoảng 30 phút sau chúng tôi xuống xe, ngay trước cổng ra vào của TĐ4 (Trại Hoàng hoa Thám). Quan vội vã, lấy tiền trả cho người lái xe ôm, vì biết Tôi không còn tiền. Chúng tôi đi vào trạm canh của toán trực gác, nơi đây giờ nầy, chỉ có một người đang làm nhiệm vụ, khi nghe chúng tôi muốn gặp NT Th/Tá Trần ngọc Toàn Tiểu ĐoànTrưởng TĐ 4 TQLC, người lính đang gác cổng hỏi lại: chúng tôi gặp Th/tá Toàn làm gì (trong khi trước đó Tôi đã tự giới thiệu chúng tôi là ai). Có lẽ nhìn cách ăn mặc không giống ai, cộng thêm nét phong trần, tiều tụy của chúng tôi nên “lính ta” mới giỡn mặt. Tôi lập lại một lần nữa cấp bậc và chức vụ của Tôi và yêu cầu đương sự gọi điện thoại thông báo ngay cho Th/ tá Toàn, lần nầy thấy Tôi có vẻ quạo nên đương sự quay diện thoại ngay, trong khi Tr/ Úy Quan đứng kế bên lẩm bầm “lính vô kỷ luật”. Khoảng 5 phút sau, NT Toàn lái xe ra, tay bắt, mặt mừng, xong bảo Tôi và Quan lên xe chở vào BCH/TĐ để dùng điện thoại báo cho BTL/ Sư đoàn HQ biết sự trở về của Tôi và Quan. Nhìn quanh tìm kiếm người lính gác đã biến mất dạng, thay thế là một Hạ sĩ quan lớn tuổi, có lẽ là trưởng điếm canh. Tôi cũng bỏ qua, không kể lại câu chuyện đó cho Th/Tá Toàn. Khi vừa uống xong 2 lon Cocacola, chúng tôi được NT Toàn chở đến BTL/HQ đóng ở bãi Dâu trong căn cứ của quân đội Úc trước kia. Tại Trung Tâm HQ (TOC) Tôi gặp rất nhiều người quen biết, mọi người đều chúc mừng, cho sự trở về của chúng tôi, nhờ thế mới biết là Đ/Úy Hên về trước chúng tôi 2 ngày ,T/Úy Xuân thì về sớm hơn bên cạnh đó cũng đã có khoảng 100 – 200 các quân nhân khác của TD9 trở về an toàn, hiện nay đang bổ sung tạm về các Tiểu Đoàn 14 và 16. Chúng tôi nhận lại quân trang, quân phục đầy đủ (do Cố Trung Tá Nhiều Trg/P 4 cung cấp, Trên đường di chuyển Tù (Sĩ quan cấp Tá 6/1976) từ Bãi Cháy, Hải Phòng lên Yên Bái, để vào Sơn La Bắc Việt, trong các toa xe lửa chở Tù đóng kín Tr/ Tá Nhiều đã tự sát. Khoảng 7 giờ tối, Tôi vào trình diện Thiếu Tướngg Tư Lệnh, sau khi thuyết trình các điều mắt thấy, tai nghe, trên suốt chặng đường “vượt thoát”. Tôi nhận lệnh thành lập lại TĐ9 sau 3 ngày nghỉ phép. Tôi có xin Th/Tg Tư lệnh gởi côngđiện cho các đơn vị, hoàn trả tất cả các quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 9 TQLC, trở về hậu cứ ở căn cứ Sóng Thần Thủ Đức để tái lập lại đơn vị. Khi trình diện xong, vừa bước ra ngoài,đã có NT Tr/tá Nguyễn Văn Phán (TĐT/TĐ THD) cùng một số các sĩ quan quen biết (Th/Tá LĐBảo, Đ/Úy LVChâm là bạn cùng K17TĐ) đang chờ sẳn, chở chúng tôi ra chợ Vũng Tàu, đãi ăn một buổi tối thật ngon miệng (nhân đây xin được cám ơn NT Phán, cùng các bạn có mặt trong buổi cơm tối đầy tình nghĩa chiến hữu, kỷ niệm của 37 năm trước nhưng Tây Đô và Tr /úy Quan vẫn nhớ như là mới đây (Trích thư của Tr/ Úy Quan: Trung tá Phán bảo Tây Đô và tôi - cứ ăn uống thoải mái, bù đắp lại nhữngngày vất vã ở miền Trung. Sau buổi cơm tối, Tôi trở về TTHQ (TOC) dùng điện thoại viễn liên liên lạc với Tr/Úy Trung (CHHC TĐ9) chỉ thị thông báo cho gia đình sự trở về của Tôi. Ngã lưng trên chiếc ghế bố dã chiến, để trong một góc của TOC toàn bộ ký ức, cuốn phim tìm về phương Nam của 20 ngày từ tù binh, vượt thoát và thành công lần lượt trở về trong hồi tưởng. Đoạn đường dài 700 cây số, bao gồm biết bao gian nan, cực khổ, hồi họp, lo sợ, bên cạnh là các chân tình của những con người không quen biết nhưng có trái tim nhân ái, rộng mở, đầy ấp tình người cũng là một trong những nhân tố quan trọng giúp cho giấc mơ Phương Nam: Ánh sao nơi cuối trời đã trở thành hiện thực. Tôi rơi vào giấc ngủ, trong văng vẳng tiếng hờn ai oán, kêu đòi khúc kèn truy điệu cùng lá cờ tổ quốc thân yêu của các oan hồn tử sĩ còn vất vưởng đâu đây của biển trời Thuận An Huế, Mỹ Khê Non Nước Đà Nẵng và còn nhiều, nhiều nữa! Xin dành một vài giây phút, tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vinh quang, nhưng nhiều máu và nước mắt của một thời chinh chiến (1964 – 1975) . Thay lời kết: Năm 1980 trong lần được “thăm tù” duy nhất, tại Trại A Hà Nam Ninh, Phủ Lý Nam Định Bắc Việt bởi Mẹ và Anh. Khi chia tay, Mẹ nói nhỏ vào tai Tôi: Số con là số phải ở Tù, Chạy Trời không khỏi Nắng! (Sau đó Bà vượt biển thành công, được định cư ở Mỹ từ năm 1984, Bà mất năm 2003). Ghi chú cuối bài: Xin chân thành cám ơn quý cựu quân nhân Tiểu đoàn 9 TQLC và bạn hữu liệt kê dưới đây về những đóng góp “ký ức quý báu” giúp cho bài tự thuật trung thực, chính xác, không cường điệu, không hư cấu . Đa tạ tất cả quý chiến hữu. 1- Cựu Th/Tá Nguyễn văn Lộc TĐ Phó/TĐ9 (K17TĐ) Florida, US 2.- Cựu Đ/ Uý Lưu văn Phán ĐĐT/ĐĐ 4/TĐ9 Hawaii, US 3.- Cựu Tr/Úy Trương chí Công ĐĐT/ĐĐ 2 TĐ9 Philadelphia US 4.- Cựu T/Úy Trương phước Dĩnh SQTT/TĐ9 Georgia, US 5.- Cựu T/Úy Dương minh Xuân SQ Ban 2 TĐ9 Houston Texas, US 6.- Cựu T/Úy Nguyễn vũ Tuệ SQ Ban 5 TD9 Westminster CA, US 7.- Cựu Đ/ Úy Trần văn Hên ĐĐT/ ĐĐDH TĐYTTB Georgia, US 8.- CựuTr/ Úy Lưu minh Quan ĐĐT/ĐĐ1/TĐ 9 Việt Nam 9.- Cựu Tr /Úy Trương văn Ba ĐĐT/ĐĐ 3/TĐ9, Việt Nam 10.- Cựu Đ/Úy Lê hồng Quang ĐĐT/ĐĐCH TĐ 9 Việt Nam 11.- Cựu T/Úy Hồ Khen SQBan 4/TĐ9, Việt Nam 12.- Cựu Tr/Úy Nguyễn văn Tuấn PĐT/Pháo đội C/TĐ1 PBTQLC San Jose, CA 13.- Cựu Tr /sỉ Vũ văn Tám Hậu trạm TĐ 9, Việt Nam 14.- Cựu Hạ sĩ Nguyễn văn Dần, Biệt kích, Việt Nam 15.- Cựu Hạ sĩ Nguyễn công Ba, Truyền tin ĐĐ1TĐ 9, Việt Nam Riêng cựu Đ/Úy Đoàn văn Tịnh TrBan 3 TĐ 9 đã có đóng góp ký ức trong bài Trận chiến sau cùng của TĐ9 ĐSST 2004 Georgia, US Cựu Mũ XanhTâyĐô Lâm tài Thạnh, Cựu Thiếu tá Tiểu đoàn Trưởng TĐ 9 Mãnh Hổ Thủy Quân Lục Chiến
|