Nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam có những sinh hoạt nhộn nhịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng (3 tháng 2), Nhà báo Aude Genet, trưởng nhiệm sở hãng tin Pháp AFP tại Việt Nam, đã phỏng vấn Ông Bùi Tín ở Paris về nhiều vấn đề liên quan đến hiện tình Việt Nam. Việt cộng xử tử người dân công khai ngay trên đường phố Saigon sau năm 1975
Về cảm nghĩ đối với nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tổ chức kỷ niệm ngày lập đảng, Ông Bùi Tín nói như sau (theo bản Việt ngữ được phổ biến trên mạng điện tử): - Tôi cũng biết ở Hà-nội có những cuộc họp kỷ niệm, một cuộc hội thảo, và xuất bản sách về 80 năm đảng CS Việt Nam, hồi đầu mang tên đảng Cộng sản Đông Dương. Những diễn văn dài nặng về công thức, nặng tính giáo điều, về chủ nghiã Mác-Lênin, về giai cấp vô sản, về chủ nghiã xã hội, về quá độ từ chủ nghiã tư bản lên chủ nghiã xã hội trên phạm vi toàn thế giới…, nhưng tôi tin rằng những người viết ra, đọc lên và cả những người ngồi nghe, không có ai còn tin ở điều mình viết, đọc và nghe. Họ đang là những nhà tư sản, tư bản mới, có nhà đất, có cổ phần, chứng khoán, khá nhiều còn hùn hạp với các triệu phú, tỷ phú quốc tế. Họ chỉ giữ lại của lý luận cộng sản cái phần xấu nhất là nền chuyên chính độc đảng để bảo vệ tài sản riêng bất chính.” Những điều trên đây không có gì đáng bàn vì là những sự thật hiển nhiên mà không một người Việt Nam nào không biết. Nhưng khi được hỏi về vai trò và vị trí của Đảng Cộng sản VN trong lịch sử Việt Nam , Ông Bùi Tín nói: - Đảng Cộng sản VN có vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập, lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã thực hiện thống nhất đất nước, nhưng mặt khác - mặt này ít được chú ý vì bị họ che giấu kỹ - là đã buộc nhân dân phải trả bằng cái giá quá cao bằng sinh mạng, hàng triệu người chết (phần lớn là thanh niên cường tráng tuổi hoa niên), và hàng vạn đồng bào người Việt yêu nước trong các đảng phái chính trị khác bị họ thủ tiêu. Đã vậy, sau hoà bình và thống nhất, đảng CS đã bỏ qua cơ hội hoà hợp hoà giải dân tộc để xây dựng đất nước phồn vinh. Đây là thất bại nặng nề nhất, bi thảm nhất, tệ hại lâu dài nhất. Họ đã nhân danh các “trại cải tạo”, trả thù, bỏ tù đầy đọa 20 vạn sĩ quan viên chức chế độ cũ, phân biệt đối xử theo tư duy hận thù, tạo nên bi kịch hàng triệu thuyền nhân, với không biết bao nhiêu người chết thê thảm trong biển cả. Họ còn diệt trừ tư sản công thương nghiệp, diệt trừ nông dân cá thể, cưỡng bức tập thể hoá, tàn phá tận gốc nền sản xuất xã hội, rồi mới buộc phải đổi mới, mà chỉ đổi mới bộ phận về kinh tế, còn bất động về chính trị… (ngưng trích) Phần phát biểu trên đây của Ông Bùi Tín, ngoài những lập luận thiếu lô-gíc còn chứa những sai lầm trầm trọng liên quan đến vai trò và vị trí của Đảng Cộng sản VN trong lịch sử mà vì không biết, hay biết mà cố tình làm như không biết, đã nói cùng một luận điệu với Đảng Cộng sản VN trong mưu toan đánh tráo lịch sử. Về chính sách tàn ác sau chiến tranh, đó đúng là con đường mà mọi đảng cộng sản trên thế giới đã đi sau khi cướp được chính quyền. Trong lịch sử có bao giờ cộng sản ở đâu “hoà hợp hoà giải” với ai? Có phần CSVN sau khi chiếm được miền Nam còn “nhẹ tay” hơn là sau khi chiếm được miền Bắc, vì đã không phát động phong trào đấu tố man rợ như ở miền Bắc. Vì theo đúng con đường “tiến mau tiến mạnh lên chủ nghiã xã hội” mà Đảng CSVN của Ông Bùi Tín mới đứng bên bờ vực thẳm vào giữa thập niên 1980, phải theo gương đàn anh phương Bắc “đổi mới kinh tế”, nhưng không “đổi mới chính trị” vì biết không “bám chặt chuyên chính độc đảng” là chết. Về “vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập” của Đảng Cộng sản VN, sau hơn nửa thế kỷ trôi qua đã có đầy đủ tài liệu chứng minh là cần phải sửa sai, cần phải trả lại sự thật cho lịch sử. Sự thật là nếu không có Đảng Cộng sản VN thì sau Thế Chiến II, nước Việt Nam đã dành lại được nền độc lập mà không hao tổn xương máu, hay hao tổn rất ít xương máu. Vì Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông ta mang ngọn cờ đỏ làm đội quân xung kích của cộng sản quốc tế trên địa bàn Đông Nam Á mà năm 1945 thực dân Pháp đã có cớ trở lại cựu thuộc địa Đông Dương với sự chấp thuận của hai cường quốc Anh, Mỹ, và sau khi Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ năm 1954, Mỹ đã vào thế chân để ngăn chặn làn sóng đỏ trong vùng Đông Nam Á và Cộng sản Bắc Việt đã dùng chiêu bài “chống Mỹ cứu nước” để đánh chiếm Miền Nam, gây ra cuộc chiến tranh kéo dài 15 năm (1960- 1975), gieo bao đau thương, tàn phá trên đất nước Việt Nam với hàng triệu người chết và những hận thù kéo dài cho đến ngày nay. Trước khi cuộc Thế Chiến II chấm dứt, hai nước Hoa Kỳ và Anh đã chuẩn bị cho một trật tự mới trên thế giới thời hậu chiến, trong đó không còn chủ nghiã thực dân và phát huy quyền tự quyết của các dân tộc. Trong chủ trương ấy, Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill đã gặp nhau tại Argentia vào tháng 8 năm 1941 và đã cùng ký một thoả ước gọi là Hiến Chương Đại Tây Dương (Atlantic Charter) trong đó hai nước cam kết tôn trọng 3 nguyên tắc: (1) chống lại hành động bành trướng lãnh thổ; (2) chống lại những sự thay đổi lãnh thổ mà không qua sự bày tỏ ý chí một cách tự do của các dân tộc liên hệ; (3) ủng hộ quyền của các dân tộc để chọn lựa thể chế riêng cho mình. Do Hiến Chương này mà sau Thế Chiến II, các nước cựu thuộc địa tại Á Châu đã lần lượt được trả lại độc lập mà không đổ máu, hay đổ máu rất ít, trừ Việt Nam . Lý do là vì Anh và Mỹ biết rõ Hồ Chí Minh là một cán bộ cộng sản quốc tế, biết rõ tổ chức Việt Minh là do Đảng Cộng sản VN (đã đổi tên thành Đảng Lao Động) lập ra và hoàn toàn kiểm soát. Vì vậy, Mỹ và Anh đã cùng tuyên bố nhìn nhận chủ quyền của Pháp trên bán đảo Đông Dương, và không công nhận chính phủ “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà” do Hồ Chí Minh thành lập sau khi cướp được chính quyền tại Hà-nội ngày 19.8.1945. Cũng vì coi Cộng sản Việt Nam là đội tiền quân của cộng sản quốc tế tại Đông Nam Á nên sau khi Việt Nam bị chia đôi do Hiệp định Genève tháng 7 năm 1954, Hoa Kỳ đã viện trợ cho miền Nam Việt Nam và xây dựng một “tiền đồn chống cộng” tại đây, và đã trực tiếp tham chiến từ năm 1965 sau khi Cộng sản Bắc Việt xua quân xâm lấn Việt Nam Cộng Hoà. Ông Bùi Tín đã tránh không nói đến cuộc chiến tàn khốc này do Đảng CSVN phát động và không nói đến vai trò của người Mỹ và cuộc kháng cự dũng cảm của quân dân miền Nam VN mà chỉ nói mơ hồ là Đảng CSVN “đã thực hiện thống nhất đất nước”. Đây là thái độ mập mờ của Ông Bùi Tín từ ngày rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và sống lưu vong tại Pháp. Đây cũng là thái độ mập mờ của một số cựu đảng viên Đảng Cộng sản VN đã chọn tự do và đang sống ở hải ngoại. Họ không chịu dứt khoát thú nhận đã sai lầm khi gia nhập hàng ngũ Cộng sản VN, và không chịu nhìn nhận sự kiện “vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập” của Đảng Cộng sản VN là một trang đen tối nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại. Đó là một sự lừa gạt lớn nhất, môt tội ác lớn nhất, và một vị trí nhơ nhuốc nhất dành cho Đảng Cộng sản VN trong lịch sử. Phải chăng thái độ mập mờ ấy là để ve vuốt, trấn an các đồng chí cũ của họ còn ở trong hàng ngũ CSVN? Hay nó nói lên sự tham lam của họ: muốn lúc nào cũng nắm chính nghiã, khi ở bên này cũng như lúc đứng bên kia, trong hiện tại lẫn quá khứ? Họ không muốn mất gì cả, dù là cái quá khứ sai lầm mà ngày nay đã là điều hiển nhiên trước mắt mọi người. Ông Bùi Tín có thấy là tự mâu thuẫn khi nói Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nên tới nghiêng mình tạ tội trước Đài Tưởng Niệm hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản tại thủ đô Washington trong dịp tới đây năm 2007, lại vừa muốn dành cho Đảng Cộng sản VN vị trí trong lịch sử với “vai trò lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập, thống nhất đất nước”? Trái với thái độ mập mờ, mâu thuẫn này, Nhạc sĩ Tô Hải, khi tỉnh ngộ sau gần cả đời phục vụ “đảng”, và “hết hèn”, đã can đảm dõng dạc nói lớn, dù vẫn còn ở trong tay bạo quyền: “Không có ông Hồ, không có cái đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau, đâu đến nỗi thua xa những nước cũng (cựu) thuộc địa như nước tôi đến cả thế kỷ về mọi mặt.” 06.02.2010
|