Tố cáo chính sách tàn phá nặng nề đến môi sinh tại vùng rừng núi cao nguyên, khiến cho các sắc dân thiểu số tại đây phải lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực.
Người sắc tộc thiểu số tại vùng cao nguyên miền Nam
Tôi chỉ mới đi tới Ðà lạt mấy lần, kể cả sau năm 1975, chứ chưa bao giờ được đặt chân đến vùng Ban mê thuật, Pleiku, Kontum… Nên phải thú thật là mình chưa thực sự sinh sống tại vùng cao nguyên, để mà có kinh nghiệm thực tế cụ thể với người thuộc các sắc dân thiểu số vốn đã lâu đời định cư tại vùng đó.
Tuy nhiên, do sự gặp gỡ với một số người có quan tâm mật thiết tới số phận của các sắc dân thiểu số, cũng như được đọc nhiều sách báo viết về họ, nên tôi cũng để tâm theo dõi những vấn đề nan giải tại vùng này, đặc biệt là kể từ khi chuyện khai thác quặng beauxite đã và đang gây ra sự phản ứng sôi nổi trong dư luận ở trong cũng như ở ngòai nước trong mấy năm gần đây. Tôi xin lần lượt kể lại một ít điều tôi được biết liên quan đến vấn đề này.
* 1 -Trước hết là cuộc gặp gỡ với Linh mục Jacques Dournes tại Paris vào cuối năm 1970. Linh mục này thuộc Dòng Thừa sai ngọai quốc ở Paris, thường được biết đến với tên gọi quen thuộc là : “Missions Étrangères de Paris” ( MEP). Ông sinh năm 1922 và mất năm 1993 tại Pháp. Trong hơn 20 năm sinh sống với người dân thiểu số tại vùng cao nguyên miền Nam Việt nam từ cuối thập niên 1940 đến năm 1968, ông chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa của các sắc dân này, đặc biệt là của sắc dân Jarai và có lòng yêu mến cùng tìm mọi cách bảo vệ họ trước cảnh khai thác bất công và xâm lấn của đa số người Kinh tại vùng đất rừng núi hẻo lành này. Trong bộ áo chùng thâm, trông ông có vẻ khắc khổ, nghiêm trang với đôi mắt đày vẻ nhiệt thành.
Trong một bữa ăn trưa tại một nhà dòng của các nữ tu Phan Sinh (Franciscaines) trong quận 14, gần với khu Ðại học xá (Cité universitaire), tôi đã có cả một buổi chuyện trò trao đổi với vị linh mục này. Ngay từ mấy phút đầu tiên gặp gỡ, ông đã tới tấp trút lên người tôi những lời lẽ thật là nặng nề, lên án những bất công tệ hại do người Kinh là sắc dân đa số gây ra đối với các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên. Ông thuật lại những sự việc hết sức tồi tệ tiêu cực, mà bản thân ông đã chứng kiến sau nhiều năm tháng sinh sống và truyền giáo tại đó.
Sau khi ông đã bớt cơn giận dữ, tôi mới từ tốn thưa lại với ông là tôi sinh trưởng tại miền đồng bằng ngòai Bắc, rồi vào sinh sống tại Saigon từ năm 1954, nên không được biết gì về vùng cao nguyên, nói gì đến chuyện của các sắc dân ở đó. Nhưng là một luật sư, thì tôi có nhiệm vụ phải bênh vực những nạn nhân của các vụ bóc lột, đàn áp bất công ở xã hội. Tôi sẵn sàng tiếp thu những điều cáo buộc của ông và sẽ cố gắng trong khả năng hạn hẹp của mình để tìm cách góp phần làm giảm thiểu được những điều tệ hại đó. Và cuộc trao đổi giữa chúng tôi đã trở nên thân mật, cởi mở với sự thông cảm về cả hai phía. Ðại cương, tôi có thể ghi lại cái ấn tượng sâu sắc mà vị linh mục này đã đem lại cho tôi, đó là cần phải chú ý đến thân phận của những sắc dân đang là nạn nhân khốn khổ không những của chiến tranh, mà còn của sự bành trướng thế lực của kẻ mạnh là người Kinh như tôi, khiến gây ra những sự thiệt thòi quá đáng của các người thiểu số vốn ngây thơ chậm chạp mà đã định cư tại địa phương từ bao nhiêu thế hệ trước đây.
* 2 - Vào hồi những năm 1965 – 66 trở đi, thì tôi lại có dịp tiếp xúc với những người ngọai quốc làm việc trong tổ chức chuyên môn có tên là “Viện Ngôn ngữ Mùa Hè” (Summer Institute of Linguistics = SIL), có trụ sở trên đường Nguyễn Minh Chiếu – Phú Nhuận gần với doanh trại của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Ðây là các chuyên gia về ngữ học hay các nhà truyền giáo thuộc các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan. Họ chuyên sống tại những bản làng của người thiểu số để nghiên cứu về ngôn ngữ khác lạ và tìm cách ghi thành chữ viết theo mẫu tự La tinh (phonetic transcription), rồi từ đó dịch bản Kinh thánh ra nhằm sử dụng cho việc truyền giáo. Thành ra đây là sự cộng tác giữa các nhà ngữ học (linguists) và các nhà truyền giáo (missionaries), mà kết quả là điều có ích lợi cho cả việc phổ biến ngôn ngữ và văn hóa của các sắc dân thiểu số trước kia ít người bên ngòai biết đến được. Dĩ nhiên là các vị trong viện này có thiện cảm với người thiểu số mà họ có dịp tiếp cận và sinh sống lâu năm chung nhau tại các bản làng hẻo lánh ở vùng cao nguyên. Họ cho tôi một số sách báo trình bày về những kết quả của việc nghiên cứu kiên trì về ngôn ngữ và văn hóa của các sắc dân thiểu số tại Việt nam.
Trong các tác giả nghiên cứu về vấn đề này, tôi chú ý đến ông Gerald Hickey là chuyên gia về dân tộc học và nhân chủng học. Sau khi làm việc ít lâu ở Việt nam cho tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, ông Hickey trở về Mỹ và làm công việc giảng dậy và nghiên cứu tại các Ðại học Chicago và Cornell. Ông mới qua đời năm 2010 ở tuổi 85. Cuốn sách “Sons of the Mountains” của ông xuất bản năm 1982 viết về người sắc tộc vùng cao nguyên được nhiều người chú ý và đánh giá cao.
* 3 - Sau năm 1975, thì có nhiều đợt di dân từ ngòai Bắc vào các tỉnh miền cao nguyên. Trong số người di dân này, thì có khá nhiều bà con từ vùng quê tỉnh Hà Nam Ninh xưa kia của tôi, vốn là nơi “đất hẹp người đông”. Họ là dân thường, nhưng cũng có người là bộ đội giải ngũ hay cựu viên chức của chính quyền ở ngòai Bắc, do vậy mà dễ được chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc khai thác đất đai rộng mênh mông ở cao nguyên. Sự việc này gây thêm sự bất mãn của người dân thiểu số tại chỗ, đến nỗi gây ra những mâu thuẫn xung đột giữa các sắc dân tại đây.
Vào các năm 1992 trở đi, khi ở trại tù Hàm Tân, thì tôi có nghe nói là đã có nhiều người thiểu số bị giam giữ tại đây, sau những vụ “bạo lọan nổi dậy lẻ tẻ ở vùng cao nguyên” vào cuối thập niên 1970 qua đầu thập niên 1980. Tôi hiểu được phản ứng của họ trước việc bị mất đất đai canh tác như vậy, nhưng rõ ràng đây là những cuộc chiến đấu tuyệt vọng, kiểu như “lấy trứng chọi đá” vậy. Làm sao mà các nhóm dân lẻ tẻ lại có thể đối chọi cho được với cái guồng máy quân sự và an ninh đồ sộ của chính quyền cộng sản Hanoi vốn triệt để áp dụng sách lược “vô sản chuyên chính”?
Và kể từ khi ra đến hải ngọai từ năm 1996, thì tôi đã dễ dàng tìm hiểu thêm về tình hình thật đáng thương tâm của bà con người thiểu số tại vùng cao nguyên này. Cụ thể là Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm, người đã gắn bó lâu năm với cơ quan thuộc Bộ Phát triển Sắc tộc thời chính quyền của Việt nam Cộng hòa trước năm 1975. Ông đã viết nhiều bài báo cũng như diễn thuyết trình bày về vấn đề gai góc này. Cũng như tổ chức Human Rights Watch trong mấy năm gần đây cũng đã liên tục phổ biến nhiều tài liệu nói về sự đàn áp của chính quyền cộng sản đối với các sắc dân thiểu số ở vùng cao nguyên, đến nỗi nhiều người đã phải trốn thóat sang nước láng giềng Cambodia. Những người tỵ nạn mới này tố cáo về thảm trang bị cán bộ chiếm hết đất đai của họ, rồi còn ngăn cản họ không được sinh họat tôn giáo, đặc biệt là theo đạo Tin lành trong các nhà thờ nhóm họp tại các tư gia (House Churches).
* 4 - Tại trong nước, thì nhà văn Nguyên Ngọc từ lâu nay đã lên tiếng rất mạnh mẽ, tố cáo chính sách tàn phá nặng nề đến môi sinh tại vùng rừng núi cao nguyên, khiến cho các sắc dân thiểu số tại đây phải lâm vào cảnh khốn đốn cùng cực không làm sao có thể cứu vãn được nữa. Và đặc biệt từ ngày chính quyền Hanoi để cho người Trung quốc vào khai thác quặng beauxite tại cao nguyên, thì đã gây ra những phản ứng rất mãnh liệt của giới trí thức chuyên gia nêu ra các phản biện chống lại dự án có thể gây ra những thiệt hại khủng khiếp đối với môi trường và cuộc sống của bao nhiêu con người hiện đang sinh sống trong vùng này. Trang web Beauxite Việt nam hiện đang được rất nhiều người dân trong nước, cũng như ngòai nước theo dõi tham gia và gây ra một phản ứng chống đối cực kỳ mạnh mẽ trong công luận.
Về phần mình, thì từ đầu năm 2000 tôi đã viết một bài báo nhan đề là: “Lẽ công bằng đối với người thiểu số ở Việt nam”, bài này đã được đăng tải trên nhiều tờ báo, đặc biệt là tạp chí Thế kỷ XXI phát hành tại California. Rồi trong nhiều cuộc hội thảo quốc tế được tổ chức tại các trường đại học ở các tiểu bang Virginia, Tennessee, Indiana…, tôi đã có dịp nêu ra những sự bất công đàn áp bóc lột đối với các sắc dân thiểu số ở Việt nam hiện nay. Cử tọa phần đông là các sinh viên trẻ tuổi từ nhiều quốc gia đến tham dự, và họ đã bày tỏ sự thông cảm đối với những nỗi khó khăn thiệt thòi của lớp người dân thiểu số này.
Là một luật gia, tôi phải đứng về phía những nạn nhân yếu đuối thân cô thế cô, chứ không bao giờ lại đồng lõa tiếp sức cho giới cầm quyền chuyên môn áp bức đè nén những người dân thấp cổ bé miệng, đặc biệt là các người thuộc sắc tộc thiểu số, như đã được ghi rõ chi tiết trong bài viết này vậy.
|