Home Lịch Sử VN Thời Cận Đại Vua Duy Tân với mối tình dang dở

Vua Duy Tân với mối tình dang dở PDF Print E-mail
Tác Giả: Vietsciences- Võ Thu Tịnh   
Thứ Sáu, 15 Tháng 5 Năm 2009 00:30

 15/05/2009

Vua Duy Tân là một anh hùng cứu quốc của dân tộc ta. Trong lịch sử đông tây kim cổ chưa thấy có một vị vua nào trẻ tuổi, bỗng hy sinh ngai vàng bệ ngọc để dấn thân vào một cuộc khởi nghĩa giải phóng đất nước như vua Duy Tân. Mà cũng ít khi thấy một loạt có ba vị vua liên tiếp nhau, trong vòng ba chục năm (1885 đến 1916), nổi lên chống đuổi xâm lăng để nhận lấy cảnh lưu đày khổ nhục như các vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân nước ta!
Thế mà sự nghiệp của các vị vua nầy, nói chung, của Duy Tân cũng như mối tình dang dở của nhà vua nói riêng, lại không được mấy người biết đến. Có lẽ một phần, cũng vì những tài liệu liên quan đến “cách mạng” trong thời ngoại thuộc đều bị tiêu hủy, không ai dám tàng trử.

Chỉ gần đây Hoàng Trọng Thược, trong Hồ sơ vua Duy Tân, đã dày công sưu khảo, đưa ra ánh sáng một giai đoạn đen tối của nước ta mà các sách lịch sử chỉ nói phớt qua hoặc không hề đá động đến. Chúng tôi hết sức tán thành ý kiến của giáo sư Nguyễn Xuân Vinh (bút hiệu Toàn Phong) được dẫn ra trong bài tựa của Hồ sơ vua Duy Tân:

“Lần đầu tiên chúng ta có một hồ sơ đầy đủ về vua Duy Tân. Phải quảng bá sự sưu tầm của ông Thược đến đại chúng”.

Bối cảnh lịch sử

Năm 1885, Bắc kỳ bị Pháp đánh chiếm. Trong triều Huế, các quan chia thành hai phe: phe chủ hòa có Trần Tiển Thành và Nguyễn Hữu Độ, phe chủ chiến có Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Nguyễn Văn Tường ra mặt ngoại giao khéo léo với Pháp để Tôn Thất Thuyết ngầm huy động toàn dân kháng chiến. Với danh nghĩa phụ chính, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm hết quyền hành, triệt hạ những người chủ hòa.

Trước đó, vua Kiến Phúc mất (ngày 7 tháng 4 năm Giáp Thân – 1884), em là Hàm Nghi 12 tuổi kế ngôi, Khâm sứ Pháp tại Huế là Rheinart trách cứ triều đình ta sao không xin phép nước Pháp. Đại tá Guerrier đem 600 quân cùng một đội pháo binh, từ Bắc vào Huế để thị uy. Triều đình phải làm lại lễ tấn phong Hàm Nghi, để Rheinart và Guerrier đến dự, Pháp mới chịu rút quân về Hà Nội.

Vì phong trào giải phóng nổi lên khắp nơi, thống tướng De Courcy vừa sang đến Hà Nội, liền kéo 1000 quân vào Huế ngày 18 tháng tư năm Ất Dậu (1885) nói là để hội thương với ta, có ý nhân dịp nầy bắt Tôn Thất Thuyết là người đang ngầm yểm trợ kháng chiến. Thuyết biết được, cáo ốm không đến dự. De Courcy bảo ốm cũng phải nằm cáng mà sang sứ quán Pháp. Qua ngày 22 tháng tư Ất Dậu (5-7-1885), Pháp mở tiệc khao quân, để sáng hôm sau vây bộ Binh bắt Thuyết, thì vào 1 giờ đêm hôm ấy, Thuyết ra lệnh tấn công vào đồn Mang Cá và sứ quán Pháp.

Cuộc tấn công thất bại, Pháp phản công, quân ta bị thua, Thuyết đưa Hàm Nghi chạy ra Tân Sở, dựng cờ kháng Pháp, xuống hịch Cần Vương, văn thân nghĩa sĩ khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt.

Ở kinh đô (Huế) Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi và mãi đến mấy năm sau, (1888), Pháp mua chuộc được một cận vệ của Hàm Nghi là Trương Quang Ngọc người Mường, mới bắt được nhà vua, đày đi Algérie.

Cũng vào năm 1888, Đồng Khánh mất, Pháp đưa Thành Thái 10 tuổi, kế vị. Lớn lên Thành Thái tỏ ý tự lập, và thường phản đối chính phủ Pháp. Có lần vua định trốn sang Tàu, nhưng việc bại lộ, bị bắt lại. Từ đó, vì bị Pháp kiểm soát chặt chẽ từng hành động, Thành Thái làm ra vẻ mất trí để ngụy trang. Năm 1907, biết được Thành Thái liên lạc với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để ở ngoại quốc, Pháp lấy cớ nhà vua bị điên, buộc các quan trong triều dâng biểu yêu cầu vua từ chức. Tất cả đều đồng ý, trừ Ngô Đình Khả (thân sinh Ngô Đình Diệm), không chịu ký. Sĩ phu miền Trung có câu: “Phế vua không Khả”. (1)

Pháp đặt hoàng tử Vĩnh San, con của Thành Thái, 8 tuổi, lên ngôi, vương hiệu Duy Tân. Duy Tân thông minh và có chí khí. Năm 1908, ở Trung Kỳ phong trào Duy Tân dân chúng nổi lên xin xâu, chống thuế, bị đàn áp dữ dội. Lúc đó vua mới 9 tuổi, mà đã phán với đình thần rằng: “Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân dân bị thiếu thốn. Từ nay sắp tới, lương bổng của ta 500$ một tháng, ta chỉ lãnh 200$ thôi, giao cho các thầy 300$ đem giúp đỡ những kẻ nghèo khó”. (2)

Có lần vua hỏi Hồ Đắc Trung, thượng thư bộ Học: “Thày nghĩ sao về người Pháp đô hộ ta?”. Trung tâu: “Chúng ta bị trị còn biết nói gì nữa! Xin Hoàng thượng thận trọng, cố gắng học hành, đường còn dài, còn nhiều vận hội mới” (3)

Vào năm 1913, nghe tin Khâm sứ Mahé đem người đến đào mả vua Tự Đức để lấy vàng ngọc châu báu, Duy Tân tức tốc thân hành đến ngăn chận, nhưng tới nơi thì đã muộn, mọi việc đã xong xuôi. Ngày sau, Duy Tân viết thư cho chính phủ Pháp hạch tội và yêu cầu khiển trách những viên chức đã lộng hành, nhờ Toàn Quyền Pháp chuyển. Viên Toàn Quyền không chuyển, mà còn đích thân đem thư ấy vào cung đưa cho Hoàng thái hậu, mẹ đích của vua, Bà là con gái Cần chánh đại học sĩ Nguyễn Thân, tuy không có con, song vẫn có thế lực lớn trong triều. Bà đòi vua vào cung, buộc vua xin lỗi viên Toàn Quền Pháp. Bất đắc dĩ Duy Tân phải bấm bụng tuân theo. (3)

Đầu năm 1914, Duy Tân họp các vị thượng thư, chỉ thị cho hai người phải qua Pháp trình Tổng thống Pháp một dự án sửa đổi bản hiệp ước Pháp-Nam Patenôtre đã bị Pháp vi phạm rất nhiều. Không vị nào dám nhận sứ mạng nầy. Thượng thư Huỳnh Côn lại đi mách với Hoàng thái hậu để Bà la rầy nhà vua một cách gắt gao.

Về sau, trong một buổi học chữ Hán với thượng thư Huỳnh Côn, Duy Tân phàn nàn: “Không có ông thượng thư nào chịu nghe ta cả. Ta làm vua chỉ có hư danh thôi.” Huỳnh Côn tức tốc đi mời Chủ tịch hội đồng và Thượng thư bộ Hình đến. Duy Tân lặp lại câu đã nói đó. Vừa Nguyễn Hữu Bài đi ngang qua, nghe được, tâu: “Ngài muốn đánh Pháp, nhưng Ngài lấy gì mà đánh? Ngài không có tài chánh mà cũng không có quân đội.” Nhà vua làm thinh một chốc, rồi nổi giận la to lên: “Lúc nầy chính là lúc phải xúi dân nổi dậy, lúc mà nước Pháp đang lâm chiến”. (4)

Về mối tình dở dang của vua Duy Tân

Sư bà Diệu Không, đã kể lại trong hồi ký “Vua Duy Tân và gia đình Hồ Đắc Trung” (chưa xuất bản), đại khái như sau:

“Năm 1914, vua Duy Tân ra nghỉ mát ở cửa Tùng (Quảng Trị), thân sinh tôi là Hồ Đắc Trung theo hầu. Nhà vua lúc đó lối 15 tuổi, muốn có bạn chơi cùng lứa, nên truyền thân sinh tôi dẫn thêm anh chị em chúng tôi (hai anh tôi 15 và 16 tuổi, học sinh trường Albert Sarraut Hà Nội, chị tôi 13 tuổi, tôi 10 tuổi) cùng đi theo cho vui.

“Mỗi buổi sáng, mặt trời vừa mọc, vua cho đòi đám trẻ đến để cùng đi ra biển bơi lội. Thân sinh tôi căn dặn chúng tôi phải giữ lễ vua tôi, không được tự do cười nói như đối với người thường, nhưng nhà vua lại rất dung dị, gọi các anh tôi bằng anh, gọi tôi bằng em. Ngài ít nói chuyện với chị tôi. Mỗi khi vui đùa cùng hai anh tôi và tôi, ở những trò chơi con nít, vua chỉ nhìn chị tôi mà không mời chơi. Khi nào Ngài cũng tỏ ra vui vẻ, song vẫn nghiêm trang. Chúng tôi rất mến Ngài, nhưng vẫn không dám cười đùa nhiều, sợ thân sinh chúng tôi quở.

“Tôi còn nhớ một hôm chơi bắt còng (dã tràng) ở bãi biển. Ai bắt được nhiều sẽ được thưởng. Ngài bắt được con nào thì thả con nấy. Chúng tôi lấy làm lạ. Ngài bảo: “Bắt chúng lên cạn chúng sẽ chết, chi bằng thả cho chúng được tự do bơi lội, ta nhìn xem cũng vui rồi “. Thế là chúng tôi cũng đua nhau mà thả hết. Ngài lấy làm thích chí, khi thấy mấy con còng lội tung tăng, Ngài nói với hai anh tôi: “Ai bỏ tù chúng ta, chắc chúng ta sẽ khổ sở, vì khi mất tự do là mất tất cả”. Nói vậy rồi, Ngài thở dài kém vui. Nhưng sau đó, Ngài lại hồn nhiên như tuổi trẻ chúng tôi và lại vui đùa như cũ.

“Mùa hè gần mãn, vua tôi bịn rịn lúc chia tay. Chị tôi ứa lệ nhìn Ngài. Ngài bảo nhỏ tôi:

-Dỗ chị đi em, rồi sang năm chúng ta sẽ gặp nhau lại.

“Năm sau gần đến hè, chị tôi xin đi theo chúng tôi ra cửa Tùng. Thân sinh tôi bảo:

- Con đã lớn rồi, phải ở nhà với mẹ, không được đi nữa.

“Thế là chị tôi phải ở nhà, khóc sưng cả mắt. Khi ra đến cửa Tùng, gặp lại chúng tôi, Ngài hỏi:

-Sao thiếu mất một người?

“Tôi tâu:

-Mẹ chúng tôi bắt chị tôi ở nhà, chị ấy khóc quá sá.

“Ngài nói: Thật là tội nghiệp cho chị ấy!

“Mãn hè một tháng, một hôm có người thị vệ đến xin ảnh chị tôi đem vào nội cho hai ngài Thái hậu xem mặt. Một tuần sau, hai Ngài cho đòi thầy mẹ tôi vào chầu và sau đó, tôi thấy kiệu vua đệ ra nhà tôi một đôi bông tai và một đôi vòng vàng cho chị tôi, thầy mẹ tôi quỳ lễ bái lãnh. Đó là “lễ hỏi” của vua dành cho chị tôi. Chị tôi cũng ra lạy tạ ân vua hạ cố.

“Vào khoảng tháng 12 năm 1915, một hôm thầy tôi ở triều về gọi mẹ tôi vào buồng nói rất khẽ và nghe tiếng ngập ngừng như đè nén hơi thở để khỏi bật ra tiếng khóc. Năm ấy tôi đã 12 tuổi mà cũng đã tinh ý, giả bộ xô cửa bước vào tự nhiên, thấy mẹ tôi mắt đỏ hoe và bảo tôi ra gọi chị tôi vào.

“Trông thấy chị tôi, thân sinh tôi nói:

- Con vào lấy đôi vòng và đôi bông tai ra đây để mẹ con đem vào Nội dâng lại cho vua vì Ngài Ngự muốn từ hôn, mặc dù chỉ còn hai tháng nữa là đem con vô Nội.

“Chị tôi nghe nói điếng cả người, tưởng như trời sập cũng không bằng, lâu lắm mới chạy đi lấy đồ vàng đưa cho tôi đem vào, chớ không vô phòng thân sinh tôi nữa. Thân sinh tôi nói là Ngài Ngự có ban rằng: “Thầy hãy an ủi con gái của thầy và gả ngay cho người khác, đừng để cô ấy buồn tội nghiệp. Thầy nên hiểu vì tôi thương cả gia đình thầy, nên mới phải từ hôn với người mà ta mến từ hai năm nay”.

“Thân sinh tôi nói thêm rằng: Ngài Ngự bảo phải đưa ngay vào Nội một thiếu nữ khác mà tôi phải chọn lấy. Bà xem ai đáng giới thiệu không?

“Mẹ tôi đáp: Có cô con gái ông Phụ đạo Mai Khắc Đôn, tuy không đẹp lắm, song có đức hạnh. Ông vào tâu xem.

“Một tuần lễ sau, lễ hỏi nhà vua lại đem đến nhà ông Phụ đạo họ Mai. (5) Và ngày 30-01-1916, lễ “Nạp Phi” được tổ chức trọng thể tại bộ Lễ, đúng với kỳ hạn triều đình đã rao báo. (6)

Vì sao có sự thay đổi đột ngột như thế ?

Có phải do những chính biến đương thời chăng?

Nguyên là từ năm 1912, kỳ bộ Quang Phục Hội của Phan Bội Châu, do Thái Phiên phụ trách đã bắt đầu chuẩn bị bạo động đánh Pháp. Đến năm 1914, Pháp chiến tranh với Đức, đó là cơ hội thuận tiện để dân ta vùng lên tranh đấu cho độc lập nước nhà. Hàng chục ngàn lính Việt mà Pháp tuyển mộ để gửi sang “mẫu quốc”, phần lớn đã được cách mạng ta kết nạp làm “nghĩa binh”, sẵn sàng ứng tiếp lúc lâm sự. Tại đồn Mang Cá (Huế), Trần Quang Trứ (thư ký tòa Công sứ Pháp ở Huế) vận động viên đại tá lính Lê Dương (gốc người Đức) để nội ứng chỉ huy 3.000 lính mộ, lính khố xanh, lính khố vàng. Trong thành nội Tôn Thất Đề và đội trưởng Nguyễn Quang Siêu đốc suất các đội thân binh, thị vệ trấn giữ hoàng thành. Trần Đại Trinh điều động lính tập giữ tòa Khâm sứ Pháp quay súng giúp nghĩa quân. Một đội cảm tử Nam Ngãi hiệp cùng dân quân phụ cận kinh thành công hảm cho được tòa Khâm sứ.

Ở các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẳng, Hội An, Quảng Nam, Tam Kỳ, Quảng ngãi, Bình Định, ngoài các lực lượng chính thức (lính tập, lính mộ) đã kết nạp được, còn có nghĩa quân võ trang với vũ khí trợ giúp từ bên ngoài đưa vào.

Cờ khởi nghĩa sẽ nền đỏ với 5 ngôi sao trắng, lấy ý nghĩa “Ngũ tinh tụ tĩnh” ở Kinh Dịch.

Phan Bội Châu đang bị Long Tế Quang bắt giam tại Trung quốc đã bí mật gửi Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền sang Xiêm liên lạc với lãnh sự Đức. Lãnh sự Đức biếu một vạn đồng bạc Xiêm và hứa nếu hoạt động có tiếng vang ra để chính phủ Đức được biết, thì sẽ có viện trợ chính thức nhiều hơn. (7)

Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người đi câu, vào hồ trong thành Nội dâng kế hoạch lên, vua Duy Tân đồng ý tất cả. Duy vua lo ngại Pháp sớm đưa 3.000 lính mộ ở Mang Cá (mà cách mạng đã kết nạp dược) xuống tàu sang Pháp, nên hạ chỉ hối thúc hành sự. Ngày khởi nghĩa định vào một giờ sáng ngày mồng 3 tháng 5 năm 1916, Thái Phiên và Trần Cao Vân điều động chiếm giữ kinh đô, và rước Duy Tân ra khỏi hoàng thành, thành công sẽ rước vua về trở lại.

Nhưng trước đó một ngày, có tên lính khố xanh ta đã chiêu dụ được, bảo với anh nó là Võ Huệ làm lính giản ở dinh Án Sát Quảng Ngãi ngày ấy liệu mà xin nghỉ kẻo đây rồi sẽ có loạn. Án Sát Phạm Liệu sinh nghi tra hỏi, Huệ sợ nên khai ra. Phạm Liệu trình với công sứ De Tastes. De Tastes mật điện ra Huế. Khâm sứ Charles ra lệnh thâu tất cả súng đạn, tập trung hết thảy binh lính lại, và điện cho các tỉnh biết để đề phòng.

Trần Quang Trứ, người có công lớn chiêu dụ lính ở đồn Mang Cá, thấy lệnh thu súng, cắm trại, biết việc đã bị lộ, liền đi đến bến Thương Bạc lúc 11 giờ đêm gặp vua Duy Tân đã cải trang theo lối thường dân, có Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu hộ vệ, xuống thuyền của Thái Phiên và Trần Cao Vân đến rước. Trứ liền đi vòng ra ngã sau vào tòa Khâm Sứ tố giác.

Cuộc khởi nghĩa bị thất bại, Thái Phiên và Trần Cao Vân định đưa vua đi tắt đường núi về địa điểm đã định là Bà Nà ở Quảng Nam, nhưng vua bị mệt, tạm nghỉ lại một ngôi chùa bên núi Ngũ Phong, gần vùng Nam Giao. Sáng sau, khi nhà vua đang sửa soạn lên đường, thì có Le Fol, Đổng lý văn phòng tòa Khâm, Sogny chánh mật thám Huế, Lanneluc, giám binh với 21 lính khố xanh và Trần Quang Trứ, còn bên ta có Võ Liêm, Tá Lý bộ Lễ và Hồ Hành, đội cơ, với một toán lính Nam triều, đến bắt. Duy Tân vẫn bình thản, đối đáp như khi còn ở trong triều. Gặp vua, Le Fol trịnh trọng cất mũ chào:

- Tâu Hoành Thượng, Ngài ngự giá dạo chơi xong rồi chứ?

Duy Tân nhún vai đáp:

- Các ông chả hiểu được đâu!

Trần Quang Trứ tiến đến hỏi:

- Tâu Hoàng Thượng, tôi là người cùng Trần Cao Vân hội kiến Hoàng Thượng tối qua ở bên Thương Bạc, chẳng hay Hoàng Thượng có nhớ không?

Vua nhìn Trứ một cách khinh bỉ:

-Phải, ta nhớ mi, đồ phản quốc!

Rồi vua ngoảnh mặt quay sang chỗ khác. Triều thần gặp vua, vừa mừng vừa tủi, năn nỉ vua trở về Nội, Duy Tân khẳng khái từ chối, thà chịu bị bắt, nhất định không quay lại hoàng cung. Lính dương lọng rước, Duy Tân không cho và đi bộ đến chiếc xe của Pháp đưa vua về giữ ở đồn Mang Cá. Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị còng tay dẫn về Huế tống giam, đến ngày 16- 4-1916, cả bốn vị bị chém tại An Hòa (cách Huế vài cây số).

Tại các tỉnh cũng xảy ra nhiều việc thảm sát như thế: Ở Quảng Ngãi hai cụ Tú Ngung, cử Sụy cùng một số đông dồng chí bị tội tử hình, 200 người bị đày đi Côn Lôn. Ở Quảng Nam cũng rất nhiều người bị liên lụy, Phan Thành Tài và một số tử hình, hoặc đày đi Lao Bão, Thái Nguyên, Côn Lôn như y sĩ tân học Lê Đình Dương, Lý trưởng Lê Cơ, Tú tài Trương Bá Huy, Đỗ Tự.. Pháp khám phá nhiều tài liệu tổ chức chính phủ, quân nhu, quân phục, các ấn tín… Ở Quảng Trị, Khóa Bão bị tra tấn khốn đốn. Các tỉnh khác hưởng ứng chậm nên không bị đàn áp gì nhiều.

Về bản án Duy Tân

Khi còn trong ngục, Trần Cao Vân lo cho vua Duy Tân bị sát hại, nên viết thư trần tình cùng thượng thư Hồ Đắc Trung là người đang phụ trách thảo bản án xử vua. Thư viết trên cuộn giấy quyến hút thuốc, bí mật trao người chuyển đi, nhận lãnh hết công việc bạo động xảy ra đều do ông và Thái Phiên xúc sử. Cuối thư ông khẩn khoản Hồ Đắc Trung tìm cách cứu vua, có câu:

“Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!

“Trời còn đó! đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn! “

Sư Bà Diệu Không kể lại rằng:

“Vì mảnh giấy ấy mà thân sinh tôi bị bắt giam mấy ngày ở tòa Khâm để điều tra. Nếu không nhờ vua Duy Tân khai giải cứu, ắt thân sinh tôi phải chung một số phận, với các ông Trần Cao Vân.”

Sư Bà thuật lại lời khai của vua Duy Tân khi bị Pháp cật vấn như sau:

“Hỏi: Ngài nghĩ sao về mảnh giấy nầy?

“Đáp: Ông Trần Cao Vân làm việc lớn không thành, sợ tội bị tử hình nên cầu cứu với ông Hồ Đắc Trung.

“Hỏi: Vì lẽ gì trước kia Ngài từ hôn với tiểu thư nhà họ Hồ?

“Đáp: Vì tôi thương ông ấy đông con, sợ ông ấy bị liên lụy. Vả lại, các đồng chí của tôi khuyên tôi nên tránh gia đình ấy để bảo mật.

“Hỏi: Vì lẽ gì ông Trần Cao Vân lại bảo đưa mảnh giấy này cho ông Hồ Đắc Trung?

“Đáp: Vì ông Hồ Đắc Trung hay cứu người như đã cứu 42 nhà cách mạng ở tỉnh Quảng Nam năm 1908 trong vụ dân “xin xâu” lúc ông ấy làm tổng đốc ở đấy.

“Hỏi: Ngài có bảo đảm là ông Hồ Đắc Trung vô tội trong vụ khởi loạn nầy không?

“Đáp: Tôi xin hoàn toàn bảo đảm cho ông ấy.

“Thế là mấy ngày sau, thân sinh tôi được Pháp trả lại tự do. Triều đình ủy cho thân sinh tôi soạn thảo bản án Duy Tân. Nội dung bản án đại khái như sau:

“Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh song còn cạn nghĩ, bị bọn người mưu phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng, song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình.

“Đứng về phía chính phủ Bảo hộ, thì Ngài can tội “phản nghịch”, nhưng đứng về phía chính phủ Nam triều, thì Ngài là một ông vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy, luận về tội, thì quả thật Ngài có tội đối với chính phủ Bảo hộ, còn đối với nhân dân Việt Nam, thì Ngài không có tội gì cả.

“Vậy nên xét tình mà truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do trở về với danh vị một hoàng tử như trước. Như thế lòng dân mới khỏi oán thán chính phủ Pháp là khắc nghiệt… “

“Bản án nầy được Pháp chấp thuận, nên tuy bị đưa đi đày ở đảo Réunion gần Phi Châu, Ngài vẫn giữ tước vị hoàng tử…

“Về sau, thân sinh tôi gả chị tôi cho vua Khải Định, nên mới được tin dùng như trước. Tuy được gả cho vua mới, nhưng tình người con gái vẫn còn quyến luyến vua cũ không nguôi… ” (8)

Năm 1925, Khải Định mất, thọ hơn 40 tuổi, Duy Tân từ đảo Réunion, gửi về hai câu điếu:

“Ông vội bỏ đi đâu, bỏ tiền, bỏ bạc, bỏ vợ, bỏ con, bỏ thầy tu, hát bội, bỏ hết trần duyên trong một lúc.

“Tôi may còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng, hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu”.

Về lá bài Duy Tân

Vận hội ấy, phải chăng là cuộc hội ngộ ngày 14 tháng 12 năm 1945 với Đại tướng Charles de Gaulle để chọn “lá bài Duy Tân” giải quyết vấn đề Việt Nam:

Tướng De Gaulle quyết định đặt Hoàng tử trở lại ngôi Hoàng đế Việt Nam, ba kỳ thống nhất, dưới một chính thể trung ương hoàn toàn tự do cai trị và tổ chức nền kinh tế của minh. Pháp đảm nhận phòng thủ biên cương cho Việt Nam trong một thời hạn nào đó sẽ được minh định, để cất gánh nặng cho ta việc tạo lập một quân đội khi Việt Nam chưa đủ phương tiện để duy trì và tăng cường nó. (9) Tướng De Gaulle sẽ đích thân đưa Hoàng tử hồi loan vào đầu tháng 3 năm 1946… chẳng may, trên đường về thăm gia đình ở đảo Réunion, Ngài tử nạn máy bay ngày 26-12-1945 gần Bangui thuộc Trung Phi”. (10)

Tai nạn hay có mưu sát? Một bạn thân của vua Duy Tân là ẸP. Thébault cho biết trước khi rời Paris để về đảo Réunion thăm vợ con, Hoàng tử Vĩnh San có tiết lộ rằng: “Nước Anh chống lại việc tôi về Việt Nam và họ đã đề nghị tặng tôi 30 triệu nếu tôi từ bỏ ý định ấy “. Nhưng các cuộc điều tra cho đến nay chưa ngã ngũ ra sao cả. (11)

Cuộc đời của vua Duy Tân đã bao lần dang dở. Dang dở vì đã hy sinh mối tình đầu để tránh mối họa tày đình có thể xảy ra cho toàn gia người mình yêu, dang dở vì đã hy sinh ngai vàng của mình cho tiền đồ chung của đất nước, nạn nhân muôn thuở của tình đời phản trắc, của định mệnh khắc khe.

Nhưng đây là một trong muôn ngàn hy sinh khác của toàn dân đã đâng hiến trên bàn thờ Độc Lập cho đất nưóc chúng ta.

Bà Nguyễn Thị Định, mẹ vua Duy Tân

CHÚ THÍCH

* (1)-Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân, Mõ Làng, Paris, 1993, trang 52-53. (Sau đó, Ngô Đình Khả bị buộc tội lập giáo đường không xin phép, phải về hưu tại nguyên quán xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, không được lãnh hưu bổng).
* (2)-Báo Cải Tạo ngày 22-1-1949. (Hoàng Trọng Thược, Hồ sơ vua Duy Tân,.s.đ.d., tr. 75).
* (3)- Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., trang 373-374.
* (4)-Huỳnh Côn, hồi ký, do Jean Jacnal ghi lại bằng tiếng Pháp, đăng trong Revue Indochinoise năm 1924 (Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., tr.95)
* (5)- Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., trang 102-106.
* (6)- Nạp Phi: Trừ Gia Long và Bảo Đại, các vua của nhà Nguyễn tuy có vợ theo thứ bậc lớn nhỏ nhưng không bà nào được phong Hoàng Hậu. Vì từ Minh Mạng, sợ bị tiếm ngôi, nên đặt ra lệ “ngũ bất lập” là: Bất lập Hoàng Hậu, bất lập Đông Cung, bất lập Tể Tướng, bất phong Vương, bất tuyển Trạng Nguyên. Còn các bà vợ vua đều gọi là phi, phân thành 9 cấp: đệ nhất Giai Phi, đệ nhị Giai Phi… cho đến đệ cửu Giai Phi. (Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., tr.76)
* (7)- Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., trang 136-137.
* (8)- Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., trang 143-148.
* (9)- Chỉ dẫn của hoàng tử Vĩnh San, cựu hoàng đế Duy Tân, trong Hồ sơ vua Duy Tân, s.đ.d., trang 253.
* (10)- Lời tiết lộ của cựu Trung tướng Alain de Boissiau, con rể của Tướng de Gaulle, trong Hồ sơ vua Duy Tân, s.đ.d., trang 346.
* (11)- Hoàng Trọng Thược, s.đ.d., trang 263.

 Anh chị em của Vua Duy Tân