Thử một lần làm Tây Ba Lô |
Tác Giả: Công Nhật | |||
Thứ Ba, 07 Tháng 9 Năm 2010 09:44 | |||
“Hãy trở thành du khách ngoại quốc để biết được cảm nghĩ của chúng tôi về đất nước các bạn như thế nào?” - Hai anh bạn người Mỹ John và Henry của tôi nháy mắt, cười tinh nghịch khi nghe tôi hỏi về cảm nhận những ngày đầu du lịch tại VN. Một ý tưởng không tồi! Bên ngoại không thể giả Tây thì cứ giả làm... Việt kiều! Tui hăm hở lên đường đi du ngoạn cùng hai anh chàng với quyết tâm không sử dụng tiếng Việt trong suốt chuyến đi chơi. Và tin tôi đi, bạn sắp được nghe những chuyện “khó tin nhưng hoàn toàn có thật”! Tưởng dân nước ngoài khoái những trò cảm giác mạnh, thế mà trái với suy nghĩ của tôi, gương mặt của hai anh chàng tái mét, mặt không còn hột máu khi bước xuống khỏi xe thay cho vẻ háo hức lúc đầu… Thì ra mấy bác tài quên mất việc mình đang chở Tây nên cứ gọi là phóng loạn xạ, “chạy tẹt ga”, vượt đèn đỏ, leo lên lề, băng qua xe hơi cái rẹt… dẫu đường đông nghịt, ổ gà tùm lum khiến cho mấy cu cậu ngồi phía sau mà phải ôm cứng nín thở, không dám nhích dù chỉ một tẹo mông. Hai chàng phân trần cho cái sự “nhát gan” của mình: “Trò chơi cảm giác mạnh ở nước ngoài đúng là rất kinh khủng, nhưng chúng đều được kiểm tra rất gắt gao và kỹ lưỡng… còn lái xe ở VN thì cảm giác “mạnh” theo kiểu “sống chết mặc bây” nên cứ gọi là “đẳng cấp vượt trội” về mức mạo hiểm!” Chưa kịp hoàn hồn thì đến đoạn tính tiền, tụi tui lại toát cả mồ hôi hột. Đoạn đường ngăn ngắn từ Bùi Viện ra tới nhà thờ Đức Bà theo thỏa thuận ban đầu chỉ có 25.000 đồng/người, nhưng đã được các chú xe ôm thản nhiên “nâng giá” lên 50.000 đồng. Thấy tụi tụi không đồng ý, các chú ấy hết giơ tay múa chân rồi “dang cánh” lên đầu để giải thích một điều gì đó. Và cuối cùng lời “giải thích” cũng được tỏ: 25.000 đồng là không có… “nồi cơm điện” (mũ bảo hiểm), còn thêm nồi cơm điện thì giá… 50.000! Lý luận quá lô-gích, chẳng còn gì phải bàn cãi! Hai anh bạn người nước ngoài tay móc ví mà miệng vẫn còn lẩm bẩm: “Quái, tiền nón mà lại thu giá ngang tiền xe à?” Trưa nắng, cũng tại địa điểm nhà thờ Đức Bà, John nhanh nhảu ra dấu số 3 khi thấy một xe dừa đẩy ngang qua. 3 đứa vô tư cầm dừa lên tu “chùn chụt”, ở xa xa anh bán dừa nở một nụ cười “bí hiểm” tựa… nàng Mona Lisa khiến tui cảm thấy lo lo. Cảm giác của tui không lầm, anh chàng bán dừa lắp bắp mà sao tui vẫn nghe rõ từng chữ một trong sự choáng tột độ. “Du, du èn du… ba du 10 U-ết-đê” (Bạn, bạn và bạn… 3 người tính 10 đô!). Cứ ngỡ anh chàng nói lộn, tui thản nhiên móc tờ 10 ngàn ra đưa… Nhưng anh ta nhanh chóng đẩy tay ra và nói lớn: “U-ết-đê!” với vẻ mặt khá giận dữ. Không muốn làm lớn chuyện, tui quay sang “thảo luận kín” với bạn của mình và kết quả là tờ 10 U-ết-đê đành phải… rời khỏi túi khổ chủ trong nỗi niềm “ruột đau như cắt”. 3 trái dừa bằng giá cả 3 bữa ăn fast-food, điều chỉ có thể ở VN! Rút kinh nghiệm buổi sáng, trưa hôm ấy tụi tui đi về khách sạn bằng xích lô vì đội ngũ xe này đã được kiểm định và lấy giá đúng theo thỏa thuận. Tuy vậy, khi dừng lại tại một điểm bán khẩu trang trên đường NTMK thì tui tiếp tục được thử lưỡi dao chém khi nghe chị chủ quầy nói nhỏ nhẹ ra giá 3 cái khẩu trang: “3 U-ết-đê, pờ-li-sờ!”(!?) (3 USD, please!) Bầm giập đi tìm “Nét đẹp tiềm ẩn”(!?) Khi lượng người trên xe vừa đúng số 15, xe bắt đầu lăn bánh khỏi bến. Nhưng chỉ mới đến Thủ Đức thì “Ê, ê… tấp dzô, tấp dzô. Nha Trang hô…oong?” Dân Tây bự con, thêm tui đã chật cứng không nhúc nhích nổi, vậy mà anh chàng phụ xế thản nhiên cười hề hề, vỗ vai kêu xích vô rồi “nhét” thêm một người nữa. Tình cảnh này cũng diễn ra ở những băng ghế khác. Khi hai cu cậu nhăn mặt phản ứng lại thì những từ ngữ “Fuck you, fuck you…!” (có ý nghĩa rất bậy bạ ở Mỹ) được tuôn ra tới tấp, kèm theo những câu mà nếu hiểu tiếng Việt chẳng biết hai chàng sẽ phản ứng thế nào: “Mẹ, kiếm chỗ tống mấy thằng Tây này xuống đi. Có nó chỉ tổ chật chỗ mà thôi…!” Vai vác balô cồng kềnh nặng trịch, tụi tui cuốc bộ qua nhiều khách sạn để cuối cùng chọn được một khách sạn “mềm” nhất với giá 600.000đ/ngày cho 1 phòng ngủ 2 giường đôi. Nhưng niềm sung sướng ấy đã nhanh chóng “vỗ cánh bay xa” khi tình cờ tui biết được phòng bên cạnh với tiện nghi y hệt chỉ trả với mức giá… phân nửa! Nhưng phải đến lúc vào một quán ăn, sự bức xúc của “3 chàng nai tơ” mới lên đến tột đỉnh. Thấy dân Tây, chủ quán vồn vã nhưng sau đó là tờ bill tính tiền với những mức giá “ngất ngưởng”. Chẳng những vậy, số lượng đầu bia tụi tui uống được nâng lên một cách lộ liễu, nhiều món ăn dẫu không được kêu, nhưng vẫn hiện ra dày đặc trong bill, nhìn hoa cả mắt! Đến mức này thì tôi đành phải dùng... tiếng Việt để giành lại công lý, và chỉ trong chớp mắt, tui hiểu được thế nào là cái giá của sự “lỡ lời”. Chủ quán và một đám “lâu la “sấn sổ”: “Đ.M, biết tiếng Việt thì nói mẹ nó đi, bày đặt sính ngoại ngữ”, “Đ.M, đi ra chỗ khác cho tụi này làm ăn nhé, bép xép là uýnh chết mẹ…” Nghe mà xây xẩm mặt mày! Chỉ có nước bấm bụng bỏ tiền cho yên thân, mặc hai chàng du khách ngẩn tò tè không hiểu sao họ dữ thế. Chỉ nhiêu đó cũng đủ để vẽ lên được phần nào vẻ “độc đáo” trong “nét đẹp tiềm ẩn” của du lịch Việt Nam. Từ khi hình ảnh du lịch Việt Nam được giới thiệu liên tục trên kênh truyền hình nổi tiếng nhất thế giới CNN thì lượng du khách nước ngoài tới Việt Nam tận hưởng “nét đẹp tiềm ẩn” tăng lên rõ rệt. Thế nhưng một đất nước có phong cảnh, thiên nhiên đẹp… mà văn hóa, cách ứng xử của người dân còn nhiều hạn chế thì chẳng khác gì tranh đẹp nhưng chẳng có hồn! Chẳng trách có hơn 70% du khách tới Việt Nam một đi không trở lại.
|