Home Phiếm Các Tác Giả Tản mạn... Thông Ngôn

Tản mạn... Thông Ngôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn-Phú-Long   
Thứ Hai, 20 Tháng 12 Năm 2010 15:49

    

                         Ta dùng câu “Thông ngôn” để chỉ việc phiên dịch bằng miệng từ ngôn-ngữ này sang ngôn ngữ khác, giúp cho hai người không sử dụng cùng tiếng nói có thể hiểu nhau. Tức là, muốn thông-ngôn, điều kiện cần là mình phải biết cả hai ngôn ngữ của họ để chuyển nghĩa lời phát-biểu từ bên ni cho bên kia hiểu và ngược lại.


       “Phải biết cả hai ngôn ngữ của họ.” là nói tổng quát, thực tế chỉ cần am tường một ngoại ngữ, vì kẻ còn lại thường nói chung thứ tiếng với người thông ngôn.
     Đôi khi thay vì thông ngôn ta còn nghe “thông dịch”, hàm ý tương-tự như thông ngôn, tuy nhiên thực tế dần dần thấy ít dùng, hơi cũ, ngữ nghĩa không hoàn toàn chính xác, có một số tự điển đã bỏ qua chẳng đề cập tới.   
     Thông ngôn là một nghề tương đối mới mẻ ở Việt-Nam, lương bổng hậu hỹ, việc làm nhàn nhã, như chơi, hấp dẫn và được kính trọng. Ai gặp cũng một điều thưa thầy thông-ngôn, hai điều thưa thầy thông-ngôn.
     Nhớ chuyện xưa…Thoạt tiên, khi các quan Đại Pháp cực nhọc hy sinh bỏ cuộc sống êm đềm bên dòng sông Seine, bỏ các bà đầm dắt chó rong chơi rải mìn khắp đường phố nơi kinh thành ánh sáng, lặn lội sang đây, đem cái văn-minh Phá-Lăng-Xa khai mở cho đám dân còn ngơ ngác chưa biết tại sao đèn sáng, ngọn chúc xuống đất và nước trong, phun ngược lên trời, họ ưu ái mở nhà máy nấu rượu cung cấp cho ta nhậu lai rai ba sợi, nhưng luôn luôn nghiêm-minh, kỷ luật, chẳng có oong đơ gì cả, họ thẳng tay bỏ tù mọt gông những kẻ nấu rượu lậu.
     Vì nhiều công việc bề bộn, dân Giao-Chỉ, cần được bảo ban cách làm đường, cầu cống, lập đồn điền, cạo mủ cao-su… hợp tác, góp sức lao động nên nghề thông ngôn đã xuất hiện theo nhu-cầu.
     Từ hồi mới có ông Tây,   
     Có bơ, có sữa, có thầy thông-ngôn.
     Một điều không thể chối cãi, đó là tính cần cù, sự làm việc chu đáo của dân Việt-Nam hầu hết đều đươc cấp chỉ huy tin tưởng, thương mến. Lại nữa, quan trên và kẻ thông ngôn lúc nào cũng như bóng với hình, làm việc kè kè bên nhau, nên sự thương mến còn đậm đà hơn nhiều, có thể nói không ngoa, đôi khi đó chính là một cặp bạn bè thân thiện.
     Sách “Sau-Bức-Cấm-Thành-Nhà-Nguyễn” có đề cập tới mẩu chuyện, xin dẫn ra đây để mọi người thấy tình nghĩa giữa thông ngôn và quan trên đậm đà tha thiết tới dường nào.
     Trong chuyến công du Huế và Sài Gòn nhiều tháng, phái đoàn quan toàn quyền Paul Doumer mỗi người một ngựa ngất ngưởng trên đường thiên lý, giống như bọn thầy chùa Tam-Tạng đi thỉnh kinh, mỗi lần tới nơi nào, ông không báo trước để địa phương tiếp đón.Trong đoàn tùy tùng có một người Việt làm thông ngôn gọi là Phán Ngọc(chả rõ họ gì.).Khi tới Huế, Paul Doumer đột ngột vào kinh thành để viếng thăm quốc vương An-Nam, làm vua Thành-Thái và các đại thần bật ngửa, lo sợ thất lễ.Nên ngày hôm sau triều đình tổ chức đại yến để tỏ sự cung kính và dành cho toàn quyền danh dự lớn.
     Hoàng gia chỉ cho mời các ông hoàng bà chúa, các quan nhất phẩm và lục bộ thượng thơ mà thôi. Danh sách được gửi cho phái đoàn duyệt trước, khi thấy không có tên người bạn đồng hành và cũng là thông ngôn của mình, Paul Doumer hỏi lại, triều đình trả lời, phán Ngọc là dân giả, không phải quan đại thần nhất phẩm, không thể mời được. P. Doumer yêu cầu mãi, triều đình, cực chẳng đã, bắt buộc nhượng bộ vì không thể làm phật lòng toàn-quyền. Toàn quyền là rất lớn, coi cả ba xứ Việt-Mên-Lào cơ mà! Bèn tạm phong cho phán Ngọc “Nhất phẩm đại thần hàm” rồi cho ông ta mượn bộ đồ vía của các quan cùng cấp bậc để mặc hôm dự tiệc.
     Thuở trước, không kể Pháp Quốc, mình còn tiếp-xúc với nhiều dân nước ngoài, những quốc gia này đến với ta đều có ý tốt cả, họ dậy mình lễ nghĩa, múa hát, trồng trọt, thu gom vàng bạc châu báu đem về nước cất giùm. Ai vậy? Thì ông bạn khổng lồ láng giềng phía Bắc chứ ai! Thế mà lúc đó chả thấy phát sinh nghề thông ngôn lan rộng, chính thức, quy chế như thời Tây thuộc. Nhiều phần có thể vì người An-Nam bấy giờ tuy không rành tiếng Tầu, song nhờ gần gụi, với bốn ngàn năm văn hiến, biết viết chữ nho, nên dù không hiểu, họ nói xập xám, mình đọc là thập tam, mà viết ra thì như nhau do đó ta đã sáng kiến thêm một phương pháp khác để “điêu” với nhau, thực hành hơi lỉnh kỉnh nhưng rõ ràng minh bạch, đó là bút đàm.
     Cuộc bút đàm thoạt tiên phải sửa soạn giấy bút, có tràng kỷ chững chạc để ngồi đối diện càng tốt, (nếu không, nằm bò nơi sàn nhà lượm cục than viết dưới “mặt bằng” cũng chẳng sao) đổ chút nước mưa vào nghiên, mài mực…xong đâu đấy, tiền khách hậu chủ, mời tiên sinh viết một câu, tôi đọc và tôi viết câu trả lời, cứ thế tiếp tục.Giống như bây giờ mình chatting trên mạng Rất minh bạch, giấy trắng mực đen, bút sa gà chết, không thể gian lận, mập mờ, ấm ớ như mẩu chuyện sau đây:
     Giáo sư Hứa-Hoành kể, một người dân giả, nguyên là học trò nghèo quê ở Gò-Vấp, nhờ giỏi giang, thông minh, được học bổng du học bên Tây, đậu tú-tài đôi, lúc quy cố hương vừa làm thầy dậy Pháp văn cho các công-chúa và Hoàng-tử trong cung, vừa làm thông ngôn, đó là Diệp-Văn-Cương. Ông Cương cưới cô công chúa Thiên-Niệm, chị ruột vua Dục-Đức thường gọi là Mệ-Kim làm vợ. Trong khi làm thông-ngôn, đầu năm 1888, để chọn người kế-vị, lúc vua Đồng-Khánh quy tiên, vào một buổi họp về việc ấy Diệp-Văn-Cương cố tình dịch sai lạc, mục đích muốn đưa người cháu vợ mình là hoàng tử Bửu-Lân lên ngôi theo ý bà Thiên-Niệm.
     Các quan hỏi Khâm-sứ:
     - Nay vua Đồng-Khánh mới băng hà, theo ý ngài nên chọn ai lên làm vua?
     Diệp-Văn-Cương không dịch đúng nội dung như thế mà lại lắt léo cho quan khâm sứ hiểu theo ý đồ đã tính trước::
     - Monsieur le Resident Superieur, Nay vua Đồng Khánh đã mất, Lưỡng Tôn-Cung và cơ-mật đồng ý tôn Bửu-Lân lên làm vua, xin quan khâm-sứ cho biết ý-kiến.
     Khâm-Sứ đáp:
     - Nếu cơ-mật và Lưỡng tôn-cung (Bà Từ Dũ và bà Học Phi) đồng ý thì tôi cũng tán-thành.
     Đến đây, ta thấy câu chuyện đã được Diệp-Văn-Cương xỏ mũi dắt quan khâm-sứ quẹo vào đường khác rồi, sai một ly đi một dặm rồi, sắp xụp hố cả lũ rồi, làm cho thầy thông ngôn thêm phấn khởi, không dịch câu nói của Khâm-Sứ đàng hoàng mà lại giáng một búa, cương ẩu cho các đại-thần nghe để dễ bề kết thúc, như sau:
     - Bẩm các quan lớn, ngài khâm-sứ Rheinard đáp: “Theo ý tôi thì chọn hoàng-tử Bửu-Lân là hợp lý  hơn cả.”
     Thế là toàn thể các vị rường cột nắm vận mệnh quốc-gia cả Tây lẫn ta đã bị phù thủy Diệp-văn-Cương đạo diễn hốt một mẻ trọn gói. 
     Thế là chỉ ba giờ sau, Hoàng-Tử Bửu-Lân mới 10 tuổi đang chơi đá dế cùng lũ trẻ, đã trở nên vua Thành-Thái dù mẹ ngài, thấy cảnh phế lập, phe đảng, mất kỷ cương trong triều, khóc lóc xin tha cho con bà mà chẳng được.
     Nơi bộ Việt-Nam Sử-Lưọc của Trần-Trọng-Kim dĩ-nhiên không có kể việc này, chỉ nói đại khái rằng quan khâm-sứ có ý muốn, nên truyền lập ông Bửu-Lân lên làm vua.
     (quyển 2 trang 339.)
     Chuyện làm ăn của một số rất ít lưu-manh, nghề nào cũng vậy, lui tới một chặp rồi
     cũng rơi vào nghi ngờ, mất tin tưởng có thể bị phanh-phui, đổ bể.
     Về sau, những vụ quan- trọng, các thông ngôn phải qua cuộc lễ tuyên-hứa mới
     được hành-nghề đó là các thông-ngôn hữu-thệ, thường làm việc cho các vị nguyên
     thủ, cho tòa-án v…v…
     Qua mẩu chuyện trên đây, việc thông ngôn thật là hết sức lợi hại, vì những thầy thông ngôn vô lương tâm còn có thể ỷ vào vị trí của minh, để xuống tay thực hiện trả thù cá nhân không mấy khó khăn.
     Lịch sử Việt-Nam cận đại đã chứng minh điều đó. Một hôm, từ tờ mờ sáng, súng nổ chát chúa quanh lũy tre xanh, mấy cụ già run rẩy, rên khừ khừ như trúng phong, chó kêu ẳng ẳng, cụp đuôi phóng chạy tán loạn dưới gầm giường, góc nhà. Thường khi chú cẩu bị nện vài hèo mới kêu như thế, bây giờ đặc biệt hãi quá nó cũng kêu ẳng ẳng như lúc bị thọc tiết thui vàng, nấu nhựa mận.
     Dân làng chưa hiểu chuyện gì, con nít khóc ré làm các bà mẹ vội vàng tính vạch yếm ấn vú vào miệng nó cho yên…thì tất cả đã bị lùa ra bãi đất trống trước sân đình tập họp. Không khí ngột ngạt, tuân lệnh tuyệt đối, lặng lẽ, nhanh nhẹn, kỷ luật, loạng quạng ở đây, lúc này, bỏ mạng như chơi, nam đứng một bên, nữ đứng một bên, đông thật là đông, để kiểm soát, thanh lọc.
     Giữa đám lính Tây đằng đằng sát khí, những khẩu súng dài có gắn lưỡi lê nhọn hoắt, viên cạp-pò-ràn-xếp chỉ huy, hàng ria mép rậm rì như hai con sâu róm, mang cây Colt 45 với những viên đạn gài chi chít trên chiếc thắt lưng bằng da bò mầu vàng-thổ, đi cạnh thầy thông ngôn đảo qua đảo lại, lạnh lùng. Thầy thông ngôn thì đang làm công việc chỉ điểm, thầy chùm cái bao bố để khỏi ai nhận ra lý lịch, diện mạo, phòng hờ sự oán hận về sau, thầy chỉ tay vào người nào là đời kẻ ấy kể như oong poong phi nổ, một sổ hai chấm!
     Nghe nói, trong quân đội, có một vài quan lớn khởi nghiệp như thế. Sau khi ông xếp mắt xanh mũi lõ hết nhiệm-kỳ sửa soạn xuống tầu về Tây, buổi chia tay thầy trò bịn rịn ngồi đối diện, bần thần như tiếc nuối dĩ vãng, nồi thịt thỏ nấu rượu vang để ở giữa, nghi ngút bốc hơi, tỏa mùi thơm hấp dẫn khắp phòng…Lát sau, rượu ngà ngà, để bổ đường nhân nghĩa, ông Tây khuyên thuộc cấp phải lo tương lai, ông đi rồi, cờ-sơ-ra sơ-ra? Nên xin đăng lính cho Pháp. Hắn nghe lời, ghi tên vào trường “Anh-ăn-chi?” ( infantry ) nhận một lô quần áo toàn mầu cứt ngựa, đôi giầy-xăng-đá cứng và nặng như…đá, để bắt đầu bàì học đi đều bước.
     Khổ nỗi mỗi khi huấn-luyện-viên hô “En avant marche!” Hắn lúng túng không biết           
     bắt đầu chân nào trước chân nào sau,khiến cho đám lính bị ùn lại như hình ảnh kẹt xe. Bị đá đít, bợp tai, mẹc-xà-lù mãi cũng như nước đổ lá môn, cuối cùng phải lấy bẹ chuối khô buộc vào một chân cho dễ nhớ. Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu là vậy?
     Về sau, bao nhiêu biến cố lịch sử xẩy ra, quân đội thuộc Pháp chuyển qua quân đội quốc-gia, cả triệu người xuống tầu há mồm ra khơi, di-cư từ Bắc vào Nam, rồi truất  phế Bảo-Đại, suy tôn Ngô Đình-Diệm, thanh niên cộng hòa mặc đồng phục xanh đi chào cờ sáng thứ hai, xóm làng thanh bình vang tiếng hát “Ai bao năm từng in gót nơi quê người…”, lập ấp chiến lược, đàn áp tôn giáo, rồi từ Đệ-Nhất Cộng Hòa tới Đệ-Nhi Cộng-Hòa, rồi quân đội Củ-Xâm, quân đội Cang-Gu-Ru v…v…nhào vô ăn có, hết đảo-chánh lại chỉnh lý, công bố Hiến Chương Vũng Tầu, sinh viên biểu-tình... Hắn không phải chỉ là chứng nhân giai đoạn lịch sử mà đã ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp, tham dự hầu hết những biến cố ấy, những biến cố ấy quá dài, làm mỗi khi nhìn về quá khứ, hắn thường kiêu ngạo chê thuộc cấp là cái thâm niên quân vụ của họ chưa chắc bằng những ngày hắn nằm bệnh viện cộng lại.
     Hắn như bị “ cuốn theo chiều gió”, mang ba-lô lưu lạc khắp bốn vùng chiến thuật, “gặp thời thế thế thời phải thế” lúc thì trận mạc, lúc bị thượng cấp ghét bỏ vì ăn chia không đều, bèn bị đẩy theo học các khóa quân sự, chỉ huy tham mưu nhạt nhẽo và buồn ngủ, nhưng nhờ thế hắn đã “qua-ly-phai” và chiếm ưu thế trong các cuộc tranh đua thăng thưởng.
     Cuối cùng “Anh chưa chết đâu em!”, sống lâu lên lão, lon lá càng ngày càng nặng để một sáng ngủ dậy vào đơn vị bỗng thấy người trưởng ban Ba, cần-mẫn, tận-tụy  đang chờ, cười, tươi rói, trình tờ công-điện từ bộ Tổng-Tham-Mưu….Thế là thầy cựu thông ngôn lại lên chức, lại lên lương, đường hoạn lộ thênh thang…để mai sau, khi hai năm mươi, những tấm mề-đay còn đó, đôi giầy đinh còn đó cùng cái nón sắt…tất cả đã trở thành “kỷ vật cho em”. Những kỷ vật này có thể làm cho một nhà thơ lang thang đang túng đề tài, hay được, chợt nhìn nước chẩy mây trôi, lan man nghĩ tới cái ngắn ngủi, phù du của kiếp người, sinh lão bệnh tử, bèn nhả ngọc phun châu thành mấy câu đầy đủ các hình ảnh: Chiến sĩ, gươm đàn, sa trường, đêm trăng, nơi gió cát, da ngựa bọc thây…gói ghém niềm thương tiếc một vì sao “rớt hột.”.
     Bản “tướng mạo và quân vụ.” của cha bự này như thế cũng chả vinh dự danh giá, ghê gớm gì. Một lực sĩ đấu võ wrestling lúc thượng đài vì nghề nghiệp, câu khán giả, vênh váo chửi bới đối phương, đôi khi thắng, đôi khi bị địch thủ dần cho nhừ tử gần bể mặt, chuyện đời năm ăn năm thua, riết rồi cũng chán. Bỗng một hôm thấy không khí bầu bán hào hứng với cờ quạt, máy phóng thanh, những vận động viên đội mũ quả dưa của chú Sam… bèn bỏ nghề đấm đá, nhào ra ứng cử và trở nên kẻ đứng đầu một tiểu bang nhiệm kỳ bốn năm. Bốn năm nơi xứ Bắc lạnh lùng, tuyết phủ, hàng ngàn vạn cảnh hồ nước mênh mông, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cây cỏ hữu tình… ngài thống đốc làm được gì? Chắc cũng không nổi bật, nên tới 2002 ngài bị kẻ khác giành mất chiếc ghế uy quyền, thơm như múi mít, đẩy lùi cuộc sống trở về lặng lẽ, tối tăm, y như  “thằng bé âm thầm đi vào xóm nhỏ!”
     Ngài cựu thống-đốc bây giờ ở đâu? Bến Hải hay Cà-Mâu? Ôi! bức tranh vân cẩu. Lên voi xuống chó. Lão-Tử viết “ Danh khả danh phi thường danh.” Trong thiên hạ nào dễ mấy ai!  
     Xin tiếp tục chuyện thông ngôn cho trọn ý.
     Không phải sự hợp-tác giữa hai chủng-tộc, hay nói cho đúng là giữa hai cá nhân của hai chủng-tộc, là nhất thiết phải cần thông-ngôn. Hồi đó mấy tên lính viễn chinh xa nhà, khi thảnh thơi, ngóng trời, nhìn cụm mây trắng lững lờ, bồi hồi tưởng lại, chẳng biết con bé tóc vàng hàng xóm, con bé mặc váy ngắn hớ hênh, mang vớ trắng cao tới đầu gối hay thơ thẩn một mình dưới cội ô-liu trước nhà bây giờ ra sao, lòng nhớ quê hương bời bời thì cũng y chang người di tản lúc đầu vậy.
     “Anh Phải Sống”. Mặt khác cô me Tây lảng vảng đâu đó cũng phải sống. Thế là “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.” hai bên, dù chẳng cùng ngôn ngữ, bèn ráp vô, khắng khít như thỏi sắt và cục nam châm, nương tựa nhau cho bớt sầu đời.
     Chẳng cùng ngôn ngữ thì nhằm nhò gì, họ biết phải làm chi và phải đối xử với nhau thế nào chứ! Công thức “Ông mất cái giò, bà thò chai rượu” có tính cách quốc tế, đem áp dụng lúc nào cũng hữu hiệu. Họ có hai vòng tay đầy sức sống. Hai vòng tay ấy chả phải chỉ để ôm nhau thật chặt, ngạt thở, tỏ dấu yêu đương mà còn dùng nói chuyện, rồi bập bẹ vài tiếng, rồi cố gắng ghép hai chữ lại, nửa Pháp nửa Việt cho Pháp Việt đề huề
     Cũng tình tứ, mùi mẫn quá cỡ thợ mộc ấy chứ lỵ! Một hôm cuối tuần, mới sáng tinh mơ, trên tấm thân-thể-bừng-bừng còn khoác chiếc áo ngủ mỏng dính, dài thượt, chị vợ đã thoăn thoắt làm điểm tâm cho chồng ăn, vừa bưng đĩa trứng vừa lẩm bẩm một mình, như hát, như reo “ Ẻn pa cúc cù cu…cu, ẻn săng tê cúc cúc, Y-ê ẻn đon-nê một cục, ô-dua-đuy ốt si một cục, ốp la ốp lết, măng dê ngon ra phết.”. Ăn xong, theo đúng chương trình nỉ non to nhỏ từ đêm hôm qua, hai vợ chồng còn thắng bộ, dắt tay dạo chơi sở thú, đến khu chuồng cọp cô me Tây mừng rỡ kéo tay người lính xa quê hương, vừa chỉ vừa nói líu lo: “Me sừ! me sừ! luý gầm, lúy gừ, lúy com lơ bớp, lúy pa lơ bớp, lúy tý ti dôn, lúy tý ti noa, lúy măng dê cả moa, lúy măng dê cả toa, Ô la la!”
     Chàng lính viễn chinh nghe vậy gật gù, mỉm cười, ngây ngô, sung sướng, song, thử hỏi, người trai trẻ đang ngụp lặn trong hạnh phúc ấy có hay biết gì không nhỉ? Tôi chẳng rõ. Thú thực viết đến đây tôi chỉ e là quý vị độc giả kính mến có hiểu giùm chăng mấy câu nói của cô me Tây đang cơn hào hứng! Tuy nhiên, ví dù, nếu không hiểu cũng đừng kêu tôi nhé! Thay vì kêu tôi, xin gõ cửa tìm hỏi ông Bảo-Trần, tác giả tập thơ Đối Diện Niềm Vui xuất bản năm 1998.
     Ngoài đường ban tối, tối thui,
     Ông đang “Đối Diện Niềm Vui” trong nhà.
     Chả là vì ổng và tôi cư ngụ cùng thành phố. Mấy bữa mò tới thăm ổng, tôi không thích theo lối mới, gọi điện thoại trước. Có gì quan trọng đâu. Cứ phom phom lái xe
     Ô-tô đến nơi, bấm chuông, đi vắng thì về, cửa mở thì vô, sau khi xoa hai bàn tay vào nhau, cười cầu tài, lúm khúm, biểu diễn mầu mè chiếu lệ:
     - Xin lỗi, kẻ phàm phu tục tử này thật đáng trách, đến mà không thông báo, chẳng   hay tiên sinh có bận việc gì chăng?
     Ổng không trả lời, nắm vội lấy tay tôi kéo tuột vào nhà, cho tôi uống cà-phê “3 in 1”, ăn đậu phọng rang, mọi thứ đều sẵn trên bàn cùng phích nước xôi, vui vẻ, thân tình.  Cái màn tiếp đãi khách khứa self service này rất tiện, không cần tiểu đồng, hầu thiếp phục vụ lỉnh kỉnh. (lấy đâu ra tiểu đồng, hầu thiếp bây giờ. Trẻ con đi học, coi TV. Phụ nữ đi làm, đi shopping.) và có lần ổng đã kể tôi nghe mẩu chuyện cười thế đấy! 
     Phạm-Quỳnh viết:” Người An-Nam cái gì cũng cười”. Mẩu chuyện trên đây lại buồn cười! Thế thì mình cứ cười vui cho thoải mái. No star where (Không sao đâu.) Tuy nhiên, mặt khác, những câu nói buồn cười này chưa hẳn đã thật, biết đâu chẳng là hư cấu, mà dù giả hay thật, chắc chắn nó không có gì đáng khinh cả, vậy xin đừng nghĩ  tới lời phê phán khắt khe, miệt thị của ít người: “Tiếng Tây bồi” !
     Từ sau năm 1975, có rất nhiều người Việt bỗng nhiên bỏ cửa bỏ nhà sang sinh sống ở Hoa-kỳ. Tôi nói bỗng nhiên vì cuộc ra đi không dự trù trước. Có ông cụ búi tó củ hành cặp nách cái ô (Mà người phương Tây đặt tên Ầm-bà-là, Đồng bào miền Nam kêu cái dù. Hồi xưa cái ô này được gọi ô máy, theo ông Tú Xương nó chính là cái ô Tây: “Hôm qua anh đến chơi đây, giầy dôn anh diện ô Tây anh cầm”), nói với mấy người đồng hương ngay khi bước xuống sân bay: “Chẳng hiểu tại sao tôi ở đây!”. Một bà già đi một mình, may mắn được ông lão người địa phương “pông so” rước về, chủ nhật nào cũng đưa nhau tới nhà thờ. Đồng hương hỏi “Sao kiếm ngay được ông chồng tốt vậy?”  Bà già trả lời “Thì có biết chi đâu! Ổng bảo gì mình cũng gật đầu nói “yes” nên mới ra cơ sự!”
     Không kể ít người bị love sick, rất nhiều kẻ bị home sick, chưa biết tiếng Anh, bao nhiêu chán nản, bao nhiêu trường hợp, đôi khi cũng gây ra vô số chuyện tức cười về ngôn ngữ vì đâu phải lúc nào cũng có thông ngôn, nhưng được cái, hiếm khi nghe ai phê phán “tiếng Mỹ bồi!” và hẳn tiếng Mỹ bồi cũng có lúc buồn cười lắm, xin miễn kể chỉ vì hầu hết mọi dân đồng cảnh ngộ đều kinh nghiệm, trải qua, chả ít thì nhiều.
     Sau hơn ba chục năm bọn di-tản-buồn chúng tôi, cư ngụ ở Mỹ, bây giờ lại sẩy ra vấn đề mới trong cộng đồng, cũng nan giải: Người mình mà không nói rành tiếng nước ta. Tôi có thằng cháu không chịu cắt tóc ở tiệm có người Việt đứng cầm tông-đơ, lý do giản dị, không ngờ, “nó cứ hỏi hoài bằng tiếng Việt-Nam cháu không biết nói làm sao.” Nếu còn chẳng tin, cứ nghe một số ít các ca-sĩ giới thiệu trước khi hát là đủ. “ Cam ta quy vi. Em xin trinh bay bai Muoi nam tinh cu...” chẳng cần bỏ dấu gì cả y như anh dân-vệ ở Sa-Đéc, gốc Cao-Miên, bắt thằng nhỏ ăn trộm gà, hỏi “Ăn tôm để cua đâu?” (Ăn trộm để của ở đâu?) mà cụ Vương-Hồng-Sển có kể trong sách.
     Thực ra thì mấy danh-ca (Không phải đánh cá) choai choai này đã là Mỹ cả rồi, họ sinh trưởng ở Mỹ mà! Hình dáng là Việt-Nam nhưng nói năng, suy nghĩ, ăn ở y chang như người bản xứ. “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Khả năng biểu diễn tiếng Việt như thế còn là may! Thành ra quan niệm của ông bà, ước ao con cái phải lấy vợ lấy chồng người Việt trở nên lỗi thời cái một. Mà Việt hay Mỹ nay có khác chi! Có khi Mỹ lại ngon lành. Kén chọn, nếu bậc cha mẹ có diễm phúc được kén chọn, thì đôi khi cũng chỉ hài lòng tới ngày đám cưới thôi! 
     Bây giờ, vấn đề chủng tộc chẳng còn mang ý nghĩa quốc gia nữa. Một đội bóng đá của dân Gô-Loa thấp thoáng vài cầu thủ da đen là bình thường, tương tự, trong kỳ Thế vận Hội Olympic 2008 ở Bắc-Kinh, ta thấy một vận động viên tranh giải bóng bàn đại diện cho Hoa-Kỳ là một á-mụi 100 phần 100, đứng trước mũi các vị con thiên tử: tiu, xoáy, vớt, múc, đập, rơ-ve…đua tranh tận tình, tỉnh queo…  no star where!
     Nhưng vấn đề ngôn từ, nói chung, vẫn là quan trọng, rất quan trọng. Ưu tiên tôi nghĩ, nên luôn luôn hãnh diện, đề cao, phổ biến và trau dồi tiếng  mẹ đẻ. “Tiếng ta còn, nước ta còn.”. Mặt khác, càng biết nhiều ngoại ngữ càng tốt, ít nhất đỡ hiểu lầm, đỡ phải thông ngôn mỗi khi tiếp cận.
     Người Tầu ở Chợ-Lớn phần đông biết nói rành tiếng Việt, chẳng trở ngại về sinh-ngữ, khi lấy vợ Việt, vẫn muốn vợ mình học thêm tiếng Trung-Hoa vì còn những trường hợp cần thiết như tiếp xúc các bậc trưởng lão họ hàng. Khổ nỗi, khi lấy nhau rồi, vì gia đình, con cái, công việc, đàn-bà đôi khi làm biếng chuyện học-hành, nhất là lại thấy chả cần thiết. Ngộ ái lị, lị ái ngộ lược dzồi.Nên nếu chồng có nhỏ nhẹ trách yêu thì thường “ngoan cố” trả lời đại khái, bằng một câu nhõng-nhẹo cũng đáng yêu:
            “Từ ngày lấy nhau,
            Nị cứ bảo chẳng chịu học chữ gì,
            Thế sao ngộ lại biết
            Cái “pán-xì” là củ khoai lang!”