Bói Kiều PDF Print E-mail
Tác Giả: Tina Thai   
Thứ Sáu, 24 Tháng 12 Năm 2010 07:21

Để biết vận mạng sắp tới, người ta có đủ “pháp môn”. Từ rắc rối nhứt như độn giáp, tử vi, nhân tướng học, Khổng Minh thần số; đến đơn giản như bói bài, xin xâm, xin keo, và Bói Kiều…

 

Thực ra Bói Kiều cũng không đơn giản chút nào nếu theo sách vở. Cũng vì không đơn giản, nên chúng tôi “đơn giản hoá” theo cách chúng tôi: Để ngay ngắn cuốn Kiều trước mặt rồi chấp tay thành tâm khấn nguyện cụ Tiên Điền, xưng tên họ, bày tỏ điều muốn biết ở tương lai, hay gì gì đó…, nói gì cũng được, nhưng câu cuối phải là: “Con xin chọn hai dòng... (thí dụ như dòng 11, 12, chẳng hạn) từ trên đếm xuống (hay từ dưới đếm lên, tuỳ thích), xin cụ chứng minh.”

Rồi người muốn bói, dùng ngón tay cái “rẹt, rẹt” vào những trang kiều như “bác thằng bần” “rẹt, rẹt” bài vậy! Xong bấm vào một chỗ tuỳ thích, rồi đếm số dòng mà đã “nguyện” lúc nãy( ví dụ dòng 11, 12). Việc cuối cùng là đọc lên hai dóng đó, tức hai câu lục bát, cho mọi người cùng “bàn”!

“Bàn Kiều” vốn cùng huyết thống với “bàn xâm”, “bàn số đề”. Nó lắt léo như cái lưỡi không xương của “thầy bàn”, và rất đúng sau khi… đã có kết quả!

Phương pháp Bói Kiều của chúng tôi đơn giản như vậy! Không cần âm dương ngũ hành, không cần thái cực lưỡng nghi mà dúng phong phóc(!). Xin kể ra đây những linh nghiệm có thể nói là vô cùng. (còn những lần trót lớt xin ém lại!).

Trong bọn chúng tôi Tâm Cận là người “chế ra” lối bói Kiều nầy, và cũng là người… “khai bói” đầu tiên. Số là một lần nó bị mất cái bóp, trong đó chứa nhiều giấy tờ tuỳ thân, mà quan trọng nhất là giấy hoãn dịch (tạm hoãn nhập ngũ), tờ giấy tối quan trọng của thanh niên trước năm 1975. mất nó, thì mặt thất thần, nhăn nhó chẳng khác “mặt mất sổ gạo” thời bao cấp! Bí quá, nó bèn “Bói Kiều” như nói ở trên, và được cụ Tiên Điền phán; nó đọc:

“Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu!”

Cả bọn trong phòng trọ cười rần:

- Đúng rồi! Đúng rồi! Hay quá! Mất tiêu thiệt rồi!

Một “thầy bàn”:

- Mầy nhớ lại coi mầy có chui chỗ nào rậm rạp, mà kế bên có khe nước không?

Lại cười rần, “thầy bàn” đạo mạo:

- Nghĩ bậy! Ý tao nói nó có làm rớt ở lùm cây nào gần bờ hồ, bờ ao gì không?

Như được chỉ điểm, Tâm Cân không nói không rằng, vội lấy xe, hấp tấp đạp đi. Khi về, trình cái bóp cho mọi người xem với vẻ mặt tươi rói. Cả bọn lao nhao:

- Đâu vậy? Đâu vậy? Hay quá ta!

Tâm Cận, vừa thở, vừa nói, vừa cười toe toét:

- Ngay chóc chỗ bụi rậm và… kế bên vũng nước… tiểu!

Cả bọn cười lăn:

- May mắn là không có cha nào “tiểu đường” ngay đó như mầy!

Tiếng lành đồn… sang các phòng bên. Quyển Kiều của Tâm Cận trở thành bảo bối! Sau nó “làm giá”, bảo ai muốn mượn thì phải nói cho mọi người đều biết, muốn bói chuyện gì thì nó mới cho mượn! Thâm tâm nó muốn ai cũng biết, để “bàn” cho vui. Thực lòng chúng tôi cũng không tin lắm, phần lớn là tìm chút an ủi, và mua vui cho đở nhớ quê, nhớ cha mẹ. Thế mà phần nhiều “quẻ” lại trúng bon! (thực ra như là “xấp ngữa” - một trên hai, nhưng nhờ “bàn”, nên mọi việc đều ứng nghiệm sau chuyện đã rồi; cũng như “bàn” số đề: “Xời ơi! Nằm chiêm bao ngay chóc, mà lại không mua!”. Đám con gái ca tụng hết lời, rủ rê thêm nhiều tín hữu, và: “Quyển Kiều của thằng Tâm Cận mới linh!”

Sự ứng nghiệm không sao kể hết, và cũng không thể nhớ hết trong mấy năm đại học. Duy có một lần, mà trong bọn chúng tôi chắc ít ai quên:

Dung Vẹo và Hà Chằn từ cuối dãy, xâm xâm vào phòng chúng tôi. Đã biết “luật chơi”, Dung Vẹo vẹo:

- Anh Tâm làm ơn cho em mượn quyển Kiều, để em coi tình duyên ra sao. Hì, hì!!

Sau khi làm xong thủ tục đầu tiên, cuối cùng cụ Tiên Điền phán:

“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà,
Dày dày đúc sẵn một toà thiên nhiên”

Dung vẹo đỏ mặt:

- Sao kỳ vậy nè? Lạc quẻ rồi! Lạc rồi!

Một “thầy bàn”:

- Sao lại lạc? Đúng bon bon rồi còn gì? Nè! Tình duyên thì phải có trước, có sau. Trước “như vậy” thì trúng quá rồi. Hi, hi…xin lại quẻ nữa cho biết tương lai đi!

Dung Vẹo nghe theo, xin lại lần hai:

“Thôi rồi một đoá trà mi…”

Dung Vẹo ngưng đọc, mặt úa như chiếc lá. cả phòng cười rần, bởi ai cũng biết câu sau là:

“Con ong đã rõ đường đi lối về!”

Dung vẹo rơi nước mắt, nghẹn ngào: “Oan cho tôi, sai rồi”. Trong phòng ai cũng ân hận, im lặng. Hà chằn tức giận:

- Để tôi! Tôi xin một quẻ, cũng tình duyên đó. Chọn hai câu đầu trang nghen.

Rồi bài bản khấn vái, trang Kiều lật ra, đột nhiên Hà chằn gấp lại mạnh, rồi “vèo” một cái về quyển truyện về tay Tâm Cận, Hà vừa lôi tay Dung Vẹo, vừa bước nhanh ra cửa, vừa nói:

- Bá láp! Về Dung!

Cả phòng ngơ ngẩn, không biết cụ Tiên Điền phán thế nào mà Hà Chằn giận đến như vậy? Mấy ngày sau chúng tôi mới biết, đó là:

“Nước vỏ lựu, máu mào gà,
...”

Quẻ của Hà Chằn, là quẻ cuối cùng của niên khoá ấy!