Home Phiếm Các Tác Giả Một Phút Yếu Lòng

Một Phút Yếu Lòng PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Khải   
Thứ Tư, 06 Tháng 7 Năm 2011 20:26

Cuộc đời như dường lúc nào cũng khó hiểu. Các diễn tiến đôi khi nằm ngoài suy đoán của chúng ta, dẫn tới những ngã rẽ có thể làm thay đổi định mệnh của một dân tộc, của một đời người.



Thí dụ như bức công hàm 1958 của Thủ Tướng Miền Bắc VN Phạm Văn Đồng, khi công nhận tầm lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Chuyện này thấy ngay là “lỗi hệ thống,” bởi vì sẽ không bao giờ có chuyện đó xảy ra tại Miền Nam VN hay ở các nước có một nền dân chủ dù là chưa hoàn chỉnh.

Thậm chí cũng không thể xảy ra tại đất nước rất nhỏ như Cam Bốt: chỉ cần vài cây cọc biên giới cắm lệch ở Châu Đốc cũng có một lãnh tụ đảng đối lập tới biểu diễn màn nhổ cọc và kết tội Thủ Tướng Hun Sen đã quá nhượng bộ VN. Ngay cả khi tranh chấp biên giới ở ngôi đền cổ Preah Vihear, chính phủ Cam Bốt sẵn sàng cứng rắn với chính phủ Thái Lan tức khắc. Trong khi đó, cả một vùng biển mênh mông, sau khi ông Phạm Văn Đồng ký vào công hàm xong, cả Miền Bắc im lặng, vâng lời, và bây giờ hệ lụy dai dẳng tới giờ:

Đảng CSVN há miệng mắc quai, cho im luôn, không dám nhắc gì tới bản công hàm, chỉ cho các học giả bàn như chuyện bên lề thôi.
Một định mệnh khó hiểu cũng vừa xảy ra cho dân tộc Pháp, cho dân tộc Hy Lạp khi chính khách Dominique Strauss-Kahn (viết tắt DSK) bị cảnh sát Mỹ bắt, đưa ra truy tố về tội hiếp dâm một cô hầu phòng. Cả nước Pháp đều biết DSK là người lẳng lơ, tự ông cũng biết mình như thế và đã từng cảnh giác là có thể bị các chính khách đối thủ gài bẫy. DSK có nhiều kẻ thù, ông cũng tự biết như thế. Thù gần có thể đoán rằng, đó là Tổng Thống Pháp đương nhiệm, người lo sợ kỳ bầu cử sắp tới sẽ bị DSK đạị diện cho cánh tả ra tranh ghế, mà thăm dò cho thấy DSK nhiều phần sẽ thắng. Thù xa có thể sẽ là giới tài chánh Mỹ, vì DSK từng nhiều lần đề nghị sử dụng đồng tiền Liên Hiệp Quốc cho ổn định thương mại toàn cầu, đòi dẹp quách đồng đôla Mỹ vì cứ trồi sụt làm biến động các nước nghèo.

Lúc đầu, nhiều người đoán rằng Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy trong sự quen biết với giới an ninh New York, có thể sẽ nhờ an ninh New York gài bẫy. Nhưng giả thuyết này tới nay thấy như dường không đứng vững, vì bản thân cô hầu phòng không có sự chững chạc của một nữ điệp vụ “bông hồng đỏ Bắc Kinh,” mà lại là một cô dính nhiều tới hình sự. Và như thế, giả thuyết an ninh Mỹ  gây khó dễ cũng không thành.

Những câu chuyện liên hệ dần dần hiển lộ ra như các màn kịch gay cấn. Cô hầu phòng 32 tuổi lúc đầu được báo Mỹ mô tả là một quả phụ, một nữ tín đồ Hồi Giáo thuần thành đang đơn độc nuôi một cô con gái, và là một nhân viên khách sạn gương mẫu. Nhưng rồi bây giờ công  tố mới tá hỏa, khám phá rằng cô là một người dính tới chuyện rửa tiền, bản thân cô từng là một người bán ma túy, hiện kết hôn với một kẻ buôn ma túy trong tù, đang sống trong một chung cư giành cho người bệnh AIDS mà bản thân cô không có bệnh này,  lại có tội khai gian (trong đơn xin di trú trong hồ sơ INS), lừa gạt, bán dâm... Nghĩa là, câu chuyện có đủ thứ yếu tố để biến thành một kịch bản phim điện ảnh tuyệt vời.

Ngày 30-6-2011, báo New York Times nói rằng hồ sơ truy tố DSK sắp sụp đổ, vì cô hầu phòng không còn làm ai tin được về chuyện cô bị DSK hiếp dâm. Nguồn tin từ cảnh sát New York nói rằng cô nói dối liên tục với cảnh sát từ khi làm lời khai ban đầu. Những thành phần liên hệ trong vụ án đang bàn về chuyện xóa sổ các truy tố hình sự. Công tố còn tiết lộ rằng cô hầu phòng thú nhận rằng cô đã nói dối với đạị bồi thẩm về chuyện này.

Điều bi thảm là các chuyện lẽ ra không nên xảy ra. DSK bị bắt vào ngày 15-5-2011. Theo dự kiến lúc đó, vài ngàỳ sau, DSK  tính đưa ra những giải pháp êm dịu hơn cho các khoản nợ của Hy Lạp, êm dịu hơn các giải pháp do Quỹ Tiền Tệ IMF đưa ra mới đây. Nghĩa là, nếu DSK cho tái cấu trúc nợ Hy Lạp, hay cho thêm tiền từ IMF cho Hy Lạp vay với điều kiện mới, có thể đã giảm những cuộc biểu tình ở Hy Lạp, giảm những đợt sa thải công chức và giảm các chính sách gay gắt khác... Không chỉ đối với dân tộc Hy Lạp, DSK bị bắt đã đẩy lịch sử Pháp sang ngã rẽ mới, mới vì người ta tin rằng DSK sẽ trở thành Tổng Thống Pháp tương lai, và dự kiến hơn 60% dân Pháp sẽ bầu cho DSK. Riêng đối với cư dân thành phố Sarcelles, một ngoại ô kế cận Paris, nơi DSK từng là Thị Trưởng và được dân yêu thích tới nỗi hầu hết cư dân Sarcelles không tin rằng người lịch thiệp DSK lại có thể hiếp dâm cô hầu phòng trong khách sạn Sofitel New York Hotel cho dù rằng họ biết DSK vốn là lẳng lơ với phụ nữ. Truyền thoông dân Pháp là không đánh phụ nữ dù bằng một cánh bông hồng, và họ tin nhà trí thức cánh tả DSK là một điển hình trai lơ tuyệt vời, chứ không thể là kẻ hung bạo.

Thế nhưng chỉ vì cầm lòng chẳng đặng mà bị cô hầu phòng mời gọi sex, kéo vào chuyện không đâu vào đâu. Cô đã ảnh hưởng tới số mệnh của nhiều triệu người tại Hy Lạp và Pháp.

Không chỉ như thế, cô cũng đã gây tranh cãi, bất hòa trong văn phòng các công tố viên ở Manhattan. Báo New York Post nói rằng các công tố biết ngay rằng cô đã nói dối khi tố cáo DSK hiếp dâm, nhưng các ông sếp lớn lại không chịu nghe.

Hai chuyên gia về tội phạm sex trong hồ sơ DSK ngay từ đầu đã nghi là không phải như thế, nhưng hai chuyên gia này bị gạt ra ngoài cuộc điều tra liền. Lisa Friel, lúc đó là Trưởng Phòng Tội Hình Sự Về Sex của Phòng Công Tố Manhattan và một điều tra viên thâm niên khác cùng đơn vị đã bị đẩy ra ngoài hồ sơ này, để thay vào đó là các công tố viên tay mơ, kém kinh nghiệm để  đưa hồ sơ lên đạị bồi thẩm đoàn. Lúc đó, bà Friel thấy hồ sơ đã hở rồi, và đã cãi lớn tiếng dữ dội với công tố Ann Prunty, người không ở trong đơn vị này nhưng được gọi là “chủ tịch thứ nhì” trong bàn công tố. Bây giờ thì bà Friel nói dự định rời chức vụ Trưởng Phòng vào ngày 1-9-2011.
Joan Illuzzi-Orbon, một công tố  chưa có bao nhiêu kinh nghiệm về tội hình sự sex, được cấp trên đưa thêm vào ban công tố và rồi chỉ huy hồ sơ này. Theo chỉ thị của Phó Biện Lý Dan Alonso, các công tố tập trung tìm tội lỗi của DSK; và cũng chính Alonso là người chỉ thị dẹp bà Lisa Friel, Trưởng Phòng Tội Hình Sự Về Sex, sang một bên.
Bây giờ thì tình hình theo New York Post, cô hầu phòng khi bước vào phòng DSK đã biết ngay đây là một quan lớn quốc tế, và cô muốn làm tiền.

Cô nghĩ rằng DSK là mỏ vàng. Theo báo NYP,  cô thường xuyên bán dâm cho các khách ở khách sạn này. Vào sáng ngày 14-5-2011, cô vào phòng của DSK để dọn dẹp sạch sẽ, và thực hiện khẩu dâm nơi DSK.

Các nguồn tin nói với NYP rằng sau khi thực hiện hành vi sex xong, cô xin tiền của DSK. Nhưng DSK không chịu chi tiền, theo nguồn tin từ giới luật sư cho báo NYP biết. Nhưng trong khi DSK thay quần áo, cô vẫn đứng trong phòng tới 9 phút đồng hồ, theo bản khai công tố.

Thế là cô nổi giận xông vào tấn công. Luật sư cuả cô nói DSK giận dữ bóp người cô, gây ra mấy vết bầm nơi các chỗ tế nhị. DSK vội vã biến đi, rời khách sạn và bỏ quên một điện thoại di động.

Vấn đề là, các lời khai của cô nhiều lần mâu thuẫn nhau, từ diễn tiến câu chuyện, từ đầu cho tới khi cô chạy ra hành lang lầu 28 của khách sạn, chờ cho tới khi thấy DSK vào một thang máy, rồi cô sang phòng kế bên dọn dẹp, và rồi dọn phòng của DSK trước khi gặp người quản  lý khách sạn để báo cáo rằng DSK đã hiếp dâm cô.

Tại sao DSK nói rằng DSK không cho cô tiền? Chúng ta có thể tin rằng, chắc chắn DSK đã  cho cô tiền nhưng không nhiều như cô mong đợi. Và DSK không thể khai trước tòa là có cho cô tiền, vì như thế sẽ bị tòa Mỹ kết tội mua dâm, thà là nói đồng thuận và nói là keo kiệt thì sẽ không bị tội gì hết. Vì đồng thuận sex là vô tội, nhưng mua bán sex lại là có tội.

Câu chuyện còn nhiều kịch tính nữa, kể cả sau khi chuyện cô nói dối vỡ lỡ. Cô hiện nay được công tố cho ở một khách sạn ở Brooklyn trong thời gian tòa truy  tố và xử DSK, và tiền khách sạn là tiền chính phủ Mỹ. Một nguồn tin từ phía công tố cho biết thêm chuyện nhức nhối này, trong các tuần lễ gần đây, trong khi cô cư ngụ ở khách sạn bằng tiền Biện Lý, thì  có nhiều bạn trai lạ tới thăm; họ là các vị khách đàn ông tới gặp cô -- đủ loại khác nhau, từ những người khách thượng lưu cô từng quen ở Sofitel cho tới các bác taxi đời thường... Nghĩa là, cô bán dâm ngay trước mũi các công tố viên, và tiền phòng do chính công tố trả. Mà không bắt tội cô bán dâm được, vì trên nguyên tắc, cô đón tiếp đủ loại các bạn trai trong phòng cô.

Lý do công tố phảỉ thuê phòng để cô ở riêng, là để cho phe của DSK  không bơm tiền để cô đổi lời khai hay là xin rút đơn tố giác tội hiếp dâm. Nhưng công tố lại trở thành những người tạo cơ hội cho cô có phòng riêng để bán dâm, theo NYP.

Hồ sơ DSK sắp bế mạc. Nhưng định mệnh của Hy Lạp và Pháp đã sang ngã rẽ mới. Than ôi, chỉ có vài phút “cảm xúc thịt da” thôi, mà bao nhiêu là sóng gió cho Châu Âu.
Tương tự, chỉ có một “cảm xúc không ngăn nổi về tình đồng chí XHCN” mà ông Phạm Văn Đồng đã ký lên bản công hàm 1958, mà bây giờ đất nước VN như chỉ mành treo chuông.  Hay có phải, lúc đó, bên cạnh ông Đồng đã có một “bông hồng đỏ Bắc Kinh” nào lả lơi chăng?

Một phút yếu lòng, đã dẫn tới ngàn thu di hận.