Home Phiếm Các Tác Giả Vài Câu Hỏi Thực Tế Lúc Về Hưu

Vài Câu Hỏi Thực Tế Lúc Về Hưu PDF Print E-mail
Tác Giả: Dương thị Tiến   
Chúa Nhật, 04 Tháng 9 Năm 2011 18:01

Đường mây rộng thênh thênh cử bộ, Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo

 

Phần đông chúng ta, những cựu sinh viên Luật khoa của Sàigòn- Huế-Cần Thơ, đã hoặc đang đứng trước ngưỡng cửa hưu trí.

Hai tiếng “về hưu” thoạt đầu thường tạo cho chúng ta một ấn tượng tốt đẹp, một cảm giác nhẹ nhõm: Chúng ta đã làm xong nhiệm vụ, đã góp phần cùng xã hội, đã nỗ lực “bon chen” với đời, những trách nhiệm như xây dựng gia đình, chăm nuôi con cái kể như tạm xong, nay đến lúc về vườn, lúc được thanh thản, hưởng nhàn, như cụ Nguyễn Công Trứ từng ngâm nga:

''Đường mây rộng thênh thênh cử bộ, Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo . .”

Qua cảm giác lâng lâng, sảng khóai lúc đầu, tuổi về hưu luôn dẫn chúng ta đến những câu hỏi căn bản mà lạ lùng thay, với bản tính “liều”, “lì” (1), người Việt chúng ta thường ít khi “trực diện” trả lời!

Câu hỏi liên quan đến sự ra đi: Đã bắt đầu về hưu cũng là khi bắt đầu “già”, thời gian về với ông bà không xa, vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Nếu tôi chết, chuyện gì sẽ xẩy ra?”.

- Việc đầu tiên gia đình ta phải lo là đám tang: Ai sẽ trả chi phí đám tang? (Trung bình 15 ngàn) - Muốn thiêu hay chôn?

Nếu chôn: đã có đất chưa?

- Nếu thiêu: để tro ở đâu?, . .

Số tiền dùng vào việc này (thí dụ 15 ngàn) chúng ta có sẵn chưa? Và giữ ở chỗ an toàn, bất khả xâm phạm không?. Có người có đồng nào cũng cho con cho cháu, cho VN, hay đầu tư vào nhà đất hết, lúc chuyện xẩy ra, gia đình thật lúng túng.

Con cháu dù có khá nhưng không phải lúc nào họ cũng sẵn tiền mặt, chưa kể có thể gây bất đồng cho chúng (đứa bỏ nhiều đứa chi ít . . ).

Hơn nữa, đây là “việc riêng” của chúng ta không nên để người khác phải bận tâm.

Nuớc mắt chảy xuôi: chúng ta cho con cháu gì cũng được nhưng đến phiên chúng chi cho ta, khó khăn hơn nhiều! - Một số người mua bảo hiểm chỉ để riêng lo cho phần chi phí này: “the final expenses”, khoảng 25 ngàn, để khỏi phải khám sức khỏe. Có người gia nhập các hội già, hội tương tế. Trường hợp này ta cần để ý đến hai điều:

1) Phải chắc 30 năm sau hội vẫn còn.

2) Hội có những người trẻ hơn mình gia nhâp (tránh trường hợp không còn người đóng cho mình). - Sau mối bận tâm về chi phí đám tang, ta cũng phải tự hỏi: “Chuyện gì xẩy ra cho những người còn lại?”.

Đối với người phối ngẫu, và những đứa con tin tưởng được, cần cho họ biết chỗ nào chúng ta lưu giữ những tin tức về tài chánh (như các trương mục ngân hàng, những chỗ đầu tư, quỹ hưu bổng, . . ).

Ai cũng cần có ít nhất một bản chúc thư (will), những người sở hữu bất động sản, tốt nhất nên thiết lập “living trust” (để tránh thuế và chi phí toà án cho người thụ hưởng).

Chỗ ở tuổi về hưu: Một vấn đề thiết thực theo sau câu hỏi “nếu một mai anh sẽ qua đời” là:

Về hưu chúng ta nên ở đâu? Dĩ nhiên giai đoạn muốn có nhà lớn, nhà sang đã qua, nay là lúc cần ở sao cho gọn, cho tiện.

Ngay cả trường hợp chúng ta không còn phải trả nợ ngân hàng nữa, chúng ta cũng không nên tiếp tục ở những căn nhà bạc triệu để hàng năm phải chi ra cả chục ngàn tiền thuế!

Ngay cả tiền bảo hiểm, điện nước cũng đắt hơn. Chưa kể ở “nhà cao cửa rộng” mà đầu gối chúng ta lỏng rồi, đi đứng sẽ khó khăn, hai vợ chồng người trên lầu người dưới nhà, có chuyện gì người kia không biết.

Lại nữa, càng ở Mỹ lâu, con cái càng ít muốn ở chung với cha mẹ, chúng nó muốn có tự do riêng, có “privacy” của chúng. Mà chúng ta cũng vậy, trừ trường hợp bất đắc dĩ, chúng ta cũng không muốn ở chung với con khi họ đã có gia đình.

Nếu ở gần, hằng ngày đi lại - rất tốt, nhưng sống chung với nhau “rắc rối cuộc đời sẽ xẩy ra”: các cụ bảo: “càng già càng khó tính thậm chí còn trái tính!”.

Nhìn cảnh thằng rể nằm phè uống bia trong khi con gái rượu của mình lúi húi lau nhà, hoặc thấy thằng con cưng cặm cụi rửa chén cho con vợ nó ông ổng hát karoké, chúng ta sẽ rất khó chịu.

Có người đã bán hay cho thuê căn nhà trên núi để về ở khu gần chợ, gần quán, gần nhà thờ hay chùa và gần . . bến xe bus. Những căn nhà thấy tệ vậy chứ khi ta vào thay nền, trần, bếp, phòng tắm, rồi sơn phết lại thấy cũng sạch sẽ . . như mới.

Dùng số tiền dư từ việc bán hay cho mướn nhà vào những việc công ích hơn (là trả thuế cho Obama để bà Michelle mướn tới 24 người giúp việc!).

Vài điều phòng xa nên làm: Thời đại chúng ta, khi về hưu ta biết chắc hai điều:

1) Đủ 65 tuổi được hưởng bảo hiểm sức khoẻ (medicare) do chính phủ trả, và

2) Đủ 66 tuổi (nếu sinh từ 1943 - 1954) được lãnh hưu trí toàn phần (full social security benefit). Cả hai món tiền này đều do nhà nước trả lại cho chúng ta, vì họ đã khấu trừ vào lợi tức chúng ta từ trước.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán: hai quyền lợi này sẽ biến mất vào năm 2050. Vào tuổi chúng ta, sự kiện này nếu thực sự xẩy ra, chúng ta cũng không còn để bận tâm.

Tuy nhiên có vài điều chúng ta phải để ý tới như: - Ai sẽ thay thế chúng ta nếu khả năng quyết định của chúng ta không còn (nôm na: Khi ta “lú lẫn”).

Thí dụ khi chúng ta không còn sáng suất để có những quyết định về tài chánh, ngay cả trả bills cũng lẫn lộn, lúc đó chúng ta cần một người than, đủ tín cẩn trong vai trò “thụ ủy pháp lý” (durable power of attorney), giúp chúng ta quản lý tài sản.

- Bên cạnh vấn đề quản lý tiền bạc, chúng ta còn cần đặt sẵn một người có khả năng và trách nhiệm giúp chúng ta trong những quyết định về sức khỏe, (health-care proxy), trong trường hợp ta không thể tự mình làm được việc này.

Trên đây chỉ là một số vấn đề liên quan đến tuổi về hưu, tôi thâu luợm qua sách vở và qua quan sát những người chung quanh. Chính bản thân tôi chưa có kinh nghiệm vì phải mấy năm nữa mới dám cho phép mình về hưu, nên những điều trên đây rất thiếu sót.

Tôi chỉ mong mang ra như một đề tài để phe “tuổi vàng” (golden age) có dịp suy nghĩ và thảo luận

_________________________________________________________________ (1) Người Việt chúng ta nổi tiếng liều và lì. “Liều” khi hằng mấy trăm ngàn người thi nhau nhào xuống biển, vượt đại dương trên những con thuyền ọp ẹp mỏng manh. Và còn hình ảnh nào “lì” hơn cảnh những người vợ địa phương quân leo lên tháp canh để cùng chồng “tử thủ” trong những ngày cuối tháng Tư Đen.