Mách Lẻo… |
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý Đức | ||||
Thứ Tư, 20 Tháng 6 Năm 2012 08:37 | ||||
Cách ngôn Tây Ban Nha nhắn nhủ “ Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn.” Theo tự điển Việt Nam, “Mách là nói cho người khác biết điều gì; Lẻo là nhanh mồm miệng nhưng không thật. Mách lẻo là bàn tán chuyện riêng tư của người khác với người nọ người kia, gây nghi kị mất đoàn kết”. Ở quê hưong mình ngày nay có nhóm chữ “Buôn Dưa Lê” cũng để chỉ hành động này. Đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư, thấy có bài viết: “Anh Nhị nghỉ học một ngày. Hôm sau đến trường nói dối thầy rằng: “Hôm qua con sốt, không đi học được”. Nghiêm ngồi ở cuối lớp, muốn làm cho Nhị phải phạt, đứng dậy mách:” Thưa thầy, anh Nhị nói dối đấy ạ, hôm qua con trông thấy anh ấy đi câu với một người ở bờ sông.” Thầy giáo ngoảnh lại mắng Nghiêm: “Tao có hỏi mày đâu, mà mày nói? Thằng Nhị nói dối, có tội đã đành, nhưng mày mách lẻo như thế thì mày là đứa vô hạnh”. Cả lớp nhìn Nghiêm ra dáng khinh bỉ lắm. Nghiêm thẹn đỏ mặt, cúi gầm đầu xuống”. Tác giả kết luận: “Đứa trẻ hay mách lẻo làm cho anh em bạn phải phạt là đứa trẻ bụng dạ hèn mạt, làm điều đáng khinh bỉ. Ta không nên mách lẻo”. Cách ngôn Tây Ban Nha nhắn nhủ “ Ai mách lẻo với bạn thì họ cũng mách lẻo về bạn.” Học từ Thánh Ca 101:5: “Nói sai sự thực có chủ ý làm hại thanh danh người khác là kẻ mách lẻo- Thượng Đế rất buồn lòng đối với kẻ nói xấu sau lưng người khác”.- Ngũ Giới là cơ bản đạo đức của Phật tử với điều Bốn: Không Nói Dối, nói trái với sự thật để hại người, mưu cầu lợi cho mình. Nói như thế là mất lòng nhân, không xứng đáng là một Phật tử. Ấy vậy mà tại sao người ta hay buôn dưa lê, đưa chuyện nhỉ?. Các nhà tâm lý, xã hội học đã tìm hiểu về tật này, để coi tại sao hay lan truyền, tại sao có người thích nghe. Phải chăng đó là một thứ dầu bôi trơn các thành phần trong xã hội khi giao tiếp; hoặc vì thế nhân bận bịu ít gặp nhau thì cũng tò mò muốn biết xem người kia ra sao, có gì mới lạ không. Theo Mark Twain: “Cần hai người để làm tổn thương trái tim của ta: người lén lút nói xấu ta và người thuật lại hành động đó với ta”. Nếu ai đó hỏi có biết X nói gì về mình, hãy can đảm trả lời: không biết và cũng không muốn nghe kể lại. Làm được như vậy thì đời ta thanh thản mà cũng cho kẻ đó hay ta không muốn nghe chuyện thị phi tào lao. Cây ngay không sợ chết đứng. Và xin dành quyền phán xét cho Thượng Đế.
|