Mỹ đi rồi Mỹ lại về, ... Con Hồng, cháu Lạc lộn mề đạp xe.
|
Hải cảng Cam Ranh |
Đêm – năm 1991 hay 1992 – vợ chồng anh bạn Việt kiều về thăm Sài Gòn, đãi bữa Chả Cá. Chưa say, mới sương sương, nghe anh bạn nói: “Tiếc cho mày. Mày mà sang được, có vốn Ăng-lê , mày dễ sống. Kẹt lại tù đày. Khổ… Tù tất cả mấy năm?”
Bạn trước 1975 là giáo viên, thích văn nghệ, văn gừng, làm thơ, viết truyện. Anh không nổi danh. Sau 1975, anh sống rầu rĩ kiếp gà què kẹt giỏ như tôi, như 3 triệu người Sài Gòn. Năm 1980 anh vượt biên, may mắn đi thoát cả vợ con. Qua xứ người vài năm, vợ anh qua đời. Anh được một phụ nữ yêu, lấy làm chồng. Chị này đi được trước Ngày Oan Nghiệt. Có tài kinh doanh, chỉ năm, bẩy năm, chị có tài sản, chị chịu chi, chị chiều anh chồng đẹp trai, nhẩy giỏi, bay bướm. Anh chồng chị hưởng cả người lẫn của, sắc và tiền. Nay anh là Việt Kiều về thăm quê hương. Mày râu nhẵn nụi, áo quần bảnh bao. Anh được nhiều người đón tiếp niềm nở, trọng vọng. Anh đẻ bọc điều.
Chợt anh hỏi tôi: “Tiếng Mỹ của mày còn khá không? Hay lâu không nói quên mẹ nó rồi. Tao thấy nhiều thằng trước 75 tao tưởng tiếng Mỹ cừ lắm. Qua bển dzở ẹt. Ăng-le Mít của mấy ảnh không sài được.”
Phó Tổng Thống Lyndon B. Johnson ngồi xích-lô ở Sài Gòn năm 1961. Ảnh ghi tại đường Võ Di Nguy, trước Toà Đại Sứ Hoa Kỳ năm ấy.
Từ Ngày 30 Tháng Tư 1975 đến nay – Đêm Sài Gòn 1991 – tôi không nói qua một câu tiếng Mỹ nào. Trước ánh mắt thương hại của người Nữ Việt kiều, – Nàng là độc giả của tôi – tôi ngậm ngùi: “Mười lăm năm tao không sài tiếng Mỹ. Chắc quên nhiều. Văn ôn, võ luyện. Nhưng bây giờ quẳng tao vào Paris, ba tháng tao đấu Phăng-xe như máy, ném tao vào Mỹ, ba tháng tao nói tiếng Mỹ như gió.”
Đêm tôi nói câu trên ở Sài Gòn, tôi tưởng như thế. Nhưng đó là chuyện tôi tưởng bở. Đêm nay ở Xứ Kỳ Hoa, trời Virginia vào Hạ, cây lá xanh um, tôi đã sống trên Xứ Mỹ 17 năm. Cùng với tuổi tác, răng tôi, tóc tôi rụng, mắt tôi mờ, tai tôi lãng, lưỡi tôi cứng, trí nhớ của tôi mòn rỉ, rã vụn, số vốn tiếng Mỹ Ăn Đong English for Tonight của tôi càng ngày càng toi tóp. Tôi nói tiếng Mỹ nguời Mỹ nghe không biết tôi nói gì, người Mỹ nói gì tôi không hiểu. Xem movie, xem phim thời sự TiVi, tôi không nghe tiếng người nói, tôi toàn đọc caption: phụ đề chữ Mỹ.
Chủ nhật, 7 giờ sáng 3 Tháng 6, tôi xem TV Đài Fox. Đài loan tin Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đến Vịnh Cam Ranh. Tôi thấy hàng chữ sub-title: “Cameron Bay in Vietnam…” Hai, ba lần hàng chữ “Cameron Bay” hiện lên. Mù tịt về kỹ thuật làm caption, tôi chắc người Anchor Đài Fox nói tiếng “Cam Ranh Bay: Camerenh Bay”, máy chuyển âm “Camerenh “thành “Camreron.”
Trong số vài chục triệu người xem Đài Fox lúc ấy chắc chỉ có mình tôi – Người Lưu Vong Già, tóc không còn bạc – Tóc Argenté hào hoa thửơ nào, 1960 mà xa như tiền kiếp – nay tóc rụng ráo trọi, bộ mặt cằn cỗi in hằn những vết roi đời – thấy và théc méc vì hàng chữ “Cameron Bay in Vietnam.”
Và tôi nhớ Cam Ranh.
Đọc những hồi ký của các ông Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, tôi biết chuyện những năm 1905, 1906, có một, hai chiếc tầu biển Nga – năm đó bọn Lê-nin, Sít-ta-lin chưa đóng gông xiềng Liềm Buá lên cổ dân Nga – tầu biển Nga chắc là tầu buôn, tầu chở hàng, gặp bão ngoài biển, ghé vào Vịnh Cam Ranh để sưả. Các ông Huỳnh, Phan làm chuyến đi vào Nam đi qua Cam Ranh có ghé lên tầu Nga thăm tầu. Các ông được Quan Tầu Nga tiếp đón.
Những ngày như lá, tháng như mây.. Quân đội Mỹ vào Nam Việt Nam, trong một sớm, một chiều Mỹ làm bán đảo Cam Ranh thành một căn cứ chuyển vận lớn ở Đông Nam Á. Tầu bay, tầu biển Mỹ tấp nập đến Cam Ranh. Bến tầu liền với phi trường. Tầu biển vào Căn Cứ Cam Ranh thì dễ rồi, một đường bay dài cho phi cơ phản lực xuống lên được đặt cạnh bến tầu biển.
Sau Tết Mậu Thân, Quý, bạn tôi từ thời chúng tôi 10 tuổi ở Hà Đông, đến làm ăn ở Cam Ranh. Người Sài Gòn, Phi, Nam Hàn đến Cam Ranh đông vô số kể. Tất cả làm những dịch vụ phục vụ người Mỹ trong căn cứ. Như dịch vụ thầu giặt ủi quân phục, mở Nhà Hớt Tóc, Nhà Tắm Hơi Mát-sa, Thầu Đổ Rác, thầu làm bánh mì, đóng đồ gửi về Mỹ, thầu quét dọn văn phòng, đường xá, thông ống cống vv.
Quý được một ông Mỹ cho làm Trưởng Phòng Dịch Vụ có tên là Zénith. Nghe nói Zenith ký hợp đồng phục vụ Tầu Biển Mỹ ở khắp những hải cảng Đông Nam Á Châu. Zenith làm ba việc chính: 1. Cung cấp nước sông lên tầu để làm nguội máy tầu. Nước sông chở bằng thuyền máy dùng máy bơm bơm lên tầu không phải để uống mà để làm nguội máy tầu. 2. Lấy thư của tầu ở Nhà Post Mỹ trong căn cứ đem lên tầu, lấy thư trên tầu đem về Nhà Post Mỹ. 3. Đưa người bệnh trên tầu xuống Quân Y Viện trong căn cứ, đưa trả người bệnh về tầu.
Sau Tết Mậu Thân, nhật báo Dân Tiến đóng cửa, tôi không có sở làm thường trực, chỉ mỗi tuần viết vài bài cho tuần báo. Qúy về Sài Gòn đưa tôi ra Cam Ranh làm cho Mỹ với anh. Tôi giữ việc đưa thư, đón đưa người bệnh.
Có những buổi tối, tám, chín giờ, tôi theo Quý ra cầu tầu câu cá, đón gió. Cầu tầu làm từ những năm 1935, nay nhiều chỗ sập nát. Trước khi người Mỹ làm đường và cầu sang bán đảo, dân Cam Ranh sáng sáng tụ tập trên cầu tầu này xuống phà sang căn cứ. Đàn bà, con gái Cam Ranh sang căn cứ chờ được gọi vào làm những việc vặt. Có thể nói những năm ấy toàn dân Cam Ranh sống nhờ Căn Cứ Mỹ.
Đêm thanh, gió mát, vụng biển xanh ngời dưới trăng, tôi nằm trên cầu tầu nhìn sang căn cứ bên kia biển. Một vùng đèn điện dài, sáng choang, đẹp nhất là những lúc phi cơ phản lực Mỹ hạ cánh. Không phải phi cơ quân sự mà là phi cơ thương mãi. Những hàng cửa sổ trên thân phi cơ sáng như những ô vàng ánh. Phi cơ xuống căn cứ chừng một tiếng là bay lên. Trong khoảng hai, ba giờ nằm bến, tôi thấy có đến hai, ba phi cơ phản lực Mỹ lên xuống bên kia biển. Tổng Thống Johnson có đến Cam Ranh, Chu Lai.
Chuyện tôi nhớ về Cam Ranh không phải là chuyện Căn Cứ Mỹ. Tôi nhớ một người tôi gặp năm ấy ở Cam Ranh.
Quân Đội tôi có nhiều sĩ quan anh tuấn, hào hoa, hào hùng, phong nhã. Sĩ quan thứ nhất tôi có cảm tình là Trung Tá Vương Văn Đông. Viết rõ là tôi mê ông vì hình dáng ông. Tôi không quen ông, Tội gặp ông lần đầu và lần cuối trong buổi sáng ông – là sĩ quan chỉ huy lực lượng đảo chính Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhưng không thành công – mở cuộc hội báo trong Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi và anh Sáu Khiết, con bà Bút Trà Nhật báo Sàigònmới, vào đó dự hội báo. Tôi thấy Trung Tá Vương Văn Đông dáng vẻ trí thức, hào hoa, đặc biệt ông mang khẩu Colt 45 không ở dây lưng mà mang súng trong bao da dưới nách, như kiểu mang súng của những cảnh sát Mỹ bận thường phục trong phim xi-nê. Cái bao súng ấy làm tôi mê ông. Nếu tôi là sĩ quan như ông, tôi cũng mang súng như ông. Trong cuộc họp báo ngắn, ông nói vài lời cho biết Quân Đội sẽ tiếp tục tấn công vào Dinh Tổng Thống. Đại Tá Nguyễn Chánh Thi xuất hiện, hai mắt đỏ ngầu vì thức đêm, ria mọc lởm chởm, nói lớn: “Ông Diệm lừa chúng tôi. Tôi sẽ ôm bom nhẩy vào Dinh Độc Lập.” Sáu Khiết và tôi bảo nhau: “Hỏng rồi. Mình chạy ra cho mau. Kẹt lại trong này thì khóc.” Họp báo xong, Trung Tá và Đại Tá đi mất. Hình ảnh Trung Tá Dù Vương Văn Đông trong bộ đồ trận, bình tĩnh, khoan thai trong chiến bại, buổi sáng năm xưa ấy sống mãi trong tôi cho đến bây giờ, khi tôi viết những dòng chữ này.
Sĩ quan thứ hai tôi mê là Đại Tá Vũ Thế Quang – Quang Dù – người làng Cự Đà bên dòng Nhuệ Giang, Hà Đông bên hông Hà Nội. Năm tôi ra Cam Ranh, Đại Tá Vũ Thế Quang là Thị Trưởng Cam Ranh. Biết vợ tôi ra chơi Cam Ranh, Nha Trang rồi cùng về Sài Gòn với tôi. Ông mời vợ chồng tôi bữa ăn tối trong Tư Dinh Thị Trưởng. Bữa ăn có vợ chồng hai người bạn của ông. Khi uống cà phê, ông nói: “Hôm tôi đi cắt tóc, thấy ở tiệm có tờ tuần báo, tôi mở xem, đọc một truyện ngắn của anh. Truyện hai chàng cùng yêu một nàng. Chàng nào cũng phong nhã, cũng đáng yêu nàng đẹp, nàng hiền, nàng không biết chọn chàng nào.” Đại Tá hỏi tôi: “Anh nhớ truyện đó không? Truyện đó tên là..… tên là..” Tôi đỡ lời ông: “Văn minh và lịch sự.” Tôi kể truyện: “Hai chàng yêu một nàng. Chàng – người kể chuyện – một hôm mời nàng và người bạn đến gặp. Chàng nói: “Chúng ta cùng yêu Như Lan. Lan không biết chọn ai, bỏ ai. Tôi giải quyết như thế này..” Chàng đưa ra ba ve rượu nhỏ đặt lên bàn: “Trong ba ve rượu này có một ve có thuốc độc. Chúng ta mỗi người lấy một ve. Đêm nay trước khi ngủ ta uống rượu. Trong chúng ta sẽ có một người chết. Nếu tôi chết, anh lấy Như Lan, nếu anh chết, tôi lấy Như Lan, nếu Như Lan chết, anh và tôi đau khổ suốt đời. Như Lan lấy rượu trước, anh lấy rượu thứ hai, tôi lấy ve rượu thứ ba. Chỉ có cách giải quyết này là đẹp nhất.” “Như Lan và anh bạn đồng ý. Mỗi người lấy một ve rượu. Sáng hôm sau tôi ngồi ở Quán Bồng Lai. Như Lan đến. Nàng và tôi trìu mến nhìn nhau. Tôi nói: “Có thuốc độc trong cả ba ve ruợu. Anh biết em sẽ uống, nhưng nó không uống, nó không yêu em đủ để có thể chết vì em. Em và anh uống rượu, chúng ta cùng lên đây, nhất rồi còn gì.” “Xúc động, nàng hôn tôi.” Đó là cốt truyện “Văn minh và Lịch sự.” Truyện ngắn của Mỹ, trong tập truyện “Alfred Hitchkoch presents” tôi phóng tác, tôi không nhớ tên truyện tiếng Mỹ. Tôi đặt tên truyện là “Văn minh và Lịch sự.” Giải quyết cuộc Tình Rắc Rối Tơ bằng cách đó là văn minh và lịch sự nhất đời.
Tháng Ba năm 1975, tôi được tin quân Bắc Việt Cộng đánh chiếm thành phố Ban Mê Thuột, không biết Đại Tá Vũ Thế Quang, Tỉnh Trưởng Ban Mê Thuột, tử trận hay bị bắt sống. Thế rồi.. Thời gian vỗ cánh bay như quạ… Năm 1994 vợ chồng tôi đến Kỳ Hoa, chúng tôi gặp lại ông bà Vũ Thế Quang ở Virginia. Ông vẫn có dáng vẻ phong nhã. Đến khoảng năm 2005 vợ chồng tôi ngậm ngùi vì ông bị bệnh, con người ông già hẳn đi. Tôi cảm khái nghĩ: “Những năm chàng 30, 35 tuổi, nếu tôi là đàn bà, tôi quyết bỏ hết để theo chàng về dzinh.”
Những năm 1990 gặp lại Quý ở Sài Gòn, tôi nghe Quý kể: “Tao đưa vợ con tao vượt biên. Tầu chết máy, rạt vào bờ biển miền Trung. Cả bọn bị bắt hết. Vợ con được tha về, bọn đàn ông bị đưa vào nông trường. Vợ tao đưa hai đứa nhỏ đến trại thăm tao. Con tao hai đưá trai, đứa 8 tuổi, đưá 5 tuổi. Tao được ra gặp vợ con. Vợ tao biến mất. Xét túi con tao thấy cái thư vợ tao viết : “Anh tha tội cho em. Em gửi con trả anh.. Em không thể sống được.” Tao nói với bọn cán bộ trại: “Vợ tôi nói ra cổng trại mua vào cho tôi vài món nữa. Không ngờ nó bỏ con lại, nó đi.” Bon cán bộ họp tù toàn trại lên án tao: “Anh Quý bầy mưu vợ bỏ định lừa chúng tôi. Nhưng lưà chúng tôi sao được. Chúng tôi đã bắt được chị Quý. Chị ấy khai hết rồi, anh Qúy sẽ bị trừng phạt thật nặng.” Chúng nó nói thế nhưng ít ngày sau chúng nó cũng phải thả tao, cho tao mang con về.” Năm 2000, Quý, bạn tôi từ thuở chúng tôi 10 tuổi, qua đời ở Sài Gòn.
o O o
Cam Ranh là nguyên nhân cuối cùng làm Nhật báo Sống của anh Chu Tử bị đóng cửa. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và những người dưới trướng ông ghét cay, ghét đắng bọn Bắc Kỳ làm báo, anh Chu Tử và báo Sống bị ghét nhất. Năm 1970, hay 1971, báo Sống đang bán chạy, anh Chu Tử lại càng bị ghét. Bán đảo Cam Ranh được nhường cho Mỹ làm căn cứ. Coi như đất Mỹ. Phi cơ, tầu biển Mỹ đến Cam Ranh không cần báo cho Việt Nam biết. Tổng Thống Mỹ đến Cam Ranh lại càng không cho Tổng Thống Việt biết. Nhưng thay vì chiếm trọn bán đảo, cấm dân Việt vào ra không có phép của Mỹ, Mỹ lại chỉ lấy đến gần cuối đảo, rào dây thép gại, để mũi đảo ở ngoài căn cứ. Phần đảo hoang, không ai sống ở đó được, nhưng vì không nằm trong căn cứ, những người Việt bán sì-ke vẫn chèo thuyền ra đây bán những ve sì-ke qua hàng rào dây thép gai cho Lính Mỹ. Họ dựng lên ở đây mấy căn lều che mưa nắng. Một hôm PM Mỹ – không có cảnh sát Việt – đập phá mấy căn lều ấy, đuổi người Việt đi. Chuyện Lính Mỹ phá lều, đuổi người Việt được nhật báo Sống làm lớn chuyện, gọi đó là vụ “Lính Mỹ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Quốc Gia Việt Nam.” Nghe nói chính Phó Tổng Thống Trần Văn Hương yêu cầu đóng cửa nhật báo Sống, lý do đưa ra là “Gây chia rẽ giữa Việt Nam và quân đội Đồng Minh.” Nhật báo Sống bị đóng cửa, anh Chu Tử hết làm nhật báo từ đó.
Năm 1973 Mỹ cuốn cờ đi khỏi Sài Gòn, Cam Ranh bỏ hoang. Nay người Mỹ trở lại Việt Nam, Cam Ranh sống lại. Tầu chiến Mỹ trở lại Đà Nẵng, Cam Ranh. Quan chức Mỹ bắt tay bọn Bắc Cộng. Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà chìm mất trong lãng quên.
Tạo hoá gây chi cuộc hí trường. Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương. Đảo xưa lặng ngắt hồn kim cổ Thành cũ mờ phai bóng tịch dương. Núi vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Biển còn cau mặt với tang thương. Trăm năm gương vỡ soi hờn tủi. Vịnh đó, người đây luống đoan trường.
Ảnh những quân nhân Mỹ trở lại Việt Nam năm 2008, ngồi xích-lô trên đường phố Đà Nẵng làm tôi đi một đường cảm khái:
Mỹ đi rồi Mỹ lại về, Con Hồng, cháu Lạc lộn mề đạp xe.
|