Giữa hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Sài Gòn lâu nay vẫn hiên ngang mọc lên những bệnh viện hay phòng khám bệnh đồ sộ của các ông Trung Quốc,
tôi không nói đó là của những “ông bác sĩ" Trung Quốc bởi chưa chắc những ông này đã là bác sĩ. Người dân cứ đinh ninh những phòng khám “hoành tráng” như thế, quảng cáo tơi bời hoa lá như thế, tất yếu là phải có giấy phép và là những bệnh viện Trung Quốc có uy tín mới được mở tại Việt Nam. Chính bản thân tôi cũng đã từng tin tưởng như vậy. Như bạn đọc đã biết, cái bệnh “u tiền liệt tuyến” là thứ bệnh của hầu hết đàn ông từ 50 tuổi trở lên. Tôi bị bệnh và đã đến khám ở một vài bệnh viện tại Sài Gòn. Nhưng ở đâu các ông bác sĩ cũng khuyên tôi nên mổ. Tôi ngại tuổi già nên cứ lần khân mãi, tìm mọi thứ thuốc uống kể cả trồng cây trinh nữ hoàng cung lấy lá uống tươi uống cho bệnh tình đỡ nặng thêm.
Đánh trúng tim đen bệnh nhân: Không cần mổ cũng khỏi bệnh
Bỗng một hôm đi bộ qua đường Lý Thái Tổ, thấy có cái bệnh viện mới mở, đó là “Phòng Khám Trung Y Vĩnh Khang”. Nhìn bề ngoài cũng thấy bắt mắt lắm, liền ghé vào thăm. Giữa nhà là một cái quầy thuốc rộng, có hai ba người đang ngồi chờ khách, một chị đang lúi húi mở những ô kéo nhỏ bốc thuốc cho bệnh nhân. Nhìn tờ liệt kê chữa các loại bệnh của phòng khám, tôi đọc được ngay hàng chữ chữa đúng thứ bệnh của tôi. Quay sang hỏi một anh chẳng biết là y tá hay phiên dịch về cách thức điều trị bệnh này, anh ta nhiệt tình giới thiệu một bác sĩ Trung Quốc sẽ chẩn bệnh rồi mới tính đến phương pháp điều trị. Tôi đã hơi tin tưởng vào cách làm này. Ngay khi đó anh ta giới thiệu một điều trúng ngay tim đen của tôi, đó là điều vô cùng “đặc biệt” chữa bệnh hoàn toàn bằng thuốc nam, bằng dược thảo quý từ Trung Quốc gửi qua, không cần phải phẫu thuật. Tôi hỏi lại cho chắc ăn: - Tức là không cần phải mổ? Nhân viên này nói chắc như đinh đóng cột: - Tất nhiên. Ông cứ chữa ở đây đi. Nếu không khỏi, chúng tôi trả lại tiền.
Sau đó là một màn săn đón rất nhiệt tình, anh ta còn hóm hỉnh giới thiệu thêm: “Chữa bệnh này còn làm tăng thêm khả năng sinh lý”, rồi anh ta liếc nhìn tôi với vẻ hóm hỉnh. Chẳng buồn chú ý đến những lời lẽ bốc thơm lên chín từng mây của cái phòng khám này, tôi lượm một tờ giấy giới thiệu rồi ra về. Suy nghĩ mãi, tôi thấy phòng khám gần nhà, chỉ đi chưa đầy 100 mét đã tới, rất tiện lợi. Hai là chữa kiểu uống lá trinh nữ hoàng cung của tôi chỉ là để thông đường tiểu thôi, không thể nào khỏi hẳn được, thôi thì cứ chữa thử ở đây xem sao. Không phải mổ lại là điều tôi mong đợi nhất.
Đi chữa bệnh gặp Tào Tháo
Thế là vài hôm sau, tôi quyết định ra Phòng Khám Trung Y này chữa bệnh. Trước hết là tôi được đưa vào một căn phòng nhỏ, một phút sau mới có một ông Trung Quốc lừng khừng đi ra, ngồi vào ghế khám bệnh. Ông ta chừng trên 30 tuổi, mặt mũi sáng sủa, dáng dấp bệ vệ. Anh phiên dịch bảo tôi đưa tay ra cho ông bác sĩ Trung Quốc bắt mạch. Lát sau, ông ta xì xồ cái gì đó và anh phiên dịch cho tôi biết rõ bệnh tình của tôi rất nguy hiểm, phải điều trị ngay mới có hy vọng khỏi hẳn. Ông bác sĩ Trung Quốc lại hỏi tôi mấy câu vớ vẩn như có bệnh gì khác nữa không, có đau dạ dày không… Tôi lắc đầu. Thế là ông ta viết một cái toa bằng tiếng Tàu, bảo anh thông ngôn đưa tôi ra ngoài quầy mua thuốc.
Giá thuốc cao ngất ngưởng, tôi không nhớ rõ là bao nhiêu, nhưng “đã trót thì trét” nên tôi đành phải móc hầu bao mua ngay. Cô bán thuốc “tư vấn” cho tôi nên mua 5-7 thang về sắc uống cho đỡ mất công. Giá 5 thang lên đến 7-8 triệu đồng. Lúc đó, tôi chỉ mua nổi 2 thang thôi. Lại còn phải mua thêm mấy vỉ thuốc viên uống kèm mới có công hiệu. Còn phải ra chợ Bàn Cờ mua thêm cái ấm sắc thuốc. Loại ấm điện bằng đất nung, loại này đổ ba bát nước vào với 1 thang thuốc, cắm điện và khi ấm thuốc còn chừng một bát là nó tự động tắt, rất tiện. Tôi uống hết hai thang thuốc, thấy có biến chuyển thật, nhưng là thứ biến chuyển không mong đợi. “Tào Tháo đuổi” suốt 1 ngày, chạy không kịp. Tôi ghé vào phòng khám hỏi, ông bác sĩ gọi tôi vào bắt mạch thêm một lần nữa và vui mừng báo tin có kết quả tốt. Ông ta nói để chặn đứng triệu chứng “Tào Tháo đuổi” phải uống loại thuốc khác. Ông ta lại viết toa bằng tiếng Tàu và tôi lại phải mua thêm 2 thang thuốc nữa cùng vài loại thuốc viên khác. Tôi uống thêm hai thang nữa, bớt bị đuổi nhưng chẳng thấy dấu hiệu gì khác. Tôi vác cái toa cũ ra hỏi, anh phiên dịch lại bảo tôi vào gặp bác sĩ. Tôi gặp ông bác sĩ Trung Quốc bảnh bao này lần thứ ba. Ông ta phán tôi phải kiên trì theo đuổi việc chữa bệnh này và lại kê toa cho tôi, lần này ông ta nói thứ này mạnh hơn và tôi lại được khuyến cáo nên mua ngay 5 toa uống cho khỏi hẳn.
Không chết đã là may
Tôi cầm cái toa thuốc ra ngoài nhưng không mua thêm nữa, số tiền mỗi toa thuốc ngày một cao hơn. Tính ra tôi cũng phải chi cho cái phòng khám này khoảng 7 triệu rồi mà chỉ gặp Tào Tháo chứ bệnh tình không bớt. Từ đó tôi chào thua cái phòng khám “hoành tráng” này. Nói chuyện với mấy ông bạn trong chung cư, các ông ấy cũng lắc đầu: “Nhà tôi cũng chi cho cái phòng khám ấy ba bốn triệu mà bệnh vẫn hoàn bệnh”.
Một thời gian sau, buổi chiều đi bộ qua đường Lý Thái Tổ, thấy phòng khám ngày một vắng hoe và một lần tôi bắt gặp ông bác sĩ Trung Quốc và anh phiên dịch ngồi ăn hột vịt lộn ở đầu ngõ. Vài tháng sau, phòng khám này biến mất, thay vào đó là một cửa hiệu chuyên in thiệp cưới. Không biết nó “chuyển đổi hệ thống” bằng cách nào, có thể nó đi tìm một nơi khác có khách hơn hoặc lại sát nhập vào với một phòng khám bệnh nào đó của người Trung Quốc đang ăn ra làm nên.
Lúc này tôi cũng vẫn chưa tin hẳn là mình dại, bởi có bệnh viện này không chữa khỏi bệnh này nhưng chữa được bệnh khác chăng. Nhưng quả thật bất ngờ, dư luận đưa tin các phòng khám Trung Quốc quảng cáo láo khoét, chặt chém bệnh nhân, chẳng thấy ai khỏi bệnh. Khi biết mình dại thì đã quá muộn. Theo sự đinh ninh tin tưởng của tôi và chắc chắn của hầu hết những người dân Việt Nam đến những phòng khám chữa bệnh của người Trung Quốc kiểu này, ở Hà Nội hay Sài Gòn, tất nhiên phải có giấy phép của Bộ Y Tế hay ít nhất cũng là của Sở Y Tế Thành Phố và các ông thày thuốc Trung Quốc cũng phải có bằng cấp hẳn hoi, thuốc men cũng được kiểm soát cẩn thận chứ không lẽ để cho dân chết vì những anh mãi võ Sơn Đông sao? Chính vì quá đinh ninh vào một việc làm tất yếu của các cơ quan được gọi là “chức năng” như vậy nên chúng tôi mới là những thằng ngốc. Chỉ còn biết an ủi ngu thì ráng chịu, không chết đã là may.
Quảng cáo tiếp tay với các phòng khám của người Trung Quốc
Gần như 100% người bệnh tìm đến các phòng khám có “bác sĩ Trung Quốc” khám chữa bệnh là do xem quảng cáo ra rả suốt ngày trên các đài truyền hình. Những người xem truyền hình, ai cũng đã từng nghe một ông làm MC quen mặt của Đài Truyền Hình lớn, đứng ra làm quảng cáo cho một phòng khám bệnh của người Trung Quốc dưới “chiêu bài” phỏng vấn và giới thiệu phòng khám tối tân, bệnh gì chữa cũng khỏi. Đấy chỉ là một trường hợp điển hình, còn hàng ngày hàng đêm trong tất cả các chương trình khác cũng có vô số những kiểu quảng cáo như thế. Một số phương tiện thông tin đại chúng quảng cáo cho các phòng khám Đông y Trung Quốc là họ có khả năng chữa khỏi hoàn toàn một số loại bệnh mà Tây y đã “bó tay”. Tất cả phòng khám Trung Quốc này chỉ tập trung quảng cáo thu hút người bị mắc những bệnh mãn tính, bệnh khó nói, khó chữa như bệnh trĩ, hiếm muộn, bệnh nam khoa, bệnh phụ khoa... Đúng là những thứ bệnh nhiều người Việt Nam rất khó chữa trị, đánh trúng tâm lý người bệnh nên bao nhiêu tiền cũng phải bỏ ra, cố gắng theo đuổi chữa bệnh. Những bệnh mà ngay cả những giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong và ngoài nước còn chưa dám chắc 100% chữa khỏi, không tái phát, không biến chứng cho người bệnh, vậy mà họ cam đoan sẽ chữa dứt hẳn. Người dân tin vào truyền hình, vào báo chí, vào sự “kiểm tra” của các cơ quan có trách nhiệm để rồi tiền mất tật mang!
Ai cho phép các phòng khám bệnh Trung Quốc lừa bịp?
Khi mọi chuyện vỡ lỡ ra, người ta cứ tưởng mấy cái phòng khám đó toàn là “khám chui”, tức là không có giấy phép. Nhưng thật bất ngờ khi biết sự thật các phòng khám đó có giấy phép hẳn hoi. Và đây là bằng chứng. Tìm lại trong đống hồ sơ, công văn ngày 28-7-2011 (do Phó Vụ Trưởng Vụ Y Dược cổ truyền Nguyễn Hoàng Sơn ký), Bộ Y Tế đồng ý cho công ty y học cổ truyền Huê Hạ (199 Nguyễn Chí Thanh, Q. 5) được quảng cáo với nội dung: “Phòng Khám bệnh y học cổ truyền Huê Hạ có bác sĩ y học cổ truyền có kinh nghiệm kết hợp kỹ thuật hiện đại để xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp điều trị hiệu quả các bệnh thuộc về trĩ...
Không phẫu thuật, chữa trị chuyên nghiệp các bệnh trĩ...”. Trong khi theo giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề do Sở Y Tế TP. Sài Gòn cấp cho người đứng tên phòng khám này thì phạm vi hành nghề chỉ là “bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc thang”. Trong một văn bản khác ký ngày 13-3-2012, Bộ Y Tế cho phép phòng khám Huê Hạ được quảng cáo “đau lưng, đau bả vai, sưng đau các khớp, tê tay chân, các chứng bệnh phong thấp luôn hành hạ bạn... Để sớm giúp bệnh nhân thoát khỏi sự đau khổ này, phòng khám Huê Hạ vận dụng phương pháp điều trị kết hợp, trong thời gian ngắn, nhanh chóng giải quyết các chứng bệnh đau nhức...”.
Cho phép quảng cáo cả nạo phá thai, đặt vòng
Đối với phòng khám bệnh y học Trung Quốc (87 Thành Thái, Q. 10 và chi nhánh ở 141 Phan Đăng Lưu, Q. Phú Nhuận), Bộ Y Tế cũng có công văn ngày 7-11-2011 cho phép quảng cáo rất “kêu”: “Khám, điều trị bệnh trĩ hãy đến phòng khám bệnh y học Trung Quốc. Chuyên nghiệp điều trị trĩ, hiệu quả nhanh. Do các bác sĩ Trung Quốc trực tiếp chữa trị bằng phương pháp Trung - Tây y kết hợp, không phải phẫu thuật, không chảy máu, không đau. Điều trị về ngay trong ngày...”.
Kèm theo công văn này, Bộ Y Tế còn có một tờ giấy khác cho phép quảng cáo với nhiều nội dung trên truyền hình và đài phát thanh nhưng chỉ có chữ ký của Vụ Phó Vụ Y Dược cổ truyền, không có dấu mộc. Nội dung quảng cáo Bộ Y Tế cho phép là: “... Phòng khám bệnh y học Trung Quốc chuyên khoa trĩ xin bảo đảm với quý bệnh nhân bất kể bệnh tình nặng hay nhẹ - chữa trị với liệu trình một lần. Nếu có tái phát xin hoàn trả toàn bộ chi phí điều trị.
Chuyên khoa bệnh trĩ. Chuyên nghiệp chữa trị”!
Cũng Bộ Y Tế, trong công văn ngày 23-12-2011 còn cho phép phòng khám bệnh y học Trung Quốc quảng cáo với nội dung: “Phụ nữ như hoa, vẻ đẹp mềm mại nhưng rất dễ chịu sự tổn thương huyết trắng nhiều, có mùi hôi hãy đến phòng khám bệnh y học Trung Quốc... Phòng khám hội tụ các chuyên gia phụ khoa với kinh nghiệm phong phú, sử dụng các thiết bị tân tiến để kiểm tra và chữa trị các chứng bệnh: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, vô sinh ở nữ giới, kế hoạch hóa gia đình. Có hiệu quả rõ rệt...”. Không hiểu Bộ Y Tế nghĩ sao khi cho phòng khám này quảng cáo làm cả kế hoạch hóa gia đình (tức cho phép cả nạo, phá thai, đặt vòng... ) trong khi giấy chứng nhận hành nghề do Sở Y Tế cấp chỉ cho phép phòng khám này được “khám chữa bệnh ngoại trú bằng phương pháp y học cổ truyền”?... Tôi không thể liệt kê hết những kiểu quảng cáo đã được phép của Bộ hay Sở Y Tế này.
Chi tiền quảng cáo rất mạnh
Để làm được việc này, tất nhiên có sự hỗ trợ của đài truyền hình. Thời gian qua, các đài H2, TV shopping, kênh VOV giao thông... có nhiều quảng cáo cho phòng khám Trung Quốc hơn cả. Theo đại diện công ty quảng cáo này, Hà Nội đang có ba phòng khám Trung Quốc chi tiền quảng cáo rất mạnh tay. Trung bình một năm, một phòng khám trong số này chi đến 6-7 tỉ đồng quảng cáo riêng trên radio, còn quảng cáo trên truyền hình mức giá trung bình 3-3,5 triệu đồng môt spot, mỗi phòng khám phát ít nhất 10 spot ở nhiều khung giờ khác nhau tùy theo giờ nào, đài nào, chi phí riêng cho quảng cáo truyền hình ít nhất cũng nhiều chục triệu đồng một ngày, chưa tính các quảng cáo biển bảng, quảng cáo trên báo mạng và báo giấy. Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, cách đây vài năm Vụ Y Dược cổ truyền có tiến hành một điều tra về trình độ chuyên môn của các thầy thuốc nước ngoài. Kết quả cuộc điều tra cho thấy tỉ lệ thầy thuốc dùng bằng cấp giả đến khám chữa bệnh tại Việt Nam rất lớn.
Dọa nạt và chặt chém thẳng tay
Ở đây tôi chỉ nêu một trường hợp trong cả trăm cả ngàn trường hợp bị bác sĩ Trung Quốc dọa nạt, chặt chém trắng trợn. Đến phòng khám Maria (Thái Thịnh, Hà Nội) kiểm tra vòng tránh thai, chị Lan (35 tuổi, quận Đống Đa) được phen hoảng vía khi bị bác sĩ Trung Quốc “doạ” nếu không điều trị ngay sẽ dẫn đến ung thư.
Chị Lan không đồng ý và ra về. Đến tối, chị nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên của phòng khám Maria gọi “tư vấn” và giải thích thêm tình trạng bệnh của chị. Nhân viên này cho biết thêm “bác sĩ nói chị còn mắc thêm bệnh sùi mào gà, nếu không chữa sẽ lây sang chồng và các con”. Chị Lan phát hoảng, nhanh chóng đồng ý điều trị. Bác sĩ yêu cầu chị chữa bệnh ít nhất 15 ngày. Sau thời gian này phải theo dõi và điều trị tiếp 6 tháng nữa mới khỏi bệnh sùi mào gà... Tuy nhiên chỉ sau 4 ngày điều trị ở đây, chị đã phải chi gần 24 triệu đồng mà không hề thấy bệnh tình biến chuyển, chị Lan đã quyết định chuyển sang một bệnh viện khác khám.
Tại đây, kết quả kiểm tra hoàn toàn khác với kết luận của vị bác sĩ người Trung Quốc kia: chị không hề bị sùi mào gà, cũng không có dấu hiệu ung thư. Uất ức vì bị lừa chị Lan đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh Tra Sở Y Tế Hà Nội. Chị N.T.M.H (34 tuổi, tạm trú TP. Sài Gòn) đến phòng khám 141 Phan Đăng Lưu để chữa trị vô sinh và bị phòng khám buộc phải trả gần 40 triệu đồng sau khi điều trị. Do bệnh nhân không đủ khả năng trả nên bị “giam lỏng”. Cùng đường, người nhà chị N.T.M.H phải gọi cho công an trình báo sự việc. Đó là kiểu vừa dọa vừa cướp bóc của hầu hết các bác sĩ Trung Quốc.
Khi bị thanh tra bác sĩ Trung Quốc bỏ chạy
Sự việc này xảy ra ngày 10-7 vừa qua, khi đoàn thanh tra của Sở Y Tế Sài Gòn đến thanh tra bất ngờ phòng khám bệnh y học cổ truyền Trung Quốc tại số 141 Phan Đăng Lưu, P. 2, Q. Phú Nhuận. (Mặc dù thanh tra như vậy là quá muộn, khi mọi sự việc xảy ra từ nhiều năm rồi. Nay mới… tích cục thanh tra). Vừa thấy đoàn thanh tra xuất hiện, một số người Trung Quốc đang khám bệnh vội cởi áo blouse bỏ lại phòng khám rồi thoát ra ngoài rất nhanh, đến mức dù các nhân viên đoàn thanh tra có đem theo máy ảnh cũng không kịp ghi hình những người này. Một nhân viên đoàn thanh tra phát hiện có một người chạy lên lầu trốn, vội chạy theo tìm nhưng cũng không tìm thấy.
Còn những sai phạm khác, đếm không xuể.
Trong khi kiểm tra, đoàn ghi nhận phòng khám có nhiều loại thuốc chích, kháng sinh, dịch truyền, thuốc viên mang nhãn mác Trung Quốc, nhưng không xuất trình được giấy phép lưu hành. Có 3 loại thuốc hết hạn sử dụng (trong đó có hai loại xuất xứ từ Trung Quốc); một số thuốc viên bọc đường, nhiều viên thuốc hoàn toàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại quầy thuốc, nhân viên người Trung Quốc đứng bán nhưng không biết tiếng Việt, không rõ bằng cấp. Phòng khám không được phép truyền dịch, nhưng ngang nhiên truyền dịch tại chỗ, xếp ghế san sát trên lầu 1 để truyền dịch cho bệnh nhân theo kiểu ngồi, rất chụp giựt; có rất nhiều chai dịch truyền (ghi toàn chữ Trung Quốc), những vỏ chai dịch truyền được chất cả trong nhà vệ sinh trên lầu 1. Phòng khám không được làm phẫu thuật, nhưng vẫn cắt trĩ cho bệnh nhân. Treo bảng quảng cáo về chức năng chữa bệnh không đúng với những gì đã xin phép. Điều kiện vệ sinh không bảo đảm… Hầu hết máy móc từ máy siêu âm, máy phẫu thuật đều được dán dòng chữ “Đang chờ thẩm định”, nhưng thật ra họ vẫn sử dụng, giấy dán chỉ là để đối phó với thanh tra mà thôi.
Hầu hết là bác sĩ dởm, không bằng cấp
Việc những người Trung Quốc đang khám bệnh bỏ chạy, khiến đoàn thanh tra không thể xác minh được họ có phải là bác sĩ không? Có đủ điều kiện hành nghề và có được cấp phép làm việc tại Việt Nam không?... Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp “bác sĩ” Trung Quốc qua Việt Nam khám chữa bệnh nhưng không có một tờ giấy... lận lưng. Ông Nguyễn Xuân Hướng, chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, nói với báo Kiến Thức, ông có bằng chứng hơn 90% các phòng khám bệnh của người Trung Quốc ở Việt Nam là lừa đảo.
Một bằng chứng là trong một lần kiểm tra trước đây mười năm, có 23 người Trung Quốc làm Đông y thì 17 người không qua học hành gì cả, 5 người là y sĩ, bác sĩ cấp xã… Một lần sau, hơn năm năm nay, phải bác bỏ cả 7 hồ sơ. Ông Hướng đến thử ở một phòng mạch, người đứng tên khai sinh năm 1957, gần 50 tuổi, nhưng người đứng ra khám bệnh là một thanh niên ngoài 20 tuổi! Ông Nguyễn Xuân Hướng tố cáo việc để cho các y sĩ Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề tràn lan là “thiếu quan tâm tới sinh mạng của dân”.
Điều đáng nói, năm 2009, trong loạt bài viết chủ đề “Thâm nhập phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc” của báo chí Việt Nam cũng phản ảnh về PK 141 Phan Đăng Lưu nói trên, sau đó, nhiều báo tiếp tục tố cáo sai phạm ở phòng khám này, nhưng đến nay họ vẫn ngang nhiên hoạt động sai trái. Nhiều người thắc mắc: họ coi thường cơ quan quản lý; hay cơ quan quản lý làm lơ để phòng khám này ung dung “móc túi” người bệnh trong nước? Bây giờ mới đóng cửa vài phòng khám Trung Quốc là quá muộn. Người dân đã từng mất bao nhiêu tiền bạc và mạng sống bị đe dọa từng ngày. Đó là một sự thật cay đắng, không một người dân nào ngờ tới được. (VQ)
|