Tây và Ta |
Tác Giả: Gã Siêu | |||
Chúa Nhật, 29 Tháng 11 Năm 2009 09:38 | |||
Khi học về tâm lý, gã được biết nơi con người có hai yếu tố luôn ảnh hưởng lẫn nhau đó là yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài. Trước hết, yếu tố bên trong ảnh hưởng tới bên ngoài. Chẳng hạn khi buồn, ta có cảm tưởng như môi trường chung quanh cũng ảm đạm và tê tái như muốn chia sớt nỗi buồn đang đầy ứ trong cõi lòng của ta. Vì thế, Nguyễn Du đã viết : ‘Cảnh nào, cảnh chẳng đeo sầu, Tiếp đến, yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới bên trong. Chẳng hạn vừa mới ngủ dậy mà bỗng trời đổ mưa, ta liền cảm thấy một chút lười biếng, chả muốn bắt tay làm bất cứ công việc gì, mà chỉ muốn nằm ngủ nướng trong chăn cho đẫy con mắt. Chẳng hạn đang đi thất tha thất thểu ngoài phố, bỗng nghe thấy một khúc quân hành, ta liền cảm thấy phấn chấn hẳn lên, bước đều bước theo điệu nhạc đong đưa. Một trong những yếu tố bên ngoài khá quan trọng đó là địa dư, hay nói một cách nôm na là nơi ăn chốn ở. Yếu tố này cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành con người chúng ta. Thực vậy, nhìn vào bản đồ, gã thấy có bốn hướng: Đông tây nam bắc. Như thế, người bắc khác với người nam và người phương đông khác với người phương tây. Thực vậy, tuy cùng là dân Việt mình với nhau, nhưng người bắc có một số đặc điểm khác với người nam. Gã chỉ xin đưa ra một thí dụ nho nhỏ mà thôi. Chẳng hạn tại miền bắc đất đai thì ít, còn sông Hồng Hà như bà già khó tính hay như cô gái đỏng đảnh, gây nên lụt lội thất thường. Chính vì phải đương đầu với một hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy, nên người bắc thường chí thú làm ăn, tích lũy tiền của phòng khi tai ương hoạn nạn xảy ra. Trong khi đó, tại miền nam, ruộng đất thẳng cánh cò bay, còn sông Cửu Long, như người mẹ hiền hay như cô gái dịu dàng, lụt lội cứ đúng hẹn lại lên, không có sức tàn phá dữ dội, nhưng mang lại phù sa cùng mọi thứ tôm cá. Đứng trước môi trường được thiên nhiên ưu đãi như thế, người miền nam thường sống một cách nhàn hạ, chả cần phải ky cóp, nhưng làm ngày nào xào ngày ấy. Vào năm 1954, cả triệu người miền bắc di cư xuống miền nam. Sau năm mươi năm chung sống, những người bắc 54 cũng đã mang lấy không ít thì nhiều những đặc tính của người miền nam. Thành thử bây giờ họ không còn cần cù siêng năng mấy so với những người bắc 75, tức là những người vào nam sau ngày thống nhất đất nước. Bây giờ gã xin so sánh người tây với ta. Người tây dĩ nhiên là sống ở phương tây, còn ta thì dĩ nhiên sống ở phương đông. Vị trí đông và tây này cũng đã ảnh hưởng trên con người và tạo nên những khác biệt. Vì sống ở bắc bán cầu với khí hậu lạnh, người tây thường to con, trắng trẻo và râu tóc rậm rạp. Còn ta vì sống gần đường xích đạo, nên có vóc dáng nhỏ hơn, da vàng và râu tóc cũng thưa thớt hơn. Người tây dùng màu đen để chỉ sự tang tóc, còn ta thì lại dùng màu trắng. Người tây gọt các thứ từ dưới gọt lên, còn ta thì gọt từ trên gọt xuống. Người tây khi gọi thì ngửa tay ra mà vẫy, còn ta khi gọi thì úp tay xuống mà vẫy. Người tây không ăn thịt chó, còn ta thì lại coi thịt chó là một món khoái khẩu. Thành thử trong những năm gần đây các thứ quán “cờ tây”, “nó kìa”, “sống trên đời”…mọc lên như nấm, có mặt trên khắp nẻo đường đất nước, từ thành thị cho đến thôn quê. Đó mới chỉ là những khác biệt lẻ tẻ, mà nếu kể ra thì sẽ chẳng bao giờ cùng. Trong khuôn khổ bài viết này, gã chỉ xin tập trung vào mấy điểm khác biệt chính yếu mà thôi. Đầu tiên, là về phép tính ngày tháng năm. Người tây căn cứ theo dương lịch. Còn ta căn cứ theo âm lịch. Vậy thế nào là dương lịch và thế nào là âm lịch ? Dương lịch hay lịch tây là lịch tính theo mặt trời. Thực vậy, trái đất xoay quanh mặt trời, cứ 365 ngày 6 giờ thì được một vòng. Vì thế, cứ bốn năm lại có một năm nhuận. Và năm nhuận được tính thêm một ngày vào tháng hai. Người tây chắc hẳn là phải ăn tết tây, tức là mừng ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm dương lịch. Còn âm lịch, lịch ta hay lịch tàu là lịch căn cứ vào sự vận hành của mặt trăng chung quanh trái đất. Đối với âm lịch, năm nhuận là năm có thêm hẳn một tháng. Theo Trung Quốc, âm lịch có từ thời nhà Hạ. Ta thì chắc hẳn là phải ăn tết ta, hay còn được gọi là tết Nguyên đán, mừng ngày 1 tháng 1, ngày đầu năm âm lịch. Theo tác giả Toan Ánh trong “Tín ngưỡng Việt Nam” thì : “Nguyên là bắt đầu, đán là buổi sớm mai. Tết Nguyên đán là tết đầu năm, mở màn cho một năm mới với mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang”. Và trong những năm gần đây giới trẻ, nhất là tại các thành phố lớn, cũng đã bắt đầu mừng những lễ hội khác, như ngày tình nhan, ngày mẹ hiền, ngày phụ nữ, ngày quỷ dữ Halloween…Chẳng khác gì một anh chàng, vừa có họ với cô dâu lại vừa có họ với chú rể, nên khi được mời dự đám cưới, đã hăng hái phát ngôn vung vít : - Giai hay gái, tớ cũng đều…xơi tuốt! Tiếp đến, nếu đưa mắt quan sát, thì gã ghi nhận được hai đặc tính về con người và về xã hội. Hai đặc tính này cũng đã tạo nên những sự khác biệt giữa ta và tây. Trước hết là về con người. Nếu so sánh, gã thấy người tây vốn thường suy nghĩ bằng cái đầu, còn ta vốn thường suy nghĩ bằng trái tim. Nói cách khác, người tây sống bằng lý trí hơn sống bằng tình cảm, còn ta thì sống bằng tình cảm hơn sống bằng lý trí. Đối với người tây, ngang bằng xổ thẳng, hai với hai phải là bốn, chứ không được nghiêng bên nọ, ngả bên kia. Còn ta thì khác, lắm khi nói vậy mà chẳng phải đâu và trong cách cư xử thường uyển chuyển và du di, bởi vì : ‘ Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình.’ Tiếp đến là về xã hội. Người tây vốn phát triển về khoa học kỹ thuật nên đòi hỏi sự chính xác. Còn ta vốn phát triển về nghề nông, nên cứ thủng thẳng mà đi. Có thể nói được rằng từ thời ông “Bành Tổ” và cho đến ngày hôm nay, xã hội ta vốn dĩ đã là một xã hội nông nghiệp : ‘ Nhất sĩ nhì nông, Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa. Mà đã trồng lúa, thì đòi hỏi nhiều lao động, nhiều công sức, nhất là vào thời buổi “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, chưa được hiện đại hóa bằng những thứ máy móc lỉnh kỉnh. Vì thế, cần phải đông con nhiều cháu, để cùng nhau chia sẻ và gánh vác những công việc nặng nhọc trên ruộng đồng. Thế nhưng, ngày nay, với những phương tiện thông tin hiện đại, đồng thời với xu hướng toàn cầu hóa, ta và tây đang xích lại gần nhau bằng những bước chân khổng lồ. Gã không hiểu ta đã tạo được ảnh hưởng gì đối với tây, chứ tây thì đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên ta, khiến ta mất dần những nét đẹp truyền thống của mình. Gã chỉ xin đưa ra một vài thí dụ cụ thể : Chẳng hạn về sự chung thủy trong tình nghĩa vợ chồng. Theo một bài viết của Nữ tu Phạm Thị Oanh thì: Hiện nay, tệ nạn mãi dâm đang xuất hiện dưới nhiều dạng thức: Nhà hàng, cà-phê, karaoke, xông hơi, xoa bóp, vũ trường, chat group trên internet... Ngoài ra nhiều hình thức văn hóa phẩm đen đã khiến nhiều bạn trẻ ngộ nhận cho rằng tình yêu chỉ là sự cuốn hút của cảm xúc, chiếm hữu, tình dục, tiền tài, thương hại. Tình trạng yêu sớm, yêu thử, yêu ào ào theo phong trào, yêu như điên, yêu hết mình xẩy ra nơi học sinh cấp 2, 3, và trong giới sinh viên ngày một tăng. Đó phải chăng là những nhân tố làm nên một dòng nhạc “vô cảm” và “não tình” mà dư luận quần chúng trên báo chí gần đây đã đề cập đến khá nhiều: ‘ Tình yêu đến em không mong đợi gì. Tiếp đến là nhiều cặp sống chung không đăng ký kết hôn, không muốn có con để tránh trách nhiệm. Nhiều gia đình được hình thành trong một cam kết hời hợt lợi dụng lẫn nhau. Tất cả những vấn đề đó đã dẫn đến tỉ lệ ly dị ngày một tăng. Theo thống kê của Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Sài-gòn năm 2000, thì mỗi ngày trung bình có 32 vụ ly hôn, vị chi một năm là 11680 chỉ nguyên tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn tình trạng bạo hành trong gia đình về mặt thể chất, tinh thần và tình dục cũng rất phổ biến trong nhiều gia đình ở thành phố cũng như ở thôn quê. Phải chăng đó là những cảnh tỉnh nhức nhối cho cha mẹ và con cái, những báo đồng đỏ cho xã hội. Không khéo thì ta chỉ hấp thụ được những cái xấu, những cái rởm của tây, để rồi trắng tay, mất cả chì lẫn chài, mất cả vốn lẫn lãi. Truyền thống cũ thì chẳng còn, mà cái mới thì lại khập khà khập khiễng. Tây chẳng ra tây, ta cũng chẳng ra ta. Đầu An-nam-mít, đít Phăng-xe hay Ăng-le mà thôi!
|