Năm nay thời tiết thay đổi lạ lùng. Trời vẫn mát lạnh như mùa xuân. Mãi trung tuần tháng Tám mới có mấy ngày nóng đúng mức mùa hè, sau đó lại tiếp tục mát lạnh. Ông hàng xóm da trắng của tôi bảo năm nay Canada không có mùa hè, mà có mùa xuân kéo dài. Có lẽ đúng như vậy.
Vào giữa mùa xuân kéo dài này, Cụ B.95 mời dân làng tới thăm vườn rau. Mê qúa chừng. Chỉ có mười thước vuông mà cụ trồng được đủ loại rau thơm. Nào kinh giới, nào tía tô, nào ngò gai, nào dấp cá, nào hung quế... Và cụ đãi chúng tôi món bún chả Hà Nội với các loại rau thơm hái ngay trong vườn. Cụ là người có thẩm quyền về món bún chả vì cụ gốc Hà Nội chính thống và đã làm dâu trong một gia đình sành ăn sành uống nơi đất ngàn năm văn vật.
Dân làng ai cũng đến sớm, vừa để phụ bếp vừa để học cách nấu món ăn nổi tiếng quý phái này. Tôi cứ nghĩ miếng thịt heo nào cũng có thể làm bún chả miễn là mình nấu khéo. Thế mà không phải, các cụ ạ. Theo đầu bếp B.95 thì miếng thịt phải là thịt ba chỉ ở vai, chỗ này da mỏng, mỡ mỏng, mới ngon. Món bún chả Hà Nội gòm chả nướng và chả viên. Cái việc quan trọng nhất là ướp thịt. Xưa nay nói tới ướp thì ai cũng chỉ nghĩ tới hành tiêu tỏi nước mắm. Không đơn sơ thế đâu. Gia vị ứớp món này cầu kỳ hơn nhiều và bí quyết nằm ở phân lượng các gia vị. Nào hành hương, hành trắng, nào tỏi, nào đường, nào mật ong, nào muối, nào nước mắm, nào dầu olive, nào rượu vang, nào hạt tiêu.
Rồi ướp thịt. Năm phần thịt thì 4 phần làm thịt nướng và 1 phần làm chả viên. Công phu nhất là cách nướng thịt. Cụ B.95 xiên thịt vào que tre, và nướng trên than hồng. Quạt nhẹ tay. Lửa xèo xèo. Thơm điếc mũi. Xâu thịt vừa cháy xém phía ngoài là được. Rồi thịt nướng được trút vào chén nước mắm cùng với chả viên nướng trong lò bỏ ra. Chén nước mắm này giữ phần quan trọng đây. Nó gần giống như nước mắm pha để ăn chả giò, nhưng nhiều tỏi hơn, nhiều ớt hơn, nhiều chanh hơn, lại thêm đồ chua cà rốt, đu đủ và củ cải ngâm dấm đường. Nào, mời các cụ xơi. Cụ gắp bún bỏ vào chén nước mắm, thêm chút rau xà lát, đặc biệt thêm lá kinh giới, một chút đậu phọng rang đập dập, và một chút lá hành phi thái nhỏ. Húng thì cụ cầm tay, ăn đến đâu thì cắn đến đó. Kinh giới và húng thì xin cụ chớ rửa và ngâm nước lâu giờ, chúng sẽ bay hết mùi thơm. Chỉ rửa chúng mấy phút trước khi ăn.
Món bún chả này phải ăn nóng nha. Nên ăn cay một chút, xừa ăn vừa hít hà, vừa xuýt xoa, mới ngon. Hai cô Tôn Nữ và Cao Xuân vừa ăn vừa khen rối rít: Xưa nay cháu cứ nghĩ món cung đình Huế quê cháu mới cầu kỳ, hôm nay mới biết món Hà Nội này, muốn làm cho ngon và trúng cách thì còn cầu kỳ hơn món Huế nhiều.
Cụ B.95 thấy dân làng ăn rất say mê và tha thiết thì tỏ ra sung sướng qúa chừng. Cụ lại còn pha trò cười nữa mới kinh chứ. Cụ bảo bữa trước phe các ông lập hội sợ vợ. Bữa nay lão xin lập hội sợ chồng. Nói rồi cụ cười rũ ra. Cụ bảo cụ lập hội cho các bà thôi chứ cụ còn chồng đâu mà sợ. Anh John lần đầu nghe tới hội sợ chồng thì thích qúa. Anh xin Cụ đi vào chi tiết. Cụ liền kể: ngày xưa khi lão sắp lấy chồng thì bạn bè, những đứa đi trước, chỉ cho cụ 3 cách để làm cho chồng phải sợ mình, đó là: khi đi chung thì mình phải làm sao để cái bóng của mình đè lên đầu cái bóng của nó, quần áo mình thay ra đè lên quần áo của nó, và leo lên cái gối của nó mà ngồi. Anh John liền hỏi ngay: Thế cụ có áp dụng và có thành công không ? Cụ B.95 lại cười: Lão có làm đủ 3 phép mà thất bại hoàn toàn vì cái vía của lão yếu qúa. Nghe ông hét một cái là hồn lão lên mây ngay. Phe các bà tụm lại, nhỏ to một lúc rồi tuyên bố các bà không lập hội sợ chồng vì thấy cái hội này không cần thiết. Làng chỉ cần một hội sơ vợ là đủ. Sao mà ăn người vàkhôn thế.
Rồi phe các bà hỏi phe các ông có đồng ý như vậy không. Phe các ông im lặng. Thế mới kỳ. Để đánh trống lảng, ông H.O. xin góp chuyện vui. Ông kể chuyện người bạn thân mới đi VN về. Hắn kể cho ông nghe chuyện hắn đi tắm hơi. Cô gái phục vụ bữa đó rất có duyên và rất láu. Cô ta kể cho hắn nghe chuyện một nàng tiên đi hái nấm rồi bị lạc trong rừng. Nàng tiên gặp một anh da trắng và hỏi đường về. Tên này bảo đường về xa lắm, cô phải ngủ lại một đêm rồi sáng mai hắn sẽ chỉ đường cho. Nàng tiên đành chịu. Sáng hôm sau thì tên da trắng biến mất. Nàng tiên lại đi lang thang, rồi gặp một anh da đen. Nàng hỏi đường thì tên da đen này bảo: Đường xa lắm, hãy ngủ lai một đêm rồi sáng mai anh chỉ cho. Nàng tiên đành chịu. Sáng hôm sau thì tên da đen biến mất. Nàng tiên lại đi lang thang. Rồi nàng gặp một tên da vàng. Nàng hỏi đường về thì hắn nói: Hãy ngủ lại một đêm rồi sáng mai anh sẽ chỉ cho. Nàng tiên đành chịu. Và sáng hôm sau thì tên da vàng này không biến đi như hai tên lưu manh da trắng và da đen. Tên da vàng này tử tế giữ đúng lời hứa, đã dẫn nàng tiên ra khỏi rừng và chỉ rõ đường về. Về nhà ít lâu thì nàng tiên biết mình có bầu. Kể đến đây xong thì cô gái tắm hơi bảo là hết chuyện, rồi cô ta đố anh bạn là đứa con nàng tiên đẻ ra sẽ mang mầu da gì. Anh bạn tôi nghĩ không ra câu trả lời liền chịu, rồi hỏi lại cô gái phục vụ tắm hơi. Cô bảo muốn biết đứa bé mầu gì thì hãy ngủ lại một đêm, sáng mai sẽ chỉ cho.
Phe các bà nghe xong, cười thì ít mà xì xèo thì nhiều. Cụ B.95 chủ tiệc liền hỏi: Tôi thấy các ông toàn kể chuyện VN, và chuyện nào hình như có mùi trai gái thì mới hay. Vậy chuyện cười trên thế giới có như vậy không ? Câu này đã chạm tới mạch điện John. Anh John nói ngay: Cháu đã đọc rất nhiều chuyện cười quốc tế, mà không thấy chuyện nước nào thâm thuý bằng chuyện cười VN. Xin chứng minh. Đây là chuyện cười của Spike Milligan, một nhà thơ một nhà văn thiên tài hài hước nổi danh quốc tế. Ông được giải chuyện cười hay nhất thế giới, chuyện như sau:
Hai anh chàng New Jersey đang đi săn trong rừng thì một anh ngã lăn đùng ra bất tỉnh, xùi bọt mép, mắt đờ đẫn. Anh chàng kia liền rút ngay điện thoại gọi cho trung tâm cấp cứu “ Alô, bạn tôi chết rồi. Tôi phải làm sao đây ?” Nhân viện trực tổng đài trả lời: ‘Xin bình tĩnh, tôi có thể giúp anh. Trước tiên phải biết chắc là anh ta đã chết thật chưa’. Im lặng trong giây lát rồi một phát súng vang lên. Sau đó, anh chàng thợ săn hồi hộp hỏi tiếp:’ Xong rồi. Chết thật rồi đây. Giờ sao nữa ?
Thấy anh John ngưng kể, cả làng ngơ ngác hỏi: Rồi sao nữa ?
Anh John bảo chuyện chỉ có thế thôi, sao bà con không cười gì cả ? Bên Mỹ bên Anh người ta nghe xong thì cười vỡ rạp cơ mà ! Thì ra cái cười cũng như thức ăn, nó hợp khẩu vị từng dân tộc. Chị Ba Biên Hoà liền phát biểu: Từ nay nhất định tôi không thèm đọc Milligan nữa. Cô Cao Xuân cũng phát biểu: Chuyện gì mà nhạt như nước ốc!
Cụ Chánh thấy làng xôn xao liền lên tiếng ngay: Chớ nặng lời như vậy. Spike Milligan là nhà văn lớn quốc tế. Chúng ta không có cái bối cảnh văn hóa như người da trắng do vậy không hiểu được cái hay thâm trầm nên không cười, thế thôi. Theo khẩu vị của người VN chúng ta thì cái cười phải như gói mì ăn liền, nghe kể chưa xong ta đã thấy cái hay, cái ngộ nghĩnh. Nó làm ta tức cười, rồi tiếng cười ào ra ngay.
Cụ B.95 lại quay vào thần tượng John: Chuyện ông da trắng Milligan cao quá, xin anh kể những chuyện nào thấp, dễ hiểu, và có hương vị VN thì lão đây mới cười được. Thôi, xin xếp chuyện cười lại. Xin cho lão nghe chuyện thời sự Canada đi. Anh John nói ngay: Lần này cháu có nhiều chuyện, tuy là thời sự, mà thấy cũng rất buồn cười.
Chuyện thứ nhất vừa xảy ra ngày 15 tháng Tám: Một ông cụ 71 tuổi người Hoà Lan và đứa cháu 15 tuổi đi du lịch. Hai ông cháu mua vé đi Sydney qua hãng máy bay Air Canada. Sau gần 10 giờ bay, hai ông cháu ra khỏi máy bay mà không nhìn thấy cây cầu hải cảng nổi tiếng Sydney Harbour Bridge và nhà hát hình con sò Opera House đâu cả ! Hỏi ra thì đây là Sydney ở đất Canada chứ không phải Sydney xứ Úc Đại Lợi. Đây là tỉnh Sydney của tỉnh bang Nova Scotia miền đông Canada, chỉ có 27.000 dân, trong khi hai ông cháu nhắm tới Sydney ở Úc Châu có hơn 4 triệu dân. Than ôi, hai ông cháu đã đi lệch một đường dài 17.000 cây số chỉ vì khi mua vé máy bay hai ông cháu đã không nói rõ Sydney ở Úc Châu ! Xin lưu ý các cụ phương xa: Ngoài Sydney, ở Canada cũng có những tỉnh mang tên Paris và London nữa đấy nha.
Chuyện thứ hai cũng liên quan tới máy bay. Canada có một ca nhạc sĩ nổi tiếng là Dave Carrol. Đi đâu anh cũng mang theo cây đàn guitar. Bữa đó anh đáp máy bay United Airline của Hoa Kỳ. Khi lên máy bay, anh không được ôm theo cây đàn mà anh phải giao đàn cho kho hành lý. Khi lấy lại đàn thì đàn bị bể. Anh bắt đền hãng máy bay. United Airline tỉnh bơ, không đền bồi gì hết. Anh ca nhạc sĩ Carrol này giận qúa. Anh không thèm kiện cáo. Anh viết một bản nhạc ‘ United Breaks Guitar’ và cho lên You Tube. Tiếng hát của anh đã làm say mê mọi người. Chỉ trong một tuần lễ đã hơn 3 triệu người vào You Tube nghe và xem anh hát. Anh cầm cây đàn, vừa đàn vừa hát vừa diễn xuất, đàng sau anh là hậu cảnh sân bay với những người khuân vác của United ném hành lý, ném cây đàn. Hãng United đã vội vàng điều đình, xin bồi thường và xin anh tha lỗi. Không biết tiền chuộc lỗi là bao nhiêu. Chỉ biết rằng bản nhạc đã đi vào lịch sử và hãng United đã bị ô danh. Các cụ phương xa đã thấy ca sĩ Canada này giỏi chưa ?
Chuyện tiếp theo là chuyện săn bắt hải cầu ở bắc cực. Lọai ‘chó biển’ ở Canada sinh sôi nhiều vô kể, Canada cố giữ mức dân số của loài cẩu này là một triệu, còn dư là cho săn bắt. Dân săn bắt hải cẩu đa số là dân Da Đỏ. Mối lợi lớn từ hải cẩu là bộ da dùng để may thời trang cho các bà. Thị trường Âu Châu rất mê da hải cẩu Canada. Thấy Canada thu tiền về một cách ngon lành, nhiều nước có vẻ ghen tị đã mang chiêu bài bảo vệ súc vật trương ra. Đặc biệt là cô đào già Brigitte Bardot của nước Pháp. Thây kệ. Canada cứ cho săn bắt hải cẩu, cứ cho xuất cảng các bộ da. Để lấy lòng dân và tỏ ra mình bênh vực quyền lợi của Da Đỏ, năm ngoái bà Toàn quyền Michaelle Jean đã lên thăm Bắc Cực, và trước mặt báo chí, người Da Đỏ đã mời bà xơi một quả tim hải cẩu còn tươi. Bà đã ăn tỉnh bơ. Năm nay, 2009, thủ tướng Canada, ông Stephen Harper cùng với một số bộ trưởng, nhân chuyến lên thăm Bắc Cực để nhấn mạnh với quốc tế về biên giới mạn bắc, cũng đã công khai nhậu món hải cẩu tươi. Không biết các yếu nhân đã nhậu món gì của con hải cẩu. Giá nhà thuốc Võ Văn Vân của Saigon năm xưa còn sống và giá ông được làm đầu bếp thì chắc chắn món mà ông mời các yếu nhân Canada dùng sẽ không phải là món tim tươi mà là món khác. Các cụ có đồng ý với tôi không ? Thât tiếc cho nhà thuốc Võ Văn Vân. Vì y học của Canada còn kém quá, nên mỗi năm Canada giết khoảng 300.000 con hải cẩu, họ đã vất đi bao nhiêu là báu vật.
Chuyện thời sự chót mà anh John kể là chuyện tin dị đoan về con số 13. Xưa nay nhiều người vẫn cho con số này đem lại xui xẻo, nên khách sạn không có phòng 13, không có tầng lầu 13. Thế mà 13 nhân viên ở lầu 13 của công ty ATB tại Edmonton miền tây Canada đã trúng độc đắc loại 6/49 tháng vừa qua. Vé trúng trị giá 49 triệu đô la, chia cho 11 vị liền bà và 2 vị liền ông. Nghe đến đây thì nhà thông thái ODP lên tiếng: Số 13 vẫn bị coi là con số xui xẻo, thế nhưng các nhà lập quốc Hoa Kỳ không hề tin như thế. Chứng cớ là trên bản tuyên ngôn độc lập khai nguyên tân quốc gia đã có 13 chữ ký, trên quốc kỳ đã có 13 sọc, và lá cờ nguyên thủy đã có 13 ngôi sao biểu tượng 13 tiểu bang lập quốc. Số 13 xui hồi nào ? Rõ ràng con số 13 của thời lập quốc đã mang may mắn và hưng thịnh cho đất nước vĩ đại này.
Và ông ODP được mời kể chuyện thời sự trong công đồng VN. Tin số một là vào ngày 16 tháng Tám vừa qua, công ty truyền thông Thời Báo ở Toronto đã tổ chức một ngày văn hoá rất thành công ở bờ hồ Ontario, với các gian hàng sách vở, thực phẩm, các màn văn nghệ và thể thao đặc sắc. Chính quyền Canada đã dành ra 2 tuần lễ cho các ngày văn hóa của sắc dân thiểu số. Thời Báo đã lấy được một ngày cho VN. Hơn 3 ngàn người Việt đã tới tham dư. Vui vẻ qúa sức. Các cụ ở phương xa nên biết đến cơ quan Thời Báo này. Từ báo in lúc đầu chỉ phát hành ở Toronto nay đã phát hành khắp Bắc Mỹ. Từ báo in, nay công ty tiến thêm sang lãnh vực truyền thanh và truyền hình. Dễ nể qúa chứ.
Tin thứ hai quan trọng hơn tin thứ nhất. Ông ODP cho biết ông vừa được đọc một bài viết rất hay, rất xác đáng, rất trí thức nói về công của VNCH đã đóng góp cho Thế Giới Tự Do. Đó là bức thư của LS Nguyễn Văn Chức, cựu thượng nghị sĩ VNCH gửi ông Robert S. McNamara, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tác giả cuốn sách ‘ In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam ’(Random House, NY 1995). Ông chưa hề thấy ai viết một bức thư nào hay đến như thế. Hay mọi mặt. Bút của LS Chức vừa có hoa vừa có lửa. LS Chức chê ông McNamada vừa dốt vừa hèn. Cuốn sách viết năm 1995 là cuốn sách để chạy tội cho ông và cho chính quyền Mỹ. Chiến tranh 1960-1975 tại VN là chiến tranh do khối CS quốc tế gây nên. Chúng muốn nhuộm đỏ cả Đông Á. VNCH là nước anh hùng gồng mình đánh CS. Hoa Kỳ có nhảy vào tiếp sức một thời gian rồi bỏ chạy. Không có sự gồng mình ấy thì liệu Thái Lán, Đại Hàn, Đài Loan, Tân Gia Ba có được như ngày nay không ? LS Chức đã chê Ông McNamara: “. .. làm ra vẻ thông minh xuất chúng, thiếu ý thức chính trị, thiếu lương thiện, trắng trợn và thời cơ chủ nghĩa, đó là con người của ông trong cuốn In Retrospect ”. Xin bái phục LS Chức. Lập luận xác đáng, nói có sách mách có chứng.Văn chương trí thức. Lòng yêu nước chân tình và tha thiết. Bưc thư ghi ngày 1 tháng 11 năm 1995, viết bằng 3 thứ tiếng, gửi cho các cơ quan ngôn luận thế giới. Chưa thấy ông McNamara trả lời. Chắc ông phải chào thua vì không thể phản biện được các lý luận của LS Chức. Tiếc rằng ông chưa trả lời được thì ông đã ra đi. Tôi nghĩ ông đã phải mang theo mối hận này xuống tuyền đài.
Chị Ba Biên Hòa góp ý: Tôi cũng đã đọc lá thư tuyệt vời nàytrên VNTP số 809 vừa qua. Đọc xong, tôi cảm thấy sung sướng và hãnh diện vô cùng vì đã có người nói thay mình. Nói hay qúa, có lý qúa. Đã qúa. Phải vậy chứ.
Anh H.O. nhảy vô. Anh bảo: Qúy vị đang nói chuyện trên cao, chắc đang làm Cụ B.95 nhức đầu.Tôi xin nói chuyện dưới thấp để cả làng vui và chủ tiệc hài lòng. Chuyẹn ngôn ngữ văn chương trên đây lại làm tôi nhớ chuyện ngôn ngữ bình dân của Saigon năm xưa. Cam đoan cụ chưa nghe bao giờ. Tôi sinh ngoài Bắc nhưng lớn lên trong Nam. Giọng nói nửa Bắc nửa Nam, nhưng ngữ vựng của tôi thì rất Saigon. Tôi chợt nhớ tới một số tiếng lóng rất thịnh hành trước 1975, Cụ B.95 có nghe cũng chả hiểu gì. Bây giờ ngôn ngữ VC tràn lan, chắc nó làm tiếng lóng Saigon này đi vào quên lãng rồi. Cụ B.95 sốt ruột liền cất tiếng: Anh nhập đề dài qúa. Xin đi vào thực tế ngay đi, xin cho ví dụ ngay đi. Anh H.O. chỉ chờ có thế, liền kể: Nhiều lắm cụ ơi. Chẳng hạn ‘sức mấy’ nghĩa là không phải thế, ‘hết xẩy’ là tuyệt vời,‘mã tà’ chỉ ông cảnh sát, ‘ông cò’ chỉ ông quận trưởng cảnh sát, ‘thày cò’chỉ ông chuyên sữa lỗi ở nhà in, ‘chó lửa’ là súng lục, ‘cúp cua’ là trốn học, ‘thợ lặn’ là bỏ sở làm đi làm việc khác’, ‘ de cái xe’ là luì cái xe, ‘đi bum’ là đi nhảy đầm, ‘đi xoè’ là đi chơi tứ xắc, ‘đi xoa’ là đi chơi mạt chược, ‘bắt địa’ là làm tiền ai, ‘ đi ăn chè’ là đi ngoại tình, ‘áo mưa’ là bao cao su ngừa thai. ..
Ông ODP góp thêm ý: Những tiếng lóng này vô thưởng vô phạt, nghe có vẻ tếu, không thấy tức mình, chứ ngôn ngữ của VC sau 75 thì nhiều tiếng nghe xong thấy lộn ruột. Ví dụ ư ? Nhiều lắm. Chẳng hạn việc phải đi lính, miền Nam gọi rất nôm na và chân thực là ‘ bị bắt lính, phải đi quân dịch’, còn ông VC thì gọi là ‘được trúng tuyển nghĩa vụ quân sự’. Chẳng hạn miền Nam nói ‘ phải đi lao động’, ông VC gọi là ‘ được tạo điều kiện đi sống thực tế’. Nghe gian dối làm sao ! Ông thợ thơ VC Cù Huy Cận viết: ‘ Đi đánh Mỹ vui như đi trẩy hội !’. Chỗ khác: ‘Đường ra mặt trận là con đường mùa xuân’. Tôi nghĩ chỉ những anh văn nô VC mới viết như vậy vì không thấy thẹn với ngòi bút. Chính nhạc sĩ Tô Hải, đảng viên lâu năm vừa mở mắt tỉnh ngộ, khi nói về việc mới chỉ đi vào miền Trường Sơn mà đã ‘ sợ run lên, muốn đái ra máu !’
Cụ Chánh giơ tay xin có ý kiến: Thôi, không nói chuyện ngôn ngữ của VC nữa. Để tiếp nối đề tài sợ vợ sợ chồng, lão xin hỏi quý vị câu này: Mẹ và vợ, hai người cùng té xuống sông một lúc, bạn cứu ai ? Thấy mọi người đều ngơ ngác về câu hỏi bất ngờ và khó này, cụ Chánh nói ngay: Lão gặp câu hỏi này trên mạng. Người đặt ra câu hỏi có trưng ra mấy câu trả lời làm mẫu như sau:
- Mạnh Tử trả lời thế này: Trên thế gian này chỉ có mẹ là tốt nhất. Không có mẹ, trẻ con như cỏ cây biết bấu víu vào đâu ! Nói rồi Thày Mạnh Tử nhảy ùm xuống sông cứu mẹ.
- Trang Tử trả lời thế này: Chết chẳng qua chỉ là trạng thái hữu hình trở về trạng thái vô hình, nào có đau đớn gì đâu, việc gì phải xót thương. Nói xong ông tiếp tục ca hát, để mẹ và vợ chìm dần.
- Chu Vương trả lời thế này: Ngày xưa khi lập thái tử, mẹ ta đã có ý định bỏ ta làm ta xém mất ngôi báu, còn vợ ta đã hết lòng yêu ta. Nói xong Chu Vương nhảy ùm xuống sông cứu vợ.
- Lưu Bị trả lời thế này: Anh em như thể chân tay, vợ con như áo mặc, áo rách có thể thay, chân tay mất không thể thay. Chỉ cần Nhị Đệ và Tam Đệ của ta không té xuống sông là được. Nói xong, Lưu Bị đứng trên bờ khóc lớn: Mẹ ơi, Vợ ơi, các người chết thê thảm qúa.
-Tào Tháo trả lời thế này: Thà rằng ta phụ người chứ không để người phụ ta, mẹ ta hay vợ ta cũng thế thôi, chỉ cần ta không té xuống sông là được. Tào Tháo vừa nói thế vừa ngoảnh mặt bước chân đi.
- Khuất Nguyên trả lời thế này: Thế gian này u ám qúa, triều đại này thối nát qúa, sống chẳng còn ý nghĩa gì, chi bằng chết cho sạch. Mẹ ơi, vợ ơi, chúng ta cùng chết nơi đây. Nói xong ông nhảy xuống sông.
Nghe xong, Chị Ba Biên Hòa phát biểu: Câu hỏi của cụ Chánh khó qúa. Nghe những câu trả lời của mấy vĩ nhân Trung Hoa, đầu óc tôi càng bối rối thêm. Xin đề nghị làng ta suy nghĩ thêm về câu trả lời rồi một ngày đẹp trời nào đó làng ta sẽ đem ra bàn lại. Bây giờ xin cho tôi góp chuyện. Tôi mới đọc được chuyện này trên mạng điện tử. Chuyện về phóng viên Chick Harrity của hãng thông tấn AP và US News. Ông phóng viên này rất xông xáo. Bài phóng sự nào của ông cũng có nhiều bức ảnh chứng minh đi kèm. Năm 1973, ông sang Saigon làm phóng sự về chiến tranh VN. Trong bài phóng sự, khi viết về thảm cảnh chiến tranh, ông có trưng tấm ảnh chụp một em bé chừng 5 tháng tuổi nằm trong một cái thùng giấy vất ở mặt đường, bên cạnh là một em bé chừng 4 tuổi nằm cong queo như đang ngủ. Tấm ảnh này đã làm cả nước Mỹ xúc động. Phong trào bảo trợ cô nhi VN bùng lên. Các gia đình Mỹ bắt đầu nhận nhiều em cô nhi VN làm con nuôi. Gia đình bà Evelyn Heil ở Ohio đã bay sang Saigon và tìm được em bé gái trong bức hình trên đây, đã nhận em bé này làm con nuôi và mang về Mỹ. Em được đặt tên là Nhanny Heil. Ngày 21 tháng Năm, 2005, phóng viên Chick Harrity được trao tặng Giải Thưởng Thành Tựu Một Đời, Lifetime Achievement Award, ở thủ đô Washington. Khi ông bước lên diễn đài để nhận giải, ánh đèn bỗng chiếu sáng rực một cô gái cũng đang bước lên để trao giải cho ông. Đó là cô Nhanny Heil. Việc này ban tổ chức đã giấu không cho ông Harrity biết trước. Đáng lẽ tổng thống Bush trao giải, nhưng tổng thống đã nhường danh dự này cho cô gái đã được ông chụp ảnh nằm trên đường Saigon khi xưa. Cô Nhanny lúc đó đã 32 tuổi, một cô gái Mỹ gốc Việt kiều diễm. Ông phóng viên Harrity đã ôm chặt lấy cô, cả hai cùng khóc. Và trong hội trường rất nhiều người đã khóc theo.
Trong số các em cô nhi VN đã được mang sang Mỹ trong những năm 1973, 1974, 1975 và được nhiều gia đình Mỹ nhận làm con, chắc chắn một số lớn đã do sức mạnh bức ảnh của phóng viên Chick Harrity. Quý vị có đồng ý với tôi không ?
Cả làng im như tờ. Tôi thấy phe các bà, nhiều người mắt đỏ hoe.
|