Cổ động viên Nam Phi ồn ào như đàn ong vỡ tổ |
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh (từ Johannesburg) |
Thứ Bảy, 12 Tháng 6 Năm 2010 17:25 |
Cả thế giới đang bắt đầu khổ chỉ vì tiếng tù và điếc tai Vài tháng trước đây các cầu thủ đã gửi kiến nghị xin ông sếp FIFA đừng cho khán giả mang kèn vào sân thổi nhưng ông nhất định lắc đầu. Câu nói mang nặng tính bênh vực nước chủ nhà Nam Phi của ông là “tiếng hát, điệu trống và tiếng kèn thổi chính là biểu tượng của quốc gia này, đồng thời cũng là một phần văn hóa bóng tròn của Phi Châu”. Không ngừng ở đó, ông chủ tịch Liên Ðoàn Bóng Ðá Thế Giới bảo thêm: “World Cup là thời gian cả thế giới mọi người đều hân hoan, mà đã nói đến hân hoan là phải có ăn mừng. Phải để cho người dân Nam Phi cơ hội ăn mừng chứ”. Cổ động viên Nam Phi thổi kèn vuvuzela. (Hình: JUNG YEON-JE/AFP/Getty Images) Không chối cãi trong thời gian kéo dài từ giữa Tháng Sáu tới giữa Tháng Bảy năm nay cả thế giới ăn mừng và sống với World Cup. Người dân Thụy Sĩ tràn ra đường với những bộ quần áo cổ truyền xinh đẹp nhất và trên tay cầm chiếc lục lạc đeo cổ bò lắc qua lắc lại thành điệu nhạc vui tươi, người dân Brazil cũng thế, cũng rủ nhau xuống đường với điệu samba nổi tiếng thế giới của họ, ngay ở Hoa Kỳ là nơi môn bóng tròn chưa trở thành một trong những môn thể thao ăn khách, giới trẻ Mỹ cũng rủ nhau ra đường hò hét, những chiếc xe hơi chạy trên đường phố cũng mở nhạc to hết cỡ để chung vui với niềm vui World Cup. Còn ở Nam Phi thì sao? Bắt buộc phải có tiếng kèn vuvuzela. Gọi vuvuzela là kèn thì cũng đúng, mà bảo không phải là kèn cũng chẳng sai. Khi nói đến chữ kèn, tự nhiên người ta nghĩ ngay đến âm điệu, đằng này chiếc kèn nhựa mà nhà nào ở Nam Phi cũng có chẳng chỉ tạo nên “âm” mà không có “điệu”. Hay gọi là “tù và” chăng? Chữ tù và nghe có vẻ thơ mộng lắm, đằng này vuvuzela chỉ tạo nên... điếc tai và... bực mình, chẳng thơ với mộng gì cả. Thế giới bóng tròn biết và bực mình với vuvuzela từ những ngày gần cuối năm 2009, khi Nam Phi được FIFA chọn tổ chức giải Confederations Cup. Cảnh người dân nước chủ nhà lũ lượt kéo nhau vào sân, mỗi người trên tay cầm theo một chiếc kèn nhựa dài cả thước và cùng nhau đưa lên miệng thổi tạo ngay sự chú ý vì quá sức ồn ào. Ngay tức khắc cầu thủ và huấn luyện viên lên tiếng than phiền, cho rằng tiếng kèn thổi điếc tai nhức óc này khiến họ chia trí, các ký giả truyền thanh và truyền hình cũng than thở, bảo tiếng u-u khiến họ nhức đầu khó làm việc. Chỉ mỗi một người thấy vui là ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter và hình như luật bất thành văn của FIFA đã quy định rõ: Khi ông Chủ Tịch vui thì mọi người không ai được quyền... buồn, phải chấp nhận mọi quyết định ông đưa ra. Vuvuzela xuất phát từ đâu? Câu hỏi đơn giản vậy mà đi tìm câu trả lời lại không dễ. Ngay các nhà báo gốc Nam Phi cũng lắc đầu bảo không biết rõ xuất xứ của chiếc kèn quái ác này, trả lời chỉ nghe đồn đây là tiếng kèn thủa xa xưa các tù trưởng Zulu thường dùng để triệu tập dân trong bản thôn. Nhưng các nhà nhân chủng học Phi Châu không đồng ý với lời giải thích của báo giới, họ đưa ra dẫn chứng các bộ lạc thường duy trì phong tục tập quán của họ từ đời này sang đời khác, và chẳng có chứng cớ nào xác nhận dân Zulu từng sử dụng vuvuzela cả. Nếu thế thì vuvuzela xuất phát từ đâu? Ðương nhiên phải từ Châu Phi rồi, nhưng từ lúc nào thì chẳng ai rõ. Có người nói xuất phát vào thời điểm dân chúng Phi Châu đua nhau đem thùng thiếc, nồi niêu xong chảo ra làm trống gõ thành tiếng nhạc, nhưng cũng chẳng ai giải thích được tại sao lại có cái kèn quái dị này. Ðiều duy nhất được xác định: Từ những năm cuối thập niên 1990, dân đi xem đá banh ở Nam Phi bắt đầu đem vuvuzela vào sân thổi ủng hộ hội nhà. Thoạt đầu kèn làm bằng thiếc thật mỏng, nhưng từ năm 2000 đến giờ những chiếc kèn thiếc nguyên thủy đã nhường chỗ cho những chiếc kèn plastic “Made in China”. Người dân Nam Phi hãnh diện về chiếc kèn vuvuzela của họ. Ông tài xế Thabo ưỡn ngực bảo “chỉ nghe tiếng kèn thôi là thế giới biết ngay xuất phát từ Nam Phi và dành riêng cho người Nam Phi” cho dù chính ông cũng không hiểu tiếng kèn nói lên điều gì. Bà bếp Shilellua của khách sạn Hilton thì ví von “tiếng kèn như tiếng gọi mọi người tập họp” vì “nghe những tiếng của đàn ong vỡ tổ, quấn quýt lấy nhau thành một âm điệu rất lạ lùng”. Lạ đến mức nào và lạ như thế nào thì bà cũng không giải thích. Rõ ràng tiếng vuvuzela nghe như tiếng ong kêu. Ngồi ở sân có cảm giác như thế, ngồi ở khách sạn xem truyền hình cũng có cảm tưởng tương tự. Tiếng kêu này mới đầu nghe cũng thấy lạ tai, nhưng phải nghe liên tục gần 2 tiếng đồng hồ thì chắc chắn... phát mệt. Chữ “mệt” nghe có vẻ dịu dàng quá, phải nói đúng hơn là phát điên!!! Nhưng ông sếp sòng FIFA đã đồng ý thì phải chịu thôi. Hình ảnh người dân Nam Phi mỗi người xách một cái kèn vào sân vận động và đua nhau thổi sẽ là hình ảnh quen thuộc của thế giới cho tới ngày World Cup 2010 kết thúc. Trước cửa sân vận động nào cũng có tấm bảng thật to, nhắc nhở mọi người “không được thổi kèn khi hát quốc ca, hoặc khi ban tổ chức giới thiệu các quan khách”. Ngoại trừ hai trường hợp vừa nêu, tất cả mọi người có quyền đưa vuvuzela lên miệng thổi, và được quyền hò hét như đàn ong vỡ tổ. Chỉ có khán giả ngoại quốc ngồi bên cạnh bực mình, nhưng vẫn lịch sự cười thật tươi và vỗ tay hoan hô thật lớn. |