Home Tin Tức Thể Thao Tản Mạn Về Giải Túc Cầu Thế Giới 2010

Tản Mạn Về Giải Túc Cầu Thế Giới 2010 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lẩm Cẩm   
Chúa Nhật, 20 Tháng 6 Năm 2010 08:31

Thế là giải Túc Cầu Thế Giới 2010 đã tưng bừng khai mạc vào ngày thứ sáu 11 tháng Sáu 2010 tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi.

 Các cặp chân vàng của 32 đội tuyển quốc gia có thông hành tới thi đấu tại Nam Phi đã bắt đầu thi nhau lừa bóng, dứt bóng, đội đầu, bắt bong, thi nhau phòng thủ, thi nhau kiến tạo những pha công hãm nguy hiểm hầu mang chiến thắng về cho nước mình, đồng thời để có cơ hội được tiếp tục vào thi đấu vòng 16 nước.

Trong suốt một tháng trời, từ 11 tháng Sáu đến 11 tháng Bảy 2010 (ngày diễn ra trận chung kết), cả tỷ người trên thế giới sẽ mê mệt theo dõi các cuộc thư hùng diễn ra tại một số cầu trường tọa lạc trong các thành phố khác nhau ở Nam Phi. Sự kiện Nam Phi được Tổng Cuộc Túc Cầu Thế GiớI (FIFA) ủy thác tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới là một sự kiện lịch sử đối với nước này. Tại sao? Vì chỉ cách đây vỏn vẹn 20 năm, Nam Phi còn bị cộng đồng thế giới tẩy chay, không cho phép tham dự thế vận hội và giải vô địch túc cầu thế giới vì chính sách kỳ thị chủng tộc của chính quyền da trắng ở nước này vào thời đó, chứ đừng nói đến việc cho Nam Phi tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới!

Theo thông lệ, lễ khai mạc Giải Túc Cầu Thế Giới bao giờ cũng đặt dưới sự chủ tọa của vị nguyên thủ của nước tổ chức. Năm nay, đương kim tổng thống Nam Phi cũng chủ tọa lễ khai mạc hôm 11 tháng Sáu vừa qua; tuy nhiên, người mà toàn dân Nam Phi kính trọng và vô cùng yêu qúy là cụ Nelson Mandela, vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, và cũng là lãnh tụ của phong trào chống kỳ thi da đen tại Nam Phi trước đó, mới là người toàn dân Nam Phi mong chờ được chào đón tại buổi lễ. Theo dư định, vị cha già của Nam Phi Nelson Mandela sẽ đến tham dự lễ khai mạc Giải Túc Cầu Thế Giới 2010, và người ta biết chắc toàn thể quan khách cùng khán giả có mặt tại sân banh ở thủ đô Nam Phi hôm đó sẽ dành cho cụ một chào đón vô cùng nồng nhiệt. Thế nhưng, chẳng may là một ngày trước hôm khai mạc, một đứa chắt gái mà cụ Mandela rất yêu qúy bị thiệt mạng trong một tai nạn giao thông, nên cụ Mandela đã quyết định bãi bỏ việc tham dự lễ khai mạc.

Theo lời tuyên bố của Trưởng Ban Tổ Chức Giải Túc Cầu Thế Giới tại Nam Phi là Danny Jordaan, thì tuy lần này giải được tổ chức bởi một nước đang phát triển, nhưng Nam Phi sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm kỳ tranh tài thể thao này chẳng những chỉ là một cuộc tranh hùng thành công tốt đẹp, mà còn là những ngày hội thật vui cho tất cả cầu thủ, trọng tài, quan khách, khán giả, ban tổ chức và toàn dân Nam Phi!

Với quyết tâm nói trên, chính phủ Nam Phi đã đầu tư một số tiền không nhỏ để xây hoặc tân trang 10 sân banh hội đủ tiêu chuẩn quốc tế đúng hạn kỳ do FIFA đưa ra, trong số đó sân đá banh lớn nhất là vận động trường “Soccer City” (Soweto), tọa lạc tại thủ đô Johannesburg và có sức chứa tới 94,700 khán giả! Chính phủ cũng phải xây dựng/canh tân hệ thống đường xá để có thể vận chuyển số khách lớn từ năm châu đổ về Nam Phi trong thời gian tranh giải. Chính phủ phải chi không ít tiền cho công tác an ninh  (tổng số cảnh sát viên và nhân viên an ninh là 40 ngàn người, cộng thêm sự tiếp tay của cảnh sát quốc tế Interpol) cùng không biết bao nhiêu việc cần thiết khác… Tất cả đều rất tốn kém!

Người ta dự đoán là Nam Phi sẽ bị lỗ khá nặng sau lần tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới 2010 vì hai lý do: một là số vé tung ra bán trên khắp thế giới qua mạng Internet trong thời gian qua đã không được tiêu thụ nhiều như dự đoán của ban tổ chức; hai là số du khách đổ vào Nam Phi trong thời gian diễn ra giải vô địch bóng tròn thế giới lần này không đông như mức dự phóng vì phí tổn du lịch đến Nam Phi khá cao, đường đến Nam Phi khá xa, du khách tỏ vẻ quan ngại về vấn đề an ninh tại Nam Phi và cuộc tranh tài thể thao vĩ đại này lại diễn ra vào mùa đông ở Nam Phi, khi mà thời tiết tốt hay xấu là điều không ai lường trước được. Xin thưa thêm cho rõ: trong 32 năm qua, đây là lần đầu tiên Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức vào mùa đông.

Kể từ năm 1930, năm đầu tiên Giải Túc Cầu Thế Giới được tổ chức, các nước đã chiếm ngôi vị vô địch thế giới về bóng đá là:

1930: Uruguay (hạ Á Căn Đình 4 - 2)

1934: Ý (hạ Nam Tư 2 - 1)

1938: Ý (hạ Hung Gia Lợi 4 - 2)

1950: Uruguay (hạ Ba Tây 2 - 1)

1954: Tây Đức (hạ Hung Gia Lợi 3 - 2)

1958: Ba Tây (hạ Thụy Điển 5 - 2)

1962: Ba Tây (hạ Nam Tư 3 - 1)

1966: Anh Quốc (hạ Tây Đức 4 - 2)

1970: Ba Tây (hạ Ý 4 - 1)

1974: Tây Đức (hạ Hòa Lan 2 - 1)

1978: Á Căn Đình (hạ Hòa lan 3 - 1)

1982: Ý (hạ Tây Đức 3 - 1)

1986: Á Căn Đình (hạ Tây Đức 3 - 2)

1990: Tây Đức (hạ Á Căn Đình 1 - 0)

1994: Ba Tây (hạ Ý 3 - 2)

1998: Pháp (hạ Ba Tây 3 - 0)

2002: Ba Tây (hạ Đức 2 - 0) và

2006: Ý (hạ Pháp với tỉ số 5 - 3 bằng cách đá phạt đền).

            Theo quy định của FIFA, nước nào thắng Giải Túc Cầu Thế Giới 3 lần (không bắt buộc phải liên tiếp) thì đoạt vĩnh viễn chiếc cúp vô địch do FIFA trao tặng. Cúp này được đặt tên là cúp Jules Rimet theo tên của vị chủ tịch FIFA vào thời đó.

Như trong bảng liệt kê các nước đã vinh dự chiếm ngôi vị vô địch túc cầu thế giới nêu trên, thì Ba Tây là quốc gia đầu tiên đoạt giải 3 lần (1958, 1962 và 1970); vì thế, Ba Tây được giữ luôn cúp Jules Rimet. Đây là chiếc cúp vô địch túc cầu thế giới đầu tiên do FIFA trao tặng. Cũng vì lý do này, nên kể từ kỳ tranh giải vào năm 1974 tới nay, các nước đang tranh nhau giựt chiếc cúp vô địch túc cầu thế giới thứ hai do FIFA treo làm giải thưởng. Kể từ năm 1974 tới giờ, bốn nước Đức, Á Căn Đình, Ý và Ba Tây  là những quốc gia đã hai lần chiếm chức vô địch; do đó, nếu một trong 4 nước này mà đoạt chức vô địch thế giới tại cuộc thư hùng đang diễn ra tại Nam Phi, thì nước đó sẽ được giữ vĩnh viễn chiếc cúp vô địch túc cầu thế giới thứ hai do FIFA trao tặng. Chúng ta hãy chờ xem.

            Theo nhận xét của các phóng viên thể thao thì 10 trận chung kết hay nhất của Giải Túc Cầu Thế Giới là các trận diễn ra vào những năm: 1930 giữa Uruguay và Á Căn Đình, 1938 giữa Ý và Hung Gia Lợi, 1958 giữa Ba Tây và Thụy Điển, 1966 giữa Anh và Tây Đức, 1970 giữa Ba Tây và Ý, 1978 giữa Á Căn Đình và Hòa Lan, 1986 giữa Á Căn Đình và Tây Đức, 1990 giữa Tây Đức và Á Căn Đình, 1998 giữa Pháp và Ba Tây, và 2002 giữa Ba Tây và Đức.

            Trong trận chung kết năm 1930 giữa hai đội tuyển Uruguay và Á Căn Đình,  chuyện đáng ghi nhớ là hai đội phải thay nhau cung cấp bóng cho hai hiệp của trận đấu. Trong hiệp hai, đội tuyển Uruguay đã thi đấu vô cùng xuất sắc, quật ngã đội tuyển Á Căn Đình với tỉ số 4 - 2 để đoạt chức vô địch túc cầu thế giới đầu tiên.

            Khi đội tuyển Ý lại đoạt chức vô địch túc cầu thế giới một lần nữa vào năm 1938 (sau khi đã là vô địch trong kỳ tranh tài năm 1934), Ý trở thành nước đầu tiên đạt thành tích bảo vệ thành công chức vô địch thế giới về bóng đá.

            Trong trận chung kết diễn ra năm 1958 giữa Ba Tây và Thụy Điển, với chiến thắng ngả về cho đội tuyển Ba Tây (5 - 2), cầu thủ Pélé của Ba Tây, lúc đó mới 17 tuổi, đã trở thành cầu thủ trẻ tuổi nhất được thi đấu trong trận chung kết của giải vô địch túc cầu thế giới. Trong trận này, Pélé ghi hai bàn thắng, và bàn thắng thứ hai của anh với cú đá “vô-lê” ngoạn mục, được coi là một trong những bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử túc cầu thế giới!

            Tại trận chung kết vào năm 1966 giữa hai đội tuyển Anh và Tây Đức, cầu thủ Geoff Hurst của Anh đã ghi được 3 bàn thắng, giúp cho Anh Quốc đoạt chức vô địch túc cầu thế giới kỳ đó. Trong lịch sử các trận chung kết giải vô địch bóng đá thế giới, Geoff Hurst là cầu thủ duy nhất lập được thành tích ghi 3 bàn thắng trong một trận!

            Ở trận chung kết diễn ra năm 1970 tại Mễ Tây Cơ, Ba Tây đoạt vĩnh viễn chiếc cúp vô địch túc cầu thế giới Jules Rimet sau khi thắng Ý với tỉ số đậm 4 - 1 . Trận đấu này cũng đánh dấu việc từ giã sân cỏ của cặp chân vàng Pélé. Anh giải nghệ sau khi giúp Ba Tây giựt chức vô địch bóng tròn thế giới lần thứ ba.

            Trong trận chung kết giữa Á Căn Đình và Tây Đức vào năm 1986, và cũng diễn ra ở Mễ Tây Cơ, cầu thủ nổi danh trên thế giới vào thời đó của Á Căn Đình là Maradona đã láu cá và lanh tay lẹ mắt dùng tay để ghi bàn thắng! Và trọng tài đã không trông thấy! Bàn tay này đã giúp Á Căn Đình hạ Tây Đức với tỉ số sát nút 3 - 2, đoạt chức vô địch thế giớI! Kể từ đó, trong giới bóng đá, người ta diễu cợt bàn tay của Maradona là “Hand of God”!

            Trong tất cả các trận chung kết của giải vô địch túc cầu thế giới, thì trận chung kết năm 1990 giữa hai đội tuyển Tây Đức và Á Căn Đình là trận đấu mà các đấu thủ đá xấu nhất! Đặc biệt là các tuyển thủ Á Căn Đình! Trọng tài đã đuổi khỏi sân tới hai cầu thủ của đội tuyển Á Căn Đình: anh Dezotti và anh Monzon! Vì đá xấu, nên Á Căn Đình bị phạt đền vào phút thứ 85 của trận đấu! Cầu thủ Brehme của Tây Đức đã ghi bàn thắng độc nhất của trận banh, giúp Tây Đức hạ Á Căn Đình với tỉ số 1 - 0, đoạt chức vô địch thế giới kỳ đó.  

            Khi ra quân đối đầu với đội tuyển Pháp ở trận chung kết trong năm 1998, đội Ba Tây đã lập thành tích được vào đấu trận chung kết Giải Túc Cầu Thế Giới đến 6 lần! Tuy nhiên, ở trận này, Ba Tây đã thua đậm trước đội tuyển Pháp: 3 bàn không gỡ! Đội tuyển Pháp, với sự dẫn dắt của thủ quân Zidane, đã phá vỡ các thế liên hoàn trong những đợt tấn công của Ba Tây. Zidane - cầu thủ lừng danh thế giới của Pháp -  ghi 2 bàn thắng trong trận này, và bàn thắng thứ ba là do công của anh Petit.

            Giải Túc Cầu Thế Giới 2002 là giải đầu tiên được tổ chức tại Á Châu. Hai quốc gia được giao trọng trách đồng tổ chức là Đại Hàn và Nhật Bản. Tại kỳ tranh tài này, Ba Tây đã đoạt chức vô địch túc cầu thế giới lần thứ năm, dẫn đầu các nước về số lần đoạt chức quán quân! Thành tích này của Ba Tây, có lẽ, còn lâu lắm mới có nước qua mặt được!

            Một số cầu thủ lừng danh thế giới trong quá khứ đã được nhắc đến ở trên, thế còn ở Giải Túc Cầu Thế Giới đang diễn ra tại Nam Phi lần này thì những cặp chân vàng nào chúng ta cần để ý tới?

            Theo giới am tường về bóng tròn, 9 cầu thủ xuất sắc dưới đây là những người có thể gây sóng gió trên các sân cỏ ở Nam Phi:

Lionel Messi, đội tuyển Á Căn Đình: chạy nhanh, có cú dứt hiểm hóc, có tài đưa và nhồi bóng cao độ. Messi hiện được coi là cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Fernando Torres, đội tuyển Tây Ban Nha: chạy nhanh, có cú dứt chết người, có khả năng điều khiển bóng một cách dễ dàng. Torres là “con cưng” của đội tuyển Tây Ban Nha.

Samuel Eto’o, đội tuyển Cameroon: chạy nhanh, có khả năng đột phá, có cú dứt cực kỳ nguy hiểm. Eto’o hiện nổi tiếng là một trong những cây làm bàn hàng đầu trên thế giới.

Wayne Rooney, đội tuyển Anh: trung phong có tài điều khiển bóng tài tình, thể lực tốt, chạy nhanh, có thể rút về để phụ giúp đắc lực hàng hậu vệ trong việc phòng thủ.

Kaka, đội tuyển Ba Tây: chạy nhanh, đưa banh tuyệt vời, có thể điều khiển bóng một cách tài tình, kiến tạo các pha tấn công để mau lẹ chọc thủng màn lưới đối phương. Kaka là mối lo hàng đầu cho các hậu vệ, và hiện được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Landon Donovan: đội tuyển Mỹ: có cú dứt nguy hiểm, cao và khỏe, có thể đá ở hàng tiền đạo hay hàng giữa, rất nhanh nhẹn. Donovan là cầu thủ có khả năng hay ghi bàn thắng.

Cristiano Ronaldo, đội tuyển Bồ Đào Nha: phong cách thi đấu cao thượng, đẹp trai, có tài chạy nhanh, giữ và nhồi banh giỏi, có cú dứt nguy hiểm. Ronaldo hiện là thần tượng của rất đông dân nghiện xem đá banh.

Didier Drogba, đội tuyển Côte d’Ivoire: có khả năng dứt banh giỏi và nhờ chiều cao của mình, anh lại có thể ghi bàn thắng bằng cách đội đầu, chạy nhanh, thi đấu bền bỉ. Drogba hiện được coi là một trong những cầu thủ hạng A trên thế giới.

Park Ji-Sung, đội tuyển Nam Hàn: chạy nhanh, có tài kiểm soát bóng một cách tài tình, có khả năng đưa banh rất chính xác cho đồng đội. Ji-Sung được xem là “con cưng” của đội tuyển Nam Hàn