Nếu bạn hỏi một anh mê đánh banh khoảng 20 tuổi Di Stefano hoặc Just Fontaine là ai, có phần chắc là anh bạn trẻ sẽ gãi đầu, trừ phi anh ta mê đá banh hơn…mê học và mê gái! Cầu thủ trứ danh Tây Ban Nha gốc Á Căn Đình Di Stefano đó chính là đàn anh của Vua Pelé!
Vua bóng đá Pelé . Photo courtesy: Reuter
Trước khi Pelé lên ngôi Vua sau khi lấy Cúp Vàng lần thứ ba năm 1970 (lúc đó gọi là Cúp Jules Rimet) ở độ tuổi 30, Di Stefano là ‘con nhạn trắng’ mổ tan nát mọi hàng thủ của châu Âu. Ông là thần tượng quả da của nhiều thế hệ.
Đột nhiên người ta khám phá, trước khi trận chung kết World Cup diễn ra giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha, là bóng đá ngày nay không còn các huyền thoại. Đâu rồi các số “10 ma thuật” Pelé, Platini, Cruyff, Zico, Maradona, Gullit, Zidane, Beckham? Đâu rồi những tiền đạo như Kampès, Deschamps, Van Basten, Falcao, Klinsmann, Muller, đâu rồi những hậu vệ như Blanc, Roberto Carlos và những thủ môn như Dino Zoff?
World Cup lần này quả là “mồ chôn” các tên tuổi tưởng đâu sẽ làm dậy sóng ba đào như Messi, Klaus, Rooney, Ronaldo, Kaka..Có nhà bình luận nhận xét: “Các ngôi sao này quá ích kỷ, không điều chỉnh lối chơi của mình theo kiểu đá của toàn đội, nên thất bại là phải”
Chúng ta phải nhìn nhận hai “cỗ máy chiến tranh” Hòa Lan và Tây Ban Nha ít có siêu sao, nhưng họ nghiến nát mọi đối thủ nhờ “dàn sao tiền vệ” chơi quá hay và một tập thể nhịp nhàng ăn ý như…tát nước đầu đình, công cũng như thủ!
Nhưng người thất bại Maradona có một nhận xét làm bạn giật mình: “Không phải, lần này các siêu sao đã không “ích kỷ đủ đô” như các huyền thoại trước đây” (Unlike the past, the stars weren’t selfish enough!)
Maradona nói: “Bây giờ các siêu sao ít dám chơi kiểu chơi của mình, họ phải bám vào đồng đội. Đá banh hiện đại là cả đội đá, và các ngôi sao phải chạy theo”.
Cái này Maradona đã không sai: Lúc trước, Ba Tây phải có Pelé dẫn dắt, Pháp đá theo đội trưởng Platini, Beckenbauer chỉ huy dàn trung vệ và hậu vệ Đức, Beckham đẩy các bạn ‘ăng lê’ tiến lên và “ông nhóc tóc bím” Baggio điều khiển dàn tấn công của đội Ý.
Bạn còn nhớ World Cup năm 1986 không? Giải bóng đá lúc đó chỉ có một cái tên, một cầu thủ, một ‘Thượng Đế’, đó là Maradona, còn tất cả còn lại là…quân hầu.
Thật ghê gớm là một cá nhân lại ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu toàn đội như thế, nhưng nếu bạn thấy “chàng lùn số 10” dẫn bóng như làm xiếc trên sân từ trận đầu đến kế bên cái Cúp Vô Địch, bạn sẽ hiểu tại sao thế giới chỉ có 3 ông vua đá banh là Pelé, Platini và Maradona!
Anh nói: “Tôi nghĩ ngày xưa chúng tôi (các siêu sao) ích kỷ hơn. Nhưng giờ đây bạn sẽ không bao giờ gặp một tên tuổi lớn dám tuyên bố là cả đội phải ủng hộ và làm việc cho anh ta, vì ngay lập tức anh ta sẽ bị xỉ vả ngay. Các siêu sao cứ lo ngay ngáy phải ủng hộ các đồng đội và cứ tuyên bố trong đội hình không ai quan trọng hơn ai!”
Maradona thở dài: “Thời thế đã thay đổi, mọi việc rồi cũng phải như thế. Ngày xưa tôi là Diego Maradona và những người khác là…đồng đội của Maradona”. Có thể anh đã có lý, và đây sẽ là một điểm đáng buồn hay vui? Khi túc cầu không còn những “danh nhân” như văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, khoa học?
Và báo chí sẽ phỏng vấn ai khi trận đấu đã tàn? Thắng cuộc là mục tiêu số một, các cầu thủ chỉ là quân cờ trên sân, bóng đá chỉ còn là một công nghiệp thắng thua, cho cá độ và cho …xỉ vả là không yêu nước nếu thất bại?
Ngày xưa đi xem đá banh là để xem Pelé biểu diễn lừa bóng qua …10 đối thủ rồi hạ luôn thủ môn (chuyện có thật). Ông đá banh cừ khôi đến nỗi đã biễu diễn cho Đức Giáo Hoàng xem. Hòa Lan thua Đức tức tưởi 1-2 trong trận chung kết World Cup 1974, nhưng người được yêu mến nhất lại là Johan Cruyff của Hòa Lan, và chính Beckenbauer, đội trưởng Đức giơ cao Cúp Vàng, cũng phải nhìn nhận: “Cruyff vĩ đại nhất thế giới”
Bạn còn nhớ Hòa Lan đã đá ra sao khi đoạt Cúp Vô Địch châu Âu năm 1988, hạ Liên Xô 2-0 trong trận chung kết không? Có lẽ là không, nhưng bạn sẽ nhớ mãi “kiểu đá hào hoa chết người” của Gullit, của Van Basten và của Rikjard, bộ ba mà báo chí gọi là “những chàng Hòa Lan bay”, những siêu sao có lối đá đưa hoa Tulip nở rộ và tiếp nối truyền thống hào hùng của Johan Cruyff. Tại sao sau đó Nữ hoàng Hòa Lan phong tước hiệp sĩ cho họ mà không cho các bạn đồng đội?
Cũng như một trận chiến cần một tướng tài, một bàn mổ cần một y sĩ giải phẫu chỉ huy, một chuyến máy bay chở khách cần phi công chính, túc cầu phải có ngôi sao dẫn dắt đồng đội, vì nếu không, sau trận đấu, người ta rất có thể…không còn nhớ gì hết. Ai là người chơi hay nhất trong trận Tây Ban Nha hạ Đức 1-0? Trả lời: toàn đội Tây Ban Nha!
Không, vẫn còn siêu sao trong bóng tròn, đó là “Vua Đoán Mò” Paul Bạch Tuộc, vốn đã sáng rực trong giải World Cup 2010 lạ lùng này. Môn thể thao vua thiệt là… ngộ bạn hiền ơi, khi “người nổi tiếng nhất có đến 8 chân và không cần dẫn banh trên sân”nhưng vẫn chiếm hết sự chú ý của giới truyển thông!
Bạn đi xem đá bóng năm 2038? Này, bạn có “mở truyền hình định vị dùng điện năng mặt trời hỏi ý kiến Thày Ba Nước Lạnh là chú Nhền Nhện Louis” chưa, thầy đã ‘phán’ đội nào thắng vậy?
|