Trận chung kết giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha đã chấm dứt ba chục ngày hào hứng theo dõi bóng đá của mùa World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi. Sáu mươi bốn trận đã diễn ra với sự tham dự của 32 đội banh ưu tú đại diện cho các quốc gia thuộc năm châu của quả địa cầu. Mỗi đội đã có ít nhất là 3 trận ở vòng bảng cho khán giả thế giới biết được tài nghệ của họ ra sao.
Đội Bắc Hàn hùng dũng vào tứ kết World Cup 1966 ở Anh quốc, thì mãi đến nay 2010 mới tái xuất hiện. Thua Ba Tây 1-2, thua Bờ Biển Ngà 0-3 và thua thê thảm 0-7 trước Bồ Đào Nha, đã khiến cho huyền thọai năm xưa tan nát.
Tuy nhiên Nam Hàn lại anh dũng hạ cựu vương Âu Châu 2004 là Hi Lạp 2-0 và thua Uraguay 2-1 ở vòng hai trong một trận đấu khá ngang ngửa.
Đội Nhật hạ Đan Mạch 3-1 với 2 quả đá phạt tuyệt đẹp tạo nên một dấu ấn đặc biệt khiến cho các đội bóng khác phải e dè không muốn phạm lỗi khi tranh bóng với cầu thủ xứ Phù Tang trong vòng gần cấm địa. Và Nhật đã cầm hòa Paraguay 0-0, chỉ thua vì kém may trong năm quả luân lưu 11 mét.
Tuy dừng bước ở trận đầu vòng hai nhưng Nhật Bản và Nam Hàn đã chứng tỏ cho thế giới thấy rằng khả năng bóng đá của châu Á đã tiến bộ.
Đại diện cho Châu Đại Dương là Tân Tây Lan mặc dù xếp hạng thấp nhưng đá ba trận vòng bảng đều hòa cũng là điều gây ngạc nhiên.
Chỉ có châu Phi gây thất vọng vì nước chủ nhà Nam Phi không được vào vòng hai và chỉ còn một mình Ghana cô đơn sau khi Bờ Biển Ngà, Nigeria, Cameroon, Algeria, Nam Phi bị lọai vòng bảng.
World Cup 2010 chứng kiến sự chênh lệch đẳng cấp giữa các đội không còn cách biệt lớn và nhiều bất ngờ xảy ra như Ý, Pháp - hai đội nhất nhì mùa 2006 - đã lên đường về nước sớm vì không được vào vòng hai.
Vào vòng knock-out cũng có một số trận đáng nhớ như Đức hạ Anh 4-1, hạ Argentina 4-0 gây chấn động. Các cầu thủ trẻ của Đức đã nhanh gọn với những đường chuyền tốc độ hạ gục hàng phòng ngự gồm các cầu thủ tuy nổi tiếng nhưng già nua chậm chạp của Anh và Argentina. Ưu điểm của sức trẻ cũng là điều đáng ghi nhận cho sự suy nghĩ trong cách chọn lựa cầu thủ vào đội tuyển quốc gia của các cường quốc châu Âu trong mùa giải sắp tới.
Những cầu thủ danh tiếng như Messi (Argentina), Kaka (Ba Tây), Rooney (Anh), Ribery( Pháp) hoàn toàn mờ nhạt. Có lẽ khi họ đá ở các câu lạc bộ Âu châu với các đồng đội đã quen rơ với nhau nên có những đường banh hay đẹp, một yếu tố cần thiết để khán giả mua vé vào xem nghệ thuật bóng đá; trong khi tại World Cup các cầu thủ riêng rẻ chỉ tập hợp lại trong vòng vài tháng và họ gây cấn tranh giành bóng không ngại va chạm vì tinh thần quốc gia, do đó tạo nên một thế trận khác hẳn.
World Cup 2010 chỉ còn một mình Forlan số 10 của Uraguay làm người ta nhớ với những cú sút tung lưới đối phương tuyệt đẹp trong đó có mấy quả đá phạt sắc sảo.
Với 5 bàn thắng anh được bầu cầu thủ xuất sắc nhất giải – giải Quả Bóng Vàng hay Golden Ball. Và cầu thủ trẻ Mueller số 13 của Đức cũng ghi 5 trái cộng với mấy đường chuyền cho đồng đội hiệu quả nên ẳm hai danh hiệu chiếc giày vàng – Golden Boot và cầu thủ trẻ xuất sắc nhất. Người ta vẫn thắc mắc nếu anh không vắng mặt trận Đức gặp Tây Ban Nha thì chưa chắc Đức đã thua 0-1.
Suốt giải chỉ có vài trận đấu vừa hồi hộp vừa nhiều bàn thắng như trận tranh hạng ba giữa Đức và Uruguay với tỉ số 3-2. Hai đội cống hiến lối tấn công hết mình mà không cần phòng thủ, có lẽ muốn xóa đi cảm giác nhàm chán của trận đấu của hai kẻ chiến bại vòng bán kết.
Trận Uraguay gặp Ghana, phút cuối của 120 phút, cầu thủ xứ Phi châu sút banh vào khung thành đối phương, trong tuyệt vọng cầu thủ Suarez số 9 của Uraguay giơ cả hai tay lên cản bóng ngay trứơc lằn vôi. Nếu không có “bàn tay của Chúa” hay “ bàn tay của Quỉ” này thì Ghana đã thắng và vào tứ kết chứ không phải Uruguay.
Trọng tài đuổi Suarez ra sân và cho quả phạt đền nhưng Ghana đá đụng xà ngang và sau đó hai đội đá 5 trái luân lưu thì Uruguay chiến thắng. Hình ảnh Suarez dùng hai tay cản bóng trong khung thành trở thành sự kiện nóng bỏng của World Cup 2010. Người ta chê bai tinh thần thể thao tồi của đội Uruguay nhưng quốc gia này thì coi Suarez là anh hùng. Lúc cầu thủ Ryan của Ghana đá trái phạt đền thất bại thì Suarez nhảy lên ăn mừng.
Bóng đá là vậy, theo luật mà chơi cho dù nghệ thuật có bị bỏ qua một bên, phải chiến thắng bằng mọi giá.
Cũng với suy nghĩ như vậy mà trong trận chung kết Hòa Lan với Tây Ban Nha đã có thô bạo va chạm với nhau đến nỗi trọng tài cho 14 thẻ vàng và hậu vệ Heitinga đã bị đuổi ra sân và phút 116 Spain đã ghi bàn thắng duy nhất đọat cúp vàng. Có thể nói đây là trận chung kết dở nhất, thiếu tinh thần thể thao nhất .
Đội Hòa Lan vào chung kết lần thứ ba sau năm 1974 với Tây Đức, năm 1978 với Argentina đều thua nhưng để lại hình ảnh đẹp của lối đá tổng lực trong lòng người yêu bóng đá. Mùa 2010 dù toàn thắng các trận trước nhưng cuối cùng chỉ một trận thua cuối cùng duy nhất và thua toàn diện từ kết quả trận đấu cho đến cách trình diễn trên sân cỏ cho thấy hình ảnh tồi tệ của đội bóng da cam như câu nói của cầu thủ Robben trước đó là Hòa Lan sẵn sàng đá xấu để chiến thắng.
Nếu Hòa Lan hết mình tấn công thì biết đâu họ sẽ thắng, khi bị tung lưới thì họ mới liều xông lên nhưng đã muộn vì đã hết giờ. Nếu Hòa Lan bị dẫn trước sớm trong hiệp đầu thì có thể trận đấu sẽ hay hơn như trong trận gặp Ba Tây.
Tinh thần thực dụng cũng khiến cho Ba Tây bị chỉ trích, còn đâu những vũ điệu Samba trên sân cỏ. Dù thua nhục 0-4 trước Đức nhưng huấn luyện viên Maradona đã tuyên bố không từ bỏ lối đá tấn công làm nức lòng khán giả. Câu nói này thật đáng khâm phục từ danh thủ thế giới và cũng làm cho người ta hiểu là tại sao đội Argentina đã được hoan nghênh khi trở về nước dù thất bại.
Đội Tây Ban Nha suốt trong 7 trận đấu từ vòng bảng đến chung kết chỉ thua một trận duy nhất 0-1 trước Thụy Sĩ, đây là một trận thua hữu ích ở vòng bảng vì giúp cho họ rút kinh nghiệm ở các trận sau chứ nếu mà thua ở vòng trong thì còn đâu cơ hội mà giành cúp vàng.
Phải công nhận đội vô địch có hàng giữa và phòng thủ hỗ trợ cho nhau rất tốt, cộng thêm thủ môn Ikelas xuất sắc nên họ chỉ bị tung lưới có hai trái. Ngược lại thì họ cũng chỉ thắng đối phương chỉ có một trái mà thôi ( ngọai trừ thắng Honduras 2-0 vì đội này quá kém). Mùa World Cup 2010 cho thấy đội có hàng thủ kiên cố cuối cùng chiến thắng là Tây Ban Nha cũng giống như đội Ý đọat cúp năm 2006.
Tiếc cho đội Hoa Kỳ có hàng công đầy sáng tạo gồm Donovan và Altidore, Dempsey. Họ vào vòng hai đầu bảng gặp Ghana lại bị thua bởi hàng hậu vệ mơ ngủ non nớt nên bị dẫn trước rồi gỡ 1-1 và chỉ mấy phút đầu của hiệp phụ đã bị thủng lưới dễ dàng. Chính hàng công của Hoa Kỳ đã thắng Tây Ban Nha 2-0 , thua 2-3 trước Ba Tây trong giải Confederations Nam Phi 2009. Điều này cho thấy là muốn xuyên thủng màng lưới của Tây Ban Nha không phải là không làm được.
Đội Hoa Kỳ đã cho khán giả nước họ những cảm xúc hồi hộp khi chiến thắng Algeria ở phút cuối cùng để vào vòng hai cũng như gỡ hòa Slovenia 2-2 sau khi bị dẫn trứơc hai trái. Và sự kiện này đã làm cho ngành bóng đá của nước 300 triệu dân giàu nhất hành tinh được chú ý.
Có lẽ chỉ còn Ba Tây mới có những đường banh tấn công sắc bén để trị Tây Ban Nha. Tiếc là trận chung kết lý tưởng giữa Ba Tây và Tây Ban Nha đã không xảy ra khi Hòa Lan may mắn hạ Ba Tây vòng tứ kết.
World Cup 2010 có thầy bạch tuộc Paul tiên đoán chính xác kết quả các trận của đội Đức. Hai hộp đựng thức ăn có sơn quốc kỳ của hai đội bóng và bạch tuộc đã lao vào hộp nào thì sau đó đội này thắng. Thầy Paul này đã cho biết Đức thắng Anh, thắng Argentina và thua Tây Ban Nha. Lần cuối cùng thì tiên đoán Đức thắng Uruguay và Tây Ban Nha thắng Hòa Lan trận chung kết. Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi và bạch tuộc Paul đã không sai tạo nên một sự kiện huyền bí cho mùa World Cup 2010.
Có điều nghịch lý là dân bắt độ theo thầy Paul thì lại thua vì Tây Ban Nha chấp Hòa Lan nữa trái trong 90 phút mà mãi đến phút 116 mới có tỉ số.
World Cup 2010 tại Nam Phi đã thành công rực rỡ với số khán giả và những kết quả gây thích thú giới bóng đá. Kỹ thuật truyền thông đã đưa giải bóng đá thế giới đến mọi nơi trên quả đất từ nước giàu cho đến nước nghèo. Và tình trạng cá độ cũng nhiều hơn bao giờ hết. Đã có nhiều người tại quê nhà thua độ World Cup mà tự tử, có kẻ bán nhà bán xe.
Ngày hội thể thao của nhân lọai đã kéo dài 30 ngày và chấm dứt. Cuộc vui đã tàn và những buổi sáng thức sớm để coi bóng đá trên truyền hình đã không còn. Phải đợi 4 năm nữa mới tới World Cup 2014 tại Ba Tây. Mỗi mùa giải thế giới đều có nét riêng, có những kỷ niệm vui buồn để nhớ, không thể nào ghi hết.
Giã từ World Cup Nam Phi 2010. Hi vọng bốn năm sau còn có dịp gặp lại.
|