Cách chơi của đội Mỹ rất khoa học, có tính chiến thuật rõ ràng. Cầu thủ Mỹ ít dùng tiểu xảo, tôn trọng luật chơi
Sepp Blatter, vị hoàng đế đầy quyền năng của đế quốc FIFA Vậy là World Cup 2010 đã khép lại với nhà tân vô địch là Tây Ban Nha. Người dân Việt ở Bolsa bắt đầu trở lại sinh hoạt bình thường, sau những ngày xáo trộn vì bóng đá trong hơn một tháng vừa qua.
Những lời bình luận về cầu thủ, về trận đấu chắc cũng còn kéo dài thêm một vài ngày nữa . Xin được khép lại mùa World Cup này bằng một số câu chuyện góp nhặt được từ những người hâm mộ túc cầu ở Little Saigon, những câu chuyện vui ít liên quan đến sân cỏ…
Trông tướng đội tuyển, đoán vận mạng quốc gia:
Nhìn vào tướng mạo của một người, các vị thầy tướng có thể đoán được phần nào tính tình, vận mạng của người đó. Tương tự, nhìn một đội tuyển quốc gia đá banh ở World Cup, ta có thể phần nào đoán ra được nét đặc thù của một dân tộc, một quốc gia không? Chắc là khó, nhưng cũng có một vài trường hợp gợi cho chúng ta một số liên tưởng thú vị.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu nền kinh tế thế giới. Đội tuyển quốc gia Mỹ không có vị trí tương tự trong thứ hạng của FIFA, nhưng cách mà họ thể hiện tại World Cup cũng rất là… Mỹ. Họ chơi bóng theo kiểu của những đội bóng hàng đầu Châu Âu, cho dù trong đội tuyển của họ không hề có một ngôi sao đắt giá nào. Họ chơi bóng nhanh, dựa trên lối chơi đồng đội hơn là cá nhân. Họ chọn lối chơi tấn công, chứ không chịu chơi co cụm phòng thủ, rình rập phản công theo kiểu những đội “kèo dưới”. Cách chơi của đội Mỹ rất khoa học, có tính chiến thuật rõ ràng. Cầu thủ Mỹ ít dùng tiểu xảo, tôn trọng luật chơi. Sau trận hòa Slovenia 2-2, khi được hỏi về bàn thắng hợp lệ không được trọng tài công nhận, huấn luyện viên Mỹ trả lời rằng tình huống lúc đó rất phức tạp, một mình ông cũng không thể kết luận được, nên ông tôn trọng quyết định của trọng tài. Đó có phải là cách mà Hoa Kỳ vươn lên hàng đầu kinh tế thế giới không?
Đội Pháp thất bại ê chề, rời World Cup một cách đáng hổ thẹn. Có tới 16 đội cùng bị loại ngay từ vòng một, nhưng cái cách thua của đội Pháp làm cho chúng ta liên tưởng đến nền kinh tế Pháp đang trì trệ ngày hôm nay. Tình hình nội bộ đội Pháp lủng củng, xáo trộn, cầu thủ chửi huấn luyện viên bị đuổi về nước. Điều này giống như chính phủ Pháp bất lực trong các cuộc đình công liên miên của công nhân; bất lực trong việc kêu gọi người dân của họ chịu khó làm việc nhiều hơn, hy sinh quyền lợi cá nhân một chút để vực dậy nền kinh tế Pháp. Đội tuyển Pháp đá không hề dở hơn các đội Úc, New Zealand, Honduras, những đội đã ngẩng cao đầu rời World Cup. Nhưng các cầu thủ Pháp đã đá bóng không hề có một chút lửa, rời rạc như thí đấu lấy lệ. Hình như họ không còn coi trọng màu cờ sắc áo đội tuyển của mình nữa. Điều này cũng giống như nhiều người dân Pháp ngày nay không còn tinh vào các giá trị Pháp đầy hào quang trong quá khứ. Một cặp vợ chồng người Pháp gốc Việt vừa mới bỏ Paris sang Cali lập nghiệp cho biết rằng ở Paris bây giờ quá đắt đỏ, chỉ còn có dân giàu và trung lưu là sống nổi. Bỏ một nơi mà họ đã sinh sống hơn 20 năm, sang lập nghiệp ở vùng đất mới ở tuổi đời gần 50, cặp vợ chồng này vẫn tin tưởng họ sẽ tìm được một cuộc sống bình thường an lành ở Mỹ hơn là ở Pháp.
Dân Việt Nam có thực sự mê môn bóng đá?
Cimigo, một công ty chuyên về lĩnh vực nghiên cứu thị trường, đã làm một cuộc thăm dò ở VIệt Nam mới đây diễn ra ngay trong mùa World Cup 2010, để tìm hiểu xem người Việt Nam có khoái xem world cup hay không? Kết quả cho thấy: 55% người Việt thích xem World Cup, 20% không thích và 25% trung lập. Công ty này kết luận là dân Việt Nam mình rất mê môn túc cầu, mà đó cũng là ý kiến chung của nhiều người trong chúng ta. Điều này có hoàn toàn đúng không?
Khi đi phỏng vấn và hỏi dân Việt Nam có khoái xem World Cup, Cimigo chắc quên hỏi thêm vì sao họ xem. Trong số người trả lời có, chắc không dưới 20% xem đá banh là vì mê… cá độ. Cứ theo dõi thông tin trong nước về các tiệm cầm đồ trong mùa world cup là biết ngay. Như vậy, con số 55% sẽ giảm xuống chừng 40% cho những người thực sự say mê môn bóng tròn. Ở một quốc gia mà các phương tiện giải trí, các môn thể thao phát triển còn ít ỏi để người dân có sự lựa chọn như Việt Nam, con số này không phải là lớn. Rất nhiều người Việt mê bóng đá, khi sang định cư ở Mỹ một thời gian nói rằng họ thích xem bóng rổ và football hơn, vì hai môn này hấp dẫn hơn nhiều.
Nếu người dân đã mê bóng đá, thì thường họ sẽ thích xem đội tuyển quốc gia của họ nhất. Đã từ khoảng chục năm nay, người dân Việt Nam sành xem đá banh thờ ơ với giải vô địch trong nước, với đội tuyển quốc gia. Vì sao vậy? Cách đây vài năm, hàng loạt các cầu thủ trong đội tuyển quốc gia bị bắt để điều tra vì có liên quan đến những vụ bán độ trong các trận đấu của đội Việt Nam tại các giải ở khu vực Đông Nam Á. Họ xem trọng đồng tiền hơn là màu cờ sắc áo. Điều này cũng dễ hiểu, vì lý tưởng “làm giàu là trên hết” đang dẫn đầu ở Việt Nam ngày nay. Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam có quyền mà có ít tài, điều hành nền bóng đá quốc gia một cách bê bết, đã bị người dân và giới truyền thông trong nước xỉ vả một cách thậm tệ. Dân việt sành coi đá banh thích xem giải vô địch Ngoại Hạng Anh, giải Ý, giải Tây Ban Nha hơn.
Một trong những cách để đo lường một dân tộc có mê môn bóng tròn hay không là trình độ phát triển của nền bóng đá quốc gia đó. Việt Nam đang đứng hạng 117 trong bảng sắp hạng của FIFA, một vị trí rất khiêm tốn của một quốc gia có người dân say mê bóng đá! Với 85 triệu dân-đứng hàng 13 trên thế giới- vì sao mà nền bóng đá của nước ta kém phát triển đến thế? Hay tại nước mình còn nghèo? Điều này cũng không đúng. Theo thống kê của IMF, Việt Nam đứng hàng thứ 58 về GDP. Trong khi đó, ba quốc gia nghèo có mặt ở World Cup 2010 là Ghana, Paraguay, Honduras có thứ hạng GDP là 102, 103, 104.
Như vậy, kết luận là người Việt Nam say mê môn bóng đá cũng nên được xem xét lại.
FIFA, đế chế lớn nhất thế giới ngày nay?
Đã có một thời, Đế quốc La Mã có lãnh thổ lớn nhất trên thế giới. Rồi đến mộng bá chủ thế giới của Mông Cổ, khi vó ngựa Mông Cổ tràn ngập Châu Á, Châu Âu. Rồi đến thời mà mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ của đế quốc Anh.
Có người cho rằng đế chế lớn nhất trên thế giới ngay nay chính là FIFA. Xét ở một góc cạnh nào đó, họ có lý.
FIFA là một đế chế có “thủ đô” đặt tại Thụy Sỹ. “Lãnh thổ” trải rộng khắp năm châu, nơi có các liên đoàn bóng đá các quốc gia trực thuộc FIFA. “Thần dân” của họ là những người say mê môn túc cầu ở các quốc gia này. Cách đếm đầu “thần dân” của FIFA khá thuyết phục: số người theo dõi World Cup qua truyền hình. Theo L’Expansion, có khoảng 13 tỉ lượt người khắp thế giới đã theo dõi các trận cầu tại world cup Nam Phi. Có nghĩa là khoảng gấp 4 lần dân số thế giới ngày nay. Một con số làm cho chúng ta giật mình! FIFA vẫn gọi môn túc cầu là football, không thèm đếm xỉa gì đến việc người Mỹ phân biệt giữa môn football của họ và soccer. Chắc chắn là nhiều người theo định nghĩa của FIFA hơn rồi. Có hai “Đại Đế” đã có công đưa đế quốc FIFA trở nên hùng mạnh như ngày nay. Đó là ông Joan Havelange, người Brazil, trị vì FIFA đến năm 1998. Sau đó ông đã truyền ngôi lại cho ông Sepp Blatter, người Thụy Sỹ, trị vì đến tận ngày hôm nay. Quân đội của FIFA là những đội tuyển quốc gia, trên các chiến trường World Cup, Cúp Liên Châu Lục… Vũ khí của họ chính là bản quyền truyền hình, đặc biệt là của các trận đấu trong World Cup. Số lượng khổng lồ người xem trên toàn cầu đã khiến việc quảng cáo trong những trận đấu này trở nên quan trọng đối với tập đoàn lớn có chiến lược kinh doanh toàn cầu. Chỉ riêng tiền bản quyền truyền hình tại World Cup 2006 diễn ra tại Đức đã đem lại cho FIFA gần 1 tỉ Đô La! Doanh thu của World Cup năm nay chắc cũng không nhỏ hơn rồi.
Trong khuynh hướng toàn cầu hóa ngày nay, quyền lực của FIFA chắc chắn sẽ vẫn còn phát triển trong tương lai.
Những người đoạt giải dự đoán World Cup 2010:
- Giải khuyến khích: vua bóng đá Pele. Lần đầu tiên ở một world cup, ông ta khen ngợi và đoán trúng đội vô địch: Tây Ban Nha. Mấy lần World Cup trước, ông đoán sai bét.
- Người đoán đội vô địch trúng sớm nhất: nhà tiên tri Notradamus, với lời sấm truyền từ 500 năm trước, rằng tại thành phố Thánh Johan, đàn bò tót sẽ xô ngã những giá trị cũ. Người Tây Ban Nha từ đầu giải đã dựa theo niềm tin này để sống cho dù Tây Ban Nha thua Thụy Sĩ trong trận đầu.
- Giải quán quân thuộc về… chú bạch tuột mang tên Paul, hiện đang sinh sống tại Đức. Chú đoán đúng hoàn toàn kết quả 07 trận của đội Đức, cộng thêm đội vô địch là Tây Ban Nha. Nghe nói Paul sắp được đưa sang Tây Ban Nha để… nhập quốc tịch và vào Hoàng Gia Tây Ban Nha sinh sống. Chứ ở Đức, người ta đang muốn đem chú ra làm món… mực một nắng để trả thù!
|