Một luật gia mù người Trung Quốc bị đàn áp vì tố cáo nạn cưỡng bức phá thai |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Hai, 20 Tháng 12 Năm 2010 21:58 |
Theo nhật báo Libération, luật gia mù Trần Quang Thành, người từng đấu tranh chống lại các vụ cưỡng bức phá thai đang cùng cảnh ngộ với giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba. Năm 2007, ông Trần Quang Thành được trao tặng giải Magsaysay - giải Nobel Hòa bình châu Á - nhưng bị chính quyền Bắc Kinh phản ứng dữ dội. Vợ ông bị bắt tại sân bay khi chuẩn bị đi nhận giải thay ông, và sau đó bị quản thúc tại gia. Hiện ông Trần Quang Thành đang bị cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài. Luật gia mùTrần Quang Thành bị đàn áp vì đã vạch trần tệ nạn cưỡng bức phá thai tại một địa phương Trung Quốc. /protectthehuman.com Bài phóng sự của đặc phái viên nhật báo cánh tả Libération tại Sơn Đông, Trung Quốc đã tả lại cụ thể cuộc sống bị giam lỏng của luật gia mù Trần Quang Thành, người đã từng đấu tranh chống lại các vụ cưỡng bức phá thai. Được tặng giải Magsaysay – được xem là giải Nobel Hòa bình của châu Á – vào năm 2007, sau bốn năm ở tù, hiện nay ông đang bị cắt đứt tất cả mọi liên lạc và bị cấm mọi tiếp xúc. Sau khi mô tả cảnh ngôi làng quê hiền hòa nơi ông Trần Quang Thành đang sống, tác giả cho biết hiện không có ai được vào làng này, và cũng không ai liên lạc được với dân làng. Tất cả các đường dây điện thoại đều đã bị cắt từ nhiều tháng qua, ăng-ten sóng di động bị tháo gỡ, sáu camera quan sát được thiết trí. Các biện pháp trên chỉ nhắm vào một người, luật gia mù Trần Quang Thành, 39 tuổi. Về mặt chính thức thì chẳng có ai ngăn cấm vào ngôi làng có 400 dân, nơi ông Trần Quang Thành đang cư ngụ. Nhưng trên thực tế, có đến khoảng bốn chục người mặc áo khoác màu xanh của quân đội chận đường, người lạ không được vào, còn dân làng cũng bị lục soát. Ngôi làng bị canh gác cả ngày lẫn đêm chẳng khác nhà tù. Còn nhà báo nào mon men tiến gần làng là được khoảng mười lăm tên vai u thịt bắp tóm cổ, khám xét người và tư trang một cách thô bạo. Nhiều viên chức mặc thường phục với bộ đàm trên tay, ngồi trong xe quan sát từ xa, những người này từ chối trả lời câu hỏi họ có phải là cảnh sát hay không. Cuộc khám xét kết thúc bằng những cú đấm sau khi đã chắc chắn rằng vị khách không ghi âm hoặc chụp ảnh, còn máy ảnh thì bị tịch thu. Tác giả bài báo cho biết, ông Trần Quang Thành chẳng phải là tội phạm nguy hiểm để phải áp dụng các biện pháp như thế. Sinh ra trong một gia đình nông dân, ông bị mù vì lúc bé bị bệnh mà không được chạy chữa đến nơi đến chốn, tự học luật bằng sách chữ nổi. Với những kiến thức có được, năm 1996 ông đã khiến chính quyền địa phương phải miễn thuế cho các nông dân tật nguyền, trong khi lâu nay họ phải đóng thuế nặng. Sau đó ông tư vấn cho một nhóm người tàn tật ở Bắc Kinh kiện ra tòa cơ quan quản lý xe điện ngầm vì không miễn phí cho người tàn tật như quy định. Trần Quang Thành cũng đã đưa ra ánh sáng vụ chính quyền huyện Lâm Nghi ép buộc phá thai để đạt chỉ tiêu “mỗi gia đình chỉ có một con”. Vụ kiện tập thể bị tòa án từ chối thụ lý, nhưng hồ sơ này thật tầm cỡ. Chỉ trong vòng vài năm, ở huyện Lâm Nghi đã có đến 7.000 phụ nữ bị buộc phải phá thai, để cán bộ lãnh đạo địa phương hoàn thành chỉ tiêu và được đề bạt, tăng lương. Thai đã 8 tháng cũng bị phá, bằng cách dùng kim tiêm dài chích một thứ chẩt lỏng vào bụng thai phụ, do các toán “đặc nhiệm” thực hiện. Các toán này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, dù là ngày hay đêm. Để buộc một phụ nữ có thai ngoài chỉ tiêu phải phá thai, đôi khi địa phương còn bắt một người thân trong gia đình làm con tin, cho đến khi nào thai phụ đầu hàng. Cơ quan kế hoạch hóa gia đình ở Bắc Kinh mới đầu phản ứng thuận lợi, vì với chính sách mỗi gia đình có một con, việc phá thai chỉ thực hiện khi có sự thuận tình. Một cuộc điều tra được tiến hành, cho thấy hầu hết các phát hiện của Trần Quang Thành và nhóm luật sư hỗ trợ ông đều chính xác. Nhưng chính quyền rốt cuộc đã nhắm mắt làm ngơ, do không muốn ảnh hưởng đến chính sách đã áp dụng từ năm 1979, mỗi năm có khoảng 300 triệu vụ phá thai. Năm 2005, Trần Quang Thành đến Bắc Kinh gặp các phóng viên báo Times, cho biết các chi tiết của vụ này. Ba tiếng đồng hồ sau, ông bị cảnh sát bắt trên đường phố và đưa về làng, quản thúc tại gia. Ông bị tù tháng ba năm 2006, với tội danh “gây rối trật tự lưu thông” và “hủy hoại tài sản”. Một ngày trước khi phiên tòa diễn ra, trong số năm luật sư của ông thì có bốn người bị bắt giữ hoặc bị những người vô danh hành hung, người còn lại bị bắt vì tội “trộm ví tiền”, và chỉ được thả ra khi ông bị lãnh bản án bốn năm tù giam. Phiên tòa chỉ kéo dài có 30 phút, không nhân chứng cũng không bằng cớ. Libération so sánh, trường hợp của ông Trần Quang Thành cũng tương tự như giải Nobel Hòa bình 2010 Lưu Hiểu Ba. Năm 2007, ông được trao tặng giải Magsaysay – được xem như giải Nobel Hòa bình của châu Á. Chính quyền Bắc Kinh phản ứng dữ dội: vợ ông bị bắt tại sân bay khi chuẩn bị đi nhận giải thay ông, và sau đó bị quản thúc tại gia. Đôi khi bà liên lạc được với bên ngoài nhờ hàng xóm lén cho mượn điện thoại di động, nhưng nay chính quyền đã dỡ bỏ ăng-ten thu phát sóng địa phương. Con trai ông bị cấm đến trường học, có lẽ để tránh chuyển tin tức. Một luật sư Mỹ đã lên án “dạng trừng phạt đi ngược với pháp luật” này, nhằm “canh giữ làm cho một con người phải sống cô độc, có lẽ cho đến cuối đời, bằng bọn côn đồ do chính phủ tuyển dụng”.
|