Home Tin Tức Tin Nóng Bao giờ người dân Điện Bàn hết sống trong ô nhiễm?

Bao giờ người dân Điện Bàn hết sống trong ô nhiễm? PDF Print E-mail
Tác Giả: Gia Minh, biên tập viên RFA   
Thứ Hai, 29 Tháng 10 Năm 2012 16:29

Cây không lên nổi vì khói nhà máy thải ra đọng lại trên cây một chất mà dân mô tả là trắng lạnh lạnh.

 

Hoạt động sản xuất thép cũng như nhiều mặt hàng công nghiệp khác gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân huyện Điện Bàn, buộc họ phải có phản ứng.  

 

Người dân phản đối ô nhiễm Nhà máy thép Việt Pháp ở xã Điện Nam Đông, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hôm 10-10-2012.Courtesy vtc

 

Trong chuyên mục Khoa học - Môi trường kỳ này, chúng tôi trình bày sự việc mới nhất xảy ra tại khu vực xã Điện Nam Đông huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam liên quan vấn đề vừa nêu.
Dân quyết liệt phản đối

Lâu nay tại nhiều địa phương trên cả nước từng xảy ra tình hình người dân sống quanh những nhà máy gây ô nhiễu phải sử dụng đến biện pháp phản đối tập thể bằng cách án ngữ cổng nhà máy không cho tiếp tục sản xuất vì dân chúng không thể chịu đựng được mức ô nhiễm mà nhà máy gây ra cho cuộc sống của họ.

Đầu tháng 10 vừa qua, người dân của chừng 40 hộ thuộc thôn 7A xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tiếp tục bao vây không cho nhà máy thép Việt Pháp thuộc cụm công nghiệp Thương Tín tại đó không cho sản xuất vì gây ô nhiễm cho môi trường sống của dân chúng quanh nhà máy.

 Đây không phải lần đầu dân phản đối nhà máy mà hoạt động này đã từng diễn ra kể từ hồi đầu năm cho đến nay.

Truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu của một số nguời dân nói rằng cứ đến giờ nhà máy hoạt động thường là vào 8 giờ tối khói ùa vào nhà, khói như sương mù có mùi khét. Có người dân phải sử dụng khẩu trang ngay cả khi ngủ.

Dân trong thôn chủ yếu là nông dân trồng hoa màu, nhưng theo họ cho biết thì cây không lên nổi vì khói nhà máy thải ra đọng lại trên cây một chất mà dân mô tả là trắng lạnh lạnh.

 

Nhà máy thép Việt Pháp (Cụm Công nghiệp Dịch vụ Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông) ở xã Điện Nam Đông, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Courtesy quangnam.gov

 

Một người dân địa phương tại xã Điện Nam vào ngày 19 tháng 10 vừa cho cho biết lý do họ phải ra dựng hàng rào để ngăn không cho nhà máy thép hoạt động như sau:

“Trước đây nhà máy xây ống thải thấp quá nên khói lan tỏa ra khắp thôn chừng 40-50 nhà. Khói quá dân chịu không nổi nên công nhân đến là dí chạy mà.
Trời mưa thì không có chi, nhưng trời nắng thì làm hoa màu bị ảnh hưởng. Dân làm cải nên cây không chịu đuợc, như khói lò gạch…”


Khí thải nhà máy thép độc hại?

Đối với người dân thì họ chỉ biết qua càm quan khói từ nhà máy thép thải ra gây khó chịu cho bản thân dẫn đến những chứng bệnh cho sức khỏe và hoa màu của họ bị thiệt hại mà thôi.

Vậy mức độ độc hại từ khói thải của các nhà máy thép thế nào?

Giáo sư tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng, Đại học Xây dựng ở Hà Nội trình bày về điều này như sau:


  “Thép ô nhiễm chủ yếu là từ đốt nhiên liệu than; đồng thời có một số chất ô nhiễm kim loại nặng từ quặng phát sinh ra. Như vậy gồm có các khí ô nhiễm như SO2, NOX, CO, bụi…

Các khí độc hại thì tác động có hại cho sức khỏe như SO2, CO, NOX với nồng độ thì sẽ gây ra những chứng bệnh về đường hô hấp. Nếu cao quá sẽ gây ra những triệu chứng tức thời: con người bị mệt, bị rối lọan thần kinh…”

Việt Nam từ lâu đã có nhà máy thép như Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên, và trong thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngòai cũng vào xây dựng nhà máy luyện cán thép. Do vậy công nghệ của những nhà máy đó khác nhau và mức độ gây ra ô nhiễm cũng khác nhau.

Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng giải thích về các loại nhà máy thép tại Việt Nam và mức độ gây ô nhiễm của từng loại như sau:

“Nhà máy thép có nhiều loại. Nếu từ quặng làm ra gang rồi từ gang làm ra thép; rồi có loại nhà máy tại Việt Nam làm ra thép từ các phế liệu thép để nung ra tái chế lại thép… Loại nung từ các phế liệu thép có rất nhiều chất ô nhiễm như sơn và từ trong sơn có chì khi nung sẽ bay ra; rồi dầu mỏ… Loại thép vụn tái chế lại sẽ gây ô nhiễm hơn là loại nấu từ gang.”

Chủ yếu các lò đốt từ phế thải sắt vụn làm ra thép xây dựng, hay là có những lò nhỏ. Còn những công ty chính là những nhà máy lớn cả.

Nhà máy gang thép Thái Nguyên trước đây theo công nghệ lạc hậu của Trung Quốc; nhưng nay cũng có thay đổi một số cải tiến rồi. Còn một số nhà máy của nước ngòai đầu tư vào như Việt- Nhật hay Việt- Pháp, cả Việt- Mỹ nữa thì hiện đại hơn. Tương lai có nhà máy khai thác thép từ quặng sắt ở Nghệ An, Hà Tĩnh thì lớn lắm.

Ở những nhà máy lớn như vậy đều có đánh giá tác động môi trường và phải bảo đảm công nghệ khí thải ra phải đạt tiêu chuẩn bảo đảm môi trường Việt Nam thì mới được đầu tư.”


Chính quyền hành động

 

Người dân phản đối ô nhiễm Nhà máy thép Việt Pháp ở xã Điện Nam Đông, H.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hôm 10-10-2012. Courtesy quangnam.gov


 

Nhà máy thép của Công ty TNHH Thép Việt Pháp tại Cụm Công nghiệp- Dịch vụ Thương Tín 1 tại thôn 7A xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam hẳn cũng phải qua khâu đánh giá tác động môi trường mới được cấp phép xây dựng và tiến hành sản xuất đúng như qui định của cơ quan chức năng Việt Nam.

Tuy nhiên theo mạng Tiền Phong số ra ngày 11 tháng 10 vừa qua thì nhà máy thép Việt- Pháp không thực hiện đúng như báo cáo tác động môi trường.

 Phía Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Nam nói là nhà máy chưa được cấp giấy xác nhận việc hòan thành các công trình xử lý môi trường.

Lãnh đạo huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thì nói rõ là nhà máy đăng ký xử lý môi trường bằng phương pháp túi lọc nhưng trong vận hành lại là công nghệ phun sương.

Vào chiều ngày 19 tháng 10, ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường cho biết việc Nhà máy Thép Việt- Pháp xin chuyển đổi công nghệ xử lý môi trường:

“Chúng tôi vừa mới thông qua đề án sửa đổi hệ thống xử lý môi trường. Họ đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng nay họ thay đổi về công nghệ xử lý. Vì chưa đạt nên tỉnh có chủ trương tạm dừng hoạt động rồi. Dừng hoạt động để xử lý tốt môi trường thì mới được hoạt động.”

Trường hợp của Nhà máy Thép Việt- Pháp tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam không phải là trường hợp duy nhất ở Việt Nam ‘nói một đằng mà làm một nẻo’ trong vấn đề xử lý các chất thải của nhà máy gây ô nhiễm môi trường.

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng cho biết về tình trạng chấp hành những qui định về xử lý chất thải độc hại của các công ty, cơ sở sản xuất công nghiệp tại Việt Nam như sau:

“Về mặt giấy tờ cho phép thì đạt tiêu chuẩn, và cũng hứa hẹn đạt tiêu chuẩn; nhưng trong thực tế khi vận hành thì có những nhà máy không làm đúng theo qui trình vận hành xử lý khí thải nên gây ra ô nhiễm. Ví dụ trường hợp nhà máy thép ở Quán Toan, Hải Phòng khí thải ra gây nên tình trạng hằng chục học sinh và giáo viên tại trường học bên nhà máy đó phải đi cấp cứu…”

Một lý do khiến các công ty, cơ sở sản xuất luồn lách trong vấn đề xử lý chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường là sợ tốn phí ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị. Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng nói đến điều đó:

“Xử lý khí sẽ tổn phí về nhiên liệu, năng lượng nhiều hơn nên chi phí nhiều hơn nên họ tìm mọi cách để trốn việc xử lý ô nhiễm."

Nhiệm vụ của cơ quan chức năng như các cấp thuộc ngành môi trường mà gần đây còn có thêm lực luợng cảnh sát môi trường là theo dõi, giám sát để xử phạt các trường hợp vi phạm mọi qui định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Thế nhưng công tác giám sát, kiểm tra và xử phạt vẫn chưa được chặt chẽ khiến cho tình hình vẫn xảy ra như đánh giá của giáo sư- tiến sĩ Phạm Ngọc Đăng sau đây:

“Việc kiểm soát của Nhà Nước không chặt chẽ.”

Ông Dương Chí Công, giám đốc Sở Tài Nguyên- Môi trường tỉnh Quảng Nam thì cho rằng do lực lượng nhân sự của sở làm công tác giám sát, theo dõi các cơ sở trong phạm vi của ngành quá mỏng nên không thể kiểm soát cho xuể:

“Hàng nghìn doanh nghiệp mà Sở chỉ có 5 người làm việc đó thôi chứ đâu đi liên tục được nên phải nhờ ‘tai mắt của người dân’ khi nào người ta báo thì mới cử nguời đến làm.”

Mạng Tiền Phong trong số ra ngày 11 tháng 10 có trích dẫn phát biểu của ông Đặng Hữu Lên, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Điện Bàn thì qua quan trắc huyện thấy có nhiều thông số vượt tiêu chuẩn cho phép. Huyện đã kiến nghị với tỉnh mà không thấy tỉnh xử lý.

Trong khi đó phía Nhà Máy thì lên tiếng cho rằng việc người dân dựng hàng rào không cho công nhân vào sản xuất gây thiệt hại cho nhà máy. Lý do vì hợp đồng cũ bị ngưng trệ và không thể ký kết hợp đồng mới.
Ủy ban Nhân dân huyện Điện Bàn cho rằng việc nhà máy ký hợp đồng khi còn trong quá trình chạy thử là do nhà máy sai.

Chúng tôi cố liên lạc với người đại diện nhà máy thép Việt - Pháp để tìm hiểu thêm sự việc; nhưng máy reo mà không ai trả lời.

Sau năm lần họp dân để giải quyết vấn đề nhà máy thép Việt- Pháp tại huyện Điện Bàn gây ô nhiễm bị dân vây không cho sản xuất, hồi ngày 10 tháng 10, ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam họp bàn đưa ra biện pháp giải quyết.

 Ông phó chủ tịch Đinh Văn Thu nói rõ phải tạm dừng sản xuất đến khi nhà máy hòan thành báo cáo tác động môi trường và có xác nhận của cơ quan môi trường là đạt tiêu chuẩn.

Đến ngày 19 tháng 10 thì thông tin cho biết nhà máy đang hoạt động trở lại. Không rõ công nghệ mối đuợc triển khai hay chưa.

Xin được nhắc lại Nhà máy Thép Việt- Pháp tại Cụm Công nghiệp- Dịch vụ Thương Tín 1 ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bắt đầu hoạt động từ tháng 9 năm 2011. Vốn đầu tư của nhà máy này đuợc cho biết hơn 300 tỷ đồng. Nhà máy hiện thu dụng vài trăm công nhân địa phương.