Home Tin Tức Bình Luận Hoa kỳ đã lạc lối trong thế giới này

Hoa kỳ đã lạc lối trong thế giới này PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Hai, 29 Tháng 9 Năm 2008 06:02

    Tác giả:  Malcolm Fraser – Vô Sắc chuyển ngữ       Danh Mục:  • Cục Diện Thế Giới      Ngày gởi đăng: 9/2/2008  
Lời người dịch: Khi quyết định dịch bài xã luận này của cựu Thủ Tướng Úc chúng tôi không nhằm bày tỏ sự đồng tình, hay không, của mình với những luận cứ của ông. Mục đích là nhằm đưa đến cho độc giả  thêm một quan điểm nữa, cũng là một tiếng nói có trọng lượng, về các chánh sách đối ngoại của Hoa kỳ trong thời gian gần đây. Có biết đến nhiều quan điểm khác biệt, nhưng trung thực thay vì dối trá, xây dựng thay vì manh tâm, theo tôi là hữu ích.


Không có hy vọng cho một thế giới yên bình với một nước Mỹ quá chủ chiến

Vào thời cuối của cuộc Chiến Tranh Lạnh nước Mỹ ở ngôi vị tối thượng và không bị thách đố, nước Nga thì suy tàn, nghèo nàn, rối bời, với một quân lực trang bị tệ hại. Lúc đó, nhiều người tin rằng thế kỷ 21 có thể sẽ là giai đoạn cho nhân loại thăng tiến những vấn đề về khuôn phép, để thiết lập một nền hòa bình quốc tế bền vững hơn và thực sự sẽ nhìn thấy quan hệ giữa các nước được điều hành bằng luật lệ và không phải quyền lực. Thay vì thế, chúng ta lại có một thời kỳ của những lỗi lầm bi thảm và nghiêm trọng, một thời kỳ của thành kiến và từ chối học hỏi từ lịch sử.

Sự lãnh đạo của Mỹ đã rất quan trọng cho việc hình thành Liên Hiệp Quốc và cho việc thiết lập một hệ thống quốc tế dựa trên luật định nhằm ngăn cấm chiến tranh trừ phi cần thiết cho sự tự vệ hay được Hội đồng Bảo an đồng tình.

Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Hoa kỳ đã có thể làm rất nhiều điều nhằm tiếp tục sự thăng tiến có hiệu quả hơn, cho một hệ thống dựa trên luật định để luật pháp chi phối quan hệ giữa các nước. Nhưng không, nước Mỹ của thời nay đã đẩy các ước vọng to lớn và các nguyên tắc cao đẹp này qua một bên và dẫn dắt chúng ta, từng bước một, đến cơn khủng hoảng.

Sai lầm ở chỗ nào?

Sau cuộc Chiến tranh Lạnh, phe tân-bảo thủ mưu cầu xác lập ngôi vị tối thượng của Mỹ. Triết lý cơ bản của họ là nhằm đề cao sức mạnh của Mỹ suốt thế kỷ này và xa hơn nữa, khuôn đúc phần còn lại của thế giới theo hình ảnh của Mỹ, nếu cần, bằng vũ lực. Phe tân-bảo thủ không cần đến sự kiềm chế của các thỏa ước quốc tế, của luật lệ hay của tổ chức. Với họ, ngày 11 tháng Chín, 2001, là một cơ hội giải thoát Mỹ khỏi những kiềm chế này.

Hậu quả là, Hoa kỳ đã đi từ sai lầm này đến sai lầm khác và đã tạo ra một thế giới hiểm nguy hơn.

Sai lầm đầu tiên là tuyên chiến với những kẻ khủng bố, thay vì nên nhận thức rằng vấn nạn thực sự thuộc về tình báo, chính sách tốt, và nếu cần thiết, sẽ hổ trợ bởi bằng hành động quân sự.

Sai lầm thứ hai là đã tuyên phán với thế giới, hoặc anh cùng phe với chúng tôi hay anh đối nghịch. Không có con đường trung dung.

Cái sai lầm thứ ba, nghiêm trọng hơn, là không đổ đầy đủ tài nguyên vào việc truy tìm và tiêu diệt ban lãnh đạo al-Qaeda và hủy hoại mạng lưới của nó.

Sai lầm thứ tư là đã tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp tại Iraq, một lệch lạc to lớn đã chỉ gây ra thảm họa và khiến cho hòa bình tại Trung Đông càng thêm khó khăn.

Sai lầm kế tiếp là đã không chuyển hướng sự quan tâm đầy đủ đến các vấn nạn giữa Do Thái và người Palestine, lại mưu cầu gây chia rẽ người Palestine. Phớt lờ Hamas khiến hòa bình hầu như không thể có được.

Trong một sai lầm khác khởi đi từ cuối năm 2001, Hành pháp (Mỹ) đã bày mưu, từng bước một, phớt lờ Qui Ước Geneva, qui ước về tra tấn, để cho Hoa kỳ muốn làm gì thì làm. Những người dự phần, các luật sư, chánh trị gia, quan chức chính quyền đều có thể bị xem như vi phạm các tội ác chiến tranh nghiêm trọng.

Sự sai lầm kế tiếp là đã đặt một trách vụ lên tổng thống Pervez Musharraf mà không một vị lãnh đạo nào của nước Pakistan có thể thực hiện. Những kẻ cuồng tín đã củng cố ở các Vùng lãnh thổ Tây-Bắc. Nước Pakistan thì gần như ở trong tình trạng rối loạn.

Còn quan trọng hơn nhiều các lầm lẫn nghiêm trọng kể trên là sự thất bại trong việc giao tế với Nga trong ý thức tôn trọng và thừa nhận các quyền lợi truyền thống của Nga, mà Nga muốn bảo vệ.

Chính Hoa kỳ đã mong muốn đẩy NATO đến các đường biên giới của Nga, phớt lờ một thực tế là vai trò thực sự của NATO đã hoàn thành. Hoa kỳ đã muốn NATO bao gồm cả Ukraine và Georgia.

Tổng thống George Bush đã xé bỏ các hiệp ước quốc tế, Hiệp ước chống Hỏa tiễn Đạn đạo (Anti-Ballistic Missile Treaty) và Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Toàn diện. Những hành động của ông, trong thực tế, đã khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Trong vụ Georgia, Mỹ và Tây phương, với các ngoại lệ hiếm có, đã bỏ qua kích tố làm khơi mào cuộc đánh nhau và các vấn đề còn tiếp diễn. Tổng thống Mikkeil Saakashvili, người đưa quân đội mình vào Ossetia, được cho là giết chết 2 ngàn thường dân trong vòng chỉ có vài giờ, đã đập vỡ một nền hòa bình mỏng manh tồn tại từ đầu thập niên 1990.

Những lời hùng hồn của Hoa kỳ và phương cách ngoại giao của họ, cùng cuộc tái võ trang của Hoa kỳ cho các lực lượng quân sự Georgia, đã khuyến khích Saakashvili tin tưởng rằng ông ta có được sự hậu thuẩn của Mỹ. Sự chống đối của tôi với cuộc xung đột này cũng mạnh mẽ như sự chống đối của tôi với cuộc chiến tranh Iraq.

Chúng ta cần một thế giới mà trong đó các định chế quốc tế được tôn trọng, nơi mà Hội đồng Bảo An có thể có những ảnh hưởng thực sự, và nơi mà quan hệ giữa các quốc gia sẽ được chi phối bởi luật lệ chứ không bằng vũ lực.

Âu châu cần suy nghĩ kỹ lưỡng về sự phát triển những quan hệ của mình với nước Nga.

Đáng buồn, việc mưu cầu thiếu suy nghĩ cho sự thống trị của Mỹ mà không cân nhắc gì đến hậu quả lâu dài của các hành động đã tiêu hủy danh tiếng của Mỹ gây dựng được trong nhiều thập kỷ sau Đệ nhị Thế chiến.

Nếu Hoa kỳ muốn thực hành việc lãnh đạo thế giới có hiệu quả, nước này phải thừa nhận rằng tiến hành việc này bằng vũ lực không còn thực tiễn hay khả thi, mà phải bằng con đường ngoại giao khôn ngoan, bằng sử dụng và làm vững chắc lên các cấu trúc quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an và Tòa án Tội phạm Quốc tế.

Chúng ta cần tái-kết với cái ưu việt của nước Mỹ, một nước Mỹ trong những năm liền sau hậu chiến đã làm rất nhiều điều nhằm thiết lập một hệ thống dựa trên luật pháp cho việc điều hành quan hệ giữa các quốc gia. Hồi phục cái hình ảnh đó có thể giúp cho Mỹ có một ảnh hưởng thực sự và phần chúng ta cái hy vọng cao nhất cho một thế giới an bình.
 
Vài hàng về tác giả
Ông Malcolm Fraser (1930 - ), cựu lãnh tụ đảng Tự do, Thủ tướng Úc từ 1975 đến 1983. Trước đó, ông đã là Bộ trưởng Bộ binh (Minister for the Army, 1966) của chính phủ Harold Holt, và sau này là Bộ trưởng Quốc phòng (1968), trong thời kỳ của cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã là một người ủng hộ mạnh mẽ các chánh sách của Hoa kỳ.

Ông được nhiều người trong cộng đồng Việt Nam tại Úc xem như là một ân nhân lớn. Chính ông, và chính phủ của ông, đã mạnh dạn mở rộng vòng tay đón nhận hàng loạt, hàng chục ngàn, người Việt Nam tị nạn cộng sản vào Úc trong một thời gian ngắn.

Trước đó, chánh phủ Lao động của Thủ tướng Gough Whitlam (1972 – 1975), vì quan điểm thiên tả, thân Bắc Việt trong cuộc chiến, đã từ chối thu nhận người tị nạn Việt Nam khi miền Nam sụp đổ, cho đến khi chính phủ của ông Whitlam bị thất cử vào tháng 12, 1975.
Nguồn: America has lost its way in the world. The Age, 29 Aug 2008.

Vô Sắc