Home Tin Tức Bình Luận Thế kỷ 21 có còn là thế kỷ của Mỹ không?

Thế kỷ 21 có còn là thế kỷ của Mỹ không? PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng   
Thứ Ba, 28 Tháng 10 Năm 2008 07:14

 Vào những năm cuối của thế kỷ trước, một số những người bảo thủ tại Mỹ đã họp lại và đưa ra một dự án có tên là “Dự Án cho một thế kỷ Hoa Kỳ”(Project for an American Century) nhằm bảo đảm rằng Hoa Kỳ vẫn còn giữ được địa vị bá chủ trên thế giới trong thế kỷ 21. Nhưng những sự kiện xảy ra trong mấy năm nay gợi lại cho người ta một khả năng khác.

Vào đầu thế kỷ thứ 20, sau một cuộc chiến tàn bạo và đầy khó khăn, tại Nam Phi, tuy rằng chiến thắng, nhưng dân chúng Anh bắt đầu cảm thấy viễn cảnh rằng có khả năng là đất nước mình là một đất nước trên đà đi xuống. Họ e ngại rằng Luân Đôn với tư cách là một trung tâm tài chánh của thế giới đã lấy đi tài nguyên dành cho nền kinh tế công nghiệp trong khi các trường trung và đại học anh không đáp ứng nổi với nhu cầu của thế kỷ mới. Năm 1905, một cuốn sách mới - một cuốn lịch sử giả tưởng đặt thời điểm vào năm 2005 có tên là “Sự Suy Thoái và Sụp Đổ của Đế Quốc Anh” (The Decline and Fall of the British Empire) trở nên cuốn sách bán chạy nhất tại Anh.

Cuộc khủng hoảng niềm tin đã tạo ra một phản ứng chính trị rất mạnh. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 1906 đảng Tự Do đã đánh bại đảng Bảo Thủ cầm quyền qua một chiến thắng áp đảo và đưa nước Anh vào một giai đoạn cải tổ mới. Nhưng những cố gắng của những nhà lãnh đạo Anh cũng không ngăn chặn được một sự suy thoái tương đối về chính trị và kinh tế của nước mình so với những quốc gia khác. Và chỉ bốn thập niên sau đó,  đế quốc Anh đã không còn nữa và vai trò bá chủ thế giới của Anh bị một nước khác ở bên kia bờ đại dương thay thế.

Cố nhiên là Hoa Kỳ vào lúc này và đế quốc Anh ở năm 1905 có nhiều điểm khác biệt hơn là tương đồng. Thế nhưng cú shock của cuộc khủng hoảng tài chánh trong mấy tuần qua cộng với một nền kinh tế vốn trước đó đã bắt đầu trì trệ và một cuộc chiến không có được sự ủng hộ của quần chúng cũng đã tạo ra trong dân Mỹ một cái gì tương tự như là một cuộc khủng hoảng về niềm tin.

Thứ sáu tuần qua, sau khi thị trường chứng khoán kết thúc một tuần lễ tồi tệ nhất trong lịch sử với chỉ số Dow chỉ bằng hơn một nửa mức độ cao nhất cách đây trên một năm, một cuộc khảo sát ý kiến của Gallup Poll cho thấy trên 60% cho rằng kinh tế Mỹ đang ở trong một tình trạng suy thoái và đến 90% nghĩ rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Và sự bi quan về nước Mỹ cũng lan cả sang Âu châu. “Một điều theo tôi là có nhiều triển vọng xảy ra, Hoa Kỳ sẽ mất đi vị thế là siêu cường tài chánh của thế giới,” đó là nhận định của ông Peer Steinbruck, bộ trưởng tài chánh của Đức. Nếu đưa ra ở vào một thời điểm nào khác người ta có thể nghĩ rằng đây là một lời nói phát xuất từ sự ganh tỵ. Nhưng vào lúc này, câu nói đó đã gợi cho người ta cảm nghĩ có thể rằng năm 2008 này báo hiệu rằng thế kỷ 21 sẽ không phải là thế kỷ Hoa Kỳ nữa.

Vấn đề chính ở đây, kể cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn là nợ. Nợ vay của nước ngoài đã tạo ra tình trạng bong bóng trong lãnh vực nhà đất và nay thì đã để lại hậu quả là hầu như cứ sáu người có nhà thì một người có nợ cao hơn là trị giá căn nhà của mình. Nợ giúp cho Wall Street nổi bùng lên rồi cũng làm cho khu tài chánh này xẹp xuống khi mà những ngân hàng tại đây đã vay đến 30 đô la cho mỗi đô la vốn mình có. Và trong những năm tới, những món nợ tích lũy này sẽ kiềm chế hành động của các chính phủ Hoa Kỳ đi sau chính quyền Bush vào lúc các chính phủ này phải giải quyết những di sản do chính quyền Bush để lại, từ việc chi trả cho chiến tranh Iraq và Afghanistan cho đến phí tổn của cuộc cứu vớt khu vực tài chánh hiện nay cũng như là làm sao giữ cho hai chương trình phúc lợi xã hội lớn nhất, Social Security và Medicare khỏi bị phá sản khi thế hệ “baby boomers” đến tuổi về hưu. Nói một cách khác, trong lúc vào cuối thế kỷ 19, nước Anh sụp đổ dưới gánh nặng của đế quốc thì theo sử gia Niall Ferguson Hoa Kỳ bị trói buộc bởi gánh nặng tài chánh.

May mắn là giữa hai bên còn có nhiều sự khác biệt. Và một sự khác biệt chính là về tâm lý. Nếu nước Anh về đầu thế kỷ thứ 20 là một xã hội mỏi mệt không còn tin ở ưu thế của mình thì tại Mỹ người ta vẫn còn tin tưởng ở “sứ mạng đặc biệt Hoa Kỳ” (American exceptionalism) và mặc nhiên coi rằng nước Mỹ phải đứng đầu thế giới. Tuy rằng giữa hai ứng cử viên tổng thống hiện nay có rất nhiều khác biệt, nhưng trong niềm tin vào ưu thế của Hoa Kỳ đối với thế giới thì cả hai ứng cử viên đều giống nhau.

Một khác biệt nữa giữa nước Anh vào đầu thế kỷ thứ 20 và Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ 21 là lúc đó Anh có nhiều đối thủ cạnh tranh muốn dành vị thế bá chủ. Những nước như Đức, Hoa Kỳ, Nga đều có tham vọng và có khả năng vượt Anh trong khi hiện nay chưa có một quốc gia nào đứng lên thách thức vị trí của Hoa Kỳ cả. Ngay cả trên phương diện tài chánh, mặc dù suy yếu, nhưng giới đầu tư quốc tế vẫn còn tin tưởng vào ưu thế của Mỹ. Trong những tuần qua, thay vì xuống giá, đồng đô la đã lên giá so với những tiền tệ khác. Và gía chứng khoán tại các thị trường khác xuống thấp cũng không kém - có khi còn hơn - là giá chứng khoán tại Mỹ. Hoa Kỳ có thể không còn là siêu cường đứng đầu về kinh tế nhưng vẫn còn đưọc coi là an toàn hơn những nơi khác.

Đối thủ duy nhất có triển vọng thách thức vị trí của Mỹ hiện nay là Trung Quốc. Trong những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng vọt và theo những ước tính của Ngân hàng Goldman Sachs thì đến năm 2027 Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ như là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chỉ mới cách đây ba năm Goldman Sachs tính là Trung Quốc phải đợi đến 2040 mới làm được đến như vậy. Nhưng khác với Mỹ hoặc Đức so với Anh ở năm 1905, Trung Quốc còn lạc hậu nhiều so với Hoa Kỳ hiện nay. Đó là chưa kể Trung Quốc còn chịu một gánh nặng khổng lồ qua chế độ chuyên chế của đảng Cộng Sản.

Thành ra thế kỷ 21 vẫn có cơ hội trở thành thế kỷ của Mỹ nếu những nhược điểm mà cuộc khủng hoảng hiện nay làm lộ ra có thể được giải quyết. Những món nợ mà dân chúng cũng như chính phủ Mỹ tích lũy trong mấy năm gần đây đã là những tác nhân tai hại vì chúng đã lấy đi các tài nguyên của tương lai mà không tạo dựng cơ sở nào để phát triển cho tương lai. Như Christina Romer, một giáo sư kinh tế tại trường đại học California tại Berkeley nhận xét “Nếu bạn nói với tôi rằng chúng ta vay mượn như điên để xây dựng trường học và gởi mọi đứa trẻ đi học đại học thì nó sẽ khác hơn nhiều so với việc vay mượn để tiêu xài cho đã như hiện nay.”

Trường học, đường xá, hệ thống y tế, năng lượng, tất cả những vấn đề đó đều là những vấn đề dài hạn mà nước Mỹ cần phải giải quyết nếu muốn tiếp tục giữ ưu thế đối với thế giới. Nhưng liệu hệ thống chính trị Mỹ hiện nay có thể giải quyết được các vấn đề dài hạn đó hay không? Chế độ chính trị của Hoa Kỳ thông thường không thuận lợi cho việc giải quyết những vấn đề dài hạn không cấp bách trừ phi rơi vào một cuộc khủng hoảng. Hy vọng rằng đây sẽ là một trường hợp như vậy.