Home Tin Tức Bình Luận Viễn ảnh Cải cách cho Việt Nam.

Viễn ảnh Cải cách cho Việt Nam. PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa & RFA   
Thứ Bảy, 03 Tháng 1 Năm 2009 13:17

...vậy mà lãnh vực tư doanh vẫn bị kềm hãm, chèn ép...
Chúng ta đang bước sang năm mới với rất nhiều thử thách kinh tế và xã hội cho Việt Nam. Trong chương trình đặc biệt vào buổi cuối năm, Diễn đàn Kinh tế đài RFA sẽ trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về viễn ảnh cải cách cho Việt Nam có thể đẩy lui suy thoái và khủng hoảng. Cuộc phỏng vấn sẽ do Việt Long thực hiện với lời chúc an lành và thịnh vượng được tạp chí này trân trọng gửi tới toàn thể quý thính giả gần xa.

Hỏi 1: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong mấy tháng liền, những biến động kinh tế trên toàn cầu đã khiến chương trình chuyên đề hàng tuần của chúng ta tập trung vào khiá cạnh tiêu cực của các vấn đề, với nhiều dự báo u ám cho Đông Á và riêng cho Việt Nam. Chúng ta đang bước qua năm 2009 với nguyện ước tươi sáng hơn nên xin đề nghị là kỳ này ta sẽ cùng trao đổi về viễn ảnh cải cách cho Việt Nam. Ông nghĩ sao về yêu cầu này?

- Đấy là một ý kiến rất hay vì nhân dịp đầu năm, ta nên xây dựng tinh thần tích cực và cố tìm giải pháp khách quan cho Việt Nam. Thứ nữa, trong bối cảnh suy trầm kinh tế, lãnh đạo tại Việt Nam đang thảo luận về kế hoạch kích cầu sẽ ban hành nên nếu có phân tích lợi hại của từng đường hướng áp dụng kế hoạch thì cũng hợp thời. Thứ ba, và đây là điều quan trọng nhất, Việt Nam nên nhân cơ hội suy ngẫm lại về chiến lược phát triển hầu kế hoạch kích cầu sẽ có tác dụng tốt đẹp hơn cho chiến lược mới vì một lý do giản dị là Việt Nam không có nhiều phương tiện và thời gian. Bỏ ra sáu tỷ Mỹ kim như dự tính là sử dụng một ngân khoản có thể lên tới một phần tư của khối dự trữ ngoại tệ, nên không thể không nhìn xa hơn một chu kỳ kích cầu.

Hỏi 2: Như ông vừa trình bày thì kích cầu có thể là một chương trình ngắn hạn nhằm đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa nạn suy trầm kinh tế, nhưng cần được kết hợp vào một chiến lược phát triển lâu dài cho Việt Nam. Nếu như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ chiến lược, hoặc từ những gì cần phải suy ngẫm lại về chiến lược phát triển hiện tại. Vì sao người ta cần quan niệm lại chiến lược đó?

- Việt Nam phạm một sai lầm lớn khi tập trung chú ý vào đà tăng trưởng cao, coi đó là yếu tố tổng hợp của phát triển. Tốc độ này thật ra không cao nếu so với công sức đầu tư mà lại kém phẩm chất vì bất công, gây ô nhiễm môi sinh và vì vậy sẽ không bền. Các nước chưa phát triển tại Đông Á mà vươn tới tình trạng "tân hưng", nghĩa là mới bắt đầu phát triển, thì đều đã đạt tốc độ 8-9% ấy, mà tốn kém ít hơn và lại công bằng hơn về sự phân phối lợi tức.

- Thứ hai, trong đà tăng trưởng ấy từ một chục năm nay, tư nhân có phần đóng góp cao nhất nếu xét về hiệu năng đầu tư - cụ thể là đầu tư bao nhiêu thì thêm được một việc làm hay một đơn vị sản lượng phụ trội, vậy mà lãnh vực tư doanh vẫn bị kềm hãm, chèn ép. Cho nên chiến lược của Việt Nam thật ra vẫn còn nông, chưa tận dụng được sức bật của kinh tế thị trường cho đại đa số dân chúng và dẫn tới mất cân đối cơ cấu vĩ mô và mất khả năng thích ứng với tình hình.

- Thứ ba, chiến lược phát triển của Việt Nam quá tập trung vào ngoại thương và giàng bộ máy sản xuất vào xuất khẩu mà không chú ý đúng mức đến thị trường nội địa, đến những khu vực có khả năng xây dựng ổn định xã hội là nông thôn, là nơi sinh sống của hơn 50 triệu dân. Đã thế, chế độ quản lý vĩ mô yếu kém nên trong năm qua, nhược điểm của chiến lược đã phát tác, gây ra lạm phát rất cao vì cả yếu tố ngoại nhập lẫn lý do nội tại. Thương phẩm tăng giá trên thế giới lại không đem lại lợi ích tương xứng cho các ngành xuất khẩu thương phẩm của Việt Nam mà người dân lại lãnh hậu quả của nạn tăng giá đó. Kinh nghiệm đáng nhớ của năm nay là lạm phát gây thiệt hại nhiều nhất cho thành phần dân chúng nghèo khốn mà người ta lại chỉ chú ý đến nạn thị trường cổ phiếu sụt giá tại thành phố và còn bao che nạn tham nhũng và biến chất của cán bộ.

- Vì những lý do thật tóm tắt kể trên, Việt Nam vẫn sẽ tụt hậu nếu như có sớm thoát ra khỏi nạn suy trầm kinh tế đi đôi cùng lạm phát. Do đó, kế hoạch kích cầu phải góp phần chặn đà suy trầm nhưng không nên vì vậy mà dung dưỡng nhược điểm cũ trong cơ chế kinh tế chính trị.

Hỏi 3: Từ đánh giá ấy, ông cho là Việt Nam cần quan niệm lại thế nào về chiến lược phát triển?

- Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến thị trường nội địa và ưu tiên giải quyết mọi ách tắc trong hạ tầng vật chất lẫn luật lệ để phát triển nông thôn, các tỉnh khó giao lưu với nhau và với bên ngoài. Chiến lược ấy sẽ góp phần san bằng bất công trong xã hội và dị biệt quá lớn giữa thôn quê và thành thị. Thứ hai, Việt Nam cần nâng cao hiệu năng của tài nguyên nhân lực không phải trong chiều hướng học nghề đi làm gia công cho thiên hạ mà trong khả năng quản trị các dự án phát triển từ cấp thấp và cấp nhỏ ở nông thôn trở lên. Thứ ba, nên đẩy mạnh việc cải cách hành chính để bộ máy công quyền hoàn thành được chức năng yểm trợ phát triển kinh tế xã hội, thay vì là rào cản hay một trung tâm sinh hoạt của tham nhũng. Sau cùng, nên nhìn vào thực tế của Việt Nam mà phát huy tinh thần dân chủ và yêu nước của mọi người, chứ không nên sợ dân chủ hoặc sợ làm mích lòng một nước láng giềng như Trung Quốc. Khi xứ này có loạn, và nhiều phần sẽ là như vậy, Việt Nam sẽ khó yên lành và càng khó yên lành nếu lại bị khủng hoảng bên trong.

Hỏi 4: Điều gì khiến cho ông nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam sẽ xét lại giá trị của chiến lược phát triển ở giữa một nguy cơ suy thoái hay khủng hoảng như hiện nay?

- Thế giới đang ở giữa một chuyển động lớn, mấy chục năm, thậm chí trăm năm mới bị một lần, cho nên luật chơi giữa các nước và giữa các tác nhân kinh tế trong từng nước đang có thay đổi. Các tác nhân đều bị chi phối nên sẽ thay đổi cách suy tính và ứng phó, kể cả nguy cơ rất cao là phản ứng bảo hộ mậu dịch. Luật lệ chi phối luồng trao đổi kinh tế trong từng nước và trên toàn cầu cũng đang thay đổi nên tạo ra cơ hội mới cùng với thách đố mới. Người ta sẽ chú ý tới phẩm nhiều hơn lượng, sẽ nâng tiêu chuẩn về môi sinh hay y tế, sức khoẻ, tìm ra sản phẩm mới để thỏa mãn yêu cầu mà không gây rủi ro hay lãng phí. Sau cùng, trong hoàn cảnh suy trầm toàn cầu, hiện tượng toàn cầu hóa cũng đòi hỏi nỗ lực ứng phó có phạm vi quốc tế, nghĩa là có phối hợp với nhau. Khi cục diện có nhiều thay đổi lớn lao như vậy, nếp tư duy cũ của chiến lược phát triển cũ sẽ bị đào thải. Cho nên, Việt Nam không thể không xét lại chiến lược của mình, nếu khôn ngoan thì tiến hành việc đó càng sớm càng hay và áp dụng ngay trong kế hoạch kích cầu.

Hỏi 5: Chúng ta trở lại bài toán kích cầu đó. Việt Nam nên trù tính thế nào về giải pháp này?

- Chúng ta đều biết là vì kinh tế suy trầm hay suy thoái nên mới cần các biện pháp can thiệp để kích thích sản xuất, nâng cao số cầu cho tài hoá sớm lưu thông bình hoà. Trong các biện pháp kích cầu, khí cụ tiền tệ thường có hiệu quả nhanh nhất nhưng với hệ quả không khéo là lại gây ra lạm phát. Khí cụ ngân sách, như giảm thuế hay tăng chi, thường có công hiệu chậm và hậu quả lan rộng hơn. Với nguyên tắc rất tổng quát ấy, Việt Nam cần chú ý tới hai hướng kích cầu.

- Thứ nhất là dùng khí cụ tiền tệ và tín dụng qua hệ thống ngân hàng để bơm thêm tiền vào sinh hoạt sản xuất. Với hệ thống ngân hàng non yếu trong hiện tại, có khả năng huy động ký thác rất thấp và rủi ro mất nợ rất cao, chương trình kích cầu của Việt Nam phải nhắm vào hai việc một lúc là vừa bơm nước vừa sửa ống nước cho khỏi rò rỉ nơi này, ách tắc nơi kia. Một cách cụ thể là nên vừa bơm tiền cho ngân hàng có thể cấp phát tín dụng, vừa dự phòng cả việc cấp cứu các ngân hàng có thể sụp đổ. Cấp cứu không có nghĩa là bơm tiền chuộc nợ mà là kiện toàn sổ sách và khả năng quản lý cho an toàn hơn. Việc sát nhập các cơ sở bị lung lay, thiếu vốn cũng phải nằm trong mục tiêu và nội dung của kích cầu, đấy là tinh thần bơm nước và sửa ống nước.

Hỏi 6: Đó là về phần tiền tệ và tín dụng, qua hệ thống ngân hàng. Về phần kia, cho các dự án tăng chi chẳng hạn, việc kích cầu nên được áp dụng ra sao?

- Đây là khi mà mình cần kết hợp hai chuyện đã nói ở trên. Khi phải ưu tiên nâng đỡ thôn quê và thị trường nội địa, trọng tâm cùa kích cầu là phải nhắm ngay vào mùa màng và thu hoạch nông ngư hải sản để gia tăng sản lượng lương thực ngay năm tới. Phải có chương trình nông tín hay tín dụng nông nghiệp cho nông gia, kể cả các ngành thủy sản, mục súc. Cùng lúc, phải cấp tốc cải thiện và đầu tư thêm vào việc cải thiện hệ thống tồn trữ và vận chuyển ngũ cốc. Đấy là loại dự án tạo thêm việc làm mà là loại việc làm có ích trực tiếp cho thu hoạch và phân phối thực phẩm, kể cả phân phối cho yêu cầu xuất khẩu. Sau đó, trong mọi dự án công chi nhằm xây dựng hạ tầng, nên chú ý đến cả ngàn dự án nhỏ có ích lợi sớm ở tại thôn quê, như các đường giao thông liên tỉnh để dễ đưa hàng hoá từ chỗ thừa đến chỗ thiếu. Trong đà khai triển thị trường nội địa và nâng cao sản suất nhu yếu phẩm cho toàn quốc, Việt Nam nên xúc tiến và chi tiền cho các dự án khuyến nông, kể cả thông tin thị trường. cho việc sản xuất hoa mùa đa niên.

- Tôi xin nói vắn tắt và vì vậy hơi có vẻ cực đoan và đơn giản, Việt Nam nên tạm quên các trung tâm đầy thế lực và tham nhũng là các tổng công ty quốc doanh mà dồn sức vào các tỉnh, vào nông thôn và thành phần quần chúng nghèo khổ đã bị bỏ quên quá lâu.

Hỏi 7: Câu hỏi cuối trước khi chúng ta bước qua năm mới. Nếu Việt Nam kịp thời thay đổi và áp dụng liều thuốc kích cầu ở đúng nơi đúng chỗ thì tình hình năm tới có khả quan hơn không?

- Tuần qua người ta được biết hai chuyện kém vui mà lại liên hệ đến nhau. Thứ nhất, Việt Nam bị nhập siêu nhiều hơn vì mua quá nhiều, kể cả thiết bị cho công nghiệp dầu khí. Thứ hai, vậy mà Việt Nam lại xuất khẩu dầu thô ít hơn, với mức sút giảm lên tới gần 6%, và ngày một ít hơn so với bốn năm trước. Cũng nhờ sự kiện ấy, ta được biết thêm là các giới chức về dầu khí của Việt Nam đã dự toán lại giá dầu năm tới theo hướng thấp hơn và nguy kịch hơn cho Việt Nam. Những sự kiện ấy khiến mình tin là Hà Nội phải tính lại và chẳng còn nhiều giải pháp nào khác. Tình hình sẽ khả quan hơn trong khu vực nông nghiệp và lương thực nếu biết kích cầu đúng nơi vì trong khi thiên hạ e ngại dầu thô tuột giá, thì lương thực và nông sản lại là những thương phẩm sẽ tăng giá năm tới. Đây là cơ hội Việt Nam không thể để lỡ và cũng là lời cầu chúc của chúng ta cho năm tới.