Home Tin Tức Bình Luận Tự đánh mình quá bóng, Bí thư Cà Mau mất luôn chức vụ cuối cùng

Tự đánh mình quá bóng, Bí thư Cà Mau mất luôn chức vụ cuối cùng PDF Print E-mail
Tác Giả: Tin Cà Mau   
Chúa Nhật, 04 Tháng 1 Năm 2009 21:41

Cà Mau - Võ Thanh Bình, cựu bí thư tỉnh Cà Mau đã mất luôn chức vụ cuối cùng là “chủ tịch hội đồng nhân dân” tỉnh. Hôm qua, nhiều tờ báo ở Việt Nam cho biết, Võ Thanh Bình đang “chờ nghỉ hưu theo chính sách”.

Tại một cuộc họp bất thường, được tổ chức vào ngày 2 tháng 1, các đại biểu của Hội Ðồng Nhân Dân tỉnh Cà Mau đã bỏ phiếu miễn nhiệm Võ Thanh Bình để cử người khác đảm nhận chức vụ “chủ tịch hội đồng nhân dân” tỉnh Cà Mau.

Võ Thanh Bình đã từng bị ban chấp hành trung ương đảng CSVN bỏ phiếu cảnh cáo, gạt ra khỏi ban chấp hành trung ương đảng CSVN, sau đó bị cách chức bí thư tỉnh ủy.

Hồi tháng 4 năm ngoái, ông Võ Thanh Bình đã từng gây xôn xao dư luận, khi thảy ra một cục tiền có giá trị 100 triệu trong một cuộc họp của tỉnh ủy Cà Mau. Lúc đó, nhân vật này bảo rằng cục tiền đó do cán bộ trong tỉnh đưa cho vợ của mình để “chạy chức” nhưng ông ta không... thèm.

Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên, một đảng viên Cộng Sản cao cấp đem nộp, không... thèm nhận tiền hối lộ. Thậm chí ông Võ Thanh Bình còn tuyên bố rằng: Nếu muốn, ông ta có thể nhận cả tỉ đồng để sắp đặt nhân sự lãnh đạo các cơ quan, ngành, đoàn thể ở Cà Mau.

Tuy nhiên, việc ông Võ Thanh Bình đem nộp 100 triệu đồng không được ai khen. Trước đó, ông Bình vốn đã nổi tiếng vì chiếm đoạt đất làm nhà, lợi dụng chức vụ để “mua rẻ, bán mắc” nhiều bất động sản, nhận hối lộ để chỉ đạo tha, không truy cứu trách nhiệm hình sự của một số tham quan trong tỉnh, kể cả nhận hối lộ để sắp xếp nhân sự lãnh đạo tỉnh. Báo chí CSVN dẫn ý kiến của nhiều người là cán bộ và thường dân ở Cà Mau ám chỉ ông Bình nộp 100 triệu với lý do như đã kể chỉ nhằm để “rửa mặt”, tự “đánh bóng”. Nhiều người, kể cả báo chí đòi ông Bình phải chỉ ra, ai đã đưa 100 triệu và những ai muốn đưa tiền để ông Bình có thể ước lượng khoản tiền chạy chức mà ông không... thèm nhận lên tới hàng tỷ...

Khi bị báo chí cật vấn, ông Bình tuyên bố chỉ tiết lộ tên kẻ bỏ tiền “chạy chức” cho “trung ương”.

Do quá nhiều ý kiến bàn ra, tán vào, Bộ Nội Vụ CSVN phải cử người về Cà Mau điều tra. Vào cuối tháng 4 năm ngoái, khi được phỏng vấn về vụ này, ông Trần Văn Tuấn, bộ trưởng nội vụ CSVN, nhận xét: “Nếu cán bộ mang tiền đút lót, lẽ ra người nhận tiền phải báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền chứ không phải sau này mới làm”.

Hồi 6 tháng 5 năm 2008, bà Phạm Thị Hải Chuyền, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra của ban chấp hành trung ương đảng CSVN, kể với báo điện tử VietNamNet: “Chúng tôi vừa nhận được giải trình của đồng chí Võ Thanh Bình. Theo đó, khi đang sắp xếp cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý thì vợ đồng chí cho biết, vợ một cán bộ vừa đến nhà đưa một bọc tiền để giúp vợ chồng đồng chí Bình xây nhà cho con. Vợ đồng chí Bình đã nhiều lần gọi điện thoại, yêu cầu người biếu tiền đến nhận lại nhưng không được nên đồng chí đã mang tiền đến nộp trong một cuộc họp của ban thường vụ tỉnh ủy”.

Ðáng lưu ý là các cuộc điều tra của Bộ Nội Vụ CSVN từ tháng 4 cho đến tháng 7 năm ngoái không tìm ra được người đưa tiền chạy chức theo lời khai của ông Bình là “vợ đồng chí” nào. Ðến tháng 8, ban chấp hành trung ương đảng CSVN đành ra một nghị quyết, xác nhận: “Ðồng chí Võ Thanh Bình đã sai lầm nghiêm trọng trong công tác cán bộ và thực hiện nguyên tắc dân chủ tập trung” và “cảnh cáo” nhằm “ổn định dư luận”.

Ðến tháng 9 năm ngoái thì báo chí CSVN cho biết Võ Thanh Bình “thôi giữ chức bí thư tỉnh ủy Cà Mau, thôi tham gia ban chấp hành trung ương đảng”.

Chuyện bỏ tiền mua chức tước là một thực trạng phổ biến ở Việt Nam. Dân chúng vẫn kháo nhau về giá của từng “ghế”. Dù thừa nhận thực trạng này song chính quyền CSVN không “làm rõ” được vụ nào.

Vào lúc xảy ra vụ ông Võ Thanh Bình nộp lại 100 triệu đồng, Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc Hội CSVN, người từng chất vấn bộ trưởng nội vụ CSVN hai lần về các vụ “mua quan, bán tước”, nhận định: “Chạy chức, chạy quyền hiện diễn ra ở nhiều nơi. Nó ngấm ngầm, tinh vi, khó xác định và đòi hỏi người chịu trách nhiệm giải quyết phải có bản lĩnh, phải đề cao trách nhiệm trước nhân dân. Sở dĩ có tình trạng này là vì quy trình đề bạt, sắp xếp, bố trí cán bộ của ta đang có vấn đề. Danh nghĩa là tập thể quyết định nhưng thực tế chưa hẳn như vậy. Chính điều này là khẽ hở để nảy sinh hiện tượng tìm đến một vài ba người có quyền quyết định, chủ yếu là thường trực cấp ủy, để chạy chọt”. Cũng theo ông Cuông: “Tôi đã chuyển cho bộ trưởng nội vụ hai đơn của công dân tố cáo việc chạy chức, chạy quyền ở Gia Lai, Thanh Hóa. Dân phản ánh cán bộ cấp xã chạy chức và cấp huyện bao che nhưng bộ lại yêu cầu địa phương báo cáo, sau đó trả lời. Câu trả lời đó không thỏa mãn cả tôi và công dân vì cuối cùng vấn đề không được giải quyết”.