Phép Lạ Toán Học Trong Quốc Hội Mỹ |
Tác Giả: Vũ Linh | |||
Thứ Hai, 16 Tháng 2 Năm 2009 02:16 | |||
Việt Báo 2009/02/10 ...819 trừ 100 còn lại 827... Cách đây 3 tuần Hạ Viện Mỹ biểu quyết dự luật kích động kinh tế hết sức quy mô vĩ đại. Xấp xỉ 819 tỷ đô. Quá vĩ đại nên bị phe bảo thủ - 177 Cộng Hoà và 11 Dân Chủ - bỏ phiếu chống. Chôn giấu trong dự luật là cả trăm tỷ bạc kẹo bánh vớ vẩn do các Dân Biểu Dân Chủ cài vào. Mục đích trước mắt là lấy điểm để chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2010. Mục tiêu dài hạn là để thực thi các chương trình xã hội của phe cấp tiến, phe tả. Không một Dân Biểu Cộng Hoà nào chấp thuận. Mười một Dân Biểu Dân Chủ cũng chống luôn. Nhưng dù sao thì cũng đủ túc số vượt qua được ải Hạ Viện. Sau khi Hạ Viện chấp thuận, dự luật được đưa qua Thượng Viện để thông qua trước khi Tổng Thống ký phê chuẩn, và thành luật. Thượng Viện họp liên tục trong hơn hai tuần qua để bàn thảo nhưng gặp chống đối mạnh từ phía bảo thủ, cũng không khác gì khi còn ở Hạ Viện. Lý do chính cũng tương tự : chương trình quá vĩ đại. Cần phải xén bớt rất nhiều vì Nhà Nước, thực tế mà nói, không có đủ tiền. Sau khi cãi cọ gần 20 ngày, Thượng Viện đồng ý cắt bớt hàng loạt chương trình rõ ràng không có tác dụng gì về sản xuất hay tạo công ăn việc làm. Tức là chẳng kích động kinh tế gì hết ráo. Thượng Viện cắt bớt hơn 100 tỷ đô. Nếu quý vị độc giả hồi nhỏ có đi học tiểu học thì chắc chắn sẽ nghĩ ngay là bây giờ Chương Trình Kích Động Kinh Tế từ 819 tỷ đã giảm một trăm, thì chỉ còn xấp xỉ hơn 700 tỷ. Nhưng không, đó là toán học sơ đẳng. Toán học cao cấp của Quốc Hội Mỹ hơi khác. Sau khi cắt xén hơn 100 tỷ, Thượng Viện đưa ra một chương trình mới, tổng cộng là 827 tỷ. Nói cách khác, công thức của Quốc Hội Mỹ như sau : 819 trừ 100 còn lại 827 ! ! ! Tại sao có chuyện phép lạ như vậy ? Thật ra chẳng có phép lạ gì. Chẳng qua chỉ là mấy ông bà nghị sĩ cắt bớt các chương trình của các ông Dân Biểu bị chê là vô bổ, thay vào đó hàng loạt chương trình mới của các ông bà ở viện trên ! Theo đúng luật lệ nước Cờ Hoa, một dự luật phải được cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện thông qua, rồi mới được đưa qua Tổng Thống phê chuẩn. Có nghĩa là bây giờ chương trình của Thượng Viện nếu được Thượng Viện thông qua sẽ lại được chuyển qua Hạ Viện biểu quyết nữa. Có nghĩa là sẽ còn cãi nhau tiếp. Đó là chưa nói đến chuyện Tổng Thống có thể bác bỏ và dự luật sẽ lại được gửi trả về cho cả 2 Viện để tranh cãi và biểu quyết tiếp tục. TT Obama đã nhiều lần lên truyền hình báo động việc phát động Chương Trình Kích Động Kinh Tế là chuyện cực kỳ khẩn cấp, nhất là sau khi gần 600 người mất job trong tháng Giêng qua. Không thể trì trệ được nữa. Có lẽ chương trình này cực kỳ khẩn cấp thật, nhưng chỉ là khẩn cấp trên phương diện kinh tế thôi. Với mấy ông bà chính trị gia ở Quốc Hội thì dù sao, những quyền lợi của cử tri địa phương và cái ghế dân cử của họ quan trọng hơn nhiều. Do đó, họ vẫn không thể đi đến thoả thuận để dự luật được thông qua. Trên căn bản, Chương Trình Kích Động Kinh Tế có 2 phần. Phần lớn các kế hoạch và dự án trong Chương Trình Kích Động Kinh Tế có tính cách "vĩ mô" (hay "đại tượng" là chữ ta dùng ngày xưa), liên quan đến chính sách kinh tế và tài chánh của cả nước. Phần còn lại, không nhỏ, là các dự án nhỏ có tính cách địa phương, cục bộ do các vị dân cử cài vào vì quyền lợi địa phương hay cá nhân. Như ông Chủ Tịch Thượng Viện cài vào dự luật của Thượng Viện vài chục triệu tiền tu bổ, chỉnh trang phi trường Las Vegas trong tiểu bang Nevada của ông. Như đã có dịp bàn qua trong bài viết trước, có 2 lý do chính khiến chương trình bị chống đối. Thứ nhất là quá lớn lao, không ai biết lấy tiền đâu ra để chi trả. Thứ hai là chương trình mang quá nhiều dự án nhằm phục vụ các mục tiêu xã hội chính trị không liên quan gì đến chuyện kích động sản xuất và tạo công ăn việc làm. Đó là hai lý do "vĩ mô" cản trở việc thông qua dự luật. Nhưng còn một cản trở không kém quan trọng là việc mua bán đổi chác các dự án giữa các vị dân cử. Hạ Viện mất hơn 2 tuần để đi đến thoả thuận giữa các Dân Biểu. Thượng Viện cũng mất hơn hai tuần để đi đến thoả thuận giữa các nghị sĩ. Bây giờ, chưa biết sẽ mất bao nhiêu tuần nữa để các Dân Biểu thoả thuận với các nghi sĩ. Và bao nhiêu tuần nữa để hành pháp thoả thuận với lập pháp. Trò chơi chính trị tiếp tục kéo dài tuần này qua tháng khác trong khi thiên hạ tiếp tục mất việc ngày này qua ngày khác Không sao cả. Có gì thì cứ đổ lỗi lên đầu ông Bush thôi. Nhất là bây giờ ông không còn phát ngôn viên nào để phân trần giải thích nữa. Cơ quan truyền thông CNN đã kiểm kê sơ sơ chừng hơn hai chục dự án của Hạ Viện bị Thượng Viện cắt bỏ, quý vị độc giả có hứng thú có thể xem qua : http://www.cnn.com/2009/POLITICS/02/07/stimulus.cuts/index.html Có nhiều chương trình dự án được đưa ra vì mục đích xã hội không liên hệ xa gần gì đến chuyến kinh tế như đã có dịp bàn trong bài trước. Như các chương trình chuyển nhượng lợi tức (income-transfer) để tăng tiền thấp nghiệp, tiền già, tiền Medicaid, Medicare, Housing … Cũng có những chương trình, dự án hết sức lạ lùng, vớ vẩn như dự án 120 triệu mua máy cắt đá vùng Bắc cực, 150 triệu sơn quét mở mang bảo tàng viện Smithsonian, 50 triệu cho việc nuôi cá (aquaculture) ... Ngoài ra cũng có vô vàn các dự án mà chẳng ai hiểu là dự án gì ngoại trừ các vị dân cử đã đề xướng chúng ra. Như 100 triệu cho khoa học (sciences), 50 triệu bảo quản lịch sử (historic preservation), 300 triệu cho chương trình BYRNE (Byrne program ?), 100 triệu cho chương trình dưỡng sinh cho trường học (school nutrition) … Một số chương trình khác chẳng liên hệ gì đến kích động kinh tế cũng được các Dân Biểu khối da màu cài vào như hơn hai tỷ ổn định cộng đồng (neighborhood stabilization - ta cũng phải hiểu từ "neighborhood" thường dùng để chỉ những khu chung cư trong các thành phố lớn, đa số là các khu dân thiểu số), hơn một tỷ cho chương trình bao cấp thuê nhà (Project 8 Housing), 300 triệu sơn quét trồng cây cỏ các nhà tù, 100 triệu mua "áo mưa" và thuốc ngừa thai phát cho "dân nghèo", cả chục triệu tiền hướng dẫn và giáo dục các cô các bà về chuyện ngừa thai, dưỡng thai, và tiền mua tã, mua sữa cho các cô độc thân mà có con - single mothers ... Trong cuộc đấu khẩu giữa các phe, bên Dân Chủ gọi chương trình này là Chương Trình Kích Động Kinh Tế (stimulus plan). Bên Cộng Hoà gọi là chương trình Chi Tiêu (Spending Plan). Trong một bài diễn văn đọc trước một cử toạ Dân Chủ, TT Obama chế nhạo phe Cộng Hoà, đặt câu hỏi chương trình kích động nào mà lại không phải chi tiêu tiền, và cả phòng họp lớn tiếng cười và vỗ tay hưởng ứng. Có lẽ TT Obama và mấy ông chính trị gia không phải là chuyên gia kinh tế nên không nhìn thấy rõ sự khác biệt giữa kích động và chi tiêu. Đại cương thì kích động kinh tế bắt buộc phải có chi tiêu dĩ nhiên. Nhưng nếu ta chi ra một đồng và sản xuất được có 40 xu chẳng hạn thì ai cũng có thể hiểu được đó là chương trình chi tiêu chứ chẳng kích động gì hết. Chỉ khi nào ta tiêu một đồng để có thể sản xuất được hơn một đồng thì mới có thể nói đến tác dụng kích động kinh tế được. Một ví dụ hiển nhiên : 300 triệu sơn quét và trồng cây cỏ trong các nhà tù thì sản xuất được gì ? Kích động kinh tế chỗ nào ? Hay tăng tiền thất nghiệp thì giúp như thế nào về việc tạo công ăn việc làm ? Giới nghiên cứu kinh tế nghiệm thấy là trước mắt, chương trình đó chỉ khuyến khích những người bề nào cũng không đi làm nay đi xếp hàng khai báo thất nghiệp để ăn tiền trợ cấp, và nhiều người có thể tìm ra việc mà lương không bõ so với tiền trợ cấp nên vẫn khai thất nghiệp cho khoẻ. Kết quả là dân chúng càng hốt hoảng vì số người khai báo thất nghiệp thường tăng đột ngột sau khi tiền trợ cấp được gia tăng hay thời gian ăn trợ cấp được kéo dài ? Như đã bàn qua, không ai chối cãi được đây là một chương trình có thể có lợi lớn và cần thiết trên phương diện xã hội, đặc biệt là trong thời buổi thất nghiệp tràn lan này. Nhưng cũng không thể vì vậy mà gọi đó là Chương Trình Kích Động Kinh Tế, tạo công ăn việc làm cho thiên hạ. Chẳng những đây là những chương trình không có liên hệ gì đến kích động kinh tế hay tạo công ăn việc làm, mà trái lại gần như có thể nói đây là những kế hoạch khuyến khích thiên hạ nghỉ làm nhiều hơn là đi làm. Hay cấp tiền cho các cô không chồng mua tã cho con thì sẽ giúp vấn đề sản xuất như thế nào - không kể việc sản xuất thêm tí nhau một cách vô trách nhiệm để chúng ta cùng nuôi ? Vấn đề đặt ra ở đây là Nhà Nước Mỹ chi xấp xỉ một ngàn tỷ đô sẽ sản xuất được bao nhiêu ngàn tỷ khác, hay chỉ là nước lã ra sông để rồi vài tháng nữa, chúng ta lại sẽ thấy một Chương Trình Kích Động Kinh Tế mới đòi hỏi thêm vài trăm hay vài ngàn tỷ nữa. Đó là câu hỏi về ngắn hạn. Còn về dài hạn ? Trong khi TT Obama hô hoán sự cần thiết và khẩn cấp của kế hoạch cứu nguy kinh tế, thì Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (Congressional Budget Office), một cơ quan trung lập không phe đảng với Dân Chủ hay Cộng Hoà gì hết, đã nhận định kế hoạch này có thể có lợi ngắn hạn trong việc tạo công ăn việc làm trong vòng 2 năm tới, nhưng về lâu về dài, thì sẽ tai hại cho kinh tế Mỹ nói chung. Lý do chính là số tiền quá lớn này sẽ chỉ có thể được tài trợ bằng nợ của Nhà Nước. Văn Phòng này ước tính gần một ngàn tỷ tiền cứu nguy này sẽ đòi hỏi khoảng 300 tỷ tiền lãi. Vị chi là khoảng 1300 tỷ. Trang trải số nợ vĩ đại này sẽ làm cho tổng sản lượng của cả nước ngày càng suy sụp trong mười năm tới. Chả biết có phải trùng hợp hay không, nhưng tám năm nữa thì chắc chắc TT Obama đã không còn làm Tổng Thống nữa rồi, nói chi đến mười năm. Đây là hai thí dụ "vui" : - Nếu có quý vị nào rảnh rang, ngồi trước một ngàn tỷ tờ giấy một đô và đếm rất nhanh từng tờ một -một giây đồng hồ một tờ - thì phải bắt đầu đếm không ngừng từ ngày nhân loại mới xuất hiện trên trái đất, cách đây hơn 30 ngàn năm, cho đến giờ, mới xong. Dân bình thường chúng ta không có cách nào xài nổi một ngàn tỷ, nhưng TT Obama có thể xài 1 ngàn tỷ trong vòng 2 năm tới thôi. Công bằng mà nói, Chương Trình Kích Động Kinh Tế đang được bàn thảo này không phải của TT Obama mà là chương trình của Quốc Hội Mỹ. Của các ông bà Dân Biểu nghị sĩ. TT Obama chỉ kêu gọi quý vị này nên sớm thoả thuận và hoàn tất một kế hoạch để ông ký thôi. Nhưng dù sao thì chương trình này cũng được ông khuyến khích, và một khi thành luật, cũng sẽ là quyết định đầu tiên mang dấu ấn Obama. Dự luật cứu nguy kinh tế đã được Hạ Viện thông qua. Tuy toàn thể khối Cộng Hoà không có người nào bỏ phiếu thuận, khiến cho thông điệp hoà hợp lưỡng đảng của TT Obama bị sứt mẻ nặng, nhưng dù sao thì cũng đã qua. Bây giờ tại Thượng Viện, tình trạng khó khăn hơn vì phe Dân Chủ cần tới 60 phiếu trong khi hiện nay họ chỉ có được 55 Thượng Nghị Sĩ (một ghế nghị sĩ của Minnesota chưa đếm phiếu xong, và nghị sĩ Ted Kennedy đang đau). Cộng với 2 nghị sĩ trên nguyên tắc độc lập, nhưng thực tế là phe Dân Chủ. Vị chi bây giờ có được 57 phiếu. Họ đang ve vãn 3 nghị sĩ Cộng Hoà để hy vọng có 60 phiếu hầu thông qua dự luật. Con số 60 là túc số cần thiết để tránh thủ tục "filibuster", là nói dai để câu giờ trong Thượng Viện hầu không ai có thể đàm phán gì về dự luật này nữa ! Có nhiều hy vọng họ kiếm được ba phiếu đó : hai phiếu của hai bà nghị sĩ của tiểu bang Maine và một phiếu của một ông nghị sĩ Pennsylvania . Có nghĩa là trong 519 vị Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ Cộng Hoà, chỉ có 3 người chấp thuận dự luật cứu nguy kinh tế. Dù vậy, TT Obama vẫn chưa yên tâm, ông lên máy bay đi ... tranh cử. Obama mở chiến dịch nói chuyện thẳng với truyền thông và công chúng tại hai nơi có tỷ lệ thất nghiệp nặng để giải thích là phải mau chóng thông qua kế hoạch kích thích. Trước đó, ông đả kích phe Cộng Hoà với hai lập luận hết còn tinh thần hợp tác lưỡng đảng : 1) chúng tôi đã thắng cử nên có quyền đưa ra luật, 2) những giải pháp Cộng Hoà đề nghị đều đã thất bại trong quá khứ nên không thể áp dụng lại ! Giới truyền thông cấp tiến nhất loạt hùa theo đổ lỗi cho phe Cộng Hoà cố tình răm rắp nghe lệnh cấp lãnh đạo đảng để phá đám, chống đối Obama. Lập luận này không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ đáng ghi nhận ở điểm khi trước, dưới thời TT Bush, khi khối dân cử Dân Chủ bỏ phiếu chống Bush thì đó là lỗi của Tổng Thống đã đưa ra đề nghị quá quắt không chấp nhận được. Bây giờ khi khối Cộng Hoà chống TT Obama thì không còn là lỗi của Tổng Thống nữa mà là lỗi của khối dân cử Cộng Hoà phá đám. Trước sau gì thì cũng vẫn là lỗi … Cộng Hoà thôi. Chính trị mà ! Tình hình kinh tế hiện nay của Mỹ đang trong giai đoạn khó khăn. Nhà Nước Mỹ bắt buộc phải có biện pháp cứu nguy. Ngồi không, không làm gì có thể đưa đến đại hoạ ngắn hạn và dài hạn và nhất là chứng tỏ rằng chính quyền không quan tâm gì đến sự lầm than của người dân. Đó là điều mà mọi người đều có thể đồng ý. Nhưng vấn đề là cứu nguy cách nào ? Tung tiền ra tu bổ viện bảo tàng, trồng cây trong nhà tù, phát thẻ mua sữa cho các cô không chồng mà có con ? Hay là gia tăng sản xuất tư nhân qua việc giảm thuế cho giới đầu tư, các thương gia, kỹ nghệ gia, khiến họ tin tưởng vào triển vọng có lời cao hơn mà mở hãng xưởng và tạo công ăn việc làm ? Nói đến giảm thuế như vậy thì đảng Dân Chủ giãy nảy, bảo rằng đó là Cộng Hoà cứ đòi giảm thuế cho bọn nhà giàu, và nhiều người vô tâm vẫn tin như vậy. Tuy nhiên, trong kế hoạch kích thích kinh tế của họ, phe Dân Chủ có chứng tỏ tinh thần hoà giải lưỡng đảng bằng đề nghị giảm thuế cho... giới sản xuất phim ảnh Hollywood, thành phần triệu phú vẫn chi tiền cho đảng Dân Chủ ! Bên Cộng Hoà làm sao nuốt được lý luận ấy nên càng bị giới trí thức và nghệ sĩ mắng cho tơi tả, trong khi kinh tế vẫn tả tơi !
|