Khoa học gia và chính khách: Ai giá trị hơn? |
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng | |||
Thứ Ba, 17 Tháng 2 Năm 2009 03:17 | |||
Ngày 12 tháng 2 vừa qua là ngày sinh nhật thứ 200 năm không những của Charles Darwin mà còn của Abraham Lincoln. Một sự tình cờ của lịch sử đã khiến cho hai vĩ nhân của thế kỷ thứ 19 này sinh ra cùng một ngày. Và điều này đã khiến cho người ta đặt một câu hỏi: trong hai người này ai có thể được coi là vĩ đại hơn? Người đã làm thay đổi hẳn cách nhìn và sự nhận thức của người ta về thế giới của sự sống cũng như là vai trò của con người trong đó hay là người đã đặt ra tiêu chuẩn cho toàn thể thế giới về tự do và dân chủ? Khoa học gia hay là chính khách? Darwin có thể được nhiều người chọn vì tầm mức của cuộc cách mạng trí thức mà ông tạo ra. Nhưng mặt khác người ta có thể chỉ trích rằng ông chỉ là một nhà quan sát, một người mà đã không vượt qua được cái test của Marx, nói rằng bất kỳ một triết gia nào cũng có thể giải thích được thế giới, nhưng “vấn đề là làm sao thay đổi nó”. Mặt khác, Lincol có thể là người đã dẫn nước Mỹ thành một sức mạnh biểu tượng cho tự do dân chủ, nhưng người ta có thể biện luận rằng ông chỉ là một nhà lãnh tụ nhiều may mắn và đại biểu cho một lý tưởng mà thời cơ đã đến. Cố nhiên là ta có thể không so sánh giữa hai người, coi như cả hai đều là những con người vỹ đại (có thể một người Thiên chúa giáo cực đoan của Liên Minh các tiểu bang miền Nam Confederate States và tin vào thuyết Sáng Thế Creationism thì không đồng ý) nhưng ta vẫn có thể là một trò so sánh giữa khoa học và chính trị và đặt câu hỏi rằng ngành nào đáng được kính trọng hơn. Trong hai thế kỷ kể từ khi Darwin ra đời đến nay, các ngành khoa học, đặc biệt là sinh học đã có những bước tiến bộ khổng lồ. Và không những những khám phá của Darwin đã phá vỡ những hàng rào cản trở và đè bẹp những thiên kiến mà phương pháp khoa học của ông, cái nhìn cởi mở và sự sẵn sàng thay đổi chủ thuyết tùy theo những bằng chứng thực nghiệm đã mở ra cho người ta, giúp người ta có thể nhìn thiên nhiên bằng một con mắt mới. Chính trị thì không có được cái may mắn như vậy. Nói theo Trang Tử, Lincoln chỉ có những khúc cây mục và cong queo làm vật liệu. Một trong những tổng thống tiền nhiệm của ông, ông John Adams đã phải từng than thở: “Trong lúc tất cả những khoa học khác đều đã tiến bộ, hành chánh chính trị vẫn còn giậm chân tại chỗ; không tiến bộ gì hơn là cách đây bốn ngàn năm.” Barbara Tuchman, một sử gia nổi tiếng của Anh, tác giả cuốn “The March of Folly”, thuật lại những quyết định chiến tranh ngu đần trong lịch sử dẫn đến tự mình làm cho nước mất nhà tan đã từng có câu nhận xét “thật đáng ngạc nhiên khi bên ngoài khu vực chính trị, con người đã có thể đẽo đá xây dựng những nhà thờ cao vút, từ nước dãi một con sâu dệt thành những tấm lụa, tạo ra những bản nhạc giao hưởng từ những kim loại nghèo nàn, đi thám hiểm lên cung trăng và loại bỏ phần lớn những tật bệnh”. Theo bà Tuchman, chính trị có vẻ như có một miễn nhiễm đối với tiến bộ. Ðã không biết bao nhiêu lần phản ứng của người ta trong chính trị vẫn không khác gì phản ứng của dân Athens khi tuyên án tử hình nhà hiền triết Socrates vì tội làm “suy thoái đạo đức của thanh niên”. Chỉ riêng trong tuần này người ta có thể thấy chính phủ Anh tiếp tục làm hủy hoại nền kinh tế bằng cách nhượng bộ trước những đòi hỏi của đám chủ ngân hàng trong khi tại Mỹ thì những người Cộng Hòa tiếp tục chống đối những biện pháp kích thích kinh tế nhân danh chủ thuyết kinh tế tự do đã phá sản. Thành ra so với khung cảnh thế giới rạng rỡ của Darwin, thế giới của Lincoln có vẻ như nhỏ nhặt, bao gồm những dung nhượng bẩn thỉu, những chính sách phản động, những cuộc chiến ngu đần với sự chi phối chính của lòng ích kỷ, sự hèn nhát và tham nhũng trong đó những con người nhỏ nhen nhất làm những lỗi lầm lớn nhất. Nhưng cũng giống như ta không thể so sánh Lincoln với Darwin chỉ vì hai người cùng sinh ra một ngày, thì ta cũng không thể nào so sánh khoa học với chính trị. Khoa học về căn bản có bản chất tuyến tính, từ luận đề, phản đề đến tổng hợp, từ những dữ liệu đến giả thuyết đến kết luận. Mọi mâu thuẫn hay tranh cãi trên nguyên tắc đều có thể được giải quyết qua những dữ kiện thật tế. Những người Thiên chúa giáo cực đoan có thể chống lại thuyết tiến hóa của Darwin, nhưng họ không thể chặn lại được tiến trình của khoa học. Chính trị thì không được cái may như vậy. Những vấn đề tranh cãi của chính trị ít khi có thể giải quyết được bằng những bằng chứng cụ thể, ngoại trừ dựa vào lịch sử mà không mấy người đọc. Những tranh chấp của chính trị xuất phát từ cảm tính và liên quan đến quyền lợi của các nhóm khác nhau trong xã hội. Chúng phản ảnh không phải chỉ những đặc quyền mà còn cả những hận thù nữa. Chính vì chính trị phản ảnh những cảm tính căn bản của con người thành ra giải quyết những vấn đề chính trị này khó khăn hơn nhiều và vượt xa khả năng của khoa học. Khi nhà thơ W.H. Auden viết lên rằng “không có một bài thơ nào có thể giúp cho một người Do Thái ra khỏi lò sát sinh” thì những lời của ông có thể áp dụng không phải chỉ riêng cho văn học nghệ thuật mà còn cả cho khoa học nữa. Chỉ có chính trị mới có thể có sức mạnh để làm thay đổi. Với tư cách là một hoạt động của xã hội loài người, chính trị vì vậy có một tầm quan trọng hơn tất cả mọi hoạt động khác. Khoa học phải tùy theo chính trị chứ không có thể đi ngược lại. Khả năng và đạo đức của những nhà chính trị trong một xã hội là là yếu tố then chốt quyết định xã hội đó có tiến bộ được hay không. Và đó chính là lý do khiến cho những nhà chính trị nào càng lỗi lạc lại càng bị nhiều hận thù. Ðó cũng là lý do giải thích tại sao Darwin có thể chết già một cách êm thấm trên giường của mình trong khi Lincoln lại chết vì viên đạn của một kẻ sát nhân. Thành ra mặc dầu thán phục Darwin như là một nhà khoa học lỗi lạc, ta vẫn phải bỏ phiếu cho Lincoln như là một người vĩ đại hơn.
|