Lịch Sử Sẽ Tái Diễn? |
Tác Giả: Huệ Vũ | |||
Thứ Tư, 18 Tháng 2 Năm 2009 03:24 | |||
Roosevelt and the New Deal. Trong tháng 10/08, một ủy ban chuyên viên 8 người gồm nhà báo, bình luận gia, chủ bút đã công bố sự chọn lưạ và sắp hạng của họ đối với 42 vị tổng thống Hoa Kỳ. (TT Stephen Grover Cleveland là TT thứ 22 và 24). Ủy ban đã đưa ra 2 danh sách, một bản danh sách gồm 10 vị tổng thống vĩ đại nhất, đứng đầu là Tổng thống thứ 16 - Abraham Lincoln; và đứng cuối bản danh sách Top 10 này là Tổng thống thứ 28 - Woodrow Wilson. Bảng danh sách thứ hai là danh sách Worst Ten, gồm 10 tổng thống được coi là tệ hại nhất. Đứng đầu danh sách Worst Ten là Tổng thống thứ 15 - James Buchanan, đứng cuối là tổng thống thứ 13 - Millard Fillmore. Trong danh sách Worst Ten, Tổng thống George W. Bush đứng hàng thứ 6 và Tổng thống Herbert Clark Hoover đứng hàng thứ 7. Dĩ nhiên dù là phán đoán của những người được coi là chuyên viên quốc tế cũng chỉ có giá trị tương đối của nó. Trong ngày 15/2 vừa qua, theo đánh giá của 65 nhà sử học do C-SPAN thực hiện, Tổng thống George W. Bush lại bị sắp hạng 36, đứng sau Tổng thống Herbert Hoover đứng hạng 34, trong danh sách từ 1 đến 42. Tổng thống Herbert Clark Hoover là vị tổng thống thứ 31 đã rời chức vụ trong lúc nền kinh tế Hoa Kỳ bước vào thời kỳ Đại Suy Thoái (Great Depression). Tổng thống George W. Bush là vị Tổng thống rời Toà Bạch Ốc trong lúc cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra, dẫn đến cuộc suy thoái hiện chưa biết đi về đâu, dừng lại lúc nào. Giai đoạn thập niên 1920 được gọi là giai đoạn gầm thét những năm 20 (Roaring Twenties). Đây là giai đoạn của nhạc Jazz, người Mỹ trung lưu đua nhau mua nhà, mua xe, mua sắm phương tiện trong nhà bằng tiền tín dụng. Người giàu mua chứng khoán thấy rõ số tiền cuả mình ngày càng chồng chất lên cao, giá trị của các công ty trên thị trường chứng khoán trở thành trị giá bong bóng. Bất ngờ, bong bóng chứng khoán sụp đổ trong ngày 29 tháng 10 năm 1929 và ngày này là được gọi là ngày Thứ Ba Đen. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Bộ trưởng Tài chánh bấy giờ là ông Andrew William Mellon với quan điểm kinh tế tự do, tiếp tục chủ trương chính phủ không can thiệp – “leave it alone” và cách duy nhất mà ông ta áp dụng là giảm thuế và giảm thuế. Coi đây là phương thần dược. Tháng 6 năm 1930, quốc hội do đảng Cộng Hoà kiểm soát thông qua đạo luật quan thuế Smoot-Harley tăng thuế cho 20 ngàn loại hàng hoá nhập cảng để bảo vệ thị trường nội địa, trục xuất khoảng nửa triệu người Mễ về nước để khỏi giành công việc của người Mỹ. Các nước đã trả đũa lại, làm cho hàng hoá xuất cảng của Hoa Kỳ giảm xuống 50%. Năm 1932, hãng xưởng sụp đổ, dân chúng thất nghiệp làm ngân sách thiếu hụt và để cân bằng ngân sách, quốc hội Cộng Hoà lại thông qua luật thuế lợi tức 1932 (Revenue Act of 1932), tăng thuế lợi tức cá nhân và các công ty, làm cho tình hình càng thêm trầm trọng. Nạn thất nghiệp tăng lên gần 25%, trên 5.000 ngân hàng phá sản. Dân chúng thất nghiệp trở nên vô cùng khổ sở. Chính phủ lại không có chương trình nào để giúp cho người nghèo. “Have you a dime” trở thành câu hỏi được nghe ở mọi nơi. Sự bất mãn của dân chúng được thể hiện bằng cách móc túi quần bỏ ra ngoài và gọi là đó cờ Hoover. Những thị trấn không còn người ở, trở nên hoang tàn cát bụi được gọi là Hoovervilles. Những chuyến xe vận động tái cử trong năm 1932 của Tổng thống Hoover đến nơi nào cũng gặp trứng thối. Từ hoang tàn của nền kinh tế, xuất hiện một vị tổng thống được lịch sử công nhận tổng thống vĩ đại đứng hàng thứ 3 trong những vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ. Sau Tổng thống George Washington và Abraham Lincoln. Đó là Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Kết quả cuộc bầu cử năm 1932, UCV Franklin D. Roosevelt chiến thắng với con số 472 phiếu cử tri đoàn so với 59 phiếu dành cho TT Hoover. Đảng Cộng Hoà mất 101 ghế quốc hội, đảng Dân Chủ tăng thêm được 97 ghế, bước lên con số tuyệt đối 317 ghế trong quốc hội có 435 ghế. Ở Thượng viện, Cộng Hoà mất 12 ghế, Dân Chủ kiểm soát Thượng viện với 65 nghị sĩ. Kiểm soát được quốc hội, Tổng thống Franklin Roosevelt bắt đầu thi hành chính sách New Deal dưạ trên 3 quan niệm căn bản là Cứu Trợ, Phục Hồi, và Cải Cách. Chính phủ Roosevelt đã đưa ra nhiều sắc luật và thành lập nhiều cơ quan để kiểm soát tình trạng làm ăn của các ngân hàng, bỏ tiền thuê mướn thanh niên thất nghiệp đến làm việc tại các vùng nông thôn đặt dưới sự cai quản của quân đội, đầu tư vào các chương trình xây cất cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều dự án phát triển công cộng, xã hội. Tài trợ cho nông dân để họ có thể canh tác đất đai, cung cấp nhiều loại việc làm tạm thời, trợ cấp cho người thất nghiệp, người nghèo v.v. Qua chính sách New Deal, Tổng thống Roosevelt không chủ trương cắt giảm thuế lợi tức. Dĩ nhiên những chính sách mà Tổng thống Franklin Roosevelt đưa ra đã bị dân biểu và nghị sĩ Cộng Hoà mãnh liệt chống đối. Gọi đó là nồi cháo chữ cái (alphabet soup). Cựu Tổng thống Herbert Hoover gọi New Deal là Chủ nghiã Phát-xít. Có người lên án Tổng thống Roosevelt đang đưa đất nước tiến đến xã hội chủ nghiã! New Deal là chủ nghiã Cộng Sản. Nhiều đạo luật kinh tế được thông qua bị cho là vi hiến. Sự chống đối mãnh liệt này không làm cản trở được sự cương quyết can thiệp vào hoạt động kinh tế, gạt bỏ chủ trương “ngồi nhìn” “leave it alone” của phe Cộng Hoà. Sự chống đối của Cộng Hoà cũng đã có kết quả, sau cuộc bầu cử giưã nhiệm kỳ trong năm 1934, họ còn được 25 ghế nghị sĩ ở Thượng Viện, và 101 ghế dân biểu ở Hạ viện. Sự chống đối sau đó còn mạnh mẽ hơn, họ không muốn gọi tên Tổng thống Roosevelt, chỉ gọi là “tên đàn ông ở Toà Bạch Ốc”. Kết quả của sự chống đối mãnh liệt này là sau cuộc bầu cử năm 1936 đảng Cộng Hoà chỉ còn 16 nghị sĩ ở thượng viện và cũng chỉ còn được 88 ghế ở hạ viện. Đưa đến tình trạng đảng này bị chia ra hai trường phái bảo thủ truyền thống và tự do. Một nửa chống đối, một nửa ngã qua ủng hộ New Deal. Nói đến giai đoạn lịch sử này, không có nghĩa cho rằng chủ nghiã Laisser Fair sai lầm! Lý thuyết không can thiệp trước đó đã làm cho Hoa Kỳ phát triển mạnh. Chủ trương “chính phủ nhỏ”, không can thiệp vào hoạt động kinh tế thời Ronald Reagan ở Hoa Kỳ và Magaret Thatcher ở Anh cũng đã từng tạo nên một thời kỳ thịnh vượng. Sự trì trệ của doanh nghiệp quốc doanh khi được tư hữu hoá, với sự hăng say làm việc của chủ nhân mới, của tư nhân, sẽ làm doanh nghiệp phát triển hơn. Trong lúc các nghiệp đoàn thương mại đòi hỏi quá nhiều quyền lợi, chính phủ có chủ trương cứng rắn với các nghiệp đòan để giúp cho giới kinh doanh có điều kiện tốt hơn trong hoạt động sản xuất, hay chính sách cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội quá thừa thải để tiết kiệm ngân sách quốc gia như những gì bà Thatcher đã làm nó cũng chỉ có thể áp dụng trong một giai đoạn. Với giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay của nước Anh, nếu bà Thatcher ra cầm quyền trở lại, áp dụng chủ trương chính phủ không can thiệp, cắt giảm chi tiêu của bà chắc chắn sẽ làm cho nền kinh tế càng thêm đổ nợ. Những lời tuyên bố của ông David Cameron, chủ tịch đảng Bảo Thủ Anh tại diễn đàn Davos cho thấy chủ nghiã Thatcher đã cáo chung. Ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chương trình kinh tế của Tổng thống Barack Obama đã bị tất cả dân biểu Cộng Hoà đoàn kết chống đối. Hoàn toàn không có một dân biểu nào bỏ phiếu chấp thuận. Tại Thượng Viện chỉ có 3 nghị sĩ Cộng Hoà bỏ phiếu thuận, giúp đủ túc số thông qua. Phe Cộng Hoà đã chống chương trình kích thích kinh tế vì cho rằng giảm thuế quá ít, chi tiêu quá nhiều, quá tốn kém, hay cho rằng chương trình này sẽ không hiệu quả. Lãnh tụ khối thiểu số Hạ viện là Dân biểu John Boehner nói rằng một chương trình đề nghị nói về việc làm, việc làm, và việc làm, nhưng trở thành chi tiêu, chi tiêu và chi tiêu. (But a bill that’s supposed to be about jobs, jobs, jobs has turned into a bill that’s all about spending, spending and spending.) Với một chương trình rộng lớn cứu nguy nền kinh tế người dân bình thường cũng khó biết rõ bên nào đúng, phía nào sai. Trong ngày thứ Bảy, 14/2, tại hội nghị ở Rome, Bộ trưởng tài chánh Timothy F. Geithner đã trình bày chương trình cứu nguy kinh tế 787 tỷ mỹ kim với bộ trưởng tài chánh và thống đốc ngân hàng trung ương khối G-7. Bộ trưởng tài chánh Gia Nã Đại James M. Flaherty là người từng nói rằng chương trình của Tổng thống Obama không mấy rõ ràng. Sau khi nghe trình bày trong phiên họp, ông ta nói rằng Bộ trưởng Geithner đã trả lời mọi câu hỏi và đã làm cho mọi người đều thoả mãn. Bộ trưởng tài chánh Anh Alistair Darling nói rằng rõ rệt là tân chính phủ Hoa Kỳ đang đi một bước dài vững chắc, chương trình sẽ tạo nên sự khác biệt không chỉ cho người Mỹ mà cho cả thế giới. Nói chung thì các chương trình kích thích kinh tế hiện nay ở các nước đều gần như có chung một mẫu mực. Hầu hết đều có chương trình giảm thuế, nhưng phần lớn của ngân sách là dùng cho việc chi tiêu, đầu tư tạo công ăn việc làm. Chương trình kích thích 26 tỷ euros của Pháp hoàn toàn không đặt ra việc giảm thuế. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố: “ Câu trả lời của Pháp đối với khủng hoảng là đầu tư, bởi vì đây là cách duy nhất để giúp phát triển, giữ gìn công ăn việc làm trong giai đoạn hiện nay và chuẩn bị công ăn việc làm cho ngày mai.” Chương trình kích thích kinh tế của Úc gồm 42 tỷ úc kim (27 tỷ mỹ kim) trong đó 28.8 tỷ chi tiêu cho trường học, nhà ở, xây dựng trong 4 năm và 12.7 tỷ dùng để giảm thuế cho các xí nghiệp nhỏ, giúp cho sinh viên và công nhân. Khi tuyên bố chương trình kích thích kinh tế trị giá 30 tỷ mỹ kim trong tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Anh Gordon Brown tuyên bố: “Qua chương trình New Deal trong thế kỷ 20 người Hoa Kỳ xây đường sá, cầu cống tạo cơ sở hạ tầng cho tương lai. Trong thế kỷ 21, nước Anh phải dưạ trên căn bản kỷ thuật và tài nguyên con người để tạo cơ hội cho ngày mai.” Chương trình kích thích 30 tỷ của Anh giảm thuế bán hàng (sales tax), nhưng tăng thuế lợi tức của những người giàu chiếm 1% trong nước. Đầu tư khoảng 4.5 tỷ mỹ kim việc xây dựng trường học, xa lộ và nhà cửa. Ngoài ra dùng chi tiêu cho các dự án công cộng. Đức đã đưa ra 2 chương trình kích thích, chương trình thứ nhì với ngân sách 50 tỷ euro tập trung vào đầu tư xây dựng hạ tầng và giáo dục. Chương trình kích thích của Canada 32 tỷ mỹ kim, trong đó có 9.8 tỷ mỹ kim dùng xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian 2 năm. Chương trình của Canada không có giảm thuế, số tiền trên 20 tỷ còn lại dùng để giúp người thất nghiệp, huấn luyện nghề nghiệp, cứu giúp các ngành kỷ nghệ gặp khó khăn như ngành xe hơi, khai thác gỗ. Sau Hoa Kỳ, Trung Cộng là nước đã có chương trình kích thích kinh tế lớn nhất với 586 tỷ mỹ kim (4 ngàn tỷ yuan). Chương trình của Trung Cộng chỉ dùng 17 tỷ mỹ kim để giúp giảm thuế trị giá gia tăng cho ngành kỷ nghệ, giảm thuế cho những công ty dùng tiền tân trang cơ sở. Hầu như tất cả số tiền đều dùng hết vào đầu tư, từ xây dựïng nhà ở, tới phát triển nông thôn, giao thông, xây trường học, canh tân kỷ nghệ. Hoàn toàn trong chương trình không có việc cắt giảm thuế lợi tức cá nhân. Nhật tuyên bố sẽ đưa ra chương trình kích thích kinh tế lần thứ 3 với ngân sách khoảng 30 ngàn tỷ yen, tập trung vào việc xây dựng phi trường, hải cảng, xa lộ, đầu tư vào các chương trình năng lượng sạch, bảo vệ môi sinh. Giảm thuế lợi tức là một biện pháp kích thích tiêu thụ, nhưng chỉ nhấn mạnh tới giảm thuế lợi tức như trong thời kỳ bộ trưởng tài chánh Andrew William Mellon đã hoàn toàn cho thấy vô dụng để vực dậy một nền kinh tế đang bước vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Trong năm qua chính phủ Bush chi 160 tỷ trả lại tiền thuế lợi tức cho người dân chỉ tạo nên một làn sóng lăn tăn mua sắm và không tạo được một ảnh hưởng nào cho nền kinh tế đang xuống dốc, khủng hoảng ngày thêm trầm trọng. Từ New Deal cho tới những chương trình kích thích chung của nhiều nước cho thấy đầu tư, chi tiêu, tạo công ăn việc làm, tạo nền tảng cho nền kinh tế trong tương lai là quan niệm chung của hầu hết các nước hiện nay. Giảm thuế cũng là một phần trong các “gói” kích thích, nhưng nó cũng chỉ chiếm phần nhỏ. Với “Gói” kích thích 787 tỷ vừa được quốc hội thông qua, tiền dành cho giảm thuế chiếm 34%, so ra đã chiếm một tỷ lệ rất lớn so với những chương trình của các nước khác. Số tiền 48 tỷ dành cho đầu tư vào các chương trình giao thông, sửa chữa cầu cống tạo công ăn việc làm hình như lại quá ít so với tỷ lệ của những chương trình kích thích của các nước. Dĩ nhiên, hiện nay cũng không thể nào biết rõ những chương trình đang áp dụng có thể ngăn chận hay đảo ngược lại tình trạng kinh tế hay không? Sự chống đối của Cộng Hoà với “gói” kích thích của Tổng thống Obama cũng có thể rất có lý.
Tuy nhiên, một “Gói” kích thích với 182 tỷ giảm thuế được tăng lên thành 293 tỷ giảm thuế để hy vọng “2 phe chúng ta” cùng ngồi chung thuyền đã gặp sự đoàn kết gần như triệt để của dân biểu và nghị sĩ Cộng Hoà lại cũng có thể là hiện tượng tái diễn của lịch sử thập niên 1930. Lịch sử gần như đã tái diễn. Cuộc đại suy thoái bắt đầu một cách bất ngờ với ngày bể bong bóng chứng khoán Thứ Ba Đen. Cuộc suy thoái hiện nay cũng đã đến bất ngờ với chính phủ Cộng Hoà đang cầm quyền và Cộng Hoà kiểm soát lưỡng viện quốc hội với vụ bùng nổ bong bong điạ ốc ngày Thứ Hai Đen, 15/9/08. Hy vọng rằng hiện tượng lịch sử sẽ không tái diễn đến độ chua chát của thời kỳ đầu thập niên 1930. Ngày nay vấn đề truyền thông, tri thức của con người lại cũng khác xa với thời đại NEW DEAL.
|