Home Tin Tức Bình Luận Khủng Hoảng Kinh Tế Hoa Kỳ

Khủng Hoảng Kinh Tế Hoa Kỳ PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Duy Hùng   
Thứ Ba, 24 Tháng 2 Năm 2009 03:18

Một trong những lý do ông Barrack Obama đắc cử Tổng Thống là vì 8 năm cầm quyền của Đảng Cộng Hòa, nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng.  Người dân Hoa Kỳ muốn có sự thay đổi, và ông Obama đã đánh trúng vào tâm lý đó nên chiến dịch vận động tranh cử của ông chỉ có một chữ to tổ bố đó là “change”.

Nguyên do cuộc suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ nói riêng và của thế giới nói chung không phải hệ tại ở Tổng Thống George W. Bush, Đảng Cộng Hòa hay bất kỳ một cá nhân nào. Cuộc suy thoái này là một chu kỳ tự nhiên vì cái gì đã lên cao điểm thì cũng sẽ có lúc xuống.  Từ Cuộc Chiến Vùng Vịnh năm 1990, Hoa Kỳ và thế giới đã hưởng một thời gian trăng mật của kinh tế.  Trong sự hưng thịnh đó người ta cũng đ ã thấy có mầm mống của suy thoái.  Kinh tế đang trên đà tăng triển nên dân chúng đổ xô mua nhà, các ngân hàng không kiểm chứng cách nghiêm chỉnh lợi tức của những người này, do đó, sau một thời gian, những người mua nhà không có đủ khả năng trả tiền hàng tháng, các ngân hàng lập tức thiếu hụt tiền mặt mà tiếng Anh hay gọi là “cash flow”. Sự thiếu hụt cash flow này làm cho các công ty tài chánh không dám cho vay tiền của nhau và cũng không dám dễ dãi với những người nạp đơn xin tín dụng, từ đó, mãi lực kinh tế suy giảm, kéo theo sự thất nghiệp ngày càng gia tăng.

Khi mãi lực kinh tế suy giảm, thị trường tiêu thụ bị chậm lại, những đại công ty chế tạo các sản phẩm là nạn nhân ở tuyến đầu.  Kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ là con cờ domino thứ hai sau kỹ nghệ tài chánh.  Trong gần 2 thập niên qua, kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ sản xuất những chiếc xe to và tốn xăng.  Thí dụ, xe Hummer chạy 1 gallon chưa tới 10 miles nên dân chúng gọi đó là “xe đốt xăng”.  Khi giá xăng tăng vọt, để tiết kiệm ngân sách gia đình, dân chúng Hoa Kỳ đổ xô đi mua các loại xe nhỏ ít hao xăng do Nhật hay Đức chế tạo.   Những đại công ty chế tạo xe của Hoa Kỳ muốn nạp đơn khai phá sản. 

Kỹ nghệ tài chánh, kỹ nghệ địa ốc  và kỹ nghệ xe hơi là ba kỹ nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ bị lỗ lã thì lập tức thị trường chứng khoán Wall Street chao đảo.  Ba kỹ nghệ này tạo hàng chục triệu công việc cho cả nước.  Nhưng điều đáng nói thời đại này hầu như các công ty không còn đứng riêng lẻ “độc lập” (independent) mà phải có sự liên đới và nương tựa (interdependent) lẫn nhau.  Thí dụ xe bán không được thì các salemen thất nghiệp, những hãng chế tạo phụ tùng cũng phải đóng cửa, và không có tiền thì họ không đi shopping và vì thế các shopping vắng khách.  Ngay cả thị trường Nails (làm móng tay, móng chân) do người Việt thống lĩnh tại Texas cũng bị ảnh hưởng nặng nề của nền  kinh tế tuột dốc này.  Trước đây, mỗi thân chủ hàng tháng có thể đến tiệm Nails 2 lần, nhưng hiện nay, họ chỉ dám đến tiệm để đánh bóng, sơn phết bộ móng tay, móng chân của mình có một lần hoặc gần 2 tháng mới làm một lần mà thôi.

Với hoàn cảnh hiện tại, thì sự thành công hay thất bại trong việc phục hồi nền kinh tế của Hoa Kỳ, cũng sẽ để lại dấu ấn sâu đậm (khác nhau) trên nội các của Đảng Dân Chủ nói chung và  đặc biệt của Tổng Thống Barrack Obama nói riêng khi ông đã từng hứa hẹn một cách hùng hồn, chắc nịch  “Yes we can” trong thời gian vận động tranh cử.  Ông giận dữ cho rằng các giám đốc điều hành kỹ nghệ tài chánh tại Wall Street tự thưởng cho mình 18 tỷ USD cho tài khóa năm 2007 trong khi kỹ nghệ này bị lỗ lã là một hành vi vô đạo đức.  Ông rất bực mình khi thấy các giám đốc chế tạo xe hơi Hoa Kỳ đến Washington D.C để xin tiền “kích thích” (stimulus package) mà lại di chuyển bằng chiếc máy bay riêng của công ty, tốn cả vài chục ngàn cho một chuyến bay.  Thấy vậy các vị giám đốc chỉ dám đi “first class” của các hãng máy bay công nghiệp.  Nhưng, cũng có lời ra tiếng vào nói rằng Tổng Thống Barrack Obama chỉ là một người đạo đức giả (hypocrite) tại vì ông đi họp từ Tòa Bạch Ốc ra đến Camp Davis cũng dùng máy bay riêng rất tốn kém cho ngân sách quốc gia.

Theo vết chân của vị tiền nhiệm, Tống Thống Barrack Obama vận động Lưỡng Viện của Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngân khoản 787 tỷ USD để kích thích nền kinh tế Hoa Kỳ. Đạo Luật này được mang tên The American Recovery and Reinvestment Act of 2009.   Ngày 13/02/09, đạo luật này được thông qua ở Hạ Viện với 246 phiếu thuận và 183 phiếu chống.  Tất cả 176 đảng viên Đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện đều bỏ phiếu chống. Có 7 đảng viên Đảng Dân Chủ đồng ý điều này.  Tại Thượng Viện, 60 phiếu thuận và 38 phiếu chống (tất cả là Cộng Hòa).  Tất cả đảng viên Dân Chủ, độc lập và thêm 3 đảng viên Cộng Hòa bỏ phiếu chấp thuận đạo luật này.  Thượng Nghị Sĩ Edwar M. Kennedy của tiểu bang Massachussetts, Dân Chủ, bị bệnh nên không bỏ phiếu.  Tiểu bang Minnessota đang trống 1 ghế Thượng Nghị Sĩ nên không thể bỏ phiếu được. Thứ Ba ngày 17/02/09 tại Denver , Colorado , Tổng Thống Barrack Obama ký ban hành đạo luật này.

Đảng Cộng Hòa cho rằng số tiền này như muối bỏ bể.  Còn những người khác thì suy luận Đảng Dân Chủ và Tổng Thống Barrack Obama thông qua kế hoạch kích thích kinh tế 787 tỷ USD là để trả ơn cho những người “trẻ” và những người  lần đầu trong đời đi bỏ phi ếu mà lại bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ, để rồi lần sau họ lại sẽ tiếp tục ủng hộ cho Đảng Dân Chủ nữa.

Nhưng, nếu không thông qua 787 tỷ USD thì kinh tế càng trì trệ, Tổng Thống Barrack Obama có lý do để đổ lỗi sự sụp đổ của nền kinh tế là do các đảng viên Đảng Cộng Hòa!  Chính vì lý do này, sau khi làm áp lực dữ dội, yêu cầu có những sự thay đổi để số tiền này tạo nhiều công ăn việc làm hơn như vấn đề tân trang hoặc xây dựng đường xá thay vì cho học bổng sinh viên, v.v., ba đảng viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện đã xé rào bỏ phiếu thuận cho đạo luật The American Recovery and Reinvestment Act 2009.   Nếu không có 3 phiếu này thì đạo luật đó đã tiêu vong vì theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, phải có 60 trên 100 nghị sĩ biểu quyết thuận thì dự luật mới thành.  Con số 60 vừa qua ở Thượng Viện cho thấy đạo luật này quá mong manh, chưa được sự ủng hộ nồng nhiệt của dân chúng Hoa Kỳ. Theo các đảng viên Cộng hòa, số tiền 787 tỷ USD cũng chỉ là cách giải quyết tạm thời để trấn an tâm lý quần chúng chịu tiêu xài chớ không phải là kế hoạch lâu dài để ổn định nền kinh tế của Hoa Kỳ.

Thập niên 1990s, để tiết kiệm chi phí nhân công, các công ty Hoa Kỳ dời nhà máy hoặc dời văn phòng điều hành sang những quốc gia khác.  Thí dụ, tại Sugar Land, một vùng phụ cận của Houston, Texas, nhà máy chế tạo đường nổi tiếng Imperial Sugar đóng cửa nhà máy chế tạo chuyển xuống Nam Mỹ làm cho cả vài ngàn nhân công tại đây thất nghiệp.  Những hãng dệt và may tại Đông Bắc Hoa Kỳ cũng đã dời cả công ty của họ sang Á Châu.  Các công ty chỉ lo lợi nhuận riê ng của mình, chính quyết định đó về lâu về dài đã biến Hoa Kỳ thành một quốc gia tiêu thụ hơn là sản xuất.  Khổ nỗi khi không có công việc như trước thì lấy gì để mà tiêu thụ? Đây chính là vấn nạn lẩn quẩn của câu hỏi “con gà có trước hay quả trứng có trước con gà?”  Những đảng viên Đảng Cộng Hòa muốn chính phủ thông qua một đạo luật làm sao ép các công ty Hoa Kỳ phải ở lại để sản xuất tại nội địa.

Số tiền 787 tỷ USD được phân chia tổng quát như sau: 153.3 tỷ cho bảo hiểm sức khỏe; 143 tỷ cho giáo dục và học vấn; 90 tỷ cho xây cất đường xá; 74 tỷ cho các chương trình Xanh và bảo vệ môi sinh; 71.5 tỷ trợ giúp những người nghèo và thất nghiệp; 35.5 tỷ khấu trừ thuế (tax credit) cho những người mới mua nhà đầu tiên, v.v.

Lúc đầu có người đề nghị số tiền 787 tỷ USD chỉ giúp cho những cơ sở, công ty, hay cá nhân sử dụng nhân công hay vật dụng chế tạo trong nước Mỹ, nhưng nội các của Tổng Thống Barrack Obama bác bỏ điều này. Lý do rất đơn giản, hiện nay chính phủ Hoa Kỳ là con nợ lớn nhất của nhiều chủ cho vay tiền như Trung Hoa và Ấn Độ.  Đề nghị đó sẽ làm phật lòng mấy ông chủ cho vay tiền.  Tại sao Hoa Kỳ không in thêm tiền để cho dân chúng xài?  In thêm tiền thì dễ nhưng như vậy sẽ làm cho đồng tiền không còn giá trị và lạm phát sẽ gia tăng vùn vụt làm cho nền kinh tế mau sụp đổ hơn. Thà mượn tiền của Trung Quốc nhưng mà thị trường chứng khoán giá cổ phần thấp xuống thì coi như Trung Quốc cho không 70% số tiền đó rồi. 

Tại sao Trung Quốc biết Hoa Kỳ gặp khó khăn về tài chánh mà vẫn cho Hoa Kỳ vay?  Tại vì vài thập niên qua, Trung Quốc tiết kiệm, tích lũy dư vài ngàn tỷ USD, Trung Quốc đã tung số tiền này mua cổ phần của các công ty địa ốc và tài chánh của Hoa Kỳ.  Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, dân chúng không chịu mua xài, các công ty địa ốc và tài chánh của Hoa Kỳ khai phá sản thì Trung Quốc trắng tay.  Đó là lý do tại sao trong số tiền 250 tỷ đầu tiên được tung ra để kích thích nền kinh tế là phải giúp cho một số công ty tài chánh trước, và chính phủ Hoa Kỳ cũng đã nói rõ có những điều không thể tiết lộ vì là bí mật quốc gia. Thật ra ai cũng hiểu Trung Quốc rất tức giận Hoa Kỳ, tố cáo Hoa Kỳ là dàn dựng màn suy thoái kinh tế để “cướp” cách thâm thúy và có giấy tờ tài sản tích lũy của Trung Quốc.  Để xoa dịu cơn giận này của Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đã phải “bơm tiền” cho các công ty tài chánh mà Trung Quốc có cổ phần rất lớn như một thiện chí để giải quyết vấn đề.

Đang lúc nền kinh tế Hoa Kỳ chao đảo thì vụ lừa đảo của ông Robert Allen Stanford đã như một hình thức châm dầu vào lửa.  Ông Stanford sinh tại Mexia , Texas ngày 24/3/1950.  Sau khi ông ra trường, ông về lập nghiệp sinh sống ở Houston . Ông không thành công ở Houston , ông dọn về Waco , mở trung tâm tập thể dục (health club).  Năm 1983, ông bị chủ nhà kiện và ông bị xử khiếm diện (default judgment) $31,800 vì thiếu tiền nhà và trung tâm tập thể dục của ông bị đóng cửa.  Trở về Houston , ông phát triển công ty Stanford Financial Group. Công ty này được thành lập năm 1932 tại tỉnh lẻ Mexia , Texas do ông nội của Robert Standford là cụ ông Lodis B. Stanford.  Khi ấy cụ ông Lodis Stanford là một thợ hớt tóc, sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929, ông mở công ty Stanford Financial Group để bán bảo hiểm.  Công ty này sống èo uột hơn nửa thế kỷ cho đến khi Robert Allen Stanford về Houston mở văn phòng chính ở khu Galleria, tức là khu Uptown.  Robert Allen Stanford điều hành công ty theo hình thức kim tự tháp.  Ông tuyên bố lợi tức hàng năm của công ty ngày càng tăng nên giá trị cổ phiếu tại trị trường chứng khoán gia tăng vùn vụt, giống y như vụ Enron.  Trong vòng 20 năm, ông mở 50 chi nhánh khắp 136 quốc gia và có hơn 30 ngàn thân chủ.  Tài sản của công ty đầu năm 2009 là khoảng 50 tỷ USD và tài sản riêng của ông Robert Allen Stanford là 2.2 tỷ USD.  Đầu tháng 2 năm 2009, Ủy Ban Thị Trường Chứng Khoán của Hoa Kỳ (Security Exchange Commission - SEC) nghi ngờ con số lợi tức thổi phồng của Stanford Financial Group và họ âm thầm điều tra.  Ngày 17/2/09, Ủy Ban Thị Trường Chứng Khoán công bố Stanford Financial Group lừa đảo 8 tỷ USD trong chương trình Quỹ Tiết Kiệm Dài Hạn thường được gọi Certificate of Deposit (CD).  Chính phủ truy tố ông Robert Allen Stanford và hai đồng nghiệp là ông Pendergest-Holt và Davis về tội lừa đảo.  Tài sản của công ty này lập tức bị niêm phong khắp nơi trên thế giới.

Houston đã chứng kiến và xử vụ Enron, bây giờ đến vụ Stanford Financial Group, làm cho dân chúng ở đây xôn xao.  Mấy năm nay nền kinh tế của Hoa Kỳ suy sụp trầm trọng nhưng Houston vẫn tự hào là một thành phố có nhiều công ăn việc làm và thu hút người nhiều nhất.  Bây giờ, với vụ xi-căng-đan (scandal) Stanford Financial Group, nhiều người bâng khuâng tự hỏi không biết kinh tế Houston có còn được êm thắm như những ngày trước hay không?

Lời Kết:  Trong vài tháng qua, kinh tế suy giảm, khắp nơi ở Hoa Kỳ đã chứng kiến đà gia tăng của trộm cắp.  Riêng tại Houston , cướp bóc Việt Nam lộng hành, chúng xông vào các tiệm càfé và quán phở ban đêm, dí súng cướp bóc, trấn lột cả chủ tiệm lẫn khách hàng.  Ngày 4/2/2009 , một vụ bắt cóc tại Pearland, một vùng phụ cận của Houston , làm cho mọi người kinh sợ.  Bà Susana de Jesus, 37 tuổi, nữ tiếp viên bán đồ trong tiệm Catherine’s Plus Sizes trong Mall mới xây ở 2754 Smith Ranch Road, đã là nạn nhân.  Nơi bà cư trú và  làm việ c là khu vực của tầng lớp trung lưu trở lên, nổi tiếng yên ổn và an toàn, vậy mà cũng bị cướp ban ngày ban mặt.  Sau khi xong việc, bà Susana de Jesus ra bãi đậu xe thì bị một người bịt mặt dí súng, bắt bà lên chiếc xe Cadillac màu đen đời 2008 và hắn lái chiếc xe này đi.  Sáu (6) ngày sau, cảnh sát Houston tìm được chiếc xe này ở block 6000 đường West Airport .  Hàng trăm thiện nguyện viên tủa ra đi tìm bà mà cho tới ngày hôm nay vẫn không tìm thấy.  Hy vọng sống sót của bà rất mong manh. 

Cảnh sát kêu gọi quý vị khi ra xe hãy cẩn thận, thấy ai dán tờ giấy gì ở đàng sau, bên hông, bên kính chiếu hậu hay ở quạt kiếng, xin quý vị đừng mở cửa xuống xe lấy những tờ giấy này, đó là cái bẫy, vì lúc đó tên cướp sẽ ập lại.  Khi thấy những tờ giấy đó, cách hay nhất là lờ đi, lái xe ra chỗ đông người rồi mới mở cửa xe xuống lấy.  Khi về tới nhà, xin hãy ngó trước ngó sau, nhất là trong các bụi rậm.  Và, lúc nào cũng có điện thoại cầm tay, khi cần, bấm số 911 liền.

Kinh tế Hoa Kỳ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang ở trong thời kỳ u tối, chúng ta hãy kiên nhẫn nhưng cũng phải khôn ngoan để tránh trở thành nạn nhân của cả nền kinh tế suy thoái và những tệ nạn hình sự.  Cầu chúc mọi sự may lành và tốt đẹp nhất đến tất cả quý độc giả./.

 Houston ngày 20/2/2009