Khi bàn về hiện tình đấu tranh nhằm phế bỏ cơ chế độc tài Cộng Sản Hà Nội (CSHN) của “cộng đồng Việt Nam tỵ nạn hải ngoại”, chúng ta, không ai mà không khỏi băn khoăn, lo lắng, trước một thực trạng đau lòng, vì nhiều người, ngày càng tỏ ra rất ư là thờ ơ, điềm nhiên tọa và không một quan tâm nào đến hiện tình đau thương của dân tộc, trước tiếng kêu cứu của đại khối đồng bào ruột thịt nơi quê nhà, đang phải trầm luân trong muôn vàn khổ nhục bởi tập đoàn phản dân hại nước CSHN hiện nay Là những người phải rời bỏ quê cha đất tổ vì họa CS, ra đi tìm tự do, mặc nhiên mỗi chúng ta đều là những phần tử của cộng đồng tỵ nạn này. Chúng ta, chẳng những là người đồng thuyền, đồng hội, cùng chung một cảnh ngộ, cùng là nạn nhân và cũng là chứng nhân trong một cuộc đổi đời đầy tủi nhục, uất hận, bi thương và “không một cá nhân nào hay một gia đình Việt Nam nào, nếu không chịu cảnh tử biệt, thì cũng phải nếm mùi, chia ly, lầm than, cùng cực”, mà chưa bao giờ dân tộc ta lại phải gánh chịu những thương đau, cùng khốn như bây giờ. Vì khai sinh bởi họa CS, cho nên ưu điểm của cộng đồng tỵ nạn chúng ta được chính trị hóa một cách cao độ. Nhưng cũng vì khai sinh từ một thất bại chua cay, đau nhục mà cộng đồng chúng ta cũng mang nhiều khuyết điểm, đó là chia rẽ và có nhiều khuynh hướng. Sự chia rẽ phát xuất từ chính sách chia để trị của thực dân Pháp. Sự chia rẽ còn bắt nguồn từ những sinh hoạt chính trị dưới thời đệ I và đệ II Cộng Hòa, chỉ dựa vào tôn giáo, hay một thành phần đặc biệt nào đó của xã hội hơn là tạo sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, cũng như không đưa ra được chính sách, đường lối, mục tiêu và những chương trình kiến quốc thực tiễn, khả thi để toàn dân cùng tham gia. Chính vì những nhược điểm này, khi đánh giá về cộng đồng tỵ nạn của chúng ta tại Hoa Kỳ nói riêng và hải ngoại nói chung, trong một bản phúc trình được phổ biến vào đầu năm 1991, cách nay 18 năm của cơ quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) đã thẩm định rằng: “Đây là một cộng đồng có sức hội nhập mau chóng vào các xã hội Tây phương đến độ, nhiều người khó còn nhận ra được bản sắc văn hóa đích thực của mình. Một cộng đồng thiếu vắng tinh thần đoàn kết, cùng với tệ nạn phân hóa trong mọi sinh hoạt tập thể. Nhiều người chỉ chú tâm chạy theo vật chất, đua đòi, ích kỷ, đố kỵ, cá nhân, cục bộ, nặng tinh thần bè nhóm. Khó ai hiểu được rằng, nhiều người trong cộng đồng lại có thể vứt bỏ quá khứ buồn đau một cách mau chóng như vậy, cũng như ít ai còn nghĩ đến phục thù, phục quốc hoặc về sự thịnh suy của quê hương, nơi mà họ đã rời bỏ, trốn chạy với muôn vàn đắng cay, tủi nhục và đem cả mạng sống của chính mình để đánh đổi. Và cũng không còn mấy ai quan tâm đến việc duy trì hay phát huy văn hóa cùng truyền thống cội nguồn. Với những gia đình còn giữ được truyền thống dân tộc Việt, thì phần lớn con cái học hành được thành đạt; nhưng lại rơi vào cuộc sống ích kỷ, cách biệt. Các tổ chức, hội đoàn mang mầu sắc đấu tranh, đòi hỏi phục hồi nhân quyền, dân chủ hay tự do tín ngưỡng, phần đông cũng chỉ là những tổ chức hữu danh vô thực, có hình thức mà thiếu vắng chiều sâu,…”. Kể từ sau “ngày Việt Nam đau thương 30 tháng 4 năm 1975” đến nay, cuộc đấu tranh của người Việt tỵ nạn hải ngoại chúng ta, nhằm chống lại bạo quyền CSHN, “kẻ thù chung của dân tộc” được liên tục tiếp diễn, dù rằng, chúng ta đã chuyển hướng được dư luận thế giới và làm cho thế giới thấy rõ được bộ mặt gian ác, hiểm độc và xảo trá của tập đoàn thống trị CSHN. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phát huy được sức mạnh đoàn kết giữa các lực lượng chính trị, các tổ chức đấu tranh chống Cộng cũng như tiềm năng to lớn về nhiều mặt của cộng đồng chúng ta ở khắp nơi trên thế giới. Sức mạnh đấu tranh của chúng ta đã bị phân tán, tản mạn vì các đảng, đoàn chống Cộng vẫn còn hoạt động riêng lẻ, không có sự liên kết, thiếu phối hợp, thiếu niềm tin lẫn nhau và nhất là dị biệt về lập trường, chủ trương đường lối, về chiến lược cũng như chiến thuật đấu tranh. Từ khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và bang giao với bạo quyền CSHN, thì tình trạng phân hóa của cộng đồng chúng ta trở nên nhiều hơn. Một mặt vì CSHN tung cán bộ và tiền bạc cùng với bọn tay sai, bọn trở cờ, bọn đón gió và bọn xu thời, bằng mọi xảo thuật, mọi chiêu thức, chúng lũng đoạn các tổ chức, các hội đoàn chống Cộng. Mặt khác, với tình trạng chia rẽ và thiếu đoàn kết vốn có nơi các tập thể đấu tranh, nên đã làm suy yếu rõ rệt tiềm lực tranh đấu của cộng đồng chúng ta. Vụ chống tên Trần Trường, “tay sai CSHN”, treo cờ máu (đỏ sao vàng) và hình tên tội đồ dân tộc Hồ Chí Minh tại thủ đô người Việt tỵ nạn, miền Nam California, Hoa Kỳ, được kể là thời kỳ cao điểm đấu tranh của cộng đồng chúng ta nơi đây. Với những nhược điểm vốn có của cộng đồng như chúng tôi vừa lược trình, với những đánh phá liên tục của CSHN và bọn tay sai của chúng tại hải ngoại, với những hoạt động cục bộ, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, thiếu thế liên kết đấu tranh giữa các đảng, đoàn và, nhất là sự thờ ơ, “thảnh thơi thơ túi rượu bầu” đã vô tình hà hơi tiếp sức cho kẻ thù, ngày một nhiều trong cộng đồng, đang làm cho công cuộc hỗ trợ những tiếng nói đấu tranh quốc nội, thay vì phải lớn mạnh, thì trái lại, mỗi ngày một lại rời rạc, khó khăn và đầy phức tạp về nhiều mặt hơn. Quả thực, cộng đồng tỵ nạn hải ngoại chúng ta, chưa đáp ứng được sự trông đợi của các cao trào đòi quyền làm người, tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền của mọi giới đồng bào, đang dâng cao ở khắp ba miền đất nước quê hương. Nhu cầu quốc tế vận, truyền thông vận và cả đến cộng đồng vận, cho đến nay, cộng đồng chúng ta vẫn chưa đạt được những đóng góp hữu hiệu trước một giai đoạn lịch sử, dù rằng chưa bao giờ dân tộc ta đau nhục và đói khổ như bây giờ; nhưng cũng chưa bao giờ dân tộc ta lại có cơ may để đạp đổ được chủ nghĩa và cơ chế CS đang thống trị quê hương ta cho bằng lúc này. Trong một vài năm gần đây, Hoa Kỳ xích lại gần CSHN, thì cộng đồng chúng ta lại xuất hiện những con thò lò chính trị, những kẻ phản phúc và vô liêm sỉ; chúng hô hào bắt tay, hòa giải hòa hợp với tập đoàn thống trị CSHN; chúng kêu gọi vứt bỏ quá khứ, xóa bỏ hận thù, đòi giao lưu văn hóa, đòi đối thoại với kẻ thù dân tộc. Tệ lậu hơn nữa, còn có những kẻ đâm đơn xin làm tay sai, làm đối lập cuội cho bạo quyền,…Và thậm chí, lại còn có những kẻ ngang nhiên ca ngợi và “thỉnh cầu CSHN”, tiếp tục thống trị đất nước, duy trì chuyên chính, độc tài độc đảng. Bọn người phản phúc và vô liêm sỉ này, chúng đang là những chiếc loa cho tập đoàn thảo khấu CSHN nhằm vô hiệu hóa nỗ lực đấu tranh của cộng đồng chúng ta. Gạt bỏ ra ngoài những kẻ tôn thờ chủ nghĩa CS, những kẻ tay sai cho bạo quyền CSHN, những kẻ đang thi hành chiến thuật do bạo quyền vạch ra để đánh lạc hướng dư luận quốc tế và người Việt tỵ nạn hải ngoại là quên đi khát vọng tự do và mục tiêu đấu tranh trường kỳ của dân tộc. Chúng ta cũng cần gạt ra ngoài những kẻ cơ hội chủ nghĩa, những kẻ không có lập trường, những kẻ không có mục tiêu đấu tranh, những kẻ gió mạnh chiều nào ngả theo chiều đó. Trước đây họ chống Cộng hay bây giờ họ thỏa hiệp với Cộng, cũng chỉ vì danh hoặc lợi, hoặc cả danh lẫn lợi. Đối với loại người này, không có vấn đề quốc gia dân tộc, không có vấn đề quê hương đất nước, không có vấn đề trách nhiệm hay lương tâm. Họ đổi chính kiến như loài tắc kè đổi mầu da. Bản chất và hiện tượng của loại người này đồng nhất theo nhu cầu, hoàn cảnh và quyền lợi cá nhân mà thôi. Do đó, góp ý hay bàn luận với loại người này, thực là một việc làm vô ích. Ở đây, chúng ta chỉ bàn luận với những người còn có thực lòng yêu nước và biết lo lắng cho dân tộc. Chúng ta cũng khẳng định rằng, mục tiêu đấu tranh trường kỳ của dân tộc ta là kiến tạo một quốc gia độc lập, tự do, dân chủ, nhân bản và giầu mạnh, hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa CS và bản chất của tập đoàn thống trị CSHN hiện nay. Mục tiêu của người Việt tỵ nạn chúng ta là bằng mọi phương cách phải đạp đổ cho kỳ được chủ nghĩa và cơ chế CS đang ngự trị trên quê hương để thiết lập một chế độ tự do, dân chủ, nhân bản và giầu mạnh. Mục tiêu chiến lược này không hề thay đổi và không thể thay đối. Lẽ cố nhiên, để hoàn thành mục tiêu tối hậu này, chúng ta không thể loại bỏ bất cứ phương thức đấu tranh nào, từ ôn hòa đến bạo lực, từ chính trị đến võ trang. Tùy theo tình hình, khả năng và hoàn cảnh của mỗi giai đoạn.chúng ta sẽ chọn một mặt trận đấu tranh chính và thích hợp. Tình hình chính trị thế giới, xu thế thời đại, hướng đi của nhân loại và hoàn cảnh quốc nội hiện nay thì phương thức đấu tranh quần chúng trong giai đoạn này đang thích hợp để tiến hành công cuộc đấu tranh “giải phóng dân tộc và xây dựng nhân bản” của toàn dân ta. Đó cũng là lý do mà mọi giới đồng bào quốc nội, khởi đầu từ mỗi cá nhân, đến nay đã liên kết thành các tổ chức, các phong trào, đang quyết liệt vùng lên đòi lại quyền làm người, tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền tại quê nhà Việt Nam mà hẳn như chúng ta, ai nấy đều đã rõ. Hiện nay chúng ta đã có thời cơ đến từ làn sóng cách mạng giải trừ độc tài chuyên chính CS ở Đông Âu, đến từ các trào lưu tự do, dân chủ, nhân quyền đang là hướng tiến của nhân loại và hoàn cảnh chính trị khách quan của thế giới. Chúng ta đã có thiên thời, vì ngày nay địa bàn quốc nội không còn bất khả xâm nhập và khó khăn như 2 thập niên trước. Ngược lại, đã có nhiều thuận lợi đang mở ra cho chúng ta trên nhiều phương diện. Chúng ta cũng đang có nhân hòa, vì đồng bào quốc nội ngày một đã nhận rõ được bản chất thâm độc và gian ác của tập đoàn thống trị, mà ngay trong hàng ngũ của bạo quyền cũng không thiếu những phần tử phản tỉnh, dũng mãnh đứng lên chống đối chế độ, trở về với chính nghĩa tự do và cộng đồng dân tộc. Giờ đây, quả thực, thế nước lòng dân trong nước nay đã đồng, y trời như đã hẹn và cả nhân loại cũng đang đồng tình hỗ trợ và đứng về phía chúng ta. Vì vậy, nếu như trước đây, chúng ta chưa có hoặc thiếu sự kết hợp, hoặc chưa tạo được thế liên kết giữa những cá nhân, những tổ chức, những đảng đoàn cùng chung một chiến tuyến đấu tranh, thì hôm nay đây, xin hãy thành tâm đến với nhau trong tình trăm con một bọc, trong nghĩa tình của những người thực sự muốn đóng góp công sức cho khát vọng tự do và sự trường tồn của dân tộc. Mỗi chúng ta xin hãy là những kinh rạch để trở thành sông và cùng chảy về một biển. Biển của những tấm lòng yêu nước thương dân, ngày đêm chung lo giải trừ CS, quang phục quê hương và vinh quang cho tổ quốc. Khẳng định rằng, chúng ta có trách nhiệm với tổ quốc ta, với tiền đồ dân tộc và sự sống còn của đồng bào quốc nội hiện nay. Cho nên, chúng ta không đấu tranh bởi tham vọng, bởi quyền lợi riêng tư, bởi phe nhóm hoặc bởi sự vị kỷ, hẹp hòi. Chúng ta cũng không đấu tranh vì sự xúc động hời hợt, hoặc chỉ để xoa dịu sự cắn rứt của lương tâm. Mỗi hành động đấu tranh của chúng ta, phải là một thái độ sống, một quyết tâm dấn thân, hy sinh, tự tin, thành tín, bất khuất, sáng tạo, kiên trì và triệt để. Nếu chúng ta đấu tranh chỉ vì sự xúc cảm hời hợt, hay chỉ để xoa dịu sự cắn rứt của lương tâm, chúng ta dễ cầu an, tiêu cực và chắc chắn rằng, chúng ta sẽ không đóng góp được gì trong công cuộc giải cứu quê hương, đồng bào vẫn đói rách lầm than, đất nước vẫn điêu linh. Tình trạng bi thảm của đồng bào quốc nội hiện nay đang thôi thúc cộng đồng chúng ta phải đoàn kết thực sự mới mong giải cứu được quê hương. Ngày nào chế độ độc tài toàn trị CSHN còn tồn tại, ngày ấy dân tộc còn đầy khổ đau, còn sống trong vũng lầy đen tối, không nhìn thấy tương lai. Lương tâm của chúng ta, bổn phận của chúng ta đối với sự sống còn của đất nước, không cho phép chúng ta đang tâm để cơn đại nạn của dân tộc tiếp tục kéo dài. Chúng ta phải đoàn kết lại. Chúng ta phải tích cực đấu tranh. Tinh thần đoàn kết, y chí quyết thắng của chúng ta là những yếu tố cần thiết, thúc đẩy sức mạnh vô biên của toàn dân thành làn sóng cách mạng “giải phóng dân tộc và xây dựng nhân bản”, đập tan guồng máy chuyên chính, bạo tàn CSHN.
|