Home Tin Tức Bình Luận Kẻ Thích Ứng Nhất

Kẻ Thích Ứng Nhất PDF Print E-mail
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.   
Thứ Năm, 26 Tháng 2 Năm 2009 00:43

Feb 26th, 2009

Cuốn phim chiếm nhiều giải thưởng Oscars nhất trong kỳ Đại hội Điện ảnh năm nay là phim “Slumdog Millionaire”. Việc trao giải này có một ý nghĩa đặc biệt về mối quan hệ quốc tế và tình cảm của con người với con người nói chung trên thế giới. Tựa đề cuốn phim có thể dịch như sau: “Từ nhà ổ chuột đến triệu phú”. Đó là câu chuyện của hai em nhỏ đi ăn xin lượm rác, sống chui rúc, ngủ trong những đống nhà đổ nát của một xóm nghèo điêu tàn. Nơi đó ở đâu vậy? Đó là Mumbai, một đại đô thị lộng lẫy, thủ đô tài chính của Ấn Độ. Nơi đây thời xưa người Pháp gọi là Bombay, vào tháng 11 năm ngoái đã bị khủng bố tấn công dữ dội làm chấn động dư luận thế giới. Hai em nhỏ đóng phim là hai em trai Ấn Độ, lên 9 và 10 tuổi, thuộc một gia đình nghèo đông con sống ở Mumbai.
Từ cảnh sống tuyệt vọng, hai em đã phấn đấu chống lại nghịch cảnh để rồi lớn lên trở thành triệu phú. “Slumdog Millionaire” được trao đến 8 giải thưởng: phim hay nhất, đạo diễn giỏi nhất, 2 giải về âm nhạc, chuyện phim và 3 giải về kỹ thuật. Hai em đóng vai này đã được đón từ Ấn Độ qua để dự buổi lãnh giải với sự hoan hô nhiệt liệt của khán giả. Đặc biệt cũng trong giờ phút của Đại hội Oscars, dân các xóm nghèo quanh thành phố Mumbai đã tụ tập đông đảo có tới cả triệu người reo hò nhẩy múa mừng rỡ, chưa kể đến hàng triệu người khác xem truyền hình ở nhà của thành phố 65 triệu dân mày. Một phim ảnh mô tả cuộc sống xã hội của một nước ngoài được nhiều giải Oscars như vậy cũng hiếm có, nhưng có đặc điểm là các nhà làm phim Mỹ đã với tới Ấn Độ, có một nền văn hóa khác các nước Âu Mỹ và một dân số đông vào hàng nhì trên thế giới. Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua vốn là một nước nghèo, kinh tế chỉ mới phát triển mạnh trong một chục năm gần đây nhờ nền giáo dục quốc gia đã mở rộng về khoa học kỹ thuật.
Hình ảnh của hai em nhỏ đã vươn lên từ cảnh nghèo khổ để trở thành giầu lớn cũng như hình ảnh một nước đông dân và nghèo sắp tiến lên để trở thành một cường quốc kinh tế đã chứng minh một nguyên lý được nhà bác học Charles Darwin gọi là luật tiến hóa. Châm ngôn của luật tiến hóa là “Sự sống còn của kẻ thích ứng nhất (Survival of the fittest)”. Thích ứng cái gì? Thích ứng với hoàn cảnh, với thời thế. Tôi nghĩ cuốn phim là một sự nhắc nhở cho nước Mỹ đang phải đương đầu với những khó khăn ghê gớm về kinh tế cũng như về chiến tranh ở bên ngoài. Đối với nước Mỹ, khủng hoảng kinh tế cũng như cuộc chiến đánh khủng bố đều có liên can đến quan hệ quốc tế. Vậy nước Mỹ phải thích ứng với hoàn cảnh này như thế nào?
Trước hết hãy nói về sự thích ứng của một cá nhân. Thích ứng không có nghĩa là hai tay buông xuôi, mặc cho hoàn cảnh xô đẩy để rồi bị đào thải trong xã hội đang sống. Thích ứng không có nghĩa là đầu hàng mà phải tranh đấu bắt đầu từ bản thân của chính mình, xóa bỏ những tư tưởng, những quan niệm cổ hủ lỗi thời để tranh đấu tiến lên theo đà tiến hóa của tập thể, của cộng đồng xã hội trong nước. Đây là lãnh vực đối phó với bên ngoài để tùy cơ ứng biến, có thể nhất thời. Nhưng bên trong, nghĩa là ở lãnh vực tư duy và tâm linh, những giá trị tinh thần trong sáng và cao quý nhất vẫn phải giữ cho vững, không thể thay đổi. Thí dụ lòng nhân đạo, nghĩa làm người, bổn phận đối với nhà, với nước.
Vậy còn tập thể thì sao? Ở đây vấn đề thích ứng phức tạp hơn nhiều, ngay từ tập thể nhỏ nhất là cộng đồng dân chúng ở bất cứ xã hội nào. Trong một nước có chế độ tự do dân chủ, chuyện muôn người như một, nhất nhất đều thông qua để nghĩ như nhau, làm như nhau như mấy anh rô-bốt là chuyện không tưởng, nó chỉ có ở một chế độ độc tài chuyên chế. Vì thế trong một cộng đồng xã hội hoặc dân chúng của một nước dân chủ, những tư tưởng và hành động khác biệt đều có thể nẩy nở. Trong một xã hội tự do kinh doanh, sự cạnh tranh nghề nghiệp không thể nào tránh và đôi khi cũng có sự lạm dụng đưa đến những chia rẽ về chính trị nhưng vẫn ở trong khung cảnh của luật pháp. Dù sao tình trạng này cũng không thể tạo thành một sự phân hóa đáng ngại, bởi vì kẻ cản trở chỉ là thiểu số, không thể ảnh hưởng đến xu thế chung của đa số đòi thích ứng với thời thế. Đa số thắng thiểu số là quy luật dân chủ.
Bởi vậy qua đến tình hình chính trị của cả nước, vấn đề thích ứng mới thực sự quan trọng, vì đây là yếu tố quyết định cho hai lãnh vực kinh tế và quân sự của một nước. Hai lãnh vực này bắt buộc phải đưa đến vấn đề đối ngoại. Đặc biệt đối với một siêu cường như nước Mỹ, chính sách đối ngoại lại càng quan trọng hơn nhiều. Vậy nước Mỹ cần phải thích ứng như thế nào để khỏi bị đào thải ra khỏi ngôi vị siêu cường, mạnh nhất thế giới về kinh tế cũng như về quân sự? Tôi muốn đặt câu hỏi này với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ mà từ thời xa xưa vẫn thay nhau lãnh đạo nước Mỹ. Có khi Bạch Ốc nằm trong tay một đảng, còn Quốc Hội cũng có khi Cộng Hòa nắm đa số, cũng có khi Dân Chủ nắm đa số.
Tối thứ ba TT Obama đã lên tiếng trước Quốc hội Lưỡng viện để trình bầy về đoạn đường sắp tới của kế hoạch cứu nguy kinh tế. Ông nói: “Sự giải quyết những khó khăn không ở ngoài tầm tay của chúng ta. Điều cần thiết cho đất nước là chúng ta phải họp nhau lại, đương đầu với những thử thách, và một lần nữa hãy nhận lấy trách nhiệm về tương lai của chúng ta”. Diễn từ này không phải chỉ dành cho Quốc hội mà thật ra ông Obama muốn nói với tất cả dân Mỹ để đem lại niềm tin và hy vọng giữa lúc tình thế có vẻ như tuyệt vọng trước mối họa sụp đổ. Ông cam kết: “Chúng ta sẽ xây dựng lại, chúng ta sẽ phục hồi và nước Mỹ sẽ mạnh hơn trước”. Ngoài những vấn đề cấp bách về tài chính, Obama đã nêu lên mục 3 tiêu chính của đoạn đường dài: cải tiến năng lượng, y tế và giáo dục. Phòng họp và cả dẫy hành lang trên lầu đầy khách mời đã đứng lên vỗ tay hoan hô đến 60 lần, phía đảng Cộng hòa chỉ có khoảng 30 lần đứng lên vỗ tay chung với cả phòng họp. Theo kết quả thăm dò, 85% dân chúng Mỹ cảm thấy lạc quan hơn về cấp lãnh đạo mới của họ.
Hành pháp và Lập pháp là hai ngành lãnh đạo đất nước, do dân bầu. Trước sự bất đồng của những phần tử cực đoan đối với kế hoạch Cứu nguy Kinh tế của Tổng Thống Obama, “sự sống còn của kẻ thích ứng nhất” có thể đến muộn. Nhưng muộn còn hơn không.