Home Tin Tức Bình Luận Tay Mơ Vào Chợ Trời - Kêu trời khi theo dõi cuộc mặc cả Nga-Mỹ

Tay Mơ Vào Chợ Trời - Kêu trời khi theo dõi cuộc mặc cả Nga-Mỹ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Hai, 09 Tháng 3 Năm 2009 01:52

Phô trương rồi loay hoay mãi, chính quyền Barack Obama cũng lại thi hành đối sách ngoại giao của chính quyền George W. Bush . Chuyện ấy thật ra chẳng có gì lạ vì lãnh đạo nào cũng phải thực hiện những mục tiêu trước mắt về quyền lợi quốc dân, trên một bàn cờ quốc tế mà luật chơi và tương quan lực lượng đã có sẵn.
Nhưng Hoa Kỳ có đạt kết quả không thì chưa ai biết, kể cả ông Obama. Một khía cạnh có thể giúp ta sớm nhìn ra kết quả là phương cách tiến hành những nước cờ đầu.
Trên một bàn cờ, mọi người bình thường đều có thể thấy ra cả trăm nước, nhưng bậc cao thủ thì biết rằng trong cả trăm nước đó của đại chúng phàm tục thì chỉ có chừng một chục nước là có giá trị. Trong số này, mỗi nước cờ lại dẫn tới một thế phản công của đối thủ, cho nên những nước hiểm hóc nhất có thể quyết định thắng bại thực sự thu gọn vào con số của một bàn tay. Diệu thủ là kẻ nhìn ra mấy nước cờ ấy để sau này còn biến hoá theo phản ứng của đối phương.

 Cựu Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, gặp gỡ Tổng thống Liên bang Nga Dmitri Medvedev.

Ngay sau khi đắc cử, Tổng thống tân cử Barack Obama đã... đưa tốt qua sông. Rất sáng!
Đấy là nhờ cậy Henry Kissinger thăm Liên bang Nga, gặp gỡ Tổng thống Dmitri Medvedev rồi kín đáo hội đàm với lãnh tụ thật của nước Nga là Thủ tướng Valdimir Putin. Chuyến đi đêm ấy của viên cựu Ngoại trưởng Cộng Hoà tất nhiên phải có sự cổ võ hoặc yểm trợ của Chính quyền đương nhiệm, của ông Bush. Kết quả ra sao, tất nhiên chúng ta không thể biết được, nếu không còn gì là tên tuổi của kẻ đi đêm Kissinger!
Thế rồi, chẳng hiểu sao, Obama bỗng đòi… chiếu tướng!
Trước tiên là tờ Kommersant tại Nga, sau đấy mới là tờ New York Times, tiết lộ rằng vào thượng tuần tháng trước, quãng mùng 10 tháng Hai, trong chuyến thăm viếng Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã cầm tay một mật thư của Obama trao cho Tổng thống Medvedev. Xin đọc lại cho kỹ: báo Nga – tất nhiên là do chính quyền kiểm soát kỹ hơn nhiều xứ khác – đã có tin ấy vì Moscow muốn tiết lộ. Sau đó mới là tờ New York Times thổi lên.
Xuyên qua tin tức được tiết lộ về mật thư hết mật này, ta được biết rằng Obama nêu ra một số đề nghị với tinh thần hợp tác với Nga về thiên hạ sự, trong đó, có hồ sơ gai góc là Hoa Kỳ sẽ ngưng thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược (ballistic missile defense BMD) nếu Liên bang Nga cản được kế hoạch chế tạo võ khí nguyên tử của Iran.
Khi chuyện tình thư một bức bị lọt ra ngoài, giới chức chính quyền Mỹ bắt đầu chữa cháy, rằng đấy chỉ là thông điệp trả lời lá thư chào mừng của Tổng thống Nga. Ấu trĩ! Thiếu gì cách cảm tạ lời mừng mà lại phải làm mật thư như vậy!
Bên trong lá thư tất nhiên đã có nội dung mặc cả, trả giá.
Tờ New York Times vừa tung tin ra thì Thứ Ba – mùng ba – Tổng thống Nga nói thẳng vào chuyện những kẻ chữa lửa cho tòa Bạch Cung.
Nhân chuyên thăm viếng Madrid, Medvedev trả lời trong cuộc họp báo bên Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, rằng việc liên hệ hai hồ sơ MBD tại Âu Châu với mối nguy nguyên tử tại Iran là không có giá trị. Nôm na là Washington vừa đề nghị ngầm thì Moscow công khai lắc đầu. Và Medvedev lắc đầu là do câu hỏi được ông cài sẵn cho báo chí tháp tùng nêu ra!
Hãy nghĩ lại về mấy nước cờ đầu: chưa biết Kissinger thăm dò địch tình được cỡ nào và đôi bên có khả năng thảo luận về những gì để đạt kết quả gì, thì vị nguyên thủ của Hoa Kỳ đã mau mắn gửi mật thư mở cuộc thương thuyết.
Sau chuyến đi đêm của Kissinger, Chính quyền Obama có rất nhiều ngả thăm dò và thực tế mặc cả với Moscow, rẻ nhất thì từ Thứ trưởng Burns tới Ngoại trưởng Hillary Clinton trong vụ gặp gỡ Ngoại trưởng Nga vào cuối tuần này. Đôi bên có thể cò kè bớt một thêm hai trước khi Tổng thống Obama gặp Medvedev vào đầu tháng tới tại Thượng đỉnh Mỹ-Nga. Khi ấy, nếu có hy vọng thoả thuận, hai người có thể thông báo chính thức. Nếu không, đôi bên sẽ còn cơ hội ngã giá tiếp.
Và lá thư của Obama phải là vật sau cùng sang sông!
Mới có vài tháng làm Nghị sĩ liên bang mà đã đòi đi tranh cử tổng thống thì dù bây giờ có cố vấn như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, Tổng trưởng Quốc phòng Robert Gates hay Đại tướng James Jones Cố vấn An ninh Quốc gia, Barack Obama vẫn là tay mơ! Y như Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Vì vậy mà mới ra quân đã đòi chiếu tướng… rồi bị chọc quê. Không sao!
Hoa Kỳ là siêu cường đã từng bầu lên lãnh tụ ngây dại – còn ai nhớ tới mái tóc Kennedy và vụ Cuba hay hàm răng Carter và vụ Iran không – nên có khi mang nhục. Nhưng không thể chết vì những trò lẩm cẩm ấy. Xứ khác lại không như vậy.
Chúng ta trở lại chuyện BMD và Iran.
***
Khi Tổng thống Medvedev – một đệ tử của Thủ tướng Putin – nói rằng không thể đổi chác chuyện BMD với Iran, ta cần nhìn ra thế cờ tay tư hay tay năm của một bàn cờ tám góc.
Từ thời Bill Clinton tới George W. Bush, Hoa Kỳ đã đẩy lá chắn của Minh ước NATO về hướng Đông, tiến sát tới cửa nhà của Liên bang Nga. Trong thời Bush, vì chiến cuộc Iraq, Hoa Kỳ đã không thể mạnh tay đối phó với cuộc phản công tất nhiên của Vladimir Putin. Khi đề nghị thiết lập hệ thống phòng thủ BMD tại Đông Âu – cụ thể là dàn radar thám báo tại Cộng hoà Tiệp và dàm hỏa tiễn tại Ba Lan – Hoa Kỳ nêu lý do là để bảo vệ Âu Châu khỏi một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Iran.
Liên bang Nga không tin điều ấy.
Một hệ thống phòng thủ có giá trị tuyệt đối thì cũng là một võ khí tấn công tuyệt đối: nếu lá chắn BMD có thể bắn hạ các hoả tiễn của Nga thì hệ thống tấn công của Nga coi như bị tê liệt, tức là không còn gì ngăn NATO tiến tới xa hơn nữa. Vì vậy, Putin đã nhân khi nước Mỹ mắc bận vì Iraq và bầu cử tấn công Georgia, rồi nhân vụ khủng hoảng tài chánh tại Mỹ mà tung đòn khí đốt để bắt bí Ukraine. Cùng với Belarus, hai xứ này sẽ trở thành chư hầu hoặc vùng trái độn bảo vệ lãnh thổ Nga. Sau khi lấn được một bước, Putin đòi Hoa Kỳ phải đình chỉ kế hoạch BMD tại Ba Lan và Cộng Hoà Tiệp, như ứng cử viên Barack Obama đã nhấp nháy hứa hẹn khi tranh cử để hốt phiếu của cánh tả phản chiến.
Sau khi đắc cử, Obama hạ quyết tâm rút quân khỏi Iraq – điều dễ vì Bush đã dọn sẵn cỗ cho nhờ chiến lược dồn quân bị cả thế giới xỉ vả – để... dồn quân vào chiến trường A Phú Hãn. Khi ấy mới chưng hửng hiểu ra rằng chiến trường này không sạch, và chính nghĩa quốc tế chỉ là chuyện tào lao. Các thành viên Âu Châu của NATO không chịu tăng viện và đường tiếp vận từ Pakistan bị tắc. Muốn tiếp vận qua các nước Cộng hoà Trung Á thì phải nói chuyện với Putin. Quả nhiên, Cộng hoà Kyrgyzstan trở giọng sau khi được Nga viện trợ nên đã cho Mỹ sáu tháng để rút khỏi căn cứ không quân Mana trong lãnh thổ xứ này.
Trong suốt giai đoạn giằng co ấy, lãnh đạo của Ba Lan và Cộng hoà Tiệp đã đi ngược quan điểm của dân chúng mà biểu quyết chấp thuận kế hoạch BMD trên lãnh thổ. Tức là đứng hẳn về phía Tây phương – dưới lá chắn của Mỹ. Với Moscow, đây là một quyết định tuyên chiến theo kiểu bạn thù phân minh.
Bây giờ, Obama định mặc cả đôi ba chuyện: muốn mượn đường tiếp vận vào A Phú Hãn và nhờ Moscow can ngăn kế hoạch nguyên tử của các Giáo chủ Tehran, tới độ quăng lá chắn BMD vào sòng bạc. Và bị lắc đầu: “chưa đắt!” Nếu muốn ngăn và ngăn được Iran thì Moscow đã làm từ lâu, nhưng mà dại gì khi Iran tiếp tục đốt nhà cho Hoa Kỳ đi chữa lửa.
Liên bang Nga biết rõ là Hoa Kỳ sẽ rảnh tay tại Iraq và gạn thêm nhiều lữ đoàn tác chiến từ đó qua chiến trường A Phú Hãn. Vài năm nữa, Mỹ có thể còn dư đơn vị tham chiến tại các nơi khác, kể cả những đơn vị sẽ bảo vệ các căn cứ BMD tại Ba Lan và Tiệp. Khi ấy, nếu có đòi bóc lá chắn của NATO tại ba nước Cộng hoà Baltic hay tại Trung Âu và Đông Âu thì sẽ gặp chuyện bất khả. Khi ấy, chuyện cần mặc cả là tương lai hay nền độc lập của Georgia và Ukraine.
Nhưng ngay trong hiện tại, Valimir Putin có cơ hội bằng vàng là sự hốt hoảng của Mỹ về A Phú Hãn và sự non trẻ của cậu bé quàng khăn đỏ trong toà Bạch Cung. Hậu quả là hai nước đồng minh mới của Hoa Kỳ là Ba Lan và Cộng hoà Tiệp sẽ ngậm ngùi về sự không đáng tin của Hoa Kỳ. Và mong chờ một Tổng thống khác, nếu chưa phải giơ cả hai thay thỏa hiệp như Ukraine hay Georgia.
Bảo sao mà thế giới không sợ nước Mỹ!(NXN)