Dược Y Sinh Y |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Chúa Nhật, 15 Tháng 3 Năm 2009 07:11 | |||
Đầu tuần này TT Obama đã ký sắc lệnh giải tỏa sự hạn chế dùng quỹ liên bang tài trợ công cuộc nghiên cứu về tế bào gốc của con người. Sự giới hạn là do Cựu TT Bush đặt ra trong suốt 8 năm cầm quyền của ông. Trước một cử tọa rất đông phần lớn là các nhà khoa học, TT Obama nhấn mạnh đến tính trung trực của khoa học. Ông nói: “Thăng tiến khoa học không phải chỉ cung cấp nguồn tài nguyên mà còn phải bảo vệ sự khảo cứu tự do và mở rộng của khoa học. Hãy để các nhà khoa học như các vị có mặt ở nơi đây hôm nay làm công việc của họ, thoát khỏi mọi sự trói buộc cưỡng ép, hãy lắng nghe những gì họ cho chúng ta biết bất cứ lúc nào. Đó cũng là phương pháp đảm bảo cho các dữ kiện khoa học không bao giờ bị bóp méo hay ém nhẹm để phục vụ cho chính trị”. Ông còn nói: “Chúng ta lấy những quyết định về khoa học căn cứ trên dữ kiện, không phải trên lý tưởng. Thay vì chỉ thúc đẩy sự khám phá, chính phủ chúng tôi muốn nhìn đến một sự lựa chọn sai lầm giữa khoa học lành mạnh và các giá trị tinh thần. Tôi có đức tin tôn giáo, tôi tin rằng chúng ta cần phải chăm sóc lẫn nhau và làm dịu nỗi đau khổ của con người”. Sự khảo cứu tế bào gốc rất quan trọng cho Y học ngày nay. Tế bào gốc là những tế bào lấy ra từ các phôi thai, kể cả những phôi thai mới thành hình được vài ngày. Tế bào là những phần tử nhỏ nhất trong cơ thể loài người. Tế bào gốc là những tế bào tiên khởi của sự sống, gọi “gốc” vì nó có nhiều tiềm năng nẩy nở thành các loại tế bào khác nhau, gồm khoảng 200 loại của các bộ phận của con người như óc, thần kinh, da, xương, thịt, tay chân, tim, phổi, gan, ruột, thận v.v …Bởi vậy Y học dùng tế bào gốc cấy được để chữa trị những bệnh nan y hay thay thế các mô thịt hoặc cơ quan trong người bị hư hại vì bệnh tật. Tế bào thuộc ngành Sinh học (Biology). Việc chữa bệnh bằng tế bào đã có tiến bộ tiên khởi rất mau lẹ từ cuối năm 2000, khiến lúc đó bà Nancy Reagan, đệ nhất phu nhân của cố TT Reagan (Cộng hòa) chết năm 2004 vì bệnh Alzheimer (mất trí nhớ trầm trọng) và tài tử điện ảnh Christopher Reeve, chết vì tai nạn gẫy xương cổ, lúc còn nằm trên gường bệnh, đã hoan nghênh kỹ thuật này. Vậy tại sao có sự cản trở công cuộc nghiên cứu tế bào gốc? Người ta lấy tế bào gốc ra từ một phôi thai khi phôi thai này bị loại bỏ vì lý do phá thai hay vì các lý do khác. Nhưng khi bị lấy tế bào, cái phôi thai non yểu đó sẽ chết luôn. Vì thế một số người bảo thủ vì đức tin tôn giáo nói đó là phạm vào đạo lý, coi như giết chết một mạng người, nên họ chống đối dữ dội. Ngày 9-8-2001 TT Bush ra sắc lệnh cấm dùng tiền quỹ liên bang để tài trợ mọi cuộc nghiên cứu, thử nghiệm tế bào gốc, trừ 21 dòng tế bào đã được phát triển từ trước năm 2001.. Ông Bush nói việc phá hoại phôi thai để phát triển tế bào gốc là một sự sai lầm về mặt đạo lý. Đây là cấm tài trợ chớ không phải cấm nghiên cứu. Tuy nhiên sự cấm này cũng làm cản trở rất nhiều cho công cuộc nghiên cứu của các khoa học gia. Các công ty và một số các nhóm khoa học gia vẫn chật vật tìm đủ mọi cách để theo đuổi công cuộc của họ. Khó khăn nhất là họ không có những phòng thí nghiệm riêng với đầy đủ dụng cụ tối tân và quy mô lớn nên vẫn phải tìm cách dựa vào các phòng thí nghiệm lớn của các Đại học viện, để lựa lúc có khoảng trống vội vã làm việc riêng, thành ra tiến triển rất chậm. Sự tranh chấp giữa hai phe bảo thủ và tự do càng ngày càng gắt gao thêm trong suốt 8 năm qua. Trong thời gian này Quốc hội Mỹ đã hai lần đưa ra dự luật cho phép liên bang tài trợ các cuộc nghiên cứu tế bào gốc, nhưng cả hai lần đều bị TT Bush phủ quyết. Chính trị vẫn nằm trên khoa học. Sáng thứ hai sau khi TT Obama ký sắc lệnh bỏ lệnh cấm tài trợ, Harold Varmus, đồng chủ tịch của Ban Cố vấn khoa học tại Bạch Ốc, cho biết TT Obama sẽ yêu cầu Nha Khoa học Kỹ thuật Phủ Tổng Thống vạch ra những đường hướng chỉ đạo phối hợp về tính chính trực của khoa học cho các cơ quan chính quyền liên hệ đến ngành này. Varmus là một khoa học gia giải Nobel hiện là Chủ tịch Trung Tâm Sloan-Kettering nghiên cứu về Ung thư tại New York. Tổng Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã bắt đầu yêu cầu các viện nghiên cứu đưa ra đề nghị trong khoảng 120 ngày sắp tới để sử dụng một ngân quỹ khoảng 10 tỷ đô-la được trích ra từ quỹ cứu nguy kinh tế. Trong khi nước Mỹ đang chuẩn bị vùng lên để đẩy mạnh các cuộc nghiên cứu về tế bào gốc, một vài nước trên thế giới đã đạt được những thành quả về mặt này từ 3 năm trước. Chẳng hạn Nhật Bản đã có phương pháp chuyển những tế bào thường thành những tế bào có tiềm năng rất mạnh chẳng khác gì tế bào gốc của phôi thai. Các tế bào đa năng chuyển hóa đó, gọi là tế bào IPS (Induced pluripotent Stem) đã được tạo ra bởi Shinya Yamanaka, một nhà Khoa học của Viện Đại học Keito tại Kyodo. Yamanaka từ Nhật bay qua Mỹ ngày 7-3 để dự kiến buổi lễ TT Obama ký sắc lệnh ngày 9-3. Ông nói ông ủng hộ quyết định của Obama. Ngoài ra lại có một em nữ sinh Trung Học Mỹ, Lauren Stanford 17 tuổi, mắc bệnh tiểu đường cấp 1 từ năm 6 tuổi. Stanford trả lời một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, nói về việc TT Obama ký lệnh hành pháp: “Cũng như Tổng Thống đã ký niềm hy vọng cho những người mắc bệnh tiểu đường hay các bệnh khác. Cháu nghĩ chữ ký đó cũng là thuốc đó, một con đường dài giúp những đứa trẻ có cuộc sống rất khó khăn cảm thấy đời vui hơn môt chút”. Những người mắc bệnh tiểu đường như em Stanford mỗi ngày nhiều lần phải tự chích thuốc có insulin vào người mới sống nổi. Tại Minnesota, các nhà khoa học đang nghiên cứu các loại tế bào tự sản xuất được chất insulin. Ông Jonathan Slaek, Giám đốc Viện “Tế bào gốc” thuộc Đại học Minnesota nói quyết định của Obama sẽ giúp các nhà khảo cứu sử dụng rất nhiều dòng tế bào, đồng thời cũng “cải thiện hình ảnh của nước Mỹ” trước cái nhìn của thế giới.. Riêng tôi nghĩ đến một bước ngoặt vô cùng quan trọng của Y học, từ thời Hippocrates, Biển Thước Hoa Đà cho đến nay. Chúng ta đã từ thời đại Dược Y (Pharmaco-Medecine) , chữa bệnh bằng thuốc bắt đầu bước qua thời đại Sinh Y (Bio-Medecine) , chữa bệnh bằng Sinh học.
|