Giai Đoạn Kinh Tế Suy Thoái Những Điều Nên và Không Nên Làm |
Tác Giả: Nguyễn Quốc Khải | |||
Thứ Năm, 16 Tháng 4 Năm 2009 06:15 | |||
• Apr 15th, 2009 GS Ann Lee đã viết một bài tham luận nhan đề “Wall Street’s House of Cards” (Căn nhà xây bằng những quân bài giấy của Wall Street) vào năm 2006 để cảnh báo chính phủ và giới tài chánh Hoa Kỳ về những rủi ro lớn liên quan đến những chứng từ tài chánh và đầu tư trị giá hàng ngàn tỉ Mỹ kim. Những chứng từ này gọi là chế phẩm của tín dụng (structured credit derivatives) được bảo đảm bằng những món nợ về nhà, xe hơi, cơ sở kinh doanh, và thẻ tín dụng. Giáo Sư Ann Lee gọi những thứ này là một loại tiền hơi nước không hơn không kém, hầu như vô giá trị. Cô đã chỉ trích mạnh mẽ rằng chúng ta đang sống ở trong một chế độ kinh tế ma quái. Chánh giới Hoa Kỳ đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo này. Việc loại bỏ thái quá một số quy luật để thả lỏng thị trường đã mời gọi sự lạm dụng và đưa đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Kinh tế suy thoái 2008 Chúng ta đương chứng kiến tình trạng kinh tế suy thoái ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới. Không nhiều thì ít, nước nào có giao dịch thương mại vượt qua biên giới quốc gia với các nước khác đều chịu ảnh hưởng. Kinh tế ở vào tình trạng suy thoái khi tổng sản phẩm quốc gia ròng nghĩa là sau khi khấu trừ ảnh hưởng lạm phát (constant GDP) giảm trong hai tam cá nguyệt liên tiếp. Trong giai đoạn này, người ta thấy nhiều công ty sa thải nhân viên, số người thất nghiệp gia tăng, mức tiêu thụ đi xuống, lãi suất và lạm phát thấp. Những nguyên nhân gây ra tình trạng kinh tế suy thoái trong năm 2008 bao gồm giá dầu tăng rất cao làm cho giá thực phẩm và mức lạm phát tăng. Thị trường tín dụng khủng hoảng vì việc cho vay tiền mua bất động sản một cách bừa bãi. Hàng triệu người mất nhà vì không trả được nợ. Số nhà bị tịch thu ngày càng tăng. Theo thống kê của RealtyTrac, 846,982 căn nhà làm thủ tục tịch thu để thế nợ trong năm 2005, 1.26 triệu trong năm 2006, và 2.2 triệu trong năm 2007. Riêng trong 6 tháng đầu của 2008 đã có 1.39 triệu căn nhà. Nhiều công ty tín dụng, ngân hàng vỡ nợ vì không bán được nhà tịch thu, kéo theo một số công ty đầu tư. Từ khu vực tài chánh, cuộc khủng hoảng lan sang khu vực tiêu thụ và sản xuất. Tình trạng khủng hoảng từ Hoa Kỳ lan sang những nước khác. Kinh tế suy thoái không có gì mới lạ cả. Thông thường khoảng vài năm kinh tế lại trải qua tình trạng trì trệ hoặc suy thoái để điều chỉnh mức cung cầu và giá cả. Khi kinh tế ở trong thời kỳ thịnh vượng, những nhà sản xuất gia tăng mức cung để đáp ứng mức tiêu thụ cao. Khi mức tiêu thụ bão hòa hay giảm xuống sẽ xảy ra thặng dư, số lượng hàng hóa tồn kho tăng, nhà sản xuất buộc phải hạ giá và buộc phải giảm mức sản xuất, máy móc sẽ hoạt động ít giờ hơn và cần ít nhân công hơn. Kinh tế bước qua giai đoạn suy giảm theo một chu kỳ thay đổi tùy theo một số yếu tố đặc thù khác như chúng ta sẽ thấy dưới đây. Lý do kinh tế suy thoái trong năm 2008 Vào tháng Tư 2008, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) đã cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng về các món nợ mua bất động sản tại Hoa Kỳ đã trở nên trầm trọng và đã tạo ra tác biến mạnh mẽ kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1939 và với mức rủi ro một phần tư, cuộc khủng hoảng tiền nợ mua bất động sản có thể đưa cả thế giới vào tình trạng suy thoái trong vòng 12 tháng. Việc cho vay tiền mua bất động sản bừa bãi (sub-prime mortgage) đã làm trên một triệu người từ 2005 đến cuối tháng Sáu, 2008 không còn khả năng trả nợ khi lãi suất thay đổi. Hậu quả là người vay mất nhà và người cho vay vỡ nợ. Sự kiện này làm đảo lộn khu vực tài chánh vào tháng Tám 2007. Thị trường tín dụng co rút lai. Cũng theo sự ước đoán của IMF, các công ty tài chánh trên thế giới sẽ bị mất khoảng $1,000 tỉ Mỹ kim. Cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến bốn lần kinh tế suy thoái. Mỗi lần có những nguyên nhân trực tiếp khác nhau đưa đến tình trạng kinh tế suy giảm. 1. Tháng Tư, 1973 – Tháng Tư, 1975 (24 tháng). Lý do: (a) Giá dầu tăng gấp 4 lần do các nước Ả Rập tẩy chay ngưng bán dầu cho Hoa Kỳ do chiến tranh tại Trung Đông; (b) Chi phí cho chiến tranh tại Việt Nam và Trung Đông. Nhiệm kỳ tổng thống: Richard Nixon (1969-1974); Gerald Ford (1974-1977). 2. Tháng Tư 1980 – Tháng 10 1982 (30 tháng). Lý do: (a) giá dầu tăng vọt do chính sách của chế độ mới lên cầm quyền tại Iran; (b) chính sách kiểm soát chặt chẽ tiền tệ và tín dụng của chính quyền Jimmy Carter (1977-1981) và sửa đổi bởi Ronald Reagan (1981-1989). Giai đoạn này đã chứng kiến nạn lạm phát tăng lên đến 12%, lãi suất của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed discount rate) và của ngân hàng tư dành cho khách hàng tin cậy (prime lending rate) lần luợt tăng lên đến 12% và 21.5%, mức cao nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ; nạn thất nghiệp 10.8%; dầu xăng khan hiếm; tổng sản phẩm nội địa ròng (real GDP) co rút lại khoảng 8% mỗi năm. Trong khi đó ngân sách quốc gia bị thâm thủng đến 66 tỉ Mỹ kim. Đây là tình trạng kinh tế trì trệ đặc thù với mức lạm phát và thất nghiệp cao, còn gọi tắt là lạm suy (stagflation) . 3. Tháng Bảy 1990 – Tháng Tư 1991 (10 tháng). Lý do: mức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghệ giảm vào đầu năm 1991. Nhiệm kỳ tổng thống: George H. W. Bush (1989-1993). 4. Tháng 4, 2000 – Tháng 10, 2001 (18 tháng). Lý do: (a) Khu vực dot-com tan vỡ; (b) Khủng hoảng của một số công ty liên quan đến kế toán; (c) Biến cố khủng bố 9/11. Nhiệm kỳ tổng thống: William J. Clinton (1993-2001) và cải tổ bởi George W. Bush (2001-2009). Làm sao đối phó với tình trạng kinh tế tụt hậu Kinh tế đi xuống có nghĩa là sa thải, thất nghiệp, lương bổng bất động hoặc còn có thể bị giảm. Tiền bạc sẽ thiếu hụt. Tình trạng kinh tế khó khăn có thể kéo dài khoảng từ một năm cho đến ba năm dựa vào lịch sử kinh tế của Hoa Kỳ từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Riêng cuộc khủng hoảng kinh hoàng nhất trong lịch sử kéo dài 10 năm (1929-1939). Tình trạng kinh tế tụt hậu hiện nay có thể kéo dài từ hai đến ba năm. Sau đây là một số biện pháp để đối phó với nó do một số những phân tách gia đề nghị: 1. Ưu tiên bảo vệ nền kinh tế địa phương. Mua hàng hóa sản xuất tại địa phương hay trong nước Mỹ tại những tiệm địa phương, chợ nông dân (farmers’ markets), nhà hàng địa phương, độc lập với những hệ thống dây truyền (chain-stores) , tự sản xuất thực phẩm như trồng rau, nuôi gà vịt. Dân Nam Dương biến tất cả những mảnh đất trống tại các đô thị thành những vườn rau hoặc các chuồng nuôi gia cầm vào các năm khủng hoảng tài chánh và kinh tế Á châu trong các năm 1997-1998. 2. Tiết kiệm tối đa, không tiêu xài hoang phí. Hoãn lại tất cả những dự trù mua sắm lớn. Gia đình tập trung dưới một mái nhà. Sử dụng phương tiện di chuyển công cộng. Bán bớt xe hơi. Chỉ giữ một điện thoại. Và hạn chế sinh đẻ. 3. Gộp những món nợ khác nhau lại. Dùng tiền từ giá trị gia tăng của căn nhà (home equity) để thanh toán món nợ gộp này. Không những lãi suất phải trả sẽ thấp hơn mà tiền lời trên món nợ mới còn có thể được trừ thuế. Nếu không làm được như vậy, hãy trang trải món nợ đắt đỏ nhất và chỉ trả tối thiểu cho những món nợ ít tốn kém hơn. Khi đã thanh toán món nợ lớn xong, hãy tiếp tục trả các món nợ nhỏ còn lại. Luôn luôn nên duy trì một thẻ tín dụng tốt để sử dụng khi cần có một số tiền trong trường hợp cấp bách. Nếu đã có quỹ tiết kiệm, nên hủy bỏ thẻ tín dụng cuối cùng. 4. Chuẩn bị một ngân sách gia đình tối thiểu để phòng ngừa trường hợp bị mất việc làm hoặc bị đau ốm. 5. Thiết lập một quỹ dự trữ cấp cứu tương đương với chi phí của sáu tháng bằng cách để dành tiền trong một trương mục tiết kiệm (savings account) hoặc thị trường tiền tệ (money market). Chúng ta có thể bắt đầu dành dụm kể từ ngày hôm nay vì không bao giờ trễ cả. 6. Mặc dầu chứng khoán còn xuống thấp nữa, hãy tiếp tục đầu tư vào trương mục 401(k) và IRA (individual retirement account). Không nên rút tiền ra khỏi quỹ hỗ tương (mutual funds) để bỏ vào cổ phần chứng khoán chỉ vì giá cổ phần chứng khoán đang đi xuống. Chúng ta không thể đoán được khi nào thị trường ở điểm thấp nhất hay cao nhất. Hãy nhắm vào kế hoạch đầu tư lâu dài. Chúng ta không thể làm những quyết định có tính cách ngắn hạn cho một dự án đầu tư dài hạn. Quá khứ cho thấy rằng trong ngắn hạn có lúc quỹ hỗ tương 401(k) lên và có lúc xuống. Nhưng xét về dài hạn, quỹ này luôn luôn có khuynh hướng đi lên. Mức lời trung bình thông thường ở trong khoảng 10-15%. Hiện nay thị trường chứng khoán ở trong thời kỳ đi xuống. Nếu sự phân tách trên đây là đúng, thị trường chứng khoán sẽ trở lại bình thường. Chúng ta nên nhớ một nguyên tắc dùng làm khuôn vàng thước ngọc là “Thấp mua vào, cao bán ra.” Hiện nay thị trường thấp, chúng ta đang mua vào. 7. Không nên phí thời giờ kiểm tra trương mục 401(k) mỗi ngày. Nếu đã phân tán tiền đầu tư vào nhiều lãnh vực khác nhau, hãy yên tâm để thị trường tự điều chỉnh và tạm quên số tiền này đi. Đây không phải là lần đầu tiên kinh tế suy giảm. Trước sau tình hình sẽ sáng sủa trở lại. 8. Gia tăng hiệu năng làm việc để bảo đảm rằng sự đóng góp của chúng ta trị giá hơn đồng lương. Ít việc làm và lương cáo là cách bảo đảm nhất để mất việc. Kinh tế suy thoái là một cơ hội ngàn vàng Kinh tế suy thoái không phải là dấu hiệu của ngày tận thế. Sau cơn mưa trời lại sáng. Không những vậy, giai đoạn suy thoái như hiện nay tạo nhiều cơ hội đầu tư có lợi. Mức lạm phát giảm vì nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ, và nhân công giảm. Đây chính là lúc dễ mặc cả để lựa chọn những giao kèo mua bán thuận lợi. Giá cổ phần chứng khoán hiện tại khá thấp dưới mức bình thường so với tiền lời trong dài hạn. Nhưng người đầu tư vẫn phải tính toán cẩn thận, nghiên cứu mọi rủi ro lớn nhỏ. Vào tháng 9, 2008, Goldman Sachs và Morgan Stanley, hai công ty đầu tư lớn cuối cùng của Hoa Kỳ, với sự chấp thuận của Quỹ Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, biến thành công ty sở hữu và quản trị nhiều ngân hàng. Goldman Sachs và Morgan Stanley nay rất giống như những ngân hàng thương mại khác phải tuân theo nhiều quy luật hơn và được đặt dưới quyền kiểm soát của một vài cơ sở của chính phủ. Chỉ vài ngày sau đó, nhà tỉ phú Warren E. Buffett của tổ hợp Berkshire Hathaway đã mua vào một số cổ phần của công ty Goldman Sachs trị giá US$5 tỉ. Trong 52 tuần lễ vừa qua, giá cổ phần của Goldman Sachs đã giảm 72.26% tính đến ngày 18-11-2008. Richard Bernstein, chiến lược gia về đầu tư của Merrill Lynch khuyên người ta nên đầu tư một cách an toàn vào trái phiếu của chinh phủ Hoa Kỳ (U.S. bonds) và thị trường chứng khoán của những nước đã phát triển và nên tránh xa những quốc gia mới nổi lên gần đây. Nhà đầu tư lớn về trái phiếu của công ty Pimco đề nghị nên đầu tư vào những khu vực được chính phủ yểm trợ. Theo ông, hiện nay những món nợ của ngân hàng là khu vực rất tốt để đầu tư. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái như hiện nay, mức sản xuất giảm, sức tiêu thụ sa sút, giá cả đi xuống, nhân công dồi dào, vật liệu rẻ. Đây là lúc những người có ngân sách dồi dào đầu tư vào việc trang bị máy móc, sửa sang phòng ốc, chiêu dụ nhân tài, và cải tiến khả năng cạnh tranh để chuẩn bị giai đoạn kinh tế phục hồi. Cái gì sẽ xảy ra trong vài năm tới Rất khó để tiên đoán chinh xác tình trạng kinh tế suy giảm hiện nay kéo dài bao lâu, trầm trọng đến mức nào. Cuộc nghiên cứu của JPMorgan trình bày một quan điểm tương đối lạc quan. Tình trạng khó khăn về tín dụng và nói chung là tiền tệ hiện nay sẽ làm cho tổng sản phẩm nội địa ròng (real GDP) giảm khoảng 2% trên căn bản hàng năm cho tam cá nguyệt cuối cùng của năm 2008 và tam cá nguyệt kế tiếp. Tuy vậy, kinh tế sẽ phục hồi trong nửa sau của 2009. Kinh tế gia trưởng Nariman Behravest của Global Insight tiên đoán kinh tế suy thoái sẽ ở mức vừa phải nhưng có một phần ba rủi ro là tình trạng trở nên khó khăn hơn thế. Theo kịch bản này, kinh tế sẽ co rút lại khoảng 1.5% - 2.0% cho cả năm 2009. Như thế có nghĩa là tình trạng kinh tế hiện nay sẽ tồi tệ như giai đoạn 1980-1982 dưới thời của Tổng Thống Jimmy Carter. Phải mất bốn năm, nạn thất nghiệp mới giảm xuống bằng mức trước khi có cuộc khủng hoảng. Một cuộc thăm dò ý kiến của 49 kinh tế gia do Bloomberg Financial Markets thực hiện và phổ biến bởi Blue Chip Economic Indicators cho thấy rằng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ giảm khoảng 0.4% trong năm 2009 so với năm 2008. Mức lạm phát đo lường bằng chỉ số giá tiêu thụ (consumer price index) sẽ vào khoảng 1.5% so với 4.2% trong năm 2008. Tỉ lệ thất nghiệp trung bình sẽ tăng lên đến khoảng 7.4% so với 6.5% vào tháng 10, 2008. Kinh tế suy thoái lần này có thể sâu rộng hơn và kéo dài hơn hai lần suy thoái trước đây vào thời kỳ 1990-1991 và 2000-2001, nhưng khó có thể trở thành lạm suy dưới thời Carter-Volcker. Kết luận Cuộc thăm dò mới nhất của National Association for Business Economics cho thấy rằng tổng sản phẩm nội địa ròng (real GDP) đã giảm xuống 2.6% trong ba tháng cuối cùng của 2008. Con số của MarketWatch là 3.6%. Trong tam cá nguyệt trước đó (Tháng 7 – Tháng 9) GDP ròng đã giảm 0.3%. Như vậy trên thực tế và theo định nghĩa, nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở trong thời kỳ suy thoái. Chính quyền Washington đã không để ý đến lời cảnh báo của GS Ann Lee. Ông Lawrence Lindsey, cựu Giám Đốc của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống George H. W. Bush, đã trả lời GS Lee rằng những nhà đầu tư, doanh nhân, và những người quy định và điều chỉnh luật lệ biết rất rõ về những rủi ro hiện hữu, kể cả những rủi ro trong thị trường tiền nợ mua bất động sản. Nhưng ông không thấy cần phải lo lắng gì cả. Ông Lindsey còn nhận xét rằng thị trường tiền nợ mua bất động sản thả lỏng vào đầu năm 2007 còn tốt hơn thị trường vào năm 1991. GS Lee viết tiếp: “Trong thị trường tài chánh, luôn luôn có những kẻ điên khùng và tham lam. Cần phải có một hệ thống kiểm chế chặt chẽ hơn thay vì trông chờ vào việc tự chế có tính cách hoàn toàn tự nguyện.” Những nhà đầu tư ngoại quốc đang mất hàng tỉ Mỹ kim vì cuộc khủng hoảng tài chánh đang tiếp diễn tại Hoa Kỳ hiện nay. Nếu những người này không còn tin tưởng vào hệ thống tài chánh của Hoa Kỳ, họ có thể sẽ chuyển đầu tư qua lãnh vực tích sản thực thể đỡ rủi ro hơn như máy móc, đất đai, và nhà cửa. Trong trường hợp tồi tệ này, Hoa Kỳ sẽ không có thể bán nợ cho những người đầu tư ngoại quốc và vì vậy thị trường sẽ phải tăng lãi suất và đẩy mức lạm phát lên cao. Sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ dựa trên dịch vụ. Khu vực này bao gồm thị trường tài chánh, chiếm 79% của tổng sản phẩm nội địa. Hoa Kỳ sẽ tự làm giảm sức mạnh kinh tế của mình nếu khu vực dịch vụ suy yếu. Kinh tế suy thoái hiện nay sẽ kéo dài sang năm 2009 nhưng hi vọng sẽ chấm dứt trước khi có cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2010. Với tỉ lệ thất nghiệp ước đoán cho năm 2009 là 7.5%. Sau cùng, người dân bình thường phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Để sửa đổi khiếm khuyết lớn lao hiện nay về một thị trường tự do quá khích và để tránh những khó khăn tái diễn trong tương lai, có hai chuyện cần làm như GS Ann Lee đã trình bày: (1) Áp đặt lại một số luật lệ cần thiết để kiểm soát khu vực tài chánh; (2) Minh bạch hóa Wall Street. Việc dễ mà có thể khó làm nếu có sự cấu kết giữa tài lực và quyền lực. Hoa Kỳ là một quốc gia có tự do báo chí tuyệt đối, vậy mà không tờ báo nào chịu đăng bài của GS Ann Lee cho tới thời gian gần đây khi thị trường bất động sản xáo trộn lớn, và tin về số nhà bị tịch thu và số công ty khai vỡ nợ xuất hiện hàng ngày trên mặt báo.
|