Home Tin Tức Bình Luận Kế hoạch săn sóc sức khỏe của TT Obama

Kế hoạch săn sóc sức khỏe của TT Obama PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD   
Thứ Hai, 20 Tháng 4 Năm 2009 22:44

Kế hoạch kích thích kinh tế của TT Obama đã được phe Dân Chủ ủng hộ nhưng các nghị sĩ Cộng Hòa không mấy bằng lòng. Và cho đến nay, kế hoạch kích thích kinh tế đó đã được quốc hội chấp thuận, nhưng con đường phục hưng kinh tế Hoa Kỳ còn đang loạng quạng lê bước trên đường dài vì nhiều trở ngại và người ta càng ngày càng khám phá ra những điều khoản bất ổn của kế hoạch. Nhiều người đã từng ủng hộ bỏ phiếu bầu cho Obama giờ này cảm thấy “hối tiếc”.

Bài này chỉ bàn về vấn đề y tế, công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân Hoa Kỳ.

Khi bàn luận để chấp nhận hay không cái kế hoạch kích thích kinh tế của Obama, các nghị sĩ Cộng Hòa đã hỏi TT. Obama là kế hoạch kích thích này có bao gồm cả tiền thuế của dân trong số tiền mặt được bồi thêm để kích thích kinh tế đi lên không?

Thật thê thảm là không một ai trong cả hai phe dân chủ và cộng hòa phản đối những điều khoản về y tế ẩn tàng trong kế hoạch mà không bàn cãi và thảo luận sâu rộng. Về sau người ta đã khám phá ra những điều khoản này nó đã có từ trước trong bản thảo viết tay của Tom Daschle khi đương sự được Obama chỉ định đứng đầu bộ Y tế [1]

Chúng ta nên coi lại những điều khoản này để biết rõ hơn vì nó rất nguy hiểm cho sức khỏe của mỗi một người chúng ta. ( Refer to H.R.1EF,pdf version).

Những luật lệ về sức khỏe trong kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến “từng cá nhân, mỗi một công dân Hoa Kỳ” ( 445, 454, 459). Bác sĩ gia đình của bạn chữa trị cho bạn sẽ phải chịu sự kiểm soát của liên bang qua hệ thống điện tử, nghĩa là hồ sơ bệnh lý của bạn phải luôn luôn hiện diện trong máy điện toán để sẵn sàng chuyển đến bệnh viện khi bạn phải vô nằm nhà thương để điều trị. Việc này thực ra rất có lợi, tránh cho bệnh viện khỏi phải làm những thử nghiệm bạn đã có rồi, đỡ tốn kém và đỡ sai lầm.

Nhưng kế hoạch đã đi quá xa. Chính phủ sẽ có một hệ thống hành chánh mới gọi là cơ quan điều hợp quốc gia về kỹ thuật thông tin sức khỏe [2] để hướng dẫn và theo dõi cách điều trị của các bác sĩ cho đúng qui luật của liên bang. Mục đích là hướng dẫn giúp các bác sĩ chọn lựa phương cách trị liệu để giảm thiểu tốn kém (442, 446). Những điều khoản này ở trong kế hoạch kích thích kinh tế giống y chang những điều mà Daschle đã ghi trong sách 2008 của ông: “Critical: What We Can Do About the Health-Care Crisis”. Như vậy, theo Daschle thì các bác sĩ từ nay không còn giữ được tính độc lập trong việc điều trị bệnh nhân mà phải học cách hành nghề ở phòng mạch cũng như ở bệnh viện theo tinh thần cộng đồng, nghĩa là không còn là một bác sĩ hành nghề tư tự do độc lập nữa.

Yêu cầu  các bác sĩ phải cập nhật hóa những kiến thức y khoa mới nhất là điều quan trọng, nhưng bắt buộc họ phải hành nghề, điều trị bệnh trạng giống nhau thì thực đã đi quá xa rồi đấy [3].

NHỮNG HÌNH PHẠT MỚI

Bệnh viện và bác sĩ nào không thi hành đúng luật lệ của hệ thống sức khỏe mới thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng thế nào là “không thi hành đúng luật” thì trong kế hoạch y tế mới không nói rõ mà lại để cho “bộ trưởng y tế toàn quyền định đoạt, ra những qui luật giới hạn khắc khe hơn tùy theo thời gian và hoàn cảnh” (511, 518, 540-541).

Vậy thì những hình phạt nào sẽ ngăn cản các bác sĩ không được đi quá giới hạn của luật lệ khi mà điều kiện của bệnh nhân trở thành bất thường và bác sĩ cần phải áp dụng phương cách trị liệu thực nghiệm, theo kinh nghiệm? Bỏ lửng không định nghĩa rõ ràng phải chăng là cố ý. Trong sách của Daschle, ông ta đã đề nghị thành lập một bộ phận với quyền hành rất rộng để đưa ra những quyết định thật “gắt gao” mà ngay cả các chinh trị gia dân cử cũng không làm được.

Ấy vậy mà kế hoạch kích thích kinh tế của Obama dám làm và gọi đó là Hội Đồng Điều Hợp Liên Bang để So Sánh Kết Quả Nghiên Cứu[4] (190-192). Mục đích -sách của Daschle diễn nghĩa– là làm chậm lại sự phát triển và sử dụng các loại thuốc và kỹ thuật mới, bởi vì những cái đó sẽ rất tốn kém. Ông ta yêu cầu dân Âu Châu hãy vui vẻ chấp nhận những “chẩn đoán bệnh một cách vô vọng” và bỏ đi không dùng những phương cách trị liệu thực nghiệm, trong khi đó ông lại trừng phạt dân Hoa Kỳ về tội trông mong quá nhiều ở hệ thống săn sóc sức khỏe.

NGƯỜI GIÀ LÀ NẠN NHẬN THIỆT THÒI NHẤT

Daschle cũng nói rằng hệ thống cải tổ việc chăm sóc sức khỏe người dân “không phải là không có đau khổ”. Những người già thì đành phải chấp nhận những điều kiện của tuổi già và không cần được chữa trị, có nghĩa là tuổi già thì phải mang cái gánh nặng khốn khổ của tuổi già.

Hiện giờ Medicare của Chinh phủ trả hết mọi chi phí trị liệu cho người già theo tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả. Nhưng theo kế hoạch kích thích kinh tế của Obama thì Medicare sẽ thay đổi và đặt tiêu chuẩn căn bản ở sự tốn kém được định đoạt bởi Hội Đồng Điều Hợp Liên Bang.[5] (464).

Hội Đồng Điều Hợp Liên Bang này rập khuôn giống như Ban Giám Đốc của Anh Quốc nói trong sách của Daschle. Ban Giám Đốc này có quyền chấp nhận hoặc từ chối phương cách trị liệu dựa theo công thức lấy số tiền tốn phí trị liệu chia cho số năm mà bệnh nhân có quyền được hưởng. Do đó chữa trị cùng một bệnh, chẳng hạn bệnh mục xương, thì những người trẻ thường dễ được chấp nhận hơn là những người già.

Năm 2006, Ban Giám Đốc Điều Hành Sức Khỏe của Anh Quốc đã ban hành một đạo luật là những người già bị võng mạc thoái hóa phải đợi đến khi mù một mắt mới được phép dùng những loại thuốc đắt tiền để chữa, cứu mắt còn lại. Tình trạng này đã gây phẫn nộ ở Anh quốc, dân chúng đã phản đối mãnh liệt và cũng phải đợi ba năm sau Ban Giám Đốc điều hành mới chịu bỏ cái điều luật đó.

NHỮNG ĐIỀU KHOẢN ẨN KÍN TRONG KẾ HOẠCH

Nếu kế hoạch kích thích kinh tế của Obama qua khỏi thượng viện với nguyên trạng như vậy thì người già ở Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu với tình trạng y hệt ở bên Anh ba năm trước đây. Những người ủng hộ kế hoạch cải tổ y tế của Obama sẽ nói là “Lúc trẻ chúng ta đã được hưởng rồi thì về già phải chấp nhận hy sinh!”  Họ đã quên rằng người già cũng là con người và họ có quyền được hưởng tất cả mọi quyền lợi của một con người tức nhân quyền, không phân biệt màu da, tiếng nói, địa phương, tôn giáo hay tuổi tác….

Kế hoạch kích thích kinh tế ảnh hưởng tất cả mọi phương diện của chương trình bảo vệ sức khỏe người dân, từ giáo dục y khoa, y tế gồm cả bác sĩ lẫn y tá đến cách thức điều trị bệnh và bệnh viện phí…. Kế hoạch đã dành cho cơ phận hành chánh chuyên kiểm soát theo dõi kế hoạch y tế săn sóc sức khỏe một ngân khoản nhiều hơn cả ngân khoản dành cho quân đội Hoa Kỳ gồm Hải Lục Không Quân cộng lại (90-92, 174-177, 181).

Những luật lệ về sức khỏe được che dấu trong kế hoạch kích thích kinh tế hẳn là một sự cố ý. Năm 1994 Daschle đã ủng hộ yểm trợ chương trình y tế của chính phủ Clinton nhưng đã thất bại sau nhiều tranh cãi và chương trình đã bị đình lại. Một năm trước đây, Daschle đã viết là vị tổng thống kế tiếp cần phải hành động thật cấp kỳ trước khi làn sóng chống đối nổi lên. Như vậy, nếu chương trình săn sóc sức khỏe người dân dính liền với ngân sách liên bang thì phải làm ngay. Đây quả là một vấn đề rất quan trọng thượng viện cần phải ngăn chặn bằng một thủ tục riêng.

CẦN PHẢI XEM XÉT NGHIÊN CỨU KỸ LƯỠNG HƠN NỮA

Ngày 6 - 2 – 2009 vì nóng lòng mong cho kế hoạch được thượng viện mau thông qua,  TT Obama đã gọi những nghị sĩ chậm trễ chấp nhận kế hoạch là những người vô trách nhiệm không thể dung thứ được. Thực ra kế hoạch này cần phải được xem xét kỹ càng, nghiên cứu cẩn thận nhiều hơn nữa.

Vấn đề chăm lo sức khỏe người dân quả là một kỹ nghệ rộng lớn nhất ở Hoa Kỳ. Một mình nó đã đóng góp 17% vào tổng sản lượng quốc gia. Tuy nhiên kế hoạch kích thích kinh tế của Obama đã biến vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân theo kiểu của các chinh phủ Âu Châu, nghĩa là thay vì làm cho cái kỹ nghệ y tế của Hoa Kỳ phát triển rộng lớn lên thì lại biến nó thành một vấn đề căn bản đặt ở sự tốn kém. Hãy tưởng tượng nếu bây giờ có người cản trở, giới hạn kỹ nghệ xe hơi hay điện tử trong lúc kinh tế xuống dốc như hiện nay thì tình trạng kinh tế sẽ thế nào? Kế hoạch kích thích của Obama quả là nguy hiểm cho chính sức khỏe của bạn và nền kinh tế Hoa Kỳ.

Chúng ta thử bàn chi tiết thêm một chút về kế hoạch cải tổ việc săn sóc sức khỏe người dân  của Obama.

Khẩu hiệu tranh cử của  Barack Obama là THAY ĐỔI. Ông nói rất hùng biện về hai chữ Thay Đổi. Nhưng không có đâu cần phải thay đổi cho bằng hệ thống chăm sóc sức khỏe  người dân. Theo như tường trình của Health Affairs thì vào năm 2017, mỗi công dân Hoa Kỳ khi tiêu dùng cứ 5 mỹ kim thì 1 mỹ kim phải chạy vào quĩ săn sóc sức khỏe.

Tốn kém như thế thì việc chăm sóc sức khỏe chắc chắn là phải có phẩm chất tuyệt vời? Buồn thay, thực tế lại “không” như vậy. Dựa vào những tiêu chuẩn để được đánh giá là có phẩm chất tốt thì hệ thống chăm sóc sức khỏe người dân Hoa Kỳ bị coi là dở. Tổ chức Commonwealth mới đây cho biết: “Hoa Kỳ được xếp hạng chót hoặc áp chót về cả 5 phương diện là: Phẩm chất, Dễ dàng (ai cũng có thể được hưởng), Hiệu quả, Công Bằng / Vô Tư, Đời sống khỏe mạnh [6]

Chi phí bừa bãi là lăng phí không thể chấp nhận được. Chi tiêu quá nhiều mà điều hành lại quá dở đang là một trở ngại trên khắp cả nước. Tất cả mọi người, ai cũng đồng ý là phải làm một cái gì để chỉnh đốn lại tình trạng hiện nay. Nhưng  phải làm cái gì đây?

Người ta đang phân vân về cái mà B. Obama có thể làm để đối phó với tình trạng khủng khoảng hiện nay. Ông tuyên bố và quả quyết kế hoạch của ông sẽ nâng cao phẩm chất, bảo đảm mọi người đều có bảo hiểm sức khỏe và lại tiết kiệm được tiền bạc cho ngân quĩ quốc gia. Nghe thì thấy dễ như ăn bánh ngọt, uống nước cam. Nhìn kỹ hơn một chút thì có lẽ ông ta đã khám phá ra được những điều mà trước kia người ta bỏ sót không làm, bây giờ ông dùng nó để gọi là gỡ rỗi cái mớ bòng bong hiện tại. Nếu chỉ là đi lượm lặt những tư tưởng rơi rớt của người khác làm ý kiến của mình, vậy thì T.T. Barack Obama đang dự tính làm cái gì đặc biệt của ông đây?

Kế hoạch săn sóc sức khỏe của Obama nhìn tổng quát thì rất hay nhưng đi vào từng chi tiết đặc biệt thì lại yếu. Ông đưa ra một chương trình tổng quát thiệt là bay bướm với  khá nhiều hứa hẹn, nhưng lại không đáp ứng được bất kỳ một chi tiết gai góc nào cả, đã làm nản chí và phật lòng cử tri đã bầu cho ông. Chúng ta thử liên kết một số điểm lại để coi xem Obama có thể làm được gì hầu thăng tiến vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân. Chúng ta có thể nhìn vào từng điểm trong kế hoạch của ông để có thể rút ra được giải đáp cho những chương trình của ông khả dĩ có thể thực hiện được.

Điểm rõ ràng và hiển nhiên nhất trong kế hoạch của Obama là ông kêu gọi, đòi hỏi chính phủ phải kiểm soát việc chăm sóc sức khỏe người dân. Theo ông, việc can thiệp của nhà nước sẽ làm tăng phẩm chất dịch vụ săn sóc sức khỏe. Như vậy rõ ràng là thăng tiến phẩm chất là mục đích chính trong việc cải tổ y tế của Obama. Và ông thực hiện những  hứa hẹn của ông. Ông tuyên bố sẽ cải tiến việc săn sóc sức khỏe bệnh nhân bằng cách yêu cầu các bác sĩ và bệnh viện phải chứng tỏ cho mọi người biết họ cung cấp dịch vụ tốt. Nhưng trong kế hoạch của ông, lệ phí bệnh nhân lại dính liền với phẩm chất của dịch vụ săn sóc. Như vậy có nghĩa là, nếu phẩm chất dở là do lỗi của bác sĩ và nhà thương.

Để hoàn thành kế hoạch này, chinh phủ phải thuê cả một đạo binh khổng lồ làm việc bàn giấy chuyên để mắt dòm ngó các bác sĩ và bệnh viện để bảo đảm dịch vụ có được phẩm chất cao. Ngược lại các bác sĩ và nhà thương cũng phải mướn một số nhân viên rất đông để thu nhặt và báo cáo các số liệu, do đó phí tổn cho cả hệ thống sẽ tăng nhiều hơn nữa. Khi những cấu trúc mới này được đưa ra thì theo nguyên tắc thông thường, luật trung dung, phẩm chất dịch vụ sức khỏe hiện thời sẽ chuyển động lên tới mức trung bình. Như vậy kết quả thật của dịch vụ săn sóc sức khỏe sẽ được cải tiến một chút ít trong khi đó phí tổn phải trả cho dịch vụ lại quá cao. Phí tổn về hành chánh hiện đang là một trở ngại chính của hệ thống y tế hiện nay của chúng ta. Theo tờ New England Journal of Medicine thì chi phí tổng quát về hành chánh cho hệ thống săn sóc sức khỏe ở Hoa Kỳ lớn gấp đôi chi phí của Canada. Nó chiếm 31% của tổng thể chi phí. Obama lý luận bài bác lại cho rằng chúng ta tăng phí tổn tổng quát sau này không chứng minh rõ ràng được là phẩm chất dịch vụ có cải tiến.

Nhưng hãy nhìn ngược lại vào chinh kế hoạch của Obama thì ta thấy Obama đã xin / dành 10 tỷ mỹ kim (10 billion) vào việc đầu tư nghiên cứu về kỹ thuật thông tin săn sóc sức khỏe trong vòng 5 năm. Ông ta ám chỉ việc này sẽ cải tiến phẩm chất và lại để dành được tiền. Thực tế có được như vậy không? Nghiên cứu do The Archives of Internal Medicine cho thấy con số liệu không như Obama ước đoán: Kỹ thuật thông tin không làm thay đổi phẩm chất của dịch vụ săn sóc sức khỏe. So sánh giữa một đàng làm hồ sơ bệnh lý bằng điện tử với một đàng không, nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về phẩm chất ở 14 phương diện, có cải tiến ở 2 phương diện, nhưng lại tệ hại hơn ở 1 phương diện. Vậy thì khó có thể chấp nhận một cách tổng thể được. Đem những phương pháp vừa tốn kém vừa chưa được kiểm chứng vào trong kế hoạch của mình là ngạo mạn và khinh xuất, chứng tỏ thiếu hiểu biết về những vấn đề ở trong tầm tay.

Kế hoạch của Obama cũng hứa hẹn tất cả mọi công dân Hoa Kỳ đều có bảo hiểm sức khỏe che chở. Khoa trương mục đích huy hoàng như vậy nhưng lại không cắt nghĩa phải trả giá cho bảo hiểm thế nào. Ông cũng tuyên bố sẽ đưa ra những giải pháp cứu nguy những công ty bảo hiểm sức khỏe bị vỡ nợ bằng cách giới hạn những mất mát do thiên tai và giảm thiểu giá mua bảo hiểm bằng cách cạnh tranh. Chúng ta thử coi đoạn sau đây được ghi trong Website của Obama:

“Kế hoạch của Obama sẽ buộc những chủ bảo hiểm phải san sẻ trả một phần hữu lý cho bảo hiểm sức khỏe của thân chủ mình thay vì giữ một số quá lố để sinh lời và gọi là để làm thủ tục hành chánh.  Cơ quan New National Health Exchange của ông sẽ giúp tăng cơ hội để các hãng bảo hiểm cạnh tranh nhau”.

KẾT LUẬN:

Tóm lại phần này của kế hoạch của Obama, ta thấy ông rõ ràng cố ý tạo ra thêm những bàn giấy hành chánh để điều chỉnh cái kỹ nghệ bảo hiểm sức khỏe. Ngôn từ ông ta dùng ở đây rất đặc biệt / lý thú. Ông nói ông sẽ BUỘC các công ty bảo hiểm phải dùng nhiều hơn nữa số tiền mà thân chủ đã đóng để mua bảo hiểm sức khỏe. Vậy thì một công ty đầu tư sinh lời sẽ đáp ứng ra sao đối với những ép buộc nặng nề đó của chính quyền liên bang?

Barack Obama nói rất nhiều về THAY ĐỔI trong khi ông vận động tranh cử. Công việc cải tổ vấn đề săn sóc sức khỏe chính là cơ hội rất thuận lợi cho ông để đem những lời nói hùng biện đó vào hành động. Nhưng buồn thay, tất cả những việc mà kế hoạch của ông đang làm đều chứng tỏ là những lời nói rỗng tuếch và tư tưởng nông cạn. Thưa TT Obama, Ngài có thực lòng khi ngài nói về hai chữ “Thay Đổi” hay không? Nếu Ngài thực tâm xin Ngài hãy chứng tỏ cho dân Hoa Kỳ một số việc cụ thể trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe người dân của ngài.

Fleming Islands , Florida. April 15, 2009

____________ _________ _________ _________ _
[1] Tom Daschle đã được TT Obama chỉ dịnh làm bộ trưởng Y Tế, nhưng đương sự phải tự rút lui vì vấn đề thuế má trong quá khứ không được sòng phẳng.
[2] The National Coordinator of Health Information Technology.
[3] Y khoa là một khoa học nhưng cũng là một nghệ thuật, cho nên phương cách điều trị cũng là một nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì người nghệ sĩ không thể bị buộc phải có cảm hứng và hành động giống nhau. Điều trị bệnh nhân còn cần phải tùy mỗi người bệnh và kinh nghiệm cá nhân của bác sĩ, nên bác sĩ A không thể có cách điều trị giống như bác sĩ B được.
[4] The Federal Coordinating Council for Comparative Effectiveness Research.
[5] The Federal Council
[6] Quality, Acces, Efficiency, Equity, and Healthy lives.