Home Tin Tức Bình Luận Cảnh đời Sài Gòn ngày nay: Điệp khúc hỗn loạn đường phố

Cảnh đời Sài Gòn ngày nay: Điệp khúc hỗn loạn đường phố PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Tiến Dũng/Người Việt   
Thứ Ba, 21 Tháng 4 Năm 2009 05:07

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai hình ảnh phổ biến: dân thì gắng sức cam chịu hết mức các vấn nạn chính trị-xã hội, còn quan thì tha hồ vô trách nhiệm.
Liền sau lúc trời mưa lớn chưa từng thấy ở Sài Gòn, cậu em họ lâu ngày không gặp của tôi bỗng ghé nhà mời tôi đi uống cà phê. Nhà tôi và nhà của cậu em đều ở khu vực bị ngập lút bởi cơn mưa đầu tuần vừa qua. Chính vì thế tôi tưởng là cậu em này ghé nhà để trốn chuyện phụ vợ con tát nước lau nhà sau cơn “đại hồng thủy.” Nhưng cậu em lại tới vì nguyên nhân khác.

Cậu nói, “Thảm thương quá anh ơi. Cái cô gái chết trên đường Âu Cơ là bạn cùng trường với con gái em. Theo anh thì cô học trò này chết vì điện giật hay là vì cái xe buýt bắn nước lên người cô. Lúc điện giật thì cô chỉ mới bị thương thôi, người ta thấy cô còn kịp quăng xe bò lên lề đường tránh dòng nước bị nhiễm điện. Ðến khi chiếc xe buýt trờ tới bắn nước tung tóe lên người cô, cô mới bị điện giật lần nữa cháy đen mà chết. Thảm thương quá anh ơi.”

Tôi không biết trả lời cậu em ra sao.

Những người biết chuyện cô gái trẻ đi dưới trời mưa bị điện giật chết lương tâm đều bị chấn động, nhưng ở Việt Nam lúc này nhiều người dù đau đớn về cái chết oan của người khác, thì rốt cuộc họ cũng chỉ còn biết hoảng hốt nhìn nhau, nhìn nhau và cầu Trời khẩn Phật sao cho bản thân mình và gia đình mình đừng rơi vào hoàn cảnh thảm thương.

Ngày 15 Tháng Tư, báo trong nước đều cho đăng tin ông giám đốc Sở Ðiện Lực Sài Gòn cho biết do sét đánh làm dây điện đứt nên rớt xuống đường ngập nước mưa, gây ra biến cố chết người. Nếu tin theo lời ông giám đốc sở điện lực thì chỉ có một người phải làm “bản kiểm điểm” là “đồng chí Thiên Lôi.”

Ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai hình ảnh phổ biến: dân thì gắng sức cam chịu hết mức các vấn nạn chính trị-xã hội, còn quan thì tha hồ vô trách nhiệm.

Những người sống ở Sài Gòn, đô thị lớn nhất Việt Nam ngày nay nếu có đọc báo đều biết rằng có vô số những tai nạn được đổ thừa do “thế lực tự nhiên” gây chết người, gây thương tật vĩnh viễn, từ hung thần xe buýt cán bừa vào người đi đường có khi còn lôi xác người một đoạn dài, rồi hố ga không nắp để đó cho người ta lọt xuống chết, rồi cây ngã, rồi dây điện đứt, rồi lô cốt...

Vậy mà mới đây, trong một buổi hội thảo về chủ đề “Không Gian Công Cộng,” nhiều quan chức, nhiều trí thức thi nhau vẽ nên viễn cảnh văn minh công cộng cho các đô thị lớn ở Việt Nam. Ðến khi có một cô gái trẻ nói gọn hơ rằng, “Thưa các ông, theo tôi thì không gian công cộng ở Việt Nam lúc này là nơi nguy hiểm còn hơn chiến tranh. Tôi sẽ rất cám ơn nếu các ông chứng minh rằng tôi sai.”

Ðể thử xác minh lời cô gái, người viết lướt qua một số tin vắn của các báo Sài Gòn trong một ngày có mưa thì đã thấy hàng loạt các sự việc như sau:

Hơn 50m rào, chiều cao 9m, bao bọc khu đất rộng 5 ha ở số 59 Ngô Tất Tố, (phường 12, Bình Thạnh) đã bị gió quật ngã trong cơn mưa chiều 16/4. Một xe gắn máy để trước nhà dân bị đè bẹp trong sự cố này. Cơn mưa kèm gió mạnh cũng làm hàng loạt rào chắn lô cốt ngã rạp. gần 200m rào chắn lô cốt trên đường Nguyễn Văn Sinh (phường Tân Ðịnh, quận 1), hơn 100m trên đường Hai Bà Trưng (góc Nguyễn Mai quận 3) đồng loạt bị ngã đổ.

Cùng thời điểm trên là hai cột điện bằng sắt trên cầu Ráp, quận Bình Thạnh bật gốc ngã rạp xuống kênh. Ðường dây điện hạ thế, hệ thống cáp viễn thông cũng nhào xuống kênh.

Khoảng 14 giờ 20 phút cùng ngày, một tiếng nổ lớn kèm theo tia lửa sáng chói phóng vào một căn nhà trên đường Ðiện Biên Phủ. Riêng tại căn nhà số 104 cùng đường Ðiện Biên Phủ sét đánh làm thủng một mãng tường lớn... Ðến chiều tối nước mưa vẫn còn ngập trên 30cm quanh các tuyến đường quận 1, quận 10.

Trên là những dẫn chứng vào một ngày Sài Gòn có mưa. Còn trong một ngày Sài Gòn nắng khô ráo thì sao?

Ngày 17 Tháng Tư, ở chốt đèn giao thông ngã ba quốc lộ 1A, đường Tô Ngọc Vân (quận 12) xe ben chở đá từ phía sau chạy đến húc vào xe tải, xe tải này húc vào xe tải khác, và xe tải bị húc lại húc vào xe tải phía trước. Tại hiện trường đầu xe ben bị dập nát, phần cabin xe thun lại. Cửa chỗ lái xe không mở được, hai chân tài xế bị kẹp cứng... Chuyện xe hút nhau dây chuyền này làm kẹt xe kéo dài nhiều giờ.

Xa hơn về hướng đông, một chuyến xe buýt từ Sài Gòn chạy về Long Khánh đã gây tai nạn làm chết ba người. Người dân chứng kiến cho biết xe buýt lấn tuyến đã tông vào hai xe gắn máy làm ba người chết tại chỗ. Sau đó xe buýt lại lao vào một chiếc xe gắn máy đi sát lề phải làm người điều khiển xe bị thương nặng và chết trên đường đi cấp cứu. Chiếc xe buýt này còn làm bị thương thêm hai người đi đường nữa.

Vậy mà khi nói riêng về chủ đề: hỗn loạn và bất an trong đời sống ở Sài Gòn hiện nay, một bỉnh bút của một tờ báo lớn phát hành ở Sài Gòn, sau khi phân tích lơ mơ hiện trạng xã hội bất an, ông này lập tức lại đòi có thêm một người “nhạc trưởng” để điều hòa tiết nhịp của “dàn nhạc giao hưởng” đường phố. Theo ông có như vậy khi xảy ra tai nạn mới hết chuyện cố gắng tránh né tối đa phần chịu trách nhiệm.

Một người chạy xe ôm, sau khi đọc bài báo, ông này đưa cho người bạn cùng nghề, chỉ vào bài báo nói với bạn, “Ông coi, bộ vơ vét như vậy chưa hả sao mà tay nhà báo này còn muốn lập thêm một chức quan, gọi quan là nhạc trưởng đường phố. Phải tay tôi đuổi cổ hết là xong.”