Home Tin Tức Bình Luận Tổng thống Obama và Thế giới: Một trật tự mới đầy ấn tượng

Tổng thống Obama và Thế giới: Một trật tự mới đầy ấn tượng PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa   
Thứ Tư, 22 Tháng 4 Năm 2009 15:42

Tổng Thống Barack Obama đã nhậm chức được ba tháng và trong chưa đầy trăm ngày ông đã tung ra nhiều sáng kiến thuộc loại “hoành tráng” với đầy ấn tượng mới lạ. Nhìn từ bên ngoài, các nước đánh giá ra sao thành quả của những đổi thay ấy?

Một thí dụ: Thứ Năm tuần trước, nhật báo Libération - thuộc khuynh hướng xã hội và tự xưng là đối lập - có bài tường thuật về cuộc họp riêng vào hôm 15 giữa Tổng Thống Nicolas Sarkozy với 24 dân biểu nghị sĩ Pháp về tình hình kinh tế và tiết lộ một số phát biểu của ông Sarkozy với cử tọa thu hẹp về các lãnh tụ ông đã gặp tại Thượng đỉnh G-20 ở Luân Ðôn.

Về tổng thống Hoa Kỳ, ông Sarkozy đánh giá là “rất thông minh và có sức lôi cuốn, nhưng mới chỉ được bầu lên từ hai tháng và chưa khi nào điều khiển một bộ.” Và “chưa hoàn toàn lên tới trình độ lấy quyết định có hiệu quả.” Một thí dụ cụ thể được tổng thống Pháp nêu ra trong nội bộ, và bị tờ báo phanh phui, là ông Obama chưa nắm vững những gì Âu Châu đã giải quyết về khí thải... “đọc diễn văn chưa đủ, còn phải hành động nữa!”

Tiết lộ của tờ báo là chuyện thanh toán chính trị nội bộ của Pháp. Nhưng nhận xét của Sarkozy về Obama thì không sai. Tổng thống Mỹ mới nhậm chức sau gần hai năm tranh cử và chuẩn bị tranh cử khi mới làm nghị sĩ có hai tháng. Tuy nhiên, trong ba tháng cầm quyền, ông Obama đã có nhiều quyết định ngoạn mục. Thực chất của các quyết định ấy là gì, người ta cần thời gian, ít ra vài ba tháng nữa mới thấy hết được.

***

Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế từ tháng 12 năm 2007, qua Tháng Chín năm sau lại bị khủng hoảng tài chánh nên sinh hoạt kinh tế sàng thêm sa sút, kéo theo nạn suy trầm toàn cầu.

Vừa nhậm chức, Tổng Thống Obama đã đưa ra hàng loạt sáng kiến vừa cấp cứu tài chánh, vừa kích thích kinh tế vừa cải tạo xã hội. Ngần ấy quyết định được ban hành chưa thực sự thấm sâu vào đời sống và gây tranh luận khá mạnh mẽ vì mục tiêu cải tạo xã hội và thay đổi cả cơ chế kinh tế lẫn tiến trình kinh doanh và thói quen sinh hoạt của người dân. Ông Obama rất thành thật cho biết là nhân vụ khủng hoảng kinh tế, ông làm cách mạng để đưa Hoa Kỳ sang hướng khác. Dân Mỹ bỏ phiếu cho ông và một quốc hội do đảng Dân Chủ nắm đa số nên mặc nhiên chọn lựa hướng đó. Hay dở ra sao thì chưa ai biết - có thấy ra thì cũng lỡ ngậm hột thị - nhưng người ta có quyền hoài nghi...

Nhìn từ bên ngoài, chuyện ấy là nội bộ của Mỹ.

Chuyện quan trọng là khi nào kinh tế Mỹ sẽ đụng đáy và kịp hồi phục để kéo thế giới ra khỏi sự đình đốn hiện tại. Nêu câu hỏi ấy, thiên hạ mới thấy giật mình là bất chấp mọi lý luận hay khẩu hiệu khen chê nước Mỹ, kinh tế Hoa Kỳ vẫn là đầu máy lớn nhất và mạnh nhất cho cả thế giới. Với số thương vụ hàng năm là 10 ngàn tỷ đô la, thị trường Mỹ là nguồn sống cho nhiều quốc gia, từ Nhật Bản tới Ðức - nghĩa là Âu Châu - hay Trung Quốc. Cách mạng hay không là chuyện của Obama, Mỹ ra chỗ sáng là mối quan tâm của các nước.

Về phạm vi ấy, bất chấp tham vọng cải tạo của Tổng Thống Obama, kinh tế Mỹ đã có vài mầm xanh và có thể đụng đáy trong quý ba (từ Tháng Bảy đến Tháng Chín này) trước khi hồi phục rất chậm và yếu ớt. Sau đó từ ba đến chín tháng, thế giới mới thấy dễ thở. Mới ban hành từ Tháng Hai, kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 787 tỷ của Obama chưa thể tác động sớm như vậy. Sự phục hồi nếu có là do hàng loạt quyết định tiền tệ của hệ thống Ngân Hàng Trung Ương từ năm ngoái, như hạ lãi suất tới xương và in tiền bơm vào các doanh nghiệp tới hơn ngàn tỷ bạc.

Và rủi ro suy sụp vẫn còn nếu các đại gia xe hơi tại Detroit sụp đổ kéo theo nhiều doanh nghiệp phù trợ kỹ nghệ xe hơi Mỹ. Một rủi ro khác là tâm lý hoang mang bất ổn của dân Mỹ khi thấy thất nghiệp vẫn tăng và chính quyền chưa khai thông được ách tắc trong hệ thống tài chánh và ngân hàng. Cả hai loại rủi ro ấy đều nằm trong tay - hay cửa miệng - của Obama: nếu hăm dọa và bắt bí dân Mỹ về nguy cơ khủng hoảng để thực hiện chương trình cách mạng của mình, Tổng Thống Obama có thể gây ra khủng hoảng về niềm tin. Làm thị trường tuột dốc, và các xứ khác thê thảm.

Dường như Obama đã hiểu chuyện đó nên bắt đầu nói nước đôi, nay xám mai hồng. Ông có tài thuyết phục tới cỡ nào, người ta chưa biết và giật mình nhớ tới nhận xét của.... ông Sarkozy.

Ngoài việc rất đáng ghét là cứ phải trông chờ vào kinh tế Hoa Kỳ, thế giới và riêng các quốc gia đang hoặc sắp gặp nạn còn trông mong vào Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Sau Thượng Ðỉnh G20, quỹ này được cấp thêm hơn 750 tỷ để vừa cấp cứu các xứ bị khủng hoảng tài chánh (Hungary, Iceland, Ukraine, Pakistan, Sri Lanka) vừa kích thích kinh tế cho các nước bị vạ lây (Ba Lan, Brazil, Nam Hàn, Mexico...) Kế hoạch châm tiền cho IMF không là sáng kiến của Obama và thực tế là một quyết định thu hẹp dần dần ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Ấn tượng và thực tế khác nhau ở đó.

***

Vừa nhậm chức, Tổng Thống Barack Obama đã định ra một ưu tiên mới về chiến lược đối ngoại: gom quân từ Iraq về giải quyết chiến trường A Phú Hãn. Vì mục tiêu đó, ông sẵn sàng hòa dịu với Liên Bang Nga và đối thoại với Iran để tìm đường tiếp vận.

Ba tháng sau, trật tự mới trong tư duy của tổng thống Mỹ bị lật ngược.

Giải quyết chuyện A Phú Hãn - một chiến trường sạch và có chính nghĩa quốc tế theo nhãn quan Obama - không là chuyện dễ với quân số không đủ gây động lượng, momentum. Chỉ có các đơn vị tác chiến Mỹ (dự trù 21 ngàn quân) được tung vào chiến trường, các thành viên Âu Châu của Minh ước NATO khéo léo thoái thác, hứa đưa vào 5.000 lính cưỡi ngựa xem hoa.

Mà dù lực lượng quân sự có đủ mạnh để xoay chuyển chính trị là hòa giải với các lãnh tụ “ôn hòa” Taliban thì lại vướng vào phản ứng chống đối của các giáo chủ Iran theo hệ phái Shia ở bên kia biên giới. Họ coi lực lượng Taliban theo hệ phái Sunni là không đội trời chung. Hoa Kỳ không thể bắt cá hai tay để giải quyết chuyện của mình nên cả hai tay chìa ra đều bị quạt ngược! Thấy các giáo chủ Tehran có vẻ lộng, tuần qua, chính quyền mới của Israel bỗng dưng bắn tiếng là có thể tấn công các căn cứ nguyên tử của Iran.

Cho nên diễn văn đầy ấn tượng “xưng tội” của Obama chưa thể đảo ngược được những xung khắc lịch sử trong thế giới Hồi Giáo.

Chuyện ưu tiên đầy bất ngờ cho chính quyền Obama chính là đối sách với Liên Bang Nga.

***

Biết được nhu cầu rất cao của Mỹ về A Phú Hãn, Moscow đã già đòn lấn tới.

Kế hoạch tái giảm võ khí chiến lược - trong giấc mơ Obamê là giải trừ võ khí nguyên tử trên toàn cầu - bị từ chối, dù là hồ sơ dễ giải quyết nhất. Trong khi ấy, cả Ukraine và Georgia đều bị khủng hoảng. Tổng thống thân Tây Phương của Ukraine là Viktor Yushchenko mất dần thực quyền trong khi xứ sở chìm vào lốc xoáy kinh tế. Tổng thống thân Tây Phương của Georgia là Mikhail Saaskashvili bắt đầu bị biểu tình đòi truất phế và hai khu vực bấp bênh tại miền Nam thì đòi tự trị. Xứ này chỉ có hơn bốn triệu dân, có Abkhazia và South Ossetia ở phía Bắc thì đã được quân đội Nga “giải phóng” từ năm ngoái.. Nay đến lượt hai địa phương tiếp giáp với xứ Turkey ở phía Nam, là Adjara và Samtskhe-Javakheti cũng sẽ đòi ly khai để... đi theo Nga.

Tại Thượng Ðỉnh NATO, Tổng Thống Obama lấy lòng dân Thổ tại Turkey và gây khó chịu cho các thành viên Âu Châu khi yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu kết nạp xứ Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia nửa Âu nửa Á đã bị Liên Âu từ chối. Bây giờ, Turkey thắng thế nên muốn bành trướng vào khu vực Caucasus, muốn hòa giải và lôi kéo một nước cựu thù và chư hầu của Nga là Armenia và củng cố ảnh hưởng với một nước Cộng hòa Trung Á là Azerbaijian. Ðâm ra, trật tự mới trong khu vực nhiễu nhương đó là trận đấu trí của Nga về Georgia và Ukraine, của Turkey về Armenia và Azerbaijian.

Trong khi ấy, một thành viên NATO là xứ Romania cũng nhân khi Moldovia có loạn nhảy vào khuynh đảo. Chế độ cộng sản tại Moldovia bị lung lay, Romania bèn lên tiếng đón nhận những ai muốn bước ra ngoài. Qua các chuyến công du tại Âu Châu và Trung Mỹ, Tổng Thống Obama khiêm nhường phát biểu rằng Hoa Kỳ chỉ là một thành viên của cộng đồng thế giới và sẵn sàng nghe ngóng học hỏi để cùng góp phần giải quyết chuyện thế giới. Các quốc gia khác đều hỷ hả với quan điểm ấy.

Và tự động giải quyết chuyện của họ làm bàn cờ Nga-Mỹ thêm rối bù!

***

Như nhiều chính khách Mỹ trong đảng Dân Chủ, ngay từ tư duy và khi tranh cử, Tổng Thống Barack Obama đã chịu ảnh hưởng của lý luận Âu Châu và chú ý tới cục diện Âu Châu. Cho nên dư luận Âu Châu đặc biệt có thiện cảm với ông. Khi nhậm chức, Obama cũng đã muốn hàn gắn những rạn nứt hai bên bờ Ðại Tây Dương và mở ra một kỷ nguyên hòa hợp khác hẳn thái độ của chính quyền tiền nhiệm.

Nhưng, đả kích ông Bush thì dễ, xưng tội của Bush để lấy lòng Âu Châu thì khó hơn, và chuyện hòa hợp Âu-Mỹ lại càng khó hơn nữa.. Quan hệ giữa các nước bị chi phối bởi nhiều yếu tố phức tạp của địa dư, lịch sử, và quyền lợi tối thượng của từng quốc gia trong từng chu kỳ tranh cử. Lập trường và thái độ của một lãnh tụ khéo nói như Obama cũng không dễ đảo lộn hoặc thay thế các yếu tố này.

Từ khi Obama nhậm chức, quan hệ giữa Âu và Mỹ chỉ có thay đổi ở bề mặt nhờ cách đấm ngực thề thốt của ông. Chìm sâu bên dưới vẫn là những mâu thuẫn hay xung đột về quyền lợi trong từng loại hồ sơ ưu tiên của từng quốc gia.

Âu Châu đang bị khủng hoảng kinh tế mà không chỉ do vụ khủng hoảng tài chánh của Mỹ gây ra. Khủng hoảng đó đã dẫn tới sự sụp đổ của nhiều chính quyền (Hungary, Cộng hòa Tiệp và Latvia), đang đe dọa nhiều chính quyền khác (Anh, Ðan Mạch, Lithuania, Estonia, Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Romania...) Ngần ấy quốc gia đều có thể trông chờ vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ, nhưng không mắc bệnh Obamê mà tin tưởng vào khả năng hay thiện chí của tổng thống Mỹ. Họ canh chừng phản ứng của Liên Bang Nga nhiều hơn là những hứa hẹn của Hoa Kỳ.

Và họ đặc biệt nghi ngại phương sách Obama là muốn hòa dịu với đối thủ mà coi thường và sẵn sàng hy sinh các đồng minh. Ðồng minh của Mỹ tại ngay sân sau của Hoa Kỳ là Mexico hay Colombia mà còn mắc nghẹn về chuyện ngoại thương lồng trong mối nguy về ma túy - trong khi nước Mỹ chỉ ồn ào nói chuyện hòa giải với Cuba hay Venezuela - thì các nước ở bên kia Ðại Tây Dương có thể mong đợi gì từ Hoa Kỳ? Nhiều phần, họ thấy là các chính quyền thân Mỹ tại Trung Âu hay Ðông Âu đều rơi rụng trước sức ép của khủng hoảng kinh tế và cuộc tổng phản công của Liên Bang Nga. Trong khi Obama cứ chăm lo cho bộ lông óng mượt của một chính quyền dễ thương!

Vì vậy, sau ba tháng nhậm chức của Tổng Thống Obama, thời sự của ba tháng tới sẽ còn gây nhiều bất ngờ. Và bẽ bàng!