Nhìn lại một thời tuổi trẻ |
Tác Giả: Nguyễn Quang Nhàn | |||
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 01:52 | |||
Chúng tôi, thế hệ tuổi trẻ Miền Nam sống trong “gông cùm Mỹ Ngụy, Đế quốc”…đã “dấn thân” và đã như thế nào, làm gì sau hơn 30 năm đất nước ”vĩnh viễn độc lập tự do”?. Xã hội Việt Nam sau hơn 30 năm qua đã trả lời cho tất cả... I. Tuổi trẻ và ý thức 1. Ai cũng có một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại. Tuổi trẻ ngày xưa lớn lên trong chiến tranh, đất nước hai miền chia cắt…khác với tuổi trẻ hôm nay sống trong bầu trời hòa bình, hai miền non nước nối liền, đang bước vào kỷ nguyên mới, nhân loại thời đại mới. Nghĩ chuyện xưa vì tuổi trẻ hôm nay. Tuổi trẻ luôn là mùa Xuân, tương lai của dân tộc, đất nước! Hơn 30 năm đã trôi qua kể từ tháng tư năm 1975, những thanh niên Miền Nam một thời tuổi trẻ với lòng dạt dào yêu nước, “yêu cách mạng”, ý thức cuộc sống của mình gắn liền với cuộc sống và tương lai của dân tộc, yêu hòa bình, độc lập, yêu cuộc sống làm người trong một đất nước độc lập, dân chủ, tự do. Những người có ý thức về lịch sử dân tộc, hơn “một nghìn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây”, luôn quý trọng, tự hào truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, đã “dấn thân”…Những người tuổi trẻ Miền Nam thời ấy (1960-1975) giờ đã bước vào tuổi nghỉ hưu và đang chuẩn bị nghỉ hưu. Từ thực tế cuộc sống xã hội-đất nước hiện tại, không ít người từng “một thời tuổi trẻ”, nếu nhìn lại, có lẽ ai cũng có nhiều trăn trở, nghĩ suy. “Những ước mơ ngàn năm nay đã tới. Đất với trời nay đã thuộc về ta” !(*) Tâm hồn tuổi trẻ đã xiết bao hân hoan mừng ngày đất nước thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, từ nay sạch bóng quân thù (!). Khát khao, ước vọng của tuổi trẻ cho cả dân tộc nay lại bắt đầu với chặn đường lịch sử mới! Tâm hồn lãng mạn của tuổi trẻ đã đi ra trong cuộc chiến tranh yêu quý vô cùng những gì đã đạt được cùng với những ước mơ, lý tưởng về một dân tộc mới trong thời đại mới! Tuổi trẻ đã có ý thức, ý chí, tri thức, nghị lực và cả tương lai trước mặt; với tâm hồn nồng nàn yêu nước, đi đầu trong dòng sống, tầm cao lịch sử, mỗi người đã có biết bao nhiêu điều mơ ước, mong muốn đem đến cho nhân dân, dân tộc, đất nước, cho mỗi con người, mỗi tâm hồn đã trải qua bao khổ đau trong chiến tranh, trong cuộc sống, trong nổi nhục “nhược tiểu”, nghèo nàn, lạc hậu …với tất cả sự cống hiến… 2. TuổI trẻ lớn lên ở trong mỗi gia đình, mỗi làng quê, mỗi phố phường, thôn xóm, trong mỗi trường học, đoàn thể trong cuộc sống xã hội đất nước chiến tranh, tùy nhân duyên cuộc sống xã hội mà mỗi con người có những số phận riêng. Lớn lên cùng một thời nhưng mỗi người lại có con đường riêng để đi vào đời. Tuổi trẻ và dân tộc! Bằng sự ý thức, tuổi trẻ chọn con đường nào? Nếu cuộc chiến tranh chống xâm lược rõ ràng thì cả dân tộc sẽ cùng đứng lên! Qua lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, dù bất cứ thời nào cũng đều có người yêu nước, bảo vệ tổ quốc và kẻ bán nước, làm tay sai cho bọn xâm lược. Cuộc chiến tranh VN đã chấm dứt hơn 30 năm qua đâu phải …dễ nhìn thấy, đâu phải mọi sự tỏ tường. Biết bao nhiêu câu hỏi cho những con người tuổi trẻ thời ấy bước chân vào cuộc đời với những chọn lựa. Nếu chỉ nghĩ đơn giản - lớn lên, ăn, học, có một bằng cấp, nghề nghiệp, đi làm kiếm tiền, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, sống cuộc sống bình thường trong xã hội thì không có gì để nói. Tuổi trẻ sống trong đất nước chiến tranh - cầm súng là điều không tránh khỏi. Đến tuổi là phải đi quân dịch, làm nghĩa vụ người công dân; phải cầm súng để chiến đấu theo mệnh lệnh của chế độ xã hội nhà nước cai trị. Với ý thức thân phận tuổi trẻ lớn lên trong chiến tranh, cuộc chiến tranh với nhiều ngôn từ nhưng trên chiến trường hai bên đều là người Việt, cùng chung một truyền thống lịch sử dân tộc, cùng một tiếng nói, cùng những niềm tự hào dù có khác nhau về chế độ chính trị xã hội. Một bên “chống cộng sản xâm lược”, một bên “chống Mỹ cứu nước”; Bên kia “bức màn sắt”, bên này “dân chủ, tự do”; Bên này quốc gia, bên kia cộng sản; Bên này thấy hiện diện quân - Mỹ, Úc, Tân tây lan, Đại hàn, Thái Lan, bên kia súng Nga, súng Tàu, Tiệp Khắc, cả hai bên đều “chiến đấu” bằng các phương tiện vũ khí, quân trang, quân dụng của ngoại bang được trang bị tận răng. Hào quang chiến thắng Điện biên phủ vẫn nức lòng tuổi trẻ; Văn hóa Mỹ, Pháp, Tây âu vẫn hấp dẫn cuộc sống con người…Tuổi trẻ Việt Nam đã lớn lên như những loài hoa mà mặt đất, bầu trời đầy bom đạn, khói lửa chiến tranh; có những mãnh đất mang cuộc sống, bộ mặt người, có những nơi cấu xé nhau như loài dã thú… Trong một đất nước cùng một lịch sử truyền thống dân tộc, địa lý bị cắt chia, bên này là “duyên” của bên kia; bên kia đã “trồng”, “cấy” được “nhân” vào bên này, có những “thuận duyên” trong mặt đất bầu trời của “thế giới tự do” (!). Cuộc chiến tranh trong một dân tộc, một đất nước ai cũng dành “chính nghĩa” về mình; ai cũng tự khoác áo cho minh vì dân, vì nước; ai cũng vì Tổ quốc Việt Nam; ai cũng tự cho mình là tốt đẹp!… 4. Việt Nam trước ngày 30/4 ấy, ba màu cờ trên 2 miền đất nước. Trên chiến trường những người tuổi trẻ VN cầm súng bắn nhau. Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại, nhiều lãng mạn, hoài vọng, ước mơ; trọng chân lý, chống bất công; yêu công bằng, tự do, độc lập, tự chủ. Nhưng trong chiến tranh, tuổi trẻ lại luôn luôn là đối tượng, một công cụ của kẻ thống trị, lãnh đạo chiến tranh…Tuổi trẻ cần có ý thức chọn lựa hay không? Muốn hay không muốn, tuổi trẻ đều phải cầm súng, trừ những kẻ đặc quyền, đặc lợi, người có trường hợp “gia cảnh”. Sự ý thức của tuổi trẻ hình thành trong những điều kiện nhân - duyên, trong một môi trường, điều kiện gia đình - xã hội nhất định. Kẻ thống trị bao giờ cũng bắt con người trong xã hội phải tuân theo trật tự xã hội với những công cụ quyền lực và luật pháp của mình thời chiến. Trung thành với tổ quốc là trung thành với chế độ (!). Tuổi trẻ Miền Nam, dù sao cũng có sự tự do của mình, tối thiểu là tự do tư tưởng, ngôn luận, có chính kiến, ý thức được vai trò công dân của mình trong xã hội… Nếu không có tự do, dân chủ, con người trở thành một công cụ của kẻ nắm quyền lực. Nhưng con người bao giờ cũng là con người có “tính bản thiện”, có ý thức, nhân bản, tự do… nên dù có dùng quyền lực - công an, mật vụ, tòa án, nhà tù để đàn áp, ép buộc cách này, cách khác, con người cũng đều vươn đến sự tự do, đấu tranh và chấp nhận hy sinh cả mạng sống để dành quyền tự do của chính mình và của cả xã hội - quyền sống làm người với đầy đủ giá trị của nó… khác với chế độ xã hội không có những quyền tự do, dân chủ ấy! Những người tuổi trẻ hai bên lao vào cuộc chiến, nếu có ý thức, ai cũng có một lòng yêu nước sắt son! Ở bên này Miền Nam những người tuổi trẻ hướng về “ngọn cờ giải phóng” họ cho là có “chính nghĩa", đi theo, gọi là “lý tưởng cách mạng” (!). Họ có biết “cách mạng” là gì? xã hội ”mùa xuân của loài người” là như thế nào !? Trong thực tế cuộc sống xã hội họ không chấp nhận xã hội Miền Nam hiện diện bóng quân xâm lược. Họ yêu quý truyền thống lịch sử dân tộc anh hùng…Họ “lợi dụng tự do, dân chủ” xuống đường đấu tranh đòi quyền sống, đòi dân chủ - dân sinh, đòi hòa bình, tự do, độc lập… Họ thao thức sống, tâm hồn đầy ắp ước mơ, không hề nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Chấp nhận hy sinh. Luôn yêu mặt trời chân lý!.. Họ là ai? Có thể nói, họ là những người tuổi trẻ VN yêu nước. Tình cảm yêu nước của tuổi trẻ luôn sáng trong, không hề bị vẫn đục. Họ là con của những gia đình lao động bình thường trong xã hội; của những gia đình “có truyền thống cách mạng” (!); con của những cán bộ công chức trong bộ máy “ngụy quyền”; con của những tướng tá “làm tay sai cho địch”; con của những gia đình tư sản, tiểu thương, tiểu chủ; con của “ngụy quân, ngụy quyền” (!), của gia đình các tầng lớp trong xã hội… Với lòng yêu nước, có lý tưởng, sống có ước mơ… họ đã đến với phong trào tuổi trẻ yêu nước. Họ là những thanh niên, sinh viên, học sinh đang ngồi trên giảng đường đại học hoặc trong những trường trung học hoặc đang lao động trong các ngành nghề xã hội…-”Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”!… Ai là người không yêu nước? Nhưng đối với những người có mục đích, ý đồ chính trị bè phái, độc quyền, họ dùng mọi thủ đoạn, sách lược để “vận động, tập hợp” mọi tầng lớp nhân dân, tuổi trẻ đi vào lò lửa chiến tranh, ”trấn áp, cô lập, phân hóa, lôi kéo, tranh thủ”… miễn sao đạt được mục đích chính trị, còn sau đó như thế nào lại là vấn đề khác. Khi “nhiệm vụ cách mạng” đã hoàn thành (!) không ít người lòng yêu nước đã bị hụt hẩng! Là một người tuổi trẻ Việt Nam yêu nước, người công dân trong xã hội họ đâu có ý thức rằng, cái “mặt trận”, cái Liên minh”, những cái lực lượng kia…”chỉ là những “tập hợp”, “đoàn kết” có tính giai đoạn, theo từng nhiệm vụ… còn con người họ cần, họ chọn lựa cho “sự nghiệp” lâu dài lại là một con người khác, con người của thành phần, của giai cấp; của những gia đình có “truyền thống”, của những người ít học để đào tạo thành một tầng lớp “tinh hoa” mới!… Tuổi trẻ với cả lòng nhiệt huyết nhưng vẫn luôn là “tuổi trẻ” nên dễ bị lừa mị, ảo tưởng theo một đường lối tuyên truyền đánh vào tâm lý, nhất là tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc (!). Nhưng vì là tuổi trẻ, đằng sau sự hy sinh cho hiện tại bằng tham gia vào cuộc chiến, tuổi trẻ còn ước mơ một đất nước VN sau này khi không còn chiến tranh, và có lẽ, không ai ngu xuẩn để chọn cho mình một ước mơ, lý tưởng phủ nhận đi chính mình, phủ nhận một xã hội có những quyền tự do, dân chủ, dù là tối thiểu để mình có quyền sống làm người, làm một công dân sống bình thường trong xã hội dân chủ, tự do… Một xã hội mình nghĩ là rất tốt đẹp, rất nhân bản, xã hội “người với người sống để yêu nhau” (!), xã hội tất cả “vì nhân dân, dân tộc, tổ quốc” (!?) …Tuổi trẻ cũng đã có những nóng vội, cả tin - tin vào tính nhân bản của con người, vào lòng yêu nước chân chính của mỗi con người VN, nhất là những người đã từng được đánh bóng, tô hồng những ánh hào quang, lại thiếu kinh nghiệm sống, nhất là chính trị nên tuổi trẻ đã bỏ ngoài tai tất cả, kể cả kinh nghiệm của những người đi trước về một xã hội “không có con người” để tham gia tranh đấu. Một cuộc chiến tranh đã huy động cả truyền thống hơn 4 nghìn năm đấu tranh giữ nước và dựng nước của dân tộc (!), nâng lên thành cả “chủ nghĩa yêu nước” (!)… Trong những điều kiện nhân - duyên ấy, tuổi trẻ vẫn là tuổi trẻ - ước mơ lớn, ảo vọng nhiều!… II. Đi qua và…nhìn lại… 1. Là con người ai cũng có một nơi chốn mình sinh ra, ai cũng có một gia đình, một tổ quốc, một quê hương - “Không ai chọn thời mà sống”. Tuổi trẻ miền Bắc những tháng ngày đất nước còn chia cắt, sau năm 1975, nếu có suy nghĩ, nhận thức lại môt thời tuổi trẻ, đất nước và chế độ… chắc sẽ có nhiều suy tư khi tiếp cận với quê hương đất nước miền Nam 20 năm sống trong thời kỳ ”Mỹ -Ngụy”. Những người trí thức của Miền Bắc “XHCN” sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn bằng chính cuộc sống của mình, để rồi, cuối đời… “nhìn lại“! Và, lịch sử rồi cũng sẽ có đánh giá đầy đủ, toàn diện chứ không phải chỉ theo một dòng con nước đen, phiến diện. Tất cả đều rất cần cho con người hôm nay và ngày mai để góp phần xây dựng Tổ Quốc VN như mỗi người tuổi trẻ VN hằng mơ ước… Chúng tôi, thế hệ tuổi trẻ Miền Nam sống trong “gông cùm Mỹ Ngụy, Đế quốc”…đã “dấn thân” và đã như thế nào, làm gì sau hơn 30 năm đất nước ”vĩnh viễn độc lập tự do”!?…Xã hội Việt Nam sau hơn 30 năm qua đã trả lời cho tất cả! Hôm nay có người đã nghĩ hưu về với cuộc sống đời thường; có người đang đương chức, giữ nhiều cương vị trong bộ máy lãnh đạo, có người nắm cả cương vị có tính quyết định vận mệnh đất nước; có người không còn nữa, đã nằm mãi trong lòng đất quê hương; có người đã sống với quê hương bao niềm hân hoan khi đất nước được hòa bình, độc lập nhưng rồi …phải rời bỏ đất nước; có người đã phải rời xa đất nước vì thành kiến, phân biệt; có người không làm việc trong bộ máy nhà nước, âm thầm làm một người dân bình thường; có người đã hăng say công tác nhưng rồi…không chấp nhận vì con đường của chế độ mới đang đi không như lý tưởng, hoài bão của một thời tuổi trẻ đã dấn thân; có người cũng cố gắng sống âm thầm làm một con người chân chính, trong sạch, có liêm sỹ, biết hổ thẹn, trọng chân lý; có người đã bộc lộ bản chất cơ hội, say mê với quyền lực, danh vọng, địa vị, lợi ích cá nhân vun vén cho riêng mình, cấu kết với bọn ma quỷ, bán rẻ lợi ích dân tộc, bờ cõi cha ông nghìn đời gìn giữ… Qua những quan hệ đối xử với con người, với dân tộc, đất nước, nhân dân trong chế độ xã hội mới hơn 30 năm qua cùng với những tiến bộ văn minh của các nước trong khu vực, thế giới và thời đại càng làm cho mỗi con người nhìn lại thấy sâu sắc hơn bản chất của chế độ xã hội, của cuộc chiến tranh đã đi qua! ”Tuổi xanh ôi khờ khạo. Mãi đi trong mộng ảo…” – Phải chăng, đã có một sự ngụy tín, lợi dụng và phản bội! Ngụy tín đối với nhân dân, dân tộc về bản chất của chiến tranh; Lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, tuổi trẻ, cả truyền thống hơn 4 nghìn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc; bản chất nhân đạo của con người Việt Nam; Phản bội lại lợi ích của nhân dân, dân tộc, đất nước vì một mục đích riêng của một tập đoàn khi nắm quyền cai trị…!? Có không “lương tâm, lương tri” thời đại? Có không quyền con người trong xã hội “tiên tiến nhất loài người” hay chỉ là những công cụ, phương tiện cho những tập đoàn vong thân, vong bản, tha hóa vì những mục đích, quyền, lợi ích riêng…! Không có người VN nào là không yêu nước nhưng vì sao cả dòng người chấp nhận sự nguy nan, chẳng thà bỏ sự sống của bản thân mình ngoài biển cả không phải trên mảnh đất quê hương yêu dấu để đi tìm một cuộc sống mong manh !? … Cái gì đem lại cho con người - xã hội Việt Nam sau cuộc chiến? Trên chiến trường xưa hai chiến tuyến những người tuổi trẻ VN cầm súng bắn nhau, đến hôm nay còn nhiều người xương tan, thịt nát vì đạn, bom rơi, vì lửa thù hận nằm ở hố hầm nào đó trên quê hương chưa được về với Mẹ Cha, vợ con, thân nhân, dòng tộc! Có những người đã nằm xuống, hàng hàng, lớp lớp được tôn vinh là những anh hùng! Có những Bà Mẹ đã mất con trong cuộc chiến được tuyên dương là những “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” còn những Bà Mẹ khác có “anh hùng” không, là gì trong một “dân tộc đất nước anh hùng”?! Có những nghĩa trang, nơi gửi xác thân những người tuổi trẻ Việt Nam nằm xuống trong chiến tranh nhưng còn bị quản lý như những nhà tù thế gian!. “Hòa hợp, hòa giải.dân tộc” bốn bên tham chiến đã ký kết trong Hiệp định Paris (1973) hầu như đã chết lặng câm từ ngày đất nước im tiếng súng!… Nhiều trai, gái hai miền lớn lên sau chiến tranh đã yêu nhau, được kết hợp thành cuộc sống gia đình hạnh phúc mà hai bên, hai họ trước đây từng là kẻ thù trên chiến trường. “Những kẻ thù xưa” nay đã “đến nhà nhau”, tay bắt mặt mừng, hân hoan bàn chuyện tương lai, “khép lại quá khứ” … nhưng trong cuộc sống chính trị - xã hội đất nước sao vẫn còn nhiều phân biệt từ trong chính sách đến cả một hệ thống loa đài, báo chí đồng nhất một giọng nói hằn sâu thêm vết đau của nhân dân, dân tộc trong những ngày kỷ niệm đất nước thương đau!? 3. Dân không cướp nước của dân! Nhân dân không bao giờ là kẻ bán nước! Nhân dân ngàn đời luôn luôn là người giữ nước và xây dựng đất nước. Nhân dân biết rõ ràng ”nước mất, nhà tan”. Ngày xưa, sống trong xã hội phong kiến, Vua là Thiên tử, dù - “được làm vua, thua làm giặc”, nhưng “Dân” vẫn “vi quý, quân vi khinh”! Kẻ khi đã làm “vua” không thể là “giặc”. Kẻ ”làm vua” không thể là kẻ cướp! Vua cũng chỉ là “con trời”, vẫn biết sợ Trời, yêu Đất; vẫn biết yêu quý nhân dân, luôn giữ gìn sơn hà, xã tắc! Đại lộ vinh quang của dân tộc không còn phải là con đường băng rừng, xuyên núi, lần mò tìm kiếm đường đi như trong những năm tháng đất nước tối đen mịt mù, nô lệ; không phải bằng mọi thủ đoạn để diệt đi lực lượng, tổ chức yêu nước của nhân dân để một mình độc quyền tôn vinh, bẻ trái dòng lịch sử đấu tranh!… Thời đại mới! Tuổi trẻ luôn là con người của thời đại trong cuộc sống dân tộc, nhân dân. Vẫn luôn là con người có ý thức dân tộc, yêu nước, lương thiện, yêu cái cao cả, trọng chân lý, sống tình nghĩa, thủy chung luôn mong muốn dân tộc, đất nước đi lên ngang tầm cao thời đại. Con đường lớn luôn là con đường nhân loại yêu thương, vì con người với tất cả quyền tự do, dân chủ, quyền con người được tôn trọng, đảm bảo trong cuộc sống xã hội - dân chủ, độc lập, tự do! Là con đường luôn vì sự vinh quang của dân tộc, hạnh phúc nhân dân, hòa bình nhân loại, chống bất cứ kẻ thù xâm lược nào để giữ gìn, dựng xây đất nước trong thời đại mới. Người đi trước luôn là kẻ mở đường và luôn chịu sự hy sinh! Nhân dân, dân tộc Việt Nam là người hy sinh lớn nhất không có bất cứ ai, bất cứ một tổ chức, đảng phái nào có thể so sánh được. Vinh quang của dân tộc luôn thuộc về nhân dân. Ai là người vì dân, vì nước lịch sử sẽ phán xét. Nhân dân hôm nay chắc chắn không phải là kẻ ngu muội, không phải là đứa con nít mới tập nói, tập đi; không phải kẻ đui mù, câm điếc chỉ có những kẻ vì quyền lực, vì lợi ích riêng, vì tiền tài, danh vọng cá nhân, tập đoàn, bè phái mới bất chấp liêm sỹ, đạo đức, truyền thống lịch sử dân tộc của cha ông dựng nước và giữ nước mới có thể đồng loã, đồng tình…
|