Bắt tay kẻ thù |
Tác Giả: Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh | |||
Thứ Năm, 23 Tháng 4 Năm 2009 15:12 | |||
Trong cuộc họp thượng đỉnh các nước Mỹ châu tại Port-Of-Spain, Trinidad, Tổng Thống Barack Obama đã nêu rõ sự bớt găng trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và nước Cộng sản Cuba và cả nước Venezuella thiên tả. Đại biểu Cuba không có mặt vì Cuba đã bị loại ra khỏi tổ chức này từ năm 1962, nhưng tuần trước Obama đã giải tỏa sự cấm đoán việc gửi tiền giúp đỡ thân nhân cũng như sự thăm viếng của những công dân Mỹ và dân gốc Cuba. Có thể Mỹ sẽ lập lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Cũng trong cuộc họp này Obama đã bắt tay niềm nở với Hugo Chavez, Tổng Thống Venezuella, khi ông này lên chào hỏi và tặng quà kỷ niệm. Chavez là người thiên tả, khi ông Bush còn cầm quyền, Tổng Thống của Venezuella, vốn thuộc loại hăng tiết vịt, đã từng lên tiếng đả kích Bush dữ dội trước Hội đồng LHQ họp ở New York. Bây giờ thấy Obama thân thiện với kẻ thù, mấy ông cực đoan trong đảng Cộng Hòa phản đối và Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện, kêu ré lên: "Làm như vậy là hợp thức hóa nó rồi!". Sự thật chẳng cần chờ đến bây giờ, Chavez đã được LHQ công nhận là Tổng Thống từ lâu rồi. Kể cả Cuba, Mỹ đã đoạn giao từ 52 năm qua, chế độ Cộng sản vẫn không chết. Một bài báo Mỹ lấy tin của AP, nêu lên tựa đề hấp dẫn: "Obama: Đưa tay ra với kẻ thù làm nước Mỹ mạnh hơn". Để nêu rõ chủ trương đặc biệt của ông về chính sách đối ngoại, Obama nói ông "tăng cường sức mạnh cánh tay của chúng ta" bằng cách với tới những kẻ thù của nước Mỹ, để cho thấy chúng ta là một nước lãnh đạo, chớ không phải ông thầy diễn giảng về dân chủ. Riêng tôi rất thích câu nói này. Từ lâu tôi vẫn nghĩ dân chủ không phải từ bên ngoài áp đặt cho một nước, dân chủ phải do chính người dân của nước đó quyết định. Đem dân chủ "dạy" cho nước đó là sai. Nhưng dân chúng ở nước đó bị đàn áp đẫm máu không thể ngóc đầu lên được thì sao? Kinh nghiệm của mấy năm gần đây đã cho thấy có nhiều cách - chớ không chỉ có một - làm sụp đổ một chế độ độc tài độc đảng. Tuần này lại có chuyện đặc biệt nữa. Đó là cuộc Hội nghị của LHQ chống nạn kỳ thị chủng tộc, họp ở Geneva. Cuộc họp này đã bị rắc rối ngay từ đầu, vì Tổng Thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, đích thân đến trong khi phần lớn các nước khác chỉ có các phái đoàn đến tham dự. Các vị trưởng phái đoàn có lệ đọc diễn văn trong buổi lễ khai mạc nên các bài diễn văn đó đều được dịch ra Anh ngữ trước để tiện bề theo dõi. Trong bài diễn văn của TT Iran có những đoạn thóa mạ Israel rất dữ dội, chẳng hạn nói Holocaust (lò hỏa thiêu của Đức quốc xã thời Thế chiến II để đốt sống dân Do Thái) là chuyện mơ hồ, đáng hoài nghi. Ahmadinejad còn tố cáo các nước Tây phương dùng chuyện Holocaust làm "cái cớ" để gây hấn chống dân Á rập Palestine. Sáng thứ ba lễ khai mạc bắt đầu, hàng loạt các đại biểu của các nước Liên Âu đã đứng dậy lũ lượt kéo nhau ra ngoài. Nhưng các đại biểu của các nước khác, kể cả đoàn đại biểu của Vatican đã ngồi lại, vì có tin Ahmadinejad đã sửa lại vào giờ chót đoạn chối bỏ Holocaust. Riêng phái đoàn Mỹ và 8 nước Âu châu khác đã tẩy chay lễ khai mạc, vào dịp đêm trước là Ngày Tưởng niệm Holocaust, nơi hơn 2 triệu người Do thái bị đốt sống, và tỏ ý quan tâm về tính vô tư công bằng của buổi họp. Trong lễ khai mạc tại Geneva có tin diễn văn của Ahmadinejad đã được sửa lại, nhưng cả LHQ và phái bộ Iran ở Geneva cũng không cho biết tại sao có thay dổi. Người ta chỉ biết Tổng Thư Ký Ban Ki-moon hôm thứ hai nói ông đã gặp TT Iran, trước khi ông này đọc diễn văn, và nhắc nhở ông ta rằng LHQ đã từng chấp thuận các nghị quyết "bác bỏ quan niệm coi chủ nghĩa Zionism (đề cao dân tộc tính Do thái) là chủ nghĩa kỳ thị sắc tộc", và xác nhận những sự kiện lịch sử kể cả vụ Holocaust. Lúc mở đầu phiên họp, cả hội trường đã nhốn nháo, vì hai người phản đối đã ném lên diễn đàn những lỗ mũi mầu đỏ, đồ trang sức quen thuộc của mấy anh hề sân khấu, khi Ahmadinejad mở đầu bài diễn văn bằng một câu tụng kinh Hồi giáo. Nhóm sinh viên gốc Do thái từ Pháp đến, nói đó là họ muốn vạch trần một sự lừa bịp. Một số người phản đối bị đuổi ra khỏi phòng họp. Thói ba hoa chính chòe của Ahmadinejad không xa lạ gì với thế giới, nhưng ông ta chọn đúng thời điểm này để ra trò cứng rắn, có thể sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực của Mỹ muốn làm bớt tình trạng đông lạnh trong mối quan hệ với Teheran. Tại Teheran trước đó một ngày, Tòa án Cách mạng đã lên án 8 năm tù một nữ ký giả 31 tuổi, Roxana Saberi, bị tố cáo làm gián điệp cho Mỹ. Nhưng qua ngày thứ ba tuần này, phát ngôn nhân Tư pháp Iran nói "bản án có thể được xét lại nếu chống án" - ý nói bản án có thể giảm. Trước đó các giới chức Mỹ nói Iran sẽ được hưởng thiện chí của Mỹ, nếu đáp ứng cụ thể điều Mỹ muốn là phóng thích nữ ký giả. Hồi đầu tháng Tư, khi Mỹ đề nghị cải thiện bang giao với Iran Ahmadinejad đã nói: "Nước Iran hoan nghênh bàn tay chìa ra của Mỹ, nhưng nó phải chân thật và phải căn cứ trên trung thực, công bằng và tôn trọng lẫn nhau". Nhưng chưa đầy một tuần sau, Ahmadinejad lại trở giọng chống Mỹ và tại Hội nghị Geneva, tuy đã bỏ đoạn nói đến Holocaust, nhưng vẫn tố cáo Israel là "kỳ thị chủng tộc". Tại sao vậy? Đó là vì đến ngày 12-6, Iran sẽ có cuộc bầu cử Tổng Thống, Ahmadinejad hết nhiệm kỳ, sẽ ra tranh cử lại. Đối thủ của ông ta là cựu Thủ tướng Mir Hossein Mousavi, một người chủ trương cải cách và ủng hộ mối quan hệ tốt hơn với Mỹ. Mousavi có hy vọng thu được nhiều phiếu của giới trẻ, chiếm 40% cử tri. Những người ủng hộ Ahmadinejad đều thuộc phe phái cực đoan, nhưng tình hình kinh tế Iran hiện nay rất khó khăn, vì nạn lạm phát và thất nghiệp lan tràn, nên phe cực đoan càng ngày càng giảm. Tuy nhiên Ahmadinejad vẫn phải tỏ ra cứng rắn để vớt vát được phần nào hay phần nấy vào giờ chót. Như vậy TT Obama chìa tay ra với cộng đồng thế giới, bạn cũng như thù,là..."hòa cả làng" chăng? Xin đừng tưởng bở. Cái chìa tay đó là thực tâm không phải giả dối, nhưng nó cũng có một ý nghĩa thật sâu sắc. Đó là Obama muốn mớm cho một chút tinh thần trách nhiệm, mỗi nước phải gánh vác lấy một phần đóng góp của mình vào việc giải quyết những khó khăn chung của thế giới, từ khủng hoảng kinh tế, môi sinh cho đến nạn binh đao mà có địa phương đang xẩy ra hay có thể sẽ xẩy ra vì bất cứ lý do gì. Nếu có mấy anh ngang bướng lấy le, không chịu thì sao? Dễ dàng thôi. Mấy anh cò con xé lẻ đó sẽ bị gạt ra ngoài sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Vận mạng sống chết ra sao, mấy anh hãy ráng chuốc lấy mối họa do chính mấy anh đã gây ra.
|