Home Tin Tức Bình Luận Mệnh lệnh từ trái tim yêu nước:

Mệnh lệnh từ trái tim yêu nước: PDF Print E-mail
Tác Giả: Vietsciences- Hồng Lê Thọ   
Thứ Năm, 28 Tháng 5 Năm 2009 13:54

28/05/2009 

 Ngày 20.5.2009, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho Trung ương, Bộ chính trị ĐCSVN, Quốc hội và Chính phủ, kêu gọi "dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm".
 
Không biết trong cuộc đời cầm quân, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp(xin gọi tắt là Đại Tướng) đã có lần nào ra cùng một mệnh lệnh đến lần thứ hai cho các vị tướng lĩnh và toàn quân chưa. Theo hồi ký của nhiều người, một lần duy nhất, Đại Tướng đã ra lệnh "kéo pháo ra" khỏi trận địa vào ngày 27/1/1954 khi vừa được kéo lên đến gần thung lũng Mường Thanh gian nan vì chiến thuât "đánh nhanh thắng nhanh" đã chuyển thành "đánh chắc thắng chắc" mặc dù chỉ còn một tuần nữa là tết Nguyên đán trở về.

Chúng ta hãy đọc lại đoạn hồi kí dưới đây của một người chiến sĩ có mặt trên trận địa kể:

"Trải qua bao nhiêu gian lao, vất vả và nguy hiểm, chiều ngày 25/1, bộ đội ta đã đưa được 4 khẩu pháo vào trận địa, số còn lại đang trên đường tiếp cận. Giờ G được hoãn lại 24 tiếng. Trong lúc bộ đội ta đang lo lắng không hoàn thành được nhiệm vụ, thì ngày 26/1 nhận được lệnh: kéo pháo ra vị trí tập kết ban đầu! thay phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" bằng phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Bao nhiêu mồ hôi, xương máu của bộ đội sau 10 ngày đêm kéo pháo đã vượt qua, đang háo hức chờ giờ phút trút hờn căm lên đầu lũ giặc cướp, thì nhận lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị lại, mọi người rất phân vân…"(HT "Kéo pháo vào, kéo pháo ra" thắng lợi)(1)

Phải thấy đây là một quyết định vô cùng khó khăn biết bao trăn trở, đòi hỏi một sự tính toán, cân nhắc dũng cảm, chấp nhận hi sinh, gian nan và vất vả của bộ đội trên chiến trường. Nhà thơ Hoàng Cầm kể lại : 

"Cái lúc mà bộ đội ta bất mãn về chuyện kéo pháo ra thì ông Giáp biết lắm. Biết tâm lý bộ đội đi chiến dịch Điện Biên đường xá vất vả, ăn uống khổ lắm. Cái lúc bộ đội gần như làm reo, bực lắm rồi, bao nhiêu công mới kéo pháo vào đến nơi, ngày hôm trước, ngày hôm sau ông bảo chuyển nó ra có uất không? Phẫn nộ lắm. Thế mà ông Giáp làm dịu được. Viết một lá thư tay nói với bộ đội như tâm sự với nhau: Thôi thì các đồng chí nên nhớ: đất nước chúng ta đánh giặc là đánh lâu dài. Chỗ nào có giặc thì ta cứ đánh thôi. Ta có kéo pháo vào thì cũng để đánh giặc, mà kéo pháo ra cũng để đánh giặc chứ không phải kéo pháo ra để đùa đâu. Dù cả bộ đội có rút khỏi Điện Biên Phủ đi nữa cũng vẫn là đánh giặc… Cánh đồng Mường Thanh lúc đó là mùa mưa, nước trong hầm có khi lên đến rốn, thỉnh thoảng trong hầm phải khoét một chỗ vào tường để còn khô mà đứng. Hôm sau nước rút được một ít, rồi lại mưa, lại dềnh lên. Nhưng chiến thắng được Điện Biên là nhờ hầm như thế đấy. …"(2)

Nhưng nếu không có cái quyết định "rút pháo" ra khỏi trận địa trong lúc chỉ chờ giờ "G" là nổ súng tấn công của Đại tướng thì Chiến dịch Điện Biên Phủ có kết thúc được trong 50 ngày đêm một cách vẻ vang hay không ? Không chỉ sức ép từ bất mãn của bộ đội, của những đợt ném bom, đạn pháo dồn dập của kẻ địch mà còn có cả chủ trương "đánh nhanh thằng nhanh" của cố vấn quân sự nước ngoài. Nhà thơ lúc ấy là bộ đội Hoàng Cầm cho biết:

"Lúc đầu khẩu hiệu của chiến dịch là: Đánh nhanh thắng nhanh. Đến giữa chừng ông Giáp thấy không thể đánh nhanh thắng nhanh được mới chuyển chiến thuật: Đánh chậm thắng chậm tức là đánh kéo dài. Ông Trần Canh(cố vấn quân sự TQ) thì ủng hộ việc đánh nhanh thắng nhanh, ý ông ấy là giục ông Giáp cứ cho pháo vào, có bao nhiêu pháo thì cho vào hết đi, thiếu thì Trung Quốc sẽ cho hết, từ pháo cho đến đạn đầy đủ. Ông Giáp không những không nghe mà còn hạ lệnh cho những pháo nào kéo vào rồi thì cứ để lại đủ cần dùng, còn lại thì kéo pháo ra. Sở dĩ chiến dịch Điện Biên Phủ vất vả vì nó phải kéo pháo vào, kéo pháo ra. Cái hôm mà có lệnh kéo pháo ra thì bộ đội chửi om lên cơ. Nó chửi kiểu nông dân, chửi vung cả lên, om sòm…"(3)

Nhờ đâu mà Đại tướng đã thành công đưa chiến dịch đến thắng lợi trọn ven ? đó là niềm tin tuyệt đối của quân đội, tướng lĩnh vào vị thống soái cầm quân trên chiến trường, vào lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ và ban chỉ huy chiến dịch. Ông Thế Trường (một chiến sĩ tham gia chiến dịch) kể lại:

 "Mồng 4 Tết Giáp Ngọ, tức ngày 6-2-1954, chúng tôi, những cán bộ từ trung đội trở lên, được vinh dự thay mặt đơn vị đến Bộ Chỉ huy Đại đoàn 351 đón và chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm bộ đội pháo binh nhân dịp đầu năm mới. Với giọng nói miền trung đầm ấm, Đại tướng chúc Tết đơn vị, động viên chúng tôi: "...Chúng ta đã thắng trận đầu là dùng sức người vận chuyển được hàng trăm tấn sắt thép vào trận địa ngay trước mũi súng địch rồi lại kéo ra nơi tập kết an toàn, bí mật. Đó là một nỗ lực phi thường...". Đại tướng phân tích sự cần thiết phải chuyển từ phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và căn dặn chúng tôi tiếp tục chuẩn bị tốt về mọi mặt để những ngày tới lại ra quân đánh thắng địch"(4).

Lệnh "rút pháo ra" của Đại tướng đã trở thành một bài học lịch sử, một nghệ thuật quân sự của cách mạng Việt nam không những trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà chắc chắn đã được vận dụng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, dẫn đến thắng lợi trọn vẹn và toàn diện. Nhưng lần nầy, đối với những dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, với kinh nghiệm đã nghiên cứu và trao đổi với chuyên gia nước ngoài trong khối Comecon vào đầu những năm 1980, Đại tướng cũng đã cho dừng lại kế hoạch nầy vì phát hiện nhiều khả năng "lợi bất cập hại". Trong lá thư đầu tiên ngày 5/1/2009 gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Đại tướng viết:

"Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ ta không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên"(5).

Cho thấy trên lĩnh vực tác chiến quân sự hay trong lĩnh vực phát triển kinh tế-công nghiệp, quan điểm "đánh chắc thắng chắc" vẫn là quan điểm đúng đắn, một thái độ cần có của người lãnh đạo. Điều nầy phản ánh trong bức thư thứ ba gửi ban Chấp hành TƯ, BCT, Chính phủ và quốc hội ngày 20/5/2009, Đại tướng nhắc lại:

 "Chủ trương khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là một vấn đề hết sức hệ trọng sẽ có tác động lớn đến môi trường sinh thái, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng và đến phát triển ổn định, bền vững của đất nước. Nhiều vấn đề mà Bộ Chính trị nêu lên cho đến nay chưa được nghiên cứu phân tích đánh giá toàn diện đầy đủ và chưa có phương án giải quyết rõ ràng, còn nhiều vấn đề bất cập. Do đó, tôi đề nghị dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, kể cả khai thác thí điểm. Nên giao cho Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tập hợp những cán bộ khoa học có liên quan tiến hành một chương trình khoa học nghiên cứu phát triển tổng thể kinh tế – xã hội ở Tây Nguyên, có tính đến quan hệ với vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, trong đó tập trung nghiên cứu vấn đề bô xít Tây Nguyên một cách đầy đủ, toàn diện những vấn đề mà Bộ Chính trị đã nêu lên."(6)

Nhìn vào những hình ảnh trên hiện trường ở Tân Rai(Lâm Đồng) và Nhân Cơ(Đắc Nông) trên Tây nguyên, chúng ta thấy dự án nầy đang được triển khai khá rầm rộ, đông đảo "chuyên gia" nước ngoài đang có mặt thì liệu chính phủ hay bộ Công thương chủ quản trực tiếp, chủ đầu tư Tập đoàn than khoáng sản VN(TKV) có đủ dũng cảm để "kéo ra" không ?

 Lời kêu gọi của vị tướng anh hùng của dân tộc có được lắng nghe và tiếp thu đầy đủ như lời hứa của Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rằng "chính phủ tiếp thu và nghiên cứu những ý kiến của Đại tướng về dự án bô-xít Tây Nguyên" trong buổi viếng thăm ngày 7/5/2009 không?

 Dù không còn tại chức, đã nghỉ hưu nhưng những gì mà Đại tướng, đã 98 tuổi, gửi đến các vị lãnh đạo cao nhất của đất nước nầy là một mệnh lệnh từ trái tim trong sáng, phát xuất từ tấm lòng yêu nước nồng nàn và ưu tư sâu lắng cho tương lai dân tộc như thế tại sao lại không được phổ biến rộng rãi cho toàn dân được biết, không được toàn thể quốc hội đang họp thảo luận triệt để đáp lại ?

Trong bài viết "Sáng mãi tấm gương Võ Văn Kiệt", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại:

 "Yêu nước không là độc quyền của riêng ai; Tổ quốc là của tất cả mọi người Việt Nam; mọi người Việt Nam đều có quyền và trách nhiệm đóng góp cho đất nước. Noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông(VVK) cho rằng đoàn kết có nghĩa là chung lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, vượt lên những sự khác biệt, kể cả sự khác nhau về chính kiến", và nhấn mạnh " Dân chủ phải trở thành một mục tiêu, một động lực quan trọng để xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh về mọi mặt; thực hiện dân chủ trong Đảng là một đòi hỏi cấp bách hàng đầu của sự nghiệp đổi mới và chỉnh đốn Đảng, là điều kiện thiết yếu để thực hiện dân chủ trong xã hội, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để đổi mới và nâng cao chất lượng toàn bộ hệ thống chính trị, để nước ta phát triển bền vững trong thế giới ngày nay. Đó cũng là con đường giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, là vũ khí sắc bén nhất trong phòng chống tham nhũng và mọi tha hoá diễn ra trong Đảng và trong xã hội"(7).

Nếu vậy thì những ý kiến của Người yêu nước, Anh cả của quân đội và là Anh hùng của dân tộc Việt nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lại càng phải được trân trọng, lắng nghe nghiêm chỉnh và phổ biến rộng rãi để tạo sự đồng thuận thực sự trong nhân dân, giáo dục lớp trẻ lòng yêu nước nồng nàn, trí dũng cảm, lòng tự hào với truyền thống kiên cường bất khuất của cha anh.

5/2009