Xâu chuỗi ngọc Hoa Lục |
Tác Giả: Trần Khải | |||
Thứ Tư, 20 Tháng 5 Năm 2009 00:26 | |||
5/19/2009 Một phần thịt da của quả đất là biển. Một phần thịt da của Việt Nam cũng là biển. Biển đã nuôi lớn, gìn giữ, cung cấp thức ăn và dưỡng chất cho nhân loại, trong đó có dân tộc Việt Nam từ nhiều ngàn năm. Bất kể những ngày biển động, khi cuồng nộ sóng thần tàn phá, nhân loại vẫn chờ kiên nhẫn, ra công hồi phục. Và khi mất biển, đó là mất đi một phần thân thể. Do vậy, biển nuôi chúng ta lớn, và cũng là nơi có thể huỷ diệt chúng ta. Ngày 8-6-2009 sắp tới sẽ là Ngày Đại Dương Thế Giới (World Oceans Day) theo quy định của Liên Hiệp Quốc. Chủ đề của ngày này năm 2009 sẽ là "Đại Dương Của Chúng Ta, Trách Nhiệm Của Chúng Ta" và sẽ được các cơ quan LHQ đón mừng bằng nhiều sự kiện, nhằm "gây ý thức toàn cầu về các thách thức hiện nay đang gặp bởi cộng đồng quốc tế đối với các đại dương". Và vì tính đa diện của nó, ý thức về biển đã được nhìn từ nhiều phương diện khác nhau, từ nhiều thành phần khác nhau, và từ nhiều vị trí quốc gia khác nhau. Từ lâu, chứ không phải bây giờ mới nghĩ tới. Hôm Thứ Năm 14-5-2009, một hội nghị quốc tế về khí hậu biến đổi họp tại Manado, Indonesia với các cấp bộ trưởng và chuyên gia từ hơn 80 quốc gia chú trọng nhiều về khoa học hơn: mực nước biển dâng cao, các luồng nước hâm nóng dần, thảm họa acid hoá, ô nhiễm, an toàn thực phẩm… Ngoại Trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton, nói trong hội nghị hôm Thứ Năm rằng thế giới phải "làm nhiều hơn để bảo vệ các đại dương của chúng ta và gìn giữ sức khỏe lâu dài của địa cầu chúng ta và nhân loại… [vì ảnh hưởng biến đổi khí hậu] có thể thấy không chỉ ở các tảng băng tan và các rạng san hô hư chết, nhưng cũng gây thiệt hại nhà cửa, giảm lương, tăng đói nghèo, xoá bỏ các cơ hội…" Chính vì biển quan trọng như thế, cho nên cuộc tranh giành tài nguyên biển là chuyện tất phải xảy ra. Trong đó, trước mắt, Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm vùng đảo Hoàng Sa, và một phần vùng đảo Trường Sa. Chiếm ngang nhiên, giữa ban ngày, với tiếng súng vang dội, với nhiều sinh mạng bị bắn ngã - như thế, hải quân Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988. Cho nên, không ngạc nhiên gì, khi Ấn Độ lúc nào cũng ngờ vực về "âm mưu biển" của Trung Quốc. Đó cũng là lý do, Ấn Độ không muốn TQ đưa ảnh hưởng vào Ấn Độ Dương, vì chỉ riêng một bá quyền ở Thái Bình Dương là cũng đủ làm thế giới mệt mỏi rồi, huống gì lại vươn tay thật xa như thế. Nhưng lòng tham của Bắc Kinh thì vô hạn, và không có cách nào che giấu nổi. Báo Times of India hôm 23-4-2009 với bản tin nhan đề "China hits out at India's decision on naval symposium" (TQ Chỉ Trích Quyết Định Của Ấn Độ về Hội Nghị Hải Quân) ngay các đoạn đầu đã cho thấy: "Ấn Độ nghi ngờ về sức tăng kinh tế của TQ, theo một tờ báo thân cận với Đảng CSTQ viết trong một bài quan điểm. Báo này có tên Global Times nhận định như thế trong khi bàn về quyết định của chính phủ New Delhi khi không cho Trung Quốc tham dự Indian Ocean Naval Symposium năm nay. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ chỉ đơn giản lo sợ rằng TQ có thể "can thiệp" vào vùng ảnh hưởng của Ấn tại Ấn Độ Dương, theo báo này…" Đó là ngôn ngữ của nhà nước Trung Quốc về hội nghị cấp Tư Lệnh Hải Quân của 33 quốc gia có liên hệ quyền lợi vùng Ấn Độ Dương hồi tháng 2-2009. Vậy rồi Ấn Độ suy nghĩ ra sao. Trang web Quốc Phòng Ấn Độ nói rằng: "…Bộ Ngoại Giao Ấn Độ từ chối lời yêu cầu của TQ [xin dự hội nghị]… nói rằng không có hợp lý nào để liên hệ TQ với Ấn Độ Dương… Với tình hình tham vọng dài hạn của TQ là đối đầu ảnh hưởng Ấn Độ trong An Độ Dương, Bộ Ngoại Giao Ấn nói không hợp lý chiến lược nào để TQ gia nhập hội nghị IONS…" Câu hỏi để Việt Nam suy nghĩ: nếu Trung Quốc có tham vọng vào Ấn Độ Dương, đã dám kình với ảnh hưởng nước khổng lồ Ấn Độ, thì không lẽ bỏ qua các đảo vùng Thái Bình Dương, nơi từ lâu được xem là ao nhà Hoa Lục và đã nhiều lần TQ trực diện kình chống với hải quân Mỹ? Như thế, Hoàng Sa, Trường Sa chắc chắn là không thể nào ngoài vòng ảnh hưởng TQ, và như đã thấy, bây giờ đang trở thành một vòng đai thép đại dương để "thiết toả Thái Bình Dương". Hải quân Ấn Độ không gọi đó là vòng khoá sắt Trung Quốc, mà gọi một cách thơ mộng kiểu đạo học là "xâu chuỗi ngọc Trung Quốc". Báo India Express trong số ngày 15-5-2009 với bản tin đã nêu rõ lo ngại này ngay ở nhan đề "Port in China's 'String of Pearls' worries India" (Một Hải Cảng Trong 'Xâu Chuỗi Ngọc' của TQ Làm Ấn Độ Lo Ngại), viết: "Mối lo ngại lớn đối với chính phủ Ấn Độ là quan hệ quyền lợi của Trung Quốc tại hải cảng Gwadar của Pakistan. TQ nói là chỉ quan tâm về thương mại ở cảng này để giúp biến đổi kinh tế của tỉnh Tân Cương, nơi vây quanh là đất và chưa phát triển của TQ. Tuy nhiên, hải cảng này có tầm vóc lớn hơn trong chiến lược TQ. Đây được gọi là "viên ngọc" phía Tây trong chiến lượng "Xâu Chuỗi Ngọc" của Trung Quốc, trong đó hình dung ra việc thiết lập quan hệ chiến lược với nhiều quốc gia dọc các tuyến hàng hải từ Trung Đông tới Biển Nam Trung Hoa (tức, Biển Đông, theo cách VN gọi). Mục đích: bảo vệ quyền lợi năng lượng của TQ và các mục tiêu an ninh khác. Không ngạc nhiên gì, việc xây cảng Gwadar và hợp tác giữa TQ-Pakistan trong dự án [xây cảng] này đã gây lo ngại không chỉ cho Ấn Độ, mà cũng cho Mỹ và Iran. Nó làm mạnh mẽ cảm giác của Ấn Độ về "vòng phong toả" bởi TQ. Các "viên ngọc khác" là các cảng hải quân ở Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt và Biển Nam Trung Hoa. Cảng Gwadar sẽ cho phép TQ "theo dõi các hoạt động hải quân của Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Các hoạt động hải quân An Độ ở biển Ả Rập, và các hợp tác hàng hải tương lai giữa Mỹ-Ấn trong Đại Tây Dương… Tình hình đã báo động hải quân Ấn, và binh chủng này đã loan báo kế hoạch làm các hàng không mẫu hạm và các tàu ngầm nguyên tử trong thập niên tới…" Biển đầy sóng gió như thế. Không chỉ là chuyện ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc nổ súng, hay chuyện ngư dân Việt bị tàu TQ bắt về đảo Hải Nam đòi xử phạt… mà còn, như Ấn Độ nói từ xa, là chuyện mẫu hạm và chuyện tàu ngầm nguyên tử. Nếu TQ không sợ gì Mỹ và Ấn, thì Việt Nam sẽ nằm ở khoé mắt nào của đàn anh TQ? Đó là chỗ để suy nghĩ và chuẩn bị. Điều chúng ta lo sợ có khi là nằm ngay ở Hà Nội. Thực sự, có lãnh đạo Hà Nội nào đã bị Trung Quốc mua chuộc hay không? Đó là một độc chiêu dễ sử dụng, cho dù ngay tại Mỹ. Bộ Tư Pháp Mỹ tuần này đã truy tố James Wilbur Fondren, Phó Giám Đốc Văn Phòng Washington của Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, về tội bán bí mật quốc gia cho Trung Quốc trong gần 4 năm. Trung Tá 62 tuổi này của Mỹ đã bị cho "nghỉ việc tạm từ tháng 2-2008" trong khi chờ điều tra, và mới truy tố tuần này. Nếu tình báo TQ có thể móc nối một cấp cao Hoa Kỳ như thế, thì cán bộ Hà Nội cũng không khó bị mua chuộc. Thế nên, các diễn biến kỳ lạ về hồ sơ biển, đảo và bauxite Tây Nguyên có thể làm chúng ta ngờ vực về bàn tay tình báo TQ tại Hà Nội. Có ai trong chính phủ CSVN sửa soạn hiến tặng một cảng nào của VN để TQ đưa vào Xâu Chuỗi Ngọc kia hay không? Đáng ngờ vực lắm. Nhân Ngày Đạị Dương, cần suy nghĩ thêm về xâu chuỗi này vậy.
|