Sợ dân PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phan   
Thứ Sáu, 05 Tháng 6 Năm 2009 23:34

“Tôi tin tưởng một cách không gì lay chuyển nổi là mọi con người ao ước một số điều: khả năng nói lên được những gì mình nghĩ và có tiếng nói về phương cách mình bị cai trị, tin tưởng vào chế độ pháp trị và bình đẳng trong việc thi hành công lý, một chính phủ trong sạch và không ăn cắp của dân, tự do sống theo lựa chọn của mình. Ðây không phải chỉ là những tư tưởng của Hoa Kỳ. Ðây là quyền con người... Những chính quyền bảo vệ những quyền này sau cùng ổn định hơn, thành công hơn và an toàn hơn. Ðàn áp tư tưởng không bao giờ thành công trong việc tiêu diệt nó... Chính quyền của dân và do dân đặt ra một tiêu chuẩn cho ai muốn nắm giữ quyền hành. Rằng họ chỉ có thể duy trì quyền lực qua sự đồng thuận, không phải ép buộc. Rằng họ phải tôn trọng quyền của thiểu số và tham dự với một tinh thần dung nhượng và dung hòa. Rằng họ phải đặt quyền lợi của nhân dân và hoạt động chính đáng của tiến trình chính trị lên trên đảng của mình. Không có những yếu tố đó, bầu cử không không tạo nên một nền dân chủ thực sự,” Tổng thống Barack Obama khẳng định tại viện Ðại Học Cairo.

Trong khi tổng thống đang nói lên những nguyên lý bất diệt đó thì ở nửa bên kia của địa cầu, chính quyền Trung Quốc đang cố tìm cách phủ nhận nguyên lý đó, nhưng cũng đồng thời chứng minh cho thấy một chính quyền không thực hiện được những nguyên lý đó luôn luôn lo sợ chính nhân dân mình.

Cách đây 20 năm, sinh viên, thanh niên, trí thức, công nhân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình hoàn toàn bất bạo động, kéo dài suốt từ khi ông Hồ Diệu Bang, cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc qua đời vào ngày 15 Tháng Tư cho đến đêm ngày 3 rạng ngày 4 Tháng Sáu năm 1989. Cái chết của ông Hồ Diệu Bang, lãnh tụ đã bị buộc phải từ chức vì ông đã dám công khai ủng hộ cho dân chủ, đã khiến nhiều ngàn người, đại đa số là thanh niên, tụ tập ở quảng trường Thiên An Môn để tang và bày tỏ sự ủng hộ cho chính kiến của ông. Chính quyền càng cấm đoán thì thanh niên càng hăng say. Cuộc biểu tình ngày càng lan ra trên toàn quốc, đầu tiên là ở các trường đại học, sau đến các thành phố lớn nhỏ. Ngay một thị trấn nhỏ ở sát với sa mạc Gobi cũng đã có những cuộc biểu tình đòi dân chủ. Thống kê của báo chí Trung Quốc, lúc đó lần đầu tiên được tự do, cho biết có trên 400 thành phố có các cuộc biểu tình của sinh viên và công nhân.

Ở một quốc gia dân chủ, chính quyền sẽ tìm cách đối thoại với những người biểu tình. Có thể có đụng độ, có thể có xô xát, nhưng rồi nếu nguyện vọng của họ là nguyện vọng của toàn dân thì chính phủ đó sẽ bị tống ra khỏi vị thế quyền lực và một chính phủ khác lên thay, sẽ cảm thấy cần nghe tiếng nói của cử tri hơn. Nhưng ở chế độ độc tài độc đảng như ở Trung Quốc thì phản ứng của chính quyền là lo sợ. Họ sợ mất quyền kiểm soát, họ sợ mất quyền hành, họ sợ bị lật đổ. Và vì sợ họ họp nhau lại để lập kế đàn áp. Một người nữa trong nhóm họ, Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương, không đồng ý, muốn cởi mở theo yêu cầu của các người biểu tình, liền bị họ cách chức và quản thúc tại gia.

Những gì sau đó đã trở thành lịch sử. Một vụ thảm sát xảy ra, nếu không ở chính quảng trường Thiên An Môn thì cũng trong thành phố Bắc Kinh. Người dân Bắc Kinh, bất bình trước cảnh binh sĩ súng ống đầy đủ, thiết vận xa, chiến xa, tấn công những thanh niên tay không tấc sắt, đã nổi giận. Họ lập rào cản và ném đá vào những đoàn quân xa. Những quân nhân trẻ, sợ hãi, được lệnh cấp trên cứ bắn, đã bắn thẳng vào đám đông. Số người chết, bị thương hẳn không nhỏ. Hội Hồng Thập Tự Trung Quốc, ngay sau cuộc thảm sát, loan báo 2,600 người thiệt mạng. Nhưng sau đó họ đã chối bảo chưa từng nói vậy và chính quyền nói chỉ có 241 người tử vong kể cả binh sĩ và 7,000 người bị thương. Những con số này thật khó tin ngay cả đối với dân chúng Bắc Kinh lúc đó đã chứng kiến sự thật. Ngoài số bị thảm sát, một số không biết bao nhiêu người bị đi tù, nhiều trăm người khác phải bỏ nước đi lưu vong.

Ðó là chuyện 20 năm trước. Suốt từ lúc đó chính quyền từ chối công nhận là vụ này đã xảy ra. Một trang sử đẫm máu đã bị xóa bỏ, mặc dầu nhân chứng còn đó, hình ảnh còn đó.

Nhưng Trung Quốc ngày nay đã khác hẳn Trung Quốc lúc đó. Ðây là một quốc gia đang muốn trở thành cường quốc của thế giới, đang muốn tìm cách thay thế Hoa Kỳ và đang tự hào là thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của Trung Quốc. Nhưng đây cũng là quốc gia mà nhà cầm quyền từ chối đối diện với sự thật.

John Simpson, một nhà báo của đài BBC, đã tường thuật về vụ Thiên An Môn đã rất đúng khi nhận xét, “Có một sự thiếu tự tin, một sự lo lắng, ở tâm điểm của một chế độ mà ở mọi phương diện khác đã thành công vượt bực về kỹ nghệ, kinh tế và ngay cả xã hội nữa.” Và sở dĩ như vậy theo Simpson chính là vì giới lãnh đạo vẫn còn bị ám ảnh bởi những điều mà anh thấy cách đây 20 năm, “Khi tôi rời Bắc Kinh vào Tháng Sáu năm 1989, tôi đã phải đi qua các con hẻm để tránh quân đội đặt trạm canh ở khắp các đại lộ. Và nhiều lần tôi thấy đồn công an, đồn cảnh sát và trụ sở của đảng Cộng sản bị tàn phá thành đống gạch vụn hay thiêu rụi. Một lần tôi thấy thi thể của một người cảnh sát được đặt trong chiếc xe đã bị đốt. Một người nào đó đã để vào miệng xác chết một điếu thuốc và đội nghiêng cái nón cảnh sát của anh ta. Những cảnh như vậy đã ám ảnh đảng Cộng Sản Trung Quốc từ đó đến nay.”

Và ám ảnh đó đã trở thành một mặc cảm sợ hãi. Khi John xin chiếu khán về lại Bắc Kinh để tường thuật về vụ kỷ niệm 20 năm, anh đã bị từ chối. Sợ quá đến nỗi chính quyền cho đóng cửa quảng trường. Các nhà báo ngoại quốc tìm đến tường thuật quang cảnh không được cho vào, và khi họ định tường thuật ở bên lề quảng trường, công an chìm dùng ô dù che không cho họ quay phim, chụp hình. Trong khi đó những người có dính líu đến vụ Thiên An Môn vẫn tiếp tục bị theo dõi, đàn áp, sách nhiễu một cách nhỏ mọn, và bị tước quyền sinh sống. Một người trong đám họ, một thầy giáo, sau khi bị tù bốn năm, trở về đi dạy học, đã bị đuổi khỏi 17 trường trong 16 năm qua. Chính John Simpson đã phải than, “Thật xấu hổ khi nhiều viên chức thông minh, học lực cao, những người mà có lẽ rất có cảm tình với các sinh viên, đã tìm cách làm nhẹ gọi vụ đó là ‘một sự cố’ hay chối bỏ luôn nói chuyện đã không xảy ra.”

Như Tổng Thống Obama đã nói, chính quyền bảo vệ nhân quyền và dân quyền về lâu về dài sẽ bền vững và phồn vinh hơn. Chân lý đó không biết bao giờ các chế độ độc tài mới hiểu.